GIAI THOẠI THIỀN: QUỐC SƯ VÀ HOÀNG ĐẾ.



Đời nhà Thanh, vua Thuận Trị có 1 hôm đặc biệt mời quốc sư Ngọc Lâm vào cung, xin chỉ dạy Phật pháp, vua hỏi:
- Trong kinh Lăng nghiêm có 7 chỗ chứng minh về tâm, và 7 chỗ hỏi tâm ở chỗ nào? Hiện nay, xin hỏi tâm ở 7 chỗ? Hay là chẳng ở 7 chỗ?


Quốc sư Ngọc Lâm đáp:
- Tìm tâm trọn chẳng thể được.
Vua Thuận Trị:
- Người ngộ đạo, lại còn có buồn, giận, thương, ghét không?
Quốc sư Ngọc Lâm đáp:
- Cái gì gọi là buồn, giận, thương, ghét?

Vua Thuận Trị:
- Núi sông, trái đất từ vọng niệm sanh, vọng niệm nếu dừng, núi sông, trái đất lại còn hay mất?
Quốc sư Ngọc Lâm đáp:
- Như người đang trong mộng được tỉnh dậy thì các việc trong mộng là còn hay mất?
Vua Thuận Trị:
- Làm sao dụng công?
Quốc sư Ngọc Lâm:
- Khoanh tay không làm (Không vọng tưởng).
Vua Thuận Trị:
- Thế nào là lớn?
Quốc sư Ngọc Lâm đáp:
- Ánh sáng chân tâm trùm khắp nơi, cành cây có gốc ngọn.
Vua Thuận Trị:
- Bản lai diện mục làm sao tham cứu?
Quốc sư Ngọc Lâm:
- Như Lục Tổ nói: "Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, chính khi ấy, làm sao hiểu bản lai diện mục".
Về sau, vua Thuận Trị gặp người nào cũng nói: "Cùng với quốc sư Ngọc Lâm 1 lần bàn luận, đúng là đã thấy nhau rồi, chỉ hối hận là gặp Ngài hơi muộn".


LỜI BÌNH:

Thuận Trị hoàng đế là 1 vị vua đã dày công tu học Phật pháp rất cao thâm, từ trong bài thơ Khen Ngợi Tăng có ghi:


"Khi chưa sanh ra ta là ai?
Lúc đã sanh rồi ta là gì?
Lớn lên thành người mới là ta,
Nhắm mắt mờ mịt lại là ai?
Chi bằng chẳng sanh lại chẳng tử,
Sanh thì vui mừng, chết lo buồn.
Vui buồn hợp tan nhiều lo nghĩ,
Khi nào thanh nhàn ai biết được? v. v...". 



Nên có thể biết tư tưởng hiểu đạo của vua rất khế hợp với Phật pháp".
Thuận Trị hoàng đế là vua của 1 nước lớn, thậm chí
ngài còn mơ ước được sống đời xuất gia làm tăng sĩ. Ngài nói:


"Vàng ròng ngọc quý chưa phải quý,
Chỉ khoác cà sa mới khó khăn;
Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày,
Chẳng bằng Tăng sĩ nữa này nhàn.
Long bào đổi được cà sa tía,
Chỉ vì trước kia một niệm sai;
Ta vốn Tăng sĩ ở Ấn Độ,
Vì sao sanh ở nhà đế vương?". 


Vua đối với quốc sư Ngọc Lâm rất cung kính, có thể suy nghĩ sẽ thấy rõ điều đó.
Quốc sư Ngọc Lâm là 1 vị cao tăng có thân hình nhiều phước tướng, thường ngày chỉ thích yên lặng, chẳng ưa nói nhiều, ngay cả khi vua hỏi về Phật pháp, quốc sư cũng chỉ nói tóm tắt giản lược, chẳng muốn nhiều lời, khiến người cảm đến 1 lời nói trong nhà thiền, cũng không dễ dàng nghe được


Tác giả: HT Tinh Vân

Người dịch: Thích Tuệ Thông