Thư Gởi Thầy (5) - Tác giả: Như Pháp




Thầy tôn kính! 
Trong khi đang tuyệt vọng vì những nỗi đau do khủng hoảng đời sống gia đình, con tình cờ đọc được cuốn sách thiền Vô Ngã Vô Ưu của Nữ Thiền Sư Ayya Khema, và quyết tâm theo những chỉ dẫn cách hành thiền định trong đó. Mỗi ngày con cố gắng tập thiền nhiều lần, nỗ lực định tâm, mong sao thoát khỏi nỗi khổ đau đang ám ảnh trong lòng. Đó là giải pháp mà con nghĩ là duy nhất để loại trừ phiền não nung đốt tâm con. Nhưng có lẽ, một phần vì con chưa nắm vững kỹ thuật thiền định, một phần vì con cố gắng ức chế khổ đau nên kết quả không được như mong muốn. Đôi lúc con đạt được sự an ổn nhất thời nhưng bất an căng thẳng lại càng nhiều hơn. Rất khó chế ngự được 5 chướng ngại thiền định, nên con hết tham đến sân, hết trạo cử đến hôn trầm, còn phân vânnghi hoặc thì hầu như khi nào cũng có.
Trong lúc con đang muốn tìm hiểu thêm về thiền định thì may mắn thay con được bạn rủ đi nghe thầy thuyết Pháp tại chùa Ngũ Xá, Hà Nội, tháng 3 năm 2009. Đó là lần đầu tiên con gặp thầy. Con còn nhớ, hôm đó trong khi đang giảng Pháp, thầy bỗng nói: “Ai lên rót cho thầy một tách trà”. Không biết nhân duyên gì mà con liền đứng lên tiến lại bàn Pháp lấy bình trà rót cho thầy, thầy cầm cái tách lên cho con rót, rót đầy tách con để bình trà xuống cái đĩa và trở về chỗ cũ. Thầy hỏi:“Con làm sao thực hiện rất chuẩn xác lời đề nghị bất ngờ của thầy như vậy?” Con và thính chúng không ai trả lời được. Thầy nói: “Thực ra, toàn bộ hành động vừa rồi của con chính là thiền. Chính tánh biết giúp con nghe thầy nói, giúp con đứng dậy, cẩn thận bước qua đám đông, cầm cái bình rót trà rất chuẩn, rót đầy biết dừng tay, biết để bình lại trên đĩa, và biết trở về chỗ cũ, không sai sót một tí nào”. Rồi thầy dạy tiếp: “Cũng trong việc làm đó, nếu bản ngã tham sân si xen vào, thì không những chỉ tạo ra phiền phức mà còn khó có thể chu toàn công việc, phải không?” Mọi người trả lời: “Dạ phải”. Thầy nói: “Đúng rồi. Còn nếu lúc đótánh biết sáng suốt, định tĩnh, trong lành soi sáng thì không những việc làm được chu đáo, an toàn, mà còn an lạc thoải mái nữa, phải không?”. Rồi thầy giảng tiếp: “Vậy thiền không phải là khép vào một khuôn khổ hay làm theo một công thức định sẵn mà chính là thái độ linh động, trong sáng để thấy biết minh bạch chính mình trong mọi lúc mọi nơi”. Tiếc rằng điều này quá mới mẻ đối với con. Trong thâm tâm con cứ đinh ninh thiền là phải định tâm, phải đắc tuệ, chẳng lẽ thiền đơn giản thế sao, nên con vẫn chưa sẵn sàng lĩnh hội. Tuy vậy, buổi giảng của thầy đã giúp con thấy ra rằng đến chùa không phải để cúng bái cầu xin Phật, Bồ-tát ban ơn cứu khổ, mà phải tu tập trong từng hành động của mình.  
Con nghe nhiều người nói đi Miến Điện hành thiền có thiền sư trực tiếp chỉ dạy nên kết quả sẽ tốt hơn. Con quyết định bỏ lại mọi vướng bận gia đình, qua trường thiền Swe O Min tham dự một khóa thiền vào tháng 8 năm 2009. Nhờ cách ly đời sống gia đình, có môi trường yên tĩnh, điều kiện thuận lợi, có phương pháp và có thiền sư hướng dẫn nên con tự tin hơn và hành thiền dễ ổn định hơn nhiều. Con tưởng như thế là đã thành công, nhưng khi trở về đối diện với đời sống hiện thực, những khủng hoảng vẫn còn đó, con càng thấy khó chịu đựng hơn và nỗi đau ngày mỗi gia tăng. Cố gắng niệm tâm theo cách thiền sư dạy, nhưng tâm con quá bất an nên chỉ tạo ra mâu thuẫn, dồn nén, và vô tình kéo dài thêm khổ đau, phiền muộn! Con đâm ra chán nản, nếu hành thiền không được thì con còn biết làm sao đây? Đôi lúc quá quẩn bách con thoáng nghĩ: “Hay là mình từ bỏ cuộc đời! Mà không được, chẳng lẽ để lại mấy đứa con nhỏ dại bơ vơ lạc lõng?” Rồi con chợt nhớ tới thầy. Con tự hỏi: “Sao mình lại không vào chùa thầy xin xuất gia, để thầy hướng dẫn hành thiền nhỉ?”  
Tháng 10 năm 2009, con đã mạnh dạn vào Sài Gòn gặp thầy để xin thầy chỉ dạy. Sau khi nghe con kể lể những bế tắc của con trên đường đời đường đạo, thầy đã cặn kẽ phân tích từng vấn đề và chỉ ra cho con thấy đâu là ý nghĩa chân thực của cuộc sống. Thầy nói: “Con muốn xuất gia thì không khó, thầy lúc nào cũng sẵn sàng chấp nhận. Nhưng cái khó là con có biết đón nhận bài học của Pháp đến với con hay không. Con có biết, điều gì đang đến với con trong đời sống này là bài học xác thực và quý báu nhất để con thấy ra chính mình không? Do nhận thức không đúng, con đã tạo ra hành vi sai lầm trong quá khứ, bây giờ khi hậu quả đến con cần phải có thái độ thích đáng để: 1) Không lẩn tránh trách nhiệm, sẵn sàng nhận lãnh hậu quả hành vi quá khứ của mình. 2) Qua hậu quả đó nhận thức được sai lầm của con và thấy ra luật nhân quả báo ứng. 3) Nhờ nhận thức đúng mà con tự biết suy nghĩ đúng, nói năng đúng, hành động đúng v.v... 4) Và quan trọng nhất là biết điều chỉnh thái độ của con ngay trên sự kiện hiện thực chứ không theo một khuôn mẫu định sẵnNói tóm lại, muốn thoát khỏi một vấn để khó khăn trong cuộc sống con phải trầm tĩnh sáng suốt để đối mặt với chính khó khăn đó. Nếu con trốn trách bằng bất cứ phương cách nào đều không thể thấy ra đâu là nguyên nhân chủ yếu của vấn đề, nghĩa là mãi mãi con không thể thoát ra khỏi nó”. 
Và đột nhiên thầy hỏi: “Vậy con có biết nguyên nhân nỗi đau khổ của con phát xuất từ đâu không? Con trả lời do dự: “Thưa thầy, do đời sống gia đình của con bất ổn ạ.” Thầy ôn tồn nói: “Không phải đâu con, đó chỉ là duyên báo, không phải nguyên nhân. Nguyên nhân chính là sự bất ổn trong lòng con! Nếu lòng con an ổn, thì việc dữ cũng hóa lành”. Con buột miệng hỏi: “Vậy xin thầy từ bi chỉ dạy cho con pháp tu thiền định để tâm con được an ổn, được không ạ?” Thầy mỉm cười nói: “Không cần thế đâu. Chẳng phải khi con muốn thiền định với một vọng cầu là đã rơi vào tham sân si và tạo thêm bất ổn hay sao?”  
Con giựt mình nhớ lại thời gian nôn nóng muốn chấm dứt khổ đau nên đã cố gắng hành thiền rất căng để mong đạt định. Thì ra nôn nóng diệt khổ là sân, mong muốn đạt định là tham và không chấp nhận sự thật để thấy rõ chân tướng là si. Thảo nào con đã vô tình đẩy mình ngày càng sâu vào tình trạng bất an căng thẳng! Con lại hỏi: “Con có đi Miến Điện hành thiền tuệ Vipassanà, phương pháp niệm tâm, như vậy có được không?" Thầy khẽ lắc đầu (con đoán là thầy tội nghiệp cho con còn khờ dại quá!) rồi thầy nói tiếp: “Thầy không nói thiền nào được thiền nào không. Nhưng bất cứ thiền gì mà con dùng để loại bỏ điều này tìm kiếm điều kia đều rơi vào ý đồ tham ưu của bản ngã, không thể thấy được sự thật, không thể đạt được phẩm chất giác ngộ giải thoát. Chính bản ngã là nguồn gốc của khổ đau, sao con còn nỗ lực vun bồi cho nó?"
Thầy im lặng một lúc – dường như để con kịp nhìn ra bản ngã lăng xăng ham muốn của mình – rồi đột nhiên thầy hỏi: “Con có biết thiền Vipassanà là gì không?”. “Thưa thầy là tinh tấn chánh niệm tỉnh giác trên thân thọ tâm pháp”. Có vẻ như thầy vừa gật đầu vừa lắc đầu. Con cảm nhận hình như ý thầy là con nói đúng nhưng mà làm sai. Thầy lại hỏi: “Thân thọ tâm pháp ở đâu? Không phải là nơi chính con đó sao mà phải đi tìm tận trường thiền bên Miến Điện?” Con định giải thích là con đi qua đó học phương pháp thiền để biết cách quán niệm thân thọ tâm pháp thì thấy thầy cầm tách trà lên uống, phong thái thật bình an, trong sáng, điềm đạm, ung dung.  
Để tách trà xuống, thầy nói: “Ngay khi thầy uống trà đây luôn có đủ thân thọ tâm pháp. Chỉ cần tự tại trong sáng khi đang làm việc gì hay đang ở trong trạng thái nào, thì ngay đó liền thấy rõ thân tâm, sao lại phải học theo một phương pháp?” Con bỗng nhớ lần đầu tiên nghe thầy thuyết pháp ở chùa Ngũ Xá, thầy bảo con lên rót trà để dạy con sống thiền một cách cụ thể sống động và tự nhiên mà không cần lường trước, không cần rập khuôn theo bất cứ phương pháp nào. Đã là vô thường thì phải tùy cơ ứng biến, làm sao mà rập theo khuôn khổ nào được! Thì ra là vậy, trước đây thầy đã chỉ thật rõ ràng cụ thể như thế mà con vẫn si mê không hiểu. Thầy dạy:“Chánh niệm chính là trở về trọn vẹn với thực tại thân-thọ-tâm-pháp tại đây và bây giờ. Tỉnh giác là ngay đó tâm rỗng lặng trong sáng, không bị bản ngã tham sân si che lấp, thì liền thấy rõ thực tại đúng như nó đang là. Lúc đó đâu có gì làm con căng thẳng, khổ đau và phiền muộn?” 
Tâm con như bừng sáng, bỗng nhiên cởi bỏ được những vướng mắc bấy lâu con còn mang nặng trong lòng. Con trở về nhà với một tâm trạng hoàn toàn đổi mới. Khi đã thấy ra mọi khổ đau đều do tâm mình tạo ra, không đổ cho tình trạng gia đình hay hoàn cảnh bên ngoài nữa, thì mọi việc trở nên bình thường, không có gì vướng bận. Không cần từ bỏ cuộc đời, cũng chưa đến lúc phải xuất gia. Con đã nhận ra rằng chính hoàn cảnh khổ đau là duyên để con học cách ứng xử với mọi tình huống và biết cách trở về với chính mình. Bên ngoài chỉ là duyên, như thầy dạy, thái độ nội tâm mới là nguyên nhân của mọi vấn đề. Bây giờ con không đòi hỏi điều kiện bên ngoài phải như ý mình nữa, chỉ tùy duyên nghiệp, tùy hoàn cảnh mà ứng xử thôi, chủ yếu là con trở về thấy biết chính mình, và không ngờ tâm con trở nên bình an một cách dễ dàng đến thế. Có lần con gọi điện hỏi thầy: “Bây giờ con thấy tâm con rất bình an, vậy con có nên tu tập thêm thiền định nữa không?” Thầy trả lời dứt khoát: “Tâm đang an ổn không vướng mắc, sao con lại bắt nó vướng mắc vào thiền định?”.
Đúng là nếu không được thầy kịp thời nhắc nhở thì con đã đắm chìm trong an lạc của thiền định lâu rồi. Khi vô sự con trở về với chính mình, không dựa vào điều kiện bên ngoài nữa, con để tâm buông xả, nghỉ ngơi hoàn toàn, như thầy dạy, thì tâm con liền lắng xuống dần và rất dễ đi vào thiền định, con tìm thấy ở đó một trạng thái an lạc, cắt đứt mọi chi phối bên ngoài, hoàn toàn thảnh thơi vắng lặng. Con tưởng như thế là đã tìm được lối thoát an toàn, nên thường ưa thích tận hưởng sự bình an nhẹ nhàng thanh thoát ấy. Nhưng rồi thử thách lại đến, lần này không phải là chuyện nội bộ gia đình nữa mà là công việc của Công ty có nhiều thay đổi khiến con phải bận rộn, lo lắng và tính toán. Lần này con không bị chao đảo bởi hoàn cảnh bên ngoài mà bất an chính là vì cố giữ sự an lạc bên trong mà con có được từ kinh nghiệm tu tập vừa qua. Khi trình bày với thầy: “Làm sao để con luôn giữ được sự bình an thanh thản?” Thầy cười rất tự nhiên, cởi mở: “Sao con lại muốn giữ sự an bình thanh thản? Vạn pháp đều vô thường vô ngã. Con còn có cái để giữ lại được sao? Còn muốn giữ lại điều gì là còn tham ái, chấp thủ, còn tạo tác và khổ đau. Hãy để pháp đến đi tự nhiên, điều trọng yếu không phải là giữ được cho con một trạng thái như ý nào mà là buông ra cái ngã tham muốn sở đắc đó để tâm được rỗng lặng trong sáng, tự tại, hồn nhiên”. Lúc đó con chỉ biết kêu lên một tiếng wow!” như trút bỏ một gánh nặng với lòng tri ân vô hạn. Con muôn vàn cảm tạ thầy. 
Tháng 4 năm 2010 thầy lại ra Hà Nội giảng ở chùa Linh Thông, Quận Cầu Giấy. Lần này con biết trước nên đã tham dự đủ 7 buổi giảng của thầy. Thật là kỳ diệu, chỉ trong 7 buổi giảng, tổng cộng 14 tiếng đồng hồ, thầy đã tóm tắt được toàn bộ những điểm giáo lý cốt lõi nhất trong Phật Pháp, không phải trên lý thuyết mà thầy chỉ ngay trên hiện thực đời sống mỗi người. Từ đó con đã thấy Phật Pháp thật vi diệu nhiệm mầu ngay trong những sinh hoạt hàng ngày, rất bình thường giản dị. Con nhận ra một điều thật thú vị, là sở dĩ thầy giảng dễ hiểu, như đi thẳng vào lòng người, vì chính tự thân từng cử chỉ, lời nói và việc làm của thầy đã là một bài Pháp không lời tuyệt diệu nhất về giáo lý Đức Thế Tôn mà con đang học hỏi. Thầy như một minh họa sống động hùng hồn đầy sức thuyết phục tự nhiên. Con đã hiểu ra thế nào là thân giáo
Trước đây con cứ tưởng Niết-bàn chỉ có ở một tương lai nào đó rất xa, sau khi phải nỗ lực tu hành kiên khổ mới có thể đạt được. Bởi vậy mà con cứ nôn nóng đi tìm, con đã đánh mất mình trong vọng tưởng. Thầy đã khai thị cho con nhận ra ngay bây giờ, ở đây là Niết-bàn hay sinh từ, tất cả đều phụ thuộc vào thái độ nhận thức của con: sai lầm hay đúng đắn, hữu ngã hay vô ngã, si mê hay trong sáng… chứ không phải đi tìm đâu khác. Nhờ vậy mà con không còn sợ tiếp xúc với đời sống hiện thực, cho dù đó là khổ hay vui, thành hay bại, nhục hay vinh… thì con cũng trọn vẹn với nó, không bất mãn với khổ đau, không đắm chìm trong hạnh phúc. Thầy đã dạy con biết cách lắng nghe sự sống, dù đó là phiền não cũng là bài học quý giá để con thể nghiệm tuệ giác và tình thương. Con chẳng còn thấy hạnh phúc nào chân thực hơn thế nữa. Tâm con bắt đầu rộng mở, biết yêu thương chính mình và giao hòa với tất cả, một tình thương tự nhiên, nhẹ nhàng và sâu lắng.  
Gần đây con thử chia sẻ pháp với người khác, chia sẻ những nhận thức với những người bạn hữu duyên khi họ gặp đau khổ như con. Và đúng như lời thầy đã nói hôm con tới thăm thầy cách đây chừng một tháng: “Hãy chia sẻ pháp mà con thực sự thấy biết để giúp những ai hữu duyên tìm lại giá trị đích thực nơi chính mình, không lệ thuộc ai khác. Cứ trải rộng tấm lòng, được hay không còn tùy bản thân người nghe, nếu họ cũng có tâm hồn mở rộng để lắng nghe, để thấy biết thì ngại gì không tỏ rõ sự thật”. Nhờ sự khích lệ đó, con đã giúp được một vài người bạn biết rằng những hiện tượng thân tâm luôn thay đổi theo nguyên nhân bên trong và điều kiện bên ngoài. Mọi khổ đau hay hạnh phúc thật ra chẳng có gì là ta hay của ta. Tất cả chỉ tùy thuộc vào thái độ nhận thức đúng đắn của tâm mà có thể chuyển hóa những bất thiện, khổ đau thành trong lành, an lạc. Lần đầu tiên các bạn ấy biết đến nhân quả là luật vận hành tự nhiên của vạn vật, và khổ vui không do ai sắp đặt mà do mỗi người tự tạo nghiệp cho mình. Con thấy vui khi các bạn ấy đang học Pháp và tập sống theo Pháp. Đó thật là một điều vô cùng may mắn, phải không thầy?  
Con rất ấn tượng với bài thơ mà thầy tặng cho các học trò, vì đó chính là tâm trạng của con hiện nay:
Nếu mắt con  đã bệnh
Nhìn hoa đốm lăng xăng
Thì mặc tình hoa đốm
Tâm như mỉm nụ cười.
Con đang sống như thế thầy ạ. Cuộc đời con, sau bao sai lầm, bất thiện, đau khổ vì tìm kiếm lý tưởng xa vời, giờ đây đã biết cách nhìn lại chính mình ngay trong giây phút hiện tại này. Một cuộc đời mới an lành trong sáng đang rộng mở. Con thật không biết nói gì để tạ ơn thầy, tạ ơn tất cả duyên pháp đã đến giúp con biết trở về thực tại. Con nguyện sống hữu ích từng khoảnh khắc, và không ngừng học hỏi những bài học mà pháp ban tặng cho con trong cuộc đời vô thường, huyễn hóa nhưng vô cùng mầu nhiệm này.
Con xin kính đảnh lễ thầy với trọn lòng tôn kính và biết ơn vô hạn.
Hà Nội, Mùa Thu 2010. Con Như Pháp