Huyền thoại của một người có kinh nghiệm ngồi thiền

Tôi thưa với Đại sư Kyodo (1) rằng tôi muốn đưa sự thực hành của tôi đến một cấp độ sâu hơn. Ngài cười lớn, “Một cấp độ sâu hơn? Ông định nói tới điều gì khi ông nói ‘sâu hơn’? Thực hành thiền định chỉ có một cấp độ. Không có chiều sâu, hiểu chứ?”
Lawrence Shainberg (2) (trích trong tác phẩm Ambivalent Zen)



Lời giới thiệu: Theo chính Barry Evans thì ông sinh năm 1943 và đã hành thiền liên tục suốt 40 năm. Ông đã dành ra hết cuộc đời của mình để hành thiền với ý nghĩ ban đầu là mong cầu một điều gì đó, nghĩ rằng có điều gì đó để đạt được. Trong bài viết dưới đây, ông chỉ ra rằng thiền không chứa đựng bất kỳ điều gì mà người ta mong cầu khi họ bắt đầu thực hành và cho rằng đó chính là ý nghĩa của thiền định. Hiện nay, Barry Evans vẫn đang hướng dẫn nhiều tù nhân hành thiền trong một số trại tù trên đất Hoa Kỳ.
Thật đáng tiếc, tôi lại là một người ngồi thiền có kinh nghiệm. Kể từ lúc tình cờ lạc bước vào Trung tâm Thiền siêu nghiệm (Transcendental Meditation) ở Vancouver, bang British Columbie, Canada vào năm 1970, trải qua nhiều giai đoạn (kể cả 15 năm thực hành thiền Tào Động hiện nay), tôi đã ngồi và nhìn chòng chọc vào không biết bao nhiên những bức tường (và cả những bức mạn-đà-la, những ngọn nến, cũng như vào phía trong mí mắt của chính mình), miệt mài với những kinh nghiệp hoa lá tạp nhạp về tâm linh, có lúc đã phát chán, tự nhủ mình đang là kẻ khật khùng, và [tự cảm thấy mình] đã chứng ngộ (mà thật ra là không!), nay tôi sẵn sàng chia sẻ mọi thứ mà mình đã học tập được. Điều tôi chia sẻ sẽ không dài dòng lắm đâu. Thật ra, tôi có thể tóm gọn tất cả vào một câu: chẳng có gì.
Chẳng phải cái “chẳng có gì”ấy có thể bị xem thường. Suốt nhiều năm – [đúng hơn là] nhiều chục năm – tôi vẫn nghĩ rằng có điều gì đó để học, rằng cả hàng ngàn giờ ngồi trên bồ đoàn ấy là có tích lũy, rằng tôi càng ngồi lâu trên bồ đoàn thì tôi càng trở nên tỉnh thức hơn, từ ái hơn và tuyệt vời hơn. Trong một thế giới nơi mà việc đạt được những mục đích được coi như một đức tính, ba mươi tám năm để nhận ra chẳng có gì đã là một việc không dễ dàngvà không nhẹ nhõm chút nào.
Theo định nghĩa (của tôi), nếu tôi đã nghĩ răng tôi từng biết điều gì đó về thiền định thì điều đó không phải là thiền định. Một kiểu như Thượng đế vậy đó – nếu bạn có thể mô tả Thượng đế cho tôi, thì đó chẳng phải là Thượng đế. Theo như điều mà tôi tin, nếu thiền định chỉ đơn giản là sự tỉnh thức, thì bất kỳ kiến thức quá khứ nào tôi đã có về thiền định chẳng những vô dụng mà còn làm tan loãng những kinh nghiệm trực tiếp của tôi. Sự hiểu biết đối nghịch với sự tự nhiên,và chính sự phiêu lưu vào chốn không hiểu biết mới là đặc tính của thiền. Không vì chẳng có gì (cứ cho là vậy đi) đã là nội dung của hai trong số những quyển sách nổi tiếng đương đại nói về Phật giáo có tựa đề là Tâm thức người sơ cơ (Beginner’s mind) của Shunryu Suzuki (3) và Chỉ Đừng Nên Biết (Only don’t Know) của Seung Sahn (4). Tôi đã tưởng tượng rằng lần tới khi tôi mở hai tập sách ấy của mình ra, tôi chỉ thấy những trang giấy trắng.
Vậy thì thiền định nói về cái gì? Qua nhiều năm tôi đã nghe rất nhiều lời khẳng định về việc thực hành thiền định, rằng thiền định là về sự biết ơn, sự trống rỗng, là để làm sâu lắng (hoặc nếu bạn thích, là để làm cao thượng), để tỉnh thức, để từ ái, để khoáng đạt, để phát hiện hay nhận biết hay giải trừ bản ngã thật của một người (theo sự lựa chọn của bạn); để đạt tới sự giải thoát; nhận chân được bản lai diện mục; hiện hữu trong từng sát na; mở ngỏ cho điều kỳ diệu nhất; tịm kiếm sự an tịnh nội tâm; ngộ được Phật tính của mình; trở nên đồng nhất với vạn hữu; giũ bỏ mọi ảo tưởng; lấp đầy khoảng trống.
Thế nhưng, dường như đối với tôi, thiền định thực sự chẳng liên quan đến điều gì cả. Mọi cố gắng nhằm định nghĩa thiền định dựa trên bất kỳ điều gì chỉ làm cho vấn đề trở nên rối hơn, khiến cho thiền định có thể bị coi như một hệ thống tự cải thiện nào đó. Nói thật nhé, ngày nay chúng ta được cung cấp quá nhiều phương cách để trở nên một con người hoàn thiện hơn, để đạt tới gần Thượng đế hơn, để tìm được chính mình, và để cải thiện mọi hoàn cảnh. Chúng ta đang bị sa lầy trong các loại liệu pháp, những sách hướng dẫn về sự nỗ lực của bản thân, và những kỹ thuật – mà nhà hoạt động xã hội kiêm nhạc sĩ Bob Geldof (5) gọi là “nền kinh tế phồn vinh của các nhà tâm lý trị liệu, của các niềm tin tôn giáo có nơi người vẽ kiểu, và của các cửa hàng tâm linh” – vẫn tìm cách đối xử với cuộc đời của chúng ta cứ như là những dự án cần phải sửa chữa và điều chỉnh vậy. Nếu như thiền định là một thứ để thay thế cho tất cả những thứ đó? Phải chăng chính điều đối nghịch với việc sửa chữa, việc điều chỉnh, việc gắng sức, việc mong cầu không ngừng nghỉ tất cả mọi vật mới là điều khác biệt?
Đối với tôi, thiền định là một thứ bến tàu xa cách cái thể giới đầy dẫy những hoạt động tự cải thiện. Chẳng những không hề có những thứ như là phương pháp thiền định tồi mà cũng chẳng có những thứ như là phương pháp thiền định hoàn hảo. Thiền định chỉ là thiền định. Cho nên, khi tôi nghe những thuậtngữ như là “cố gắng” và “phương pháp rèn luyện” hoặc những lời lẽ như “đào sâu sự thực hành của thiền giả” và “tiến bộ trên con đường tâm linh” được thoát ra trong cùng hơi thở với từ “thiền định”, tôi chỉ cau mày ngán ngẩm. hãy cứ ngồi yên – chẳng làm gì hay mong muốn điều gì cả, hơi thở cứ đến và đi không cưỡng cầu, mắt thấy, tai nghe – trong cái trạng thái không cố gắng ấy, y nghĩ xôn xao như lá rụng.
Vậy thì kẻ được gọi là người ngồi thiền có kinh nghiệm này có thể đem lại cho ai đó một điều gì mới mẻ trong việc thực hành không? Có lẽ là không. Nếu điều mà chúng ta thật sự nói đến là sựtỉnh thức, làm thế nào chúng ta có thể giúp cho ai đó nhận biết điều gì đang xảy ra? Thiền định chính là điều đang diễn ra, không hơn, không kém. Không giống như một chủ đề về nghề thợ mộc chẳng hạn, nơi mà chúng ta phải học tập kinh nghiệm từ những người đã đi trước chúng ta, thiền định được xác định bởi sự tự nhiên, không phải bằng sự hiểu biết. Như Đại sư Kyodo đã nói, “sự thực hành chỉ có một cấp độ”. Có lẽ điều tốt nhất mà tôi có thể làm là bảo đảm với những người sơ cơ rằng mỗi người trong chúng ta đều bắt đầu lại với từng thế ngồi và từng hơi thở.
Hãy tin tôi. Tôi vẫn là người ngồi thiền có kinh nghiệm.

Chú thích:

1. Kyodo hay Kyudo Nakagawa (Trung Xuyên Cầu Đồng) (1927-1987), thiền sư Nhật Bản thuộc phái Lâm Tế, xuất gia từ năm 8 tuổi, đắc pháp với ngài Soen Nakagawa (Trung Xuyên Tống Uyên) ở Ryutaku-ji (Long Trạch tự), từ năm 1968 đến hoằng pháp ở Jerusalem, Israel suốt 30 năm trước khi đến Hoa Kỳ truyền bá Thiền học.
2. Lawrence Shainberg sinh trưởng tại Memphis, bang Tennessee, Hoa Kỳ. Ông gắn bó với thiền từ năm 1951 dưới sự hướng dẫn của Kyudo Roshi. Ông là tác giả của Ambivalent Zen, một tác phẩm thiền học được người Tây phương đánh giá cao.
3. Shunryu Suzuki (1904-1971), thiền sư Nhật Bản thuộc phái Tào Động, nổi tiếng với các hoạt động truyền bá thiền học ở vùng California, Hoa Kỳ.
4. Seung Sahn (Sùng Sơn Hành Nguyện đại Thiền sư) (1927-2004), một trong những người Hàn Quốc đầu tiên định cư để truyền bá Phật học Hàn Quốc tại Hoa Kỳ.
5. “Bob”Geldof là tên thân mật để gọi Robert Frederick Zenon, ca sĩ, nhạc sĩ, tác gia và nhà hoạt động xã hội người Ái Nhĩ Lan, tham gia tổ chức nhiều chương trình chống nghèo khó cho vùng Phi châu, từng được đề cử nhận giải Nobel Hòa bình, được Nữ hoàng Anh Elizabeth phong tước Hiệp sĩ.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 104 | BARRY EVANS Trần Khiết Bách dịch ■