Thư gởi Thầy (17) - Tác giả: Như Trung



Kính thưa Thầy, 

Không biết con đã mang căn bệnh trầm cảm này từ lúc nào, nhưng hẳn là nó phải bắt nguồn từ những nguyên nhân rất lâu xa khó mà xác định được. Con sống và lớn lên trong một gia đình khá giả, cha mẹ, anh chị em, bạn bè ai cũng nuông chìu con. Nhưng không hiểu sao, con không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những gì con đang có, lúc nào cũng "muốn" và "muốn". Đâu có phải cái muốn nào cũng được "toại nguyện" và đây là mấu chốt "build up" căn bệnh trầm cảm của con.
Bệnh ngày một tăng dần cùng với tham sân, bức bối. Con không biết mình sống với mục đích gì. Con thường tự hỏi tại sao ông trời sanh ra con làm gì để con khổ quá! Phải chi, con chỉ là một cái cây, hay một người điên hẳn đi để khỏi biết gì cả!
Và rồi sau đó, con tìm cách tiêu hủy cái mạng sống này, chết khuất đi cho khỏe. Mỗi khi lên cơn, trong lòng buồn bã, chân tay mệt mỏi mất tự tin, trách người này đổ lỗi người kia. Lúc đó, thì đầu con đau lắm, giống như có ai lấy búa bổ vào đầu con vậy. Con hét lên như điên, nhìn ai con cũng ghét "tất cả hãy biến đi, đi cho khuất mắt...". Con đã đập phá tan tành... Chồng con và các anh con phải giữ con lại không cho con làm gì. Con gồng người lên như có ai hành hạ con. "Hãy giết con đi đừng cho con sống nữa”. Trời mùa đông gió buốt, con đã ra sân cỏ nằm. Con có xe hơi, nhưng vì giận chồng, con đã tự một mình đi bộ về nhà với hai bàn chân ướt đẫm máu.
Và rồi một hôm nọ, con chuẩn bị cho mình một ngày ra đi, uống thật nhiều thuốc, leo lên giường nằm niệm Phật không ngớt. Rồi sau đó, con đã được chồng kêu xe cấp cứu mang đi bệnh viện. Họ đã cứu con sống, xuất viện trở về nhà. Con đã mạnh dạn nói với chồng con: "Tối hôm qua tôi đã chết rồi, bây giờ tôi sẽ là một người khác, không sống vì anh nữa, mà sẽ sống vì con vì mọi người…" Sau đó, nhiều biến cố xảy ra, trong vòng một năm mà con mất đi người cha, bà ngoại và ông cậu. Thế là, con hiểu được sự vô thường là gì. Và ít năm sau Thầy qua Úc, con đã có duyên gặp thầy, nghe Thầy giảng pháp, hướng dẫn tu tập, từ đó con bắt đầu biết ứng dụng Phật Pháp để hóa giải cơn khủng hoảng quái dị của đời con.
Đối với một người bệnh trầm cảm như con. Con thấy Thầy dạy rất đúng và rất thiết thực, không cao siêu huyền bí chút nào. Thầy chỉ cho con biết pháp nào cũng có nguyên nhân, và đã gieo nhân thì phải gặt quả. Phải đối diện với chính mình, và quan trọng không phải là tình trạng bệnh ra sao mà là thái độ ứng xử với căn bệnh như thế nào. Trên đời này, ít nhiều ai cũng bị bệnh này, có điều là tùy mức độ cấp tính hay mạn tính mà thôi. Tất cả trạng thái bệnh đều diễn ra trên thân tâm này, vì vậy để học ra nguyên nhân hậu quả của nó thì phải quan sát lại chính thân tâm mình mới mong không tạo thêm nhân mới cho hậu quả tương lai nữa thôi. Sau đây là một số kinh nghiệm bản thân con muốn chia sẻ với những người đồng bệnh như sau: 
1. Bình tĩnh chiêm nghiệm:
Trước khi lên cơn đều có những triệu chứng báo trước, nếu chịu khó để ý sẽ thấy:
- Nhức đầu như búa bổ, và hình như mọi thứ đều "block" lại hết.
- Kế tiếp miệng hàm bị cứng và đau, mặt mày tối tăm, tim đau thắt.
Có lẽ pháp muốn cảnh báo bằng cách tạo ra cơn đau đầu là để cho mình đừng suy nghĩ nữa, và miệng hàm cứng, tim đau thắt là để cho mình đừng nói lời ác ngữ trong khi bức xúc. Pháp muốn dạy ta nên thầm lặng lắng nghe và quan sát trạng thái bệnh ra sao thôi chứ đừng thêm bớt gì cả. Chịu khó nhẫn nại một chút rồi đâu sẽ vào đó, cái gì cũng có sinh có diệt, có đến có đi, quá lo lắng chỉ làm tăng thêm bệnh.
- Khi im lặng quan sát, con thấy sự giao động giữa hai trạng thái bức bối và trầm trệ tự động giảm xuống nếu mình buông ra không cố gắng xoay xở nữa, nhưng sẽ tăng lên khi cái ta lăng xăng muốn ổn định hay mong thoát khỏi bệnh trạng. Để yên là "tuyệt chiêu" nhất, lúc đó tánh biết sẽ tự động điều chỉnh theo nguyên lý tự lực nội sinh mà không cần bản ngã can dự vào, như thầy đã dạy.
2. Tạ ơn và sám hối:
Trong thời gian bệnh vừa qua, con thành kính tri ân thầy đã chỉ cho con pháp môn tạ ơn và sám hối mà thầy đã từ bi vận dụng để giúp con dễ dàng thấu hiểu chính mình và thoát khỏi cơn bệnh. Thầy đã phân tích cho con thấy ra rằng một trong những nguyên nhân gây bệnh là thường bất bình trước người nghịch, việc nghịch, cảnh nghịch. Sự bất bình này sinh ra đối kháng, uất ức, tức giận, hậm hực… tất cả đều phát xuất từ cái tôi quá tự ái, tự tôn. Trên thực tế chính người nghịch, việc nghịch, cảnh nghịch đến để giúp mình điều chỉnh cái tôi tự ái, tự tôn và vô ơn quá mức đó. Vì vậy, thầy dạy:
- Cần phải tạ ơn người, việc và cảnh nghịch thay vì oán trách, chống đối, hay tìm cách hủy diệt nó. Đồng thời chúng ta mang ơn cuộc sống (cụ thể như ơn Tam Bảo, ơn Cha Mẹ v.v…) về vô số phương diện, thế mà chúng ta không những không biết đền ơn đáp nghĩa mà nhiều khi còn vong ân bội nghĩa nữa là khác.
- Cần phải sám hối những lỗi lầm mà con đã vô tình hay hữu ý làm khổ mình khổ người trong quá khứ để ngăn ngừa không tạo thêm nghiệp ác trong hiện tại và tương lai. Lúc đầu con không hiểu tại sao con đang sống trong điều kiện rất tốt mà lại mắc chứng bệnh này. Nhờ thầy phân tích bệnh một phần do nhân quá khứ, một phần do thái độ phản ứng tâm lý trong hiện tại, còn điều kiện sống chỉ là duyên phụ thuộc mà thôi, thì con mới bắt đầu chiêm nghiệm. Rồi một hôm, con chiêm bao thấy được kiếp trước của mình, con mới thật sự hiểu được nguyên nhân quá khứ của căn bệnh mình. Khi tỉnh dậy, con cảm thấy như có ai thiêu đốt lòng con, lòng con rất đau xót và tim con xốn xang vô cùng, như trong lòng mang nặng một lỗi lầm. Con rất ăn năn hối lỗi, t đó con mới hiểu rõ tại sao Thầy đã chỉ dạy cho con cách tạ ơn sám hối. Và từ đó, tối nào con cũng ra bàn thờ Phật để lạy tạ sám. Khi lạy xong, con cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái ra nhiều lắm! 
Một lần nữa con thành kính tri ân Thầy.
Con, Như Trung.

* Pháp tạ ơn và sám hối mà thầy đã chỉ dạy: 
Đầu tiên, đến trước bàn thờ Phật, đảnh lễ, rồi ngồi trang nghiêm, yên tĩnh, nghĩ đến Ân Đức Tam Bảo, Cha Mẹ, Thầy Tổ, các bậc ân nhân, chư Thiên Long Thần Hộ Pháp và tất cả chúng sinh, rồi cung kính đảnh lễ tạ ơn.
Sau đó, nghĩ đến (hoặc nói thầm) những lỗi lầm do vô minh ái dục đã vô tình hay cố ý tạo nghiệp thân khẩu ý làm hại mình hại người, và đảnh lễ xin sám hối.
Nguyện xong, bắt đầu từ đó hàng ngày lạy tạ ơn và sám hối (trước bàn thờ Phật hay ngồi trong phòng một mình cũng được tùy điều kiện mỗi người) như sau:  
- Con xin đảnh lễ tạ ơn sám hối Phật (lạy tối thiểu 3 lạy)
- Con xin đảnh lễ tạ ơn sám hối Pháp (nt)
- Con xin đảnh lễ tạ ơn sám hối Tăng (nt)
- Con xin đảnh lễ tạ ơn sám hối Cha Mẹ (nt)
- Con xin đảnh lễ tạ ơn sám hối Thầy Tổ (nt)
- Con xin đảnh lễ tạ ơn sám hối Chư Thiên, Long Thần, Hộ Pháp (nt)
- Con xin đảnh lễ tạ ơn sám hối Các bậc ân nhân (nt)
- Con xin đảnh lễ tạ ơn sám hối Tất cả chúng sinh (nt)
Cuối cùng xin nguyện sống vô ngã vị tha, lợi mình lợi người để thiết thực tỏ lòng báo ân và sám hối. Nguyện nhẫn nại với mọi nghịch cảnh, nghịch nhân, không để cho bản ngã đối kháng manh động, để bình thản học bài học giác ngộ giải thoát.
Đồng thời, nếu cần cầu nguyện điều gì (không vì ích kỷ cá nhân) cho tha nhân, cho chúng sanh, cho Phật Pháp, cho hạnh phúc của nhiều người thì thành tâm cầu nguyện (như một hình thức phát ra năng lượng vị tha, trong lành và từ tâm).