Ai Tu? Ai Giác Ngộ?

Trên cao, mây vẽ những mảng chập chùng giữa tầng không một màu lam bạc, trời Sydney vẫn chưa tỉnh giấc nhưng âm thanh xe cộ ngược xuôi đã đánh thức một bình minh của tấp nập mưu sinh. Vy tản bộ cùng làn gió sớm mơn man dịu dàng thanh khiết. Hốt nhiên, càn khôn bừng vỡ trong nàng từng lỗ chân lông, vũ trụ đang thở sâu mùi tinh khôi bát ngát trọn vẹn nét nguyên sơ tĩnh lặng. Khoảnh khắc ấy, không còn biên giới cách ngăn giữa Vy với vạn loài, giữa Vy và người trong thế giới tương giao vĩnh hằng lấp lánh một loại tình thương toàn chân mỹ thiện.
Tất cả những nghi vấn đè nặng "Ý nghĩa đích thực của cuộc sống là gì? Ai tu? Ai giác ngộ? Sanh tử luân hồi của kiếp người?" từ bao nhiêu năm nay bỗng nhiên biến mất, mọi sự đột nhiên bùng mở.


Là một đứa bé lớn lên nơi xứ người mang ít nhiều nền giáo dục phóng khoáng tây phương, những năm ở đại học nàng thường được nghe những vị Thiền sư đến trường giảng Pháp. Sau khi tốt nghiệp, nàng và các bạn rủ nhau qua trường Thiền Miến Điện dự khóa tu mười ngày. Sau khóa tu, nàng nói với các bạn: "Mẫu bạn trai lý tưởng của mình là người phải biết Đạo Phật và biết Thiền". Bạn bè cười nhạo vào sự ngây ngô của nàng, mặc dù, các bạn gái đều có cùng ý nghĩ như nàng. Nhưng sau khóa tu trở về đời thường, các bạn phải lo kiếm việc và đi làm, còn nàng lại tiếp tục đăng ký những khóa tu khác nhưng là những khóa kéo dài một tháng. Sau khóa tu lần hai, nàng tự nhủ: "Bạn trai của mình phải là người Thiền giỏi và phải đạt quả Dự Lưu."
Vy kể Ngọc nghe suy nghĩ tìm chồng giữa chốn Thiền môn. Ngọc lăn xuống ghế ôm bụng cười nắc nẻ, chưa bao giờ Ngọc nghe chuyện lạ đời đến thế, đi dự khóa tu để kiếm người vào dòng thánh làm chồng! Nhưng Ngọc bỗng ngưng cười khi thấy nét mặt ngây thơ thánh thiện, cặp mắt to đen lay láy của Vy đang chăm chú nhìn mình, Vy không hiểu tại sao Ngọc cười khi nàng có ý định tìm một người chồng ẩn tình huynh muội, chàng sẽ không bao giờ thối thất tâm bồ đề, chàng sẽ là áng mây hồng che bóng mát mái hiên nàng. Vy rất đẹp! Một gương mặt dịu dàng thanh tao thu hút như vậy, sẽ có biết bao chàng động lòng ái mộ.
Sau những khóa tu thiền đó, Vy vẫn chưa có tiến triển nào bởi nàng lắc đầu mỗi khi Ngọc muốn đề cập đến vấn đề này. Cứ sau một khóa tu thì người chồng tương lai của Vy đều tăng lên một bậc từ tầng thánh nhập lưu đến A Na Hàm. Nàng nghĩ rằng nếu có được một người chân tu chứng đắc luôn luôn sát cánh sách tấn bên nhau thì mới có thể lội ngược dòng và không bị nước cuốn phăng trở lại. Ngọc thông cảm, vì Ngọc biết một vị A Na Hàm chẳng còn dục ái, thì đâu còn tha thiết nghĩ đến chuyện lập gia đình. Nên cả hai người bạn thân chỉ sẻ chia nhau những buồn vui trong nghề nghiệp.
Qua vài lần đến xứ người tu tập, khi trở về cuộc đời thường nhật, nàng vẫn còn hoài man mác lênh đênh trong những lúc trái lòng. Quyết định ra đi lần cuối, Vy tôi luyện cho nàng một sức chịu đựng vững vàng mạnh mẽ bên trong hơn. Vy không còn ý nghĩ muốn lấy chồng thuộc dòng thánh mà quyết tâm muốn tự chứng thánh.
Khóa tu lần này, do quá nổ lực tu tập mà nàng bị một cơn bạo bệnh đành phải bỏ cuộc. Trong lúc nằm dưỡng bệnh, Vy tự hỏi tại sao ta phải ngồi thiền? Ai tu đây? Tại sao phải tham cầu giác ngộ? Ai giác ngộ đây? Ai sống? Và ai chết?
Vy không còn tham dự bất cứ khóa tu nào, vì sức khỏe không cho phép. Nàng trở về với đời sống cư sĩ tại gia, tự bản thân giữ giới chỉnh chu từng hành động hiền thiện ích lợi đến tha nhân. Bạn bè khen Vy đang làm chủ một gia tài vô giá mà không ai có thể cướp đoạt được, chỉ có Vy mới nhận ra nàng chưa thật sự bình an nhưng nàng không biết tại sao, những câu hỏi ngày nào cứ lớn dần mãi không vơi.
Năm 2009 đang trong giờ làm việc, đầu dây bên kia tiếng Ngọc vồn vã reo mừng:
- Vy à, có vị sư tu theo hệ phái Nguyên Thủy ở Việt Nam sắp qua Sydney giảng Pháp, nghe nói Sư dạy Thiền hay lắm đó, em có muốn gặp Sư không?
Lần đầu được diện kiến Thầy, Vy vô cùng xúc động, không biết căn duyên từ kiếp nào, mà nàng cảm thấy rất thân thuộc, cử chỉ ung dung tự tại cùng lời dạy giản dị uyên thâm, trong lòng nàng càng thêm tôn kính. Nàng biết từ đây sẽ không còn tìm kiếm vị Thầy nào khác và cũng hiếm có vị Thiền Sư nào giảng giải rốt ráo như Thầy. Những câu hỏi của Phật Tử dù có khó khăn mấy Thầy đều giải bày với sự hoan hỷ của mọi người. Nhưng nàng khó chấp nhận và nghi vấn những điều giản dị ấy vì trong tâm vẫn còn mong mỏi khao khát chứng đạt cái gì đó vĩ đại hơn.
Thời gian trôi như sóng âm ỉ vỗ mạn thuyền, Vy hiểu nàng vẫn lênh đênh thầm lặng còn cách bến bờ một vạn trùng xa thẳm dù hình thức bên ngoài nàng mang dáng dấp cư sĩ tại gia. Nàng đã tìm được website của Thầy nên thường vào mục Pháp Thoại nghe Thầy giảng dạy và say mê đọc những bài viết trong mục Thư viện, mong mỏi tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đã theo nàng dai dẳng.



Những tia nắng vàng với ánh sáng dịu dàng sáng nay thật đẹp làm sao! Bài toán cuộc đời bao năm trăn trở để tìm đáp số thì bổng dưng từng bước từng bước lộ diện. Tất cả những nghi vấn đè nặng "Ai tu? Ai giác ngộ? Sanh tử luân hồi của kiếp người?" từ bao nhiêu năm nay bỗng nhiên biến mất, mọi sự đột nhiên bùng mở lạ kỳ.
Nàng cảm thấy mình không còn sợ hãi cái chết, không còn lo lắng về luân hồi tái sanh vì Luân hồi tái sinh là chuyện của pháp. Còn luân hồi sinh tử là ở thái độ tâm của mình, những hồi tưởng quá khứ gọi là luân hồi, bị trói buộc trong những ảo vọng tương lai gọi là sinh tử. Thấy ra được sự sai lầm này gọi là giác ngộ, không còn bị những sai lầm này trói buộc gọi là giải thoát. Ôi! Nghiệp báo vô cùng giá trị vì chúng ta biết nhận nó làm bài học cho sự giác ngộ trần gian. Nếu đời mà tuyệt đối hoàn hảo thì sẽ không còn là hành trình khám phá đầy bất ngờ và thú vị nữa đâu! Nàng thật sự tâm đắc 4 câu thơ:

Nếu mai mốt còn vào ra sinh tử
Bước thăng trầm đâu sá kể nguy nan
Nếu giờ đây vẫy tay chào cuộc lữ
Cát bụi này xin trả lại trần gian.
 (1)

Nàng đã dần hiểu lời dạy của Thầy qua sự trải nghiệm tự thân và hiểu tại sao Thầy không muốn mọi người bị cột trói vào phương pháp tu tập cứng nhắc. Mỗi khi thấy đệ tử lăng xăng tu tập Pháp môn này dự khóa tu tại trường Thiền nọ, Thầy thường mỉm cười và nói "đừng có tu, để pháp tu giùm cho."
Hiểu được tại sao Thầy dạy mọi người trong cuộc sống hàng ngày trong mọi hành động chỉ thận trọng, chú tâm, quan sát thì sẽ khám phá ra rất nhiều điều mầu nhiệm của Pháp, và thấm thía 8 chữ "tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha"... Văng vẳng bên tai nàng, lời Thầy dạy "làm tất cả mà như không làm gì cả", không có ai làm, không có ai tu, không có ai chứng, không có ai chết, không có ai sống... Tánh biết bất sanh bất diệt hiện hữu mọi lúc mọi nơi, tuỳ ứng khi Pháp đến, tuỳ không khi pháp đi và chân lý ngay đây trong thực tại hiện tiền! Khi thái độ tâm rỗng lặng trong sáng, không còn ảo tưởng "ta" và "của ta" mới thực là thái độ vô ngã. Tất cả Pháp đều vô ngã, vậy ngoài việc sống tùy duyên thuận pháp, lấy cái ngã nào để tu đây? Thiền thì chủ yếu là tâm thiền, là sống bình thường trong tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, còn đối tượng gì và thời gian bao lâu không quan trọng. Bất kỳ tư thế đi, đứng, ngồi, nằm đều được, đều thư giãn buông xả hoàn toàn để trả tâm về tánh không rỗng lặng trong sáng của nó, vì chẳng có năng lượng nào có thể hơn được sức mạnh của tánh không tịch tịnh tự nhiên. Thiền thì không lệ thuộc vào những nguyên tắc, những quy định, những phương pháp hoặc giờ giấc. Nếu ép thân ngồi thiền miên mật, điều này đức Phật gọi là vẫn còn "tư niệm, tư lường, thầm ý"đưa đến thức có chỗ trú, còn trụ tướng nên còn sinh tử.

Khi mê cứ tưởng ta tu
Tỉnh ra mới biết pháp tu một mình
Cái Ta ảo tưởng vô hình
Lăng xăng tạo tác tử sinh luân hồi.
 (2)

Giờ đây, trở lại với đời sống thường nhật, nàng vẫn vậy, vẫn không đổi thay, vẫn đi làm như bao người để kiếm sống. Nhưng nàng biết yêu thương, biết lắng nghe cảm nhận sự sống nơi chính nàng và sự sống vô cùng phong phú xung quanh, tận tụy trong công việc, thưởng thức cảnh đẹp từng chiếc lá rơi, từng giọt mưa và những tia nắng vàng óng ánh.

Viên Hướng - Như Tuệ 

(1), (2) : Thơ Viên Minh