LÀM THẾ NÀO VỊ THẦY THẤY ĐƯỢC ĐỆ TỬ ĐÃ NGỘ HAY CHƯA?
Do đâu vị thầy có được cái thẩm quyền này, cái mà ông không mong muốn tìm hay đòi hỏi, nhưng lại càng ngày càng tăng trưởng nơi ông dù muốn hay không? Làm thế nào mà ông có thể nhìn vào tận tâm linh sâu thẳm của đệ tử khi anh ta đứng lặng câm chịu trận trước mặt ông hoặc lắp bắp nói một cách vô vọng? Làm sao ông thấy biết đệ tử đã giác ngộ hay chưa? Giải thích điều này cũng khó khăn chẳng khác gì nói về diễn tiến giác ngộ.Cần nhớ lại rằng sự thấy biết khi giác ngộ có tính chất lạ lùng đến nỗi người đệ tử không thể nói ra một lời giải đáp rõ ràng cho câu hỏi nêu trong công án, vì không thể diễn tả nó bằng ý niệm ngôn từ, nhưng giả sử anh ta có thể mô tả sự thấy bằng cách dùng hình ảnh so sánh thí dụ (điều này có thể làm được sau nhiều năm tu tập khi đã tăng thêm kinh nghiệm), thì việc đó cũng không gây ấn tượng gì cho vị thầy, vì người đệ tử có thể chỉ lập lại những gì nghe người khác nói mà cho là kinh nghiệm thực thụ của mình, bằng một trí tưởng tượng linh động và vài sự kiện trong tầm sử dụng, anh ta có thể ghép chung những nét chính yếu của sự thấy lại với nhau, và vì có thể diễn tả bằng lời, anh ta làm ra vẻ như mình là một người đã giác ngộ.
Để có thể lật tẩy những kẻ cơ hội này - có trong Thiền cũng như trong các lãnh vực khác - vị thầy đòi phải chính mắt mình "nhìn thấy" trạng thái đắc ngộ của đệ tử, và vị thầy - người đã đắc ngộ - quả thật chỉ cần nhìn qua là "thấy" không hề sai chạy. Kinh nghiệm bản thân trong thời gian còn là đệ tử giúp ông làm được việc này, thêm vào đó là những tháng năm kinh nghiệm trong vai trò hướng dẫn và làm thầy, nhưng vị thầy thấy cái gì? Có lẽ nên dùng thí dụ để trả lời câu hỏi này: Đó giống như một họa sĩ nhìn vào tác phẩm của học trò là có thể cho biết đứa nào có năng khiếu bẩm sinh và đứa nào không có. Đúng là ông "thấy được" điều này, nhưng cách thấy thì không thể nào giải thích hoặc giảng dạy cho một người không phải là họa sĩ. Tương tự, vị Thiền sư thấy được khi nào sự giác ngộ là đúng thật chứ không phải là tưởng tượng. Đương nhiên, ông thấy được điều này "nhờ" một cái gì đó mà tôi không thể giải thích được, nhưng có thể đưa ra một vài gợi ý.
Trạng thái thanh thản của tinh thần do giác ngộ tạo ra và mang lại một chuyển biến nội tâm sâu sắc được phản ánh trong sự thơ thới của xác thân. Xét riêng, giác ngộ không đem lại một nỗi ham sống bồng bột nào, một cảm giác phấn khởi hoặc hân hoan cuồng nhiệt - các hiện tượng này có thể do những nguyên nhân hoàn toàn khác - vì người giác ngộ sống lặng lẽ không lộ ra một nét nào gây chú ý. Nói đúng hơn, các tác dụng của giác ngộ tự chúng biểu hiện ra trong những hành vi kín đáo ít chịu sự điều khiển của người này nhất. Những hành vi này không ai bắt chước được, vì trong Thiền không hề có thái độ mẫu mực để người ta học theo, chẳng hạn như thái độ mộ đạo, khiêm tốn, xuất thần v.v... Chỉ có một ngoại lệ duy nhất đó là vẻ trầm mặc của Thiền định. Người ta có thể bắt chước thái độ này trong một lúc, nhưng không giữ mãi được vì tính phù phiếm của thái độ giả tạo sẽ tự phơi bày; nó chẳng hề dẫn đến giác ngộ.
Ở đây sẽ không nhấn mạnh đến chuyện người ta có thể thấy được biết bao nhiêu điều lộ ra nơi hai con mắt. Điều này rất đúng trong những lãnh vực khác của cuộc sống, và khắp thế giới nhân loại đã lập ra nghệ thuật xem mắt. Nhưng nghệ thuật thấy qua cái cách người đệ tử nâng chén trà lên môi mà biết anh ta thật sự giác ngộ hay chưa thì chỉ có bậc Thiền sư mới thực hiện được mà thôi.
Có lẽ chỉ có thí dụ này là dễ hiểu nhất với người phương Tây, nhưng có điều chắc chắn là người đã theo giác ngộ không chỉ thấy các sự vật theo cách khác thường, mà còn "nắm" (thấu hiểu) chúng cũng khác. Vậy, người đó "nắm" chúng theo cách nào? Không phải cái cách bối rối ngại ngùng vì có mặt vị thầy. Không phải cái cách ngắm nghía dáng hình của các sự vật để thẩm định giá trị của chúng. Cũng không phải như trong trường hợp nâng cái chén lên với ý thức đó đúng là cái chén và xem tầm quan trọng của nó tùy thuộc vào vật chứa bên trong. Cũng không phải cái cách ngược lại: chẳng chú ý gì đến cái chén như là đang đắm chìm trong suy tưởng, mà đúng hơn, đó giống như cái cách một nghệ nhân gốm sứ cầm nắm cái chén, cảm nhận nó thành hình như thế nào vì điều đó sẽ cho biết tay nghề tạo nặn của người làm ra nó; anh ta nắm cái chén như thể đôi tay nhập một với nó đến độ chúng trở thành giống như cái chén và khi rút tay ra vẫn còn cảm thấy dấu vết của nó trong tay. Anh ta uống trà cũng khác người uống hay là thức uống, hoàn toàn quên hẳn mình, chẳng còn biết gì về mình: người uống với thức uống là một, thức uống và người uống là một.
Theo ý nghĩa đó, năng lực giúp vị Thầy "thấy được" trạng thái giác ngộ chỉ là mức hoàn hảo của một khả năng mà một người phương Đông như ông có đủ các đức tính cần thiết cho nó, đó là khả năng phân định những tiết điệu tinh tế nhất của động tác và dáng điệu.
Khả năng quan sát nhạy bén phi thường này có thể được phát triển nhờ lối viết chữ tượng hình (chữ Nho), nhờ khuynh hướng của người Nhật đắm mình vào mọi việc xảy ra và cuối cùng nhờ tình yêu thiên nhiên của họ. Bất cứ sự vật nào họ quan sát cũng nhập vào trong họ, nói cách khác là họ uống lấy nó. Có thể đưa ra nhiều thí dụ về thái độ sống theo kiểu phương Đông này: ngắm hoa anh đào nở, xem triển lãm hoa, cắm hoa, thưởng ngoạn phong cảnh, ưu ái những cây đơn độc v.v... Tất cả những việc này làm cho sự quan sát của họ về thú vật và con người đang cử động trở nên nhạy bén hơn. Ngay cả một vì vua Nhật cũng băn khoăn trước câu hỏi: "Con hạc bắt đầu bước chân nào trước để lên thang gác?".
Chính những động tác vô ý vô nghĩa này mới có ý nghĩa đối với một vị thầy, vì đó là những phản ánh của một trạng thái chân thật không mang dụng ý nào cả.
Nếu Sư phụ của tôi đọc được những dòng vừa viết ở trên, chắc ông sẽ bảo: "Tại sao phải dài dòng văn tự với những điều đơn giản như vậy! Muốn hiểu người khác, muốn nhìn thấu suốt các góc cạnh bí ẩn nhất của tâm người, thì chỉ có một cách duy nhất là tâm này liên hệ trực tiếp với tâm kia". Nghĩa là với tu tập lâu ngày bạn sẽ có được năng lực lôi người khác vào trong trường khí lực của mình mà bạn luôn luôn tỏa rộng ra những vòng sáng quanh mình. Không chỉ có người, mà cả đến thú vật, cây cỏ và mọi vật cũng bị ảnh hưởng. Không thứ gì thoát được trường khí lực đó, và bất cứ sự vật gì bị hút vào trong đều phải tự bày danh tánh.
Do đó, vị thầy đã có thể thấy thấu suốt đệ tử thông qua hành vi bên ngoài của anh ta và hơn nữa là thông qua cách tự bộc bạch của anh ta khi bị hỏi. Anh ta hoàn toàn không thể nào giả bộ tỏ ra có cái điều mà mình không có, vì trong giác ngộ chẳng có điều gì có thể cảm nhận và trình bày ra như một sự kiện khách quan; giác ngộ chẳng chứa đựng chân lý mà bạn có thể lượm lặt và nói ra theo cách học mót, mà chỉ có thể cách thấy và nắm lấy hoàn toàn mới mẻ. Hoặc là bạn đã giác ngộ hoặc là chưa, chứ không thể nào ngụy tạo ra nó, và bất cứ ai đã tự mình tu tập nhiều năm với một Thiền sư sẽ không còn mảy may nghi ngờ lời tuyên bố của ông là thấy thấu tim đen của đệ tử, biết anh ta đang đứng ở đâu, và trên hết là biết bao nhiêu kinh nghiệm chân thật và bao nhiêu ảo tưởng.
Tác giả: Ngô Ánh Tuyết - Vương Long