Sydney, ngày 08 – 04 – 2011
Thầy kính,
Thầy ơi, chiều nay đọc được thư Thầy Trò, con rất vui. Con đã đọc “Thư Thầy Trò 22”, những câu hỏi đáp mới và “Thư gởi Thầy 26” rồi. Thầy biết không? Câu hỏi mới ngày hôm nay của một vị sư cô nào đó, mà khi đọc xong, con không thể nhịn cười nổi. Nhất là đoạn: “…con viết một tờ thư pháp để trước mặt "PHẢI ĐẮC ĐẠO", "SANH TỬ SỰ ĐẠI, VÔ THƯỜNG TẤN TỐC" nhằm chỉ để sách tấn mình”.
Không phải con cười sư cô mà là cười chính mình ngày xưa ấy. Thầy biết không? Lúc trước, khi chưa gặp Thầy, con ngồi thiền mỗi ngày đến ba thời lận. Nói ba thời là bình thường, những lúc rảnh là con tranh thủ ngồi thêm. Con ham ngồi cũng chỉ vì nghe nói ngồi thiền là phước báu rất lớn. Chưa hết, con còn ăn gạo lứt muối mè vì nghe nói ăn dưỡng sinh số 7 rất tốt cho việc ngồi thiền. Rồi ăn chay trường và chỉ ăn một buổi ngọ giống như những vị xuất gia. Lúc ấy, con đã nghĩ mình giỏi vì đã chịu đựng nhẫn nại kham khổ hơn nhiều người v.v… Đúng là bành trướng cái ngã mà hồi đó con không hay biết gì cả…
Bây giờ, con cũng ngồi thiền, tùy duyên thôi, nhưng ngồi rất thư thái, tự nhiên, nghỉ ngơi buông xả cho đầu óc relax. Vậy mà cũng vô trạng thái hỷ lạc rất lẹ, đôi khi vô định nữa, nhưng khi ấy chủ yếu là chỉ biết pháp đến đi trong trạng thái đang là… Con thấy pháp lúc nào cũng mới mẻ và tuyệt vời, đúng là tánh biết vốn "Bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm" ở ngay trong thực tại hiện tiền, chỉ quay về ngay nơi thân, thọ, tâm, pháp là thấy ngay phải không Thầy?
Krishnamurti có nói: “… buông xả tất cả tinh thần và thể xác, hãy lắng nghe từng hơi thở của mình; hãy khách quan nhìn ngắm mọi vật xung quanh mà không suy nghĩ, xét đoán gì hết; hãy hòa mình với thiên nhiên... mỉm cười với cuộc đời...”
Sayadaw U Tejaniya có dạy: “…Thiền là mọi lúc – bây giờ, luôn luôn, khắp nơi – chứ không phải là thưởng thức việc ở trong rừng trong một khóa tu…”
Và con nhớ mãi câu Thầy dặn dò: “Không phải con tu, hãy để pháp tu dùm con, rồi con sẽ học ra được cách vận hành của pháp. Tất cả pháp đều vô ngã, vậy ngoài việc sống tùy duyên thuận pháp con lấy cái ngã nào để tu đây?”
Rồi khi con đọc “Thư Thầy Trò 22” con cũng tủm tỉm cười nữa. Vì con thấy Thầy giống như người “giải đáp tâm tình hay gỡ rối tơ lòng…” vậy đó!
Nhân đây, con muốn mến tặng Minh Nguyên vài câu thơ:
“Dòng đời trôi lao xao.
Đời người như chiếc phao
Gặp phong ba bão tố
Chao đảo có hề sao!
Chao đảo có hề sao
Tâm bình thường chẳng động
Pháp đến đi thế nào
Cũng chỉ là giấc mộng!
Cũng chỉ là giấc mộng
Thức tỉnh chẳng còn mơ
Tâm như, không chân vọng
Ngay đó liền thấy bờ!
Ngay đó liền thấy bờ
Tâm rỗng rang trong sáng
Tại đây và bây giờ
Tùy duyên, tùy thuận pháp.
À! Thưa Thầy, con có một cảm giác rất ngộ nghĩnh, không biết là do tưởng tượng hay như thế nào đó! Khi con nghĩ về một người nào đó, cảm giác trong tâm con thay đổi rất lạ Thầy ạ! Ví dụ như khi con nghĩ đến người A, con cảm nghe trong tâm con trạng thái sân hận, rồi con nghĩ đến người B lại có trạng thái vui vui. Có điều lạ là những người này, con không hề có cảm tưởng gì về họ trước đó nên chắc là không phải con có thành kiến hay tưởng tượng gì cả... phải chăng con cảm ứng được trạng thái của mỗi người ngay lúc đó? Nếu nghĩ đến Thầy, con cảm nghe trạng thái an lạc thì có thể đó là do con tôn kính ngưỡng mộ Thầy, nhưng với những trường hợp trên thì dường như không phải như vậy. Con chỉ biết pháp đến đi như thế nào thì hay như thế ấy, chỉ biết như vậy thôi không thêm bớt gì cả, đúng không thưa Thầy?
Vài hàng gởi đến Thầy, con kính chúc Thầy luôn an vui, mạnh khỏe.
Con. Thùy Khánh
|
[ Ðầu trang ]