1. Chỉ những ai biết trở về sống trọn vẹn với thực tại chân như (sabhava) mới hiểu được thế nào là lẽ sống vô ngã vị tha
Ngày gửi: 20-05-2013 |
Câu hỏi:
Thầy kính mến, con giờ đã thấy cái bản ngã nó khởi sinh đánh giá hay phán xét một điều gì đó, thư giãn, chú tâm thì tâm lại tĩnh lặng nhìn mọi thứ đúng và bình an thầy ạ. Mọi thứ đến và đi như nó vốn thế, con chẳng còn muốn đi tìm một cái gì nữa, ngay cả suy nghĩ đây, những lời con viết ra cũng đang sinh và diệt, thật chẳng muốn bám víu vào đâu thầy ạ, may sao con biết tới Phật pháp không thì con mãi ngủ mơ mà không biết suốt cả đời.
Ngày đầu thiền tập khi giữ giới tốt con thấy hành thiền tốt vì tâm dễ chú tâm hơn, giờ con lại hiểu khi sống vô ngã vị tha, khả năng thiền cũng tốt hơn, con lại càng hiểu điều thầy nói. Con ngồi thiền khi cảm thấy cần thiết, chỉ xem tâm mình chất chứa thêm những gì và học cách thư giãn. Thiền tập và sống vô ngã vị tha bổ trợ cho nhau, không có khó khăn trong mối quan hệ ở đời thì chẳng thể học hỏi được gì thầy nhỉ! Người chửi mắng, đối xử không tốt với ta cũng là lúc ta học bài học cho tâm mình. Hạnh phúc trôi qua con người ta tiếc nuối và bắt đầu đau khổ và lại tìm kiếm hạnh phúc! Hạnh phúc và đau khổ cứ luẩn quẩn sinh và diệt như thế, con chợt nhận ra, hạnh phúc thật sự là coi đau khổ và hạnh phúc như nhau, chẳng còn tìm kiếm hay lẩn tránh gì nữa.
Sống vô ngã vị tha thật khó thầy ạ, chỉ chút mất tỉnh giác, chánh niệm cái bản ngã nó lại đưa ta đi quá xa. Con mong thầy thật nhiều sức khỏe, con cảm ơn thầy đã dạy cho con những bài học mà cả đời con sẽ luôn mang theo mình ạ!
|
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Mỗi lần đọc được những lời chia sẻ chân tình như vậy thầy rất hoan hỷ. Chúc mừng con đã biết trở về sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha! Chỉ những ai biết trở về sống trọn vẹn với thực tại chân như (sabhava) mới hiểu được thế nào là lẽ sống vô ngã vị tha và mới thấy đâu thật sự là niềm hạnh phúc an nhiên tự tại. Sàdhu lành thay! |
2. Giết vị Alahán là phạm một trong 5 đại tội
Ngày gửi: 20-05-2013 |
Câu hỏi:
Thưa thầy, con thấy trong kinh nói 1 trong 5 tội trọng nghiệp là giết 1 vị A La Hán, nhưng con cũng thấy kinh nói là trong kiếp cuối cùng vị A La Hán không thể bị chết vì bất cứ lý do ngoại cảnh nào. Vậy 2 điều trên có mâu thuẫn không ạ? Hay là điều thứ nhất muốn nói đến tạo tác của Ý - Khẩu - Thân muốn giết (chứ chưa giết được) 1 vị A La Hán thôi ạ.
Con đọc sách nên bất chợt xuất hiện câu hỏi này, mong thầy từ bi chỉ dạy ạ.
|
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Giết vị Alahán là phạm một trong 5 đại tội thì có, nhưng một vị Alahán vẫn có thể bị giết do nghiệp quả dư sót của chính vị ấy, trừ phi vị ấy đang nhập Thánh Quả Định hoặc Diệt Thọ Tưởng Định. Như Ngài Moggallana (Mục-kiền-liên) vẫn bị bọn cướp đánh chết, dĩ nhiên không do ngoại cảnh mà do chính nghiệp quả của ngài, tuy nhiên ngài bị giết về thân thôi chứ không chết, còn chết là do ngài nhập Niết-bàn. |
3, Hồi đầu là bến
Ngày gửi: 21-05-2013 |
Câu hỏi:
Tâm con hướng Phật
Nay con cầu pháp
Kính mong chư đức
Tỏa sáng trong con
Tâm trí chưa thông
Cứ mãi long đong
Đi vòng Tịnh độ
Lại đến Thiền tông
Bến nào cũng không
Cầu mong chư vị
Chỉ rõ cho thông
A-di-đà Phật.
|
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Phật ở trong lòng
Đâu cần tìm kiếm
Thấy ra là thông
Hồi đầu là bến.
|
4. Cách hóa giải sợ hãi là thường lắng nghe cảm xúc của mình
Ngày gửi: 22-05-2013 |
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Con rất sợ rắn. Chỉ cần nghe ai nhắc đến rắn con đều sợ. Có lần đang ngồi tập trung nghe Sư Đức Hiền giảng Pháp, Sư nhắc đến rắn 2 lần, và con đã thét lên ngay giữa hội chúng đến 2 lần (tuy nhiên, nhiều lần nghe Thầy giảng Thầy lấy ví dụ cứ tưởng sợi dây là con rắn thì con không có sợ). Việc sợ này giống như đã ăn vào tiềm thức của con từ rất lâu rồi, nên giờ con rất sợ. Để đối trị việc sợ này, con đọc Kinh tâm từ rải đến các loài rắn mỗi tối được không, thưa Thầy. Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con. Con cám ơn Thầy |
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Tất nhiên là được. Con đọc kinh hoặc tự mình rải tâm từ cho loài rắn càng tốt. Có thể trong quá khứ xa xưa nào đó con đã từng có mối quan hệ không tốt đẹp với rắn nên đã bị nó ám ảnh. Thường lắng nghe lại cảm xúc của mình khi sợ hãi khởi lên cũng là cách hoá giải nó. |
5. Pháp tự hoàn hảo trong từng giây phút nếu biết buông thư trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân tâm
Ngày gửi: 23-05-2013 |
Câu hỏi:
Kính thưa thầy Viên Minh!
Chúng con có may mắn được anh TUỆ QUANG tặng cho đĩa giảng của thầy ở chùa Pháp Luân ở Huế. Chúng con áp dụng NGHE và THẤY. Chúng con ngồi buông xã và nghỉ ngơi thư giãn. Chúng con thấy tâm rất nhiều lao xao vọng tưởng rất nhiều trong thời buổi kinh tế khủng hoảng và bản thân con tuổi già có nhiều bệnh… Lần đầu con ngồi thấy được một chút an lạc và khỏe hơn.
Qua mổi ngày con ngồi chơi như thầy dạy, con thấy dần dần có nhiều an lạc hơn một chút – tuy chỉ một chút nhưng đã thay đổi hoàn toàn được thái độ và cái thấy của con về bản thân mình: THÂN THỌ - TÂM – PHÁP
Con thấy mạnh khỏe hơn về thân và tâm mặc dù con bị nhiều bệnh già nhưng con cảm thấy những bệnh này không còn làm con đau khổ giống như khi Tâm con thanh tịnh thì cái bệnh đau khổ biến mất… Và con chợt nhận thấy TIẾN TRÌNH của những lao xao vọng tưởng của chúng mổi ngày cứ rơi rụng một chút một khi con áp dụng phương pháp thiền của thầy Viên Minh. Con thấy và áp dụng được tùy duyên thuận Pháp. Nhưng về VÔ NGÃ thì con chưa áp dụng được, còn VỊ THA thì con cũng chưa áp dụng được. Nhưng con đã bắt đầu PHỤC VỤ như lời thầy dạy, đem lợi ích và Phật pháp đến mọi người, chia sẻ cách Thiền NGHE và THẤY và thay đổi cách nhìn cái thấy của mình cho đúng chánh kiến Phật dạy trên nền tảng Thất GIÁC CHI và BÁT CHÁNH ĐẠO.
Con cảm ơn thầy dầu con chỉ thiền được một chút, nhưng con tin đã làm đúng theo phương pháp của thầy hướng dẩn và ngày càng một chút lớn lên lớn dần lên khi con ngồi buông xã thư giãn.
Cho đến nay mọi việc hiện ra đau khổ con nhìn rõ thì nó biến mất một cách nhẹ nhàng không còn ảnh hưởng thân và tâm con... Khi con THIỀN xong chỉ 15 phút nhưng con thấy rất khỏe, thân và TÂM như mới tưới nước mát mẻ nhẹ nhàng và không thấy đói. Ăn uống thấy ngon miệng, ngủ ngon giấc và trong việc làm con áp dụng PHỤC VỤ trong SÁNG SUỐT – ĐỊNH TỈNH – TRONG LÀNH và con thấy người con RỖNG LẶNG như HƯ KHÔNG, không còn gì ngoài Thực TẠI sống để PHỤC VỤ bây giờ.
Con xin trình Pháp với thầy như vậy. Nếu có gì không phải con xin Thầy chỉ dạy cho con.
|
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Quý Phật tử bước đầu hành như vậy rất tốt, cứ tiếp tục hành một cách tự nhiên, hễ hành đúng thì pháp sẽ tự vận hành. Pháp tự hoàn hảo trong từng giây phút nếu biết buông thư trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân tâm. Do đó chỉ cần sống trọn vẹn trong từng giây phút chứ không cần mong đợi và cũng không cần dự kiến kết quả gì cả. Giống như trồng cây đúng thì tự nó sẽ đơm hoa kết trái mà không cần mong chờ cái gọi là "tốt hơn". |
6. ĐẠO
Ngày gửi: 23-05-2013 |
Câu hỏi:
Bạch thầy, thế nào là ĐẠO ạ? |
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
- Nghĩa riêng: Đạo là tâm sáng suốt (tuệ), định tĩnh (định), trong lành (giới) thấy đúng thực tánh của Pháp và Niết-bàn nên được gọi là Thanh Tịnh Đạo.- Nghĩa chung: Đạo là Chân Lý rốt ráo. |
7. Buông ra thấy Pháp
Ngày gửi: 24-05-2013 |
Câu hỏi:
Thầy ơi, mấy lần con định hỏi Thầy trong những buổi sáng trà đạo ở Bửu Long rằng, tại sao chúng con phải tin rằng Pháp vốn đã hoàn hảo, rạng ngời như Thầy đã giảng? Thực tế nào chứng minh điều này? Có phải đây là một yếu tố tâm lý để chúng con dễ buông bỏ bản ngã hơn chăng? Nhưng cái tính cách thích tự mình trải nghiệm bao năm qua học đạo giờ đây đã cho con một câu trả lời trên cả tuyệt vời! Trong hạnh phúc tột cùng con chỉ biết thốt lên:
Buông ra thấy Pháp rạng ngời
Lặng nghe Chân Pháp trọn lời Viên Không
Bao năm gánh nặng long đong
Gánh đầy Bản ngã hoài công tu hành.
Và con rưng rưng cảm xúc chợt nhớ về dòng thơ Thầy gởi mừng SN con mấy năm trước (con đã từng đọc mà thầm nghĩ biết bao giờ mình mới "chạm vào" được lời chúc này):
Đọc thơ con Thầy cũng cười,
Chúc con sinh nhật mấy mươi tuổi đời
An nhiên tự tại rong chơi
Trong Ta bà vẫn rạng ngời yêu thương.
Từ quê nhà xa xôi, con xin đảnh lễ tạ ơn Pháp, tạ ơn Thầy!
|
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Wow! Đúng là hơn cả tuyệt vời! Chúc mừng con. Thầy cũng rất xúc động khi đọc được những dòng thơ đầy cảm xúc của con. Quả là:Bao năm thầy nói thì... nghe Còn nghi, chưa ngộ, ai dè ngay đây Chỉ vì cái ngã đong đầy Bây chừ vỡ lẽ: "Thưa thầy, chẳng sai!" Thầy rất vui. Cảm ơn con nha. |
8. Do not think about Nana.
Ngày gửi: 25-05-2013 |
Câu hỏi:
Bhante,
How are you doing? I hope this question reaches you in good health and happiness. I have a question that I would like to ask Bhante.
Is it possible for one to realise Udayabbaya Nana (Insight into the arising and passing away of phenomena) without having to realise the other first three insights (pariccheda nana, paccaya pariggaha nana, sammasana nana)?
Thanks.
Regards, Swas Tan
|
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Dear Swas Tan,
It would be better not to care about any Nana, if you care about it then concepts arise to cover the clarity of your seeing. So, only see the activity or the progress of the body, the sensations, the feelings, the states of mind and what is happening when the senses contact with their objects. Just see them as they are without longing for any Nana, because the clear seeing or knowing itself is the best Nana which comes from the Pure-Transquil-Clear Mind - The Mind of Insight. This mind itself is natural and perfect, you can not develop it, when it sees the arising and passing away of a phenomenon it's called Udayabbaya Nana. This Nana occurs by itself, don't expect it to come. Therefore, you'd better not thinking about Nana.
Peace be with you!
Best regards,
|
9. Đời sống hàng ngày mới là môi trường tu tập tốt nhất
Ngày gửi: 25-05-2013 |
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con mong Thầy chỉ giúp cho con pháp môn tu tập làm sao cho phù hợp và tiến tới bước đường tu đạt kết quả viên mãn. Con làm việc về nhà hàng. Sáng con làm từ 10h - 14h, chiều làm từ 17h - 22h. Con làm hai ca. Thường ngày con vừa làm việc con vừa niệm danh hiệu Phật Adida, Phật Bổn Sư Thích Ca và Chư Bồ Tát. Tối về con hay nghe pháp, thi thoảng con cũng có Tụng Kinh và Nghe kinh. Nhưng con không thấy mình tiến bộ lắm trong bước đường tu làm sạch thân tâm của mình. Vậy con rất mong thầy cho con biết được một pháp môn tu tập nào thích hợp nhất với con. Con xin cám ơn Thầy. Nam mô Hoan Hỉ Bồ Tát Ma Ha Tát. |
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Tụng kinh, nghe kinh, Niệm Phật là pháp hỗ trợ cho việc sống đúng tốt. Nhưng biết sống tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha mới gọi là sống đúng tốt. Sống đúng là nhờ nhận thức đúng, sống tốt là nhờ hành vi tốt, vì vậy thường điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi trong đời sống thực tế hàng ngày thì khi nhận thức hoàn toàn đúng gọi là Minh Túc, và hành vi hoàn toàn tốt gọi là Hạnh Túc, vì vậy Đức Phật có đức độ hoàn hảo gọi là Minh Hạnh Túc (Vijjà-carana-sampanno).Đời sống hàng ngày mới là môi trường tu tập tốt nhất. Thí dụ con làm việc trong nhà hàng với tâm phục vụ mọi người là đang tập sống với đức tính vô ngã vị tha, và khi làm việc con thường thận trong chú tâm quan sát mình trong bối cảnh công việc, không để tâm lang thang trong vọng tưởng mà luôn trờ về trọn vẹn trong sáng với chính mình, như vậy là con đang sống tuỳ duyên thuận pháp. Tuỳ duyên là tuỳ hoàn cảnh, tuỳ công việc hay tuỳ điều kiện sẵn có, thuận pháp là sống sáng suốt, định tĩnh, trong lành (qua sự thận trọng, chú tâm, quan sát và khi phân tâm biết trở về trọn vẹn trong sáng với chính mình trong hiện tại). Nếu con làm được như vậy, con sẽ thấy tiến bộ trong tu tập một cách kỳ diệu. |
10. Ăn chay tuỳ duyên, nghĩa là không chấp chay chấp mặn
Ngày gửi: 25-05-2013 |
Câu hỏi:
Bạch Thầy, Thầy cho con hỏi là nếu muốn Quy Y cho trẻ mới 18 tháng tuổi có nên không ạ? Con thì rất muốn vì muốn tạo duyên lành cho bé đến khi lớn tin hiểu Phật Pháp và tu học. Nhưng con mới băn khoăn là việc Quy Y phải phụ thuộc vào khi trưởng thành bé có quyết định hay không mới là quan trọng vì dù có Quy Y Tam Bảo mà "để đấy", không tu học thì cũng không có giá trị gì cho con người muốn đi tìm chân lý giác ngộ. Con xin Thầy giúp con giải đáp băn khoăn này ạ.
Con xin hỏi Thầy điều nữa, con ăn chay một thời gian thì gầy quá, con thực lòng không muốn và không thèm ăn mặn, Thầy có phương pháp gì giúp cho con được ăn chay mà vẫn giữ được sức khoẻ, con mong Thầy chỉ giúp con ạ.
Một điều nữa con muốn hỏi Thầy là nếu mình kinh doanh đồ mặn nhưng lại có chất lương giúp các bé dưới 3 tuổi đủ chất dinh dưỡng thì có đươc không ạ? Dù không sát sinh nhưng con vẫn lo và sợ như thế không phải là lòng từ bi yêu thương tất cả chúng sinh như con được học ạ.
Kính mong Thầy giải đáp giúp con những câu hỏi về cuộc sống này với ạ. Con xin cảm ơn Thầy. Con chúc Thầy sức khoẻ ạ!
|
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
1) Đúng ra thì việc quy y là do một người đủ niềm tin để tự nguyện hay đủ hiểu biết để chấp nhận, chứ không do ai áp đặt. Trong trường hợp cháu còn bé thì cha mẹ cũng có thể cho cháu được quy y "tạm ứng" mang tính "tâm linh" để cháu được "hộ trì" hơn là quy y thật sự. Khi cháu lớn lên cháu phải được quyền chọn tôn giáo hay không tôn giáo của mình, nếu cháu chấp nhận quy y thì chính cháu nên tự mình xin quy y chính thức với niềm tin và hiểu biết đầy đủ mới đúng nghĩa của quy y.2) Nên ăn chay tuỳ duyên, nghĩa là không chấp chay chấp mặn. Ăn gì thích hợp với mình mà không sai pháp là được. Quan trọng là phải biết thế nào là đúng pháp, thế nào là sai pháp chứ không phải chay hay mặn. Nếu một người ăn chay sai pháp thì vẫn tự hại, ngược lại một người ăn mặn đúng pháp thì vẫn hữu ích. Đúng sai không phải theo một quan niệm định sẵn mà phải tự mình thấy ra sự thật ngay mỗi lúc ăn uống. Đừng tưởng tượng mà phải y cứ trên sự thật như nó đang là. Phải tự điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi con mới giác ngộ giải thoát chứ đừng bắt chước bất kỳ ai hay quan niệm nào. |
11. Mọi tranh chấp trên đời dù giải quyết được hay không, dù thắng hay bại thì người trầm tĩnh sáng suốt vẫn là người ít khổ đau phiền luỵ nhất...
Ngày gửi: 27-05-2013 |
Câu hỏi:
Kính thưa sư!
Gia đình con hiện nay ở với người hàng xóm khó tính, có mâu thuẫn với gia đình chúng con về đất đai (do con mua đất của một người khác giáp ranh với người hàng xóm này, nhưng trước đây người bán đất đã có hành vi lừa dối về đất đai với người hàng xóm đó, nên họ giận lây sang chủ đất mới là gia đình con)con cảm thấy thật là oan ức dù biết mọi chuyện điều có nguyên nhân của nó, họ thường xuyên kiếm chuyện với gia đình con. Con đã nhẫn nhịn để học ra bài học của Pháp, nhưng vợ con lại không như vậy, thường xuyên đau khổ, tức giận, tìm cách đối kháng. Con đã cố gắng thuyết phục cô ấy và cố giữ hòa khí với người hàng xóm, nhưng hình như duyên nghiệp giữa hai người quá nặng nên tình trạng này ngày càng căng thẳng hơn, đối với con thì không sao, nhưng đối với các con của con có ảnh hưởng rất lớn. Con không biết phải làm sao? Cứ để cho hai người giải quyết hết duyên nghiệp với nhau hay tiếp tục thuyết phục vợ và giữ hòa khi với người hàng xóm. Mong Thầy chỉ dạy.
|
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Thầy cũng đã từng chứng kiến một vài vụ mua bán đất đai bất ổn. Người bán đất lấn chiếm đất của người hàng xóm rồi đi làm giấy tờ hợp lệ (có thể vì người hàng xóm có đất nhưng chưa có giấy tờ hợp lệ) để đem bán cho người khác. Người mua lại thửa đất ấy tuy hợp lệ nhưng lại mất lòng!Đầu tiên đó là bài học về việc mua bán đất đai sao cho hợp tình hợp lý. Trong trường hợp của con cũng vậy, cần tìm hiểu cho rõ xem xích mích xảy ra do đâu. Nếu do chuyện tranh chấp đất đai cụ thể như thế nào thì cần nhờ chính quyền địa phương hoà giải theo pháp luật, đừng để kéo dài tình trạng hiểu lầm không đáng. Còn nếu vì lý do khác thì cũng nên tìm hiểu để biết rõ nguyên nhân nhờ đó vấn đề giải quyết hơn. Riêng đối với gia đình con thì nên xem đó là bài học để thể hiện đức tính nhu hoà nhẫn nhục và thấy ra bản chất cuộc đời là vô thường, vô ngã và bất như ý. Nếu không qua đó thấy ra chính mình và bản chất đời sồng thì chỉ tự chuốc lấy khổ đau phiền muộn mà thôi. Mọi tranh chấp trên đời dù giải quyết được hay không, dù thắng hay bại thì người trầm tĩnh sáng suốt vẫn là người ít khổ đau phiền luỵ nhất. |
12. Thấy đúng và sống đúng pháp thì liền có hiệu quả ngay lập túc chứ không cần thời gian để nỗ lực đạt đến sở đắc
Ngày gửi: 28-05-2013 |
Câu hỏi:
Thầy ơi, nhiều lần con muốn nói cám ơn thầy mà nghẹn ngào mãi không thành câu. Nhờ có duyên gặp thầy, được nghe pháp từ thầy, con đã bắt đầu, dần dần hiểu và trải nghiệm được niềm hạnh phúc, tình yêu thương chân thật trong cuộc đời này. Từng phút từng giây, con luôn thường hay trở về với tánh biết của mình, trọn vẹn với mỗi hành động của mình và con cũng làm thêm được nhiều điều bổ ích cho mọi người.
Từ khi nhận biết được những thái độ sai lầm và điều chỉnh mỗi khi chúng sinh khởi nơi con, con dường như dễ dàng cảm nhận được những thái độ sai lầm nơi mọi người và cảm thông với họ. Nhiều khi con chỉ im lặng và lành thay có lúc con cũng giúp cho họ trở về với sự an bình vốn có nơi họ. Được thầy khai thị pháp học và pháp hành, thân tâm con được nhẹ nhàng thư thái, mỗi khi những thói quen xấu nổi lên con cũng dễ dàng trở về hơn thực tại hơn, dần thấy được sự nguy hại của nó và dần có xu hướng buông bỏ hẳn. Tâm trạng của một người bị bệnh nan y, lâu ngày không chữa được nay gặp được lương y mà bệnh thuyên giảm, vui như thế nào thì tâm trạng con cũng hân hoan như thế!
Hàng ngày, con thoả thích trong việc nghe pháp, trực nhận những phiền não nơi mình. Khi vô sự lẫn khi hữu sự mà phiền não khởi lên, con lại nghe những bài giảng của thầy trên trang web. Như làn nước trong lành cuốn trôi đi những gì nhơ nhớp, thân tâm con cân bằng, sáng suốt hơn, vững tin hơn vào nơi Phật, nơi Pháp, nơi Tăng.
Thầy ơi, tuổi thầy đã cao, đi nhiều nơi xa xôi thuyết pháp như vậy, chắc thầy mệt lắm! Nhưng thầy cho phép con được tham một chút thầy nhé. Con mong thầy đi thêm được nhiều nơi nữa, thêm nhiều bài giảng nữa, thêm nhiều chủ đề nữa để mọi người và con được hiểu và sống đạo giữa đời này.
Con rất hoan hỉ bài kệ "Buông" của thầy nên thầy cho con mạn phép viết bài thơ này thầy nhé.
Tham sân si ấy đã bao năm
Gốc rễ vô minh hẳn sâu dày
Đạo thuốc vị "buông" Thầy mang tới
Viên minh ngay đó cõi trở về!
Ở Việt Nam xa xôi, con xin đảnh lễ tạ ơn Pháp, tạ ơn Thầy!
|
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Sàdhu lành thay! Con thấy đúng và sống đúng pháp thì liền có hiệu quả ngay lập túc chứ không cần thời gian để nỗ lực đạt đến sở đắc. Những pháp môn phương tiện hay phương pháp tu tập có gieo nhân gặt quả mới cần thời gian để đạt được mục đích sở cầu. Vì vậy Đức Phật mới dạy pháp là thấy ngay (Sanditthiko), không qua thời gian (Akàliko), đúng quá con nhỉ? Chúc mừng con. |
13. Tốt nhất là nên tu tâm dưỡng tánh và hành thiện thì dù chỗ xấu cũng sẽ trở thành linh địa.
Ngày gửi: 30-05-2013 |
Câu hỏi:
Thưa Thầy,
Gia đình con từ trước đến nay hay tin phong thủy và bói toán. Nói cách khác thì là mê tín phải không thầy? Khi mua nhà bố mẹ con phải chọn hướng theo tuổi của vợ chồng, người giúp mua/bán nhà, số nhà, đất và nhiều nữa. Sau khi nghe và hiểu một số lời thầy dạy thì bố mẹ con cũng đỡ kén chọn nhưng vẫn do dự là nên tin phong thủy hay không. Mẹ con cứ hỏi con mà con không biết trả lời như thế nào để cho mẹ con yên tâm quyết định mua nhà.
Con thì không mê tín như trước nữa vì con chỉ nhớ lời thầy dạy là không nên lệ thuộc vào tha lực mà phải tự mình nương tựa vào mình. Con cứ để pháp vận hành như nó đang là ("như thị"). Nhưng đây là cách nhìn và hiểu biết của con, còn mỗi người một khác.
Mẹ con hỏi hay là cứ theo như thầy nói thuận pháp tùy duyên nhưng con nghĩ con nên hỏi thầy là tốt nhất để thầy chỉ dạy. Con cám ơn thầy và chúc thầy mạnh khỏe.
|
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Phong thủy có nhiều trường phái mà phần lớn bất đồng ý kiến với nhau và nhiều khi mâu thuẫn lẫn nhau. Vì vậy mỗi trường phái có cái sở trường mà cũng có sở đoản. Những trường phái nào dựa trên Dịch lý cổ xưa và trên khoa học hiện đại thì tương đối đúng hơn, nhưng phần lớn lại tuỳ thuộc vào trình độ của người giải đoán do đó độ chính xác rất thấp. Đã vào thế giới phong thuỷ thì nay nhà phong thủy này đến chỉ thế này, mai nhà phong thủy khác đến chỉ thế khác làm cho gia chủ càng rối loạn thêm.
Phong thủy có nhiều phưong diện và trình độ khác nhau như:
1) Phong thủy căn cứ vào bên ngoài, như xem phương hướng hay đia thế. 2) Phong thủy y cứ trên hình thể của thiết kế xây dựng hay sắp xếp đồ vật trong nhà. Hai loại này mang tính vật lý. 3) Phong thủy dựa trên vận khí của thời gian và phương hướng (thời và vị), vì khí có lúc vinh lúc hư, khi tiêu khi trưởng theo thời gian và vị trí chứ không có gì nhất định tốt hay xấu mãi. 4) Phong thủy theo khí tụ trong lòng đất, như xem long mạch, linh địa... chẳng hạn. Hai loại này thuộc về khí, năng lượng trong trời đất. 5) Phong thủy theo năng lực của tâm hay còn gọi là tâm đức. Tâm đức có thể chuyển hoá được hình và khí, vì vậy dù hình và khí xấu tâm đức vẫn có thể chuyển hoá thành tốt. Đó là lý do vì sao nhiều người ở chỗ đất xấu về hình và khí mà vẫn làm nên sự nghiệp.
Vậy tốt nhất là nên tu tâm dưỡng tánh và hành thiện thì dù chỗ xấu cũng sẽ trở thành linh địa.
|
14. Ý nghĩa thọ Đầu Đà
Ngày gửi: 30-05-2013 |
Câu hỏi:
Con kính chào Thầy! Trước hết xin cho phép con được nói lời đồng cảm và cảm ơn đến phật tử đã gửi ngày 28-05-2013 đã nói giùm suy nghĩ của con!
Giờ con có một điều nữa không biết, nhờ Thầy giảng về ý nghĩa thọ đầu đà của Phật giáo nguyên thuỷ. Con xin cảm ơn Thầy.
|
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Đầu-đà tiếng Pàli là Dhutanga (dhuta+anga) gồm 13 chi pháp (anga) tu mà một vị xuất gia tự nguyện thọ trì để tiết chế (dhuta) những tham đắm trong 4 món vật dụng: y phục, chỗ ở, thuốc ngừa hoặc trị bệnh và trong sự ăn uống ngủ nghỉ. Pháp này hơi giống như khổ hạnh nhưng không phải ép xác vì mục đích xa vời nào mà chỉ để đối trị sự lệ thuộc hay dính mắc quá đáng vào phương tiện vật chất trong đời sống tu tập mà thôi. Vì vậy vị nào thấy mình bị tham đắm gì nhiều thì thọ pháp đầu-đà liên hệ để tự chế ngự sự dính mắc đó. |
15. Xem việc lập gia đình là bài học để nhận ra chính mình và cuộc sống, để phát huy những đức tính tinh tế, nhẫn nại, cảm thông, san sẻ, vị tha...
Ngày gửi: 30-05-2013 |
Câu hỏi:
Kính bạch Sư. Con đã được nghe Sư thuyết pháp và đọc được nhiều câu trả lời của Sư trên danh mục hỏi đáp. Thật sự con rất cảm phục trước những khó khăn trong cuộc sống mà mọi người chưa giải quyết được đều được Sư giúp đỡ và trả lời tận tâm. Thưa Sư con cũng đang gặp khó khăn trong chuyện riêng của mình. Hiện tại gia đình con bây giờ chỉ có con, ba và chị gái. Năm vừa qua bản thân và gia đình con đã gặp phải rất nhiều chuyện buồn nên năm nay cả nhà ai cũng muốn con lập gia đình (cưới vợ) vì tuổi con cũng đã lớn và để cảnh gia đình bớt cô quạnh, nhất là ba con vì tuổi đã già mà con vẫn chưa yên bề gia thất nên rất buồn phiền và lo lắng.
Nhung không biết thế nào mà biết bao nhiêu người mai mối con vẫn không có cảm tình với họ, có người con cảm tình họ thì họ lại không có tình cảm với con. Đối với con bây giờ cưới vợ như là một áp lực quá lớn. Con phải làm thế nào nếu như lấy người mà con không có tình cảm, nhưng nếu cứ chờ cho đến khi nào gặp người mình có tình cảm thì biết đến bao giờ, không lẽ phải lấy người mà mình không có tình cảm thì ảnh hướng đến cả cuộc đời. Thấy ba con lo lắng buồn phiền và luôn nhắc nhở, con cảm thấy mình như có lỗi quá. Nếu không cưới vợ thì con không thể có sự lựa chọn nào khác. Con phải nói với ba con thế nào để ba con khỏi buồn? Hiện con rất khổ tâm vì không biết làm thế nào để gia đình vui nên con rất cần đến những lời chỉ dạy của Sư. Con kính chúc Sư luôn khỏe mạnh và khai sáng đường cho con. Con cảm ơn Sư.
|
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Duyên nợ ba sinh là chuyện không đơn giản mà nó còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố trong và ngoài, gần và xa rất khó lường. Do đó đôi lúc người ta thấy như là nhân duyên tiền định vì sự chọn lựa của một người thường là không như ý. Một mối tình được chọn lựa rất kỹ nhưng đưa đến đổ vỡ, và ngược lại. Tình yêu tưởng là yếu tố bền chặt nhất nhưng nó lại là một thứ "phi vật thể" dễ bị tổn thương và tan vỡ nhất! Nếu con xem việc lập gia đình là bài học để nhận ra chính mình và cuộc sống, để phát huy những đức tính tinh tế, nhẫn nại, cảm thông, san sẻ, vị tha... thì tốt thôi. Còn nếu con muốn có một gia đình như ý thì có lẽ con sẽ mãi khổ đau trong hiện thực bất như ý muôn đời của cuộc sống trần gian. Sở dĩ mỗi người phải tự quyết định việc lập gia đình cho mình vì về sau họ sẽ không đổ lỗi cho ai khác khi gặp phải tình trạng bất như ý, mà họ phải chịu trách nhiệm về quyết định hay chọn lựa của chính mình. Cha mẹ mong muốn con phải lập gia đình liệu có chịu trách về những nỗi khổ đau của con mình trong tương lai không? Ba con có biết điều đó không? |
16. Hãy cám ơn cơn sân đã khởi lên vì nhờ vậy mà con thấy được tánh tướng thể dụng của sân ra sao.
Ngày gửi: 30-05-2013 |
Câu hỏi:
Kính thưa sư,
Trong cuộc sống hàng ngày, con thường phải gặp những lúc trái ý, nghịch lòng. Những lúc như vậy con không thể tránh khỏi tâm sân và tâm trạng lo lắng bất an. Theo lời dạy của thầy, con đã nhìn vào thân tâm và thấy rõ đây là tâm sân, đây là tâm trạng lo lắng và bất an thì tâm sân và tâm trạng lo lắng bất an không còn nữa và đã trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân tâm. Tuy nhiên, được một lát thì tiến trình này lại diễn ra, do đó con khá mệt mỏi trong cuộc sống.
Con kính mong thầy chỉ dạy.
|
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Con đừng nôn nóng như vậy, chính tâm nôn nóng muốn diệt sân cho xong cũng là tâm sân. Sân gia thêm sân làm sao hết sân được? Hãy cám ơn những đối tượng làm tâm con khởi sân, vì nhờ vậy mà con thấy được tâm mình, và hãy cám ơn cơn sân đã khởi lên vì nhờ vậy mà con thấy được tánh tướng thể dụng của sân ra sao. Nếu chưa thấy hết sự sinh diệt, sự lợi hại của sân một cách rõ ràng minh bạch mà con đã vội muốn trốn tránh nó thì không bao giờ có thể thoát khỏi nó được. Cũng như một em học sinh muốn thoát khỏi một bài toán khó thì cách duy nhất là giải được bài toán ấy chứ không phải muốn không có nó trong bài tập của mình. |
17. Tâm không vọng động tức là định vô vi vô ngã, còn muốn tâm định theo ý mình tức là định hữu vi hữu ngã
Ngày gửi: 30-05-2013 |
Câu hỏi:
Thưa thầy, con được biết trong kinh điển nguyên thủy Phật có dạy về 4 tầng thiền định. Con muốn học 4 tầng định đó thì có thể học ở đâu, ở Việt Nam có sư thầy nào đã chứng đắc và dạy về 4 tầng định này không ạ? |
Xem Câu Trả Lời » |
Trả lời:
Đừng nghĩ tới 4 tầng định hay xem ai đã đắc được 4 tầng định chưa... vì một khi tâm khởi lên vọng niệm tức là đã tự đánh mất đi tính chất định vốn sẵn có của mình rồi. Tâm không vọng động tức là định vô vi vô ngã, còn muốn tâm định theo ý mình tức là định hữu vi hữu ngã. Đừng bỏ bản chất vốn định của tâm để đi tìm cái định "có sinh tất có diệt" do bản ngã tạo tác. |