THIỀN TRONG MẮT NGƯỜI PHƯƠNG TÂY


Mặc dù sự thấy biết thần bí là huyền nhiệm, khó dò khó tả, nhưng con đường dẫn đến đó không nên có những tính chất như thế, nghĩa là ai có thiện chí cũng bước vào được, dù chỉ đi vài chặng, tùy theo duyên phận xui khiến. Như vậy, ta thấy nơi Thiền có một tính chất thực tiễn gây được niềm tin; bởi thế chẳng đáng ngạc nhiên nếu chính vì lý do đó, mà con đường Thiền cần được phân chia thành từng giai đoạn riêng rẽ trên sơ đồ cũng như về lý thuyết, và việc học tâp các giai đoạn này phải trở thành thói quen đều đặn hằng ngày. Trong Thiền có một lối tập luyện nghiêm ngặt làm người ta thấy nó có vẻ cứng nhắc không hồn. Mọi sự phải tiến hành một cách đúng đắn như kim đồng hồ.
Điều làm cho người Âu Tây hoặc người quen với lối sống Âu Tây hiện đại cảm thấy buồn bực là các vị thầy cổ truyền dường như không chú ý đến những cá tính khác nhau của từng đứa học trò. Những vị thầy này không dung thứ cho những hình thức phát triển cá nhân đặc thù cũng như những kết quả riêng biệt từng người do sự phát triển này mà có; họ trấn áp chúng, khinh thường chúng, cắt gọt mọi thứ theo cùng một mẫu.

Để giải thích điều đó, nếu bảo: "Á Đông vốn là phi cá nhân" thì cũng chẳng ích gì vì các thầy biết rất rõ có những khác biệt ngấm ngầm trong các cá nhân, và họ lại biết chính xác - đây cũng là điều họ khác với người Âu Tây - nơi nào trong phạm vi đạo học những khác biệt này được phép xuất hiện và nơi nào chúng có thể không những được dung chứa mà còn được biện minh thực sự. Và dĩ nhiên đây không phải trên con đường đẫn đến kinh nghiệm thần bí, vì ở đó điều chính yếu là phủ nhận mọi cái có tính cách cá nhân, làm chúng kiệt sức lực để người ta hoàn toàn được "trống vắng" ngay cả những tính chất riêng tư nhất. Bởi lý do này, ở mức cao nhất ta có thể thắc mắc chẳng biết những cái riêng tư mà thiên nhiên phú cho ta thật sự có chút giá trị "cá nhân" nào không? Các vị thầy sẽ trả lời là không - điều này đối với tôi hoàn toàn đúng. Mọi ngóc ngách của cá tính mà chúng ta rất tự hào, có lẽ tận cùng đều là phi cá nhân (chẳng riêng ai).

Các vị thầy đã thành công khi bắt học trò phải chịu đựng cái kỷ luật trông có vẻ vô hồn này nhờ có sự hiểu biết tâm lý lạ thường bởi chính họ đã đi qua con đường như thế; hơn nữa, họ còn có cả một kho kinh nghiệm tích lũy hàng bao thế kỷ để tùy ý sử dụng. Các bậc thầy vĩ đại có thể làm hầu hết những điều đáng kinh ngạc về phương diện này, đôi khi gần như khó tin. Người học trò nào nghi ngờ khả năng nhìn thấu mọi góc cạnh tâm hồn của thầy sẽ biết ngay sự chống đối của mình, dù hữu ý hay theo bản năng đều vô ích. Lẽ tự nhiên, người Á Đông hiếm khi thấy mình lọt vào vị thế này. Sự tôn kính vô hạn đối với thầy dạy nằm ngay trong máu huyết của họ, và đó là một phần trong truyền thống vốn có; vì thầy cho học trò cái quý nhất của mình, và đó cũng sẽ là cái quý nhất của học trò - cái quý nhất theo nghĩa tinh thần. Cái này không hề nằm trong những gì thuộc lý trí có thể bị tách khỏi người cho ban đầu khiến người này bị lãng quên mà nằm trong sự phong phú của năng lực tinh thần mà chỉ ai đã chứng ngộ mới có được và xét đúng lý thì năng lực tinh thần ấy không phải của riêng người này.

Nếu người học trò có thể được những chứng ngộ tâm linh, thì đó là hoàn toàn nhờ ở thầy. Đối với người thầy, số phận của học trò cũng quan trọng như số phận của chính mình; ông sẵn sàng hy sinh mình để thực hiện phận sự của ông, và trên hết - cần phải nhấn mạnh điều này - người thầy luôn luôn dành thời giờ cho học trò. Do đó mà mối quan hệ của trò đối với Thầy là mối quan hệ dựa vào niềm tin tuyệt đối và sự kính mộ không hề thắc mắc. Về phần mình, người Thầy chấp nhận lòng tri ân, kính trọng và thương thảo như là cái gì đó không phải dành riêng cho cá nhân ông, vì uy lực của ông không phát xuất từ chính ông và từ những gì mà ông đã nổ lực tạo ra cho mình, mà từ sự huyền đồng - hiệp thông mầu nhiệm. Vì vậy, ông thấy trong việc này chẳng có lý do gì để tự mãn cả. Nhưng ông không cấm học trò tỏ sùng bái; mà chấp nhận điều này như là chuyện dĩ nhiên khi học trò vẫn còn lệ thuộc vào sự chỉ đạo tinh thần của ông và chưa tự liên lạc được với trung tâm sự sống. Một khi trung tâm đã được tìm ra, mối quan hệ thầy trò sẽ không còn mang tính chất tin cậy và giao phó, mà là sự tương giao về tri thức.

Bất cứ điều gì thầy yêu cầu đều được người học trò thi hành, không phải vì tính vồn vã phô trương của một người muốn tiến thân trong tôn giáo (những người học trò có tính như thế rất dễ bỏ học nửa chừng), mà phát xuất từ sự thúc đẩy nội tâm của lòng tận tụy. Điều này có thể thấy trong cách học trò nói với nhau về thầy mình, đầy vẻ kính sợ thiêng liêng. Đối với họ, thầy là khuôn mẫu, là tiêu biểu, là thần tượng; và dù có cái nhìn cực kỳ sắc bén, rạch ròi, họ cũng không thấy lầm lỗi nào ở ông, tuy thường xuyên tiếp kiến với ông. Nếu không như thế thì quả là tai họa, toàn thể thế giới của họ sẽ sụp đổ. Về phần người thầy, nếu ông nhận thấy ở mình có khuyết điểm dù nhỏ nhặt nhất, ông sẽ tự giác từ giã ngôi vị cao quý của mình và ngưng dạy dỗ cho người khác, vì trên nẻo Thiền dằng dặc quên mình có rất nhiều trở ngại, chán chường và thất bại, nếu các học trò không tin tưởng tuyệt đối vào thầy và không luôn luôn thấy tin như vậy là đúng thì họ không thể tiếp tục cuộc hành trình. Chỉ có niềm tin này mới giữ được họ, đó không phải là tin mình sẽ đạt mục đích, mà là tin thầy đang dẫn mình đi đúng hướng, đến độ cho đó là cái số mình phải đi như thế.Và dù có đứt gánh trước khi đến đích, họ vẫn biết được chừng đó cũng xứng cả cuộc đời. Cái giữ họ đi tiếp không phải là niềm tin trực tiếp vào việc sẽ đến được mục đích rốt cùng vì việc đó quá xa xôi và chưa có hiệu quả gì. Những việc này trở nên được tin là có thật qua vị thầy; như vậy, tin vào thầy là gián tiếp tin vào mục đích.

Vạch sơ đồ của đường đi, dạy dỗ theo cách máy móc, mối quan hệ của trò đối với thầy - tất cả điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao ngay từ khởi thủy đã có nhiều môn phái "thần bí" ở Á Đông, và tại sao từ cách thức tu tập cùng sự thấy biết chân lý cho đến cả đời sống của người tu học không bị phó mặc cho sự rủi may mà lại chịu sự dạy dỗ và tác động có hệ thống. Ở phương Tây không hề có những môn phái thần bí nào theo kiểu đó, dù là thí nghiệm thử. Ở phương tây, một bậc thầy thần bí được cho là từ trời hiện xuống, sáng lóe lên một lúc như sao băng rồi lại biến mất. Bất kỳ lời thuyết giáo và văn bản của người này để lại cũng được nhiều người học tập và ca ngợi một thời gian, và không phải là không lưu lại ảnh hưởng cho một nhóm tín đồ thành tâm. Nhưng về lâu về dài, tất cả những gì đã có còn được giữ lại đó là nguồn cảm hứng ban đầu; mỗi người rút ra từ đó những gì thích hợp với mình, và cuối cùng cả nhóm tách ra thành nhiều tông phái tùy theo cách hiểu lời thầy. Giới thần bí học phương Tây có thể nhóm lên ngọn lửa cho tâm người nhưng nó không tiếp tục cháy vì người ta không được đặt vào con đường cung cấp đầy đủ nhiên liệu lấy từ kinh nghiệm tự thân để ngọn lửa không bao giờ tắt ngấm.

Ở các phần sau tôi sẽ cố gắng mô tả sự học tập và chuyển hóa của những người đi vào con đường tu tập tâm linh trong các Thiền viện Phật Giáo ở Nhật Bản.

Nhưng trước tiên, tôi xin đưa ra một nhận xét tổng quát. Bất cứ ai có may mắn trải qua nhiều năm giao du thân mật với giới tu Thiền Nhật Bản đều không thể cầm lòng không quan sát dù những chi tiết tầm thường nhất trong cuộc sống hằng ngày của họ, như thể bằng cách này mới có thể giải đoán được bí ẩn mà họ đang có. Khi đó người ta hiểu ra, hầu như với sự sửng sờ là mình đang giao thiệp với một nhóm người sống theo một khuôn mẫu khác thường. Dường như họ được một vì sao đặc biệt điều khiển, không chỉ trong những gì họ làm, trong nói năng hoặc yên lặng, mà đặc biệt là trong những hành vi tình cờ của họ; trong cách họ đứng hoặc đi, hoặc uống trà, hoặc đuổi muỗi. Dường như cái thế giới họ đang sống đã in dấu vô song lên con người họ đến nỗi không có gì xảy ra trong họ và chung quanh họ mà không - hoặc đang bắt đầu - tham dự vào mối quan hệ chặt chẽ với họ, với cái trung tâm vô hình định đoạt số phận cùng tính chất cuộc đời họ. Tự họ chẳng bao giờ nói đến cái gì tác động họ ở bên trong (và không tác động họ), mà họ cũng không cảm thấy có gì bức xúc để khai ra điều đó. Bằng nụ cười bí hiểm, họ lãng tránh cuộc điều tra và thờ ơ trước mọi câu hỏi được nêu ra chỉ vì tò mò. Bí ẩn của họ chỉ có thể dò ra được bởi người đang tự mình bước đi trên con đường dẫn tới chỗ tự chứng nghiệm điều này.

Tác giả: Ngô Ánh Tuyết - Vương Long