Thư Thầy trò (69)

Tác giả: Viên Minh - Nguyễn Hải Bình

Nam-mô A-di-đà Phật!
Thưa Thầy, con thành kính đảnh lễ Thầy. Con có một vài điều thắc mắc xin Thầy khai thị, con cám ơn Thầy nhiều ạ.
Theo con được biết thời Phật đã có chữ viết và phương tiện công cụ ghi chép. Đạo Bà La Môn có trước đạo Phật cũng đã ghi chép kinh điển của họ. Vậy tại sao Phật Tổ lại không cho biên soạn kinh điển để truyền lại cho đời sau những lời dạy nguyên thủy và chân thực nhất của Ngài? Đành rằng ở một khía cạnh nào đó ngôn từ, sách vở có thể là vật cản cho việc thực hành nhưng không thể phủ nhận lợi ích của sách vở. Số người không biết Phật Môn khá nhiều nhưng đáng lo sợ hơn là ngay cả những Phật tử cũng không hiểu biết đúng đắn được Ngã Phật dù đã quy y, học đạo. Lý do của điều này một phần vì kinh điển khá rối rắm, khó hiểu, thậm chí có những đoạn những kinh đầy màu sắc mê tín, thần quyền không thể do Phật thuyết hay Tổ Sư nói được mà do người đời sau tự sáng tạo rồi gán cho Phật. Phật là bậc Toàn Giác, Người chắc chắn phải biết trước được ngày hôm nay nhưng sao lại không can thiệp? Con nghĩ rằng với Trí tuệ và thần thông của Phật và các vị Tổ Sư thì biên soạn và duy trì kinh điển hàng bao nhiêu ngàn năm đi chăng nữa không phải là điều khó khăn.
Con xin cám ơn Thầy.

Đức Phật nói mà dường như không nói, ngôn ngữ chỉ là một phần rất bé nhỏ và hầu như không phải là chính yếu khi đức Phật khai thị Sự Thật. Những nhân tố chính yếu có tác dụng mạnh mẽ khi Ngài chỉ dạy là tâm thái, cử chỉ, nụ cười, ánh mắt, vẻ tự nhiên, năng lượng, trí tuệ, từ bi v.v... biểu hiện nơi Ngài ảnh hưởng trực tiếp đến người cầu đạo đúng với căn cơ, tình huống, không gian, thời gian và thái độ nhận thức, niềm tin, sự chú tâm trọn vẹn trong sáng của người ấy ngay lúc đó, còn ngôn ngữ chỉ là thứ yếu, đôi khi hoàn toàn không cần thiết, vì sự im lặng của đức Phật có tác dụng khai tâm hơn nhiều so với những gì Ngài nói.
Nếu như ngôn ngữ là trọng yếu đến thế thì khi đức Phật đã hoàn toàn giác ngộ Ngài chỉ cần bỏ ra một hai năm tìm một chỗ thanh vắng ngồi viết ra kinh điển rồi dùng thần thông biến ra vô số bộ kinh để phân phát cho chư thiên và nhân loại, đồng thời biến nó thành bất hoại để truyền lại cho muôn đời sau, rồi nhập Niết-bàn cho khoẻ, tội gì phải đi khai thị từng người và cần gì đệ tử phải ghi chép làm chi cho mệt. Cho dù làm thế Ngài vẫn không thể truyền đạt được toàn bộ chân lý Ngài đã giác ngộ qua ngôn từ mà chủ yếu là người được khai thị phải chứng ngộ chân lý ấy ngay nơi chính mình chứ chẳng có điều gì đến với anh ta qua ngôn từ cả.
Người thợ mộc đã rất đúng khi nói với ông vua đang nghiền ngẫm kinh điển rằng bệ hạ chỉ đang nhai lại cặn bã của Thánh nhân thôi. Chính vì thế mà sau khi đức Phật nhập diệt, lời dạy của Ngài đã được ghi lại một cách tóm lược qua trí nhớ, tất nhiên cũng có lợi nhưng đã tạo ra một hiệu ứng nguy hại khôn lường đó là sự phân phái do người sau hiểu nghĩa kinh ít nhiều sai khác, và càng về sau sự phát triển qua chú giải, luận thuyết, cùng các bộ kinh nguỵ tạo đã dần dần biến Đạo Phật thành Tôn giáo, Triết học và Tín ngưỡng. Như vậy không phải ngôn ngữ kinh điển chỉ còn là cặn bã của Thánh nhân đó sao? Chân lý luôn viên mãn nơi thực tại hiện tiền, vì không ai thấy nên Phật mới chỉ ra, ngay đó ai thấy được là xong, quên lời mới đúng.
Khi đạo sĩ Sāriputta hỏi ngài Assaji: “Thầy của ngài dạy gì?”, sao lúc đó ngài Assaji không bảo Sāriputta ngồi xuống nghe ngài đọc lại bài kinh Chuyển Pháp Luân mà chỉ nói một câu quá đơn giản: "Các pháp sinh ra từ một nhân…"? Vì ngài không cần lặp lại ngôn từ Phật nói mà liền chỉ thẳng vào một sự thật, đó là tình trạng luôn sinh tâm tìm cầu sở tri sở đắc của Sāriputta, khiến Sāriputta bừng tỉnh. Sự bừng tỉnh kỳ diệu ấy đưa Sāriputta về với tự tánh chân như (paramattha sacca) ngay nơi thực tại hiện tiền (sandiṭṭhiko dhammo).
Chân lý ở khắp nơi
Kiếm tìm chi ngôn ngữ
Khi tâm thật thảnh thơi
Chính là Dòng Bất Tử.