Thư gởi Thầy (61) Tác giả: Phạm Văn Quân




Huế 21/8/2013
Thầy kính mến!
Đây là bức thư viết tay đầu tiên của con. Có lẽ là con hơi vụng về trong cách diễn đạt của mình. Hôm nay, nhân ngày lễ Vu Lan chắc Thầy bận lắm. Đã nhiều lần con định viết thư cho Thầy, nhưng sau đó lại thôi, có lẽ là con muốn cảm giác thật tự nhiên. Con xin phép được kể với Thầy một câu chuyện dài.
Con sinh ra trong một gia đình vốn có truyền thống Phật Giáo từ lâu. Từ nhỏ con được ông nội dẫn tới chùa nhưng lúc đó con không quan tâm tới vấn đề tôn giáo lắm. Tuổi thơ con gắn liền với bạn bè rong chơi trên những cánh đồng hoặc thả mình dưới nước phá Tam Giang. Quả thật chẳng có gì đẹp hơn thời thơ ấu. Sau này con có một niềm đam mê khác đó là đam mê học hành. Sau thời gian rong chơi cùng bạn bè, con dành thời giờ còn lại để đọc sách, tìm hiểu mọi thứ xung quanh mình. Có những lúc con đã tự hứa với lòng mình là phải cố gắng học tập thật tốt để có thể làm điều gì đó cho cuộc sống này. Những ngày tháng đó thật là hạnh phúc khi con có thể làm vui lòng cha, mẹ, thầy, cô, bạn bè.
Nhưng có một biến cố lớn đã xảy ra, và cũng chính từ biến cố này đã khiến cho con dành nhiều thời gian để tìm hiểu các truyền thống tôn giáo, và cuối cùng là gặp thầy. Đó là khi con khoảng mười bốn tuổi. Không biết vì sao trong con có một cảm giác hoảng loạn khi phải tiếp xúc với mọi người xung quanh. Những cảm giác này cứ luôn ở bên con, khiến con phải âm thầm chịu đựng. Con cũng không biết phải làm gì để thoát khỏi vòng tay của nó. Và càng tìm cách để thoát thì nó lại càng trói chặt lấy con. Ba năm sau, con bị chứng suy nhược thần kinh. Một năm sau đó, sau khi tốt nghiệp xong lớp mười hai thì con phải nghỉ học mất hai năm. Thế là bao nhiêu dự định, hoài bão, ước mơ của con đã tiêu tan.
Sau đó, con xin vào làm công nhân ở Nha Trang. Ban đầu, quả thật là hơi khó khăn vì từ nhỏ đến lớn con ít khi phải lao động chân tay, nhưng rồi con cũng quen dần. Mỗi tháng khi được nhận lương, con liền đi đến quầy sách để tìm đọc những cuốn sách mình yêu thích mà phần lớn là sách về Phật Giáo và văn chương. Ở cạnh gần đó, có một thiền thất nhỏ mà mọi người có thể ngồi thiền với các vị tu sĩ vào khoảng bảy đến chín giờ tối mỗi ngày. Mỗi ngày sau khi đi làm xong, con cũng hay tới đây để ngồi thiền cùng với mọi người. Có đôi lúc con có cảm giác rất an lạc. Nhưng chỉ một thời gian sau, những nỗi buồn bã lại trở lại.
Sau khi trở lại Huế, con cũng có tìm hiểu một số phương pháp, nhưng sau đó cũng lại bỏ như lần trước. Lúc này con lại trở về với những cảm giác buồn bã, chán nản trước đây. Nhưng tận sâu thẳm trong linh cảm của mình, con cảm nhận rằng sắp tới đây mình sẽ gặp được vị thầy thích hợp có thể cho mình biết đâu là thiền đích thực của Phật Giáo. Và khi con muốn buông bỏ tất cả mọi thứ cho dù đó là thiền, là đạt được điều gì đó, để làm điều gì đó... thì con lại gặp Thầy một cách tình cờ.
Khi con vào trang www.yenlang.net ở đó có mục "tham vấn với hòa thượng Viên Minh", từ đó con biết trang www.trungtamhotong.org. Ở đây có rất nhiều bài pháp thoại và mục hỏi đáp mà mọi người có thể gởi cho Thầy về những thắc mắc của mình. Và cùng thời gian này, khoảng tháng ba năm 2013, Thầy có ghé chùa Pháp Luân để giảng Pháp. Lúc này con đang học tại một trường cao đẳng cạnh chùa Pháp Luân. Mỗi ngày sau khi học xong, khoảng 6 giờ con ghé qua chùa Pháp Luân để nghe pháp thoại của Thầy. Những bài pháp thoại đã giúp con trưởng thành rất nhiều để con hiểu một điều là:"bao lâu con còn đòi hỏi một cảm giác bình an thì con sẽ tự rước bất an về với mình"và hãy "thuận pháp tùy duyên" chứ không phải là sự lựa chọn giữa "khổ đau và hạnh phúc", để rồi lại rơi vào "hữu ái, phi hữu ái, dục ái". Lúc đó chỉ có "thiền hành" chứ không phải là hành thiền nữa. Trước đây con cứ nghĩ thiền là ngồi nhắm mắt lại theo kiểu bán già, kiết già... Nhưng bây giờ con rất ít khi ngồi thiền như vậy. Chỉ có đôi lúc rảnh rỗi thì con ngồi như ngồi chơi, thư giãn, buông xả để mọi thứ như nó đang là. Phần lớn thời gian còn lại, con thận trọng, chú tâm, quan sát trong mọi hành động của mình.
Năm tháng vừa qua, kể từ ngày gặp Thầy lần đầu tiên, con cảm thấy cuộc sống của con rất nhiều điều hạnh phúc, thảnh thơi. Nhân ngày lễ Vu Lan, con chúc Thầy thân, tâm an lạc và những chuyến hoằng pháp sắp tới của Thầy tràn đầy viên mãn.
Kính thư,
Phạm Văn Quân