Thư Thầy trò (41)



    
Ngày 06 – 08 – 2012
Thầy kính,

Con cảm ơn Thầy đã chỉ dạy cho con biết sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha. Con vẫn đang sẵn sàng mỗi thời mỗi nơi học bài học của pháp, cũng như phản tỉnh trên chính những đau khổ và sai lầm của mình.  
Nhân tiện, con xin trình với Thầy đoạn note con chép lại trong khi “ưu tư” về việc hành động hay không hành động – thế nào cho thuận pháp tùy duyên và thành công trong tục đế.
Trước hết, thành công trong đời sống của một con người học Phật là làm những điều thiện ích cho mọi người, vì mọi người (cái này cũng rất vi tế chứ không đơn giản, vì cái ngã, cái tôi thường núp bóng trong đó một cách rất tinh vi). Động cơ của tạo tác ngã chấp có mặt trong cả hành động và không hành động. Nghĩa là không hành động hay hành động cũng đều có thể là thôi thúc của bản ngã mong cầu, tham sân si. 
Không hành động có khi là tạo tác của bản ngã, và ngược lại, hành động có khi là vận hành tự nhiên của Pháp vô ngã.  
Vậy cứ hành theo pháp - không xen vào khái niệm, dán nhãn, suy đoán, tưởng tượng, chọn lựa can thiệp điều chỉnh pháp/người khác theo ý mình... mà trực nhận trên pháp/đối tượng để hành động thuận pháp. Hành động như thế là có trong lành định tĩnh sáng suốt, là với tâm rỗng lặng trong sáng. 
Ứng dụng khi gặp một tình huống phải quyết định hành động hay không, và hành động thế nào:
1. Thẩm tra cho ra nhẽ với tâm không phán xét - VÔ NGÃ.
2. Tiếp nhận thông tin cởi mở với sự chú tâm nhìn và nghe sâu, biết pháp đang vận hành, biết nguyên nhân và điều kiện duyên sinh khởi, biết khổ để lắng nghe, cảm thông, sẻ chia với tâm từ bi - VỊ THA.
3. Không phản ứng tạo tác nhằm điều chỉnh pháp theo ý chủ quan khi chưa hiểu rõ, và nhớ để mỗi người tự học bài học của mình, không can thiệp vì tư kiến của bản ngã – THUẬN PHÁP. 
4. Xác định tiêu chí thành công và đối tượng mục tiêu đã xác định để tiếp cận phù hợp (vì cái chung hay vì cái riêng, vì tôi hay vì chúng ta, vì lẽ tự nhiên hay theo đuổi chủ nghĩa can thiệp, vì đích hay vì tiến trình) mà ứng xử - TÙY DUYÊN.  
Như thế, cũng có thể hiểu rằng: 
- Tùy duyên chính là BIẾT CẢNH, để hành theo những gì tốt nhất có thể trong điều kiện cho đối tượng mục tiêu xác định.
- Thuận Pháp chính là lắng nghe để BIẾT PHÁP đang vận hành và dạy mình bài học gì. Không làm gì trái đạo vì tất yếu sẽ phiền não khổ đau. Dùng trí tuệ để hành theo pháp vận hành - nhìn trước rủi ro tất yếu để tránh và giảm thiểu - đây cũng là theo quy luật thuận pháp (quy luật lớn, phổ quát).
- Vô ngã là BIẾT MÌNH thực ra cũng tồn tại trong sự tương giao với những pháp khác. Mục đích cao cả, vô ngã sẽ được ủng hộ.
- Vị tha chính là BIẾT NGƯỜI trong sự tương giao với bản thân mình, biết người cũng như mình thật ra đang vướng kẹt và đau khổ, nỗi khổ của người, mình cũng đã trải qua hoặc sẽ trải qua.  Biết lòng người, lắng nghe sâu để phát triển giao cảm, phát triển hạt giống thiện trong mỗi người.
Học đạo đã vô vàn gian khó, sống đạo mà an nhiên tự tại lại càng khó vạn lần. Khó khăn chính là ở chỗ mình biết trở về với giản dị và hồn nhiên trong sáng, dừng lại việc làm phức tạp cuộc sống mình. 
Hôm qua con chợt nghĩ thế này: Trở về với Đạo là thả lỏng và gỡ bỏ mọi nút thắt để mình với toàn thể các pháp là một thể thống nhất. Ngày trước do vô minh ngu muội khởi lên, mình đã thắt 1 nút, rồi 2, rồi một vạn, một triệu nút… Bây giờ cũng như thế mà gỡ nút để không còn ranh giới, không còn vướng chấp, để trả về cho pháp những gì vốn là pháp. Con hiểu như thế có đúng không Thầy? 
Con xin được đảnh lễ Thầy. 
Con Phương Lan

Ngày 08 – 08 – 2012

Phương Lan con,

Mấy hôm nay thầy bận nên không viết trả lời con. Con viết để tập sắp xếp lại nhận thức của mình cho minh bạch như vậy là tốt lắm. Tất nhiên không vội kết luận điều gì đúng hay sai. Vì nguyên lý thì luôn luôn đúng nhưng một khi đã đưa vào tướng dụng thì phải thường uyển chuyển và biến hóa không ngừng. Ngay cả đức Phật và Khổng Tử là những bậc đã thông suốt nguyên lý của Trời Đất nhưng khi vận dụng thành pháp chế định thì đúng sai vẫn là tương đối. Tuy nhiên, thấy ra nguyên lý cũng vẫn là lý, chính vận dụng vào đời sống thực tế mới là sự.
Sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha chính là đang thể hiện lý trong sự. Đó là quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi không ngừng. Sự điều chỉnh này không nhằm hướng đến tương lai mà chỉ cốt trọn vẹn (trung chính) trong từng “thời vị” - tại đây và bây giờ. Sự trọn vẹn với thực tại trong từng giây phút chính là sự hoàn hảo của tương lai.
Nhận thức của con cơ bản là rất tốt. Con cứ mạnh dạn vận dụng nguyên lý “tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha” và sẵn sàng điều chỉnh nhận thức và hành vi trong quá trình vận dụng, đó chính là cách con học bài học của mình trong mọi tình huống mà pháp mang đến cho con. Bài học luôn là toàn diện, dù con đang tập trung giải quyết hay thực hiện một phương diện cục bộ nào đó, bởi vì khi rơi vào cục bộ thì con liền bị cô lập khỏi cái nhìn toàn diện, tự nhiên và khoáng  đạt. Ví dụ như con nên thận trọng và uyển chuyển khi phải xác định một lập trường hay một mục đích lý tưởng. Tính xác định chỉ được thiết lập trên sự kiện thật, nếu không mọi xác định hay quy kết sẽ rất dễ bị lỗi thời. Tính lỗi thời nếu được nhận ra kịp thời thì còn cứu vãn được, nhưng nếu tính xác định quá cao thì một khi đã lỗi thời là vô phương cứu vãn, và như vậy có nghĩa là không còn tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha nữa!
Tóm lại, thái độ xử lý tình huống đúng tốt của một người ở mức độ nào chính là biểu hiện cụ thể trình độ sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha của người ấy. Trừ những bậc đã giác ngộ hoàn toàn, dù là bậc Thánh hữu học, các ngài vẫn còn phải học tiếp bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình.
Chúc con luôn hứng thú trong việc khám phá bài học của pháp trong đời sống đầy gian nan mà mầu nhiệm này.
Thầy Viên Minh