Sách:Tâm Bất Sinh (Ngữ Lục Bankei)



  • Tác giả: Thiền sư Bankei
  • Dịch giả: Thích nữ Trí Hải

Mục Lục

LỜI NÓI ĐẦU

Ngày nay người ta đi hàng trăm ngàn dặm để được trông thấy các Thiền sư, trực tiếp gặp họ để tham vấn. Nhưng rất ít người có dịp để đặt câu hỏi: tôi phải làm sao với những nỗi giận dữ, ghen tuông, thù ghét, sợ hãi, buồn sầu, tham vọng, si mê trong tôi - tất cả những rắc rối thường xâm chiếm tâm tư con người? Tôi phải cư xử với công việc, cha mẹ, con cái, vợ hoặc chồng, tôi tớ, sếp của tôi như thế nào, tất cả những tương giao làm nên đời sống ấy? Thiền có cách nào giúp tôi không?
Nếu Thiền sư Bankei còn ở đâu đó trong một góc phố lân cận cho mọi người tham khảo ý kiến, chắc chắn Ngài sẽ nói những gì Ngài đã từng nói, để an ủi và soi sáng hàng loạt người gồm đủ hạng: nội trợ, thương gia, nhà binh, viên chức, tu sĩ, trộm cướp... những người đến tìm sự hướng dẫn của Ngài cách đây ba thế kỷ.
Bankei, con người đã giác ngộ, chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm của Ngài với tư cách một con người bằng máu thịt và nói lên những lời chân thực từ kinh nghiệm riêng Ngài. Lời khuyên của Ngài đi thẳng vào tim người, đấy là những lời nhắm thẳng vào con người trước mặt chứ không phải là thuyết lý trừu tượng. Qua nhiều thế kỷ, bản chất con người vẫn vậy, rất ít thay đổi mặc dù đã có nhiều nỗ lực để thay đổi nó. Mà dường như ngàn năm sau bản chất ấy vẫn không bớt chút nào những thói đam mê, ganh tị, thù hằn, dù sống trên quả đất này hay trên hành tinh nào ngoài trái đất.
Sau khi hoàn tất đạo nghiệp, xây dựng một số chùa và huấn luyện vô số tu sĩ, giáo sĩ, Thiền sư Bankei đặt trọng tâm vào việc giải tỏa vấn đề cho những thường dân. Ngài muốn san sẻ những gì mình đã khám phá cho mẹ, thính giả đầu tiên, và dường như Ngài đã làm được việc ấy trước khi bà từ trần. Ngài cũng muốn san sẻ cho chúng ta ngày nay nữa.
Dịch giả Peter Haskel đã tìm ra tiếng nói đích thực của Bankei. Trong công trình dịch thuật tốt đẹp này - do một dịch giả trẻ tuổi thực hiện, người đã sống với Bankei mười năm, hoàn toàn nắm được ý chỉ của Ngài - chúng ta như được ném vào thế giới của Bankei. Đây không còn là một bản dịch, tác giả đã khéo sử dụng những khí cụ của học thuật đến độ không còn một dấu vết nào để lại làm hỏng cái bóng bẩy của nguyên tác.
Không ai cần phải giảng giải Bankei muốn nói gì. Những ẩn dụ và lập luận Ngài dùng cách nay ba trăm năm có thể giữ lại hay bỏ đi vẫn không hại gì đến cốt tủy của lời dạy, thường là những sự thật đơn giản của lương tri. Nhưng trừ một cái duy nhất, đó là Tâm Phật Bất sinh. Dù gọi bằng tên này (như Bankei gọi) hay tên nào khác (như Phật tính, bản lai diện mục, chân như, vân vân), đấy là cốt tủy của Thiền cũng như của giáo lý Bankei. Lối giảng dạy của Bankei cho ta thấy rằng không cần phải làm người Nhật hay bắt chước người Nhật mới có thể hiểu được hay có được Phật tính ấy.
MARY FARKAS
Thiền viện đầu tiên ở Mỹ
New York City, tháng 4 - 1983

LỜI NGƯỜI DỊCH (Peter Haskel)
Tôi gặp Bankei lần đầu vào mùa thu năm 1972. Trước đấy hai năm, tôi đến đại học Columbia với hi vọng nghiên cứu về Thiền sử tông Thiên Thai (Rinzai) của Nhật Bản, nhưng bài vở trong khóa học và vô vàn khó khăn trong việc nắm vững ngữ văn Nhật đã chiếm hết thì giờ của tôi. Đến nay, khi rảnh rỗi để làm công trình nghiên cứu, tôi chỉ còn mỗi một việc là chọn một đề tài thích hợp. Lòng phấn khởi đầy tự tín, trang bị bằng một dọc dài những đề án rất kêu, tôi đến gặp giáo sư cố vấn Yoshito Hakeda. Ông kiên nhẫn lắng nghe, gật đầu, nhưng cuối cùng, bất chấp những đề án mà tôi đưa ra sau khi đã chuẩn bị hết sức công phu, bất thần ông hỏi tôi có nghĩ đến làm việc về Thiền sư Bankei sống vào thế kỷ mười bảy chăng. Chắc tôi đã tỏ vẻ thất vọng, chưng hửng. Mặc dù chưa hề thực sự đọc Bankei, tôi đã có một ấn tượng mơ hồ về Thiền sư này như một hạng cuồng Tăng trong thế giới Thiền, một người không tin vào giới luật, gạt phăng các công án và cố tình làm cho sự giác ngộ, một công việc nghiêm trọng chết người, trở nên hoàn toàn phổ thông và giản dị. Tôi cố trình bày rằng, tôi hi vọng được làm việc về một Thiền sư chính thống, một bậc Thầy thuộc về truyền thống, vào thời Trung cổ chẳng hạn. Nhưng giáo sư Hakeda vẫn nói: Hãy đọc qua những bài giảng của Bankei khi nào anh có dịp. Anh sẽ thấy thú vị. Tôi vẫn hoài nghi, không làm gì thêm về Bankei, và quyết định tìm một để tài khả kính hơn, do chính tôi chọn lựa.
Năm sau, giáo sư Hakeda lại nhắc đến Bankei lần nữa, và mặc dù tôi lộ vẻ miễn cưỡng rõ rệt, ông vẫn dí vào tay tôi một tập bài thuyết giảng của Bankei mà bảo: "Cố gắng đọc đi một ít".
Vì phép lịch sự tôi nghĩ ít nhất cũng nên lướt sơ qua tập sách. Bởi thế tối hôm ấy tôi đọc bài giảng đầu tiên, và từ từ khởi sự đọc cho đến hết. Những gì tôi khám phá thực bất ngờ. Lối trình bày Thiền của Bankei thực không giống bất cứ gì tôi đã tưởng. Đây là một con người bằng máu thịt đang sống, nói chuyện với một thính chúng gồm những đàn ông và phụ nữ, bằng ngôn ngữ giản dị của họ, về những vấn đề Mật thiết miên viễn của họ trong đời sống hàng ngày của con người. Ngài trả lời những câu hỏi của họ, lắng nghe những câu chuyện họ kể, và đưa ra những lời khuyên lạ lùng nhất. Ngài còn nói về đời tư của mình, về những lỗi lầm Ngài đã mắc phải, những rắc rối Ngài đã gặp, những con người Ngài đã giao du. Có cái gì đó hết sức tân kỳ, độc đáo và sống động trong pháp Thiền của Bankei, giáo lý của Ngài về Bất sinh. Ngài dường như muốn nói: Nó đây rồi. Nó có công hiệu thực sự với tôi, và với các bạn cũng thế.
Càng đọc tôi càng mê say. Ba đêm liền, tôi hầu như thức trắng. Khi trở lại văn phòng của giáo sư Hakeda, tôi kể cho ông nghe kinh nghiệm của mình. Ông cười lớn mà bảo: "Thấy chưa, tôi đã biết Bankei là để dành cho anh mà".
Khi đến gặp Thầy lần kế tiếp, tôi mang theo một phần bản dịch bài giảng đầu tiên và khởi sự đọc hết bản văn, để Thầy Hakeda cho ý kiến và sửa sai. Đấy là khởi đầu cho những cuộc gặp gỡ tương tự trải dài suốt mười năm, để đưa đến kết quả là tập sách này. Tác phẩm này kỳ thực là công lao của giáo sư Hakeda. Nếu không nhờ sự giúp đỡ của Thầy với đức kiên nhẫn vô biên, không nhờ trí tuệ và sự khích lệ của Thầy, thì sách này đã không bao giờ xuất hiện.
Tôi cố cống hiến cho độc giả Tây phương một cái nhìn vào thế giới đặc biệt của Bankei bằng cách sử dụng chính lời lẽ của Ngài hoặc lời các môn sinh và hậu duệ. Bản dịch tập trung đặc biệt vào những tuyển chọn từ các tập Bài giảng và Hògo (Chỉ giáo). Mặc dù trong những tác phẩm này có nhiều trùng lặp, đấy vẫn là những ngữ lục sống động, chân thực nhất về lời dạy của Bankei. Chúng tôi cũng tuyển dịch một số thư từ, thơ của Ngài, và một ít tài liệu Hoa ngữ từ nhiều tuyển tập khác nhau được biên tập sau khi Ngài qua đời. Tiêu chuẩn chọn lựa của tôi hoàn toàn chủ quan, tôi chọn những mẩu bài mà tôi cho là thú vị nhất, những chuyện làm sáng tỏ vài khía cạnh của cá tính và thời đại Bankei. Cũng có khi tôi chọn một bài để dịch chỉ vì duyên dáng hấp dẫn của nó. Bởi thế, nếu có sự bỏ sót hay sai lầm nào ở trong sách này, thì đấy hoàn toàn là lỗi của tôi.
Tuyển tập giáo lý Bankei đầu tiên, Bankei zenji goroku, Tokyo, 1942 do D.T. Suzuki ấn hành trong bộ Iwanami bunko ngày nay phần lớn đã được thay bằng hai ấn bản mới, mà bản dịch này sử dụng. Đó là Bankei zenji zenchù (Daizòshuppan, Tolyo, 1970) do học giả Nhật Akao Ryùji ấn hành, và Bankei zenji hògoshù (Shunjùsha, Tokyo, 1971) do Fujimoto Tsuchishige ấn hành. Fujimoto là một người đồng hương với Bankei ở Thành phố Aboshi; ông đã dành trọn đời để sưu tập và ấn loát những tài liệu liên hệ đến bậc Thầy và giáo lý của Ngài. Tất cả những người nghiên cứu ngày nay về Bankei đều mang ơn ông rất lớn.
Trước khi sách này được đưa đến nhà in không bao lâu, giáo sư Hakeda từ trần sau một cuộc chiến dũng cảm dằng dai với bệnh ung thư. Ước muốn suốt cuộc đời của Thầy là nỗ lực khôi phục lời dạy chân chính của đạo Phật ở Đông phương cũng như Tây phương. Toàn thể sự nghiệp của Thầy là một di chúc cao thượng đề cao nỗ lực vô ngã ấy. Tất cả chúng ta những người được biết đến Thầy, sẽ luôn kính nhớ Thầy với nỗi đau buồn thương tiếc.
Peter Haskel
New York City
Tháng 9, 1983
(Bị chú: Những bức thư, gồm khoảng 4 trang trong bản Anh ngữ, đã không được chuyển Việt ngữ, vì không quan trọng.)

Ghi Chú Của Dịch Giả Peter Haskel (Từ Nhật Ngữ Ra Anh Ngữ)
Ngoài một số ít thư từ và vài bài thơ, suốt thời gian hoằng hóa, Bankei hầu như không viết lách bất cứ gì. Những Bài giảng được ghi lại đây hầu như là tài liệu duy nhất cho ta còn biết tí gì về Thiền sư Bankei. Tuy vậy, các đệ tử đương thời cho biết Ngài cấm môn đồ ghi chép những lời dạy của mình, do thế trong vô số bài giảng Ngài đã dạy, chỉ một phần rất nhỏ còn tồn tại đến ngày nay. Những bài giảng này gồm chính yếu là hai loạt pháp thoại từ thập niên 1960, một vào đầu thu ở chùa Hòshinji tại Marugame, loạt bài kia giảng trong kỳ đại kết thất ở Long Môn tự tại Aboshi quê hương Ngài. Bởi thế, phần lớn những gì còn lại ngày nay cho chúng ta chỉ là một phần nhỏ những pháp thoại mà Bankei đã giảng trong vòng một năm vào cuối đời Ngài.
Những pháp thoại này có nhiều bản ghi chép, nhưng chúng ta không biết tí gì về lai lịch người ghi và hoàn cảnh trong đó các bài giảng này được ghi chép. Chỉ trừ một trường hợp duy nhất là "Bản thảo Miura" người ghi là Miura Tokuzaemon, một hiệp sĩ hầu cận lãnh chúa xứ Marugame, một đệ tử và thí chủ của Bankei. Theo lời tựa bản thảo, Miura dự các buổi giảng của Thiền sư ở chùa Hoshinji để hồi hướng công đức cho mẹ đang ốm nặng. Ông xin tạm ngưng các phận sự ở lâu đài vị lãnh chúa, và đến năn nỉ các sư trong chùa cho ông được ngồi một nơi gần bậc Thầy lúc Ngài ban pháp thoại. Từ đấy ông đến chùa mỗi ngày để ghi các pháp thoại của Bankei đem về cho mẹ. Tựu trung, mặc dù có những sai biệt nhỏ giữa các bản thảo, tất cả những bài ghi chứng tỏ đã ghi chép nguyên lời văn của Ngài lúc nói chuyện.
Những bài giảng này đã được xếp thành hai phần, theo các ấn bản (Nhật ngữ) Akao và Fujimoto, hai tài liệu mà bản dịch này căn cứ để dịch. Phần Một gồm hai đoạn, đoạn đầu ghi các bài giảng tại Long Môn tự vào kỳ đại kết thất năm 1960, đoạn hai là những bài giảng ở Marugame cùng một năm ấy. Phần Hai gồm những tài liệu rút từ một bản thảo cất giữ tại chùa Futetsu gần Long Môn tự, do Ryòun Jòkan, một nữ sĩ haiku ghi chép, bà này đã trở thành nữ đồ đệ chính của Bankei. Những bài giảng trong Phần Hai thường khác hẳn những bài giảng trong các bản thảo khác về Bankei, làm cho người ta có cảm tưởng chúng không được giảng trong cùng hoàn cảnh với những bài giảng trong phần Một. Nhưng cũng có thể những bài này thuộc vào loạt pháp thoại giảng ở Longmôn tự vào năm 1960. Trong nhật ký của bà, nữ sĩ Jòkan ghi rằng Bankei đã giảng sáu mươi bài vào kỳ kết thất năm 1690, và lẽ tự nhiên là có thể nhiều người khác nhau đã ghi lại những pháp thoại được giảng vào những ngày khác nhau.
Lời lẽ trong các Bài giảng đều là văn nói, dùng nhiều địa phương ngữ tại nơi Bankei sinh sống. Bankei tránh những thuật ngữ Phật giáo, ngoại trừ những danh từ quen thuộc với các thính giả của Ngài. Khi dịch những bài giảng ra Anh ngữ, tôi đã không cố ý gọt giũa cho trơn tru, vì muốn giữ nguyên ngữ khí của Bankei.
Vì ngại sách quá dày, tôi đã không cho in trọn bản dịch mà chỉ chọn những bài chính yếu trong hai Phần nói trên.