Kính thưa Thầy,
Sáng nay con đã đọc được “Bài học đầu năm” của thầy trong mục Thư Thầy Trò. Con thường đọc thư của thầy và các bạn để thấy thêm những tình huống trong cuộc sống phong phú và đa diện, nhưng ít khi con góp ý hay phê phán gì. Vì đôi lúc trên lý thuyết thì mình có thể góp ý rất hay nhưng trên thực tế thì mình vẫn bị vùi dập không lối thoát. Vậy mà tự nhiên hôm nay có lẽ vấn đề này chạm đến tình huống mà con đang gặp phải nên con xin được bày tỏ ý kiến của mình.
Thầy dạy rất đúng, có những việc còn có những uẩn khúc bên trong khó mà cứ luận theo hiện tượng bên ngoài mà phê phán hay tìm cách xử lý. Như bản thân con, từ lâu mang trong người một mặc cảm “lỗi lầm” đã ăn sâu vào tiềm thức mà không sao tháo gỡ nỗi và cũng không biết phải điều chỉnh ra làm sao cho đúng.
Lương hai vợ chồng con rất cao so với mức lương bình quân ở Úc. Con là người thủ quỹ gia đình. Chồng con lãnh lương bao nhiêu cũng đều giao cho con, anh không cần để ý tới sổ sách thu chi, và con cũng không bị bắt buộc phải báo cáo cho gia trưởng. Mỗi tuần con chỉ đưa anh một ít tiền xài vặt chứ anh không đòi hỏi gì cả. Trước đây có vài lần con đã giao anh giữ tiền, nhưng xem ra anh không làm được, có thể là bản tính người đàn ông nói chung hay cá tính của riêng chồng con mà anh tỏ ra không có khả năng quán xuyến tiền bạc. Anh thường bỏ tiền đầu này đầu nọ lung tung, có vẻ như không mấy quan tâm lắm. Anh không thích lo những chuyện lặt vặt như chi phí chợ búa, thuê người làm, thanh toán điện nước, lo cho con cái ăn học, sắm sửa những đồ gia dụng, tổ chức giải trí vui chơi v.v... và v.v... Giao tiền cho con, anh không tiêu xài gì nhiều cho cá nhân, chỉ thỉnh thoảng đọc báo thấy có những trường hợp nghèo khó do thiên tai, bệnh tật, hoạn nạn… thì anh đề nghị lấy tiền gởi đến giúp họ. Làm xong rồi thôi, anh cũng không cần tên tuổi gì cả. Anh không biết và không thích đi chùa làm phước như con, có thể là do anh thấy hiện tượng tiêu cực trong sinh hoạt bên ngoài của một số chùa nên không có niềm tin nơi Phật Pháp. Do đó mọi chi phí trong gia đình cũng như những việc làm bố thí cúng dường đều do một mình con tự ý quyết định.
Và đây chính là vấn đề của con. Con thích cúng dường Tăng Ni, đóng góp xây dựng chùa chiền, ấn tống kinh sách v.v... Anh chưa khi nào phản đối hay tỏ ra để ý những việc con làm, nhưng biết anh không thích nên con cứ tự ý chi quỹ gia đình ra làm phước mà không dám bàn bạc với anh. Con nghĩ việc làm của mình là đúng, là phước cho gia đình nên cứ qua mặt anh chỉ vì sợ anh không thích mà mang tội. Nhưng căn cứ trên giới luật của Phật tử thì như vậy vẫn xem lả “ăn cắp” vì lấy của không cho (chưa được sự đồng thuận nhất trí của chồng).
Mặc dù con chấp nhận mọi hậu quả về việc làm này của con, và con cũng đã nhiều lần sám hối, đã luôn tỏ lòng mang ơn người chồng ân nhân mà duyên Pháp đã đưa đến cho con, và đã hồi hướng tất cả phước báu con làm đến anh. Con tự an ủi không chừng kiếp trước ảnh có duyên nợ gì với mình nên bây giờ tình nguyện giúp mình để mình ủng hộ Phật Pháp. Thế nhưng trong thâm tâm con vẫn mang mặc cảm sai lầm mờ ám. Đó phải chăng là một hành động ăn cắp tinh vi mà bề ngoài không ai biết được, chỉ có lương tâm tự biết mà thôi? Vậy con đúng chỗ nào sai chỗ nào, hay trong cái đúng có cái sai, trong cái sai có cái đúng? Phải chăng những người trong cuộc mới “đau đớn lòng!”
Đó là một cách “ăn cắp” còn có chút lương tâm trong vô số những cách trộm cắp tinh vi nhan nhản trong cuộc sống gia đình, đoàn thể, cộng đồng, xã hội mà lắm khi còn được ca tụng vẽ vời thêm nữa là khác! Khó mà biết được phân minh cái nào đúng cái nào sai, vì nó phát xuất từ vô số nguyên nhân, vô số động cơ và vô số điều kiện duyên khởi khác nhau ẩn kín đàng sau không thể nào lường được. Phải chăng Pháp mới biết đó là bài học gì nên đã đã đưa ra thử thách để mỗi người phải chiêm nghiệm ngay nơi duyên nghiệp của mình mà hoàn thành con đường giác ngộ giải thoát? Con tâm đắc câu thầy dạy: “Sự tu tập… là quá trình điều chỉnh nhận thức và điều chỉnh hành vi cho thuận Pháp”. Quá trình này vô cùng vi tế và lâu dài, không đơn giản để có thể giải quyết hay xử lý một cách dễ dàng dứt khoát chỉ dựa trên lý trí phán đoán từ một vài hiện tượng bên ngoài được.
Có đôi khi về lý ai cũng có thể nghĩ hoặc nói thao thao bất tuyệt, cái gì cũng hay, cái gì cũng đúng, có lý có tình, hợp đời hợp đạo, bi trí vẹn toàn… nhưng về sự thì mỗi người vẫn còn đối đầu với cái bất toàn, với vô số những điều thường tình nhất như đói thì thèm ăn, khát thì mơ uống, rồi đến khổ vui, mừng giận, ghét thương… mà mình chưa nhận diện ra, nên ai có lâm sự trong tình trạng thực tế mới thấy bài toán cuộc đời thật là vô cùng nan giải. Có lẽ như thầy dạy là điều chỉnh nhận thức và hành vi cũng là sự vận hành của pháp mà mỗi người chỉ chiêm nghiệm học hỏi để giác ngộ thôi chứ biết làm sao mà loay hoay tìm cách xử lý vẹn toàn cho được. Và có lần giảng ở Hà Nội thầy hỏi: “Đố các Phật tử vì sao đức Phật được gọi là bậc giác ngộ hoàn toàn?”. Thính chúng im lặng. Thầy nói: “Vì Phật giác ngộ ra sự bất toàn”. Ái dà! Vậy là con cũng chợt ngộ ra được một tí bất toàn ngay trong vấn đề của con rồi đó.
Con xin cám ơn thầy.
Con, Nhật Thường.
|
[ Ðầu trang ]