Tác giả: Viên Minh
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ muốn dọ dẫm, tìm tới một hướng đi cho kiến trúc chùa chiền Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Đây là một việc làm hết sức khó khăn, nhưng rất cần thiết cho tương lai Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam trong ý hướng góp phần xây dựng văn hóa dân tộc và đạo pháp.
Rất mong các bậc trí giả, thức giả cao minh đóng góp ý kiến cho vấn đề được soi sáng thêm!
KIẾN TRÚC là một trong những đặc trưng của một nền văn hóa. Nói cụ thể hơn, nhìn vào kiến trúc của một dân tộc chúng ta có thể biết được đặc tính văn hóa của dân tộc đó. Sâu hơn nữa, nó phản ánh tư tưởng, tâm hồn, trí tuệ... mà qua đó, chúng ta có thể đoán được sự hưng vong của khuynh hướng hay trường phái phát sinh ra nó.
Đông phương có hai nền văn hóa ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài đến toàn vùng, đó là văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Chỉ riêng về phương diện Đạo học, văn hóa Trung Hoa nghiêng về tính hiện thực nhập thế, đại biểu là Khổng giáo; Ấn Độ nghiêng về tính siêu hình xuất thế, điển hình là Ấn giáo.
Kiến trúc mái có độ dốc tương đối ngang bằng là biểu hiện tính hiện thực nhập thế, và đầu mái hơi cong nói lên ý hướng thăng hoa giữa cuộc đời. Ngược lại, kiến trúc mái có độ dốc gần như thẳng đứng biểu hiện tính siêu hình xuất thế và đầu mái vút thẳng lên tượng trưng cho ý hướng thoát ly trần tục.
Thực ra, giải thoát trong giáo pháp Nguyên Thủy của đức Phật không rơi vào hai thái cực nhập thế hay xuất thế. Bậc Giác Ngộ (Thánh nhân) tuy ở trong đời mà không ô nhiễm, tuy giải thoát mà không xa lánh cuộc đời. Đức Phật dạy các bậc Thánh nhân đi khắp nơi để khai ngộ cho chúng sanh. Điển hình là ngài Puṇṇa dù có phải tan xương nát thịt vẫn tình nguyện vào xứ Sunāparanta để hóa độ dân bản xứ.
Giải thoát mà đức Phật dạy là: "Phuttassa lokadhammehi cittaṃ yassa na kampati, asokaṃ virayaṃ khemaṃ etaṃ mangalam uttamaṃ". (Trong tương giao với pháp thế gian, tâm không động, không sầu, tự tại và vô nhiễm là hạnh phúc tối thượng). Hạnh phúc tối thượng chính là thanh tịnh giải thoát, là cực lạc tịnh độ ngay giữa thế gian. Vậy chỉ có giải thoát từ thế gian và ở giữa thế gian. Từ thế gian nên gọi là xuất thế, và ở giữa thế gian nên gọi là nhập thế. Cả hai chỉ là một, chứ không phải xuất là ra, nhập là vào theo ý niệm thường tục.
Về sau, Phật giáo phát triển thành hai khuynh hướng, một bên nghiêng về nhập thế, một bên nghiêng về xuất thế; vô tình tính chất bất nhị của đạo Phật bị người sau đẩy vào quỹ đạo nhị nguyên của hai khuynh hướng văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ như đã nói trên. Dĩ nhiên, ở đây, chúng ta chỉ nói một cách khái quát và tương đối chứ không có ý phân định rạch ròi tuyệt đối.
Như vậy, từ khi chia ra nhiều tông phái để đáp ứng căn cơ trình độ của chúng sanh thì đạo Phật hậu nguyên thủy đã phân hóa ra nhiều khuynh hướng khác nhau, nảy sinh ra nhiều đặc trưng văn hóa khác nhau mà chúng ta có thể biểu hiện qua đường nét kiến trúc.
Một ngôi chùa Tịnh Độ Tông có tính tôn - nghiêm - cao - khiết để biểu hiện lòng tín thành quy ngưỡng. Chùa Mật Tông mang vẻ huyền - bí - thâm - u cho ứng hợp với oai âm mật lực. Chùa Thiền Tông phảng phất nét hồn - nhiên - dung - dị để thể hiện chân tính bản nguyên...
Dĩ nhiên cũng có nhiều kiến trúc pha tạp không thể hiện được bản sắc của tông phái mình. Hoặc, trong thực tế, nhiều tông phái đã kết hợp, hòa nhập với nhau nên không còn mang tính đặc thù mà hiển nhiên trở thành một hợp thể. Trong kiến trúc hợp thể này, nếu được xử lý tài tình thì thể hiện được một cách hài hòa nhất tính, bằng không thì trở thành vá víu đa tạp. Một thực tế khác nữa là Phật giáo Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng thuyết "Tam giáo đồng nguyên" của Trung Hoa nên không khỏi vay mượn một số biểu tượng Nho giáo và Lão giáo trong thể hiện kiến trúc.
Vậy, đâu là truyền thống đích thực của kiến trúc Phật giáo Việt Nam? Khi nêu ra câu hỏi đó, chúng ta lại phải đối đầu với một số vấn đề nan giải: Tính dân tộc trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam là gì?
Nhiều người cho rằng đạo Phật vượt khỏi giới hạn quốc gia dân tộc nên không cần nói đến dân tộc tính trong kiến trúc Phật giáo. Trên lý tính rốt ráo mà nói thì tất nhiên điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng khi nói đến kiến trúc là nói đến tướng dụng; mà đã tướng dụng thì phải thích ứng với không gian, thời gian và tâm lý con người. Hơn nữa, tính dân tộc ở đây không phải là chủ nghĩa tự hào dân tộc cực đoan, mà là tính cách khách quan hình thành từ điều kiện đặc thù của từng địa dư, khí hậu, phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tình cảm, trình độ nhận thức... của mỗi dân tộc. Vì vậy, tính dân tộc là điều kiện duyên khởi tất nhiên cần được tôn trọng, bảo trì và phát huy.
Về mặt hiệu quả tâm lý, chúng ta chỉ chú ý đến tính Phật giáo mà bỏ quên tính cách riêng biệt của một dân tộc thì đạo Phật khó có thể thâm nhập vào cộng đồng dân tộc đó.
Mặt khác, tính dân tộc cũng thay đổi qua nhiều thời đại. Kiến trúc đời Lý, đời Trần khác với kiến trúc đời Lê, đời Nguyễn. Vậy tại sao chúng ta cứ lặp lại những chuẩn mực kiến trúc xưa cổ mà không "nhật nhật tân" để theo kịp đà tiến hóa của thời hiện đại?
Ngay từ khi Pháp xâm nhập vào Việt Nam thì kiến trúc thời hậu Nguyễn cũng đã chịu ảnh hưởng văn hóa Tây phương. Nhiều ngôi chùa đã trùng tu với nhiều đường nét đổi mới. Từ đó đến nay, ảnh hưởng Âu Mỹ ngày càng nhiều cùng với phương tiện, vật liệu xây dựng càng ngày càng phong phú. Vậy, tính thời đại cũng rất cần cho sự thích nghi, sáng tạo và tiến hóa trong kiến trúc Phật giáo.
Đến đây chúng ta có thể nói kiến trúc chùa chiền cần hội đủ ba yếu tố: Tính Phật giáo, tính dân tộc và tính thời đại.
Riêng chùa chiền Phật giáo Nguyên Thủy ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ hơn Trung Hoa. Vì thế ở giữa một dân tộc vốn chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, đòi hỏi Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam phải có một trình độ nhận thức sâu sắc mới có đủ bản lãnh để kết hợp và dung hóa được cả hai nền văn hóa Ấn - Hoa một cách nhuần nhuyễn.
Có một số người nghĩ một cách đơn giản rằng: muốn xây dựng một ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam thì cứ việc lấy mẫu Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan hoặc Miến Điện là hoàn hảo, nếu không thì sẽ trở thành chùa Bắc tông, ảnh hưởng Trung Hoa, Nhật Bản mà thôi. Những người này không biết rằng, thực ra kiến trúc chùa tháp các nước Phật giáo phương Nam vẫn có bản sắc dân tộc riêng của họ. Mặc dù cùng ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ nhưng nhìn kỹ chúng ta thấy kiến trúc các nước Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan... đều có những nét đặc trưng độc đáo và riêng biệt của dân tộc mình.
Như thế, kiến trúc chùa tháp Phật giáo các nước phương Nam đã kết hợp tài tình giữa tính Phật giáo Nguyên Thủy và tính dân tộc đặc thù của họ. Vậy tại sao chúng ta không học hỏi cách dung hợp nhuần nhuyễn và vận dụng khéo léo của họ để tìm ra phương hướng cho kiến trúc chùa chiền Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam mà lại sao y nguyên bản?
Ngay ở Thái Lan, cùng với đà phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật, nhiều ngôi chùa mới xây dựng cũng đã khéo dung hợp tính cổ truyền dân tộc với tính mới mẻ hiện đại. Nếu không theo kịp đà chuyển hóa này, việc sao chép mẫu chùa Thái của chúng ta sẽ lỗi thời. Hơn nữa, muốn sao chép, chúng ta phải am tường kiến trúc của họ, bằng không, chỉ vá víu, chắp nối "đầu Ngô mình Sở" làm trò cười cho thiên hạ.
Vậy để có một hướng đi cho kiến trúc chùa chiền Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam chúng ta cần học hỏi, tham cứu nghiêm túc ba yếu tính:
- Tính đặc thù của Phật giáo Nguyên Thủy.
- Tính dân tộc Việt Nam.
- Tính hiện đại.
Ở đây, chúng tôi chỉ xin mạo muội đưa ra một vài nhận xét đại cương để gợi ý hơn là cung cấp một tài liệu đầy đủ chứng cứ.
CHÚNG TA KHÔNG NÓI đến Phật giáo Nguyên Thủy như là tông phái mà là yếu tính uyên nguyên của đạo Phật khi chưa phân phái.
Sau khi phân phái, đạo Phật đã vận dụng cho phù hợp với quảng đại quần chúng nên phải chuyển những nguyên lý đức Phật dạy một cách trực tiếp thành những hệ thống pháp môn gián tiếp. Mỗi hệ thống pháp môn phương tiện trở thành một tông phái. Như vậy, Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo phân phái tuy có mẫu số chung nhưng chắc chắn có nhiều tử số sai biệt .
Chúng ta thử nêu lên một vài nét đặc thù của tinh thần Phật giáo Nguyên Thủy như sau:
- Y cứ vào trí tuệ (paññā) hơn là đức tin.
- Tin vào tự tánh (sabhāva) hơn là tha lực.
- Giác ngộ chân lý ngay nơi thực tại hiện tiền (sandiṭṭhiko) hơn là hướng đến những cõi Phật lý tưởng bên ngoài.
- Chỉ thang sự thật như thị (tathāgatā, yathābhūta) hơn là thông qua biểu tượng, ẩn ngữ hay pháp môn phương tiện.
- Tu hành có nghĩa là sống thuận pháp (dhammānudhamma paṭipanno vihārati) hay tùy pháp hành (anudhammacari) hơn là cầu nguyện hay áp dụng một chủ trương, quan niệm hoặc hệ thống tư tưởng nào.
- Không nghiêng về nhập thế hay xuất thế kiểu nhị nguyên cực đoan.
Chúng ta cần phải chuyển hóa những đặc tính trên của Phật giáo Nguyên Thủy thành đường nét kiến trúc, bằng cách phổ quát hóa chúng thành những ý tưởng cô đọng như: giản dị, thực tế, trong sáng, trầm ổn và thanh thoát; hay cụ thể hơn là sáng sủa, thông khoát, cao nhã, thanh nhu và mạnh mẽ.
Muốn được như vậy cần tránh sử dụng biểu tượng, nhất là biểu tượng vay mượn từ tôn giáo khác hoặc biểu tượng riêng của các tông phái. Tránh đường nét cầu kỳ và hoa mỹ, màu sắc lòe loẹt, rườm rà hoặc tạo ra không khí thâm u, thần bí.
Nhất là bảo tòa tôn trí kim thân Phật cần tôn nghiêm, đơn giản, không nên dùng đèn dây chớp nháy, sơn phết hoa hòe; và chỉ nên thờ một tượng Bổn Sư duy nhất mà thôi.
Nếu có điều kiện, chùa cần phải hòa nhập với cảnh trí thiên nhiên. Vườn cảnh quanh chùa nếu khéo phối trí có thể làm tăng vẻ u nhàn, thanh thoát, trang nghiêm và thiền vị. Ngoài ra, chùa Phật giáo Nguyên Thủy còn phải đáp ứng được những sinh hoạt nghi lễ như dâng y, tăng sự, sám hối, tọa thiền, kinh hành...
2. Tính dân tộc Việt Nam
PHẢI THÀNH THẬT MÀ nói rằng khó có thể xác định đâu là kiến trúc riêng biệt của Việt Nam, vì Việt Nam tiếp thu nhiều nguồn văn hóa khác nhau, đặc biệt là ảnh hưởng Trung Hoa trong kiến trúc chùa chiền.
Kiến trúc chùa đời Lý - Trần có đường nét độc đáo và giàu tính sáng tạo, đã hơn một lần thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa và Nho giáo so với đời Lê - Nguyễn. Khi nhà Nguyễn dời đô về Thuận Hóa (Huế) tiếp thu thêm văn hóa phương Nam của dân tộc Chăm; kiến trúc chùa và cung đình cũng có phần thay đổi để tạo chỗ đứng cho riêng mình; tuy vậy, vẫn chưa thể nào thoát được ảnh hưởng Trung Hoa quá sâu nặng và lâu đời.
Sự sáng tạo của kiến trúc đời Lý đáng cho chúng ta nghiên cứu học hỏi, tiếc rằng, kiến trúc đó chỉ còn không nhiều và ở miền Bắc mà thôi.
Chùa Một Cột, chùa Thầy, chùa Tây Phương... có thể xem là tiêu biểu cho kiến trúc chùa Phật giáo Việt Nam, đáng cho chúng chớp nháy, sơn phết hoa hòe; và chỉ nên thờ một tượng Bổn Sư duy nhất mà thôi.
Chùa Một Cột, chùa Thầy, chùa Tây Phương... có thể xem là tiêu biểu cho kiến trúc chùa Phật giáo Việt Nam, đáng cho chúngta hãnh diện và noi gương để phát huy tính dân tộc và tính sáng tạo độc đáo này.
Nếu so sánh thì nói chung, chùa Trung Hoa giàu chi tiết, chùa Nhật Bản dáng nhẹ nhàng, chùa Cao Ly màu sắc phong phú, chùa Tây Tạng thâm u với nhiều biểu tượng huyền bí, còn chùa Việt Nam đời Lý giản dị, trầm hùng và bố cục chặt chẽ.
Chùa Việt Nam không vĩ đại, kiêu xa như chùa Trung Hoa, Tây Tạng, cũng không nguy nga đồ sộ như chùa Nhật Bản, Thái Lan. Chùa Việt Nam khiêm tốn, khoan thai, u nhã và hòa hợp với cảnh trí thiên nhiên.
Chùa Việt Nam không chi li như Trung Hoa mà ưa đơn giản; không nhẹ nhàng như Nhật Bản vìmộ trầm hùng; không màu mè như Cao Ly mà thích thanh nhã; không u mật như Tây Tạng màchuộng quang minh; không nguy nga như Thái Lan mà yêu bình dị.
Phân biệt như vậy không phải là chủ nghĩa tự hào dân tộc, mà chỉ muốn tìm ra cái hay, cái đẹp và vẻ độc đáo của dân tộc mình để bảo tồn và phát huy; đồng thời, để thấy cái hay, cái đẹp của người trước hầu học hỏi, tiếp thu và dung hóa một cách hài hòa và sáng tạo với tính dân tộc mình cho ngày thêm phong phú.
Thực ra, không thể tìm được một mẫu mực kiến trúc Việt Nam nào nhất định, mà chính yếu là biết dung hóa và sáng tạo sao cho phù hợp với bản tính dân tộc; vì vậy, cần tìm ra tinh thần kiến trúcViệt Nam hơn là xác định mô hình kiến trúc Việt Nam.
Nếu mỗi chùa mỗi vẻ mà vẫn biểu hiện được tính dân tộc mới chứng tỏ được khả năng kế thừa và sáng tạo văn hóa Đạo Phật của chúng ta.
3. Tính hiện đại
MỘT KIẾN TRÚC MÀ không phản ánh được tính thời đại là kiến trúc lỗi thời. Vẻ đẹp không bao giờ lặp lại, nếu chúng ta cứ y khuôn chùa Một Cột hay chùa Tây Phương mà xây dựng lại thì quả là vô phúc cho văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Chúng ta có quyền hãnh diện với những chuẩn mực hoàn hảo của tiền nhân, nhưng phải biết rằng sở dĩ nó hoàn hảo là vì phản ánh được tính thời đại và tính sáng tạo độc đáo của nó. Nếu nó chỉ là bản sao của một ngôi chùa nổi tiếng nào đó thì không còn giá trị gì nữa.
Nếu kiến trúc đời Lý khác với đời Lê, đời Nguyễn thì tại sao không có kiến trúc chùa hiện đại làm chứng tích cho lịch sử văn hóa Phật giáo Việt Nam hiện đại?
Khoảng 100 năm lại đây Việt Nam không còn bế quan tỏa cảng nữa mà bắt đầu mở cửa nhìn ra thế giới xung quanh; biết tiếp thu văn hóa Đông Tây kim cổ, biết tiếp cận với văn minh Âu Mỹ; thì sứ mạng người làm văn hóa Phật giáo Việt Nam phải biết vừa gìn giữ cổ truyền vừa thích nghi với thời đại mới. Phải tìm ra cho mình một thế đứng độc lập không lệ thuộc vào Trung Hoa như Phật giáo đời Lý - Trần đã đạt được.
Thời hiện đại với phát triển khoa học kỹ thuật, với phương tiện vật liệu xây dựng tối tân giúp chúng ta dễ dàng tạo được phong cách mới mẻ của kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Vậy vấn đề chỉ còn là khả năng sáng tạo của chúng ta nữa mà thôi!
Khi nói đến một hướng đi cho kiến trúc chùa Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam, chúng ta chỉ ước mong sao có thể biểu hiện được tính cách độc đáo của mình để không bị nhầm lẫn với các nước Phật giáo Nguyên Thủy khác, và không bị đồng hóa với các tông phái đã hiện diện lâu đời trên đất nước Việt Nam. Có như thế chúng ta mới thật sự đóng góp được bản sắc riêng của mình cho nền văn hóa dân tộc.
Yên Hà Các
Mùa Thu, 1995 |