Perth, 10/02/2011
Thưa thầy,
Con có câu hỏi xin thầy giải nghi cho. Có khi con thấy tâm con rỗng lặng, vô tâm (vô vi, vô tướng, vô nguyện). Việc gì đến thì làm, không thì cũng trở về lặng không. Nhưng có lúc tâm con lại tự động khởi lên, hướng ra bên ngoài loay hoay tạo tác. Con vẫn lắng nghe quan sát được cái rỗng lặng bên trong và cái tâm loay hoay tạo tác bên ngoài ấy, và nhẫn nại một chút (để bản ngã tham ưu không xen vào định đoạt) thì trong ngoài, động tịnh vẫn thông suốt, không có gì ngăn ngại. Rồi có đôi khi bỗng con chẳng còn phân biệt trong ngoài gì cả, hoặc thấy trong ngoài dường như là một. Ở đó chợt lóe lên tia sáng giữa trong và ngoài, hay nói đúng hơn là không trong không ngoài. Những diễn biến này vô thường vậy đó, dường như là tự động đến đi ngoài định đoạt của con, nhưng nó thật bình thường, giản dị và thanh thoát.
Câu hỏi của con là: Cái thoáng xuất hiện ở giữa trong và ngoài hay không trong không ngoài đó là cái gì? Nó đặc biệt lắm, nó dường như chứa đựng cái gì đó rất bí ẩn của mọi vấn đề mà con không biết phải nói thế nào! Con chỉ biết nó xuất hiện khi tâm con thực sự cảm nhận được cả sự tĩnh lặng vô tâm bên trong lẫn sự lăng xăng tạo tác bên ngoài, rồi nó tự động nhập lại một, không trong không ngoài, một “trạng thái” thật bình thường nhưng rất trong sáng, vượt ngoài mọi ý niệm! Khi chiêm nghiệm lại con thấy trong đó nói không có gì cả cũng được, nói có đầy đủ giới định tuệ, bát chánh đạo, tinh tấn chánh niệm tỉnh giác, sáng suốt định tĩnh trong lành… gì cũng đều được cả, thật là lạ phải không thưa Thầy?
Câu hỏi của con có tính cách tham vấn hay trình pháp với Thầy hơn là thắc mắc muốn hiểu theo sự tò mò của kiến giải lý trí. Có gì xin thầy chỉ dạy cho con. Kính chúc Thầy năm mới thân tâm an lạc.
Con, Tuệ Trung.
Tuệ Trung con,
Như vậy thì cứ là như vậy đi, đừng xác định hay kết luận gì cả, chỉ “lặng nhìn không nói năng” thôi, nếu con toan xác định nó là “cái gì” thì liền rơi vào bệnh tưởng, nghĩa là trời đang quang tạnh lại kéo mây mù đó nghe! Tiện đây thầy nói một tí về Lão Tử Đạo Đức Kinh.
Lão Tử nói: “Chân lý mà có thể là một chân lý xác định thì không còn là chân lý bình thường (tự nhiên như nó là)… Vô là khởi thỉ của Trời Đất, Hữu là mẹ đẻ của Muôn Loài. Cho nên, thường Vô để xem sự vi diệu của nó, thường Hữu để xem sự biến hóa của nó. Cả hai cùng gốc nhưng khác tên, cùng gọi là Huyền. Huyền rồi lại Huyền, cánh cửa của mọi điều kỳ diệu.” (LTĐĐK)
(Đạo khả đạo phi thường Đạo...
Vô danh Thiên Địa chi Thỉ
Hữu danh Vạn Vật chi Mẫu
Cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu
Thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu
Thử lưỡng giả đồng xuất nhi dị danh
Đồng vị chi huyền, huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn)
Lão Tử cũng như đức Phật đều chỉ rõ rằng muốn thấy được hai mặt (hữu – vô, trong – ngoài, động – tịnh…) của cùng một chân lý (Đạo Thường, Thực Tánh Pháp, Chân Đế) thì cốt lõi là ở chữ MINH. Trong Thập nhị nhân duyên, có MINH thì 12 nhân duyên DIỆT (tương đương với VÔ trong LTĐĐK), không MINH thì 12 nhân duyên SINH (tương đương với HỮU trong LTĐĐK). Nhưng khi đã MINH thì hữu hay vô, trong hay ngoài, động hay tịnh đều vô ngại, đó chỉ là sự vận hành tự nhiên của Trời Đất (Pháp Tánh), của Muôn Loài (Pháp Tướng).
Lão Tử mô tả hoạt động của MINH như sau: “Đến chỗ rỗng lặng cùng cực thì cứ để yên như vậy. Mọi sự khởi lên (từ chỗ rỗng lặng) ta lấy đó để xem chúng trở về (nơi rỗng lặng). À, thì ra mọi vật là như vậy, chúng đều trở về gốc (bản lai diện mục lúc chưa sinh, thực tánh chân đế). Trở về gốc gọi là tịnh, cũng gọi là trở về chính mình. Trở về chính mình gọi là thường. Biết lẽ thường (pháp tánh bình thường tự nhiên) gọi là MINH. Không biết lẽ thường thì tạo tác lỗi lầm.” (LTĐĐK)
(Trí hư cực thủ tịnh đốc
Vạn vật tịnh tác ngô dĩ quan phục
Phù vật vân vân, các phục quy kỳ căn
Quy căn viết tịnh, thị viết phục mạng
Phục mạng viết thường
Tri thường viết minh, bất tri thường vọng tác hung)
Con nói: “Con vẫn lắng nghe quan sát được cái rỗng lặng bên trong và cái tâm loay hoay tạo tác bên ngoài ấy, và nhẫn nại một chút (để bản ngã tham ưu không xen vào định đoạt) thì trong ngoài, động tịnh vẫn thông suốt, không có gì ngăn ngại.” Vậy thì cứ thế màsống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha chứ còn nghi ngờ gì nữa!
Cái con gọi là “một trạng thái thật bình thường nhưng rất trong sáng, vượt ngoài mọi ý niệm” sẽ xuất hiện trong một thoáng nào đó khi con vắng bặt cái ta ảo tưởng và lập tứctánh biết bỗng như mặt trời lóe sáng lên khi bầu trời gió lặng mây tan. Đúng là nó “thật bình thường nhưng rất trong sáng”, như con nói, nhưng nó biểu hiện mọi yếu tính chân thật và tốt đẹp nhất sẵn có trong chính nó, không phải là kết quả do cái ta tạo tác để trở thành. Nên nó “tự động đến đi ngoài định đoạt của con, nhưng nó thật bình thường, giản dị và thanh thoát.”
Hãy tiếp tục chiêm ngoạn sự sống, đừng dừng lại ở đâu, đừng cố nắm giữ điều gì, rồi con sẽ khám phá biết bao điều thú vị bất ngờ. Đó là cánh cửa của mọi điều kỳ diệu. Chúc con như là chính mình!
Thầy Viên Minh
|
[ Ðầu trang ]