Biểu Đồ Vận Hành 18 Giới - Thiền Vipassanā

Biểu Đồ Vận Hành 18 Giới











Biểu đồ 3:















Thiền Vipassanā



Ngồi thiền 

Thiền thì đi đứng ngồi nằm gì cũng được, nhưng nếu ngồi thì cứ ngồi tự nhiên, tư thế nào thoải mái là được. Chủ yếu là ngồi thư giãn buông xả cho thân tâm nghỉ ngơi vô sự. Buông cái ngã lăng xăng phản ứng tạo tác xuống, thì tâm liền chánh niệm tỉnh giác một cách tự nhiên, đó chính là Thiền tuệ. Nếu thấy điều gì phát sinh nơi thân tâm thì chỉ lặng lẽ, vô tâm mà thấy nó sinh diệt chứ không can thiệp vào. Như vậy tất thấy thực tánh pháp. Còn nếu khi buông mọi tham muốn mà tâm lắng dịu, an ổn thì tâm sẽ tự vào hỷ lạc định xả một cách tự nhiên, đó là chánh định, vô ngã (chứ không phải định do cố gắng của bản ngã tạo thành). Có lúc tâm tự buông không còn cái ta ảo tưởng thì thực tánh pháp hiện ra rõ ràng, toàn diện và rất tự nhiên, không vướng vào bất cứ điều gì ở đời (Ngã, Pháp đều rỗng lặng).

Định trong thiền Vipassanā:

Theo Phật giáo Nguyên Thủy, hành giả có thể hành thiền Vipassanā mà không cần phải trải nghiệm bất kỳ một bậc thiền an chỉ (appanā) nào trong thiền sắc giới hay vô sắc giới, tuy nhiên yếu tố định thì tất yếu phải có mặt trong thiền tuệ, tối thiểu cũng là sát-na định (khanika samādhi). Nếu không có yếu tố định này thì cũng không thể có thiền tuệ. Kệ kinh Pháp Cú dạy rằng “không có trí tuệ nơi người không có định” (Natthi paññā ajjhāyino).
Tuy định là yếu tố không thể thiếu, nhưng cũng không cần phải đi quá xa vào sở đắc các bậc định như sơ định, nhị định, tam định, tứ định sắc giới hoặc vô sắc giới. Định đúng mức, chính đáng, thích ứng sẽ là nền tảng cho trí tuệ. Ngược lại, quá thiên về định hay không biết sử dụng đúng lợi thế và chức năng cho phép của định thì nó có thể trở thành chướng ngại cho tuệ giác, như ham thích hỷ lạc, say mê quyền lực thần thông, hoặc sử dụng vào những lãnh vực bất thiện, ngược với nguyên lý nhân quả v.v...
Trong năm yếu tố công năng cơ bản: Tín, tấn, niệm, định, tuệ, Đức Phật dạy nếu định trội hơn các yếu tố khác, phá vỡ sự cân đối, quân bình, hài hòa thì tâm sẽ nghiêng về tĩnh chỉ, thiếu hoạt dụng, do đó dễ sinh thụ động, tiêu cực đối với tướng dụng của pháp, đồng thời hôn trầm cũng phát sinh ngăn che thực tánh pháp, do đó không học được những pháp cần thiết cho sự giác ngộ toàn triệt mà phần lớn phải học từ cõi dục giới, nhất là cõi người, hơn là cõi hữu sắc hay vô sắc.
Mặc dù Bồ-tát Siddhattha, sau khi xuất gia tầm sư học đạo, đã đạt được những thiền chứng cao nhất mà các bậc đạo sư thời bấy giờ mong ước, nhưng ngài sớm thấy ra rằng đó không phải là cứu cánh của sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn, nên cuối cùng ngài đã từ bỏ để tự mình tìm ra con đường tuệ giác.
Chúng ta cần lưu ý một điều là định và tịnh tuy có trạng thái tĩnh chỉ, lắng đọng, an ổn… nhưng không có nghĩa là tâm đã thoát khỏi thế giới ý niệm (paññatti), thậm chí nó còn là sản phẩm của tưởng ở mức độ cao thâm vi tế, chỉ có trí tuệ (ñāna, paññā) chánh niệm tỉnh giác thấy rõ thực tánh (paramattha) mới có thể thoát khỏi sự ràng buộc của thế giới tư tưởng, quan niệm.*

http://coinguonhanhphuc.blogspot.com.au/2016/12/cot-loi-tuong-ong-giua-thien-vipassana.html#more