HT Viên Minh thuyết pháp tại TV Phước Sơn nhân lễ giỗ cố HT Hộ Nhẫn


Vào lúc 9g00 sáng nay, ngày 13/10/2012, Hòa thượng Viên Minh, trụ trì Tổ đình Bửu Long, đã đến thiền viện Phước Sơn thuyết Pháp nhân ngày giỗ của ngài cố Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Hộ Nhẫn, Tăng trưởng hệ phái Nguyên thủy Việt Nam.

Hằng năm, cứ đến ngày giỗ của cố Hòa Thượng Hộ Nhẫn thì cũng là ngày giỗ của thân phụ của Tu nữ Từ Nguyện tại Phước Sơn. Năm nay, nhân kỷ niệm mười năm ngày mất của cố HT Hộ Nhẫn, Tu nữ Từ Nguyện đã tổ chức lễ Trai tăng và thỉnh Sư Viên Minh đến Phước Sơn để thuyết Pháp cho toàn thể chư Tăng, Tu nữ và Phật tử tại đây.

Sư Viên Minh đã thuyết hai bài Pháp, bài thứ nhất nói về cố HT Hộ Nhẫn và bài thứ hai nói về “bốn cách sống”.

Sau đây là bài Pháp nói về cố Hòa thượng Hộ Nhẫn:

Hôm nay là ngày thứ bảy 13/10/2012 tức 28/08 Âm lịch. Vào thứ bảy tuần sau, tại chùa ở Huế sẽ tổ chức lễ giỗ của ngài Hộ Nhẫn, vì đây là ngày giỗ lần thứ 10 của ngài, nên chư Tăng ngoài Huế sẽ tổ chức lớn, và thầy cũng được mời ra ngoài đó tham dự, vì vậy gia đình cô Tu nữ Từ Nguyện quyết định tổ chức lễ giỗ của ngài sớm hơn một tuần, để thầy có thể đến đây thuyết Pháp. Hôm nay chúng ta tham dự lễ giỗ của Hòa thượng Hộ Nhẫn, đồng thời cũng là lễ giỗ của thân phụ của cô Từ Nguyện, vì thân phụ của cô mất cùng một thời gian với ngài Hòa thượng.

Trong số những vị Tăng trưởng của Phật giáo Nguyên thủy, chúng ta có hai vị đặc biệt Vị thứ nhất là Hòa thượng Hộ Tông, người có công khai sơn Phật giáo Nguyên Thủy tại Việt Nam và người thứ hai là Hòa thượng Hộ Nhẫn, vì ngài là vị Tăng trưởng cuối cùng. Hôm nay là ngày giỗ của HT Hộ Nhẫn vì vậy nhân dịp này thầy muốn nhắc đến một số câu chuyện, kỷ niệm về ngài.





HT Viên Minh thuyết pháp

Ngài HT Hộ Nhẫn là một vị đạo cao đức trọng của Phật giáo Nguyên thủy, được nhiều người mến mộ. Tình cảm và lòng kính trọng của mọi người dành cho ngài, chúng ta có thể thấy được qua lễ tang của ngài. Rất nhiều người, không phải chỉ riêng trong Phật giáo Nguyên thủy mà còn các hệ phái khác như Phật giáo Bắc tông, đã đến dự lễ tang của ngài, đảnh lễ rất cung kính, trong đó nhiều người xúc động và khóc. Và có những người đại diện cho những dòng Thiên chúa giáo ở gần đó họ cũng đến làm lễ, họ cũng xúc động, đều quỳ lạy cả, đó là một điều hết sức ngạc nhiên. Đồng thời, các vị lãnh đạo đại diện cho phía công an, chính quyền … cũng đến viếng và đảnh lễ ngài, có thể nói đó là do nhờ đức tu của ngài. Chúng ta hãnh diện vì có một vị Tăng trưởng có đức độ tu hành tốt đẹp như vậy!

Khi vừa đặt chân đến Huế, Phật giáo Nam tông thời bấy giờ thực sự chưa có chùa chiền gì hết. Các ngài thời ấy, đại diện là ngài Giới Nghiêm, hàng ngày đi khất thực rồi về ở trong một cái am hoặc miếu gì đó để tu tập, người này người kia đến hỏi đạo thì các ngài trả lời hoặc hướng dẫn. Vậy mà cuối cùng cũng lập ra được một ngôi chùa đầu tiên ở ngoài đó gọi là chùa Tăng Quang. Ngài HT Hộ Nhẫn lúc bấy giờ là một nhà tu theo hệ phái Bắc tông, và ngài nổi tiếng do tu khổ hạnh. Khi Phật giáo Nguyên thủy vừa đặt chân đến Huế, Ngài thấy chư Tăng đi khất thực, ai cho gì ăn nấy, hình ảnh chiếc y vàng làm cho ngài xúc động, và ngài đã tìm đến chùa Tăng Quang để xin xuất gia tu học. Trong tiểu sử của ngài Hộ Nhẫn nói lúc đó các ngài Hộ Tông, Giới Nghiêm đang ở Đà Nẵng vì vậy ngài Hộ Nhẫn phải tìm vào Đà Nẵng. Ngày hôm đó không rõ là có tổ chức một lễ gì ở chùa Tam Bảo mà các ngài Hộ Tông, Giới Nghiêm, Bửu Chơn … đều có mặt ở đó và sau đó các ngài qua thăm ngôi chùa ở Non Nước Ngũ Hành Sơn. Ngài Hộ Nhẫn đã tìm đến đây đảnh lễ các ngài và xin xuất gia tu theo Nam tông. Từ đó ngài thọ hạnh đầu đà bởi vì khi còn bên Bắc tông ngài đã tu khổ hạnh.

Có thể nói thầy xuất gia cũng là do sự cảm hứng bắt nguồn từ hình ảnh của ngài. Ngài là người có vóc dáng nhỏ nhắn, thấp nhưng lại toát ra một vẻ hiền từ, trang nghiêm rất kỳ lạ. Hồi đó thầy còn đi học, thấy hình ảnh của ngài tự nhiên thầy xúc động đến nỗi về nhà cứ kiếm cái mền hoặc tấm vải đắp vào người, rồi ôm cái gì ở trước bụng, nhắm mắt đi tới đi lui, tưởng tượng mình được giống như ngài vậy và thấy sung sướng… nghĩ lại thầy thấy mình giống con nít nhưng thực ra lúc đó thầy đã học trung học rồi! Sau đó sư huynh của thầy là sư Pháp Nhẫn khi đó cũng đang tu bên Bắc tông tìm đến hỏi đạo ngài rồi cũng chuyển sang tu theo Nam tông. Sư Pháp Nhẫn bước đầu nhờ ngài hướng dẫn rồi sau đó vào chùa Tam Bảo để xin xuất gia. Khi sư Pháp Nhẫn về nhà , đem theo Kinh sách của hệ phái Nam tông để đọc tụng. Thuở nhỏ, gia đình của thầy có một người chú làm trong hội Phật giáo Trung phần, chú thường đem Kinh sách về nhà, vì vậy hầu như Kinh điển của Bắc tông quyển nào ở nhà thầy cũng có hết. Ngay từ rất nhỏ thầy đã có điều kiện tiếp cận và đọc Kinh điển Bắc tông khá nhiều. Nhưng từ khi sư Pháp Nhẫn chuyển sang tu theo Phật giáo Nguyên thủy và đem Kinh sách về nhà- thuở đó Kinh sách bên Nguyên thủy lúc đó còn ít lắm, chỉ được dịch ra một ít thôi – vậy mà khi đọc được số Kinh sách ít ỏi đó, thầy rất xúc động, thấy hay quá đi! Hồi xưa đọc Kinh Bắc tông thấy nói lý cao siêu hoặc là huyền bí, nhưng khi đọc Kinh điển của Nguyên thủy thì lại thấy rất rõ ràng, có thể nói mình đọc Kinh Nguyên thủy mình thấy mình ra mình. Mình đọc Kinh khác thì mình lý luận, tưởng tượng… nhưng mình đọc Kinh Nguyên thủy thì mình lại thấy ra mình. Kể từ đó, thầy thích đọc Kinh điển Nguyên thủy. Sau đó, học xong trung học, thầy cũng xin đi tu luôn. Lúc đó sư Pháp Nhẫn đang ở Chùa Tam Bảo ở Đà Nẵng nên thầy cũng vào chùa Tam Bảo để xin xuất gia, thọ giới với ngài Giới Nghiêm, sau đó vào trong Sài Gòn này để đi học. Thầy nói sơ như vậy để mọi người biết rằng cái cảm hứng để thầy tu tập là từ Hòa thượng Hộ Nhẫn chứ không phải các vị khác, vì hình ảnh của ngài quá đẹp, vì hình ảnh của ngài đã tạo cho thầy một ấn tượng quá mạnh mẽ.



Ban đầu tính của ngài rất khó, có thể là do hoàn cảnh tu tập. Lúc đó ngài đến một nghĩa trang (bây giờ đã xây dựng thành chùa Thiền Lâm) và cất một cái cốc tại đó để làm nơi tu tập. Có lẽ do ngài cố gắng tu tập tinh tấn và thọ hạnh đầu đà nên ngài khắc kỷ, khắc kỷ quá nên đâm ra khó tính. Bản thân thầy cũng bị ngài la cho một trận. Bữa nọ, thầy lên thăm ngài, lúc đó thầy gặp ông Nhuận, ông Nhuận là anh của sư Tịnh Đức, cũng lên thăm ngài. Hai người gặp nhau ngồi nói chuyện đạo, ngồi ở gốc cây xa xa cốc của ngài, cả hai bàn chuyện đạo hay quá nên say mê quên có ngài ở trong cốc. Quá 12g đêm rồi mà thầy với ông Nhuận vẫn tiếp tục nói. Ngài mở cửa cốc ra và la. Ai từng gặp ngài thì biết, ngài mà la là ngài nói mạnh lắm, giọng của ngài rất là mạnh, giống như “sư tử hống” vậy! Thầy nhớ ngài la như thế này, ngài nói rằng mấy ông đã nói từ vô lượng kiếp rồi mà bây giờ vẫn còn nói, đã tối rồi mà vẫn cứ nói… (cười). Lúc đó, thầy với ông Nhuận mới rút êm đi ngủ!

Thầy cũng đã từng nghe ngài la nhiều người, cũng giống như ngài Hộ Tông vậy, ngài Hộ Tông cũng la dữ lắm, nhưng nếu ai nhìn mặt của ngài lúc đó sẽ thấy ngài rất hiền, giọng rất mạnh, nếu mình chỉ nghe không thôi thì mình sẽ thấy la dữ lắm, nhưng nhìn mặt ngài thì rất hiền. Ngài Hộ Nhẫn cũng vậy. Ngài Hộ Tông và ngài Hộ Nhẫn, vị đầu và vị cuối, pháp danh đều bắt đầu bằng chữ Hộ, đều giống nhau ở cái tính đó, la nạt dữ lắm nhưng thật ra đầy lòng từ ái. Ngài Hộ Nhẫn nói, giảng Pháp mạnh lắm, nếu ai bây giờ còn giữ được cuộn băng nói Pháp của ngài, nghe ngài nói giống như la nạt, nhưng nếu nhìn mặt của Ngài sẽ biết rằng ngài nói với tâm từ. Tâm từ của ngài mạnh đến nổi nhiều bà mẹ có con bị bệnh, họ bồng con tới gặp ngài và nói: “ Con của con bệnh quá, nhờ ngài rải tâm từ cho nó hết bệnh”, ngài chỉ cần nói một câu gì đó, bà mẹ đem con về là thấy lành bệnh ngay.

Về sau ngài cực kỳ hiền từ, không còn la như trước nữa. Ban đầu ngài ở Huế, thầy chỉ gặp ngài mỗi lần thầy về Huế và đến đảnh lễ ngài. Sau này, khi ngài được thỉnh vào làm phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự thì mỗi năm ngài phải về Sài Gòn họp hai lần. Ngài đi họp tội lắm, trong buổi họp ai nói gì nói, ngài cứ ngồi yên suốt buổi như ngồi thiền, ngồi bất động từ đầu cho đến cuối buổi, họp xong thì ra luôn. Người ta rất nể ngài bởi vì đi họp thì ngài cũng đi họp, phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự thì phải đi họp chứ không đi họp thì sao được! Nhưng hễ đi họp là ngài ngồi thiền luôn! Hội đồng Trị sự mời ngài lưu lại trên Sài Gòn nhưng ngài không chịu, ngài về ở tại chùa Bửu Long, ngài nói chùa Bửu Long là chùa của Thầy Tổ, chùa của Tổ mình, nên ngài về đây. Vì vậy mỗi năm thầy được gặp ngài hai lần. Ngài vô cùng giản dị, ngài đi lên Viên Không, mọi người sợ ngài lớn tuổi đi đứng khó khăn, nhưng ngài cứ thoải mái lội bộ đi thăm từ cốc này sang cốc kia, qua bên chỗ tu nữ... Vì vậy, sau này cái hạnh của ngài lại càng đập mạnh vào tâm trí của sư.

Thầy nói sơ qua về ngài. Thật ra ngài có rất nhiều câu chuyện về ngài hiện vẫn sưu tầm chưa hết, trong cuốn kỷ yếu có ghi lại một phần nào. Ai chưa đọc cuốn sách này cũng nên tìm đọc để biết về cuộc đời và hạnh tu của ngài.

Sau đó Hòa thượng Viên Minh thuyết cho đại chúng nghe bài pháp “Bốn cách sống”.

Cuối cùng là phần giải đáp thắc mắc. Sư Viên Minh khuyến khích mọi người vì đặt câu hỏi về Pháp hành vì “chúng ta là những người hành thiền”. Do sự hạn chế về mặt thời gian, một số hành giả đã tranh thủ đặt câu hỏi và Sư đã đưa ra những câu trả lời tuy đơn giản nhưng rất cụ thể và thiết thực cho pháp hành, có thể xem là kim chỉ nam cho các hành giả thực hành Tứ Niệm Xứ.

Sau đây xin giới thiệu một số hình ảnh về buổi lễ Trai tăng:









Trả lời câu hỏi



Phật tử cúng dường









Chư Tăng, Tu nữ và Phật tử đọc Kinh tại tháp Tổ



Tu nữ Từ Nguyện chuẩn bị vật thực











Chư Tăng đọc Kinh cầu an và cầu siêu cho gia đình thí chủ



Đăt bát cho chư Tăng

























Ngoài cơm còn có nước uống và chè



Thí chủ hết sức hoan hỷ với phước báu của mình đang làm





Và còn có cả Pháp thí nữa.

Một buổi Trai tăng thật hoàn hảo! Sadhu! Sadhu!