Pháp Ngữ

- Tu không phải chỉ là đi chùa, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật... là đủ...
Ăn chay, niệm Phật là pháp môn phương tiện có những lợi ích nhất định tùy căn cơ trình độ mỗi người, nhưng tu không phải chỉ là đi chùa, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật... là đủ, mà là sự quan sát, chiêm nghiệm tinh tường đời sống thực tế để thấy ra toàn bộ sự mâu thuẫn trong bản thân mình, sự xung đột trong mối quan hệ gia đình, và những ràng buộc trong cuộc sống nhân quần xã hội. Có như thế con mới có thể bén nhạy trong khả năng điều chỉnh nhận thức và hành vi của chính mình và giúp ích người khác.
- Cái sai lớn nhất của người tu hành là...
...Cái sai lớn nhất của người tu hành là muốn nỗ lực để tạo ra cứu cánh hoặc muốn sở hữu cái mình cho là đúng, là tốt, là lý tưởng cao siêu nhất . Không biết rằng tâm mình vốn thanh tịnh trong sáng mà cứ mải mê hướng ngoại tìm cầu...
- Tu là trở về với tánh biết rỗng lặng trong sáng
Tu là trở về với tánh biết rỗng lặng trong sáng (tâm là chói sáng) ở đó không sinh, không hữu, không tác, không thành chứ không phải là nỗ lực sinh, hữu, tác, thành để rồi trôi lăn trong luân hồi sinh tử.
Đại Sư Viên Minh


-- Nhiều đời nhiều kiếp mình tạo nghiệp khác nhau, nên vọng tưởng cũng không giống nhau. Nghiệp nặng thì vọng tưởng nhiều, nghiệp nhẹ thì vọng tưởng ít. Ðó là tỷ lệ giữa nghiệp và vọng tưởng.
-- Trong chùa, mình phải tiết kiệm tất cả mọi thứ, vì rằng: Thương tiếc vật của thường trụ (chùa), như bảo vệ con mắt mình.
-- Không yêu không ghét là trung đạo. Tu đạo là tu cái gì? Chính là tu trung đạo. Ðối với ai mình cũng đối xử bình đẳng, từ bi quan hoài. Song song bạn phải cẩn thận trong hành động, không để lọt vào lưới tình, rọ ái.
-- Người tu phải làm sao khôi phục trở lại cái không. Nghĩa là mình phải ''phản bổn hoàn nguyên'' để viên mãn bản tánh là tạng đại quang minh, là trí huệ tròn đầy như kính (đại viên kính trí), không có gì thiếu sót.
-- Thế nào là động đất? Tức là khi lòng dục vọng động. Không động đất tức là Niết Bàn.

Đại Sư Tuyên Hóa