Đi trên đường đời



Khi tôi học lái xe, tôi không ý thức được những điều tôi sắp viết. Lúc ấy, tâm trí tôi chỉ tập trung tất cả vào những lời hướng dẫn của người bạn dạy lái ngồi bên cạnh. Rồi sau đó, mười mấy năm trời, tôi lái xe, đi học, đi làm, đi lo công chuyện, đi chơi...,

mà không suy nghĩ gì hết. Thì lái xe là... lái xe, suy nghĩ cái gì nữa.Thế nhưng gần đây, một người bạn từ Việt Nam mới sang Mĩ; nhờ tôi dạy lái xe. Trong khi ngồi bên cạnh anh bạn, giảng giải về luật đi đường và cách lái xé, tôi chợt nhận ra một vài điều vô cùng quan trọng. Quan trọng không những cho việc lái xe, mà nhất là quan trọng cho tôi khi tiến bước trên đường đời.Điều khiến tôi quan tâm hơn cả là cái thắng. Trước đây tôi vẫn cứ tưởng trong chiếc xe, cơ phận quán trọng hơn hết là bộ máy. Không có bộ máy, hay bộ máy hỏng, chiếc xe không còn chạy được, nó sẽ không còn đáng gọi là ''xe'', vì không còn chức năng giúp người ta di chuyển nữa. Bộ máy thật quan trọng, điều ấy dĩ nhiên là đúng, nhưng cái thắng lại quan trọng hơn. Để tôi nói cho bạn nghe nhé: nếu chiếc xe thiếu bộ máy, hay bộ máy hỏng, chiếc xe không chạy được, và người định lái nó sẽ phải ngồi ở nhà, không thể tới được nơi định tới. Nhưng nếu chiếc xe có bộ máy tốt, chạy nhanh, mà xe không có thắng, hoặc thắng bị hư, thì người đó có nhiều ''cơ hội '' để không bao giờ lái bất cứ một chiếc xe nào nữa!
Trên xa lộ của các thành phố hay tiểu bang, xe cộ lao nhanh vun vút. Ai cũng muốn lái xe thật nhanh để sớm đến mục tiêu. Xe chạy càng nhanh thì thắng lại càng khó và khi thắng không kịp thì Xảy ra tai nạn. Sự thương vong không những xảy tới cho người lái xe, mà còn cho người lái những chiếc xe khác nữa.
Tôi nghĩ đến đường đời. Trên con đường này người ta cũng đua nhau lái xe nhanh, ai cũng mong cho mau đến mục tiêu, đến trước người khác càng tốt. Ít có ai ý thức rằng lái xe trên đường đời cũng y như lái xe trong thành phố hay trên xa lộ: chuyện tống ga cho xe chạy nhanh không quan trọng bằng việc đạp thắng cho xe dừng lại. Trên đường đời, người ta thường bị những mục tiêu danh vọng, tiền tài, địa vị lôi cuốn. Đó là những hấp lực, những cục nam châm có sức mạnh khiến người ta lao tới, đôi khi nhắm mắt mà lao tới, không còn biết đến những ai, những gì đang ở chung quanh mình. Điều đó khiến xảy ra những va chạm. Va chạm làm nên tai nạn, và tai nạn làm cho người ta mất luôn khả năng tiến tới. Người ta sẽ không đạt được mục tiêu. đồng thời lãnh nhận nhiều đau khổ.
Nghĩ đến điều đó, tôi mới thấy đi trên đường đời, nghệ thuật quan trọng là nghệ thuật biết dừng lại chứ không phải là nghệ thuật tìm cách tiến tới thật nhanh. Nhưng đã có mấy ai, mà tôi cũng thế, lúc nào cũng biết và dám can đảm dừng lại đúng nơi, đúng lúc? Đường trong thành phố còn có đèn xanh, đèn đỏ, còn có bảng ''stop'', còn có cảnh sát. Đường đời không có đèn xanh đèn đỏ, không có bảng, không có cảnh sát. Chính tôi phải kiểm soát tốc độ của tội, phải tự quan sát để tiến tới hay dừng lại. Sự kiểm soát chính mình và quan sát mọi sự chung quanh quả nhiên phải được gọi là một ''nghệ thuật sống''.
Khi hướng đẫn anh bạn học lái xe, tôi còn khám phá ra sự quan trọng trong việc phân biệt giữa ''đường'' và ''hướng ''. Khi tôi hỏi anh biết đường ấy chưa, anh trả lời là biết rồi, và quả nhiên anh tìm ra con đường ấy thật. Nhưng khi tôi bảo anh lái xe đến một địa điểm nằm trên con đường ấy thì anh chạy... ngược chiều. Nghĩa là càng ngày anh càng xa dần mục tiêu. Thay vì lái xe lên miền núi ở hướng Bắc thì anh cho chạy về miền biển ở hướng Nam.
Tôi có một anh bạn khác, lái xe tìm đến các địa điểm rất chính xác. Nghệ thuật của anh thật đơn giản: bao giờ trước khi lên xe, anh cũng mở bản đồ xem trước; tìm đường, định hướng cẩn thận; ghi ra giấy; rồi cứ nắm mảnh giấy mà lái xe. Trăm lần như một, anh đều đến mục tiêu một cách dễ dàng, chính xác và đúng giờ.
Thật ra, không phải bất cứ ai lái xe đều có thói quen tốt như anh bạn thứ hai của tôi. Chính vì thế mà khi lái xe trên đường, có nhiều người ngơ ngác, không biết là mình đang đi về hướng nào. Lại có những người không có ý niệm gì về những hướng Đông, Tây , Nam , Bắc! Lái xe là lái xe, lái theo thói quen, đến được đâu là do kinh nghiệm đã lái xe đến đó nhiều lần, không biết địa điểm đó nằm ở hướng nào kể từ điểm xuất phát.
Biết đường, xét ra không quan trọng bằng biết hướng. Không biết đường, người ta không đến được mục tiêu. Nhưng biết đường mà không biết hướng, người ta không đến được mục tiêu đã đành, mà còn xa dần mục tiêu hơn nữa.
Trên đường đời, có lẽ cũng có nhiều người biết ''đường'' mà không biết ''hướng''. Chính vì thế mới xảy ra chuyện "lạc nẻo đường đời'. Có người biết rất nhiều ''đường'' nhưng không biết, hay không để ý những ''đường'' đó dẫn mình đến ''hướng'' nào. Tôi hình dung ''đường'' là những kiến thức mình có, mà ''hướng" là lí tưởng của đời mình. Tài năng, kiến thức của mình cần đem sử dụng để phục vụ một lí tưởng chân chính, giúp mình càng ngày càng tiến gần đến lí tưởng hơn. Đặt sai hướng cuộc đời, phục vụ cho một ''lí tưởng'' sai lầm thì, kiến thức càng cao, hiểu biết càng rộng càng nguy hiểm và càng kéo người ta đến chỗ sai lạc nhiều hơn, nhanh hơn. Khi đó, giá mà không có kiến thức, có lẽ tốt hơn.
Kết hợp giữa tiến tới và dừng lại, và kết hợp giữa đường với hướng, tôi nhìn ta một điều rất quan trọng cho đời mình: tiến tới là chuyện tốt, nhưng tôi cần luôn tỉnh thức để biết dừng lại. Chính khi dừng lại, tôi định hướng xem mình đã đi đúng đường đúng hướng chưa. Nếu đi sai đường, đi ngược hướng, tôi còn kịp thời thay đường, chuyển hướng. Sự thay đường, chuyển hướng này đòi hỏi nơi tôi một sự can đảm và chân thành đến độ dám đặt lại cả vấn đề cuộc sống của mình.Một quan sát khác cũng đưa tôi đến một suy tư đặc biệt: thường thường khi lái xe, người ta hay chở theo nhiều người khác. Những người này đa số là người thân trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết. Nếu không may tôi đi lạc đường hay gây ra tai nạn thì những người này chịu cùng số phận với tôi. Chịu cùng số phận, chỉ vì họ đã tin tưởng trao sự an toàn của họ cho tôi. Trong cuộc đời, cũng có nhiều người chịu ảnh hưởng về những quyết định và hành động của tôi. Nếu tôi không ''thắng'' kịp, nếu tôi đi sai ''đường'' lạc ''hướng'', tôi đem lại khổ đau không những cho riêng tôi, mà cho tất cả những người ấy nữa. Chuyện đắng cay là những người ấy lại là những người gần gũi tôi nhất và tôi yêu thương nhất.
Làm xong công tác hướng dẫn lái xe cho anh bạn mới tới tôi nhận được nơi anh những lời cảm ơn nồng nhiệt, Tôi cũng cảm ơn anh, nồng nhiệt không kém. Anh có vẻ ngỡ ngàng không hiểu. Anh đâu biết được rằng nhờ có anh và chuyện học lái xe của anh, tôi học được những bài học vô cùng quan trọng cho cuộc đời mình.

Nhà Văn Quyên Di