Thư gởi thầy (6) - Tác giả: Như Hải



Trong thời gian đi nước ngoài con có gặp một người bạn đạo Tin Lành ở Đông Âu, tên M. M. muốn tìm hiểu Đạo Phật, nhưng trình độ con chưa đủ để trình bày Phật Pháp một cách chính xác. Vì vậy con kính gởi thầy đoạn trao đổi giáo lý của con với bạn M. xin thầy chỉ dạy những chỗ sai sót để con đính chính lại.

M: Đạo Phật nói tới Niết Bàn, đó là gì vậy? Đó có phải là mục đích lớn nhất để đạt được?
H: Niết Bàn là Sự Thật rốt ráo chấm dứt bản ngã tham sân si, không còn vô minh, ái dục, không còn phiền não khổ đau. Như vậy Niết Bàn không phải là một trạng thái đặc biệt nào, không ở một nơi cao xa chín tầng mây nào mà phải ‘tu’ ghê lắm để ‘tới’ được. Khi tâm rỗng lặng trong sáng, không còn vô minh ái dục là bình an, hạnh phúc tuyệt đối, không còn phiền não khổ đau, đó là Niết Bàn.
M: Có phải triết lý của Đạo Phật là về Khổ, cuộc sống này toàn là Khổ phải không?
H: Đức Phật không chỉ nói về Khổ, trong Tứ Diệu Đế, Ngài nói về bốn Sự Thật: 1) Sự thật về Khổ; 2) Sự thật về nguyên nhân tạo ra Khổ; 3) Sự thật về tình trạng Diệt Khổ tức là Niết-bàn an lạc tuyệt đối (Paramam sukham); 4) Sự thật về yếu tố chấm dứt nhân sinh khổ. Như vậy, Đức Phật không chỉ nói đến duy nhất một trạng thái Khổ, mà còn nói đến An Lạc tuyệt đối ngay giữa cuộc sống này nữa. Khi thân bị đau là khổ, nhưng cái khổ đấy có khi rất nhỏ so với cái khổ tâm lý. Ví dụ khi tay đau, tâm lo lắng, sợ hãi, bực tức, nôn nóng nghĩ rằng"giá mà mình đừng bị đau tay, sao lại có thể bị đau trong khi đang cần phải viết bài…"thì nỗi khổ thành gấp nhiều lần, đó gọi là Khổ khổ. Tương tự, khi đang sung sướng (Lạc) thì lo sợ bị mất nó, nên nỗi lo biến thành khổ sở gọi là Hoại khổ. Và khi không vui không khổ thì mình lại thấy "bình bình quá, làm gì cho đỡ chán" nên bồn chồn khao khát tìm kiếm, hoặc ‘tạo tác’ cho ra đối tượng gì đó để thỏa mãn, điều này gọi là Hành khổ.
Đức Phật muốn nói đến 3 loại khổ tâm lý này, là do tâm mình sinh ra, chứ không đề cập đến cái khổ thể xác hay không nói rằng toàn bộ cuộc sống là khổ.
M: Thế nguyên nhân của khổ đau theo nhà Phật là do đâu?
H: Là do Vô Minh, không thấy biết bản chất sự thật như nó là nên mới chấp ngã, chấp pháp, tạo tác theo tham lam, sân hận và si mê. Nếu mỗi người biết được sự thật về mình chỉ là tập hợp của tiến trình tâm – sinh –  vật lý do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc,  pháp thì sẽ thấy không có bản ngã hay cái ‘ta’  và ‘của’ ta nữa.
M: Như vậy nếu diệt trừ tham sân si tức là hết khổ đau?
H: Đúng vậy, sẽ hết những khổ đau (3 loại đề cập vừa rồi), là những nỗi khổ-không-có-thật, chỉ do cái ta ảo tưởng tạo ra.
M: Nhưng rất khó, vì con người ai cũng có tham sân si. Vậy cách diệt nó thế nào? Có phải 8 con đường không?
H: Không phải là 8 con đường mà là 8 yếu tố hỗ tương cần và đủ để diệt tham sân si mà Đức Phật gọi là Bát Chánh Đạo. Đầu tiên là thấy biết đúng sự thật (Chánh Tri Kiến), đưa đến suy nghĩ đúng (Chánh tư duy), nói đúng (Chánh ngữ), làm đúng (Chánh nghiệp), sống đúng (Chánh mạng), nỗ lực đúng (Chánh tinh tấn), không bỏ quên thực tại (Chánh niệm), chú tâm đúng (Chánh định). Bát Chánh Đạo được nói tóm gọn là Giới, Định, Tuệ, hay cụ thể hơn nữa là Tinh tấn, Chánh niệm, Tỉnh giác. Tuy nhiên, theo sự hướng dẫn thực tế của Hòa thượng Viên Minh là rất đơn giản và hiệu quả có thể thực hiện bất cứ lúc nào trong đời sống bình thường. Chỉ cần khi vô sự, buông mọi ý đồ của cái ta ảo tưởng thì tánh biết sẽ tựsáng suốt (tuệ), định tĩnh (định), trong lành (giới). Đó là tự tánh giới định tuệ. Khi hữu sự hay động dụng thì tánh biết tự ứng ba đức tính thận trọng (giới), chú tâm (định) và quan sát (tuệ) thì bản ngã tham sân si sẽ không còn tác dụng nữa.  Đó là tùy dụng giới định tuệ.Ngoài ra, tùy căn cơ, hoàn cảnh mà Đức Phật cũng vận dụng ra chế định giới định tuệ để làm giảm bớt tham sân si khi bản ngã chưa được đoạn trừ tận gốc.
M: Có phải kết quả, hay mục đích cuối cùng của Đạo Phật là đến Niết Bàn không?
H: Không phải. Niết-bàn không phải là mục đích bên ngoài để tìm đến, cũng không phải là kết quả của giới định tuệ. Giới định tuệ chỉ để trừ tận gốc tham sân si, nhưng khi tham sân si không còn nữa thì liền nhận ra Niết-bàn đã sẵn có nơi chính mình. Ví như khi mây mù (tham sân si) tan đi thì mới thấy được bầu trời quang đãng. Nghĩa là ai cũng có đầy đủ mọi thứ, không phải đi tìm cầu đâu cả. Ngay nơi thân tâm này, Niết Bàn hay Địa Ngục là do thái độ rỗng lặng trong sáng và vô ngã của giới định tuệ hay thái độ vô minh ái dục của bản ngã tham sân simà thôi.
M: Vậy mục đích cuối cùng của Đạo Phật là  gì?
H: Là biết "trở lại với chính mình tại đây và bây giờ". Khi ‘tại đây và bây giờ’ mình thấy biết rõ, thấy biết đúng mọi sự như nó là… thì ngay lúc đó đâu có khổ đau gì nữa. Đức Phật cũng chỉ dạy có bấy nhiêu thôi, nhưng không thể nào nói ngay sau khi thành Đạo, mà phải nói Tứ Diệu Đế, Tứ Niệm Xứ v.v.. để giúp cho người ta trở về với Sự Thật mà thôi.
M: Rất giống với Kinh Thánh nói về Lẽ Thật.
H: Cũng là một thôi. Trong Kinh thánh nói về Thượng Đế, trong Kinh Phật nói về Pháp, cũng vậy, là một.
M: Nhưng pháp là gì vậy?
H: Pháp trong Đạo Phật có nghĩa là Thực Tánh của ‘vạn pháp’, là bản chất thật của mọi sự vật, được gọi là Chân Đế. Quanh ta, cái gì cũng từ Pháp mà có, nên không có gì trước mắt không phải là Pháp.
M: Xin cho hỏi về Đức Tin trong Đạo Phật, H. đặt niềm tin vào đâu?
H: H. đặt niềm tin vào “chính bản thân mình”, tức là “thực tại ở đây và bây giờ”.
M: Không phải vào Đức Phật hay sao?
H: Đức Phật là tấm gương lớn để tất cả mọi người thấy rằng nếu tu tập đúng thì ai cũng giác ngộ như Ngài. Chính Ngài cũng cảnh báo, ngay cả lời của Ngài cũng không được vội tin, mà phải tự mình kiểm chứng. Bản thân Đức Phật là tấm gương đã ‘tỉnh thức’ đạt tới ‘chánh đẳng chánh giác’ nghĩa là biết được hết Sự Thật (Chân lý). Ngài cũng đã nói "Ta là Phật đã thành, còn chúng sinh là Phật sẽ thành". Phật ở đây có nghĩa là "Tỉnh thức", như vậy chúng sinh và Đức Phật đồng một Thực Tánh giống nhau, chỉ là người tỉnh thức trước hay sau thôi.


M: Bản chất con người là tội lỗi rồi, mình không thể tự cứu lấy mình, hay tự tha thứ cho mình được, vì vậy tin vào chính mình rất tốt, nhưng liệu có được không?


H: Nếu hiểu “chính mình” theo nghĩa cái ta ảo tưởng hay bản ngã tham sân si thì quả là tội lỗi, không thể cứu lấy mình, không thể tự tha thứ, mà phải gánh chịu luật nhân quả công minh (Đạo Thiên Chúa gọi là phán xét cuối cùng). Chính mình ở đây là Chân Đế, bản chất tột cùng của Pháp (Đạo Thiên Chúa gọi là Thượng Đế), và Tánh Biết rỗng lặng trong sáng (Đạo Thiên Chúa gọi là Linh Hồn Chúa ban). Tin vào chính mình nghĩa là tin vào Tánh Biết thấy Pháp, để loại bỏ cái ta ảo tưởng hay bản ngã tham sân si mà có thể sống thuận Pháp (Đạo Thiên Chúa gọi là Vâng Ý Cha).

M: Đạo Phật tin có luân hồi. Đạo Chúa không tin có luân hồi sinh tử. Theo H. luân hồi sinh tử là gì?
H: Thực ra trong Kinh Phật có đề cập đến hai loại luân hồi sinh tử, một là ngay trong kiếp này, biểu hiện qua sự sinh diệt của tiến trình tâm-sinh-vật lý, và hai là sự tương tục tái sinh trong nhiều kiếp sống khác nhau.
Trong hiện tượng tự nhiên, luân hồi sinh tử là hiện tượng có sống, có chết và có sự tái hiện trong một chu trình mới, như khi một đám mây tụ lại và rơi xuống thành mưa, mưa ngấm vào đất, vào hồ, vào sông ngòi rồi ra biển, rồi bốc hơi thành nước, rồi nước thành mây… vậy có thể nói khi mây ‘chết’ đi thì mưa ‘sinh’ ra, và rồi mây lại ‘sinh’ ra… đó là luật vận hành tự nhiên của pháp mà Đạo Phật gọi là luân hồi sinh tử thế thôi.
Còn luân hồi sinh tử qua các kiếp là có thật. Tuy nhiên do hầu hết con người chỉ biết quá trình sinh ra rồi chết, không trải nghiệm được từ chết tới sinh ra, nên phủ nhận điều ấy. Rất nhiều minh chứng cho luân hồi, đó là các ví dụ của rất nhiều người nhất là trẻ em có thể nói vanh vách đã từng sống ở đâu, bố mẹ là ai, miêu tả rõ nhà trước đây đã ở. Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 là một ví dụ sống mà người ta đã quay được phim đấy thôi. Các liệt sĩ nếu đã chết là không còn nữa thì tại sao lại báo cho người nhà tìm được xác mình? Và vô vàn các ví dụ khác.
M: Kinh Thánh có nói rõ về nguồn gốc sự hình thành và sự kết thúc của mọi vật, trong khi Đạo Phật không giải thích được sự bắt nguồn của vạn vật, mà chỉ giải quyết hiện tại thôi.
H: Nói về nguồn gốc thì đã có nhiều thuyết, như thuyết tiến hóa của Darwin, thuyết Big Bang, thuyết Duy Tâm, Duy Vật v.v… nhưng tất cả cũng chỉ là giả thuyết chưa được khoa học chính thức xác nhận. Lý thuyết vẫn cần phải được sự thật minh chứng mới được. Đức Phật ra đời để chỉ cho chúng sinh sự hình thành và sự kết thúc của khổ, vì đó là  giải pháp thiết thực hiện tại cho họ, chứ không nhằm mục đích giải thích nguồn gốc của vũ trụ nhân sinh. Hơn nữa, làm sao có thể biết được cái gì bắt đầu và kết thúc đây? Nếu nói A là bắt đầu của tất cả, thì cái gì sinh ra A? Theo Phật Giáo thì vạn pháp do duyên sinh “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt…”Trong ví dụ đám mây, cái gì sinh ra trước, đám mây, hay là nước mưa? Phải chăng chúng sinh diệt theo duyên sinh?
Đã từ 2.500 năm trước Đức Phật đã thấy điều ấy, mà sau này Anhstanh mới chứng minh:“Năng lượng không tự nhiên sinh ra và mất đi, chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác” đấy thôi. Thc ra con người cũng vậy, nhưng chắc phải một thời gian sau nữa khoa học mới chứng minh được điều này. Và còn rất nhiều các thuyết khác như vô thường, vô ngã, nhân quả, tính không… rồi sẽ một ngày khoa học chứng minh được cũng như Thuyết Lượng Tử vậy.
M: H. có thể cho biết thầy của H. là ai không?
H: Thầy của H. là Hòa thượng Viên Minh, người đã chỉ cho H. biết trở về chính mình, nhận ra chân lý ngay nơi thực tại này, không cần tìm kiếm hay nương tựa bên ngoài.