Thư Thầy trò (68)



Tác giả: Viên Minh - Uyên Nguyên


Thưa Thầy,
Hôm nay vừa tròn 1 tuần con đến ở đây. Cũng ở đây, câu hỏi con nhận được nhiều nhất từ người khác là: “Em đến đây một mình à?”, “Cháu đến đây lần đầu phải không, giỏi quá!”… Mỗi lần nghe vậy con chỉ cười. Xét về hình tướng thì con đang ở tại đây, chùa Bửu Long - Sài Gòn. Nhưng khi nhìn lại thì dường như con đã đi được 2/3 chữ S của đất nước mà lại giống như chưa đi đâu cả. 
Đây là lần đầu tiên con gặp Thầy, gặp các Sư và mọi người ở đây, những con người rất khác nhau. Nhưng con nhận ra một sự thật rằng giữa Thầy, mọi người và con tuy khác nhau nhưng lại có một mối liên hệ với nhau. Con thấy con có mặt trong Thầy, trong mọi người và ngược lại Thầy có mặt trong con, các Cô các bác các chị ở đây có mặt trong con, tất cả như hòa chung vào thành một khối, bởi vậy mà khi con an trú được trong môi trường mới, tiếp xúc một cách thân thương với những người con gặp thì con đã quay trở về được với ngôi nhà đích thực trong tâm mình, đó là ngôi nhà của niệm, của định, của tuệ. 
Trong con mắt của một người trẻ, con không cảm thấy Đạo Phật là một tôn giáo, đối với con đó là một lẽ sống. 
Trước kia con hay phản ứng một cách nóng nảy với những thứ con không hài lòng. Nhưng bây giờ con đã học được cách tiếp xử cơn giận. Trong một vài trường hợp con có ở chung với những người mà họ có tật này tật kia không được dễ thương, nếu là ngày trước con sẽ phản ứng lại kiểu như là: “Sao lại bắt con ở chung với người đó”, “con không thích”, “làm sao con ở được với những người kì cục như vậy”. Nhưng bây giờ thay vì suy nghĩ như thế, khi gặp phải những tình huống đó, trong con lại khởi lên một suy nghĩ khác: “À, đây là cơ hội để cho mình tu đấy”. Và rồi khi ngồi yên quán chiếu con thấy rằng có thể người đó kiếp trước là một người không được khéo léo trong ăn nói, chua chát… mình nên thương người đó hơn mới phải chứ sao lại ghét, và thế là ngay lập tức con cảm thấy thân thương. 
Và có đôi lúc, con được mọi người quan tâm, giúp đỡ. Khi rời khỏi gia đình đến một môi trường mới con luôn mong sẽ gặp được những người tốt, được ở cùng những người dễ mến, có như vậy thì sẽ yên tâm hơn. Nhưng con không quá quan trọng vấn đề đó, ở với ai con cũng trân quý người đó, dù người đó có tốt có xấu thế nào. Làm sao mà trong cuộc sống này mình cứ mong muốn những điều tốt đẹp mà lẩn tránh những điều xấu xa cho được? Suy cho cùng, sống trong một môi trường toàn những điều thuận chưa chắc đã tốt bằng việc được tiếp xúc với những con người, những hoàn cảnh được coi là chướng, để rồi sẽ thông qua đó mà mình biết được khả năng nhẫn nhịn của mình đến đâu, cách xử lý của mình trước những nghịch cảnh như thế nào.
Có hiểu mới cảm thông được. Khi con cứ chăm chăm nghĩ rằng lỗi 100% là ở người khác thì con sẽ là người chịu đau khổ nhất. Khi có việc gì xảy ra con thường quay về tự thân, xem xét những yếu tố làm cho mình khổ. Bố con bệnh không tự chủ được nên cử động trở nên vụng về, vung vãi, làm vấy bẩn, nói với Bố rằng Bố nên làm như này như kia như thế sẽ đỡ bẩn hơn, nói hoài, nói lắm, nói mãi cũng vẫn thế. Con mới thấy ra rằng nếu cứ khăng khăng muốn người khác phải theo ý mình thì không có kết quả gì cả, cách tốt nhất là quay về thay đổi cách nghĩ của mình, khi con làm được điều đó tự nhiên con thấy mình thảnh thơi hơn, những phiền não cũng theo đó vơi đi.
Con luôn cảm thấy cuộc sống này vô cùng tuyệt vời, dẫu sống một mình nhưng con không hề cảm thấy cô đơn. Có một lần đến chùa ở bên Thái Lan mà lúc đó là 10h tối rồi, trời thì mưa, chùa cũng đã tắt gần hết điện chỉ còn le lói chút ánh sáng toát ra từ những chiếc đèn vàng. Có một Sư cô ra đón con, Cô vận chiếc khăn che qua đầu, giọng nói vô cùng nhỏ nhẹ và dáng đi nhẹ nhàng thảnh thơi như không chạm đất. Sau khi xong việc, cô trở về phòng, khuất dần vào với màn đêm. Đứng giữa khung cảnh tĩnh mịch đó mà sao con có cảm giác thân thương đến kì lạ, đứng trong bóng tối mà không hề thấy tối, vì rằng thân tâm mình đã hòa vào được cùng với khung cảnh xung quanh đó rồi. 
Như vậy là con thấy được khi có chánh niệm thì mình tiếp xúc với bất cứ thứ gì, gặp gỡ với bất kỳ ai đều cho ra năng lượng nuôi dưỡng cả. Một sự nuôi dưỡng đầy kì diệu, tại sao khi gặp những hoàn cảnh không như ý mình lại nhăn nhó làm gì để đánh mất mình, chỉ khi nào có thể mỉm cười với tất cả những điều bất toàn của cuộc sống thì mình mới thực sự đang sống đúng với vận hành của vũ trụ, còn không là mình đã đi ra khỏi sự thật. 
Với những khổ đau trong gia đình, ví như Mẹ con cấm con đến chùa, không muốn con đi tu. Thông thường khi bị phản đối, bị cấm đoán thì sẽ cho ra những phản ứng lại như lớn tiếng, nhịn ăn, bỏ nhà đi… Nhưng khi biết tu một chút rồi con quay trở về quan sát những điều kiện gây ra khổ đau cho mình, nếu như mình phản ứng lại như vậy thì đó là những hành động vô cùng dại dột. Con đã thực hành cách lắng nghe và sử dụng ái ngữ, con nghĩ rằng có thể kiếp trước mình cũng đã chống đối, mắng mỏ như thế nên bây giờ ước mơ, mong mỏi của mình cũng bị chống đối lại. Khi suy nghĩ như vậy con thấy thương Mẹ con hơn rất nhiều, những tháng ngày ở đời con trân trọng từng phút giây để đến một ngày mình quyết tâm đi xuất gia thì sẽ không có gì hối hận nữa. Dù rằng cách thực hành đó cũng chưa làm thay đổi suy nghĩ của Mẹ con, nhưng chí ít con cũng không làm Mẹ con phải đau khổ hơn nữa bằng những lời lẽ khó nghe và những hành động mất kiểm soát tại thời điểm đó.
Thực hành nhiều ắt sẽ thành quen thuộc và từ đó con thấy rằng tất cả mọi thứ xấu xa, tốt đẹp gì cũng đều là những thuận duyên giúp mình tu cả chứ không có gì là nghịch duyên hết. Có cái tiêu cực nào mà không ẩn chứa sự tích cực, cái khổ đau nào không ẩn chứa hạnh phúc, cái ràng buộc nào không ẩn chứa giải thoát. 
Và con vô cùng yêu thích cuộc sống hiện tại của mình. Có 1 câu nói mà ngày nào con cũng lẩm nhẩm như đọc thần chú đó là: “Ngày hôm nay là 1 ngày vô cùng đặc biệt vì hôm nay là hôm nay, nó không phải là ngày hôm qua, cũng không phải ngày mai, một ngày nếu ta không biết sống sẽ không bao giờ quay trở lại được”. 
Khắc ghi lời Thầy dạy: “Thận trọng, chú tâm, quan sát”, khi con “thức tỉnh để biết rõ mình trong hiện tại” thì đi bước nào con cũng trọn vẹn biết được bước đó, làm việc gì cũng thấy vui, rửa chén, giặt đồ, ăn cơm… làm gì cũng thấy nhẹ nhàng thanh thoát cả. Khi con chú tâm lắng nghe mình một cách sâu sắc thì làm việc gì cũng chu đáo hơn, xả nước vào bình tưới hoa cũng thấy rõ dòng nước mạnh hay nhẹ để điều chỉnh sao cho không để một giọt nào rơi ra ngoài. 
An trú trong hiện tại đem đến cho con rất nhiều lợi lạc, an vui. Trong cuộc sống xô bồ này có thể ngồi lại nhận diện và cảm được thân tâm mình thì đó là một điều rất tuyệt vời. Khi mọi người cùng nhau ngồi lại, Thầy không nói gì, con không nói gì, những người khác cũng không ai nói gì; nhưng lúc đó tất cả Thầy trò đều đang sống cùng với sự mầu nhiệm của hiện tại thì đó cũng là một dạng hạnh phúc, sự vắng mặt của những câu chuyện cũng đâu còn quan trọng nữa. 
Con rất an vui khi ở đây, vẻ đẹp của khung cảnh thiên nhiên và sự thảnh thơi an lạc của những “bóng dáng y vàng” hàng ngày con nhìn thấy đã trao truyền và nuôi dưỡng trong con một niềm hạnh phúc thật bình dị và một tâm hướng thật trong sáng. Con trân quý từng phút giây này thầy ạ.
Kính,
Con, Uyên Nguyên

Uyên Nguyên con,
Con đã cảm nhận được sự tĩnh lặng trong thế giới ồn ào này thì thật là tuyệt, không có gì để phải nói thêm con nhỉ.
Thầy chỉ cảm hứng tặng con bài kệ thơ này thôi:
Khi Đông giá lạnh qua
Mùa Xuân hồng chợt đến
Vạn pháp vẫn trong ta
Ta chính là vạn pháp.
Thầy Viên Minh