Thư gởi Thầy (19) - Tác giả: Tánh Trí



Kính thưa Thầy, 

Con đã đọc loạt thư Thầy Trò viết về bệnh trầm cảm, và đã học được từ đó nhiều điều bổ ích cho bản thân con và những bạn bè thân thuộc gặp phải bệnh này. Từ nhân duyên đó, tình cờ con gặp lại người anh họ là bác sĩ hiện đang làm việc tại một bệnh viện ở Sydney chuyên khoa về bệnh này, nên con có ý nghĩ làm một bài phỏng vấn để lấy ý kiến chuyên môn. Vì không xin phép anh trước nên con tạm giấu tên anh. Sau đây con xin tường thuật lại buổi phỏng vấn:

Hỏi: Anh có thể giải thích thế nào là bệnh trầm cảm?
Đáp: Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp bao gồm nhiều triệu chứng, nhưng hay gặp nhất là sự buồn bã sâu sắc và người bệnh không còn quan tâm hay thích thú đối với tất cả những gì xảy ra chung quanh hoặc đối với bản thân mình. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, mất hy vọng vào tương lai.
Trầm cảm là một bệnh lí của não bộ, một bệnh lí nghiêm trọng, ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc, thái độ cư xử và sức khỏe bệnh nhân. Nó có thể xảy ra với bất kì ai, ở bất kì độ tuổi nào và ở mỗi đối tượng khác nhau có những biểu hiện khác nhau.
Có rất nhiều loại trầm cảm: 
- Có một số có thể do bộ não hoặc do di truyền (trong não thiếu hoặc dư chất gì đó). Hệ thần kinh của họ không giống như người bình thường. Họ là những người rất nhạy cảm, khi gặp những chuyện bất như ý thì dễ làm họ xuống tinh thần và họ cảm thấy chán đời.
- Xuất hiện sau các chấn thương tâm lý, do stress như khi mất việc làm, mâu thuẫn gia đình, con cái hư hỏng, bị trù dập ở nơi làm việc, làm ăn thua lỗ, bị phá sản hoặc có người thân chết đột ngột... 
- Do một số bệnh lí của cơ thể làm ảnh hưởng đến não bộ như sau chấn thương sọ não, sau tai biến mạch máu não hoặc xơ vữa động mạch não, các bệnh nan y như ung thư, lao, phong…
Cũng xin lưu ý một điều, đừng lẫn lộn bệnh trầm cảm ghép chung vào một số bệnh tâm thần khác.
Bệnh thần kinh bây giờ trong y khoa có cả trăm thứ, đôi khi chúng ta ngộ nhận bệnh trầm cảm như những bệnh thần kinh khác. Cho nên, người bệnh cần phải đi khám hẳn hòi mới chứng thực được mình đang mắc bệnh gì.
Hỏi: Làm sao bệnh nhân có thể phát hiện mình bị bệnh trầm cảm?
Đáp: Lúc đầu, họ không nghĩ họ có bệnh gì hết. Có một số người cho rằng công việc bị áp lực nặng nề quá nên chán chường muốn tìm cách tự tử. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau đưa đến bệnh này. Có nặng có nhẹ. Mới phát hiện bệnh chỉ nhẹ thôi.  Ví dụ như chế ngự cảm xúc, không được khóc,  giấu nỗi buồn, nỗi cô đơn, bất an hay giận dữ và thất vọng, có hành vi bạo lực, sụt cân, thiếu tập trung, tự cô lập mình, lảng tránh những hoạt động sôi nổi, nghi ngờ đủ thứ, mệt mỏi mất hứng thú làm việc, làm việc không hiệu quả, uống rượu và dùng các chất gây nghiện, khó ngủ, kém ăn, táo bón, v.v... Các triệu chứng này kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, đến khi trở nên nặng người bệnh có ý định tự tử. 
Hỏi: Bệnh trầm cảm có dễ chữa trị không?
Đáp: Nếu bệnh trầm cảm không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, thì sẽ khó có hy vọng chữa khỏi.
Bệnh trầm cảm là 1 loại bệnh tương đối khó chữa. Khi mới bắt đầu phát hiện bệnh thì nên chữa trị càng sớm càng tốt.
 - Tất cả những thân nhân đóng 1 vai trò rất quan trọng đối với người bệnh. Phải quan tâm, để ý đến bệnh nhân nhiều hơn.
 - Phải là điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân, để bệnh nhân đặt hết niềm tin và thuyết phục bệnh nhân cố gắng chữa trị.
 - Nếu người bệnh do yếu tố di truyền thì trong não đã có vấn đề, cần phải gặp bác sĩ tâm lý để họ cho thuốc uống. Nếu may mắn gặp thuốc hợp thì may ra có thể giúp được căn bệnh, nhưng không ai dám bảo đảm xác suất hết bệnh là bao nhiêu phần trăm.
- Người bệnh nên tự viết nhật ký nói về bệnh trạng mỗi ngày, trình bày với chuyên gia hay một vị Thầy mà bệnh nhân đặt hết niềm tin để chữa trị. Nếu may mắn gặp một chuyên gia hay vị Thầy hợp vớí bệnh nhân, thường xuyên quan tâm như người thân thì khả năng chữa khỏi bệnh là rất cao.
- Bệnh nhân phải quyết tâm chữa trị và phải tự mình phấn đấu vượt qua. Bệnh nhân cần phải nhìn nhận và nhận thức ra vấn đề của mình.
Hỏi: Anh nghĩ thế nào về việc chữa trị bệnh trầm cảm bằng Thiền?
Đáp: Thiền hay yoga cũng giống như tập thể dục, giúp người bệnh rất nhiều, nhưng phải đúng cách, nếu không nhiều khi chỉ làm cho tình trạng tồi tệ thêm. Khi thiền phải biết thư giãn thoải mái, nếu đang căng thẳng, nhưng khi đang bị ức chế trong cơn buồn chán thì nên thiền sao cho phấn chấn tinh thần lên mới được. Tuy nhiên, nói chung khi bệnh lí đã tổn thương đến hệ thần kinh thì vẫn phải uống thuốc cho ổn định lại mới thiền được. Thiền chỉ giải quyết được về mặt tâm lý của bệnh nhân chứ không thể chữa khi bệnh đã ảnh hưởng tới não bộ, hệ thần kinh hay tim mạch.
Gốc rễ của bệnh này nói chung rất phức tạp. Người bệnh tinh thần rất yếu so với người bình thường, giống như chiếc xe bị hư hỏng một bộ phận máy móc nào đó ở bên trong thì xe cũng không chạy ngon nên việc chữa trị là phải chữa tận gốc.
Hỏi: Anh có thể kể một số kinh nghiệm đối với bệnh này?
Đáp:
- Người bệnh phần lớn chối không nhận mình bị bệnh.
- Sai lầm của người bệnh là không kiên nhẫn chữa bệnh vì nghĩ đây là bệnh nan y không thể nào chữa hết.
- Họ không chịu uống thuốc, họ nghĩ thuốc men vô ích không chữa hết bệnh của họ.
- Có rất nhiều loại thuốc cho bệnh trầm cảm, nên người bệnh phải thử nhiều loại thuốc khác nhau.
- Thuốc trầm cảm phải uống liên tục 2-3 tuần. Nếu đúng thuốc sẽ làm người bệnh cảm thấy nhẹ nhàng. Còn nếu không có gì thay đổi phải cho bác sĩ biết.
- Nếu không uống đúng thuốc thì sẽ gặp những triệu chứng sau: Cảm thấy khó chịu, chảy mồ hôi, khô miệng...
- Thông thường, khi gặp bác sĩ có thể sẽ được khuyên uống thuốc, nhưng bác sĩ sẽ nói thuốc men chỉ một phần thôi, điều quan trọng người bệnh phải phấn đấu khắc phục căn bệnh.
- Trong lúc chữa trị bệnh nhân phải có sự kiên nhẫn, và nếu người bệnh may mắn gặp và hợp với một bác sĩ hay một vị thầy, đồng thời có sự liên hệ sâu sắc thì xác suất hết bệnh rất cao.
   
Con mong rằng bài phỏng vấn này có thể chia sẻ được phần nào với các bạn đang gặp khó khăn trong bệnh trầm cảm. Kính chúc thầy năm mới vạn sự cát tường.  
Con, Tánh Trí.