Thư Thầy trò (47)



Ngày 10 – 11 - 2012
Con kính chào Thầy, 

Thầy ơi, con là một người Phật tử ở xa mới nghe được Thư Thầy Trò, lòng con muốn viết thư nhưng không có can đảm vì sợ mình không đủ văn chương và sai lỗi chính tả. Con xin Thầy thông cảm và tha lỗi cho con.
Con có nhiều tâm sự nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Con năm nay là 53 tuổi có một gia đình nhìn ngoài thì hoàn mỹ nhưng bên trong thì thật là nhiều buồn phiền, lo âu và tủi nhục. Và con cảm thấy như mình đang bị chìm đắm trong đau khổ mênh mông trên biển cả.   
Từ bé, con đã không có được đầy đủ tình thương yêu cũng như vật chất từ bố mẹ và gia đình. Ăn không no mặc không ấm và ít khi được nhìn nhận. Mẹ con thường nói là vì hai mẹ con xung khắc, con đã bỏ đi ở nhờ với bà nội khi con còn 13 tuổi. Bà thì nghèo khổ chỉ có một người con trai là bố con, nhưng vì con dâu không ưa thích nên bà phải đi ở nhờ. Bà cháu đã rau cháo nuôi nhau sống cho qua ngày!   
Khi mới lớn lên, vì muốn hai bà cháu thoát khỏi cảnh khổ sở, con quyết định lập gia đình để có chỗ nương tựa. Tuy chồng con là một người tốt, thật thà và thấu hiểu cho con trong lúc ấy nhưng anh ta quá là đào hoa. Cuộc sống thì gặp nhiều khó khăn và không nhờ vả được ai. Sau khi con có hai cháu thì con đã mang gia đình đi vượt biên. 
Sang đến đất khách quê người, con và gia đình đã cố gắng làm lại từ đầu bằng hai bàn tay trắng. Qua nhiều gian nan cực nhọc con đã cố gắng tạo nên sự nghiệp bằng mồ hôi nước mắt vì lòng con có nhiều ham muốn, vinh hoa phú quý, gia đình hạnh phúc. Rồi để có được ngày sung túc,  thậm chí mải mê làm ăn cho đến khi ngã bệnh tưởng mình đã chết đi sống lại, nhưng trả lại đến ngày hôm nay con vẫn không được như ý mình. 
Tiền bạc, vật chất thì cũng hết nhưng đến giờ tuổi này con phải lại trải qua một lần tổn thương và phản bội về mặt tình cảm. Nhưng con vẫn chịu đựng đắng cay, nhẫn nhục để sống hết kiếp này. Con thật là đau lòng và có nhiều bức xúc oán hận. Hoàn cảnh bây giờ thì quá là éo le cô độc. Bây giờ con không giữ được lập trường và tâm tư để đối diện với mọi người và xã hội. Và con cảm thấy là không ai trong gia đình có thể thấu hiểu, cảm nhận và chia sẻ với con. Một phần nào đó con cũng không đủ can đảm bày tỏ và tâm sự với ai. Con nghĩ đến những câu thầy nói là "vô ngã vị tha" và "đóng cho đúng vai trò của mình", con cảm thấy là con đã làm hết sức mình nhưng tại sao con vẫn phải đương đầu với bao đau khổ và bế tắc. 
Tuy con vẫn thường đi chùa, lễ bái cúng Phật và làm công đức nhưng sau khi con nghe được Thư Thầy Trò thì con mới biết là mình vẫn chưa hiểu bao nhiêu về đạo Phật. Nhiều khi con thấy tủi thân và thường phiền muộn trong hoàn cảnh của mình mà không thể cầm được nước mắt. Có khi khóc hết nước mắt và buông xuôi. Con xin lỗi vì con thiếu ăn học và nhân duyên chưa tới, nhưng nay con được phước lành biết đến Thầy thì con xin Thầy cho con một lời khuyên và an ủi cho con để con biết làm sao và phải như thế nào để đối diện với cuộc sống gian truân và cực khổ này của con.  
Con chúc Thầy luôn luôn mạnh khỏe. Con cảm tạ ơn Thầy. 
Con, QB.

Ngày 11 – 11 - 2012
QB con, 

Mỗi người sinh ra trên đời đều có một sứ mạng thiêng liêng cao cả, mà ít ai biết được, đó là học ra bài học của chính mình trong cuộc sống. Bài học đó rất phong phú và đa diện nhưng tựu chung có hai điều chính yếu để thấy ra và giác ngộ, một là thấy ra bản chất thực của đời sống, hai là nội tâm được thanh tịnh trong sáng.
Để thấy ra bản chất thực của đời sống thì càng trải qua nhiều khổ đau bất hạnh chừng nào càng dễ thấy rõ mọi sự đều biến đổi vô thường, không bao giờ như ý và trên đời không có gì thật sự là ta và của ta được cả. Thấy được như vậy gọi là thấy bản chất vô thường, khổ, vô ngã của đời sống, và nhờ thấy như vậy mới không còn nương tựa bám víu bất kỳ điều gì ở đời, tất cả chỉ là tạm bợ, là nhân duyên tan hợp không có gì bền vững, không có gì đáng trông cậy và chấp giữ.
Để nội tâm được thanh tịnh thì phải nhờ chịu đựng sóng gió, trải bao thăng trầm chìm nổi mới phát huy được lòng nhẫn nại, cảm thông, thương yêu, dung thứ và buông xả. Có như thế nội tâm mới an bình thanh tịnh và trong sáng được. Đức Chúa cũng nói kẻ nào chịu thiệt thòi trên thế gian này thì sẽ được ưu tiên trên nước Thiên Đàng. Nước Thiên Đàng mà Chúa muốn ám chỉ chính là một nội tâm thanh tịnh trong sáng.
Giống như vàng, ngọc hoặc kim cương khi còn trong cát, trong đá, trong quặng thì chẳng thấy có giá trị  gì, nhưng nhờ đem nung đốt, mài giũa, đục đẽo, khắc chạm thành một tác phẩm nghệ thuật thì mới thấy quý giá tuyệt vời. Những khổ đau cũng vậy, có thể giúp con người trưởng thành với nhiều bản lãnh hơn, với sức chịu đựng cao hơn và một nội tâm vững vàng, thanh thản hơn.
Có lẽ vì con chưa thấy ra giá trị của những nỗi khổ đau bất hạnh ấy nên con mới buồn phiền than oán. Nhưng một khi con đã thấy rõ giá trị của đau khổ thì con sẽ tạ ơn khổ đau đã giúp con giác ngộ được bản thân mình và cuộc sống. Nói tóm lại, qua khổ đau con sẽ thấy ra được những điều lợi ích cơ bản sau đây:
- Trả được nghiệp cũ mà mình đã tạo trong vô lượng kiếp vô minh ái dục.
- Học được nguyên lý vận hành nhân quả duyên báo của nghiệp.
- Có lòng nhẫn nại, cảm thông, bao dung, hỷ xả v.v…
- Trở về với tự tánh không chạy theo ngoại tướng, hay nói cho dễ hiểu là trở về với chính mình không lệ thuộc vào người khác hay hoàn cảnh bên ngoài.
- Nội tâm thanh tịnh và thấy rõ bản chất của vạn pháp (pháp tánh).
Vậy con nên trở về sống trọn vẹn với chính mình, để hoàn thành sứ mạng khám phá sự thật ngay nơi thực tại thân tâm và đời sống, đừng mất thời gian hối tiếc quá khứ, mong cầu tương lai hay nương tựa, bám níu vào bất cứ điều gì ở bên ngoài. Phật dạy trong Hạnh Phúc Kinh rằng:
Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu,
Tự tại và vô nhiễm
Là phúc lành cao thượng.
Trong cuộc đời đầy tính chất vô thường, khổ đau, vô ngã này, chúc con  thấy ra được phúc lành cao thượng mà đức Phật đã dạy.
 Thầy Viên Minh.