GIẢI THÓAT TỨC THÌ

Tác giả: Nhi Bất Nhược

LỜI NÓI ĐẦU

Trừ những bậc đại giác với trí huệ siêu phàm, sáng suốt tuyệt đích, mới có cái biết bao la, cùng khắp, không gì không biết, một loại kiến thức tự có, một loại kiến thức mà ngôn ngữ hiện đại gọi là kiến thức đơn phương, đơn cực, còn tất cả chúng ta thì chỉ có những kiến thức duyên sanh, vay mượn, nghĩa là chúng ta phải học tập, phải nghiên cứu tài liệu, sách vở, phải có người chỉ vẽ, giải thích, mới hiểu biết được điều này, điều nọ. Tôi cũng vậy, viết cuốn sách này, tôi chỉ nhờ góp nhặt những kiến thức mà tôi đã vay mượn từ kinh sách Phật Giáo; từ những tác phẩm của Ngài J Krishnamurti; từ các tài liệu lưu truyền của các tư tưởng gia vĩ đại Đông Phương như Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử; từ các buổi thuyết pháp của các vị tu sĩ hay các vị học giả Phật Giáo; từ những buổi hỏi ĐẠO với các thiền sư và từ các buổi thảo luận về ĐẠO với các thiện tri thức. Chẳng có công lập đức, lập ngôn như các bậc vĩ nhân siêu đẳng, tôi chỉ có một chút công lao, nếu muốn gọi thế, là cố gắng sắp xếp, hệ thống hoá, chi tiết hoá và phụ diễn những kiến thức đã thu thập, đã tom góp ấy, bằng một ngôn ngữ phổ thông, hầu đưa một vấn đề vốn vô cùng uyên bác chỉ dành riêng cho những ai có trình độ cao, có căn cơ lớn, xuống thành bình dân, dễ hiểu mà ở trình độ nào, hễ muốn, người ta cũng có thể lãnh hội, tiếp thu dễ dàng.

Nhưng giản dị hoá một vấn đề vốn phức tạp quá mức không phải chuyện đơn giản mà ai cũng có thể làm được. Nó đòi hỏi một sự hiểu biết vấn đề đến sâu sắc và một nghệ thuật diễn tả cao độ, nên tôi chẳng biết có đạt được phần nào mục tiêu theo đuổi ấy hay không. Nếu không, hay có mà chẳng bao nhiêu, thì rốt lại chỉ còn một tấm lòng muốn đóng góp một vài ý kiến, muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm với các bạn gần xa đang băn khoăn tìm đường giải thoát khỏi phiền não, khổ đau và sợ hãi. Cũng vì vậy, sau một thời gian đắn đo, tôi đã mạnh dạn viết cuốn sách này trong tinh thần bắt chước hoa, chim.
Hoa hễ nở là phô bày toàn bộ hương sắc, không dấu, không bớt, hồn nhiên mà nở. Người đời ai muốn thưởng thức thì cứ việc, thưởng thức ít hay nhiều cũng tùy. Thưởng thức rồi thì khen chê cũng mặc.
Chim cũng vậy, hễ cất giọng hót là hót với tất cả khả năng sẵn có. Ai nghe, ai không nghe, chim chẳng bận lòng. Nghe rồi có phê bình dở, hay, thì chim cũng kệ.
Tuy nhiên, tôi vẫn còn thua chim, hoa ở một điểm. Ấy là tôi còn theo đuổi một mục tiêu, trong lúc chim, hoa thì tuyệt đối không. Hoa khai, chim hót chẳng phải vì ai, hay vì một cái gì, hoàn toàn tự nhiên như nước chẩy, mây bay.
Dù mục tiêu tôi theo đuổi không phải là lợi danh, thì cũng là một sự góp tiếng, góp lời. Nhưng đã sống trong xã hội, thì con người, ngoài nợ cơm áo, nhà cửa, thuốc men, v.v... còn nợ tư tưởng, tinh thần. Vậy thì góp tiếng, góp lời âu cũng là một sự trả bớt món nợ này. Vì thế nên biết mình chẳng có văn tài, tôi cũng cứ viết, viết với những lời lẽ quê kệch, nôm na. Kính mong quí vị độc giả khi đã "đạt ý hãy quên lời".
Nhưng điều mà tôi muốn truyền đạt đến quí vị đọc giả là gì?
- Xin thưa đó là vấn đề giải thoát, giải thoát khỏi phiền não, khổ đau và sợ hãi.
Vấn đề giải thoát này trước hết là Đức Phật, kế đến là các vị tổ và mới đây là ngài J. Krishnamurti đã chỉ dạy. Đức Phật thuyết giảng bốn mươi lăm năm, Ngài J. Krishnamurti trên dưới sáu mươi năm. Những lời lẽ từ hai vị thầy vĩ đại của nhân loại này, cũng như từ các vị tổ, lời nào mà chẳng có vị giải thoát. Tôi chỉ thu ngắn, rút gọn, nhấn mạnh đến những điểm trọng yếu để quí vị độc giả đỡ mất thì giờ thế thôi.
Bản thân tôi đã mất nhiều thì giờ tìm hiểu vấn đề này. Nay tôi muốn quí vị không phải qua một quá trình dài dòng nào mà cũng nắm được yếu chỉ của ĐẠO giải thoát và khi đã nắm được rồi thì tùy quí vị, ai đi nấy đến, ai ăn nấy no. Đúng vậy, muốn thấy ĐẠO thì phải hành ĐẠO. Nói về ĐẠO không phải là ĐẠO, viết về ĐẠO cũng không phải là ĐẠO. ĐẠO phải thân chứng.
Cá nhân tôi sau khi đã trải qua nào là những đổi thay biến "mây ra chó", làm "trúc hoá ròng”, nào là những "cuộc thành bại hầu cằn mái tóc”, nào là những "lớp cùng thông như đốt buồng gan” mới liễu ngộ được Đệ Nhất Đế trong Tứ Diệu Đế, tức Khổ Đế, rồi từ đó mới băn khoăn, mới khắc khoải tìm đường giải thoát. Nghe nói ĐẠO PHẬT là ĐẠO GIẢI THOÁT, nên tôi đã tìm đến. Nhưng khốn nỗi, Phật Giáo kinh sách như rừng với các từ ngữ Hán tự vô cùng khó hiểu. Chỉ tìm hiểu nội dung các từ ngữ này, và làm quen với chúng đã là chuyện đòi hỏi rất nhiều thì giờ, mà không vậy thì làm sao nắm được tinh thần câu kinh, bài kệ. Tuy thế, tôi vẫn cố gắng, gặp gì học nấy, hiểu được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Thầy nào cũng tìm gặp. Buổi thuyết pháp nào biết được, dù gần hay xa, cũng tìm đến dự nghe. Lại còn siêng thăm viếng các nhà nghiên cứu Phật Giáo để có dịp đàm đạo, thảo luận hầu học hỏi các vị tiền bối. Rảnh là lên chùa lễ Phật. Cũng ăn chay (định kỳ), cũng ngồi thiền, v.v... Đúng là tâm trạng một kẻ đang chết đuối (trong bể khổ) muốn tìm bám đến cả một cọng rơm.
Nhưng dù có làm thế đi nữa mà giải thoát vẫn chẳng thấy đâu, và xem ra như có phần lại vướng mắc vào chính những việc đang làm đế mưu cầu giải thoát ấy.
Sau cùng tôi đọc J. Krishnamurti. Ngài J. Krishnamurti đã khẳng định là Ngài không hề đọc bất cứ tác giả nào, kể cả kinh sách Phật Giáo. Ấy vậy mà Ngài đã nói lên những điều mà đức Phật đã thuyết giảng hơn hai mươi lăm thế kỷ về trước. Đúng là "Great minds think alike"! Ngài J. Krishnamurti nói ĐẠO bằng ngôn ngữ hiện đại tương đối dễ hiểu. Nhờ đọc J. Krishnamurti tôi mới hiểu Phật và nhờ đọc Phật tôi hiểu được J. Krỉshnamurti rõ ràng hơn.
Nắm được lý đạo rồi đem thực hành thì thấy có hiệu quả giãi thoát, hiệu quả tức thì, ngay tại cõi đời này, với xác thân này. Vì vậy tôi mới nẩy ra ý định viết cuốn sách này gởi đến quý vị độc giả kinh nghiệm quý báu ấy với niềm chân thành và trân trọng đặc biệt.
Sách tuy gồm một số bài, nhưng chủ ý lại chỉ có một, coi như định đề cho cả cuốn sách. Chủ ý được nhắc đi, nhắc lại trong tất cả các bài viết, một sự nhắc lại cố ý để:
1- Làm nổi lên tầm quan trọng chìa khóa của vấn đề.
2- Giúp cho những độc giả, nếu không có thời giờ đọc cả cuốn sách, chỉ cần đọc một bài, bất cứ bài nào, cũng xong.
Đọc những bài viết, trong cuốn sách này, rất có thể quý vị độc giả, trên bình diện trí năng, tư tưởng, sẽ có những nhận định, những ý kiến khác biệt, nhưng xin quý vị đừng vội phản đối hay tán thành. Chúng tôi không e ngại và cũng không ước mong những thái độ như thế, chỉ vì ĐẠO, thưa quý vị, phải là kết quả của hành trì, chiêm nghiệm, thân chứng, chứ không phải là tranh cãi, đàm luận hay bút chiến. Tranh cãi, đàm luận hay bút chiến chỉ làm mất thì giờ vô ích.
Tuy nhiên, nói thế cũng không phải chúng tôi không hoan hỷ đón nhận những sai lầm, thiếu sót nếu có, cần được sửa chữa, bổ túc do các vị cao minh chỉ giáo.
Chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn thày Minh Thiện, thầy Duy Lực, thầy Viên Minh, giáo sư Cao Hữu Đính, bác sĩ Trương Khuê Quan và anh Sáu Có đã ban cho chúng tôi những hướng dẫn quý báu trên bước đường vào ĐẠO.
Chúng tôi xin cám ơn anh Lê Khắc Huê đã bỏ thì giờ duyệt lãm bản thảo và cho nhiều ý kiến sửa đổi cần thiết.
Chúng tôi xin cám ơn anh Bùi Hy Trọng, anh Tạ Văn Thịnh và tiện nội về những khuyến khích quý báu trong suốt thời gian biên soạn.
Chúng tôi cũng xin cám ơn anh Nguyễn Văn Quýnh, một bậc thức giả, một nhà thâm cứu Nho, Y về những đóng góp quý báu trong lần tái bản sách này.
Sau hết chúng tôi xin cám ơn họa sỹ Nguyễn Chí Hùng, người chiến hữu vô cùng quý mến của tôi trong QLVNCH trước đây, đã bỏ thời giờ và công sức trình bày giúp bìa sách, một sự cống hiến không những có mỹ thuật mà còn tràn đầy ý nghĩa. Người họa sỹ tài hoa và giàu tâm đạo này, với sự minh họa Hữu Dư Niết Bàn ngoài bìa đã thâu tóm được toàn bộ những gì cuốn sách chứa đựng bên trong.

Nhi Bất Nhược

GIẢI THÓAT TỨC THÌ 
Tác gỉa: Nhi Bất Nhược
Tái bản lần thứ 7 2012
Người đọc: Thùy Thu