Thư Thầy trò (22)



Thầy kính mến,
 Khi cuộc sống êm xuôi, không có biến cố gì xảy ra, con tưởng như có hiểu và thực hành theo lời dạy của Thầy. Thế nhưng, cho đến hôm nay, khi có những biến cố con mới nhận ra rằng không dễ thực hành theo lời Thầy dạy, mặc dù con hiểu những lời Thầy dạy.
  Khi con gặp những chuyện đau khổ, bất trắc, con muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh ấy. Rồi con lại nhớ tới lời Thầy dạy:
                        “Tự do là ung dung trong ràng buộc
                         Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”
Hiểu như vậy, nhưng trong lòng con vẫn chất chứa đầy mâu thuẫn, giằng xé. Con vẫn muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh ấy, chứ không thể “ung dung trong ràng buộc” như lời Thầy dạy được.Gặp chuyện khổ đâu con mới nhận ra không thể dễ dàng “tự tại” như Thầy nói. Chính vì thế, mà con chợt nhận ra rằng, dường như trên con đường tu tập, con vẫn chưa thực sự hiểu hết lời Thầy dạy, và còn khiếm khuyết nào đó mà con chưa được biết.
Con cũng biết pháp tu Thầy dạy con là  sống thuận pháp tuỳ duyên, vô ngã, vị tha. Nhưng Thầy ơi, con chưa thể tu tập để thoát khỏi cái Ta ảo tưởng. Con học giáo lý, có hiểu về Danh, Sắc, về bản chất thật của vạn vật đều Vô Thường, Khổ và Vô ngã. Chẳng có gì là thường hằng bất biến. Cái gì rồi cũng đưa đến Khổ như chân lý Tứ Diệu Đế mà Đức Phật đã dạy. Chẳng có cái Ta nào cả mà chỉ có vận hành của Danh và Sắc theo nhân quả nghiệp báo mà thôi.
Thế nhưng, khi con gặp khổ đau, con lại bị chìm vào đau khổ. Gần đây, con muốn buông bỏ tất cả, con thấy mệt mỏi Thầy ạ. Con thấy nhàm chán với mọi thứ. Vì vậy, con muốn xuất gia, nhưng con cũng hiểu lời Thầy đã dạy là con phải cho xong bài học duyên nghiệp của mình và không còn vướng nợ trần nữa thì con mới có thể xuất gia một cách thanh thản và trọn vẹn.
Hoàn cảnh của con cũng như chị Như Pháp, còn bổn phận quan trọng phải làm là nuôi con trưởng thành, chưa thể xuất gia. Thầy ơi, vậy biết đến bao giờ mới học cho xong hết bài học duyên nghiệp mà con cần phải học hả Thầy?
Con cũng hiểu rằng, xuất gia không phải là xuống tóc, ở trong chùa, mà là tự nguyện giữ giới sống cuộc đời phạm hạnh. Thế nhưng, con thấy rằng con không thuộc về cuộc sống thế tục này, con muốn sống cuộc sống của một người xuất gia trong chùa Thầy ạ.
Thầy ơi, con phải làm sao đây ạ?
Con xin thành kính vô cùng tri ân Thầy!
Con, Minh Nguyên

Minh Nguyên con,
Con nói đúng, về  thì lý trí con có thể đã hiểu được một số nguyên lý, nhưng chưa thực sựtrải nghiệm sự thật, vì vậy về sự còn vụng về, non yếu lắm. Vậy bây giờ chính những “khổ đau, trắc trở” là cơ hội tốt nhất giúp con thân chứng sự thật nơi chính mình và cuộc sống, tại sao con lại muốn lẩn tránh chúng?
Thầy đã nói cảm giác khổ đau và hạnh phúc chỉ là những trạng thái hay những điều kiện của hoàn cảnh, đó không phải là vấn đề, chính thái độ tâm đối với những trạng thái đó mới là vấn đề. Nếu thái độ tâm là tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến v.v... thì hậu quả chỉ càng gia thêm khổ đau trắc trở mà thôi. Thái độ của cái ta ảo tưởng đó mới chính là trở ngại. Còn nếu thái độ tâm là sáng suốt, định tĩnh, trong lành tự nhiên vô ngã thì không những con thấy ra sự thật của hoàn cảnh mà nội tâm còn rỗng lặng trong sáng, an nhiên tự tại nữa. Nguyên lý đó thì con đã hiểu, vậy tại sao bây giờ con không thận trọng chú tâm quan sát lại thái độ tâm bên trong mà lại muốn thoát ra hoàn cảnh bên ngoài? Quan sát lại thái độ nội tâm để khám phá xem đó là thái độ của cái ta ảo tưởng hay đó là thái độ hoàn toàn trong sáng vô ngã của tánh biết?
Chính trong hoàn cảnh khổ đau cái ta đối kháng mới dễ dàng lộ diện nên đó là cơ hội để con khám phá ra nó thuận lợi hơn lúc nào hết. Còn khi “cuộc sống êm xuôi, không có biến cố gì xảy ra” thì cái ta thỏa mãn nằm yên đâu có vẫy vùng đối kháng gì mà con phát hiện được.
Thực ra, cũng nhờ thấu hiểu một số nguyên lý mà con đã phát hiện ra cái ta đối kháng ấy, nhưng vì đó là hiểu biết lý trí nên “kẻ phát hiện” cũng là một cái ta lý trí, cái ta này đang muốn thoát ra cái ta đối kháng kia, nên nó vẫn là cái ta đang diễn lại trò đối kháng cũ kỹ mà thôi. Vậy đừng lấy cái ta để đối kháng với cái ta, mà chỉ cần buông cái ta ảo tưởng ra thì tánh thấy vô ngã sẽ thấy pháp rõ ràng trung thực, vì ở đó không có cái ta nào để phản ứng hay tạo tác gì cả.
Có một điều con cần lưu ý là cái ta không bao giờ có thể thật sự tinh tấn chánh niệm tỉnh giác được cả. Vì tinh tấn ở đây có nghĩa là không buông lung phóng dật theo ảo tưởng của cái ta. Nên ngay khi tinh tấn tức buông ảo tưởng cái ta ra thì tâm liền trở về với thực tại, đó là chánh niệm; đồng thời tánh biết không bị che lấp bởi ảo tưởng nào nữa nên ngay đó tỉnh giác liền soi chiếu minh bạch rõ ràng.
Nhược điểm của con là thiếu can đảm để đối diện với nghịch cảnh. Chính cái tâm yếu đuối đầy lo lắng sợ hãi đó sẽ tạo ra ảo tưởng và biến mọi sự thành khó khăn trở ngại. Con luôn muốn bình an và tốt đẹp hơn, nhưng chính ý muốn đó khiến con không can đảm chấp nhận khó khăn gian khổ, mà khó khăn gian khổ là bài học giác ngộ tuyệt vời nhất trên đời. Vậy phải làm sao? Đó là câu hỏi mà chính con mới trả lời cho mình được mà thôi.
Hãy can đảm buông xuống mọi ảo tưởng thì đó mới là xuất gia đích thực. chúc con trả lời được câu hỏi của chính mình. 
Thầy Viên Minh