Vẽ Thiền và GIÁC NGỘ TRONG THƠ CA
Đây không phải là chỗ để bàn luận về ảnh hưởng lâu bền mà Thiền đã tạo ra cho tất cả các môn nghệ thuật Nhật Bản, như Giao sư Suzuki đã cho thấy, hoặc nói đến phương pháp chỉ dạy trong từng môn nghệ thuật riêng rẽ hoặc đến nhu cầu tập trung hoặc sự sáng tạo bên trong mà nhờ đó người nghệ sĩ trở thành bậc thầy. Tôi trình bày vấn đề này trong phần "Võ Đạo" nguyên có nhan đề "Thiền và Cung Đạo" - LND), ở đó tôi có nhắc đến tầm ảnh hưởng trọn vẹn của Thiền trên các bộ môn nghệ thuật, kể cả võ thuật.
Ở đây chúng ta chú ý đến một vấn đề khác: ảnh hưởng đặc biệt của sự ngộ, cái cách mà sự ngộ tự bộc lộ dáng hình, nhất là trong cách vẽ tranh Thiền, vì có một trường phái vẽ Thiền riêng biệt với những tác phẩm tập trung vào chủ đề chứng ngộ sự sống.
Những tranh vẽ loại này có đặc điểm gì? Trước hết đó là không gian, nhưng không gian trong tranh Thiền chẳng phải là không gian nhiều chiều của phương Tây gồm một môi trường đồng bộ dung chứa các sự vật, bao quanh chúng và cô lập từng thứ. Đó cũng không phải là một khoảng không chết cứng, có thể bị các vật thể choán chỗ và bị giới hạn trong những mối tương quan thấy được giữa bên phải và bên trái, giữa trên đỉnh và dưới đáy, cảnh trước và cảnh sau, cũng chẳng phải là không gian chỉ tiếp xúc bề mặt của vật thể, bao bọc vật thể như lớp da: vì vậy, nếu không có gì trong đó, thì chẳng có ý nghĩa gì mà chỉ là một bối cảnh vô tích sự. Trái lại, không gian trong tranh Thiền luôn lặng lẽ nhưng vô cùng sinh động, dường như đang sống và thở, tuy không hình dáng và trống trải nhưng lại là cội nguồn của mọi hình đáng, nó không thể gọi tên nhưng lại là lý do để mọi sự vật có tên, nhờ nó mà các sự vật có một giá trị tuyệt đối, đều quan trọng và có ý nghĩa như nhau, đều là những biểu hiện của dòng sống phổ quát đang chảy xuyên qua chúng. Điều này cũng nói lên cái ý nghĩa sâu sa của việc bỏ sót các sự vật trong cách vẽ Thiền. Cái không được gợi ra, không được nói tới là quan trọng hơn cái được gợi ra, được nói tới.
Ở đây cũng như trong nghệ thuật kịch tuồng, các bạn lại thấy cái "điệu múa không múa may" làm sinh động toàn bộ sự sống, thâm nhập và múa may trong mọi sự vật. Không gian ở đây không phải là một môi trưòng trống rỗng đồng nhất, trải ra đến vô tận mà tràn trề chính cái sự sống không thể nghĩ bàn và đầy đủ mọi năng lực vô biên vô hạn. Bởi vậy, người họa sĩ Thiền chẳng thấy sợ cái Không(horror vacui); đối với ông, cái Không là đáng được tôn kính nhất, đó là cái sinh động hơn hết, tràn trề sự sống đến nỗi không cần có hình có dáng, để có thể tự ứng hiện trong vòng đổi thay bất tuyệt. Không gian ở đây chẳng phải là lớp da bao ngoài sự vật, mà là cốt lõi, tinh túy thâm cùng, là lý do cho mọi sự vật tồn tại. Diệu dụng của cái Không được bày tỏ trong các bức tranh loại này, làm mắt say mê, gợi lòng tôn sùng ngưỡng mộ. Xem tranh luôn bắt đầu bằng việc nhìn vào cái Không.
Trong hội họa phương Tây, người xem đứng ở ngoài bức tranh. Những gì anh ta thấy đều được cảm nghiệm như là đối vật sống cuộc đời riêng và mang đôi mắt người xem tiến mãi theo viễn cảnh thu nhỏ dần đến tận chân trời. Như thể chỉ mỗi hành động nhìn cũng có đủ tính sáng tạo rồi. Do cách nhìn này mà mọi sự vật đều đối lập, nằm ngoài không dính dáng với người xem, và sự vật đi vào ý thức của người xem như là anh ta không ở trong mà tách rời hình vẽ. Trái lại, trong hội họa Trung Hoa và Nhật Bản, bạn không đứng ngoài để nhìn vào tranh như một đối vật, vì chủ đề cùng mỗi chi tiết của nó được thấy một cách mãnh liệt từ bên trong đến nỗi người xem phải "nhập" vào hình vẽ, phải sống trong đó, để thưởng thức nó. Không những viễn cảnh trở nên vô dụng đến độ biến mất hoàn toàn, mà cả sự đối đãi giữa người xem và cái được xem cũng tiêu tan mất biệt. Không gian khép quanh người xem như thể anh ta đang đứng ở giữa mọi nơi nhưng không phải là trung tâm, nghĩa là anh ta đang ở giữa mọi sự vật, cùng hòa nhịp với tâm điệu của chúng, và đổi lại, cái ở chung quanh và dung chứa anh ta là bình đẳng với anh ta, đến độ anh ta cảm thấy nó có đó không phải dành cho và vì anh ta. Đấy không phải là đối vật mà có thể nói là chính anh ta trong dáng hình luôn luôn biến đổi. Anh ta và sự vật hợp nhất với nhau đến nỗi anh ta chẳng còn ý nghĩa nào của riêng mình, mà lặn chìm trong đó, tan hòa trong đó, đụng gặp chính mình nhưng không phải là chính mình: một sự tan biến trong tinh túy của sự vật.
Nhưng những vật thể trong hình vẽ, núi, rừng, đá, nước, hoa, thú và người - những hình tướng sinh ra từ cái Không - đứng đó đều được biểu lộ trọn vẹn trong thực tánh của chúng, được đẩy vào trong trạng huống cụ thể của Ở Đây và Bây Giờ nhưng lại không phải chỉ có Ở Đây và Bây Giờ. Do đó mà có cảm tưởng trong một sự mờ tan liên tục như thể cái hữu hạn đang bị hút trở vào cái vô hạn, cái hữu hình trở vào cái vô hình, và như vậy làm hiển lộ cái Nền Đáy nguyên sơ mà từ đó các sự vật sinh ra.
Có nhiều cuốn sách dạy cách vẽ tranh thủy mặc (mực tàu) cho biết mỗi thứ mà mắt của nhà họa sĩ có thể đụng gặp - từ ngọn cỏ nhỏ nhoi đến phong cảnh rộng lớn - đều được ghi lại chớp nhoáng với những nét chính yếu, chộp bắt lấy trong vài đường bút chấm phết cái đặc tính đã tạo cho thiên nhiên tính chất sống động. Các cuốn sách này không cố tình tạo ra kiểu mẫu để sao chép như người ta thường rất muốn làm. Đúng hơn đó là những bài tập viết bút lông theo nhiều kiểu khác nhau, cho thấy mối quan hệ khắn khít giữa hội họa và thư pháp (cách viết chữ Nho như vẽ - LND). Nếu thông thạo được những bài tập này đến độ vượt khỏi tầm kỹ thuật và trở nên tự do phóng khoáng, có thể cảm nhận và diễn tả những sắc tiết tinh tế nhất, thì bạn có thể sẵn sàng vẽ ra những gì con mắt trông thấy và diễn dịch.
Vẽ Thiền nối tiếp với một truyền thống to lớn đó là nghệ thuật vẽ tranh phong cảnh của Trung Quốc trước khi Phật Giáo du nhập vào nước này. Ở đó đã kết tinh hoặc tự nó đã phảng phất những nét đặc thù của tranh Thiền. Đây có lẽ là do ảnh hưởng âm thầm và sâu xa của Lão giáo (Đạo giáo). Khi Phật Giáo từ Ấn Độ truyền sang Trung Quốc với những kết quả cải cách, tôn giáo này đã trải qua một quá trình biến thái chậm chạp nhưng sâu xa xuyên qua Lão giáo. Chính vì Trung Quốc trong suốt dòng lịch sử luôn luôn nuốt chửng các ngoại tộc xâm lăng, nên về mặt tinh thần, dân tộc này đã đồng hóa mọi thứ ngoại lai và làm cho chúng trở nên tinh tế và phong phú hơn. Thiền có lẽ là một đóa hoa huyền diệu và đẹp nhất trong cõi giới sáng tạo lạ kỳ của thiên tài Trung Quốc. Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi giới họa sĩ Thiền cho rằng họ đã kế thừa môn hội họa tiền Phật Giáo của Trung Quốc được un đúc theo tinh thần Đạo Lão. Chúng ta thấy có những chủ đề trong Đạo Lão cũng có tầm ảnh hưởng trọng yếu trong Thiền. Thật vậy, những gì phảng phất trong Lão Giáo đều lộ rõ trong Thiền.
Những gì thật sự là của môn vẽ phong cảnh nói chung thì cũng đúng là của cái phần cảnh trí hoặc thiên nhiên nhỏ bé nhất trong những bức tranh sống động khó tả thuộc loại này; chỉ cần vài nét bút mạnh mẽ hoặc lả lướt là đủ gợi thấy một nhánh trúc, một khóm lau, một cành hoa. Những bức tranh như vậy, cũng phải xem từ cái "Không" vô hình và chỉ hiểu được từ quan điểm đó. Ở đây một lần nữa mối liên hệ giữa hội họa và khoảng trống không cũng vô cùng to lớn: thật vậy, sự cảm nhận phi thường về không gian được phô diễn ra còn hùng hồn hơn những họa phẩm đồ sộ. Không gì sai lầm hơn là thấy vẻ đẹp êm ả của cõi sống được lưu mãi ở đó và phô hiến cho người ta chiêm ngưỡng không ngừng. Một người thật sự biết đọc loại tranh "ghi bằng bút lông" này sẽ cảm thấy, qua cái vẻ dường như êm ả, nỗi căng thẳng mãnh liệt của những diễn biến đời thường, của sự vật thăng trầm, hiện mất và cảm thấy làm sao mà mọi vật đều trở nên rung động trong dòng chảy Sinh và Không Sinh, trở thành và không trở thành - thoáng qua nhưng tuyệt đối.
Những tranh vẽ hoàn toàn đơn sơ, trình bày vô cùng ít ỏi đều đầy vị Thiền đến độ người xem cảm thấy bị chúng ngập tràn. Ai đã từng dự một buổi Trà Đạo dài lê thê và thấy được toàn thể bầu không khí biến đổi ra sao khi những cuộn tranh được treo lên cùng cái cung cách khách khứa ngồi trầm tư trước hình vẽ để cảm nghiệm sự bộc lộ của điều bí ẩn không thể nói ra bằng lời và rời khỏi phòng trà với cảm giác phong phú nội tâm khó tả, thì sẽ biết được sức mạnh nào toát ra từ những bức tranh vẽ đó.
GIÁC NGỘ TRONG THƠ CA
Ở đây chỉ có thể nói sơ qua về sự biểu hiện của giác ngộ trong thơ ca. Loại thơ ngắn Haiku (hài cú hoặc bài cú) đặc biệt thích hợp với bản tính thiền; vì cũng giống như tranh thủy mặc, loại thơ này nhấn mạnh đến mối tương quan với không gian chẳng những ở bên ngoài trong cách xếp đặt dòng chữ mà còn ở bên trong nơi thể thức vốn có. Những điều thật sự quan trọng đều bị để sót, bỏ lửng, và chỉ có thể thể đọc thấy chúng ở giữa những dòng chữ, như trong bài thơ nổi tiếng sau đây của Basho (13):
Fure ike ya
Kawazu tobi komu
Mizu no oto.
Cái ao xưa cũ ấy,
Chợt có một con ếch nhảy vào
Làm nước động lao xao.
Vậy là xong bài thơ; nhưng chẳng lẽ toàn thể vũ trụ không chứa trong đó sao? Đột nhiên, giữa cảnh tĩnh mịch yên lặng - sự chuyển động, sự sống trải ra những vòng âm thanh rồi lại tắt biến. Vậy, so với âm thanh của thinh lặng thì toàn bộ chấn động này là cái gì? Cái nào khởi đầu, cái nào kết thúc?
Nếu họa sĩ hoặc nhà thơ, diễn viên hoặc võ sĩ được hỏi làm thế nào để chỉ dùng một lời mà diễn tả được cái gì ban cấp sự sống và hơi thở cho mọi sinh vật, cái gì duy trì tất cả trong "điệu múa không múa may" của sinh và diệt thì có lẽ sẽ trả lời: "Cái đó". Trong mọi hoạt động và bất động, "cái đó" có ở đó do không hiện diện ở đó. Cách diễn tả này quả là thô vụng nhưng gần gũi nhất với cái mà cái đó là cái có hình tướng không phải thế này cũng không phải thế kia, nhưng phần tinh túy tiềm ẩn của nó thì sống động trong mọi hình tướng đang có.
Tác giả: Ngô Ánh Tuyết - Vương Long