Sự tu tập của người theo Phật đơn giản chỉ là quá trình điều chỉnh nhận thức và điều chỉnh hành vi cho thuận Pháp mà thôi. Đức Phật được xưng tụng là bậc Minh Hạnh Túc chính là vì đã hoàn thành viên mãn quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi này.
Sáng nay đúng ngày mùng 02 – 01 – 2011, mở email thầy nhận được một bức thư thật tuyệt vời. Thư của một Phật tử viết cho thành viên của nhóm Trung Đạo ở Hà Nội. Pháp Minh chỉ gởi thầy để “kính tường” thôi.
Cách đây khoảng một tuần, Pháp Minh có điện thoại cho thầy hỏi nên xử lý thế nào khi trong nhóm bị mất cắp. Thường xử lý một vấn đề thì phải thông suốt được mọi khía cạnh của sự việc. Thầy bị hỏi bất ngờ, lại không biết gì về hoàn cảnh và nhân duyên của sự việc do đó chỉ nói đại khái là nên để tự nhiên rồi tùy nghi mà ứng xử cho thuận Pháp, chứ không nên xử lý vội vàng làm cho vấn đề phức tạp hơn. Khó mà đưa ra một cách xử lý chính xác khi còn chủ quan một chiều, chưa thấy hết mọi uẩn khúc bên trong. Tuy nhiên, đây là một cơ hội để mọi người lấy đó làm bài học, vì vậy không nên ém nhẹm phớt lờ, cũng không nên làm to chuyện, mà nên trình bày công khai hiện tượng này ra để mọi người góp ý và cẩn thận đừng tạo điều kiện cho lòng tham, đồng thời giúp cho người có hành vi lầm lỡ biết tự điều chỉnh chính mình, như vậy cũng giúp giảm đi sự nghi kỵ lẫn nhau trong sinh hoạt tập thể.
Sau đó Pháp Minh có ra một thông báo nêu vấn đề lên để mọi người góp ý. Và mọi người đã tham gia góp ý rất thiện chí, tích cực và nhiệt tình muốn chấm dứt tình trạng không hay này đồng thời muốn cho đương sự biết tự hối cải. Một trong những ý kiến phản hồi thông báo của Pháp Minh mà thầy đọc được sáng nay đã làm thầy xúc động, đó là ý kiến của Phật tử PBC gởi cho nhóm ngày 01 – 01 – 2011. Qua bức thư này, thầy thực sự hoan hỷ khi thấy trình độ nhận thức của Phật tử ngày càng đúng Pháp, tâm đạo và cách thể hiện cũng ngày mỗi chính xác minh bạch hơn. Nói cho cùng, sự tu tập của người theo Phật đơn giản chỉ là quá trình điều chỉnh nhận thức và điều chỉnh hành vi cho thuận Pháp mà thôi. Đức Phật được xưng tụng là bậc Minh Hạnh Túc chính là vì đã hoàn thành viên mãn quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi này. Muốn như vậy thì cách duy nhất là tinh cần học ra tất cả bài học đến với mình trong mọi tình huống, mọi tính cách, dù đúng hay sai, tốt hay xấu… vì đó là nhân duyên tất yếu của mỗi người trong bối cảnh của mình. Vì bức thư là ý kiến vừa chân thành vừa thuận Pháp của một Phật tử đáng để mọi người chiêm nghiệm nên thầy xin trích đăng nội dung bức thư như sau:
Hà Nội, Thứ Bảy, ngày 01 – 01 – 2011
(Thư gởi nhóm Trung Đạo)
Nhiều thư phản hồi thật. Em xin nói ý kiến riêng của em:
1. Đúng là mỗi người đều muốn giải quyết theo trí tuệ và tình thương. Nhưng cách giải quyết không đến từ cái đầu, nó sẽ đến từ trạng thái Tâm của mình. Khi tâm mình ở trọn trong chánh niệm và từ bi, giải pháp sẽ tới. Không đi tìm được giải pháp đúng đắn đâu. Bởi nó còn gắn trong đó tâm từ chối sự sai lầm. Mà làm gì có sai, có đúng, chỉ có hành động thuận Pháp hay không thuận Pháp mà thôi.
2. Đúng là dùng Chân lý nói thì không ăn thua. Bởi mình nói chứ mình không có làm. Phải thực sự thực hành tu tập, thì mới ăn thua. Em hỏi anh Sơn, lắp camera xong, chúng ta sẽ làm gì tiếp?
3. Chúng mình là những cá nhân có mối liên hệ nghiệp với nhau, chia sẻ và cùng động lực chung là tu tập, trưởng thành theo giáo Pháp của đức Phật. Tại sao có những gia đình mà hầu hết thành viên đều phải chịu nghiệp (bệnh tật, chia ly, tán gia bại sản khiến vợ chồng ly tán, con cái bê trễ...)? Tại sao gia đình của nữ thiền sư Dipa Ma đều giác ngộ chân lý và sống bình an, hạnh phúc trong chân lý? Mối liên hệ Nghiệp quả ấy vô cùng rõ nét, một người đi xuống, các thành viên có mối liên hệ Nghiệp ấy, cũng sẽ bị ảnh hưởng. Và ngược lại, nếu một người phước báu cao, các thành viên có mối liên hệ nghiệp cũng sẽ được thơm lây. Bởi mối liên hệ Nghiệp như vậy, bất cứ một thành viên nào tiến bộ trong tu tập, chuyển hóa sẽ có ảnh hưởng đến các thành viên khác. Đa số thành viên trong nhóm đều như vậy thì những thành viên còn lại sẽ có tác động tích cực. Mối liên hệ nghiệp này là không thể chối bỏ bởi trong tâm mọi người đều có nhau. Do vậy, nhiệm vụ của các thành viên khác là tích cực tu tập và chuyển hóa, một người vì tất cả mọi người. Điều đó sẽ có tác dụng tốt đến các thành viên còn lại, trong đó có người mà mọi người đang nói tới.
4. Em đề nghị các thành viên trong nhóm làm những việc sau đây. Những ai cảm thấy lời em nói là có lý, hãy thực hành hạnh từ bi và chánh niệm hằng ngày. Bất cứ việc làm gì xuất phát từ tâm từ bi và trạng thái tâm chánh niệm đều công đức vô lượng. Các anh chị hãy hồi hướng cho thành viên đó. Hoặc có thể niệm Phật. Niệm Phật là điều rất tốt, trước khi niệm Phật, xin mọi người tưởng tượng hoặc thật thì càng tốt, ở trước Tam Bảo, rồi nghĩ đến người tạo nghiệp không tốt đó, cầu nguyện cho người đó từ bỏ được thói quen xấu, lấy thiện nghiệp làm lành, có nhiều tiến bộ và tinh tấn trên đường tu. Xin mọi người bỏ ra ít ra là nửa tiếng, hoặc 1 tiếng... tùy mọi người phát tâm. Rồi hồi hướng cho người đó, có thể phát tâm hồi hướng như thế này "Con xin hồi hướng công đức con tích tập được của ba thời (quá khứ, hiện tại, tương lai) cho tất cả mọi người, cho người đạo hữu con thương quý ngưng tạo nghiệp xấu, lấy thiện nghiệp làm lành, hiểu được nhân quả không sai bao giờ, luôn sống trong chánh niệm, tỉnh thức, giác ngộ".
5. Hơn nữa:
- Không có sự cách biệt giữa đạo và đời. Đời còn khổ vì chúng ta sống không thuận Pháp. Ta vào Đạo để trước là thoát khổ cho mình, sau là giúp mọi người thoát khổ. Vậy tại sao còn tách riêng ra đời và đạo. Để rồi, vẫn tiếp tục những hành vi không thuận Pháp, tiếp tục khổ, trong khi Đạo thì học rồi để đấy. Vậy đạo có tác dụng gì không? Khi ta vẫn cứ tham, sân, si, rồi vẫn cứ khổ.
- Khi ta sinh ra đời, từ khi biết nói năng, suy nghĩ, là đã bắt đầu lên đường, bắt đầu hành trình trải nghiệm, gieo và gặt. Tất cả mọi người đều đang trên con đường đạo, chỉ khác cái là có người biết, có người không biết. Có tu học khác với không tu học ở chỗ, có người nhận thức được nhân quả, phát nguyện tu tập cải hóa thói quen xấu, tập gieo nhân tốt mà thôi. Người không tu học thì sẽ không nhận thức được điều đó, vẫn mãi gặt quả đắng do chính mình gieo trồng mà không hiểu tại sao. Âu cũng là nhận thức và duyên nghiệp của mỗi người, sớm hay muộn mà thôi.
6. Đối với người lấy trộm đồ, như chị Dương nói, hãy dũng cảm đối diện và trung thực với chính mình bởi người đó là người hiểu mình nhất, hiểu động cơ của mình nhất, và dũng cảm chịu những quả báo sẽ xảy ra do hành vi của mình đem lại. Hãy hiểu rằng, đó là do nghiệp của mình mang lại, không phải lỗi ở bên ngoài. Và bởi mối liên kết nghiệp lực, có thể những người có mối liên kết nghiệp lực như bạn bè, người thân... cũng sẽ chịu một phần. Do đó, chỉ mình người đó quyết định được sự việc thay đổi. Trước tiên là thực sự hiểu rằng hành động đó của mình không tốt, gây hại cho những người khác, khiến họ nổi sân hận. Mà bởi họ nổi sân hận như vậy, rất nhiều hậu quả xấu đi kèm đến với người đó. Hậu quả ngày càng chất chồng. Nghiệp sẽ càng nặng. Không ai có thể cứu được. Nếu người đó không còn quan tâm đến khổ sướng của bản thân mình, và còn cam tâm nhìn những người thân thiết bất hạnh, những người vốn đã đau khổ lại càng đau khổ hơn, thì hãy tiếp tục. Còn nếu không, xin dừng bước.
Chúc nhóm ta năm mới nhiều sự chuyển hóa tốt đẹp, sẵn sàng đón nhận nhiều tin vui.
PBC.
|
[ Ðầu trang ]