Nghệ thuật lắng nghe - Quan sát chính mình


Nghe trong tĩnh lặng
Này bạn, có bao giờ bạn ngồi thật yên lặng, không chú ý tới bất cứ điều gì, không cố gắng tập trung tư tưởng, mà chỉ ngồi với một trí não hết sức tĩnh lặng, thật sự tịch tịnh? Bấy giờ bạn mới nghe tất cả phải không? Bạn nghe những âm thanh từ xa, rồi gần hơn và thật gần ngay cạnh bạn – có nghĩa là bạn đang nghe tất cả. Trí não không bị hạn chế phải nghe từ duy nhât một kênh nông cạn hẹp hòi nào cả. Nếu bạn có thể nghe như thế, nghe trong tĩnh lặng, trong tự do giải thoát, không căng thẳng, bạn sẽ thấy nội tâm thay đổi một cách kỳ diệu – một đổi thay ngoài sự mong muốn hay yêu cầu của bạn, và trong cuộc đổi thay đó có cái đẹp vô cùng và tuệ giác sâu thẳm.


Nghe không qua mạng che
Bạn nghe cách nào đây? Phải chăng bạn nghe thông qua chính những dự phóng tham lam, dục vọng, sợ hãi, lo âu của mình? Phải chăng bạn chỉ nghe điều bạn muốn nghe, điều làm bạn hài lòng, thỏa dạ, khiến bạn dễ chịu và tạm thời xoa dịu nỗi khổ đau của bạn? Nếu bạn chỉ nghe theo dục vọng của mình thì rõ ràng bạn chỉ nghe theo tiếng nói của bạn, bạn chỉ nghe theo tiếng nói dục vọng của mình. Vậy có cách nghe nào khác hơn chăng? Việc khám phá làm thế nào để nghe – không chỉ là những điều được trình bày ở đây mà là nghe tất cả: cái ồn ào của phố thị, tiếng chim hót, tiếng tàu điện, tiếng lao xao không dứt của biển cả, tiếng nói của vợ hay chồng bạn, tiếng khóc của trẻ thơ – việc đó không quan trọng sao? Cái nghe chỉ hệ trọng khi ta không nghe qua chính những dục vọng của mình. Liệu có thể dẹp bỏ mọi mạng che trong cái nghe để nghe thật sự hay không?
Nghe cái vượt ngoài vòng ngôn từ
Nghe là một nghệ thuật không dễ gì đạt được, nhưng trong nó mang vẻ đẹp và trí tuệ tối thượng. Ta nghe ở nhiều độ sâu của con người ta, nhưng thường ta luôn luôn nghe với một ý niệm có sẵn hoặc nghe từ một quan điểm đặc biệt. Ta không chịu nghe một cách đơn giản mà luôn luôn nghe với sự can thiệp của một mạng che được làm từ tư tưởng, kết luận, định kiến,... của chính mình. Muốn nghe được nội tâm, tất phải tĩnh lặng, thoát khỏi mọi trạng thái căng kéo vì muốn thu đạt, phải chú tâm trong thư giãn. Chỉ có tâm thái vừa tĩnh lặng vừa cảnh giác mới có thể nghe được cái vượt ngoài vòng ngôn từ. Từ ngữ chỉ gây nhiễu thôi, từ ngữ chỉ là phương tiện truyền đạt bên ngoài, còn để truyền đạt được cái ngoài vòng ngôn từ thì trong cái nghe phải có tĩnh giác. Người biết yêu thương mới biết nghe, nhưng tìm thấy người biết nghe là vô cùng hiếm hoi. Phần đông chúng ta chỉ biết đuổi theo kết quả, thực hiện mục tiêu, luôn mong muốn chiến thắng và chinh phục, vì vậy ta không lắng nghe, nhưng chỉ trong lắng nghe ta mới nghe thấy được tiếng ca của ngôn từ.
Nghe không tư tưởng
Tôi không biết có khi nào bạn nghe tiếng chim hót hay không? Để nghe một điều gì đó đòi hỏi trí não phải tĩnh lặng – không phải là một sự tĩnh lặng huyền bí nào đó mà chỉ là tĩnh lặng, thế thôi. Tôi nói với bạn một điều gì đó và để nghe tôi, bạn phải tĩnh lặng, đừng để trí não bị nhiễu loạn bởi đủ thứ ý tưởng. Khi bạn nhìn một đóa hoa, hãy cứ nhìn, đừng gọi tên hay phân loại, đừng bảo nó thuộc loài nào hay giống nào – làm thế là bạn không còn nhìn hoa nữa. Vì vậy, tôi muốn nói, nghe là việc khó khăn bậc nhất, nghe người cộng sản, đảng viên xã hội, vị dân biểu, nhà tư bản, bất kỳ người nào, vợ bạn, con bạn, người hàng xóm, người lái xe buýt, tiếng chim – chỉ nghe một cách đơn giản thôi – chỉ khi bạn nghe mà không kèm theo ý tưởng, tư tưởng, niệm tưởng, bạn mới tiếp cận trực tiếp và có tiếp cận như vậy bạn mới hiểu điều người ấy nói là thực hay giả, đúng hay sai, bạn không cần phải thảo luận.
Nghe mang lại tự do
Khi bạn cố gắng để nghe, liệu bạn có nghe không? Phải chăng chính cố gắng đó gây nhiễu và ngăn chặn cái nghe? Bạn có cố gắng khi nghe điều khiến bạn vui thích hay không?... Bạn không tri giác cái thật, cũng như bạn không thấy cái giả, cái ảo, bao lâu trí não bạn còn bị bấn loạn bởi cố gắng, so sánh, biện minh hay lên án.
Tự thân cái nghe là một hành động hoàn chỉnh, tự thân cái nghe là tự do giải thoát. Bạn có thực sự quan tâm đến cái nghe hay đang lo làm thay đổi sự nhiễu loạn ở nội tâm? Nếu bạn chịu lắng nghe – nghĩa là bạn tri giác những xung đột và mâu thuẫn nội tâm của mình mà không thúc ép chúng rập theo bất kỳ khuôn mẫu tư tưởng nào, có lẽ bấy giờ chúng mới hoàn toàn chấm dứt. Bạn thấy chứ, ta luôn cố sức để được là thế này, thế khác, để thành tựu một tâm thái độc đáo, đạt kinh nghiệm này và chối bỏ kinh nghiệm khác, vì thế trí não bận rộn triền miên, không bao giờ được lặng yên để lắng nghe chính những đấu tranh và khổ đau náo loạn của mình. Hãy đơn giản thôi, đừng cố gắng trở thành cái gì cả, cũng đừng cố gắng nắm bất cứ kinh nghiệm nào.
Nghe mà không cố gắng
Bây giờ bạn đang nghe tôi, bạn đang chú tâm mà không phải cố gắng gì cả, và nếu quả là có sự thật trong những điều mà bạn đang nghe, bạn sẽ thấy trong bạn có một thay đổi đáng kể diễn ra – một thay đổi không dự đoán được hay mong muốn được, một cuộc chuyển hóa, một cuộc cách mạng trọn vẹn trong đó chỉ duy có sự thật là độc tôn chứ không phải là những tạo tác của trí não bạn, và nếu tôi có thể đề nghị: bạn hãy nghe tất cả bằng cung cách ấy, nghe không chỉ điều tôi nói mà cả của những người khác nữa, nghe tiếng chim hót, tiếng tàu hỏa rúc hú, tiếng xe buýt ào ào chạy qua. Bạn sẽ thấy càng lắng nghe tất cả thì sự tĩnh lặng càng mênh mông và không bao giờ bị phá vỡ bởi tiếng động. Chỉ khi nào bạn tỏ ý kháng cự, chỉ khi nào bạn dựng rào cản ngăn chặn những điều bạn không muốn nghe – chừng đó mới có đấu tranh, xung đột.
Nghe chính mình
Bạn nên nghe chính bạn chứ không phải nghe diễn giả. Nếu bạn nghe diễn giả thì ông ta sẽ trở thành lãnh tụ của bạn – thật là hãi hùng và ghê tởm bởi vì bấy giờ bạn đã thiết lập một hệ thống uy lực. Do đó, việc làm ở đây của bạn là nghe chính mình. Bạn đang nhìn vào một hình ảnh mà diễn giả đang phác thảo, hình ảnh đó chính là bạn chứ không phải diễn giả. Vậy là hết sức rõ rồi: Bạn đang nhìn vào chính mình, bấy giờ bạn có thể nói: “Được rồi, tôi thấy tôi như tôi đang là”. Và thế là chấm dứt “cái đang là”. Nếu bạn nói: “Tôi là sao, tôi thấy mình là vậy – tất phải có thay đổi thôi”. Vậy là bạn đang vận dụng cái hiểu hay trí tuệ của mình – hoàn toàn khác với việc áp dụng những điều diễn giả nói... Nếu lúc diễn giả đang nói, bạn lắng nghe chính mình thì trong cái nghe đó có ánh sáng, có sự nhạy cảm, từ trong cái nghe đó, trí não trở nên trong lành và mạnh mẽ. Không phục tùng cũng không chống kháng, trí não trở nên sống động, nồng nhiệt – và chỉ có con người như thế mới có thể tạo dựng một thế hệ mới, một thế giới mới.
Krishnamurti
Trích: Sống thiền 365 ngày