Tác giả: Viên Minh - Thường Giác
Kính bạch Thầy!
Thầy cho phép con được bộc bạch nỗi lòng mình chia sẻ cùng các đạo hữu và cũng là những lời xuất phát tận đáy lòng con sám hối cùng Thầy.
Kính Thầy! Con xuất gia và tu học bên Bắc Tông. Trước đây con đã nghĩ đơn giản Nam Tông là Tiểu thừa, Bắc Tông là Đại thừa; Nam Tông ăn mặn, Bắc Tông ăn chay; Nam Tông tụng kinh tiếng Pali không hiểu được, Bắc Tông tụng kinh tiếng Việt có vẻ thực tế hơn. Con không tìm hiểu thấu đáo mà còn cho rằng mình thật có phước, bước chân vào đường tu là có duyên gặp pháp Đại thừa. Ngày đó con đã không hiểu rằng Đạo Phật thật sự chỉ nhằm chỉ ra Sự Thật đã sẵn ở nơi mỗi người mà không có Nam-Bắc, Tiểu-Đại; chỉ có căn cơ trình độ tư tưởng con người mới có Tiểu thừa, Đại thừa thôi. Điều quan trọng của người học Đạo là có duyên gặp được người đã thấy ra rốt ráo Sự Thật hay chưa, tâm có tịnh vì thấy ra Lý Đạo hay chưa chứ không phải ở trên hình thức ăn chay hay ăn mặn, thái độ tâm thức ăn mới quan trọng hơn món ăn.
Con vô cùng cám ơn Thầy đã giảng bài kinh Tứ Niệm Xứ thật rõ ràng dễ hiểu, dĩ nhiên là con cũng phải nghe đi nghe lại nhiều lần mới thấy ra vấn đề. Thầy đã dùng những từ ngữ thật rõ ràng:
- Tinh tấn là “trở về” với thực tại Thân Thọ Tâm Pháp đang là.
- Chánh niệm là “trọn vẹn” với thực tại Thân Thọ Tâm Pháp đang là.
- Tỉnh giác là “sáng suốt” với thực tại Thân Thọ Tâm Pháp đang là.
Trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại thân tâm mà “thấy ra” chứ không qua dụng công rèn luyện.
Buông xuống mọi nỗ lực tạo tác tìm cầu của Bản Ngã thì ngay đó Đạo đơn giản biết bao.
Con cũng từng học qua với các vị Thầy khác nhưng không rõ được. Bài kinh Tứ Niệm Xứ Thầy giảng rất hay và thiết thực.
Các bài kinh Bát Nhã, Kim Cang, Lăng Nghiêm cũng dựa trên nền tảng Thân Thọ Tâm Pháp mà thấy ra Sự Thật thôi. Tứ Niệm Xứ là cốt lõi để trở về thấy ra Sự Thật nơi chính mình vậy.
Với người còn có pháp để tu, cố gắng hành để đạt… mà cho rằng mình đang theo Đại thừa, Tối thượng thừa, Thiền đốn ngộ… liệu rằng đã đúng hay chưa?
Phải chăng người sau đã xen tư ý chủ quan của mình vào nhiều quá làm lệch đi giáo pháp nguyên sơ của Đức Phật? Con nghĩ người học Đạo phải thật sự nhẹ đi về tông môn hệ phái, không lệ thuộc vào truyền thống, tín ngưỡng… mới có thể trở về nhìn lại trọn vẹn tâm mình như nó là. Một tâm rỗng lặng trong sáng mới có thể thấy được các pháp như nó là phải không Thầy? Con cảm nhận được tấm lòng Thầy cũng chỉ mong những người có duyên nghe Thầy giảng, thấy ra được Sự Thật nơi mỗi người để rồi “tuỳ sở trú xứ thường an lạc”.
Con muốn nói cùng các bạn đạo hữu rằng đừng vội cố gắng hành theo một phương pháp Thiền nào, nếu đã có duyên vào đây thì nên nghe qua một loạt các bài giảng của Thầy. Lắng nghe và chiêm nghiệm, thấy ra nơi chính mình.
Thưa Thầy, cái thấy ở con hãy còn nông cạn và chắc rằng còn nhiều sai sót nhưng con không còn nghi ngờ về những điều Thầy dạy, tâm con thật nhẹ nhàng bình an Thầy ạ.
Thầy ơi, con nghe thầy giảng có nhiều mức độ tuệ như tuệ thấy danh sắc, tuệ thấy sinh diệt, tuệ thấy vô thường-khổ-vô ngã… Vậy có bao nhiêu mức độ tuệ và các tuệ này khác nhau như thế nào thưa Thầy?
Kính mong Thầy chỉ dạy thêm cho con. Con thành kính đảnh lễ tri ân Thầy. Con cũng mong có một ngày đủ duyên đến đảnh lễ Thầy. Nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho Thầy được nhiều sức khoẻ, là nơi nương nhờ lâu dài cho chúng con.
Kính Thầy.
Thường Giác con,
Sādhu lành thay! Đúng là "hồi đầu thị ngạn" (Ehipassiko). Người vọng chỉ thấy có Nam-Bắc, Đại-Tiểu... mà quên nhìn lại chính mình nên không thấy mỗi người đều là Phật, rồi cứ mang vác cái ngã lang thang trong vạn nẻo luân hồi.
Con không cần biết có bao nhiêu cái tuệ, cứ trở về trọn vẹn tỉnh thức với thân thọ tâm pháp con sẽ thấy tất cả với một sự khám phá đầy ngạc nhiên và mới mẻ. Tất cả chân lý đều có sẵn trong con, hãy thấy như nó đang là, đừng tìm kiếm mà hoá thành ảo tưởng.
Không thêm không bớt sống hồn nhiên
Tánh giác dung thông mọi não phiền
Tâm vốn sáng trong luôn tịch chiếu
Pháp thường thanh tịnh mãi uyên nguyên.
Thầy Viên Minh
|
[ Ðầu trang ]