|
CÁI TÔI
Cái tôi là sản phẩm của thời gian, đó là một trong những khẳng định của Krishnamurti. Ông dùng khá nhiều từ ngữ tiếng Anh để chỉ bản ngã của con người, tự ngã, siêu ngã, đại ngã, tiểu ngã… giống như trong tiếng Việt có khá nhiều từ để dịch cho sát, nhưng hầu hết các đoạn trong sách chúng tôi đều dịch là cái tôi, là xét theo ý nghĩa Krishnamurti dùng, vì ông cho rằng các từ ấy đều chỉ là một thứ thôi, và chẳng có cái ngã nào là hay hơn cái ngã nào, tất cả đều là sản phẩm của thời gian, đều do quá trình thời gian hun đúc thành. Cái tôi này chẳng có gì tốt đẹp hay linh thiêng, vì thời gian tự bản chất không có tính linh thiêng. Khái niệm ý thức và vô thức được phân biệt rạch ròi trong tâm phân học, nhưng đối với Krishnamurti chúng đều như nhau, đều hời hợt và nông cạn như nhau, vì cả ý thức và vô thức đều là sản phẩm của thời gian, do quá trình sống hay được truyền thừa từ người đi trước. Có thể hoạt động của vô thức khó nhận ra hơn ý thức, nhưng không phải vì nó là vô thức mà vì tâm trí con người bị nỗi ám ảnh của thời gian làm cho kiệt quệ nên không hiểu được nó. Ông cho rằng đối với một tâm trí nhạy cảm thì vô thức và ý thức đều như nhau, tức đều là cặn bã ký ức.
“Một trong những nguyên nhân chính gây xung đột là có một trung tâm, một tự ngã, một bản ngã, là cặn bã của mọi ký ức, của mọi kinh nghiệm, của mọi tri thức. Trung tâm đó luôn luôn cố gắng thích ứng với hiện tại hoặc nuốt chửng hiện tại vào nó – cái hiện tại là ngày hôm nay, là mọi khoảnh khắc gồm có thách đố và đáp ứng của cuộc sống. Nó muôn đời diễn dịch bất cứ gì nó gặp theo ngôn ngữ của những điều đã biết. Những gì đã biết là tất cả nội dung của hàng ngàn ngày hôm qua, và với mớ cặn bã đó, nó cố gắng gặp gỡ hiện tại. Từ đó nó cải tiến hiện tại và trong chính quá trình cải tiến đó nó thay đổi hiện tại, và rồi tạo ra tương lai. Trong quá trình quá khứ diễn dịch hiện tại và tạo ra tương lai, bản ngã, cái tôi, cái trung tâm này bị trói buộc. Đó chính là chúng ta.”
Krishnamurti xem cái tôi chỉ là một mớ ký ức tích tập qua thời gian. Những biểu hiện khác mà người ta thường dùng để bảo vệ cái tôi, như sự sáng tạo, sự khác biệt trong tính cách, cũng không được Krishnamurti xem trọng; ông vẫn cho rằng các biểu lộ bề ngoài có vẻ khác biệt ấy có nguồn gốc chung từ quá trình tích tập trong thời gian, do cặn bã tích tập ở mỗi cá nhân khác nhau. Vì thế cái tôi được Krishnamurti xem là kết quả của thời gian, là đỉnh cao của sự hung tàn.
“Cái tôi là gì? Nếu thực sự nhìn chính mình sẽ thấy rằng đó là một mớ kinh nghiệm được tích lũy, các vết thương tâm lý, ý tưởng, ý niệm, ngôn từ. Đó chính là chúng ta: Một mớ ký ức. Chúng ta đang xem xét một điều khá phức tạp, nhưng nếu tôi đi vào từng bước thì có lẽ nó sẽ sáng tỏ hơn. Về mặt tâm lý chúng ta là kết quả của hoàn cảnh giáo dục và xã hội. Xã hội với các chuẩn mực đạo đức, niềm tin và giáo điều của nó, với các mâu thuẫn, xung đột, tham vọng, tham lam, ganh tị, chiến tranh của nó, là chính chúng ta. Chúng ta cho rằng tự bản chất chúng ta có tâm linh, có linh hồn, chúng ta thuộc về thượng đế, nhưng đó chỉ đơn thuần là những ý tưởng tuyên truyền bởi các tổ chức tôn giáo, hoặc chúng ta nhặt chúng từ sách vở, hay từ cha mẹ, là những người phản ánh sự khuôn định của một nền văn hóa đặc thù nào đó. Vì thế về bản chất chúng ta chỉ là một mớ ký ức, một mớ ngôn từ.
Ký ức đồng nhất với tài sản, với gia đình, với tên tuổi, mỗi chúng ta chỉ là như thế, nhưng chúng ta không thích khám phá ra sự kiện đó ở mình, vì nó quá khó chịu. Chúng ta thích nghĩ rằng con người là một thực thể thông minh phi thường, nhưng chúng ta không được vậy đâu. Chúng ta có thể có khả năng làm thơ hay vẽ tranh, chúng ta có thể quỉ quyệt trong kinh doanh, hay rất khôn khéo khi cắt nghĩa một chủ thuyết thần học nào đó; nhưng thực sự chúng ta chỉ là một mớ các thứ được ghi nhớ - các tổn thương, đau khổ, sự hão huyền, sự thành bại trong quá khứ. Các thứ đó chính là chúng ta. Một vài người có thể mơ hồ nhận ra rằng chúng ta là cặn bã của quá khứ, nhưng chúng ta không nhận biết sâu sắc, và bây giờ chúng ta thử xem lại, nhưng không có nghĩa là thu thập tri thức về mình đâu. Xin hãy thấy sự khác biệt.
Ngay lúc thu thập tri thức về mình là chúng ta đang gia cố cho tự ngã trong cặn bã quá khứ. Để nhìn thấy các sự kiện thực đúng về mình từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, phải trong sáng với mọi tri thức về mình… Khi nói rằng tôi có kiến thức về chính mình thì điều đó có nghĩa là gì? Giả sử tôi bị xúc phạm, hay được khen tặng, kinh nghiệm đó lưu lại thành ký ức trong tâm trí tôi.”
Cái tôi theo Krishnamurti chẳng có gì là tốt đẹp hay linh thiêng trong đó, dù được hiểu theo nghĩa siêu ngã hay đại ngã hay linh hồn. Hành động vị ngã của con người ngày càng được xã hội khuyến khích trong nhiều hình thức vi tế, và sự củng cố cái tôi ngày càng chui xuống tận đáy sâu, mặc dù bên ngoài người ta cố làm ra vẻ quên mình để hòa nhập vào cộng đồng, và cộng đồng ấy cũng là một cái tôi được đồng hóa, được khuếch trương ở một bình diện rộng hơn. Trong cuộc sống thường nhật, sự phô trương, khoác lác về cái tôi là điều ai cũng biết chẳng hay ho gì và chẳng gây được thiện cảm trong mối giao tiếp, nhưng hầu như mọi người cứ tiếp tục phô bày cái tôi mình ra dù bằng hình thức quá thô thiển hay tế nhị. Krishnamurti cho rằng sự củng cố cái tôi đã là nguyên nhân chính cho mọi cuộc chiến tranh đã và đang xảy ra.
“Con người đã đau khổ. Nội tâm con người luôn luôn sống trong một bãi chiến trường của hoạt động tự ngã, cái tôi phải ưu tiên còn người khác thì thứ yếu. Cái tôi phải được ưu tiên, như mối quan tâm của tôi, sự an toàn của tôi, lạc thú của tôi, thành công của tôi, địa vị của tôi, danh tiếng của tôi. Cái tôi phải được ưu tiên, chính là cái tôi đồng hóa với quốc gia, với gia đình, với học thuyết. Và chúng ta hy vọng rằng qua sự đồng hóa sẽ giải tỏa được cái tôi. Chúng ta biết nguyên nhân rồi, nguyên nhân đó chính là thuyết vị kỷ, hay nói trắng ra, nguyên nhân là hoạt động vì tôi. Tất cả chúng ta đều biết vậy. Chúng ta cũng biết hậu quả sẽ như thế nào, nó sẽ tạo ra gì trong thế giới – tức là chiến tranh. Chiến tranh là biểu lộ cùng tột của xung đột bên trong. Chiến tranh xảy ra mọi thời, mọi nơi, trong thế giới kinh doanh, trong thế giới chính trị, trong thế giới của người theo tôn giáo, giữa các ông đạo, các giáo phái khác nhau, các tín điều khác nhau. Chúng ta thừa biết vậy. Trí thông minh bảo chúng ta rằng sự thể là như vậy, nhưng chúng ta lại không sống hòa bình được.
Vì thế hòa bình không thể có được chỉ nhờ phân tích nguyên nhân hay hiện tượng. Người ta phải đi vào một khía cạnh khác, một chiều kích khác. Nào hãy đi vào một chiều kích khác, nếu bây giờ các ngài cùng làm với tôi, các ngài sẽ tự tìm ra cách đến với nó, nhưng không phải bằng tri thức, không phải bằng tình cảm, không phải bằng ngôn từ. Bởi vì các ngài đã làm mọi thứ đó rồi, các ngài đã chơi đùa với trí thức và trí não các ngài sắc bén như dao, nhưng các ngài cũng chưa giải quyết được vấn đề. Các ngài khóc vì chiến tranh, nếu con hay chồng ngài hay anh ngài bị giết; các ngài dễ cảm xúc, rất tình cảm, nhưng các ngài đã không giải quyết được chuyện đó. Cho nên trí thức hay tình cảm chỉ đơn thuần là ngôn từ, đọc kinh sách bất tận, làm mọi việc khờ khạo với danh nghĩa tôn giáo, tham gia các trò đùa đang diễn ra – mọi thứ này đã không ngăn chận được người giết người. Các ngài giết người không chỉ bằng dao hay súng, mà còn bằng lời lẽ, bằng cử chỉ, khi các ngài tranh hơn với người khác nơi làm việc, khi các ngài hùng hổ, tàn nhẫn, tìm thành công cho mình – tất cả các thứ đó là chiến tranh. Vì thế tri thức, tình cảm, mớ chữ nghĩa được xếp gọn thành ý tưởng, chưa bao giờ giải quyết được bất kỳ vấn đề nào của các ngài. Các ngài phải tìm ra một cách sống khác trong đó không có bất kỳ xung đột nào.”
Sự ích kỷ, hoạt động vị ngã được Krishnamurti phân tích không chừa một ai, từ người thư ký nghèo khổ cho đến các nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới, từ người vợ nhu mì trong gia đình cho đến các nhà tu hành xả thân giúp đời. Nhưng đó không phải là cái nhìn chua chát về bản chất con người, đó là một sự thực về nỗi đau thời gian, theo Krishnamurti.
“Hầu hết người ta đều ích kỷ, vị kỷ. Họ không ý thức được sự vị kỷ mà xem đó là lối sống của họ. Và khi người ta nhận ra mình vị kỷ thì vội giấu biến đi và cố thích nghi vào mẫu mực xã hội vốn đã vị kỷ. Tâm trí vị kỷ rất quỉ quyệt. Hoặc nó công khai biểu lộ ích kỷ một cách tàn nhẫn, hay qua nhiều hình thức khác. Nếu họ là nhà chính trị thì lòng vị kỷ khiến họ tìm kiếm quyền lực, địa vị và tiếng tăm, nó đồng hóa vào một ý tưởng, một nhiệm vụ, và mọi thứ đều bảo là vì dân. Nếu họ độc đoán thì sẽ biểu lộ nó qua sự thống trị tàn nhẫn. Nếu họ theo khuynh hướng tôn giáo thì lòng vị kỷ có hình thức tôn kính, sùng mộ, kiên định với niềm tin, tín điều. Trong gia đình cũng có sự vị kỷ, cha mẹ theo đuổi lòng vị kỷ của mình theo nhiều cách sống. Danh tiếng, tài sản, sắc đẹp tạo thành bề mặt che giấu hoạt động ngấm ngầm của cái tôi. Nó nằm trong cơ cấu phẩm trật của một giáo hội, bất kể họ tuyên bố lòng yêu thương thượng đế như thế nào, hay lòng kiên định của họ vào thần thánh tự tạo của riêng họ ra sao. Các nhà điều hành đại công ty hay người thư ký nghèo khổ đều có cảm giác mê muội muốn bành trướng cái tôi này. Nhà tu hành đã từ bỏ kiểu sống thế gian có thể lang thang khắp nơi hay nhốt mình trong tu viện cũng chẳng bỏ được hoạt động không ngừng của cái tôi. Họ có thể đổi tên, quấn vải, hay thệ nguyện tịnh thân, tịnh khẩu, nhưng họ bị thiêu cháy bởi lý tưởng, bởi ảo ảnh, bởi biểu tượng nào đó.
Nhà khoa học cũng thế, các triết gia và giáo sư đại học cũng thế. Người làm việc thiện, các thánh nhân, đạo sư, những người làm việc miệt mài vì người nghèo, họ đều muốn quên mình trong công việc, nhưng công việc của họ chính là lòng ích kỷ. Họ biến đổi sự ích kỷ của mình vào công sức của họ. Nó bắt đầu từ thơ ấu cho đến lúc già nua. Sự tự phụ về kiến thức hay sự khiêm nhường do tập luyện, từ các nhà lãnh đạo cho đến người vợ ngoan ngoãn hay người chồng hống hách, tất cả đều mắc căn bệnh này. Cái tôi đồng hóa với quốc gia, với vô số phe nhóm, với vô số ý tưởng và lý tưởng, nhưng nó vẫn y hệt như tình trạng lúc đầu của nó.
Con người đã cố gắng thử qua nhiều cách luyện tập, phương pháp, hay thiền định để giải thoát cái trung tâm gây ra khốn khổ và hỗn loạn này, nhưng như một cái bóng, người ta không bắt được nó. Nó luôn ở đó, lọt qua kẻ tay của họ, lọt qua tâm trí của họ. Đôi khi nó trở nên mạnh mẽ hay yếu đi tùy theo hoàn cảnh. Người ta chận nó chỗ này, nó chường ra chỗ nọ…
Vị kỷ là vấn đề cố hữu của cuộc đời chúng ta. Sự thích ứng hoàn cảnh và bắt chước là thuộc về cái tôi, cũng như sự tranh đua và thi thố tài năng một cách tàn nhẫn.”
Hẳn nhiên sự tàn nhẫn của cái tôi cần chấm dứt, nhưng có thể chấm dứt được nó không? Krishnamurti cho rằng khi nhìn ra cái tôi chỉ là một mớ ký ức và ngôn từ, và do đó nó là sản phẩm của thời gian, là ký ức, là sự tích tập trong quá trình thời gian, vậy thì bẻ gẫy vòng cương tỏa của thời gian thì cái tôi sẽ không có nơi nương tựa. Người ta đã cố công luyện tập nhiều phương pháp để khống chế và kìm hãm cái tôi, nhưng vì họ không hiểu được cái tôi là sản phẩm của thời gian nên mọi gắng sức của họ đều phí công.
“Sự mê muội là thiếu hiểu biết về mình, về cái tôi. Tôi muốn nói cái tôi bình thường hoạt động thường ngay, không phải cái tôi đặc biệt nào đó. Tôi muốn nói về cái tôi thường ngày đi làm, cãi nhau, tham lam, cái tôi sợ chết và sợ sống, cái tôi tìm kiếm, dọ dẫm, cái tôi đau khổ, sống trong xung đột, cái tôi quằn quại đau đớn vì mọi thứ, cái tôi thờ ơ. Không biết về cái tôi đó mà đi tìm cái tôi tối thượng nào khác là chuyện vớ vẩn, là hoang tưởng của người không tự biết mình. Vì thế người nào không biết rằng mình chỉ là một mớ ký ức – cả hữu thức lẫn vô thức, là toàn bộ hiện thể mình – người đó chỉ là kẻ mê muội. Vậy thì người đó phải hiểu toàn bộ cơ cấu ký ức của mình và các đáp ứng dựa trên ký ức đó, phải quan sát, nhận ra, xem xét. Hầu hết chúng ta đều không muốn làm điều này, chúng ta muốn tìm đến ai đó nói cho mình biết phải làm gì… Quan sát chính mình là quan sát ngôn từ, cử chỉ, ý tưởng, cảm giác, các phản ứng, sự chịu đựng sỉ nhục, phấn khởi vì lời khen. Khi quan sát chính mình các ngài sẽ thấy mọi uy lực như truyền thống, điều người ta nói hay không nói, uy lực của đạo sư, của sách vở, sẽ hoàn toàn chấm dứt, bởi vì các ngài trở thành ánh sáng cho chính mình. Và điều này là tối cần vì chẳng có ai có thể cho các ngài chân lý, chẳng có ai có thể chỉ nó ra cho các ngài.”
Krishnamurti đã liên kết sự mê muội với nỗi đau thời gian, không tự biết mình, không biết rằng mình chỉ là một mớ ký ức quá khứ là sự mê muội. Hơn nữa, chạy tìm sự hiểu biết về mình từ sách vở, từ các vị thầy, từ những điều người khác nói vẫn là hoạt động trong vòng thời gian của một tâm trí mê muội. Ông nói rằng chỉ khi tự mình là ngọn đèn soi sáng cho chính mình thì vòng cương tỏa của thời gian đã hình thành nên cái tôi mới bị bẻ gãy.
“Vậy chúng ta hãy đặt một câu hỏi sâu xa hơn: Liệu cái tôi, bản ngã, tự ngã, mọi hành động vị kỷ, tức là động thái của ký ức, liệu cái tôi này có thể nào chấm dứt? Không phải bằng kỷ luật, bằng khống chế, bằng đè nén hay đồng hóa với các thứ to lớn hơn, vì đó vẫn còn là hoạt động của cái tôi. Liệu cái tôi có thể chấm dứt? Các ngài có thể hỏi, nếu cái tôi chấm dứt, có chỗ nào cho tôi trong xã hội không? Tôi sẽ làm gì đây? Trước tiên là hãy chấm dứt nó rồi khám phá sau, đừng làm ngược lại.
Đây là câu hỏi rất nghiêm túc. Không ai có thể nói cho ngài biết, dù là ở thế giới bên này hay thế giới bên kia – mà có lẽ chúng ta thích tìm huấn thị từ thế giới bên kia hơn. Không ai trên trái đất này có thể nói cho ngài biết làm sao để chấm dứt nó. Nhưng hãy thử quan sát mọi sự kiện này mà không phản ứng, chẳng hạn tôi quan sát sự kiện rằng tôi bị tổn thương về mặt tâm lý bởi vì con tôi, cha tôi đã làm gì đó tổn thương tôi, tôi quan sát tổn thương đó mà không có một sự chống kháng, không có hành động nào để làm tôi đừng bị tổn thương hay lưu giữ mãi trong lòng như người ta thường làm. Khi quan sát sự tổn thương, vết thương tâm lý đó mà không phản ứng lại nó, lúc đó người ta thấy rằng vết thương biến mất hoàn toàn. Cùng cách như vậy, hãy quan sát khi ký ức trổi dậy, hãy nhìn bản chất của nó, diễn biến của nó. Toàn bộ bản chất hoạt động hàng ngày của chúng ta dựa trên điều này. Và ký ức hết sức giới hạn. Tư tưởng có thể sáng chế ra vô hạn, nhưng tư tưởng tự nó đã giới hạn nên sự vô hạn của nó cũng giới hạn, dù nó giả vờ mình vô hạn.”
|
[ Ðầu trang ]