1. Sự hứng khởi và sự hoan hỷ tăng lên thì sẽ không còn tình trạng buồn ngủ nữa
Ngày gửi: 01-06-2013 |
Câu hỏi:
Mô Phật thưa thầy! Con không hiểu tại sao thời gian gần đây con hay buồn ngủ, ngay cả khi vừa ngủ 7-8h, sau đó ngồi thiền con vẫn ngủ gục rất nhiều (không phải do con thiếu ngủ), kể cả ban ngày thỉnh thoảng con cũng rơi vào trạng thái không muốn làm gì. Xin thầy chỉ giúp con! |
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Con nên tập tu trong hoạt động nhiều hơn là ngồi. Hoạt động sao cho sự hướng tâm quan sát, sự hứng khởi và sự hoan hỷ tăng lên thì sẽ không còn tình trạng buồn ngủ nữa. Ngoài ra con nên tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, bơi lội v.v... cũng tốt. |
2. Thường biết mình thì dần dần con sẽ thấy rõ mọi hoạt động của thân thọ tâm pháp
Ngày gửi: 02-06-2013 |
Câu hỏi:
Thưa thầy! Pháp thầy dạy có phải là không lăng xăng tạo tác bất cứ điều gì, khi chưa ai hỏi thì không nên nói đúng không ạ? Chuyện gì đến thì mình tùy duyên mà chánh niệm tỉnh giác, không khởi vọng niệm phản ứng lung tung, nhưng mà thỉnh thoảng con mới chánh niệm và biết được điều đó, còn bản tính con rất hay nói, hay đánh giá cái này cái kia, người này người kia, sau khi nói xong rồi 1 lúc con mới biết mình mất chánh niệm, vậy con phải làm sao để mình không khởi vọng động tạo tác ạ? |
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Khi không chánh niệm thì biết không chánh niệm, khi buông lung phóng dật biết có trạo cử phóng tâm, khi vọng niệm biết là không tỉnh giác... Cứ vậy con thường biết mình thì dần dần con sẽ thấy rõ mọi hoạt động của thân thọ tâm pháp, lúc đó con sẽ không còn phóng túng thất niệm nữa. Nếu con thường trở về trọn vẹn trong sáng với chính mình bằng cách thường thận trọng chú tâm quan sát thân tâm thì con có thể hành động mà vẫn chánh niệm tỉnh giác được. Hành động vô ngã tự nhiên khác với tạo tác hữu ý của bản ngã. Thí dụ, đói thì ăn, khát thì uống thì khác với ăn uống theo ham muốn. Không tạo tác không có nghĩa là không hành động. Hành động thể hiện trọn vẹn tại đây và bây giờ, còn tạo tác là có ý đồ trở thành một cái gì khác. Tạo tác cũng có hai loại: Thiện và bất thiện. Khi cần tạo tác thì nên tạo tác theo nhu cầu thiết yếu của đời sống một cách lương thiện, không hại mình hại người, chứ không nên vọng động tạo tác với chủ ý bất thiện. Bậc Thánh hành động mà không tạo tác nên gọi là duy tác. |
3. Hiểu chưa đúng về giới tà dâm
Ngày gửi: 03-06-2013 |
Câu hỏi:
Con chào thầy! Con có một suy nghĩ đã từ lâu ấp ủ trong lòng mà không dám hỏi bất cứ ai. Chuyện của con hơi tế nhị. Mỗi lần con ở bên cạnh người bạn đời của con, chuyện ân ái vẫn xảy ra bình thường, nhưng sau mỗi lần con cảm giác tội lỗi chất chồng. Chuyện này cứ dày vò con mãi, con không biết phải xử sự sao cho tốt. Có phải do con học Phật pháp chưa đúng cách phải không thầy? Con sợ con không bao giờ giác ngộ được nếu có người bạn đời bên cạnh. Mong thầy từ bi khai thị cho con, con cám ơn thầy rất nhiều! |
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Có thể là do con hiểu chưa đúng về giới tà dâm (kàmesu micchacarà) của người tại gia và giới phi phạm hạnh (abrahma cariyà) của người xuất gia. Người tại gia quan hệ vợ chồng không phạm tội, mà chỉ phạm tội tà dâm khi quan hệ với người không phải vợ hay chồng mình. Trong thời Đức Phật nhiều cư sĩ tại gia tuy có vợ chồng con cái mà vẫn đắc bậc Thánh Tu-đà-hoàn. Đời sống gia đình vẫn là một giai đoạn tất yếu để thấy ra chính mình và cuộc sống trên hành trình giác ngộ. Nếu con chưa thấy ra nhân duyên sinh diệt của nó, chưa thấy mặt vui mặt khổ của nó thì nó vẫn còn là nỗi ám ảnh của vọng tưởng và khát ái mà thôi. Trong đời sống gia đình quan trọng là con học được bài học "thanh tịnh trong ô nhiễm" mà trong đó chủ yếu là thái độ nội tâm của con đối với hoàn cảnh thực tế của duyên nghiệp chứ không phải là hướng đến một tình trạng lý tưởng. |
4. Ngộ là Kiến Tánh mà Kiến Tánh tương đương với từ Vipassanà Ngày gửi: 04-06-2013 |
Câu hỏi:
Kính thưa thầy: Ngộ hay satori của Thiền Tông tương đương với tầng tuệ nào bên Thiền Vipassanà của Phật Giáo Nguyên Thủy? |
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Ngộ là Kiến Tánh mà Kiến Tánh tương đương với từ Vipassanà có nghĩa là thấy thực tánh chân đế. Thực chứng trong Thiền Vipassanà bao gồm 16 tuệ, nhưng tuỳ trình độ của hành giả mà chứng được tuệ thứ nhất hay chứng tuệ cuối cùng. Cũng vậy tuỳ trình độ kiến tánh mà hành giả Thiền Tông chứng đạt được giải ngộ (thấy lý), chứng ngộ (thấy sự) và triệt ngộ hay viên ngộ (thấy tánh hoàn toàn). Thực ra không cần phải so sánh trên lý thuyết như vậy mà quan trọng là có thực chứng hay không, vì đã thực chứng pháp thì pháp thực tánh không bao giờ sai biệt. Chỉ những người chưa thực chứng mới phân biệt theo kiến thức của lý trí mà thôi. |
5. Dù bên ngoài nhẫn nhịn mà bên trong vẫn bất mãn thì biểu hiện qua thân khẩu ý vẫn làm cho người ta bực mình Ngày gửi: 05-06-2013 |
Câu hỏi:
Con chào sư ông. Có người chị quen trong đạo khuyên con học và hành theo những quyển sách như đắc nhân tâm và 1 số sách nữa của Dale Carnegie, hay nhất mọi thời đại. Quyển sách đó hình như là viết theo tâm lý học. Còn con thì vẫn nhẫn và làm việc hết sức mình nhưng con chưa chuyển tâm được mẹ chồng con và chồng con. Con thấy quá oan trái, tuy nhiên sau những sự oan trái và cay nghiệt con vẫn vui vẻ làm việc hết mình và luôn giữ giới hạnh, đạo làm vợ, làm mẹ và chữ hiếu làm con dâu hiền. Đã 9 năm con sống khổ chỉ mong trả nợ cho xong, giờ thì con rất khao khát được đi học đông y, con thấy mình có duyên với nghề đó. Nhiều khi con nghĩ hay tại con nhẫn quá nên chồng con càng coi thường con hơn. Con không dám lên tiếng nói rõ tâm mình. Càng ngày chồng con càng coi thường con vì ít học. Con không được nói 1 lời nào cả, nói gì cũng bị la mắng, bị đay nghiến. Mong sư ông từ bi chỉ dậy cho con theo pháp, con cố gắng hành theo. |
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Tuy con có nhẫn nại được nhưng thiếu nhu hoà, dù bên ngoài nhẫn nhịn mà bên trong vẫn bất mãn thì biểu hiện qua thân khẩu ý vẫn làm cho người ta bực mình. Con chỉ cần biết nhu hoà nữa là mọi việc sẽ tốt. |
6. Người sau khi chết sẽ tái sinh vào một cảnh giới tương ứng với nghiệp mà họ đã tạo Ngày gửi: 05-06-2013 |
Câu hỏi:
Thưa thầy, Con có thắc mắc này - Con người khi chết rồi, cái mà đạo Phật gọi là thần thức sẽ đi đâu? Họ sẽ theo nghiệp mà sinh vào cõi nào đó hay sao? Nếu một khi họ đã đi vào cõi khác, họ còn liên hệ gì với người thân còn sống không? |
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Đúng là người sau khi chết sẽ tái sinh vào một cảnh giới tương ứng với nghiệp mà họ đã tạo. Có những cõi giới không thể liên lạc được với người thân còn sống, nhưng cũng có cảnh giới liên lạc được dễ dàng, nhất là cõi trời Dục giới và cõi Âm (Peta và Asura). Cõi Âm là cõi của những người đã chết nhưng vẫn còn quyến luyến vợ chồng, con cái, tài sản hay nghề nghiệp v.v... nên tưởng rằng mình vẫn là ông A bà B như lúc còn sống, tuy rằng đời sống bây giờ không như cũ nữa. Một số trong những người Âm này có thể báo mộng, hiện hình cho người thân thấy. Đó là chuyện bình thường mà nhiều người đã trải nghiệm qua và kể lại, không có gì là lạ cả. |
7. bài học không phải nơi hoàn cảnh sống (duyên) mà là nơi thái độ của con (nhân)
Ngày gửi: 05-06-2013 |
Câu hỏi:
Con xin kính thầy và chúc thầy sức khỏe! Thưa thầy như câu trả lời của thầy ngày 4 tháng 6 năm 2013 là giải ngộ (thấy lý) chứng ngộ (thấy sự) và triệt ngộ hay viên ngộ (thấy tánh hoàn toàn). Đó là cốt lõi của thiền tông nhưng bây giờ tông đồ lại biến thiền tông thành giáo tông mất rồi.
Cốt lõi của đạo Phật là TỨ DIỆU ĐẾ, và TỨ NIỆM XỨ, nhưng vì đức tin tín đồ chỉ biết cầu ân cầu phước. Vậy nên cốt lõi của Pháp Phật chỉ còn trên ngôn từ. THIỀN TÔNG thì chỉ còn hành trên công án, phân tích chia chẻ trên lý thuyết, TỊNH ĐỘ thì chỉ còn cầu vãng sanh.
Thưa thầy, tuy con có tìm hiểu tất cả tông phái Phật giáo nhưng chẳng giải quyết được vấn đề gì cho con, từ khi được gặp thầy học đạo và nhìn vào chính mình cùng bao phiền não, chỉ vậy thôi con đã phần nào thoát khỏi những chấp trước của nội tâm, đảm đương, kham được mọi sự tới rất nhẹ nhàng.
Nhưng con cảm nhận từ chính mình là còn thiếu nhiều trải nghiệm cuộc sống, nên con định đánh bạo một phen là con sẽ về sống tự nuôi bản thân để học hỏi ở ngoài đời. Qua sự học hỏi trong thời gian sống ở chùa điều quý giá nhất là con đã được thầy chỉ dạy từ lý cho đến sự mà may mắn về lý thì con đã phần nào hiểu được, nhưng vào sự thì con vẫn bị non yếu nên con thấy rất uổng công thầy dạy dỗ, dù sao con cũng có cái căn bản để nhận đề và làm bài cho những bài học sau này.
Khi con đi tu cha mẹ con cũng rất buồn, nhưng khi về chắc ba mẹ con sẽ buồn hơn, nhưng cũng đành vậy vì nếu con cái sống tốt thì ba mẹ cũng sẽ thông cảm và hiểu cho con như thầy vậy! Thầy đã thông cảm và hiểu cho con với bao rối ren của con, vì thầy chỉ mỉm cười nói là PHÁP mà làm sao khác hơn! Nhưng con không thất vọng với chính mình, vì như thầy dạy: "hãy kham nhẫn và để cho mọi sự diễn ra như vậy, đừng thêm bớt gì cả".
Dù con e ngại chưa được như thầy dạy...nhưng bên con vẫn còn thầy, con có thể nói và kể hết những gì riêng con đến thầy nghe, vì thầy đã hiểu và thông cảm, động viên cho con. Kính xin thầy chỉ dạy. Con cám ơn thầy!
|
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Con có thể làm điều gì con cảm thấy phù hợp với mình, miễn sao qua đó con học ra bản chất chính mình và đời sống. Thầy chỉ nhắc nhở con một điều là bài học không phải nơi hoàn cảnh sống (duyên) mà là nơi thái độ của con (nhân). Quan trọng là luôn biết tuỳ duyên mà điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi của mình cho thuận pháp chứ không phải thay đổi pháp cho phù hợp với ý muốn của mình. |
8. Nhờ thân nhân làm phước hồi hướng mà họ hoan hỷ với phước ấy thì mới thoát khỏi cõi Âm.
Ngày gửi: 05-06-2013
Câu hỏi:
Con cảm ơn thầy đã đọc lá thư dài dòng kia. Con lại thắc mắc, giả như người thân đã mất gần 70 năm mà vẫn còn báo mộng, như vậy họ vẫn còn trong cõi kia, chưa tái sinh hả thầy? Vậy họ có thấy mồ mả mình không? Thấy xác mình không? Theo lá thư trước của con, lẽ ra họ thấy mồ mả mình rồi thì phải nhận ra mình đã chết, phải không thầy? Nếu họ vẫn ở trong cõi Âm, vậy họ có khổ vì quyến luyến với cõi người không? Có nên cầu siêu không, thưa thầy?Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Mặc dù thấy mồ mả hay xác thân đã tan rả nhưng một phần do tưởng một phần do nghiệp nên họ thấy họ vẫn là ông A, bà B... rất lâu cho đến khi hết nghiệp hoặc nhờ thân nhân làm phước hồi hướng mà họ hoan hỷ với phước ấy thì mới thoát khỏi cõi Âm.9. Tình thương yêu có cùng một bản chất nhưng khác nhau trên hiện tượng mà chúng ta có thể đo lường bởi độ dính mắc ít hay nhiều để biết mức độ giác ngộ giải thoát tới đâu
Ngày gửi: 06-06-2013
Câu hỏi:Mô Phật! Kính bạch Thầy,
Con vướng vào chuyện tình cảm, vì trong lòng thấy rất ngại nên con không dám hỏi ai, nhưng con lại rất đau khổ Thầy ơi. Nay con kính trình lên Thầy và mong Thầy từ bi chỉ dạy cho con.
Chúng con có 1 nhóm cùng tu chung với nhau. Hướng dẫn chúng con là 1 Sư cô, chúng con rất kính trọng Sư cô, bởi vì suốt 3 năm qua, Sư cô đã luôn tận tình dạy dỗ chúng con, hướng dẫn chúng bước vào nẻo Đạo, khi chúng con gặp phải những chuyện khó khăn bức xúc trong cuộc sống, Sư cô luôn nhắc nhở chúng con rằng đây là những thử thách trong đời, những lúc này phải luôn chánh niệm quan sát Tâm để học ra bài học từ Pháp. Huynh đệ chúng con cùng tu cùng học dưới sự hướng dẫn của Sư cô. Vì thế mà chúng con đứa nào cũng cảm thấy cuộc sống tuy khó khăn nhưng lại có những bài học thực tế quá tuyệt vời.
Nhưng Thầy ơi, thời gian dần trôi, khi đến gần Sư cô, trong lòng chúng con từ tâm cảm mến đã dần phát sinh tình cảm bên trong. Bản thân con và vài huynh đệ rất thương Sư cô, chúng con thường hay tâm sự với nhau. Mỗi khi Sư cô dịu dàng trong hành động, lời nói thì chúng con cảm thấy ấm áp trong lòng, và ngày đó thật vui vẻ. Mỗi khi bị Sư cô la rầy vì chúng con thất niệm thì chúng con lại cảm thấy khổ đau. Cái tình cảm nầy con nhận thấy nó không bình thường chút nào Thầy ơi. Sư cô là một vị giữ giới luật rất tinh nghiêm, cuộc sống đạm bạc, giản dị, chơn chất và hiền lành. Tuy làm nhiều việc cho chúng con, nhưng lúc nào cũng khiêm nhường, chỉ nói là chưa làm được gì cả. Hoặc là nói rằng đó là bổn phận và trách nhiệm của một người xuất gia.
Kính bạch Thầy, chúng con rất khổ đau và mệt mỏi vì tình cảm nầy, có lúc chúng con muốn rời Sư cô ra, nhưng vì khi học Pháp của Sư cô nên chúng con đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, nhưng sau mỗi lần gặp Sư cô thì tình cảm không ngừng phát sinh trong tâm chúng con. Và chúng con càng cảm thấy tội lỗi khi đứng trước Sư cô, 1 vị Ni tu hành chơn chánh.
Con rất đau khổ và không biết làm sao để thoát ra, con đã nhìn Tâm mình nhưng cảm thấy khó chịu quá.
Con kính mong Thầy hãy từ bi mà giúp cho con một lối thoát trong chuyện tình cảm nầy.
Con thành kính tri ân và kính chúc Thầy luôn mạnh khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:Tuy các con nghe sư cô giảng có hiểu đạo lý nhưng vẫn chưa sống thuận pháp, nghĩa là chưa thường thận trọng chú tâm quan sát lại thân tâm, chưa thực sự trở về trọn vẹn trong sáng với chính mình, nên còn bị tham sân chi phối, còn nương tựa, bám víu bên ngoài, và do đó tâm không đủ sáng suốt định tĩnh trong lành để sống ung dung tự tại, không bị dính mắc trong bất cứ tình cảm nào. Tình cảm dính mắc, dù là tình thương yêu lương thiện như tình phụ tử, tình thầy trò, tình đồng đạo... thì vẫn còn thiếu tính từ, bi, hỷ, xả của một tâm vô lượng. Tình thương yêu có cùng một bản chất nhưng khác nhau trên hiện tượng mà chúng ta có thể đo lường bởi độ dính mắc ít hay nhiều để biết mức độ giác ngộ giải thoát tới đâu. Phải chăng các con kính yêu và tín nhiệm đức độ của cá nhân sư cô hơn là tin hiểu pháp. Nhớ là y pháp bất y nhân đó nghe.
10. Thấy tức là hành, do đó con chỉ cần luôn biết mình trong mọi hoạt động thì con sẽ thấy ra bản chất của chính mình và đời sống
Ngày gửi: 06-06-2013 |
Câu hỏi:
Bach Thay, con la TT truong Bach Viet day, tu lau con da rat hanh phuc voi phuoc bau la kiep nay con gap duoc chanh phap, va nhat la hoc duoc giao phap tu Thay. Con van con rat ban chua the tron ven voi viec tu hoc nhung con luon co gang ung dung tu trong lam viec de hoc ra cac bai hoc tu su phat trien cua tham tam minh, con mang on Thay rat nhieu. Ngay Thay den My dung la luc con phai ve lai VN, nen khong co duyen lanh den danh le va nghe phap dau con dang o rat gan Thay. Sau nay khi ve VN con se lien he de xin Thay cac bai phap nay. Con kinh mong Thay luon manh khoe cho Phat tu chung con duoc hoc tap tu Thay. Con xin kinh le Thay. |
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Nếu có thì giờ con nên nghe pháp thoại thầy đã giảng trong nhiều khoá, nó sẽ giúp con thấy rõ hơn những bài học trong đời sống hàng ngày. Thấy tức là hành, do đó con chỉ cần luôn biết mình trong mọi hoạt động thì con sẽ thấy ra bản chất của chính mình và đời sống. Chân lý không nằm ngoài cuộc sống, và nó luôn hiện hữu trong con vì vậy thường trở về trọn vẹn trong sáng với thân tâm thì con sẽ thấy pháp. Chúc con luôn trong sáng để thấy ra chính mình. |
11. Khi làm với thiện tâm thì sinh ra năng lực của phước. Tâm lực và phước lực này có thể hỗ trợ cho người đang ở trong cõi Âm hoan hỷ và nhờ đó được thoát khỏi cảnh giới này.
Ngày gửi: 06-06-2013 |
Câu hỏi:
Thưa thầy, thế nào gọi là làm phước? Làm phước và làm việc tốt có quan hệ như thế nào? Vì theo con nghĩ, làm việc tốt, chẳng hạn như giúp 1 ai đó, không nhất thiết họ có quan hệ gì với mình, là lẽ đương nhiên, mà cũng như tự nhiên vậy - Việc xảy ra như vậy, người nọ gặp hoạn nạn, cần sự giúp đỡ, mình giúp họ. Vậy lẽ đương nhiên này có liên quan đến việc làm phước như thầy nói không? Và người chết vì sao khi được mình hồi hướng phước thì họ hoan hỷ và thoát khỏi cõi Âm? Trong sự hồi hướng đó, điều gì xúc tác tới họ, để họ thoát ra, thưa thầy? Và nếu như mình không chỉ muốn hồi hướng tới người thân, mà những thần thức đang vướng ở đâu đó, vì lý do nào đó, họ còn đau khổ, thì sao hở thầy? |
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Làm phước là làm điều thiện có lợi ích cho người hay chúng sinh khác. Khi làm với thiện tâm thì sinh ra năng lực của phước. Tâm lực và phước lực này có thể hỗ trợ cho người đang ở trong cõi Âm hoan hỷ và nhờ đó được thoát khỏi cảnh giới này. Trong phạm vi hỏi đáp thầy chỉ trả lời vắn tắt thôi, còn con muốn biết cách làm phước thế nào có thể giúp người Âm siêu thoát thì con phải tìm hiểu cụ thể hơn mới được. |
12. Tánh biết hoạt động cả khi hữu thức lẫn vô thức
Ngày gửi: 09-06-2013
Câu hỏi:Thưa Thầy! Đầu thư, con xin được vấn an Thầy ạ!
Gần đây con đọc lại ba cuốn "Sống trong thực tại" và "Thực tại hiện tiền", "Lá thư Thầy" con thấy và hiểu ra nhiều điều sâu sắc mà trước đây con chỉ hiểu phần nào. Con nhận ra đây là cốt tủy của Đạo Phật và là tâm huyết cả một đời tu tập của Thầy. Con thích nhất là bài giảng về ngũ uẩn và sự tạo thành ngũ uẩn. Những hiểu biết này đã giúp con thấy ra và không bị một số tham ái "khó" chi phối. Con rất biết ơn Thầy đã khai sáng cho con, nhất là vấn đề phải thấy ra bản ngã và buông bản ngã mới là con đường tu tập đúng.
Thưa Thầy, trưa nay con bị ngất do một cơn đau bụng bên ngoài nhà vệ sinh. Trong khoảng khắc bị ngã, con thấy ý thức không hề làm chủ được tình huống, con thấy trong tâm lúc đó cũng không có một phản ứng nào cả. Rất nhanh, con tỉnh dậy và thấy mình nằm trên sàn nhà. Lúc đó con đứng dậy và vào nhà vệ sinh, con thấy trong tâm bắt đầu có phán đoán, suy nghĩ về sự việc vừa xảy ra. Con xin hỏi Thầy là tâm hay biết khoảnh khắc lúc con đang bị ngất có phải là tánh biết không Thầy?
Xin Thầy từ bi khai sáng cho con. Con xin cảm ơn Thầy và chúc Thầy khỏe mạnh trên đường hoằng pháp.Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:Tánh biết hoạt động cả khi hữu thức lẫn vô thức. Cái giây phút thấy biết trong sáng đầu tiên khi chưa khởi lên ý niệm nào của bản ngã chính là tánh biết, nhưng sau đó khái niệm của lý trí, tình cảm riêng tư xen vào làm giới hạn tầm nhìn rỗng lặng trong sáng của tánh biết mà hình thành ảo tưởng "ta thấy", "ta biết" ... Thiền nói thấy "bản lai diện mục lúc chưa sinh" chính là chỉ ra tánh biết lúc chưa bị bản ngã che lấp. Con cứ ngay nơi thực tại thân tâm mà thấy thì sẽ trực nhận ra đâu là tánh biết, đâu là vọng thức mà không cần qua kiến thức nào cả.
13. Định kiến tạo ra phiền não
Ngày gửi: 09-06-2013
Câu hỏi:Kính thưa thầy, trong câu hỏi lần trước, thầy có trả lời con là: "Con bị ảnh hưởng quan niệm nào đó của một số Tông môn Phật giáo rồi. Con nói "thân tứ đại không có thật", "bản thân mình là ai"... mà lại sợ cả việc tính tiền thịt, mới là lạ! Vậy ai sợ? Ai muốn nghỉ việc? Ai thấy thịt là có thật? Đừng học đạo theo quan niệm hay Tông môn nào cả, cứ nhìn vào thực tế của đời sống đi con. Chúc con thấy ra "chính mình" là gì."
Con chưa thực sự hiểu lắm! Theo câu trả lời của thầy, con cảm thấy giống như mình đang có 1 sự mâu thuẫn. Thầy có thể khai mở giúp con không? Con không trả lời được những câu hỏi thầy đặt ngược lại cho con. Con cũng chưa hiểu "quan niệm, Tông môn mà con bị ảnh hưởng" là gì?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời: Ý thầy là con học đạo và hiểu theo một cách nào đó và bây giờ nhìn sự vật theo cách hiểu ấy chứ không nhìn nó như nó đang là với tâm rỗng lặng trong sáng, hồn nhiên tự tại. Thầy nói như vậy để con đừng suy nghĩ hay đánh giá sự kiện đời sống theo một nếp nghĩ nào cả, vì chính những nếp nghĩ ấy là định kiến tạo ra phiền não làm cho tâm không thấy sự vật một cách trung thực như bản thân nó là.
14. pháp vốn tinh nguyên trong bản chất của nó, chỉ có ảo tưởng là méo mó mà thôi.
Ngày gửi: 09-06-2013
Câu hỏi:Đi, đứng, nằm, ngồi, cười, khóc, suy nghĩ, v.v... Mỗi một thứ khi trả về tính tự nhiên của nó thì tâm cũng trong lành. Khi mình buông được, có mặt với hiện tại, với một tình thương không mong cầu, thì mọi thứ sẽ thênh thang, tự tại.
Hôm kia, tình cờ con đọc trong thư viện một bài giảng của thầy về tình yêu - Cái gọi là món hàng trao đổi, cái bản ngã, và cái gọi là tình yêu thật sự. Con chợt hiểu ra - hiểu thêm về mình - không chỉ tình yêu nam nữ, mà là tất cả, và vì sao tâm mình có lúc vật vã khổ đau.
Khi buông với một tình thương không bản ngã thì tình thương đó không mất đi, mà nó trở nên trong sáng, thênh thang, nhẹ nhàng. Cảm ơn bài giảng của thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời: Đúng đó con. Khi tâm bị trói buộc thì mọi thứ đều bị trói buộc, khi tâm mở ra thì mọi phẩm chất của đời sống cũng được mở ra. Tất cả pháp vốn tinh nguyên trong bản chất của nó, chỉ có ảo tưởng là méo mó mà thôi. Buông đi ảo tưởng thì pháp liền hiện ra như chân như thật không thêm không bớt, đúng quá phải không con?
Nguồn: http://www.trungtamhotong.org/index.php?module=faq