Ngũ Giới là Thường Giới

Tác giả: Hộ Pháp

Mục Lục
 NamoTassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn ấy, Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
  
NGŨ-GIỚI LÀ THƯỜNG-GIỚI CỦA MỌI NGƯỜI
(PAÑCASĪLA NICCASĪLA)
Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)
(Aggamahāpaṇḍita)
Lời Nói Đầu
Ngũ-giới (pañcasīla) là thường-giới (nicca-sīla) của tất cả mọi người trong đời, không ngoại trừ một ai cả, không phân biệt già trẻ, trai gái, dân tộc nào cả, hễ là người tại gia thì phải giữ gìn ngũ-giới cho được trong sạch và trọn vẹn, bất luận là người có thọ-trì ngũ-giới hoặc không thọ-trì ngũ-giới cũng đều có bổn phận giữ gìn ngũ-giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn.
*Nếu người nào biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết tự trọng, biết giữ gìn ngũ-giới của mình được trong sạch và trọn vẹn thì người ấy đã tạo đại-thiện-nghiệp giữ giới có cơ-hội cho quả tốt, quả an-lạc trong kiếp hiện-tại. Người ấy sau khi chết, đại-thiện-nghiệp giữ giới có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi thiện-giới ấy.
* Nếu người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không biết tự trọng, phạm điều-giới trong ngũ-giới thì người ấy đã tạo ác-nghiệp phạm giới có cơ-hội cho quả xấu, quả khổ trong kiếp hiện-tại. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp phạm giới có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.
Ngũ-giới (pañcasīla) là thường-giới (nicca-sīla) đã có từ nghìn xưa, không phải là giới mà Đức-Phật chế định.
Đức-Phật Gotama vẫn công nhận ngũ-giới này vào trong giáo-pháp của Đức-Phật.
Thật vậy, một thuở nọ Đức-Thế-Tôn đang ngự tại ngôi chùa Nigrodhārāma, gần kinh thành Kapilavatthu. Khi ấy, Đức-vua Mahānāma đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi ngồi một nơi hợp lẽ bèn bạch hỏi Đức-Thế-Tôn rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, thế nào gọi là cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ? Bạch Ngài.
Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
- Này Mahānāma! Người nào có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, đến kính xin quy y nơi Đức-Phật-bảo, kính xin quy y Đức-Pháp-bảo, kính xin quy y Đức-Tăng-bảo.
Này Mahānāma! Người ấy đã thọ phép quy-y Tam-bảo như vậy, gọi là cận-sự-nam (upāsaka) hoặc cận-sự-nữ (upāsikā).
Kính bạch Đức-Thế-Tôn, thế nào gọi là cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ có giới? Bạch Ngài.
- Này Mahānāma! cận-sự-nam (upāsaka) hoặc cận-sự-nữ (upāsikā) tránh xa sự sát-sinh, tránh xa sự trộm-cắp, tránh xa sự tà-dâm, tránh xa sự nói-dối, tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi (thất niệm).
Này Mahānāma! cận-sự-nam (upāsaka) hoặc cận-sự-nữ (upāsikā) có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa 5 điều-giới như vậy, gọi là cận-sự-nam (upāsaka) hoặc cận-sự-nữ (upāsikā) có giới.([1])
Cho nên, ngũ-giới là thường-giới của người cận-sự-nam, cận-sự-nữ trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.
Trong bài kinh Sikkhapadasutta([2])  Đức-Thế-Tôn dạy rằng:
“- Này chư Tỳ-khưu! Như-Lai sẽ thuyết giảng về người ác và người ác hơn người ác, người thiện và người thiện hơn người thiện. Các con hãy lắng nghe, nên chú tâm lắng nghe.”
Vâng lời theo Đức-Thế-Tôn, chư tỳ-khưu chú tâm lắng nghe lời giáo huấn của Đức-Phật.
* Người Ác - Người Ác Hơn Người Ác
Đức-Thế-Tôn dạy rằng:
- Này chư Tỳ-khưu! Như thế nào gọi là người ác?
- Này chư Tỳ-khưu! Trong đời này, số người là người sát-sinh, người trộm-cắp, người tà-dâm, người nói-dối, người uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.
- Này chư Tỳ-khưu! Như-Lai gọi số người ấy là người ác.
- Này chư Tỳ-khưu! Như thế nào gọi là người ác hơn người ác?
- Này chư Tỳ-khưu! Trong đời này, số người tự mình sát-sinh, còn động viên, tác động, khuyến
khích, sai khiến người khác cùng sát-sinh.
Số người tự mình trộm-cắp, còn động viên, tác động, khuyến khích, sai khiến người khác cùng trộm-cắp.
Số người tự mình tà-dâm, còn động viên, tác động, khuyến khích, sai khiến người khác cùng tà-dâm.
Số người tự mình nói-dối, còn động viên, tác động, khuyến khích, sai khiến người khác cùng nói-dối.
Số người tự mình uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, còn động viên, tác động, khuyến khích, sai khiến người khác cùng uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.
- Này chư Tỳ-khưu! Như-Lai gọi số người ấy là người ác hơn người ác.
Người Thiện - Người Thiện Hơn Người Thiện
Đức-Thế-Tôn dạy rằng:
- Này chư Tỳ-khưu! Như thế nào gọi là người thiện?
- Này chư Tỳ-khưu! Trong đời này, số người là người tránh xa sự sát-sinh, người tránh xa sự trộm-cắp, người tránh xa sự tà-dâm, người tránhxa sự nói-dối, người tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.
- Này chư Tỳ-khưu! Như-Lai gọi số người ấy là người thiện.
- Này chư Tỳ-khưu! Như thế nào gọi là người thiện hơn người thiện?
- Này chư Tỳ-khưu! Trong đời này, số người tự mình tránh xa sự sát-sinh, còn động viên, tác động, khuyến khích người khác cùng tránh xa sự sát-sinh.
Số người tự mình tránh xa sự trộm-cắp, còn động viên, tác-động, khuyến khích người khác cùng tránh xa sự trộm-cắp.
Số người tự mình tránh xa sự tà-dâm, còn động viên, tác động, khuyến khích người khác cùng tránh xa sự tà-dâm.
Số người tự mình tránh xa sự nói-dối, còn động viên, tác động, khuyến khích người khác cùng tránh xa sự nói-dối.
Số người tự mình tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp, còn động viên, tác động, khuyến khích người khác cùng tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện-pháp.
- Này chư Tỳ-khưu! Như-Lai gọi số người ấy là người thiện hơn người thiện.”
Như vậy,
* nếu người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không biết tự trọng, có tác-ý trong ác-tâm phạm điều-giới trong ngũ-giới thì người ấy là người ác.
Nếu người ác tự mình phạm điều-giới trong ngũ-giới, còn động viên, tác động, khuyến khích người khác cùng phạm điều-giới trong ngũ-giới thì người ác ấy là người ác hơn người ác.
* Nếu người nào biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết tự trọng, có tác-ý trong đại-thiện-tâm giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn thì người ấy là người thiện.
Nếu người thiện tự mình giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn, còn động viên, tác động, khuyến khích người khác cùng giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn thì người thiện ấy là người thiện hơn người thiện.
Tuy nhiên trong đời này, người thiện không hẳn là người thiện suốt đời, và người ác cũng không hẳn là người ác suốt đời.
Thật vậy, *nếu người thiện nào còn là phàm-nhân, chưa phải bậc Thánh-nhân, không giữ gìn giới của mình được trong sạch trọn vẹn, mà tạo ác-nghiệp, thì bậc thiện-trí không gọi người ấy là người thiện nữa, mà gọi người ấy là người ác.
Như trường-hợp tỳ-khưu Devadatta vốn là 1 trong 6 vị hoàng-tử dòng Sakya xuất gia trở thành tỳ-khưu, năm vị tỳ-khưu dòng Sakya kia về sau đều trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Còntỳ-khưu Devadatta thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới và chứng đắc phép thần thông, vẫn còn là tỳ-khưu phàm-nhân, chưa phải bậc Thánh-nhân.
Cho nên, bậc thiện-trí gọi tỳ-khưu Devadatta là tỳ-khưu thiện.
Nhưng về sau, vì quá ham muốn danh lợi, nên tỳ-khưu Devadatta phát sinh ác-tâm dạy hoàng-tử Ajātasattu rằng:
“Tena hi tvaṃ kumāra pitaraṃ hantvā rajā hohi, ahaṃ Bhagavantaṃ hantvā Buddho bhavissāmi.”([3])
“Thưa Hoàng-tử, như thế Hoàng-tử nên giết Đức Phụ-vương Bimbisāra, rồi lên ngôi làm vua, còn ta sẽ giết Đức-Phật, rồi ta sẽ thành Phật.”
Vì vậy, tỳ-khưu Devadatta bị mất các bậc thiền sắc-giới và các phép thần-thông.
Sau đó Tỳ-khưu Devadatta nương nhờ Đức-vua Ajātasattu  đã bày mọi mưu kế để giết Đức-Phật, nhưng không thành-tựu, nên tỳ-khưu Devadatta tự mình leo lên núi Gijjhakūṭa, xô tảng đá lớn lăn xuống trên đường Đức-Phật đi kinh hành, tảng đá tuy bị ngăn chặn lại, nhưng vẫn có một mảnh đá nhỏ vỡ ra văng xuống đụng đầu ngón chân cái bên bàn chân phải của Đức-Phật bị bầm máu. Tỳ-khưu Devadatta đã phạm 1 trong 5 ác-nghiệp vô-gián trọng-tội
Như vậy, tỳ-khưu Devadatta đã phạm 2 ác-nghiệp vô-gián trọng-tội là chia rẽ chư tỳ-khưu-Tăng và làm bầm máu bàn chân của Đức-Phật.
Cho nên, bậc thiện-trí gọi tỳ-khưu Devadatta là tỳ-khưu ác.
* Và nếu người ác nào đã từng tạo nhiều ác-nghiệp, nhưng về sau, gặp bậc thiện-trí, lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí, người ác ấy thức tỉnh, từ bỏ mọi ác-nghiệp, rồi giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, cố gắng tạo mọi thiện-nghiệp, thì bậc thiện-trí không còn gọi người ấy là người ác nữa, mà lại gọi người ầy là người thiện.
Như trường-hợp tên cướp sát nhân đã giết hơn cả ngàn người, rồi cắt đầu ngón tay trỏ làm vòng đeo cổ, nên có biệt danh là Aṅgulimāla ở trong rừng sâu.
Đức-Phật một mình ngự vào rừng, để tế độ Aṅgulimāla. Khi nhìn thấy Đức-Phật (sử dụng phép thần-thông) đang bước đi khoan thai, nên Aṅgulimāla cầm gươm đuổi theo giết Đức-Phật suốt 3 do-tuần đuối sức, mà không kịp, nên đứng lại cất tiếng gọi lớn rằng:
- Này ông Sa-môn kia! Hãy dừng lại!
Biết nhân-duyên đã đến, nên Đức-Phật vừa bước đi, vừa cất giọng phạm-thiên dạy vọng lại rằng:      - Aṅgulimāla! Như-lai đã dừng lâu rồi. Còn chính con mới là người chưa chịu dừng lại thôi!
Nghe Đức-Thế-Tôn dạy như vậy, Aṅgulimāla không hiểu rõ ý nghĩa, nên kính xin Đức-Thế-Tôn giảng giải rõ ý nghĩa lời dạy ấy.
Sau khi lắng nghe Đức-Thế-Tôn giảng dạy xong, Aṅgulimāla thức tỉnh, liền ném các vũ khí xuống hố sâu, bởi vì biết rõ Vị Sa-môn này chính là Đức-Thế-Tôn, nên đến cung-kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch rằng:
- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài có tâm đại bi ngự đến khu rừng này tế độ cho con thoát khỏi si mê lầm lạc.
Kể từ nay về sau, con xin nguyện từ bỏ mọi ác-nghiệp. Con xin thành tâm sám hối mọi tội lỗi của con, kính xin Đức-Thế-Tôn chứng minh cho con.
Aṅgulimāla cung-kính đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-Thế-Tôn, kính xin Ngài cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.
Đức-Thế-Tôn xem xét thấy rõ Aṅgulimāla có đầy đủ phước-duyên phát sinh 8 thứ vật dụngcủa tỳ-khưu, nên Đức-Thế-Tôn đưa bàn tay phải, chỉ bằng ngón tay trỏ truyền dạy rằng:
“Ehi bhikkhu! Svākkhāto dhammo, …”
    “-Aṅgulimāla! Con hãy lại đây, con trở thành tỳ-khưu theo ý nguyện! Chánh-pháp mà Như-lai đã thuyết giảng hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối. Con hãy nên cố gắng tinh-tấn thực-hành phẩm-hạnh cao-thượng, để chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.”
Ngay sau khi Đức-Thế-Tôn truyền dạy vừa dứt câu, Aṅgulimāla liền trở thành vị tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng cần thiết của tỳ-khưu được thành-tựu do quả của phước-thiện trong tiền-kiếp.
Tỳ-khưu Aṅgulimāla có vẻ trang nghiêm như Ngài Trưởng-lão có 60 hạ. Tỳ-khưu Aṅgulimāla đi theo sau Đức-Thế-Tôn ngự trở về ngôi chùa Jetavana.
Tỳ-khưu Aṅgulimāla cố gắng tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ không lâu dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còdư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao-thượng.
Bậc thiện-trí tán dương ca tụng Ngài Trưởng-lão Aṅgulimāla là bậc Thánh A-ra-hán cao-thượng trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama
Cho nên,, người thiện, người ác chỉ là danh từ chế định gọi theo thiện-nghiệpác-nghiệp của người ấy.
Quả Khổ Của Người Phạm Giới
  (Dussīla ādīnava)([4])
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại ngôi làng Pāṭaligāma, dân làng Pāṭali đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn truyền dạy dân làng Pāṭali rằng:
- Này các người tại gia! Có 5 quả xấu, quả khổ của người phạm giới, người không có giới. 5 quả xấu, quả khổ ấy là:
- Này các người tại gia! Trong đời này, người phạm giới, người không có giới, làm tiêu hao của cải tài sản lớn lao, do nhân dể duôi.
Đó là quả xấu thứ nhất của người phạm giới, người không có giới.
 - Này các người tại gia! Người phạm giới, người không có giới,  tiếng xấu bị lan truyền khắp mọi nơi.
 Đó là quả xấu thứ nhì của người phạm giới, người không có giới.
- Này các người tại gia! Người phạm giới, người không có giới, có bất-thiện-tâm e ngại, sợ sệt khi đi vào nơi hội đoàn hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Sa-môn, hội đoàn Bà-la-môn...
Đó là quả xấu thứ ba của người phạm giới, người không có giới.
Này các người tại gia! Người phạm giới, người không có giới, có ác-tâm mê muội lúc lâm chung.
Đó là quả xấu thứ tư của người phạm giới, người không có giới.
- Này các người tại gia! Người phạm giới, người không có giới sau khi chết, ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.
Đó là quả xấu, quả khổ thứ năm của người phạm giới, người không có giới.
- Này các người tại gia! Đó là 5 quả xấu, quả khổ của người phạm giới, người không có giới như vậy.
* Quả-báu Của Người Có Giới
  (Sīlavanta ānisaṃsa) ([5])
- Này các người tại gia! Có 5 quả-báu của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn. 5 quả-báu ấy là:
1- Này các người tại gia! Trong đời này, người có giới, người giữ gìn giới được trong sạch và trọn vẹn, có nhiều của cải lớn lao, do nhờ nhân không dể duôi (có trí-nhớ biết mình).
Đó là quả-báu thứ nhất của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn
2- Này các người tại gia! Người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn, có danh thơm tiếng tốt được lan truyền khắp mọi nơi.
Đó là quả-báu thứ nhì của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
3- Này các người tại gia! Người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn, có đại-thiện-tâm dũng cảm, không rụt rè e thẹn khi đi vào nơi hội đoàn hoàng gia, hội đoàn gia chủ, hội đoàn Sa-môn, hội đoàn Bà-la-môn…
Đó là quả-báu thứ ba của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
4- Này các người tại gia! Người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn,  đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt lúc lâm chung.
Đó là quả-báu thứ tư của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn.
5- Này các người tại gia! Người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn, sau khi chết, đại-thiện-nghiệp giữ giới cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục-giới (cõi người, hoặc 6 cõi trời dục giới), hưởng mọi sự an-lạc trong cõi ấy.
- Này các người tại gia! Đó là 5 quả-báu của người có giới, người giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn như vậy.
* Trong Chú-giải bài kinh Sakkapañhasutta, có đoạn đề cập đến những người có giới trong sạch có thể lựa chọn được cảnh tái-sinh 1 trong 6 cõi trời dục-giới:
“Parisuddhasīlā nāma chasu devalokesu yatthicchanti, tattha nibbattanti.”([6])
Những người có giới trong sạch trọn vẹn, lúc lúc lâm chung có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt muốn tái-sinh trên cõi trời nào trong 6 cõi trời dục-giới, thì sau khi chết, dục-giới đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi trời dục-giới ấy, và hưởng được mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.
Như vậy, người phạm giới, người không có giới, lúc lâm chung có ác-tâm mê muội, sau khi chết, ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới là địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.
Người giữ gìn giới, người có giới trong sạch trọn vẹn, lúc lâm chung có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt, sau khi chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm người hoặc làm vị thiên
-nam, vị thiên-nữ trong 6 cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi thiện-giới ấy.
Cho nên, mỗi người được sinh ra trong đời này, chắc chắn tiền-kiếp của mỗi người có ít nhất là  ngũ-giới là thường-giới trong sạch và trọn vẹn.
Sự thật, ngũ-giới (pañcasīla) là thường-giới (niccasīla) của tất cả mọi người, không ngoại trừ một ai cả, dù người có thọ-trì ngũ-giới hoặc không thọ-trì ngũ-giới, nếu người nào biết giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn thì người ấy tạo đại-thiện-nghiệp ngũ-giới, có cơ-hội cho quả tốt, quả an-lạc trong kiếp hiện-tại, và vô số kiếp vị lai.
Nếu người nào phạm điều-giới nào thì người ấy đã tạo ác-nghiệp phạm-giới, có cơ-hội cho quả xấu, quả khổ trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị lai.
Kiếp hiện-tại người có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết giữ gìnngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn, đó là người biết tự trọng, biết giữ gìn nhân-phẩm quý báu vốn có của mình từ khi đầu thai làm người.
Nếu người nào có ác-tâm không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, phạm điều-giới trong ngũ-giới, đó là người không biết tự trọng, làm mất nhân-phẩm quý báu vốn có của mình từ khi đầu thai làm người.
Thật ra, mỗi người có tác-ý trong đại-thiện-tâm biết giữ gìn ngũ-giới được trong sạch và trọn vẹn, trong khả năng bình thường của mỗi người, thậm chí đó là điều rất dễ dàng đối với mọi người. Còn người có tác-ý trong ác-tâm phạm mỗi điều-giới hợp đủ chi-pháp, đó là điều không phải dễ dàng, thậm chí còn là điều khó khăn nữa.
Thật vậy, chúng ta nên có trí-tuệ sáng suốt biết suy xét kỹ càng và trung thực, để có nhậnthức đúng người giữ gìn mỗi điều-giới được trong sạch, đó là điều dễ hay khó, và người cố gắng phạm mỗi điều-giới hợp đủ chi-pháp, đó là điều khó hay dễ như sau:
* Điều-giới tránh xa sự sát-sinh:
- Người thiện-trí có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự sát-sinh bằng tâm, biết giữ gìn điều-giới tránh xa sự sát-sinh, tạo đại-thiện-nghiệp không sát-sinh.
- Người ác có ác-tâm không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, có tác-ý trong ác-tâm cố gắng bằng thân giết hại chúng-sinh ấy chết, hợp đủ 5 chi-pháp của điều-giới sát-sinh, nên phạm điều-giới sát-sinh, tạo ác-nghiệp sát-sinh.
* Điều-giới tránh xa sự trộm-cắp:
- Người thiện-trí có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự trộm-cắp bằng tâm,biết giữ gìn điều-giới tránh xa sự trộm-cắp, tạo đại-thiện-nghiệp không trộm-cắp.
- Người ác có ác-tâm không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, có tác-ý trong ác-tâm cố gắng bằng thân trộm-cắp của cải tài-sản của người khác, hợp đủ 5 chi-pháp của điều-giới trộm-cắp, nên phạm điều-giới trộm-cắp, tạo ác-nghiệp trộm-cắp. 
* Điều-giới tránh xa sự tà-dâm:
- Người thiện-trí có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự tà-dâm bằng tâm, biết giữ gìn điều-giới tránh xa sự tà-dâm, tạo đại-thiện-nghiệp không tà-dâm.
- Người ác có ác-tâm không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, có tác-ý trong ác-tâm cố gắng bằng thân tà-dâm với vợ hoặc chồng, con của người khác, hợp đủ 4 chi-pháp của điều-giới tà-dâm, nên phạm điều-giới tà-dâm, tạo ác-nghiệp tà-dâm
* Điều-giới tránh xa sự nói-dối:
- Người thiện-trí có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-thiện-tâm tránh xa sự nói-dối bằng tâm, biết giữ gìn điều-giới tránh xa sự nói-dối, tạo đại-thiện-nghiệp không nói-dối.
- Người ác có ác-tâm không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, có tác-ý trong ác-tâm cố gắng bằng khẩu nói dối lường gạt người khác, hợp đủ 4 chi-pháp của điều-giới nói-dối, nên phạm điều-giới nói-dối, tạo ác-nghiệp nói-dối. 
* Điều-giới tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say:
- Người thiện-trí có đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội lỗi, có tác-ý trong đại-
thiện-tâm tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say bằng tâm, biết giữ gìn điều-giới tránh xa sự uống rượu, bia và các chất say, tạo đại-thiện-nghiệp không uống rượu, bia và các chất say.
- Người ác có ác-tâm không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, có tác-ý trong ác-tâm cố gắng bằng khẩu uống rượu, bia và các chất say, hợp đủ 4 chi-pháp của điều-giới uống rượu, bia và các chất say, nên phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, tạo ác-nghiệp uống rượu và các chất say. 
Như vậy, người thiện-trí giữ gìn ngũ-giới chỉ có đại-thiện-tâm biết tránh xa mỗi đối-tượngphạm giới mà thôi. Còn người ác phạm mỗi điều-giới trong ngũ-giới không chỉ có ác-tâm mà còn có thân và khẩu cố gắng phạm mỗi điều-giới ấy hợp đủ chi-pháp của mỗi điều-giới.
Vậy, trong hai sự việc ấy, việc nào dễ làm, việc nào khó làm?
Sự thật, vấn đề dễ làm hay khó làm đối với mỗi hạng người có bản tính khác nhau. Đức-Phật dạy rằng:
“Sukaraṃ sādhunā sādhu,
sādhu pāpena dukkaraṃ.
Pāpaṃ pāpena sukaraṃ,
pāpamariyehi dukkaraṃ.”([7])
- Này chư Tỳ-khưu!
“Người thiện-trí dễ dàng tạo thiện-nghiệp,
Kẻ ác thì khó tạo thiện-nghiệp.
Kẻ ác dễ dàng tạo ác-nghiệp.
Bậc Thánh-nhân khó tạo ác-nghiệp.”
* Người thiện-trí có trí-tuệ sáng suốt hiểu biết về giáo-pháp của Đức-Phật, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, tin chắc chắn rằng:
“Thiện-nghiệp cho quả tốt, quả an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai. Trái lại, ác-nghiệp cho quả xấu, quả khổ trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.”
 Cho nên, người thiện-trí dễ dàng tạo mọi thiện-nghiệp như 8 dục-giới đại-thiện-nghiệp, 5sắc-giới thiện-nghiệp, 4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho đến 4 siêu-tam-giới thiện-nghiệp trong 4 Thánh-đạo-tâm tuỳ theo khả năng của mình.
Theo truyền thống Phật-giáo Nguyên-thuỷ Theravāda, trong các cuộc lễ dù lớn dù nhỏ, đối với các hàng cận-sự-nam (upāsaka), cận-sự-nữ (upāsikā) trước tiên, kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới với Ngài Đại-Trưởng-lão.
Cho nên, người cận-sự-nam (upāsaka), cận-sự-nữ (upāsikā) có giới ít nhất là ngũ-giới(pañca-sīla) là thường-giới (niccasīla) đối với tất cả mọi người trong đời, không ngoại trừ một ai cả. 
Tính Ưu Việt Của Người Thọ-Trì Ngũ-Giới
Hai người bạn cũ gặp nhau: một người là cận-sự-nam đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới rồi, và một người không thọ phép quy-y Tam-bảo và không thọ-trì ngũ-giới mời bạn vào quán uống rượu, bia. Cả hai người bạn đều phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, tạo ác-nghiệp điều-giới uống rượu, bia và các chất say.
Vậy, hai người bạn ấy tạo ác-nghiệp uống rượu, bia và các chất say nặng, nhẹ khác nhau như thế nào?
* Người bạn không thọ-trì ngũ-giới, phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say, đã tạo ác-nghiệp điều-giới uống rượu, bia và các chất say nặng hơn người bạn có thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, bởi vì sau khi phạm điều-giới uống rượu, bia và các chất say rồi, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không biết ăn năn sám hối. Vì vậy, ác-nghiệp ấy nặng hơn nhiều.
* Người cận-sự-nam có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới rồi, vì có tính cả nể bạn cho nên phạm điều-giới uống rượu, bia… bất đắc dĩ đã tạo ác-nghiệp điều-giới uống rượu, bia…
Sau đó, người cận-sự-nam biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, nên tự xin thọ-trì ngũ-giới lại, trở thành người cận-sự-nam có giới như trước, nên ác-nghiệp điều-giới uống rượu, bia... nhẹ hơn người bạn không thọ-trì ngũ-giới.
Đó là tính ưu việt của người cận-sự-nam có thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới.
Trong quyển sách “Ngũ-Giới Là Thường-Giới Của Mọi Người” này, bần sư đã cố gắngsưu tầm, gom nhặt các nguồn tài liệu có liên quan về ngũ-giới, từ Tam-tạng Pāḷi, Chú-giải Pāḷi và số tài liệu khác chỉ được bấy nhiêu thôi!
Tuy bần sư cố gắng hết mình giảng giải để giúp cho độc giả tìm hiểu rõ về ngũ-giới, song vì khả năng có hạn, nên chắc chắn không tránh khỏi những điều sơ sót, thậm chí còn có chỗ sai ngoài khả năng hiểu biết của bần sư.
Để lần sau tái bản được hoàn thiện hơn, kính mong chư bậc thiện trí có tâm từ chỉ giáo, góp ý chân tình.
Kính xin quý vị xem soạn phẩm này như là của chung, mà mỗi người trong chúng ta, ai cũng có bổn phận đóng góp xây dựng, để cho soạn phẩm này được hoàn hảo, hầu mong đem lại sự lợi ích chung, sự tiến hóa, sự an-lạc cho phần đông chúng ta.
Bần sư kính cẩn đón nhận những lời đóng góp phê bình xây dựng ấy của chư bậc thiện trí, và kính xin quý Ngài ghi nhận nơi đây lòng chân thành biết ơn sâu sắc của bần sư.
Quyển sách “Ngũ-Giới Là Thường-Giới Của Mọi Người” này được trích từ quyển III: Pháp-Hành-Giới của Bộ Nền-Tảng Phật-Giáo và được hoàn thành do nhờ nhiều người giúp đỡ như là Dhammavara Sāmaṇera xem bản thảo, cô Dhammanandā upāsikā đã tận tâm xem kỹ lại bản thảo, dàn trang, làm thành quyển sách.
Nhân dịp này, con là Dhammarakkhita Bhikkhu (tỳ-khưu Hộ-Pháp) thành kính dâng phần pháp thí thanh cao này đến Ngài Đại-Trưởng-Lão Hộ-Tông, Vaṃsarakkhitamahāthera là sư phụ của con, đồng thời đến Ngài Đại-Trưởng-Lão Thiện-Luật, Ngài Cố Đại-Trưởng-Lão Bửu-Chơn, Ngài Đại-Trưởng-Lão Giới-Nghiêm, Ngài Trưởng-lão Hộ-Giác (chùa Từ-Quang) Ngài  Trưởng-lão Hộ-Nhẫn (chùa Thiền-Lâm, Huế) cùng chư Đại-Trưởng-Lão, đã dày công đem Phật-giáo Nguyên-thủy (Theravāda) về truyền bá trên quê hương Việt Nam thân yêu, và xin kính dâng phần phước-thiện thanh cao này đến chư Đại-Trưởng-Lão ở nước Thái-Lan, nước Myanmar (Miến-Điện), đã có công dạy dỗ con về pháp học và pháp-hành.
Con kính mong quý Ngài hoan hỷ.
Idaṃ no ñātinaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo.
Phước-thiện pháp-thí thanh cao này, xin hồi hướng đến tất cả bà con thân quyến của chúng con, từ kiếp hiện-tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ, cầu mong quý vị hoan hỷ nhận phần phước-thiện thanh cao này để thoát khỏi cảnh khổ, được an-lạc lâu dài.
Imaṃ puññābhāgaṃ mātāpitu-ācariya-ñāti-mittānañ ceva sesasabbasattānañca dema, sabbepi te puññapattiṃ laddhāna sukhitā hontu, dukkhā muccantu sabbattha.
Chúng con thành tâm hồi hướng, chia phần phước-thiện pháp-thí thanh cao này đến ông bà, cha mẹ, thầy tổ, thân quyến, bạn hữu cùng tất cả chúng-sinh từ cõi địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, nhân-loại, chư-thiên trong các cõi trời dục-giới,…
Xin tất cả quý vị hoan hỷ nhận phần phước-thiện pháp-thí thanh cao này, cầu mong quý vị thoát mọi cảnh khổ, hưởng được mọi sự an-lạc lâu dài trong khắp mọi nơi.
Idaṃ me dhammadānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu.
Phước-thiện pháp-thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt mọi phiền-não trầm-luân, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
 Nếu mỗi người trong chúng con chưa diệt-đoạn-tuyệt được mọi phiền-não trầm-luân, chưa giải thoát khổ sinh, vẫn còn tử sinh luân-hồi, thì do năng lực phước-thiện pháp-thí thanh cao này ngăn cản mọi ác-nghiệp không có cơ hội cho quả tái-sinh trong 4 cõi ác-giới: địa ngục, a-su-ra, ngạ quỷ, súc sinh; và cũng do năng lực phước-thiện pháp-thí thanh cao này chỉ hỗ trợ đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh trong 7 cõi thiện-giới: cõi người, các cõi trời dục-giới… mà thôi.
Được sinh kiếp nào, mỗi người trong chúng con đều là người có chánh-kiến, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có duyên lành được gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, lắng nghe chánh-pháp của bậc thiện-trí, có đức-tin trong sạch nơi bậc thiện-trí, cố gắng tinh tấn thực-hành theo lời giáo-huấn của bậc thiện-trí, không ngừng tạo mọi pháp-hạnh ba-la-mật cho sớm được đầy đủ trọn vẹn, để mong sớm chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, mong chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, mong diệt-đoạn-tuyệt mọi phiền-não trầm-luân, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
 Trong kiếp tử sinh luân-hồi, mỗi khi chúng con được nghe tin lành Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng ngự nơi nào, dù gần dù xa, chúng con cũng liền phát sinh đại-thiện-tâm hỷ lạc, có đức- tin trong sạch nơi Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng, quyết tâm tìm đến nơi ấy, để hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, hoặc chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp, cố gắng tinh tấn thực-hành theo chánh-pháp của Đức-Phật, để mong chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt mọi phiền-não, mọi tham-ái không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân- hồi trong 3 giới 4 loài.
Nay, chúng con hết lòng thành kính thọ phép quy-y Tam-bảo: quy-y nơi Đức-Phật-bảo, quy-y nơi Đức-Pháp-bảo, quy-y nơi Đức-Tăng-bảo, và thành tâm hộ trì Tam-bảo cho đến trọn đời, trọn kiếp.
Do nhờ năng lực phước-thiện pháp-thí thanh cao này, cầu mong cho mỗi người chúng con luôn luôn có duyên lành, tạo được nhân tốt sâu sắc trong Phật-giáo.
    Do nhờ năng lực phước-thiện pháp-thí thanh cao này theo hỗ trợ, nhắc nhở cho mỗi người chúng con trong mỗi kiếp, dù cho được thành tựu quả-báu ở cõi người (manussasampatti) hưởng được mọi sự an-lạc đầy đủ trong cõi người như thế nào, cũng không đắm say trong cõi người; hoặc dù cho được thành tựu quả-báu ở cõi trời (devasampatti) hưởng được mọi an-lạc đầy đủ trong cõi trời như thế nào, cũng không đắm say trong cõi trời.
 Thật ra, mục đích cứu cánh cao cả của mỗi chúng con chỉ có cầu mong sớm được thành tựu quả-báu chứng ngộ Niết-bàn (Nibbānasampatti) mà thôi, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
Icchitaṃ patthitaṃ amhaṃ,
khippameva samijjhatu.
Điều mong ước, ý nguyện của chúng con
Cầu mong sớm được thành tựu như ý.
 P.L. 2559/ D.L. 2015
 Rừng Núi Viên-Không
Xã Tóc Tiên, Huyện Tân Thành
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu            
Tỳ-khưu Hộ-Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)
(Aggamahāpaṇḍita)



[1] Samyuttanikāya, Mahāvaggapāḷi, kinh Mahānāmasutta.
[2] Aṅguttaranikāya Catukanipāta, kinh Sikkhapadasutta.
[3] Vi. Cūḷavagga, Ajātasattukumāravatthu.
[4] Dī. Mahāvagga, Mahāparinibbānasutta, đoạn Dussīla ādīnava.
[5] Dī. Mahāvagga, Mahāparinibbānasutta, Sīlavanta ānisaṃsa.
[6] Bộ Chú-giải Dī. Mahāvaggaṭṭhakathā, kinh Sakkapañha-suttavaṇṇanā.
[7] Dhammapadaṭṭhakathā, tích Saṃghabhedaparisakkanavatthu.