Tín Tâm Minh

Tác giả: Tăng Xán
Dịch giả: Trúc Thiên


TÍN TÂM MINH
Tín Tâm Minh là bài minh luận về lòng tin. Tác giả là Tăng Xán (… - 606), tổ thứ ba của Thiền Trung Hoa, đời nhà Tùy.
Minh là bài răm, chép lại hoặc khắc in để ghi nhớ, và ở đây là bài tự thuật lại kinh nghiệm của bản thân mình. Tín Tâm là lòng tin. Nhưng ở đây không phải là lòng tin thường, thường gọi là tín ngưỡng. Thiệt vậy, đem chữ “tín” ghép vào chữ “tâm”, người xưa đã phá hết giới hạn của lòng tin mà trực tiếp nhắm ngay vào trung tâm điểm của sanh hoạt đạo giáo. Nhứt là từ ngày bồ tát Mã Minh viết bộ sách “Đại Thừa khởi tín luận” (luận về sự phát khởi lòng tin theo giáo lý Đại Thừa) thì chữ “tín” mang thêm một màu sắc siêu hình và tuyệt đối của phép nội quán, và có thể coi như là đồng nghĩa với “ngộ”. Và “ngộ” ấy chẳng phải cái gì khác hơn là “khởi tín”.
“Khởi tín là ý thức cái giác tánh bổn lai của mình. Khởi tín là trở về chính mình, trở về tự thể của chính mình” (Suzuki)
Vậy, Tăng Xán viết Tín Tâm Minh cũng như Huyền Giác viết Chứng Đạo Ca, đều mô tả lại sự tâm chứng của hai ngài về Thực tại tối thượng của đạo giáo. Thực tại ấy là gì? Không ai có thể nghĩ gì được về Thực tại ấy vì một lẽ rất dễ hiểu là Thực tại ấy là kết quả của một sự tu chứng chớ không phải của một ý nghĩ. Vì không có ý nghĩ nên Thực tại ấy siêu việt tất cả giới hạn của ý nghĩ, nói đúng hơn, tất cả mâu thuẫn (thiện ác, nghịch thuận, phàm thánh, phiền não Niết-bàn...) do ý nghĩ tạo ra. Nói thế không có nghĩa giác ngộ là phá bỏ tất cả cặp mâu thuẫn để siêu lên ở trạng thái thứ ba nào đó. Không, không hề có trạng thái thứ ba dựng mới lên, mà cũng không hề có việc nắm lấy cũng như bỏ đi. Không có gì để “xả” mà cũng không có gì phải “thủ”. Trái lại, tất cả mâu thuẫn đều hòa đồng trong nhau, đều “viên dung vô ngại”.
Viên dung nghĩa là trắng tức là đen, đen tức là trắng.
Vô ngại nghĩa là “đen vẫn là đen mà trắng vẫn là trắng”.
Nói một cách khác, một vật đồng thời vừa là chính nó vừa chẳng phải là chính nó. Đó là luận lý Bát Nhã. Đó là đại bí mật của đạo giáo và của cuộc sống.
Cho nên trong cuộc sống, người ngộ đạo không phá thế gian để chứng Niết-bàn, không lìa sanh tử luân hồi mà vẫn thoát ly sanh tử luân hồi, không xả tục mà xuất trần. Đó là tất cả tinh thần nhơn bản của đạo Phật.
TÍN TÂM MINH
TĂNG XÁN - TRÚC THIÊN dịch
(đăng trong tạp chí Từ Quang, số 194-195, tháng 10 & 11 năm 1968)

Chí đạo vô nan
duy hiểm giản trạch
đản mạc tắng ái
đỗng nhiên minh bạch
Đạo lớn chẳng gì khó
cốt đừng chọn lựa thôi
quí hồ không thương ghét
thì tự nhiên sáng ngời
Hào li hữu sai
thiên địa huyền cách
dục đắc hiện tiền
mạc tồn thuận nghịch
Sai lạc nửa đường tơ
đất trời liền phân cách
chớ nghĩ chuyện ngược xuôi
thì hiện liền trước mắt
Vi thuận tương tranh
thị vi tâm bịnh
bất thức huyền chỉ
đồ lao niệm tịnh
Đem thuận nghịch chỏi nhau
đó chính là tâm bịnh
chẳng nắm được mối huyền
hoài công lo niệm tịnh
Viên đồng thái hư
vô khiếm vô dư
lương do thủ xả
sở dĩ bất như
Tròn đầy tợ thái hư
không thiếu cũng không dư
bởi mảng lo giữ nó
nên chẳng được như như
Mạc trục hữu duyên
vật trụ không nhẫn
nhứt chủng bình hoài
dẫn nhiên tự tận
Ngoài chớ đuổi duyên trần
trong đừng ghì không nhẫn
cứ một mực bình tâm
thì tự nhiên dứt tận
Chỉ động qui chỉ
chỉ cánh di động
duy trệ lưỡng biên
ninh tri nhứt chủng
Ngăn động mà cầu tịnh
hết ngăn lại động thêm
càng trệ ở hai bên
thà rõ đâu là mối
Nhứt chủng bất thông
lưỡng xứ thất công
khiển hữu một hữu
tòng không bối không
Đầu mối chẳng rõ thông
hai đầu luống uổng công
đuổi có liền mất có
theo không lại phụ không
Đa ngôn đa lự
chuyển bất tương ưng
tuyệt ngôn tuyệt lự
vô xứ bất thông
Nói nhiều thêm lo quẩn
loanh quanh mãi chẳng xong
dứt lời dứt lo quẩn
đâu đâu chẳng suốt thông
Qui căn đắc chỉ
tùy chiếu thất tông
tu du phản chiếu
thắng khước tiền không
Trở về nguồn nắm mối
dõi theo ngọn mất tông
phút giây soi ngược lại
trước mắt vượt cảnh không
Tiền không chuyển biến
giai do vọng kiến
bất dụng cầu chơn
duy tu tức kiến
Cảnh không trò thiên diễn
thảy đều do vọng kiến
cứ gì phải cầu chơn
chỉ cần dứt sở kiến
Nhị kiến bất trụ
thận vật truy tầm
tài hữu thị phi
phân nhiên thất tâm
Hai bên đừng ghé mắt
cẩn thận chớ đuổi tầm
phải trái vừa vướng mắc
là nghiền đốt mất tâm
Nhị do nhứt hữu
nhứt diệc mạc thủ
nhứt tâm bất sanh
vạn pháp vô cữu
Hai do một mà có
một rồi cũng buông bỏ
một tâm ví chẳng sanh
muôn pháp tội gì đó
Vô cữu vô pháp
bất sanh bất tâm
năng tùy cảnh diệt
cảnh trục năng trầm
Không tội thì không pháp
chẳng sanh thì chẳng tâm
tâm theo cảnh mà bặt
cảnh theo tâm mà chìm
Cảnh do năng cảnh
năng do cảnh năng
dục tri lưỡng đoạn
nguyên thị nhứt không
Tâm là tâm của cảnh
cảnh là cảnh của tâm
ví biết hai đằng dứt
rốt cùng chỉ một không
Nhứt không đồng lưỡng
tề hàm vạn tượng
bất kiến tinh thô
ninh hữu thiên đảng
Một không, hai mà một
bao gồm hết muôn sai
chẳng thấy trong thấy đục
lấy gì mà lệch sai
Đại đạo thể khoan
vô dị vô nan
tiểu kiến hồ nghi
chuyển cấp chuyển trì
Đạo lớn thể khoan dung
không dễ mà chẳng khó
kẻ tiểu kiến lừng khừng
gấp theo và chậm bỏ
Chấp chi thất độ
tâm nhập tà lộ
phóng chi tự nhiên
thể vô khứ trụ
Chấp giữ là nghiêng lệch
dấn tâm vào nẻo tà
cứ tự nhiên buông hết
bổn thể chẳng lại qua
Nhiệm tánh hiệp đạo
tiêu dao tuyệt não
hệ niệm quai chơn
trầm hồn bất hảo
Thuận tánh là hiệp đạo
tiêu dao dứt phiền não
càng nghĩ càng trói thêm
lẽ đạo chìm mê ảo
Bấ thảo lao thần
hà dụng sơ thân
dục thú nhứt thặng
vật ố lục trần
Mê ảo nhọc tinh thần
tính gì việc sơ thân
muốn thẳng đường nhứt thặng
đừng chán ghét sáu trần
Lục trần bất ác
hoàn đồng chánh giác
trí giả vô vi
ngu nhơn tự phược
Sáu trần có xấu chi
vẫn chung về giác đấy
bậc trí giữ vô vi
người ngu tự buộc lấy
Pháp vô dị pháp
vọng tự ái trước
tương tâm dụng tâm
khởi phi đại thác
Pháp pháp chẳng khác
do ái trước sanh lầm
há chẳng là quấy lắm
sai tâm đi bắt tâm
Mê sanh tịch loạn
ngộ vô hiếu ố
nhứt thiết nhị biên
vọng tự châm chước
Mê sanh động sanh yên
ngộ hết thương hết ghét
nhứt thiết việc hai bên
đều do vọng châm chước
Mộng huyền không hoa
hà lao bả tróc
đắc thất thị phi
nhứt thời phóng khước
Mơ mộng hão không hoa
khéo nhọc lòng đuổi bắt
chuyện thua được thị phi
một lần buông bỏ quách
Nhãn nhược bất thụy
chư mộng tự trừ
tâm nhược bất dị
vạn pháp nhứt như
Mắt ví không mê ngủ
mộng mộng đều tự trừ
tâm tâm ví chẳng khác
thì muôn pháp nhứt như
Nhứt như thể huyền
ngột nhĩ vọng duyên
vạn pháp tề quán
qui phục tự nhiên
Nhứt như vốn thể huyền
bằn bặt không mảy duyên
cần quán chung như vậy
muôn pháp về tự nhiên
Dẫn kì sở dĩ
bất khả phương tỉ
chỉ động vô động
động chỉ vô chỉ
Đừng hỏi vì sao cả
thì hết chuyện sai ngoa
ngăn động chưa là tịnh
động ngăn khác tịnh xa
Lưỡng kí bất thành
nhứt hà hữu nhĩ
Cứu cánh cùng cực
bất tồn quĩ tắc
Cái hai đà chẳng được
cái một lấy chi mà...
Rốt ráo đến cùng cực
chẳng còn mảy qui tắc
Khế tâm bình đẳng
sở tác câu tức
hồ nghi tận tịnh
chánh tín điều trực
Bình đẳng hiệp đạo tâm
im bặt niềm tạo tác
niềm nghi hoặc lắng dứt
lòng tin hòa lẽ trực
Nhứt thiết bất lưu
vô khả kí ức
hư minh tự nhiên
bất lao tâm lực
Mảy bụi cũng chẳng lưu
lấy gì mà kí ức
bổn thể vốn hư minh
tự nhiên nào nhọc sức
Phi tư lượng xứ
thức tình nan trắc
chơn như pháp giới
vô tha vô tự
Trí nào suy lượng được
thức nào cân nhắc ra
cảnh chơn như pháp giới
không người cũng không ta
Yếu cấp tương ưng
duy ngôn bất nhị
bất nhị giai đồng
vô bất bao dong
Cần nhứt hãy tương ưng
cùng lẽ đạo bất nhị
bất nhị mà hoà đồng
không gì chẳng bao dong
Thập phương trí giả
giai nhập thử tông
Tông phi xúc diên
nhứt niệm vạn niên
Mười phương hàng trí giả
chung về nhập một tông
Tông này vốn tự tại
khoảnh khắc là vạn niên
Vô tại bất tại
thập phương mục tiền
Cực tiểu đồng loại
vong tuyệt cảnh giới
dầu có không không có
mười phương trước mắt liền
Cực nhỏ là cực lớn
đồng nhau, bặt cảnh duyên
Cực đại đồng tiểu
bất kiến biên biểu
Hữu tức thị vô
vô tức thị hữu
Cực lớn là cực nhỏ
đồng nhau, chẳng giới biên
Cái có là cái không
cái không là cái có
Nhược bất như thị
tất bất tu thủ
Nhứt tức nhứt thiết
nhứt thiếc tức nhứt
Ví chửa được vậy chăng
quyết đừng nên nấn ná
Một tức là tất cả
tất cả tức là một
Đản năng như thị
hà lự bất tất
Tín tâm bất nhị
bất nhị Tín Tâm
Quí hồ được vậy thôi
lo gì chẳng xong tất
Tín Tâm chẳng phải hai
chẳng phải hai Tâm Tín
Ngôn ngữ đạo đoạn
phi cổ lai trâm.
Lời nói làm đạo dứt
chẳng kim cổ vị lai.
TĂNG XÁN
TRÚC THIÊN dịch