Tùy Duyên Thuận Pháp

Tuỳ duyên

Tuỳ duyên là tuỳ hoàn cảnh, tuỳ tình huống, tuỳ điều kiện khách quan hay tự nhiên đang diễn ra.

Thuận pháp

Thuận pháp là dù duyên đó thế nào thì cũng phải sống đúng với nguyên lý của đời sống (thực tánh chân đế), và phù hợp với quy định chung của cộng đồng xã hội mà mọi người đang chấp nhận (quy ước tục đế). Ví dụ: Một bác sĩ đang khám bệnh phải tuỳ vào tình trạng của bệnh nhân, tuỳ vào loại bệnh gì... (đó là tuỳ duyên) để cho thuốc đúng bệnh, đúng liều lượng, đúng pháp luật cho phép...(đó là thuận pháp) với tấm lòng lương thiện không chỉ vì tiền cho mình mà vì giúp cho người bệnh được bình phục... (đó là vô ngã vị tha).
Muốn sống được như vậy thì cần có một tâm hồn sáng suốt định tĩnh trong lành và muốn sống trong sáng suốt định tĩnh trong lành thì nên thường thận trọng chú tâm quan sát; muốn thận trọng chú tâm quan sát tốt thì  không nên buông lung, thất niệm và mê mờ mà nên thường trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân tâm trong mọi hoàn cảnh...

Tùy Duyên Thuận Pháp

Tùy duyên cần thuận pháp mới là chơn chánh, nếu tùy duyên không thuận pháp là tâm bất định hoặc sống ba phải. Do đó tùy duyên thuận pháp nghĩa là tùy lúc, tùy hoàn cảnh, tùy tình huống, tùy điều kiện để đối nhân, tiếp vật, xử thế sao cho phù hợp với Chánh Đạo. Nói cho dễ hiểu là biết tùy duyên nào nên thấy biết rõ ràng, duyên nào nên suy nghĩ chín chắn, duyên nào nên nói năng chân thật, duyên nào nên hành động đúng tốt, duyên nào nên sinh sống hợp đạo, duyên nào nên chuyên cần nỗ lực, duyên nào nên trọn vẹn nhất như, duyên nào nên an nhiên tĩnh lặng.
Thí dụ: Khi gặp thuận duyên thì không tưởng tượng lung tung mà cần nhận biết rõ ràng thân tâm cảnh lúc đó (chánh kiến), không suy nghĩ phóng đại để thêu dệt thuận duyên đó lên, mà cần suy xét nghiêm túc (chánh tư duy), không nói năng khoa trương thuận duyên của mình mà cần nói đúng sự thật (chánh ngữ), không hành động vì mình hại người để bảo vệ thuận duyên mà cần xử sự đúng tốt (chánh nghiệp), không lợi dụng cơ hội thuận lợi của mình để sống bất chánh mà cần sống tri túc, vừa phải, biết chia sẻ cho người khác (chánh mạng), không vì thuận cảnh mà buông lung phóng dật, vẫn luôn tinh tấn trở về với thực tại (chánh tinh tấn), không dính mắc hay đắm chìm vào thuận duyên mà nên trọn vẹn biết mình (chánh niệm), không phân tâm tán loạn vì thuận lợi đó mà thường an trú tâm tĩnh lặng trong sáng (chánh định). Đối với nghịch cảnh cũng vậy.
Muốn sống được tùy duyên thuận pháp như vậy, dù gặp hoàn cảnh nào cũng tùy duyên đó mà biết thận trọng chú tâm quan sát, thì tâm mới trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại được, nhờ vậy tâm mới có thể luôn trong lành, định tĩnh, sáng suốt. Như vậy thì dù gặp duyên thuận hay nghịch gì tâm vẫn rỗng rang, tĩnh lặng, trong sáng, đó mới thật sự là người biết sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha, không tùy duyên theo nghĩa buông lung phóng dật vì như vậy gọi là phan duyên chứ không phải tùy duyên.

Viên Minh 

Bốn mùa cảnh sắc đổi tự nhiên
Thỉnh thoảng sai nghịch cũng tự nhiên.
Chỉ biết thiên nhiên là thế đấy
"Ở đời vui Đạo hãy tùy duyên."

"Ở đời vui đạo hãy tùy duyên"
Duyên đến duyên đi cũng vẫn thiền
Tự tại an nhiên như thế đấy
Sáng trong, rỗng lặng, đạo hồn nhiên.

Theo mục hỏi đáp 
trungtamhotong.org