Thư gởi Thầy (15) - Tác giả: Thanh Nghiêm



Đức Quốc, ngày 19 - 01 - 2011
Kính thưa Thầy,

Đọc thư của đạo hữu Trung Thiên con rất cảm động và khâm phục. Điều này gợi nhớ lại cảm nhận của con trước đây giữa hai trạng thái tâm bức xúc rồi ức chế, ức chế rồi lại bức xúc. Cũng như tâm trạng buồn rồi chuyển sang vui, vui sang buồn, hạnh phúc sang đau khổ và ngược lại.
Ngày xưa có thời gian dài tâm con cũng thường dao động giữa những tình trạng bức xúc, căng thẳng rồi lại ức chế, trầm cảm. Cho đến một hôm con nhận ra "mình phải tự cứu mình". Con là người chưa hiểu thì chưa tin, nên không biết tìm từ đâu phương cách cứu mình, cũng chưa có chút Phật Pháp để biết tìm nguyên nhân tình trạng khủng hoảng ấy, nhưng do thắc mắc "Tại sao mình khổ thế này? Tại sao bên ngoài luôn khiến mình chao đảo như con chim gãy cánh không tìm ra đâu là chỗ đậu thế này?" mà con buộc phải chịu khó nhìn lại "mình" đấy thôi. Lúc đầu nhìn lại mình thấy tình trạng khủng hoảng đó con cố gắng xoay xở tìm mọi cách thoát ra nhưng vô ích, rồi lại rơi vào tâm trạng chán nản buông xuôi. Cả hai thái độ trên đều chỉ làm kéo dài thêm cơn khủng hoảng mà thôi. 
Sau này tiếp cận với Phật Pháp và thiền, nhất là qua bài kệ “Nói làm thường thận trọng, luôn trọn vẹn chú tâm, lắng nghe quan sát rõ, đến đi pháp lặng thầm” của thầy, con mới biết có hai cái gọi là “mình”: Một, “mình” chỉ là cái ta ảo tưởng. Hai, “mình” là danh (tâm lý) và sắc (sinh lý) tương tác vận hành chứ không là gì cả. Có lần con vô tình phát giác ra ở khoảng giữa hai trạng thái bức xúc và trì trệ của cơn trầm cảm có chút gì yên tĩnh là lạ, một thoáng cảm giác có vẻ rất dễ chịu. Khi chú tâm kỹ hơn, con cảm nhận một trạng thái an bình kỳ lạ, một sự an nhiên rõ ràng tươi tỉnh, chứ không phải lặng lờ vô cảm. Từ đó mỗi khi bức xúc hay trì trệ đến con chỉ chú tâm vào trạng thái đó thì con lại tìm thấy sự yên bình trở lại. Nếu đó là cơn dao động giữa hai trạng thái không lớn lắm thì chỉ cần chú tâm là đủ. Lúc đó con cảm nhận được sự bình an, tuy lúc đầu rất ngắn, nhưng khoảnh khắc này rõ ràng là tạm thời không có đau khổ. Khoảnh khắc tĩnh tại hiếm quí này như cái tổ ấm cho con chim bị thương được bám vào trú ẩn.
Nhưng khi phải trải qua một sự bức xúc mạnh mẽ và lâu dài hơn mà thường sau đó con biết thế nào mình cũng sẽ rơi vào trạng thái trầm uất chán nản, thì yếu tố định thôi chưa đủ, vì đó chỉ mới là giải pháp để tạm thời trú ẩn chứ chưa hoàn toàn thoát nạn. Muốn thấu suốt tận gốc con đã phảilắng nghe quan sát thật rõ ràng sự diễn biến từ trạng thái bức xúc qua trạng thái trì trệ như thế nào mà không phản ứng gì cả thì con mới thật sự thấy ra được chính mình. Với thái độ “không buông xuôi”, “không phản ứng” và “không là gì cả” dần dần tâm trạng trầm cảm theo ngày tháng mà ra đi không còn trở lại.
Thì ra vấn đề không phải là nỗ lực thoát ra cơn khủng hoảng hay cố gắng lấy lại sự bình an, vì càng cố gắng giải quyết càng bất an, hay nếu có an ổn thì chỉ là tìm được chỗ trú ẩn tạm thời mà thôi.Qua bài học chiêm nghiệm này mà con phân biệt được thế nào là định thế nào là tuệ; thế nào là cái biết của bản ngã vọng thức lăng xăng giải quyết và thế nào là cái biết vô ngã rỗng lặng trong sáng, chỉ lặng nhìn không nói năng; thế nào là sự an ổn của trạng thái tâm thức, thế nào là sự an nhiên của thái độ trí tuệ. Phải chăng nhờ sự thấy biết minh bạch đó mà con đã từ bao giờ quên đi những khoảnh khắc an nhiên như tổ ấm cho chim tạm trú một thời. Bây giờ thì con đã làm được một người bình thường rồi Thầy ạ.
Con vẫn nghĩ rằng: đã có thân người ai cũng khổ, mỗi người khổ ở một mặt khác nhau, nhưng chân lý vô thường như đã sắp sẵn, nên khổ hay lạc mà lên đến tột đỉnh thì phải hết. Có điều nếu buông xuôi theo nó, hoặc cố gắng phấn đấu chống lại nó thì có thể rơi vào tình trạng tâm thần phân liệt như Thầy đã dạy. Tựu trung nguyên nhân chính vẫn là tìm ở nơi mình, chỉ có mình mới tự cứu được mình mà thôi. Con rất tâm nguyện ý nghĩa câu "Chính mình là hải đảo tự thân". Bỗng dưng mà con nhớ lại một thời với biết bao trải nghiệm mà nhờ đó hôm nay con đã không còn là ngày hôm qua nữa.
Con kính chúc Thầy luôn an lành.
Con, Hương Nguyên.