Minh Sát Tu Tập 3 (Thực hành)

PHẦN II:
THỰC HÀNH
"... Này các Tỳ kheo, đã lâu ngày kẻ vô văn phàm phu đắm trước, xem là của tôi, chấp thủ: cái này là tôi, cái này là của tôi, cái này là tự ngã của tôi." (S. II, 94.)

"Giới, Ðịnh và Trí Tuệ,
Với ai khéo tu tập,
Vị ấy vượt qua khỏi
Thế lực của ác ma.
Rực rỡ và chói sáng
Như mặt trời chói sáng". (Khuddaka I)
I. PHÁP HÀNH TÓM TẮT
1. Bốn oai nghi
Chúng ta quán sát Danh và Sắc trong bốn oai nghi - đi, đứng, ngồi, nằm.
Ðây là những oai nghi căn bản hay oai nghi chính như đã được mô tả trong Kinh Ðại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna). Chúng ta khởi sự với việc quán chỉ nội sắc mà thôi, bởi vì sắc dễ nhận ra hơn danh. Có ba lý do khiến sắc dễ thấy hơn là: sắc "thô" còn danh "tế". Bốn oai nghi luôn luôn hiện hữu (các đối tượng của danh như nghe, thấy,... chỉ phát sanh từng thời. Dễ dàng thấy khổ trong sắc hơn ở các đối tượng khác, bởi vì, khi chúng ta quán bốn oai nghi, chúng không thể nào che án thực tánh khổ được nữa.
2. Các phương tiện dùng trong pháp hành
Ðó chính là Tinh tấn (ātāpi), Chánh niệm (sāti), Tỉnh giác (sampajañña), Tác ý chân chánh (yonisomanasikāra), Quán sát pháp hành (sikkhati).
a) Tinh tấn là sự nhiệt tâm tiêu diệt phiền não. Không có tinh tấn, ta không thể nào nhận thức được toàn bộ đối tượng như sắc ngồi. Khi tâm phóng khỏi sát-na hiện tại, tinh tấn cùng với chánh niệm, tỉnh giác sẽ đưa nó trở lại.
b) Chánh niệm là niệm trong Tứ Niệm Xứ, chú tâm đến oai nghi ta đang quán sát.
c) Tỉnh giác là nhận rõ toàn bộ đối tượng đang quán sát, chẳng hạn như biết toàn bộ oai nghi ấy là sắc ngồi.
d) Tác ý chân chánh là sự chú tâm trên một đối tượng với hiểu biết chân chánh, chẳng hạn biết đúng lý do làm việc ấy, hoặc thực tánh của đối tượng ấy là gì ... "Yoniso" nhắc cho ta biết rằng, khi ta ăn uống, tắm rửa, đi vệ sinh, hay làm những việc gì khác, chỉ là để chữa khổ chứ không phải tìm lạc thú. Yoniso cũng cho ta biết oai nghi cần phải thay đổi để chữa khổ.
e) Quán sát pháp hành cho ta biết khi pháp hành không được thực hiện đúng hoặc khi vuột khỏi sát-na hiện tại.
3. Trung Ðạo (Majjhimā-pātipadā)
Trung Ðạo hủy diệt hay diệt trừ các thiên kiến như ưa - ghét, tham - sân, ... và rất quan trọng trong pháp hành này. Nếu có chánh niệm và tỉnh giác trong sát-na hiện tại thì các thiên kiến ấy không thể nảy sanh.
Ðó là lý do tại sao chúng ta:
- Chữa khổ bằng cách thay đổi oai nghi, bởi vì khổ buộc sắc phải thay đổi. Ở đây, hành giả phải có tác ý chân chánh để ngăn phiền não không cho lẻn vào. Như vậy, nếu hành giả có yoniso khi thay đổi oai nghi, và có sự quán sát pháp hành thường xuyên, hành giả sẽ ghi nhận kịp thời sự có mặt của phiền não. Chẳng hạn, khi chúng ta đang ngồi và khổ chợt phát sanh, chúng ta không thích cái khổ ấy và muốn chuyển sang oai nghi mới. Khi ấy tác ý chân chánh và sự quán sát pháp hành sẽ làm việc và nhắc chúng ta chỉ nên thay đổi oai nghi nếu khổ buộc chúng ta phải thay đổi.
Chúng ta không nên ngồi cho qua cơn đau bởi vì điều này tạo ra phiền não, tà kiến nghĩ rằng "ta" có thể kiểm soát được cơn đau, mà thực ra Danh - Sắc không kiểm soát được, chúng là vô ngã - anatta. Cũng có một số hành giả cố gắng ngồi lâu hơn và ngồi cho qua cơn đau để thấy khổ. Nhưng khổ đó không thực, nó là cái khổ nhân tạo. Một số khác lại cố gắng ngồi lâu hơn để có định, bởi vì họ nghĩ rằng như vậy tuệ sẽ nảy sanh, song làm vậy chỉ tạo thêm phiền não. Hãy nhớ rằng vipassanā là luyện tâm chứ không phải luyện thân. Nếu tâm không chánh thì thân cũng vậy. Chẳng hạn, nếu tâm nghĩ rằng ngồi trong thế kiết già mới giúp ta thấy thực tánh - tâm sẽ buộc thân phải ngồi kiết già.
- Ðừng tìm an lạc trong bất kỳ oai nghi nào. Ðừng cảm thấy rằng một oai nghi nào đó là tốt hơn oai nghi khác, bởi vì mọi oai nghi đều không có thực thể, tức là đều vô thường, khổ và vô ngã.
- Ðừng tìm sự vắng lặng (định) trong thiền. Sự vắng lặng hay định ấy sẽ đưa chúng ta đến chỗ tin rằng có một tự ngã đang kiểm soát và dẫn ta đến an lạc. Nhưng hoàn toàn không có lạc, chỉ có sự giải thoát khỏi khổ, và chúng ta không thể nhận ra điều này nếu không thấy khổ. Khổ Ðế là một sự thực, chứ không có "Lạc Ðế", bởi vì lạc cũng vô thường và cũng chính là khổ.
- Ðừng thực hành để mong sở đắc, mong giác ngộ hoặc có trí tuệ. Chỉ nên thực hành theo những nguyên tắc chuẩn xác của Tứ Niệm Xứ. Cho dù ước muốn đạt đến Niết Bàn hay trở thành một vị A-la-hán là cao thượng, hành giả cũng phải dập tắt tham muốn đó. Nếu không, Niết Bàn thực sự khó mà đạt đến.
- Ðừng thực hành với ý nghĩ rằng ta sẽ trở thành một thiền sư. Ðiều này sẽ khiến cho tham dục phát sanh và ngăn không cho trí tuệ khởi lên. Mục tiêu duy nhất trong việc thực hành là để đoạn khổ.
II. THỰC HÀNH
Việc thực hành là để duy trì chánh niệm trên mọi oai nghi - đi, đứng, ngồi, nằm. Nếu oai nghi đang sử dụng là oai nghi ngồi, "ba danh" - tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác - làm nhiệm vụ biết oai nghi ngồi, và biết rằng oai nghi ấy là sắc ngồi.
Ba danh (chứ không phải "Ta") quán sắc ngồi cũng như đang xem một diễn viên trên sân khấu vậy. Bạn chỉ làm người xem, khách quan với những gì diễn viên đang đóng trên sân khấu, không cố gắng đạo diễn sự diễn xuất của họ. Xem một vở kịch cũng như quán sát-na hiện tại, không quan tâm đến quá khứ hay vị lai. Hành giả cần phải thực hành như thể đang xem một vở kịch là vậy. Rồi, khi đang quán sắc ngồi, cái đau sẽ nảy sanh và hành giả sẽ biết rõ sắc ngồi khổ. Ðây là khổ thọ. Nhưng đừng quán khổ thọ. Pháp hành này là niệm thân (kāya) chứ không phải thọ (vedāna). Nhờ quán sắc ngồi khổ thường xuyên trong sát-na hiện tại, đến khi cần thay đổi oai nghi, hành giả sẽ thấy thực tánh khổ trong sắc ngồi. Sự kiện là vậy, bởi vì khổ thọ phát sanh từ sắc và Danh - Sắc là khổ đế.
Ðối với sắc đứng, sắc đi cũng nên hiểu như vậy. Chúng phải được quán sát tựa như đang xem một người nào đó đang hoạt động mà chúng ta không có quyền kiểm soát họ. Trong khi sắc là đối tượng, thì minh sát là trách nhiệm của tâm (danh). Vì thế tâm phải tỉnh thức trong sát-na hiện tại để thấy với trí tuệ. Thay vì cố gắng để thấy thực tánh, tâm phải quán sát thực tánh (chẳng hạn như danh nghe, danh thấy,...) khi nó phát sanh. Hành giả chỉ giản dị quán những gì đang diễn ra. Bất kỳ một cố gắng nào nhằm kiểm soát tâm đều có nghĩa là chúng ta muốn thấy thực tánh, đây là phiền não, nó đưa chúng ta ra khỏi Trung Ðạo và sát-na hiện tại.
Tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác cùng làm việc - quán Danh - Sắc - chung với nhau. Nếu có quá nhiều chánh niệm thì sẽ làm suy yếu tỉnh giác. Hành giả phải ghi nhận điều này. Sự ghi nhận này được gọi là sikkhàti - quán sát pháp hành. Khi sikkhàti quán thấy sự mất quân bình này, hành giả phải cố gắng điều chỉnh lại, tức là phải có tỉnh thức nhiều hơn. Khi khổ được cảm nhận, oai nghi được thay đổi bởi vì khổ buộc nó phải thay đổi (thay đổi tự nhiên như khi ta đang hoạt động bình thường, nhưng ở đây được thực hiện với chánh niệm, tỉnh giác).
Chính với "yoniso" mà chúng ta ghi nhận được sự đau nhức buộc sắc ngồi phải thay đổi sang oai nghi khác. Khi oai nghi được thay đổi, cái đau ấy cũng được chuyển sang oai nghi mới, và "yoniso" ghi nhận rõ oai nghi mới đang chữa khổ cho oai nghi cũ. Ðiều này rất cần thiết bởi vì hầu hết hành giả sơ cơ đều không thích oai nghi cũ và nghĩ rằng oai nghi mới sẽ làm cho họ thoải mái hơn.
Nhờ làm như vậy chúng ta sẽ không cảm thấy sân đối với oai nghi cũ và tham đối với oai nghi mới, bởi vì tác ý chân chánh biết rằng việc thay đổi là để chữa khổ ở oai nghi cũ. Trong pháp hành này, "yoniso" được nhấn mạnh, bởi lẽ tác ý chân chánh thích đáng sẽ dẫn đến sự thấy rõ khổ (thọ khổ và hành khổ - xem các loại khổ).
Trú trong sát-na hiện tại là điều rất khó, do đó việc tự vấn như thế này có thể rất hữu ích:
"Cái gì đang đi?" - "Sắc đang đi."
"Tại sao nó phải đi?" - "Ðể chữa khổ từ oai nghi cũ."
"Cái gì đang ngồi?" - "Sắc ngồi", v.v...
(Việc hỏi thầm này làm nhiệm vụ như "yoniso", giúp cho tâm phát triển sự tỉnh thức - chánh niệm, tỉnh giác).
Khi ta hỏi "cái gì đang ngồi?", tỉnh thức phát sanh khiến ta trả lời "sắc ngồi". Tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác có cùng đối tượng (Danh - Sắc) và vì vậy chúng làm phận sự chung với nhau. Chánh niệm biết oai nghi, cách ta ngồi, và tỉnh giác biết rằng đó là sắc ngồi, v.v... Song không phải chánh niệm đi trước rồi tỉnh giác mới theo sau. Chánh niệm và tỉnh giác cùng hoạt động một lần.
Pháp hành đúng là, "hiện sắc đang ngồi" hay "sắc ngồi", thay vì "hiện ta đang ngồi", tức là lấy "ta" ra. Vấn đề ở đây là tiến trình nhận biết oai nghi cũng giống như trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, ngoại trừ tà kiến nghĩ rằng "ta" đang ngồi được loại ra vậy thôi.
Thông thường để diễn tả hay định rõ tính chất của sự tỉnh thức, chúng ta hay nghe những từ "cảm nhận", "biết", "thấy" (bằng tâm), "quán sát", "ý thức về" sắc ngồi, sắc đứng, v.v... Tất cả các từ này đều đúng cả. Thực ra, từ tỉnh thức có thể được mô tả như là cái biết "chúng ta ngồi" là "sắc ngồi", và nó là mấu chốt để giữ cho pháp hành được thực hiện đúng cách mà thôi.
"Cảm nhận" là cảm nhận cái cách ta đang ngồi và nhận rõ đó là sắc ngồi. Nó là một loại tỉnh giác (sampajañña). Tuy nhiên, cần thận trọng về việc cảm nhận này. Nếu ta mắc vào sự cảm nhận về thân, đặc biệt khi cảm nhận này quá mạnh, nó có thể làm cho tâm mệt mỏi và đẩy ta ra khỏi sát-na hiện tại. Ðây là thực hành với lòng mong muốn, và về lâu dài, có thể gây ra những vấn đề thuộc thể chất như là đau ngực, cảm giác nghẹt thở, v.v... Ðiểm quan trọng ở đây là đừng cố gắng "tạo ra" sắc ngồi, mà chỉ biết nó. Sắc ngồi đã có sẵn, chỉ tại ta không ý thức rõ nó. Khi ta ở nhà, ta vẫn cảm nhận việc ta ngồi, nhưng cảm nhận này là phiền não. Vì vậy, trong pháp hành, ta chỉ cần thay đổi cái "ta ngồi" thành "sắc ngồi", với trí tuệ tỉnh giác.
Tuy nhiên, chữ "suy nghĩ" thường tránh dùng để mô tả sự tỉnh thức, bởi lẽ suy nghĩ luôn luôn kết hợp với khái niệm ngôn từ thuần túy. Sự khác nhau giữa sắc được cảm nhận và sắc do thuần suy nghĩ có thể được thấy rõ qua ví dụ, chúng ta có thể suy nghĩ, hình dung đến nước lạnh, nhưng viêïc sờ và nếm nước lạnh lại hoàn toàn khác. Nước lạnh là một khái niệm thuộc từ ngữ, nhưng biết nó bằng cảm nhận mới thực sự là biết nước lạnh.
Cũng cần nhớ ý thức toàn bộ sắc từ đầu đến chân và rằng sắc này là vô tri, tức không biết gì cả, chỉ có danh biết mà thôi.
Khi đang quán sắc ngồi, hành giả cũng phải cố gắng ghi nhận xem có ước muốn thấy thực tánh pháp khởi lên hay không. Nếu hành giả ghi nhận kịp thời ước muốn này, hãy ngưng hành một lát cho lòng mong ước ấy mất đi. Nếu ước muốn này có mặt, hành giả sẽ không thể nào thấy thực tánh pháp. Ðức Phật dạy rằng, ta không thể thấy chân lý khi tham ái có mặt, bởi vì tham ái che án chân lý (sự thực).
Vì vipassanā có liên quan đến việc diệt trừ phiền não nơi nó khởi sanh nên hành giả cần phải học để biết xem đối tượng đặc biệt ấy cần phải thấy như là danh hay là sắc. Ðể xác quyết điều này, hãy xem kỹ đồ hình tóm tắt về12 xứ (ayatana) ở cuối phần thực hành này.
1. Những nguyên tắc thực hành
- Ðừng bao giờ quán cả Danh và Sắc cùng một lúc, chẳng hạn, đừng nghĩ "sắc đi, danh biết".
Một số hành giả nghĩ rằng họ sẽ có trí tuệ sớm hơn nếu họ có nhiều đối tượng (cả danh và sắc). Tuy nhiên ước muốn có trí tuệ này chỉ tạo thêm phiền não. Chỉ cần quán sắc trong bốn oai nghi là đủ.
- Ðừng đi hay ngồi trong một thời gian quy định. Cần thay đổi khi khổ buộc phải thay đổi.
- Ðừng có cảm giác rằng "chúng ta" đang "hành thiền" hoặc có một cái gì đó đặc biệt hay huyền bí về pháp hành. Chúng ta không đi hay ngồi vì thực hành, mà bởi vì có trí tuệ thiền tuệ theo dõi thấy rõ biết rõ phải đi hay phải ngồi, vậy thôi.
- Ðừng sử dụng những oai nghi đặc biệt, như ngồi trong thế kiết già, hay đi chậm một cách bất thường, vì những oai nghi này luôn luôn đi kèm với ước muốn thấy pháp.
- Một số hành giả sơ cơ có khuynh hướng dễ chán khi thực hành. Những người như vậy cần phải tự sách tấn mình rằng lý do ta thực hành là để diệt khổ. Nếu thối chí, ta chẳng bao giờ diệt được khổ, và chắc chắn không thể tránh khỏi cảnh tử sanh bất tận trong vòng luân hồi (samsāra-cakka).
Ðối với những người chưa từng hành thiền trước đây cũng gặp phải những vấn đề như phóng tâm... và thường không thích nó - làm như vậy không phải là Trung Ðạo. Hành giả sơ cơ có thể thấy khó duy trì tâm định, không thích sống một mình trong nhiều ngày, cũng như tham ái dễ khởi lên, và họ trở nên bất an. Họ ao ước đạt được sự vắng lặng (định), hoặc muốn có phỉ lạc, hay được thấy những đối tượng khả ái.
- Khi đau nhức phát sanh trong sắc ngồi, hành giả cần phải thấy rằng chỉ có "sắc ngồi" khổ, chứ không phải "ta". Sắc ngồi là sát-na hiện tại, sắc ngồi khổ cũng là sát-na hiện tại. Hành giả không nên chuyển từ sắc - ngồi - khổ là sát-na hiện tại này sang danh biết cái đau (cái đau hay cảm giác đau là danh, gọi là khổ thọ). Khi chúng ta chữa khổ là phải chữa ở sắc, chứ không phải ở danh.
- Hành giả luôn luôn có sự tỉnh thức (chánh niệm - tỉnh giác) với đối tượng Danh và Sắc, song không nên tập trung vào một phần đặc biệt nào của thân. Hành giả cũng không nên mong mỏi hay dự đoán trước khổ sẽ phát sanh - làm vậy sẽ kéo hành giả ra khỏi sát-na hiện tại. Không nhất thiết phải chờ cho đến khi khổ quá mức hay đến khi thân tê dại đi mới thay đổi oai nghi. Thực tánh khổ không tùy thuộc vào tính chất nghiêm trọng của cơn đau. Mỗi lần thấy khổ, dù lớn hay nhỏ, hành giả phải thấy ra rằng khổ là một sự thực.
- Mặc dù đôi khi chúng ta nói đến việc "thấy" sắc ngồi, v.v..., song mắt không thực sự được dùng để thấy hay nhìn vào các sắc. Sự tỉnh thức đối với sắc được thực hiện bằng tâm - tức là với chánh niệm, tỉnh giác, và đó là trí tuệ.
Còn về việc mắt nên mở hay nhắm, hoặc khép hờ trong lúc hành, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Một số hành giả thích mở mắt, một số thích nhắm, trong khi số khác lại thích khép hờ.
- Ðối tượng trong lúc hành là sắc của chính chúng ta, không phải sắc của người khác. Nếu người khác lọt vào tầm nhìn, không nên coi họ như sắc, mà là như "danh thấy".
- Hành giả chỉ nên nói chuyện khi cần, chẳng hạn như yêu cầu một điều cần thiết nào đó. Nếu có vấn đề liên quan đến pháp hành, hành giả chỉ nên trình pháp với thiền sư. Pháp hành là Bát Thánh Ðạo - Giới, Ðịnh, Tuệ - nên Giới cần phải được toàn vẹn, và điều này đòi hỏi sự yên lặng. Nếu giới không trọn vẹn, thì không thể có định. Không định thì không thể có tuệ. (Ðịnh ở đây là sát-na định hoặc định trên đối tượng Danh - Sắc luôn luôn thay đổi). Nói chung, giới cần phải theo đúng Bát Thánh Ðạo. Hành giả phải đặc biệt thận trọng, không nên tùy tiện để phạm giới.
2. Chú giải
- Trong Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Ðạo) có nói rằng, nếu sắc ngồi được quán sát một cách chuyên cần, chẳng bao lâu hành giả cũng sẽ thấy được danh với trí tuệ. Do đó, không nhất thiết phải quán danh cùng với sắc.
Visuddhi Magga cũng nói rằng các oai nghi của thân che khuất khổ bởi vì chúng ta không ghi nhận các oai nghi mình đang sử dụng, do đó, oai nghi mới sẽ che án khổ nơi oai nghi cũ. Sở dĩ có điều này là vì bình thường chúng ta thay đổi oai nghi mà không tác ý chân chánh để nhắc chúng ta biết rằng thay đổi oai nghi là để chữa khổ. Do đó, chúng ta phải thấy khổ trong sắc ngồi, v.v... Việc nhận ra khổ này sẽ hủy diệt tham và sân, vì có trí tuệ thiền tuệ theo dõi thấy rõ biết rõ ta đang sống trong sát-na hiện tại.
- Khi làm một điều gì ngoài bốn oai nghi, chẳng hạn như những công việc trong nhà, hành giả phải sử dụng yoniso để nhận ra đó cũng là để chữa khổ. Hành giả phải tác ý chân chánh khi ăn, uống, đi vệ sinh, tắm giặt, rửa chén bát, v.v... Khi ăn, điều cần ghi nhớ là mỗi miếng ăn được ăn là để chữa khổ. Hành giả có thể tác ý chân chánh bằng cách ghi nhận mỗi lúc nuốt (thức ăn), xem đó là lúc chữa khổ; hành giả sẽ nhận ra rằng khổ buộc ta phải ăn, phải nhai, phải nuốt, và ăn không phải vì tham muốn.
Buổi sáng khi thức dậy, hãy ghi nhớ rằng oai nghi đang sử dụng là sắc nằm. Rồi, trước khi đứng dậy ghi nhớ lý do - chẳng hạn như để uống trà cho tỉnh người hay chữa đói, hoặc chỉ đơn giản vì không thể ngủ được nữa, và sắc nằm phải đứng dậy vì nó là khổ. Nếu rửa mặt thì đó cũng là để chữa khổ.
Do luôn sử dụng tác ý chân chánh như vậy, phiền não sẽ được ngăn chặn không cho lẻn vào qua các cảm giác. Yoniso cho ta biết chính sắc đang được chăm sóc chứ không phải "chúng ta".
Hành giả nên dành một ngày để ghi nhận xem mình đã sử dụng bao nhiêu lần và bao nhiêu cách để chữa cái khổ của sắc. Ðây là một ý kiến rất hay và kết quả của nó khá ấn tượng. Trong một ngày, hành giả có thể đuổi muỗi, gãi ngứa, bật quạt máy, uống một ly nước lạnh, quét kiến ra khỏi liêu cốc, đi vệ sinh, ăn uống, mặc quần áo, tắm rửa, cạo râu, đánh răng, cắt móng tay, móng chân, giặt quần áo, v.v... Tất cả những việc làm ấy là để chữa khổ, và trong khi làm những phận sự này, hành giả không thấy được sắc ngồi,... Sắc ngồi, sắc đứng, v.v... chỉ được quán sát trong bốn oai nghi mà thôi. Việc quán sắc trong các oai nghi phụ tạo ra nhiều niệm (sati) và làm suy yếu tỉnh giác (sampajañña). Ở các oai nghi phụ, chúng ta chỉ nên quán việc chữa khổ là đủ. Ðừng thực hành niệm chi tiết quá, làm vậy sẽ gia tăng niệm mà suy giảm tỉnh giác.
Hành giả phải thận trọng, không nên vội vã cho xong việc nhà hay những công việc khác để lo "hành thiền". Ước muốn hành thiền này là phiền não, bởi vì hành giả muốn thấy Pháp. Các công việc hàng ngày tạo cho ta cơ hội tốt để thấy được khổ trong sắc. Hơn nữa, nó cũng giúp ta giảm bớt tâm định nếu có quá nhiều.
Hành giả chỉ nên làm những việc nào thực sự cần thiết. Chẳng hạn:
- Thay đổi oai nghi. Hành giả thay đổi từ sắc ngồi sang sắc đứng là để chữa khổ. Ðây là việc làm cần thiết. Nhân (khổ) phải nảy sanh trước khi hành giả làm một hành động gì. Ðừng đổi sang một oai nghi nào khác bởi vì hành giả muốn đổi. Hãy chờ cho đến khi khổ buộc phải thay đổi.
- Ăn. Ðây là điều cần thiết để chữa khổ, vì đói buộc hành giả phải ăn.
- Vệ sinh. Ðây cũng là việc cần thiết, hành giả buộc phải làm những phận sự tự nhiên như tiểu tiện, đại tiện này.
- Khi nóng, cũng nên mở quạt hay đi tắm để chữa khổ...
Tất cả những việc làm này đòi hỏi phải có tác ý chân chánh. Nếu không, hành giả sẽ làm những việc này vì muốn làm chứ không phải để chữa khổ, và vì thế phiền não sẽ lẻn vào.
Tuy nhiên, cũng có những gián đoạn khác xảy ra ngoài việc thực hành bình thường, như ai đó gõ cửa; thức ăn hay vật dụng gì đó được đem đến liêu cốc; một người nào đó muốn nói chuyện với hành giả; những sự cố như mất điện hoặc trục trặc các trang bị kỹ thuật; v.v... Những vấn đề này cần phải được giải quyết theo lối thông thường, tuy nhiên, hành giả phải biết rằng nó nằm ngoài pháp hành minh sát và không bao gồm nó vào pháp hành được.
3. Pháp hành tự nhiên
- Ngồi, đi, làm việc như đang ở nhà, sử dụng những oai nghi thông thường.
- Ngồi tự nhiên thường gồm nhiều oai nghi ngồi khác nhau, thay vì chỉ có đi, đứng, ngồi, nằm theo quy định. Thái độ bình thường là ngồi cách này, rồi thay cách khác (luôn luôn là để chữa khổ), và rồi lại thay cách khác, cuối cùng, khi không ngồi được nữa thì đứng hoặc đi.
- Ði cũng cần phải được thực hiện để chữa khổ. Nếu đi với ý định luyện tập thì nên tác ý lại là để chữa khổ. Ðối với một số hành giả, đi là một oai nghi được xem là dễ dẫn đến những động cơ khác hơn là chữa khổ. Ði cho thoải mái, đi theo cách nào đó để thấy được thực tánh, hoặc để kiểm soát phóng tâm, v.v...
- Nằm cũng không nên xao lãng. Nằm vẫn là một trong những oai nghi tự nhiên. Thoạt tiên, oai nghi nằm phải mất một thời gian khá lâu mới thấy khổ. Song, với việc thực hành liên tục, thân sẽ trở nên nhạy cảm hơn, và khi nằm xuống thì cái đau chẳng mấy chốc đã xuất hiện. Nếu đang nằm ngửa thì chuyển sang nằm nghiêng, nhưng nhớ phải yoniso mỗi khi thay đổi oai nghi.
- Nếu đang trong oai nghi nằm mà cảm thấy buồn ngủ thì ngủ với tâm niệm rằng đó là để chữa khổ. Song, nếu thân đã được ngủ đầy đủ mà vẫn ở trong tình trạng uể oải thì cần phải coi lại xem có phải do ăn quá nhiều trong bữa điểm tâm hay bữa cơm trưa hay không. Nếu phải, nên ăn giảm lại ba miếng trước khi no. Nếu trạng thái uể oải vẫn còn thì đứng dậy rửa mặt, hoặc đi ra ngoài hít thở không khí trong lành cho tỉnh lại. (Ngủ vượt ngoài những đòi hỏi bình thường của cơ thể, là một hình thức của tham ái, vì thấy ngủ là thoải mái, hay được ngủ càng nhiều càng tốt).
- Khi thức dậy vào nửa đêm, cố gắng ghi nhận sắc nằm. Nếu chỉ thức một lát (do trở mình hay giật mình), cũng cần phải ghi nhận việc thay đổi oai nghi (là để chữa khổ).
Tại sao phải thực hành một cách tự nhiên?
Dhamma Niyāma là Quy Luật Tự Nhiên hay Trật Tự Tự Nhiên (tức quy luật Nhân Quả). Quy luật này hiện hữu ở mọi nơi trong thế gian và Ðức Phật chỉ là Người khám phá ra nó. Dhamma Niyāma có ba đặc tánh:
- Các pháp hữu vi là vô thường - Sabba sankhāra anicca.
- Các pháp hữu vi là khổ - Sabba sankhāra dukkha.
- Tất cả các pháp (hữu vi & vô vi) là vô ngã - Sabba Dhamma anatta.
Bởi lẽ vô ngã cũng là thực tánh của Niết Bàn nên tất cả các pháp (Dhamma) đều không có tự ngã (anatta).
Ba đặc tánh trên hiện hữu trong mọi lúc, mọi nơi, dù cho khi ở nhà không hành thiền cũng vậy. Tuy nhiên, khi ở nhà, danh và sắc dễ bị phiền não ảnh hưởng làm cho ta nghĩ rằng "Ta" hiện hữu. Ðó là lý do tại sao trong pháp hành, mọi sự, mọi việc phải được làm một cách tự nhiên, nếu không, hành giả khó có thể thấy được những quy luật tự nhiên (Dhamma Niyāma) này. Chẳng hạn, nếu việc đi được thực hiện chậm một cách khác thường, tức không còn bình thường, quy luật tự nhiên sẽ bị che án.
Sự việc này cũng xảy ra như vậy nếu hành giả chỉ quan sát bước đi mà không quán sát toàn thân, hoặc không quán sát toàn bộ sắc ngồi trong khi ngồi, như Ðức Phật đã làm sáng tỏ trong đoạn Kinh sau:
"Lại nữa, này các tỳ kheo, một vị tỳ kheo khi đi tuệ tri rằng: ta đang đi; hoặc khi đứng, vị ấy tuệ tri rằng: ta đang đứng; hoặc khi ngồi, vị ấy tuệ tri rằng: ta đang ngồi; hoặc khi nằm, vị ấy tuệ tri rằng: ta đang nằm. Tóm lại, dù khi thân ở oai nghi nào, vị ấy tuệ tri nó là như vậy."(Dighā Nikāya, Mahāsatipaṭṭhāna Sutta)
(Ở đây, Ðức Phật dùng đại từ nhân xưng "ta", bởi vì nó cần thiết cho việc truyền đạt, nhưng phải hiểu là không có cái ngã nào thực hiện những oai nghi này, mà chỉ có Danh và Sắc. Danh, Sắc ấy phải được quán sát ngay trên thân chúng ta, chứ không phải trên thân người khác.)
Thiền sư Achan Naeb đặt câu hỏi này:
- Làm thế nào hành giả biết được cái gì là sắc đi?
- Cách hành giả đi tức là sắc đi vậy. Nhớ là toàn thể oai nghi chứ không phải chỉ bước chân. Sắc đi được nhận biết bằng ba danh - tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác (yogavacara).
4. Làm thế nào để biết được pháp hành của mình là đúng hay sai?
Việc nhận ra khi nào thì pháp hành của mình đúng và khi nào sai rất là quan trọng. Chẳng hạn, với pháp hành đúng, hành giả sẽ biết được oai nghi mình đang sử dụng và biết rằng oai nghi đó là sắc ngồi. Biết oai nghi là nhiệm vụ của niệm, và biết đó là sắc ngồi là nhiệm vụ của tỉnh giác. Hành giả sẽ biết hai điều này một lần. Nếu hành giả có sự tỉnh thức đối với sắc ngồi bằng tuệ thẩm nghiệm, hành giả sẽ biết bằng cảm nhận pháp hành như vậy là đúng. Nếu tuệ thẩm nghiệm đúng này được lập đi lập lại mãi sẽ dẫn đến trí tuệ minh sát (vipassanā paññā).
Hành giả cần phải biết rằng phận sự của Tứ Niệm Xứ là tiêu diệt tham - sân hay ưa - ghét. Chẳng hạn, nếu hành giả không thích phóng tâm, như vậy, sân sẽ phát triển. Ngược lại, nếu hành giả thích trú trong sát-na hiện tại bởi vì nó có lạc, lúc ấy, tham sẽ phát sanh. Vì vậy, pháp hành đúng là duy trì sự tỉnh thức trong sát-na hiện tại càng nhiều càng tốt - chính điều này sẽ tiêu diệt tham và sân.
Lại nữa, khi tâm gặp một đối tượng, tùy thuộc vào tác ý của hành giả có đúng hay không mà các trạng thái, hoặc là không kèm với phiền não (tức sát-na hiện tại), hoặc kèm với phiền não (các triền cái) sẽ phát sanh. Giả sử tâm gặp "phóng tâm", nếu yoniso không chân chánh, sân có thể nảy sanh. Nhưng nếu yoniso chánh đáng, nó sẽ thấy rõ rằng phóng tâm chỉ là Danh (phóng tâm), chứ không phải "ta" (phóng tâm), và hành giả sẽ sớm trở lại sát-na hiện tại.
5. Giản dị hóa pháp hành cho hành giả sơ cơ
Làm cho pháp hành trở thành phức tạp lúc ban đầu không phải là một ý tưởng hay. Ðối với hành giả sơ cơ, tốt nhất nên dùng sắc làm đối tượng quán trong sát-na hiện tại càng nhiều càng tốt, bởi lẽ sắc thô nên dễ thấy hơn, trong khi danh tế rất khó thấy, đồng thời giới hạn pháp hành vào những điểm thiết yếu này:
- Phận sự chính của hành giả là biết sắc ngồi, sắc đứng, v.v... trong mọi lúc bằng ba Danh - tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác - nghĩa là hành giả trú trong sát-na hiện tại của tuệ thẩm sát (ciñta pañña - present moment) càng liên tục càng tốt.
- Phận sự phụ là ghi nhận bất kỳ trạng thái tâm nào xen vào hay xâm nhập vào trong cái biết sắc ngồi,... (Chẳng hạn khi hành giả đang quán sắc ngồi thì "danh nghe" hay "danh thấy" nảy sanh.)
- Duy trì trong một oai nghi quy định nào đó cho đến khi cái đau buộc phải thay đổi, lúc ấy, tác ý chân chánh đến cái đau như là khổ và theo dõi cái đau chuyển sang oai nghi mới.
- Phải yoniso mọi hoạt động khác (ăn, uống, tắm rửa hay làm các phận sự trong nhà v.v...) như để chữa khổ.
Tóm lại, phận sự chính của hành giả sơ cơ là phải tỉnh thức liên tục đối với sắc trong mọi oai nghi cho đến khi hoàn toàn thuần thục trong việc quán ấy.
Chú thích:
Cũng như một người muốn làm cho nước trong, dùng một trái hạnh (katukanut) rồi thọc tay vào trong bình quấy hai, ba lần, nước vẫn chưa trong. Nhưng y không vì thế mà quăng trái hạnh đi, ngược lại, y sẽ chà đi, chà lại nhiều lần. Khi y làm như vậy, chất bùn sẽ lóng xuốngvà nước sẽ trở nên trong vắt. Vị hành giả cũng vậy, không nên thối chí mà phải nhận thức thấu đáo, tác ý nhiều lần, phân biện và định rõ chỉ nội sắc mà thôi.
III. LUẬN VỀ PHÁP HÀNH
1. Liên hệ pháp hành với Tứ Thánh Ðế
Khổ Ðế (dukkhasacca). Trong mỗi oai nghi, chúng ta thấy khổ - đó là khổ thọ (dukkhavedanā) và hành khổ (sankhāradukkha). Cả hai đều là Khổ Ðế (dukkhasacca) - tức Danh - Sắc là khổ.
Tập Ðế (samudayasacca). Ái (tanha) là nhân sanh khổ. Trong khi tỉnh thức với sắc ngồi, v.v... (trong sát-na hiện tại), tuệ minh sát nảy sanh, và hành giả có thể diệt được tà kiến cho rằng chính "Ta" đang ngồi - tức là diệt thân kiến (sakkāyadiṭṭhi).
Diệt Ðế (nirodhasacca). Phiền não càng giảm thiểu, hành giả càng gần đến sự diệt khổ (nirodha) hơn. Sự diệt này có thể là nhất thời đoạn diệt (tadanganirodha) như trong sát-na hiện tại, hoặc diệt đoạn tuyệt (samucchedanirodha) như trong sự giác ngộ viên mãn.
Nếu ái diệt, thời khổ diệt, bởi vì ái là nhân sanh khổ. Khi nhân diệt thời quả (khổ) cũng diệt. Như vậy, có trí tuệ thiền tuệ theo dõi thấy rõ biết rõ chứng ngộ Tứ Thánh Ðế. Sự kiện này tùy thuộc vào năng lực của Tâm Ðạo (Maggacitta). Tâm Ðạo chính là cái sát trừ phiền não.
Ðạo Ðế (maggasacca). Trong khi chánh niệm vào oai nghi như là sắc, trong sát-na hiện tại, chúng ta cũng đồng thời tu tập Giới, Ðịnh, Tuệ - được xem là Bát Thánh Ðạo hay Ðạo Ðế. Càng nhận rõ khổ bằng trí tuệ, chúng ta càng tu tập Bát Thánh Ðạo nhiều hơn vậy.
2. Các loại khổ trong pháp hành Vipassanā
Ðối với sắc (rūpa), có hai loại khổ, là khổ thọ (dukkhavedanā) và hành khổ (sankhāradukkha). Thọ khổ là sự khó chịu, đau nhức nơi thân. Hành khổ là cái đau đang diễn biến hay đang được chữa. Khổ này khó thấy hơn khổ thọ.
Ðối với Danh - Sắc (nāma-rūpa), cũng có hai loại, là khổ tướng (dukkhalakkhana) - đây là đặc tánh của danh sắc; và khổ đế (dukkhasacca) là cái khổ cố hữu.
Khổ thọ là cái khổ thông thường, như được cảm giác trong các oai nghi. Người hành thiền cần phải quán khổ thọ trước, bởi vì nó dễ thấy và lúc nào cũng hiện hữu trong bốn oai nghi. Khi hành giả nhận rõ khổ, hành giả sẽ nhận ra Danh - Sắc bị khổ thọ này buộc phải thay đổi oai nghi suốt ngày vậy.
Hành khổ là cái khổ được mang qua oai nghi mới do buộc phải thay đổi từ oai nghi cũ. Hành khổ này cũng gồm các hoạt động khác cần phải làm suốt ngày để duy trì thân thể, như là ăn uống, thở vào, thở ra, v.v...
Khổ tướng là những đặc tánh của Danh - Sắc. Chúng có cùng những đặc tánh như mọi hiện hữu là vô thường, khổ, vô ngã. Loại khổ này chỉ có thể nhận ra bằng tuệ minh sát. Tam tướng hay ba đặc tánh được thấy rõ ở Tuệ thứ tư trong 16 Tuệ minh sát, là Sanh Diệt Tuệ (Udayabbayañāṇa).
Khổ Ðế là Thánh đế thứ nhất trong Tứ Thánh Ðế. Khổ Ðế ở đây là Danh và Sắc. Khi Khổ Ðế được chứng ngộ, các phận sự khác của Tứ Thánh Ðế cũng được chứng ngộ.
3. Những vấn đề cần biết
3.1. Ngã kiến phiền não thường lẻn vào ở đâu?
Ngã kiến phiền não lẻn vào qua Danh (cảm giác). Như khi hành giả đang ngồi và Danh cảm giác rằng chính "ta" đang ngồi hay tự ngã của ta đang ngồi. Hành minh sát là để nhận ra sự thực rằng đó chỉ là sắc ngồi. Hành giả cần phải có tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác mới thấy được rằng sắc đang ngồi.
3.2. Cái gì biết đó là sắc ngồi?
Ba Danh - tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác - biết được đó là sắc ngồi.
3.3. Mục đích của việc tỉnh thức về bốn oai nghi này là gì?
- Tiêu diệt tà kiến "ta" đang ngồi, đang đứng, v.v... Và điều này chứng minh rõ lý vô ngã.
- Khi sắc ngồi có sự đau nhức, chúng ta có thể thấy rõ khổ. Khi khổ buộc sắc phải thay đổi, thì đó là vô thường (anicca). Vô thường nghĩa là chúng ta không thể ở yên trong một oai nghi nào đó quá lâu. Lại nữa, khi chúng ta biết sắc ngồi (tức thấy vô ngã), tự động chúng ta sẽ nhận ra hai đặc tánh khổ và vô thường bằng trí tuệ thẩm nghiệm (cinta paññā).
3.4. Tại sao chúng ta phải theo dõi cái đau từ oai nghi cũ sang oai nghi mới, chẳng hạn từ sắc ngồi qua sắc đứng?
Khi sắc ngồi có sự đau nhức, hành giả phải ghi nhận rằng sắc ngồi khổ. Khi chuyển sang sắc đứng, cái đau ấy phải được theo dõi để nhận ra rằng sắc đứng cũng vẫn khổ. Khi cái đau được chữa, hành giả có thể thấy ra rằng oai nghi mới là để chữa khổ, và điều này sẽ ngăn chặn phiền não - không thích đối với oai nghi cũ, hoặc thích thú với oai nghi mới. Sở dĩ phiền não được ngăn chặn là vì lúc này chúng ta biết rằng, không có "chúng ta" trong oai nghi cũ hoặc mới, chỉ có sắc ngồi, sắc đứng,... mà thôi. Khi hành giả có tác ý chân chánh như vậy, hành giả sẽ nhận ra là không có một sắc nào là lạc cả. Nhờ thường xuyên thay đổi oai nghi với tác ý chân chánh, hành giả còn nhận ra sự thực rằng bốn oai nghi luôn che án thực tánh khổ.
3.5. Tại sao chúng ta nói "sắc ngồi", "sắc đứng"?
Bởi vì trong mỗi oai nghi sắc không giống nhau, nghĩa là, sắc ngồi là một sắc, sắc đi là một sắc khác, v.v... Ngay cả danh biết sắc ngồi cũng khác với danh biết sắc đi... Sở dĩ có điều này là vì danh và sắc sanh diệt trong từng sát-na, do vậy chúng không bao giờ giống nhau. Sự hiểu biết này sẽ giúp hành giả thấy rõ bản chất của nguyên khối tưởng (ghanasañña, thường dẫn đến tà kiến cho rằng Danh - Sắc là "ta", là tự ngã của "ta").
3.6. Những câu hỏi hành giả có thể tự vấn:
Sắc ngồi là thường hay vô thường? - Sắc ngồi là vô thường.
Làm sao để biết? - Bởi vì khổ buộc sắc phải thay đổi thường xuyên.
Chúng ta có cái gì khiến cho phải khổ? - Chúng ta có Danh và Sắc.
Danh là thường hay vô thường? - Vô thường.
Làm sao biết được? - Danh không thể trú lâu trên một đối tượng bao giờ. Phóng tâm sẽ phát sanh.
Danh có khổ hay không? - Khổ.
Làm sao để chứng minh có khổ trong danh? - Nó không thể ở yên một chỗ (nên là khổ). Danh và Sắc luôn luôn vô thường và khổ, do đó, nó không có tự ngã. Vì không có tự ngã nên không bị kiểm soát; chính vì thế mà nó không phải là "chúng ta". Khi hành giả nhận rõ điều này, hành giả thấy được Pháp. Pháp mà hành giả thấy đó là khổ (dukkha). Chính khổ này dẫn đến Khổ Ðế (dukkhasacca). Khổ Ðế là Thánh Ðế tuyên bố rằng, ta không thể nào chữa được khổ trong danh và sắc, dĩ nhiên là ngoại trừ việc chữa tạm thời. Cả danh và sắc đều sanh diệt một cách nhanh chóng, và chúng ta không thể nào thay đổi được điều này.
Cái gì được xem là sắc ngồi? - Toàn bộ oai nghi, hay cách chúng ta ngồi, là sắc ngồi.
Cái gì quán oai nghi ngồi? - "Ta" không quán oai nghi ngồi, mà ba danh (tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác) quán.
4. Khảo sát Danh và Sắc
Ðiều quan trọng mà hành giả cần hiểu ở đây là Danh hay Sắc phải luôn luôn là đối tượng của pháp hành. Nếu không có danh hay sắc thường xuyên làm đối tượng của sự tỉnh thức thì dù có tinh tấn đến đâu, hành giả cũng không thể thành công. Tuy nhiên pháp hành sẽ không đến nỗi quá khó nếu như hành giả hiểu rõ những nguyên tắc thực hành.
Cần phải khảo sát Danh - Sắc kỹ lưỡng trước khi thực hành, như vậy, hành giả sẽ dễ dàng nhận ra cái gì là danh, cái gì là sắc. Cũng giống như việc đọc chữ, người học trò cần phải biết các mẫu tự A, B, C,... thì mới có thể đọc được. Hành giả cũng vậy, phải biết danh và sắc trước thì mới có thể hành đúng được. Nếu chúng ta không có danh hay sắc làm đối tượng liên tục trong pháp hành, chúng ta sẽ hành với ý niệm rằng "ta khổ", chẳng hạn, và như vậy sẽ không thể nào loại trừ được ngã kiến.
5. Ðịnh (samādhi)
Trong pháp hành này, nếu có quá nhiều định là điều không tốt. Ðôi khi trong oai nghi ngồi, hành giả chỉ biết oai nghi ngồi mà không biết sắc ngồi, hoặc trong một vài trường hợp có hành giả thậm chí còn không nhận ra oai nghi mà mình đang sử dụng nữa. Ðiều này là do định tâm thái quá. Ðể giảm thiểu tâm định này, một vài hoạt động linh hoạt được xem là rất hữu ích, chẳng hạn như làm các công việc, đi thật nhanh hay chạy cũng được, v.v... Trong mọi trường hợp, nếu có quá nhiều tâm định ở bất cứ oai nghi nào thì nên thay đổi oai nghi ấy.
Ðề cập đến định, Thiền sư Achan Naeb nói: "Ðịnh nào lấy Niệm Xứ (satipaṭṭhāna) làm đối tượng, định ấy sẽ không dẫn đến tham (abhijjha), bởi lẽ nó đưa đến trí tuệ - tuệ chứng ngộ khổ. (Ðây là cách duy nhất để biết xem pháp hành của mình có đúng hay không). Ðịnh nào làm cho ta an lạc, không phải là Niệm Xứ, bởi lẽ định ấy không thanh tịnh, mà bị ô nhiễm với phiền não. Mặc dù nó tạo ra lạc, song nó không hủy diệt điên đảo tưởng (vipallāsa). Loại định đó gọi là hành uẩn (sankhārakhandha), và như vậy là một phần của ngủ uẩn (Danh - Sắc), và không thể diệt khổ, tức là, không thể đạt đến Niết Bàn (Niết Bàn cũng là danh nhưng thường và lạc bởi vì Niết Bàn nằm ngoài năm uẩn". Sát-na tâm đạo ngắn ngủi đó là Niết Bàn, do vậy không có thọ (Khi Ngài Udayi hỏi Ngài Xá Lợi Phất, Niết Bàn sao có thể là lạc được, bởi vì không có thọ, Bậc Tướng Quân Chánh Pháp trả lời: "Chính cái chỗ không có thọ ấy là lạc" - Anguttara-Nikāya, Nibbānasutta)..
Có khi hành giả thiên quá về định đến nỗi mất đi cảm giác biết được rằng sắc đang ngồi. Mặc dù vậy, họ vẫn nghĩ rằng họ cảm nhận được sắc ngồi, bởi vì họ thiếu sự quán sát pháp hành (sikkhāti) để cho họ biết rằng sắc ngồi không còn được cảm nhận nữa. Vả lại, nếu không có sikkhāti, hành giả có thể cảm giác khổ nhưng không nhận ra đó là sắc ngồi có khổ. Người ấy sẽ nghĩ rằng chính "anh ta" đang cảm thọ khổ, như thế, vô tình họ đã thực hành với ý niệm "ta" ngồi, "ta" khổ, v.v... Và chắc chắn không thể nào loại bỏ được tà kiến về tự ngã (thân kiến).
Trước tiên hành giả sẽ biết sắc ngồi với tác ý chân chánh; kế đến, hành giả quán sát sắc ngồi với ba danh - tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác - hay nói gọn là yogavacara. Khi đau nhức phát sanh, yogavacara biết đó là sắc ngồi khổ. Khi thực hiện việc thay đổi oai nghi, tác ý chân chánh biết sự thay đổi là để chữa khổ, và tác ý này sẽ ngăn chặn tham và sân không cho xen vào trong lúc thay đổi oai nghi.
6. Phóng tâm (uddhacca)
Một trong những nguyên nhân sanh phóng tâm là có quá nhiều tinh tấn (ātāpī). Nhiệt tâm quá mức này khiến cho hành giả xua đuổi phóng tâm và làm cho nó trở nên tệ hại hơn. Phóng tâm là danh; phóng tâm là thực tánh, và cũng là một đối tượng nằm trong Pháp Tùy Quán (Dhammānupassanā) của Tứ Niệm Xứ, bởi vì nó là vô thường, khổ và vô ngã. Phóng tâm dạy cho ta biết rằng danh nằm ngoài sự kiểm soát (vô ngã).
Mục đích của pháp hành minh sát là nhằm tiêu diệt tham - sân (abhijjha - domanassa) với tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Nếu hành giả thích định, đó là tham. Nhưng nếu hành giả không thích phóng tâm khi nó phát sanh chỉ vì nó không phải định, điều đó tạo ra sân. Trong cả hai trường hợp, hành giả đều không thể tiêu diệt tham và sân. Vì thế, đối với phóng tâm, không nên có thái độ thích hay không thích.
Hành giả thực hành minh sát là để phát triển thiện pháp (kusala). Nhưng, thay vào đó lại gặt bất thiện pháp (akusala), bởi vì đã khởi tâm sân với phóng tâm. Sự sân hận này là do thiếu trí tuệ, đặc biệt là tác ý chân chánh. Tác ý chân chánh biết phóng tâm là danh, phóng tâm là thực tánh bởi vì nó vô thường, khổ và vô ngã. Phóng tâm nảy sanh là vì ba danh quán sát không còn ở trong sát-na hiện tại. khi hành giả nhận ra phóng tâm là danh (tâm sở), nó sẽ biến mất, và ba danh sẽ trở lại với sát-na hiện tại. Ðừng theo dõi "câu chuyện" (dòng suy nghĩ) của phóng tâm. Nếu không, phóng tâm này sẽ dẫn hành giả đi càng lúc càng xa khỏi sát-na hiện tại. Nếu hành giả biết "câu chuyện" là hành giả đã không có sự tỉnh thức. Nếu hành giả có sự tỉnh thức, hành giả sẽ không biết "câu chuyện". Chỉ đơn giản nhận ra nó là phóng tâm và tâm sẽ tự động trở lại với sát-na hiện tại.
Khi hành giả trở lại với sát-na hiện tại, hành giả sẽ thấy sắc ngồi rất rõ. Ðược như vậy là vì lúc này, hành giả không phải cố gắng để thấy sắc ngồi (do không có phiền não). Ðây là tâm có chánh niệm - tỉnh giác hay sự tỉnh thức - và cần được duy trì, song không nên cưỡng buộc. Việc thực hành này là để quán Danh - Sắc như một khán giả, không nên cố gắng thay đổi hay kiểm soát chúng. Sau khi đã có kinh nghiệm nhiều hơn trong pháp hành, "con vượn tâm" (tâm lang thang) sẽ trở nên thuần hóa, và hành giả sẽ trú trong sát-na hiện tại thường xuyên. Lúc ấy, việc bắt cảnh hiện tại hay sát-na hiện tại sẽ dễ dàng hơn đối với hành giả.
7. Phần linh tinh
Bệnh hoạn không phải là chướng ngại cho việc thực hành. Nhưng có khả năng hành giả sẽ không cảm nhận được sắc ngồi bởi vì quá đau. Hành giả lúc này chỉ nên quán cái đau, bỏ qua oai nghi, và nhận ra rằng sắc thân là khổ (Sắc (rūpa) khi được quán như cái đau, không còn là sắc ngồi, v.v... nữa, mà trở thành sắc thân (rūpakāya), tức sắc được xem như thân vậy), đó là khổ đế. hơn nữa, hành giả cũng có thể thấy ra rằng sắc là vô ngã, vì nó không thể kiểm soát được (Trong Tương Ưng Kinh, Ðức Phật nói với nam cư sĩ Nakulapitā, lúc ấy đang bệnh hoạn già yếu, rằng, đối với hàng phàm nhân không tu tập, khi bệnh hoạn phát sanh, thân bất an và tâm cũng bất an; nhưng đối với người đã diệt được thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), thân bất an nhưng tâm thì không).
Làm thế nào để hành giả biết được khi tâm có chánh niệm - tỉnh giác khởi sanh (trong sát-na hiện tại)?
Khi tâm có chánh niệm - tỉnh giác, nó sẽ biết các oai nghi (đây là nhiệm vụ của chánh niệm), tâm biết rằng oai nghi đó là sắc ngồi, v.v... (đây là nhiệm vụ của tỉnh giác). Khi sati - sampajañña (chánh niệm tỉnh giác ) có mặt, sẽ không có những trạng thái trạo cử, hối quá, không có những trạng thái bất an và chán nản đối với pháp hành.
Nếu hành giả thiếu tinh tấn, kết quả sẽ là lười biếng hoặc không chú tâm đến pháp hành. Thiếu tinh tấn là do ít hiểu biết về pháp hành; không có khả năng thấy khổ và sự cần thiết của việc loại trừ phiền não (kilesa), đồng thời cũng không có khả năng để thấy rằng chúng ta có thể chết bất cứ lúc nào, cần phải tận dụng thời gian mà chúng ta có (để hành thiền). Ở đây, hành giả nên nhớ rằng, Ðức Phật đã để lại di sản Giáo pháp cho chúng ta, pháp đó là Satipaṭṭhāna (Tứ Niệm Xứ); do đó, chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để thực hành nó trong kiếp sống này.
Hành giả sơ cơ cũng phải nhớ rằng pháp hành này là thiện pháp tối cao (diệt trừ các phiền não), nó có thể cần rất nhiều thời gian. Sở dĩ gọi là thiện pháp tối cao vì nó sẽ đưa hành giả đến chỗ giải thoát khổ, và dĩ nhiên, điều đó không phải dễ. Hành giả cũng không nên vội vã mong chóng có kết quả, bởi vì phần đông hành giả trước đây đã từng hành không đúng nên cần phải có thời gian để phát triển pháp hành theo đúng chánh pháp.
IV. KẾT LUẬN
Pháp hành đúng sẽ dẫn đến kết quả đúng. Pháp hành đúng tùy thuộc vào trí tuệ và những thiện pháp đã tích lũy đời trước.
Ðiều quan trọng trong pháp hành này là làm sao thay đổi được tà kiến cho rằng Danh - Sắc này là "Ta", là tự ngã của chúng ta. Nếu hành giả không thể chuyển đổi được tà kiến này thì khó có thể đạt đến Tuệ thứ nhất (Tuệ phân biệt danh - sắc), và không có Tuệ thứ nhất thì không thể phát triển 16 tuệ minh sát và chứng Niết bàn được. Khi hành đúng và có kết quả, hành giả sẽ tự biết, cũng giống như việc nếm đường - bạn không cần người thầy bảo cho bạn biết vị đường là như thế nào.
Trong thời đại này, con người nặng về tham ái và yếu về trí tuệ. Nó là vậy bởi vì đây là kỷ nguyên vật chất dành cho tất cả mọi người (không phải chỉ có vua chúa mới hưởng được như ngày xưa), những phương tiện kỹ thuật hiện đại bủa vây chung quanh làm chuyển hướng tâm chúng ta. Người mới bắt đầu hành thiền nếu có ý nghĩ rằng ta rất thích hành thiền và chắc chắn sẽ sớm thấy Pháp (Dhamma), người ấy sẽ thất bại. Họ thất bại là vì phiền não có sức mạnh hơn, do đã tích luỹ lâu đời trong họ, mà việc hành thiền là một quá trình gạn lọc từ từ. Người muốn loại trừ phiền não trong tâm, cần phải hành đúng chánh pháp để diệt trừ phiền não và đồng thời cũng phải hiểu pháp hành qua việc nghiên cứu những lời dạy xác đáng của Ðức Phật. Không hiểu chánh pháp (pariyatti) và pháp hành đúng để đoạn tận khổ, ta không thể chứng Niết bàn được.
Thiền sư Achaan Naeb nói rằng, việc thực hành Vipassanā này rất khó, khó hơn cả việc đi trên dây nữa. Nếu hành giả rơi xuống, hành giả phải tiếp tục đứng dậy và cố gắng mãi cho đến khi thành công. Ðây là nhiệt tâm tinh tấn (ātāpī) hỗ trợ trực tiếp cho chánh niệm tỉnh giác (sati - sampajañña) trú trong sát-na hiện tại. Việc duy trì Trung Ðạo (không tham cũng không sân) - sự quân bình - này, đòi hỏi rất nhiều cố gắng, thận trọng. Nó quả thực là khó, nhưng không phải không thể - nếu hành giả thực sự muốn đoạn tận khổ.
"Ít người giữa nhân loại,
Ðến được bờ bên kia.
Số người còn ở lại,
Xuôi ngược chạy bờ này.
Những ai hành trì pháp,
Theo chánh pháp khéo dạy,
Sẽ đến bờ bên kia,
Vượt ma lực khó thoát.
Kẻ trí bỏ pháp đen,
Tu tập theo pháp trắng,
Bỏ nhà sống không nhà,
Sống viễn ly khổ lạc.
Hãy cầu vui Niết bàn.
Bỏ dục không sở hữu,
Bậc trí tự rửa sạch
Cấu uế từ nội tâm.
Những ai với chánh tâm,
Khéo tu tập Giác Chi,
Từ bỏ mọi ái nhiễm,
Hoan hỷ không chấp thủ,
Không lậu hoặc sáng chói,
Sống tịch tịnh ở đời." (Dhammapada 85 - 89)
PHẦN III:
KẾT QUẢ
"Khi bậc Thánh cắt đứt vòng tái sanh luân hồi, đoạn tận mọi tham ái, dòng ái dục khô cạn, không còn chảy nữa; bánh xe bị cắt đứt, không còn lăn được nữa - đó là sự đoạn tận khổ, là Niết bàn." (Khuddaka Nikāya)
VI. TÓM TẮT 12 XỨ
(Các Căn và Đối Tượng Quán Phù Hợp)
Căn
LÝ THUYẾT
THỰC HÀNH
Sắc
Danh
Chọn Danh hay Sắc
Lý do
1. Mắt
Hình dáng là sắcBiết hình dáng là Danh"Danh thấy" (1)
Chúng ta nghĩ "Ta thấy", đó là tà kiến. "Danh thấy" (thực tánh), đấy là chánh kiến
Ba Danh (2)quán "Danh thấy"
2. Tai
Âm thanh là sắcBiết âm thanh là danh"Danh nghe"
Chúng ta nghĩ "Ta nghe", đó là tà kiến. "Danh nghe" (thực tánh), đấy là chánh kiến
Ba Danh quán "Danh nghe"
3. Mũi
Mùi là sắcBiết mùi là danhMùi là sắc (rùpa)Chúng ta nghĩ "Ta ngửi", đó là tà kiến. Biết "mùi là sắc", đấy là chánh kiếnBa danh quán mùi là sắc
4. Lưỡi
Vị là sắcBiết vị là danhVị là sắc (rùpa)Chúng ta nghĩ "Ta nếm", đó là tà kiến. Biết "vị là sắc", đấy là chánh kiếnBa danh quán vị là sắc
5. Thân
Lạnh, nóng, cứng, mềm. Thân xúc là sắcBiết cảm giác xúc chạm là danhNhững cảm giác xúc chạm là sắcChúng ta nghĩ "Ta nóng, ta lạnh", đó là tà kiến. Biết "sắc nóng, sắc lạnh", đấy là chánh kiếnBa danh quán các cảm xúc ở thân
6. Tâm
Các oai nghi chính và phụ là sắcBiết các oại nghi ấy là danh; nghĩ đến việc thay đổi oai nghi là danh; phóng tâm là danh; thương ghét là danh; biết đau là danhCác oại nghi là sắc, các trạng thái tâm là danhChúng ta nghĩ "ta ngồi, ta đứng,..." là tà kiến, phải biết là "sắc ngồi, sắc đứng,...". Chúng ta nghĩ "ta thương, ta ghét,..." là tà kiến, phải biết là "thương là danh, ghét là danh,..". Đấy là chánh kiến.Ba danh quán các oai nghi và các trạng thái tâm.

Chú  thích:
(1) a) Ðối với mắt và tai, đối tượng minh sát hay đối tượng quán chỉ là danh thấy hay danh nghe; các căn khác như mũi, lưỡi, thân thì đối tượng có thể là sắc hoặc danh -tùytheo phiền não khởi lên mạnh nhất ở đâu, chẳng hạn khi phiền não (tà kiến) chấp đó là "ta ngửi", "ta nếm", "ta xúc chạm" thì diệt bằng cách quán đó là "danh ngửi", "danh nếm", ... Còn ngược lại thì chỉ quán đó là hương trần, vị trần, xúc trần, tức là biết mùi ấy là sắc; vị ấy là sắc; nóng lạnh ấy là sắc... Ðối với căn thứ sáu thì sử dụng cả hai danh và sắc.
             b)Thấy là niệm (sati), biết danh đang thấy là tỉnh giác (sampajañña)
(2) a) "ba danh" hay yogavacara: tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác
             b) Nghe là chánh niệm. Biết danh đang nghe la tỉnh giác.
VII. MƯỜI SÁU TUỆ MINH SÁT
1) Nāmarūpaparicchedañāṇa - Tuệ Phân Biệt Danh - Sắc
Ðây là tuệ, nhờ đó, hành giả nhận ra thực tánh pháp trong sát-na hiện tại (sabhāva dhamma)Sabhāva là thực tánh của Danh (nāma) và Sắc (rūpa). Tuệ này làm thay đổi tà kiến cho rằng nāma - rūpa là "ta". Trí tuệ ở giai đoạn này chưa đủ để cho hành giả nắm bắt sát-na hiện tại, bởi vì tà kiến (phiền não) cho rằng Danh - Sắc là "ta" hay "của ta" đã quá thâm sâu. Người muốn đạt được Tuệ phân biệt Danh - Sắc nầy phải tuân thủ tuyệt đối pháp hành Tứ Niệm Xứ như đã được Ðức Phật trình bày trong Kinh Mahāsatipaṭṭhāna (Ðại Niệm Xứ).
Hành giả muốn thành công trong con đường thiền quán cần phải nắm bắt Danh - Sắc trong sát-na hiện tại thường xuyên, với càng nhiều trí tuệ thẩm nghiệm (cinta paññā) càng tốt, cho đến khi chánh niệm tỉnh giác trở thành trí tuệ mạnh mẽ. Lúc ấy, chánh kiến (sammā - diṭṭhi) sẽ nảy sinh. Trường hợp, khi chánh kiến phát sanh, hành giả sẽ biết, trong sát-na hiện tại, danh nào, sắc nào đang được quán (sắc ngồi, danh nghe,...), và hành giả cũng sẽ nhận ra rằng chính Danh (là cái) biết được đó là sắc ngồi, v.v... Hơn nữa, hành giả cũng sẽ biết rằng, vạn pháp trong thế gian này đều không ngoài Danh và Sắc - không đàn ông, không đàn bà, không tự ngã hay linh hồn gì cả. Khi tà kiến về tự ngã đã bị diệt trừ, hành giả sẽ cảm thấy vô cùng sợ hãi bởi vì từ trước đến nay, chưa bao giờ hành giả có cảm giác rằng không có "ta" hay "của ta" cả.
Nhờ tuệ minh sát (vipassanā paññā) cực mạnh nhổ bật gốc những phiền não (tà kiến) ra khỏi cảm giác của mình, giờ đây hành giả có thể nhận ra thực tánh của Danh và Sắc.
Khi đến tuệ này, hành giả sẽ tự mình biết lấy. Cũng giống như việc nếm đường, không cần ai nói cho ta biết vị của đường là như thế nào.
Trong Anguttara - Nikāya (Tăng Chi Kinh), Ðức Phật nói Pháp (Dhamma) này là: "Paccattaṃ veditabbo viññuhi" - bậc trí tự mình trực nghiệm. Dhamma (Pháp) không cần một vị thầy phải giải thích cho ta biết rằng ta đã đạt đến mức độ tuệ nào, mà hành giả sẽ tự biết do trực nghiệm cá nhân của mình. Cũng có khi một số hành giả sẽ nghĩ rằng mình đã đạt đến một tuệ nào đó, nhưng không thực sự chắc chắn lắm. Nếu hành giả không chắc chắn thì hành giả có thể vẫn chưa đạt được tuệ ấy.
Tuệ này được gọi là Diṭṭhivisuddhi - Kiến tịnh, bởi vì vào sát-na chứng ngộ sẽ không có phiền não. Tuy nhiên, chánh kiến này vẫn chưa nhận rõ tam tướng (vô thường, khổ, vô ngã), cần phải thực hành thêm để đạt đến đó.
Trí tuệ thứ nhất này trở thành nơi "nương nhờ" (quy y) của hành giả, bởi vì nhờ đó, hành giả nhận ra thực tánh pháp. Hành giả biết điều này bằng sự trực nhận Danh - Sắc, cũng như người nếm vị đường vậy.
Từ đây về sau, vị ấy biết, "ta không ngồi mà là sắc ngồi", "ta không thấy mà là danh thấy", v.v... Hơn nữa, vị ấy còn biết tất cả các chúng sanh mà vị ấy thấy chỉ là Danh và Sắc. Như vậy, kể từ tuệ thứ nhất này, Danh và Sắc trở thành "Thầy" của hành giả.
2) Paccayapariggahañāṇa - Tuệ Nắm Bắt Duyên Khởi
Khi hành giả chứng tuệ thứ nhất, nếu vẫn quán Danh - Sắc trong sát-na hiện tại, hành giả sẽ nhận ra rằng, có rất nhiều Danh và Sắc, song việc quán vẫn không nhầm lẫn hai thứ với nhau. Chẳng hạn, khi sắc ngồi có sự đau nhức và hành giả biết được cái đau ấy, hành giả biết sắc ngồi đang khổ, mà không thấy cái khổ ấy như danh thọ (nāma - vedana). Nhưng bây giờ, hành giả thấy rằng sắc khổ và danh thọ (nāma - vedanā) biết rằng sắc khổ. Bởi thế, ở giai đoạn tuệ này, hành giả thấy được cả danh và sắc cùng hiện hữu do nhân và chúng làm duyên cho nhau. Muốn cho danh hoạt động, phải có sắc ý căn, căn môn và đối tượng (pháp trần).
Ngược lại, sắc tuỳ thuộc vào danh để hoạt động - như đi đứng, di chuyển, v.v... Khi hành giả nhận ra Danh - Sắc trong sát-na hiện tại do nhân duyên mà có, và chúng tuỳ thuộc lẫn nhau như vậy, hành giả biết rằng, danh sắc ấy không phải do Thượng đế hay một quyền năng siêu nhiên nào tạo ra.
Danh và sắc trong hiện tại thực sự được tạo ra từ những nhân quá khứ như vô minh (avijjā), tham ái (tanhā), thủ (upadāna), nghiệp (kamma). Và trong hiện tại, chúng cần thức ăn để tiếp tục sống. Khi hành giả, bằng trí tuệ, nhận ra sự thực này trong hiện tại, hành giả sẽ nhận ra nó cũng là vậy trong quá khứ, và chắc chắn sẽ là vậy trong tương lai. Tuệ tri ta được sanh ra theo cách này trong hiện tại (tức được tạo ra từ những nhân vừa kể), lúc này hành giả không còn hoài nghi gì về điều mình đã được tạo ra theo cách này trong quá khứ, và rồi chắc chắn sẽ được tạo ra theo cách này trong tương lai.
Trong Thất Tịnh (Bảy bước thanh tịnh), Tuệ thứ hai này được gọi là Kankhāvitaraṇa visuddhi - Ðoạn nghi thanh tịnh, hay Thoát ly hoài nghi thanh tịnh. Ở Tuệ này, hành giả cảm thấy thoải mái, bởi vì chắc chắn hành giả sẽ được tái sanh vào thiện thú (sugati) sau khi chết. Người chứng được Tuệ này được gọi là Tiểu Nhập Lưu (Culla Sotapanna).
3) Sammasanañaṇa - Tuệ Thẩm Sát Tam Tướng
Ở Tuệ trước, Tuệ nắm bắt duyên khởi, hành giả chỉ nhận ra nhân (sanh) của Danh và Sắc, chứ chưa thấy sự diệt của nó, bởi vì sự nối tiếp quá nhanh của Danh - Sắc. Vào giai đoạn này, Tuệ của hành giả vẫn còn yếu.
Nếu hành giả tiếp tục tiến hành để thấy danh sắc thường xuyên trong sát-na hiện tại, chẳng bao lâu, hành giả sẽ thấy sự diệt của Danh - Sắc. Tuy nhiên, trí tuệ này vẫn chưa đủ mạnh để thấy sự tách bạch của tính tương tục (santati). Chẳng hạn, khi đang ngồi, và chuyển sang đứng, hành giả sẽ thấy sự diệt ở oai nghi cũ (ngồi). Song khi hành giả đang ngồi trong sát-na hiện tại, hành giả không thấy được sự sanh và diệt của nó bởi vì trí tuệ vẫn chưa đủ mạnh. Tuy nhiên, hành giả vẫn có thể nhận ra ba đặc tính (tam tướng: vô thường, khổ, vô ngã) trong Danh và Sắc. Ðây vẫn chưa phải là sát-na hiện tại thực sự mà chỉ phát sanh ở tuệ thứ tư.
Visuḍḍhi Magga (Thanh Tịnh Ðạo) gọi giai đoạn này là Tīraṇapariññaø - Thẩm Ðạt Tri.
Còn trong Thất Tịnh thì định danh tuệ này là Maggāmaggañāṇadassanavisuḍḍhi - Ðạo Phi Ðạo Tri Kiến Tịnh. Như vậy, tuệ này đã đưa hành giả vào con đường chân chánh, nghĩa là, đến được tuệ kế tiếp.
4) Udayabbayañāṇa - Sanh Diệt Tuệ
Ðây là trí tuệ nhận ra sự sanh và diệt của Danh - Sắc, và tính tương tục - santati (ảo tưởng về một sự liên tục của thân tâm) - giờ đây được thấy như là những trạng thái của Danh và Sắc, chúng thực sự tách biệt trong sát-na hiện tại của sự minh sát (vipassanā). Ở giai đoạn Tuệ này, hành giả thấy Danh và Sắc sanh diệt cùng một lần. Thực ra, theo Ðức Phật, Danh sanh và diệt nhanh hơn Sắc gấp 17 lần, nhưng sự quán sát của hành giả không đủ nhanh để thấy được điều này. Hành giả thấy cả hai (nāma và rūpa) sanh và diệt cùng nhau. Tuệ này cho phép hành giả thấy rõ tam tướng trong Danh - Sắc, và nó có thể tẩy trừ phiền não ngủ ngầm trong tâm (nāma), đó là ái (taṇhā), ngã mạn (ảo tưởng về tự ngã), kiến (diṭṭhi), và các điên đảo tưởng (vipallāsa).
Sanh Diệt Tuệ còn cho hành giả biết là mình có đang theo đúng đạo lộ hay không. Nếu đạo lộ chân chánh, nó sẽ dẫn đến Niết bàn. Trí hiểu biết về chánh đạo này gọi là tuệ minh sát. Nếu đạo lộ không đúng thì đó là những phiền não của tuệ - có mười tuỳ phiền não loại này, từ Pāli gọi là Vipassanūpakkilesa (Tùy phiền não trong thiền minh sát - xem chi tiết ở những đoạn sau).
Nếu các tuỳ phiền não có mặt, điều đó có nghĩa sự thanh tịnh của hành giả không đủ để phát hiện ra chúng, bởi vì phiền não (kilesa) rất sâu kín và trí tuệ yếu thì khó có thể khám phá ra nó. Phiền não phát sanh ở đây là do có quá nhiều định, chính định này kéo hành giả ra khỏi tuệ minh sát, làm cho hành giả lầm chấp vào những hiện tượng khác mà cứ ngỡ đó là Niết bàn. Các hiện tượng này bao gồm hào quang sáng chói, hỷ lạc và sự an tịnh cực mạnh. Hành giả nào đã từng hành thiền định trong quá khứ và đã phát triển được định này sẽ thấy rằng, nếu định tâm xảy ra thường xuyên, nó sẽ là một chướng ngại lớn cho tuệ minh sát. Tín (saddhā) và tinh tấn quá nhiều cũng có thể là một chướng ngại. Mười tùy phiền não này có thể rất quyến rũ, vì vậy mà hành giả thường bị kéo vào trong các cảnh ấy và nghĩ rằng đó là Niết bàn, thậm chí còn không tin lời của vị thiền sư khi họ giải thích. Nếu hành giả không thể thoát khỏi các tuỳ phiền não này, hành giả không thể tiếp tục đi lên những tầng Tuệ cao hơn được .
Ðạo tri kiến tịnh (Paṭipadāñāṇadas-sanavisuḍḍhi) hay Thanh tịnh tri kiến liên quan đến đạo lộ chân chánh. Ðạo tri kiến tịnh này nảy sanh trong Tuệ thứ tư, nếu như pháp hành đúng. Sở dĩ tuệ này được gọi là Ðạo tri kiến tịnh vì đó là con đường đúng đắn không lẫn phiền não, tham ái và si mê. Cả ba đặc tánh hay Tam tướng đều được thấy rõ trong tuệ sanh diệt này, vì thế nó rất là quan trọng. Trí tuệ càng mạnh thì phiền não càng bị trừ diệt nhiều hơn. Khi việc quán sát Sắc trở nên rõ ràng, hành giả cũng sẽ tự thấy Danh.
Các tuỳ phiền não trong minh sát (vipassa-nūpakkilesa), như đã đề cập ở trước, có mười:
Hào quang (obhāsa). Khi hành giả thấy ánh sáng phát ra quanh mình, hành giả có thể nghĩ rằng mình đã đạt đến Niết bàn, do đó cảm thấy thoả mãn với cảm giác này, làm cho ái phát sanh. Ðây là tà kiến, chính tự ngã của hành giả đã nghĩ như vậy.
Trí tuệ (ñāṇa). Một số hành giả phát sanh trí tuệ nhạy bén thấu rõ pháp học và nghĩ mãi đến nó. Sự kiện này sẽ kéo hành giả ra khỏi sát-na hiện tại.
Hỷ (pīti). Do hành giả có quá nhiều định (samàdhi) nên cảm giác hỷ lạc phát sanh, và đây là một loại phiền não. Khi hành thiền minh sát, hành giả không thể có hỷ, bởi vì việc quán tam tướng không dẫn đến thọ hỷ.
An tịnh (passaddhi). Có lúc, một trạng thái rất an lạc sẽ phát sanh, trạng thái này cũng phát xuất từ việc có quá nhiều định. Tam tướng không thể được chứng ngộ với an tịnh, và dĩ nhiên trí tuệ cũng không thể phát triển từ trạng thái ấy.
Lạc (sukha). Thọ lạc cũng là do có quá nhiều định. Khi lạc sanh, hành giả không thể thấy khổ (dukkha).
Quyết tín (adhimokkha - saddhā). Ðức tin kiên quyết này khiến hành giả nghĩ rằng mình đã thấy Niết bàn, và thường không tin ngay cả vị thiền sư là thầy của mình, khi vị này giải thích (ngược lại với những gì hành giả nghĩ là đúng). Sự kiện này phát sanh do có quá nhiều đức tin và ít trí tuệ (thông thường thì tín và tuệ phải được quân bình).
Tinh cần (paggaha). Tinh tấn thái quá có thể làm cho hành giả mệt mỏi, tâm không trong sáng và dễ bị phóng tâm. Thường thường, tinh tấn và định phải được quân bình. Quá nhiều tinh tấn dẫn đến phóng tâm; trong khi định thái quá thì khiến hành giả ngưng hành (quán).
Niệm (upaṭṭhāna). Niệm thái quá có thể đưa đến định thái quá và hành giả sẽ thấy các ấn chứng (nimitta, các tướng xuất hiện trước mắt hành giả). Khi đó, đối tượng Danh - Sắc sẽ mất, tức là hành giả không còn trong sát-na hiện tại, do đó không thể tiếp tục quán sát được nữa.
Xả (upekkhā). Có khi xả phát sanh và hành giả tưởng lầm mình không còn phiền não nữa - nghĩa là các phiền não đã bị Niết bàn tẩy trừ - mà thực ra, phiền não vẫn còn nguyên; tham, sân, si chỉ tạm thời vắng mặt. Ở giai đoạn này, hành giả không thể tiếp tục việc thực hành của mình được cho đến khi nhận ra các tuỳ phiền não này.
Dục cầu (nikanti). Hành giả cảm thấy vui thích với các tuỳ phiền não trên và thoả mãn khi duy trì được nó. Do đó, hành giả không thể tiếp tục việc thực hành của mình.
Vipassanūpakkilesa là phiền não của thiền minh sát, chúng nảy sanh vì định thái quá. Những tuỳ phiền não này cho hành giả quan kiến sai lầm rằng mình đã đạt đến trạng thái không còn phiền não hay đạt đến Niết bàn. Chính do cảm giác này mà hành giả nghĩ "Ta" đã đạt đến Niết bàn, và dĩ nhiên cảm giác ấy là bất tịnh, bởi vì nó được nảy sinh từ sự thực hành với một cái "Ta" ở trong tâm. (Ðây không phải là vipassanā, bởi vì vipassanākhông thực hành với một cái "Ta").
Cảm giác này rất tốt đối với thiền chỉ, nhưng không có lợi cho thiền minh sát (vipassanā). Thiền chỉ đòi hỏi phải có định tâm mạnh, bởi vì thiền chỉ cần phát triển các ấn chứng (nimitta), nhưng thiền minh sát lại không.
Các tuỳ phiền não này sẽ không phát sanh ở ba loại hành giả:
- Hành giả nào không hành Vipassanā đúng cách. Trong trường hợp này, các phiền não cũng khởi lên nhưng không gọi là những phiền não của thiền tuệ hay tuỳ phiền não được .
- Hành giả nào tinh tấn yếu. Do yếu tinh tấn, định sẽ không phát sanh.
- Hành giả đã là bậc Thánh (Ariya) và biết đạo lộ chân chánh.
Khi hành giả loại trừ được các tuỳ phiền não, không mấy chốc, hành giả sẽ thấy sự sanh và diệt của Danh và Sắc thật rõ ràng. Trong Thất Tịnh thì Tuệ thứ tư này cho đến Tuệ thứ mười một (Anuloma: Thuận Thứ Tuệ) được gọi là Paṭipadāñāṇadassanavisuḍḍhi - Ðạo Tri Kiến Tịnh.
5) Bhangañāṇa - Hoại Diệt Tuệ
Tuệ nầy là tuệ chỉ thấy khía cạnh diệt của Danh và Sắc. Hành giả thấy sự phân tán của năm uẩn cả bên trong (tâm) lẫn bên ngoài (đối tượng). Chẳng hạn, hành giả thấy sắc ngồi diệt và cũng thấy luôn danh biết sắc ngồi diệt nữa.
Hiện tượng này, điều mà hành giả chưa từng thấy trước đây, tạo ra một cảm giác kinh hoàng và sợ hãi nơi hành giả. Tuệ này đủ mạnh để nhổ bật gốc si mê (moha) với tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Cảm giác về sự diệt mạnh đến nỗi hành giả chỉ tập trung vào đó mà không chú ý đến khía cạnh sanh (của Danh và Sắc). Tuệ thấy sự hoại diệt của Danh - Sắc này có một ảnh hưởng đáng sợ trên hành giả bởi vì hành giả nhận ra rằng, các pháp trên thế gian này là không có thực thể, chúng có đó rồi lại không.
Khi đạt được Hoại Diệt Tuệ này, hành giả sẽ tiêu diệt được điên đảo tưởng (vipallāsa) - tưởng rằng thân và tâm này là thường (nicca - vipallāsa). Khi đắc Tuệ này, hành giả cũng sẽ cảm nhận được rằng đâu là pháp hành đúng, và không muốn hành những pháp hành bất chánh khác nữa.
Tuệ này là bước đầu tiên của sự trừ diệt phiền não (tức mở đầu của giai đoạn Pahānapariññā - Trừ Ðạt Tri - từ Tuệ thứ 5 cho đến Tuệ 14 (Ðạo Tuệ, Maggañāṇa). Các phiền não mà hành giả đã từng đa mang qua bao cuộc du hành trong vòng sanh tử luân hồi (samsāra vatta) giờ đây bắt đầu bị bứng gốc.
Tuệ này đem lại 8 lợi ích:
- Hành giả nhận ra rằng không có lạc thực sự trong bất kỳ một sanh hữu tương lai nào.
- Trong kiếp hiện tại này, hành giả cũng không thấy có lạc, bởi vì hành giả đã nhận ra tính khổ não của cuộc đời.
- Hành giả phát triển một ước muốn mãnh liệt - muốn đoạn tận khổ.
- Nếu là một tu sĩ, Tuệ này sẽ dẫn hành giả đến chỗ ước muốn có một cuộc sống tri túc với những vật dụng giản đơn.
- Nó cũng làm cho vị tu sĩ có một nguyện vọng tha thiết: sống tuân thủ giới luật.
- Hành giả đã đạt đến Tuệ này thì không thể nào phá giới.
- Ðối với những nhu cầu của cuộc sống, hành giả dễ chấp nhận với những gì đã có, nếu có bị khiêu khích cũng không dễ nóng giận, biết kham nhẫn độ lượng với những phiền não của người khác.
- Không cảm thấy phiền muộn bởi những náo động bên ngoài, chẳng hạn như tiếng ồn, v.v...
6) Bhayatupaṭṭhānañāṇa - Kinh Úy Tuệ
Ở Tuệ này, trí tuệ nhận ra rằng Danh - Sắc quả thật là nguy hại. Ở Tuệ trước, hành giả đã nhận ra khía cạnh tan hoại của nó, cảm giác được tính không thực thể của Danh - Sắc, chúng sanh và diệt quá nhanh. Chính điều này khiến hành giả kinh hoàng và sợ hãi.
Hành giả không phải chỉ thấy không có lạc ở danh sắc hiện tại mà ngay cả tái sanh vào bất kỳ một sanh hữu nào trong tương lai cũng là điều đáng sợ, như nó đã từng trong quá khứ vậy. Tuệ thứ sáu này khiến cho tham ái dừng lại, song chưa hoàn toàn tẩy trừ nó. Kinh Úy Tuệ được xem là đối trị của ái (tanhā), mặc dù vậy, nó cũng như xức thuốc lên chỗ ngứa. Khi thuốc tan, thì da ngứa trở lại.
7) Ādīnavānupassanāñāṇa - Quá Hoạn Tuệ
Khi hành giả đã chứng Tuệ thứ sáu (Kinh Úy Tuệ), việc hành thiền tiếp tục sẽ tự động dẫn đến Tuệ thứ bảy này - tuệ thấy Danh - Sắc như cội nguồn của hiểm họa và nguy hại. Từ Tuệ thứ nhất đến Tuệ thứ bảy này, mỗi tuệ làm duyên cho tuệ kế tiếp, và mỗi lần như vậy, tuệ giác lại càng mạnh hơn. Hành giả tuệ tri danh sắc như là mối hiểm họa, và cảm thấy rằng tốt hơn hết là không có Danh - Sắc.
Năm nguy hại mà hành giả nhận ra là:
1. Danh - Sắc trong tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) hiện ra như thể chúng nằm trong hầm lửa.
2. Tuệ tri rằng Danh - Sắc dù trong sanh hữu nào cũng bị bao vây bởi 11 ngọn lửa. Ðó là: sanh, già, chết, sầu, bi,... (xem lại 11 loại khổ). Hành giả cảm thấy rằng Danh - Sắc quả thật nguy hiểm, tai họa và là cội nguồn của khổ đau.
3. Tuệ tri nhân sanh Danh - Sắc là vô minh (avijja), và vô minh ấy chính là mối nguy hại vì nó dẫn đến sanh, lão, bệnh, tử.
4. Tuệ tri rằng Danh - Sắc đang lão suy và tan rã trong từng sát-na, và đây là sự nguy hại.
5. Tuệ tri rằng phải sanh lại trong vòng luân hồi là điều nguy hại, là mối hiểm nguy, bởi vì Danh - Sắc là cội nguồn của đau khổ, dù sanh hữu nào cũng vậy, nó chỉ có thể dẫn đến đau khổ thêm nữa mà thôi.
Khi năm điều nguy hại này đã được nhận ra thì những lợi ích từ sự kiện này cũng được nhận ra. Hành giả thấy rằng:
- Không còn tái sanh là lạc, và rằng ở đâu không có Danh - Sắc thì ở đó là nơi đáng mong cầu.
- Nếu không còn tái sanh trong bất kỳ sanh hữu nào, chắc chắn sẽ an lạc, và chính điều này dẫn đến Niết bàn.
- Nếu không còn nhân sanh (samudaya) Danh - Sắc, chắc chắn sẽ có sự giải thoát khỏi khổ.
- Nơi nào không có Danh - Sắc biến hoại, nơi đó là nơi an lạc (Niết bàn).
- Không còn phải chịu tái sanh trong vòng luân hồi là phúc lạc và cội nguồn của hạnh phúc.
Ở Tuệ này, hành giả nhận ra rằng Danh - Sắc hay ngũ uẩn là thực tánh (sabhāva) của Pháp, và thực tánh ấy chính là trạng thái gây ra nguy hại. Tuệ này có một năng lực rất mạnh ngăn được tham ái, không cho tạo ra điên đảo tưởng ở trong tâm.
Trí tuệ ở Tuệ này là đối trị của tham ái, nó làm cho tham ái khó bề hoạt động. Nói chung, tham ái lúc này không có chỗ trú ngụ trong các cảm thọ vì toàn thế gian (năm uẩn) lúc này được thấy như mối hiểm họa, nguy hại và không có lạc.
Ở giai đoạn này, hành giả không còn thấy niệm (sati) là thiện, mà đơn thuần chỉ là một điều gì đó mang dấu ấn của tam tướng. Tuy nhiên, niệm vẫn cứ tiếp tục làm nhiệm vụ của nó. Ngay cả trí tuệ (paññā) lúc này cũng được thấy mà không còn cảm giác ưa hay ghét trong đó. Sở dĩ có sự kiện này bởi tham ái và tà kiến không còn để có thể khiến hành giả phải ưa thích niệm và tuệ vậy.
Tâm nào sắp đạt đến Niết bàn cũng cần phải tiếp tục thực hành cho đến khi đạt được cảm giác này (tức cảm giác tham ái là kẻ thù). Lúc ấy, tâm sẽ tách ra khỏi vòng luân hồi và đi vào đạo lộ Niết bàn.
Ngược lại, nếu hành giả nghĩ rằng Danh - Sắc là tịnh, là thường, là lạc, lúc ấy tâm không thể tách ra khỏi vòng luân hồi, không thể tiếp tục để đạt đến Niết bàn đoạn tận khổ đau. Tâm phải nhận ra khổ (dukkha), và tuệ chứng tri khổ này sẽ đưa hành giả đến Niết bàn. Niết bàn không thể chứng ngộ bằng tâm định (samādhi), bởi vì định làm phát sanh điên đảo tưởng cho rằng năm uẩn là lạc (sukhavipallāsa) và hành giả không thể nhận ra sự thực rằng Danh - Sắc là hiểm họa.
8) Nibbidānupassanāñāṇa - Yếm Ly Tuệ
Qua mỗi cấp độ Tuệ, trí tuệ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Ðến Tuệ thứ tám này, một cảm giác yếm ly hay nhàm chán khởi lên đối với Danh - Sắc (năm uẩn), do kết quả của Tuệ trước (Quá Hoạn Tuệ). Trong sự nhàm chán này, không có tâm sân, mà chỉ có trí tuệ. Từ đó dẫn hành giả đến ước vọng không muốn tái sanh lại nữa, dù trong bất kỳ sanh hữu nào, ngay cả ở địa vị cao cả nhất như vua chúa hay đại phú gia cũng vậy. Cũng giống như một người đứng trước hai con đường: hắc lộ là con đường đưa đến tái sanh trong vòng luân hồi và bạch lộ là con đường giải thoát của Niết bàn. Do có sự yếm ly đối với Danh - Sắc nên hành giả không thấy có lạc trong hắc lộ, và bạch lộ dẫn đến Niết bàn lôi cuốn hơn. Tuệ Yếm Ly này xuất phát từ việc thoát ly khỏi tham ái. Nếu sự thoát ly tham ái được hoàn tất, nó được gọi là Virāga (ly tham). Từ ly tham, dẫn đến giải thoát (vimutti). Giải thoát dẫn đến Niết bàn.
Hành giả đạt đến Yếm Ly Tuệ ít nhất cũng chứng tri một trong ba đặc tánh của Tam Tướng. Nếu trong sự yếm ly ấy cảm thấy có sân (dosa) thì đó không phải là Nibbidā -ñāṇa (Yếm Ly Tuệ), bởi vì loại yếm ly này không thể thấy ba đặc tánh vậy.
Người thực hành vipassanā mong tầm cầu sự giải thoát khỏi luân hồi, nếu đạt đến Tuệ này, mọi phiền não, dù có mạnh đến đâu, cũng sẽ được làm cho muội lược và thoát ly. Từ Tuệ này, lộ trình tâm (vithī-citta) bắt đầu dẫn vào con đường Niết bàn.
Cảm giác nhàm chán ở Tuệ này được cô đọng trong bài kệ Pháp Cú sau:
"Nhất thiết hành vô thường,
Dĩ tuệ quán chiếu thời
Ðắc yếm ly ư khổ
Thử nãi thanh tịnh đạo"

"Tất cả hành vô thường,
Với tuệ, quán thấy vậy
Ðau khổ được nhàm chán,
Chính con đường thanh tịnh".
Chú thích:
(1) Vithī-citta (lộ trình tâm hay đường đi của tâm) đưa đến đaonj diệt (nirodha) là: nibbidà (yếm li), viràga (ly tham) và tadanganirodha (nhất thời đoạn diệt bằng sự tahy thế các đối nghịch pháp). Một ví dụ về tadanganirodha này là ở Tuệ thứ nhất, tà kiến về tự ngã dược thay thế bằng chánh kiến.
9) Muñcitukamyatāñāṇa - Dục Thoát Tuệ
Sau khi đã nhận ra sự nguy hiểm và tai hoạ của Danh - Sắc ở Tuệ thứ bảy, và yếm ly ở Tuệ thứ tám, giờ đây hành giả ước muốn mãnh liệt - giải thoát khỏi Danh - Sắc (Dục Thoát Tuệ). Cũng như người bị nhốt trong tù, lúc nào cũng mong thoát khỏi chỗ đó vậy.
Các Tuệ thứ sáu, thứ bảy và thứ tám có liên quan với nhau, mỗi cấp độ mỗi mạnh hơn trước. Kinh Uý Tuệ (6) dẫn đến Quá Hoạn Tuệ (7), Quá Hoạn Tuệ dẫn đến Yếm Ly Tuệ (8). Từ Tuệ thứ chín (Dục Thoát Tuệ) này sẽ dẫn lối vào Niết bàn. Chính ước muốn giải thoát đó thúc đẩy hành giả tinh tấn hơn nữa trong pháp hành để chứng ngộ Niết bàn.
10) Paṭisankhānupassanāñāṇa - Giản Trạch Tuệ
Trong các Tuệ trước, sự kinh sợ, nguy hại và yếm ly dẫn đến ước muốn giải thoát khỏi Danh - Sắc (Tuệ thứ chín). Ở Tuệ này, được thúc đẩy bởi ước muốn thoát khỏi Danh - Sắc, hành giả (được dùng cho dễ hiểu chứ giờ đây chỉ có trí tuệ - paññā - làm nhiệm vụ, không có đàn ông, đàn bà hay người gì cả) cố gắng tìm cách thoát ly, nhưng vẫn chưa biết phải làm thế nào. Khi vừa nhận ra tam tướng trong Danh - Sắc thì cảm giác thoát ly khỏi nó khởi lên mạnh mẽ hơn.
Nguyên nhân làm phát sanh ước muốn giải thoát là từ Tuệ thứ bảy, thứ tám và thứ chín. Cả ba Tuệ hợp lại tạo ra một tuệ giác rất mạnh và trong sáng. Chính trí tuệ này ước muốn đoạn trừ phiền não và cố gắng tìm phương cách giải thoát: con đường đi đến chỗ đoạn tận vòng luân hồi (samsāravata) - mà dường như cái vòng này là bất tận. Ở Tuệ này, hành giả thấy tam tướng thường xuyên hơn ở các Tuệ trước. Khi đã thấy rằng Danh - Sắc là vô thường, khổ, vô ngã, ước muốn đoạn tận khổ sẽ khởi lên mạnh mẽ hơn.
(Ðức Phật nói rằng chỉ có tuệ tri Tam Tướng mới có thể thoát khổ. Người hành thiền khi chưa thấy được Tam Tướng thì không thể nào thoát khỏi luân hồi. Chỉ một con đường độc nhất đưa đến Niết bàn - phải thấy Danh - Sắc như Vô Thường - Khổ - Vô Ngã).
11) Sankhārupekkhāñāṇa - Xả Hành Tuệ
Trí tuệ này khiến tâm thản nhiên đối với Danh - Sắc (sankhàra hay thân hành và ý hành) phát triển, không còn chấp thủ hay luyến ái đối với Danh - Sắc mà từ lâu chúng ta vẫn nghĩ nó như là "ta", "của ta", "tự ngã của ta" nữa. Tuy nhiên, sự thản nhiên (xả) này được kết hợp với tâm yếm ly.
Hành Xả Tuệ, được phát triển từ Tuệ trước, có năng lực rất mạnh và chính nó thấy rõ được rằng Năm Uẩn (Sankhāra) là vô ngã - không phải đàn ông, đàn bà, người hay thú gì cả - và cũng thấy rằng sự sống đang rút ngắn lại, không sớm thì muộn con người cũng phải chết, hoàn toàn không có lạc trong Danh - Sắc.
Khi tâm với trí tuệ nhận ra Danh - Sắc là Không (Suññata), nó không còn quan tâm đến Danh - Sắc nữa, mà chỉ thấy thế gian là rỗng không. Bởi lẽ đó mới gọi là tâm có xả - không ghét cũng không ưa đối với Danh và Sắc, mà thản nhiên với sự yếm ly. Giờ đây tâm muốn đạt đến Niết bàn, nó không màng đến Danh và Sắc nữa.
Tuệ ở cấp độ này là trí tuệ minh sát (vipassanā) cao nhất trong hiệp thế. Nó sẽ đưa hành giả đến Tâm Ðạo (Magga Citta) và Tâm Quả (Phala Citta), hành giả sẽ trở thành một vị Thánh (Ariyapuggala). Ðó là trí tuệ cực mạnh và có thể loại trừ phần lớn các phiền não bởi vì nó thấy Tam Tướng rất rõ. Tuệ này sẽ dẫn đến ước muốn (chanda)chứng đắc Niết bàn.
Tuệ thứ chín (Dục Thoát Tuệ), Tuệ thứ mười (Giản Trạch Tuệ) và Tuệ thứ mười một (Xả Hành Tuệ) có liên quan với nhau, nhưng tuệ giác ở giai đoạn này vẫn mạnh hơn.
Tâm có xả với bất kỳ một trong ba đặc tánh nào cũng vậy, được gọi là tâm giải thoát. Nếu tâm được giải thoát và hướng đến Niết bàn bằng Vô thường tuỳ quán (Aniccānupassanā), thì được gọi là Vô Tướng Niết bàn (Animitta-nibbāna).
Nếu tâm được giải thoát và hướng đến Niết bàn bằng Khổ tuỳ quán (Dukkhanupassanā), thì được gọi là Vô Nguyện Niết bàn (Appaṇihita-nibbāna)
Nếu tâm được giải thoát và hướng đến Niết bàn bằng Vô ngã tuỳ quán (Anattānupassanā), thì được gọi là Không Tánh Niết bàn (Suññata-nibbāna).
12) Anulomañāṇa - Thuận Thứ Tuệ
Tuệ này giúp hành giả chứng ngộ Tứ Thánh Ðế vì đó là một loại trí tuệ viên mãn. Trí tuệ này phát xuất từ cấp độ tuệ trước, nhưng tín, tấn, niệm và tuệ mạnh hơn - bởi vì nó đã chứng ngộ Khổ Ðế (Dukkhasacca) và Tập Ðế (Samudayasacca). Nếu nói dưới dạng 37 Pháp Trợ Giác Ngộ (Bodhipakkhiyadhamma), thì Tuệ này viên mãn ở mức Thất Giác Chi (Bojjhanga) bởi vì nó giúp chứng ngộ Tứ Thánh Ðế.
Có ba bậc tuệ trong Ðạo Phật (xem hình 3-1).
Trí Ðạt Tri (Ñātapariññā) gồm các Tuệ thứ nhất và thứ hai.
Thẩm Ðạt Tri (Tīraṇapariññā) gồm các Tuệ thứ ba và thứ tư.
Trừ Ðạt Tri (Pahānapariñña) gồm các Tuệ từ thứ năm đến Tuệ thứ mười bốn.
Vipassanā-dhūra (phận sự của minh sát) bắt đầu từ Tuệ thứ nhất và loại trừ phiền não từng bước một, cho đến Tuệ thứ mười hai (Anuloma). Tuệ ở giai đoạn này vẫn còn là tuệ thế gian (lokiya), nó có những phận sự hiệp thế. Ở Tuệ Thuận Thứ (Anulomañāṇa), hai Thánh đế Khổ và Tập đã được chứng ngộ, dùng Tam Tướng như đối tượng. Như vậy Danh - Sắc được sử dụng làm đối tượng quán chiếu cho đến Tuệ thứ mười hai này là chấm dứt, và cũng còn gọi là Vipassanāñāṇa (Minh sát tuệ).
Anulomañāṇa (Thuận Thứ Tuệ) là trí tuệ có phận sự đưa một trong tam tướng sang Maggavīthicitta (Thánh Ðạo lộ trình tâm). Sự kiện này xảy ra chỉ trong ba sát-na tâm (cittakhaṇa). Thuận Thứ Tuệ phát xuất từ Xả Hành Tuệ (Tuệ thứ 11) và nó hỗ trợ hay trợ duyên (paccaya) cho Tuệ Chuyển Tộc (Gotrabhūñāṇa) thứ mười ba.
Tiến trình chuyển từ Anulomañāṇa sang Gotrabhūñāṇa này diễn ra như sau:

Cũng giống như người đu trên một sợi dây vượt qua dòng suối. Việc nắm sợi dây là giai đoạn Parikamma - chuẩn bị. Giai đoạn này chuẩn bị cho hành giả nhập vào Thánh đạo tâm (Maggacitta). Kế tiếp, sợi dây đưa hành giả ra giữa dòng hay Upacāra - Cận Thánh đạo tâm; và Thuận Thứ Tuệ - Anulomañāṇa - sẽ đưa hành giả chạm bờ bên kia. Khi hành giả buông xuống bờ kia, tâm liền ở trong Chuyển Tộc Tuệ - Gotrabhūñāṇa. Lúc này, tâm lấy Niết bàn làm đối tượng.
Anulomañāṇa là Tuệ cuối cùng nằm trong lãnh vực hiệp thế - nghĩa là nó còn lấy Danh - Sắc làm đối tượng. Từ Tuệ này trở đi, Niết bàn trở thành đối tượng.
Cách thức mô tả ở trên, trong đó tâm hiệp thế chuyển thành siêu thế, được gọi là quy luật vận hành của pháp (dhammaniyāma).
13) Gotrabhūñāṇa - Tuệ Chuyển Tộc
Ðây là trí tuệ nảy sanh trong Thánh đạo lộ trình tâm (Maggavīthicitta), nghĩa là lộ trình tâm chuyển sang đạo tuệ (maggañāṇa), tức Tuệ thứ mười bốn. Tuệ này không giống với các Tuệ khác ở chỗ trong khi đối tượng của nó là Niết bàn nhưng tâm vẫn còn là tâm hiệp thế. Mặc dù Danh - Sắc đã được buông bỏ, nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn là tâm siêu thế (lokuttaracitta). Ở tuệ trước, cả tâm lẫn đối tượng đều thuộc về hiệp thế.
Trí tuệ của tâm trong Tuệ này sẽ chuyển hoá hành giả từ phàm sang Thánh. Nó là tâm đầu tiên trong vòng luân hồi có Niết bàn là đối tượng. Mặc dù Niết bàn là đối tượng, song Tuệ này vẫn không thể thủ tiêu hoàn toàn mọi phiền não (samuccheda).
Thiền sư Achaan Naeb nói rằng Tuệ này cũng giống như một công nhân mới vào nghề, chưa hoàn toàn quen thuộc với công việc của mình, và đó là lý do tại sao Tuệ này lại không thể thủ tiêu hoàn toàn mọi phiền não vậy.
14) Magga-ñāṇa - Ðạo Tuệ
Ðây là trí tuệ phát sanh trong tâm thường được gọi là Maggacitta - Tâm đạo. Maggacitta phát xuất, hay tiếp nhận duyên trợ tạo của nó từ Chuyển Tộc Tuệ (Tuệ 13). Tuệ này lấy Niết bàn làm đối tượng, giống như Tuệ thứ mười ba, song nó hoàn toàn diệt trừ được những phiền não nào nằm trong phận sự của nó và cả tâm lẫn đối tượng đều thuộc siêu thế.
Phiền não ở Tuệ này hoàn toàn bị thủ tiêu bởi năng lực của tâm đạo. Ðây là tâm đầu tiên trong bốn Thánh Ðạo Tâm dẫn đến Nhập Lưu Ðạo (Sotapanna). Dù Maggacitta làm phận sự diệt phiền não chỉ trong một sát-na tâm (cittakhaṇa), song nó giảm sự tái sanh trong tương lai chỉ còn tối đa là bảy kiếp nữa mà thôi.
Tuệ này còn được gọi là Sammādiṭṭhi (chánh kiến) trong Bát Thánh Ðạo và chánh kiến ở đây tức là chánh tri Tứ Thánh Ðế. Trí tuệ trong đạo tuệ này có thể so sánh với tia chớp trong một cơn bão có sấm sét, bởi nó rất mạnh, rất sáng và rất bất ngờ.
Khi Tâm Ðạo phát sanh lần thứ nhất, nó được gọi là Sotàpattimagga (Nhập Lưu Thánh Ðạo). Ba lần phát sanh sau cho ba Ðạo cao hơn (xem chú thích*) Vị hành giả, lần đầu tiên, trở thành bậc Thánh nhân (Ariyapuggala), không còn phải tái sanh vào bốn ác đạo (apāya) nữa.
Tuệ này nằm trong tâm thiện siêu thế (lokuttara-kusala). Có bốn tuệ thuộc thiện siêu thế là:
Sotāpattimaggañāṇa: Nhập Lưu Thánh Ðạo Tuệ.
Sakadāgāmimaggañāṇa: Nhất Lai Thánh Ðạo Tuệ.
Anāgāmimaggañāṇa: Bất Lai Thánh Ðạo Tuệ.
Arahattamaggañāṇa
: Alahán Thánh Ðạo Tuệ.
15) Phalañāṇa - Quả Tuệ
Trong Thất Tịnh, Tuệ này là Nñāṇadassana-visudïdïhi, tức Tri Kiến Thanh Tịnh. Khi Tâm Ðạo phát sanh trong Tuệ trước (Ðạo Tuệ) và có Niết bàn là đối tượng, nó hủy diệt hoàn toàn các phiền não, liền đó, ở Tuệ này, tâm quả (phalacitta) khởi lên, hành giả cảm giác một sự an lạc sâu lắng. Kết quả này là quy luật vận hành của pháp (dhammaniyāma), nghĩa là tâm quả luôn luôn sanh tiếp sau tâm đạo vậy. Khi tâm quả phát sanh, có khi xảy ra trong ba sát-na tâm, có khi chỉ có hai. Hành giả thuộc hạng lợi căn (có trí tuệ nhạy bén), với ba sát-na tâm, bỏ qua sát-na Parikamma (Chuẩn bị) và bắt đầu với Upacāra (Cận thánh đạo tâm), tiếp đến Anuloma (Thuận thứ), Gotrabhū(Chuyển tộc), Magga (Ðạo), và Phala (Quả) ba lần, thay vì hai.
Phalacitta là Tâm Quả siêu thế, Lokuttara-vipāka. Nó là kết quả từ tâm đạo, tâm quả sanh lên, rồi diệt - không có phận sự gì cả. Sau khi nó diệt, Niết bàn không còn là đối tượng nữa. Trong Quả Tuệ (Phalañāṇa), hành giả trở thành bậc Thánh lần thứ nhì (lần đầu là ở Ðạo Tuệ - thứ 14). Lúc này, hành giả được gọi là Người-Sơ-Quả (Sotapatti-phala-puggala), và chắc chắn sẽ giải thoát hoàn toàn trong không hơn bảy kiếp tái sanh nữa.
Tuệ Quả này hoàn tất giai đoạn Sở Tác Trí (Katañāṇa) trong ba Giai Ðoạn Tuệ.
(Ba Giai Ðoạn Tuệ hay Trí (ñāṇa) là: Sự Thật Trí (Saccañāṇa), Sở Dụng Trí (Kiccañāṇa) và Sở Tác Trí (Katañāṇa).)
16) Paccavekkhanañāṇa – Phản Khán Tuệ
Ở Tuệ này, hành giả tác ý lại năm pháp mà hành giả đã chứng ngộ trong Tuệ trước.
Maggañāṇa – Ðạo Tuệ thứ 14.
Phalañāṇa – Quả Tuệ thứ 15.
Nibbāna – Niết bàn.
Các phiền não (kilesa) đã đoạn trừ.
Các phiền não còn tồn tại.
Phản Khán Tuệ này phát xuất từ Quả Tuệ thứ 15, và nó trở về trạng thái hiệp thế. Bởi lẽ Niết bàn không còn là đối tượng nên hành giả trở lại tâm hiệp thế (lokiyacitta).
Bậc chứng đắc Tuệ này nếu còn nằm trong ba cấp độ đầu của sự chứng đắc, tức Tu đà hoàn, Tư đà hàm và A na hàm, được gọi là bậc Hữu học (Sekkhapuggala). Nếu là bậc Alahán, ở Tuệ này vị ấy chỉ tác ý đến bốn trong năm pháp trên mà thôi, vì bậc Alahán không còn phiền não nữa. Tuy nhiên, không phải các bậc Hữu học đã đạt đến giai đoạn Tuệ này đều phải tác ý đến tất cả năm pháp kể trên. Một số vị, do tuệ mạnh, chỉ tác ý ba pháp đầu mà không cần phải phản khán lại các phiền não.
Tuệ ở Phản Khán Tuệ này khác với tuệ ở Ðạo và Quả - nơi đây Niết bàn là đối tượng của sát-na hiện tại, trong khi ở Tuệ Phản Khán này, hành giả chỉ đơn thuần quán chiếu lại, chứ không còn trong sát-na hiện tại nữa. Như vậy, Ðạo – Quả Tuệ có thể được so sánh với việc nếm muối, còn phản khán tuệ thì như ngẫm nghĩ lại xem vị muối ấy là như thế nào. Chính vì thế mà Tuệ này không phải là Lokuttaracitta (Tâm siêu thế), mà là Lokiyacitta (Tâm hiệp thế). Mặc dù đó là Tuệ hiệp thế, Thất Tịnh vẫn xếp nó vào Tri Kiến Thanh Tịnh (Nñāṇadassanavisuḍḍhi), và cũng được xếp dưới phân hạng tuệ siêu thế. Sở dĩ như vậy là vì Tuệ này phát xuất từ Ðạo Tuệ và Quả Tuệ vậy.
GHI CHÚ:
1) Ở tầng thực chứng đầu tiên, Tuệ thứ 13 được gọi là Chuyển Tộc Tuệ - Gotrabhūñāṇa – bởi lẽ lúc này hành giả chuyển hoá từ phàm nhân (puthujjana) sang Thánh nhân (Ariyapuggala). Nhưng ở các tầng thực chứng tiếp theo (Tư đà hàm,…), Tuệ ấy được gọi là Vodānañāṇa – Tịnh Hoá Tuệ, bởi vì trong trường hợp này, người chứng đã là bậc Thánh. Tuy nhiên, Thánh Ðạo lộ trình tâm vẫn giống nhau cho mỗi lần chứng đắc.
2) Từ Tuệ thứ nhất đến Tuệ thứ 12 là tuệ hiệp thế; Tuệ thứ 13 là Tuệ chuyển tiếp: một phần là hiệp thế, một phần là siêu thế; Tuệ thứ 14 và Tuệ thứ 15 là siêu thế thực sự, trong khi Tuệ thứ 16 trở về lại hiệp thế.
3) Có 10 kiết sử (saṃyojana) trói buộc chúng sanh vào vòng luân hồi:
Thân kiến – Sakkāyadiṭṭhi.
Hoài nghi – Vicikicchā.
Giới cấm thủ - Sīlabbataparāmāsa.
Dục ái – Kāmarāga.
Sân hận – Paṭigha.
Sắc ái – Rūparāga.
Vô sắc ái – Arūparāga.
Ngã mạn – Māna.
Phóng dật – Uddhacca.
Vô minh – Avijjā.
Các bậc Thánh:
- Bậc Thánh Nhập Lưu (Sotapanna - Tu-đà-hoàn) diệt trừ được ba kiết sử đầu. Nhập Lưu nghĩa là người bước vào dòng dẫn đến Niết bàn. Vị ấy có thể phải trở lại cõi đời này nhưng không quá bảy kiếp, và dù còn tái sanh nhưng chắc chắn vị ấy không sanh vào bốn ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và atula.
- Bậc Thánh Nhất Lai (Sakadāgāmi - Tư-đà-hàm) làm suy yếu thêm hai kiết sử thứ tư và thứ năm. Vị Nhất Lai có thể trở lại cõi dục chỉ một lần nữa mà thôi. (Cõi Dục gồm cõi người và sáu cõi trời dục giới).
- Bậc Thánh Bất Lai (Anāgāmī - A-na-hàm) diệt hoàn toàn hai kiết sử thứ tư và thứ năm đã bị Tư Ðà Hàm đạo làm suy yếu trước đây. Vị Bất Lai không còn tái sanh trong Dục giới nữa.
- Bậc A-la-hán (Arahatta) đoạn diệt năm kiết sử còn lại. Bậc A-la-hán không bao giờ còn tái sanh trong tam giới.
4) Trong Thất Tịnh:
Tuệ thứ nhất - Tuệ Phân Biệt Danh - Sắc là Kiến Tịnh (Diṭṭhi-visuḍḍhi)
Tuệ thứ hai - Tuệ Nắm Bắt Duyên Khởi là Ðoạn Nghi Thanh Tịnh (Kankhāvitaraṇa-visudïdïhi).
Các Tuệ thứ ba và thứ tư là Ðạo Phi Ðạo Tri Kiến Thanh Tịnh(Maggāmaggañāṇadassana visuḍḍhi )
Các Tuệ từ thứ năm đến mười ba là Ðạo Tri Kiến Thanh Tịnh (Paṭipadāñāṇadassana visuḍḍhi)
Ba Tuệ mười bốn, mười lăm và mười sáu là Tri Kiến Thanh Tịnh (Nñāṇadassana visuḍḍhi).

Tiếp theo
PHẦN IV:
KẾT LUẬN CHUNG
"Bạch Ðức Gotama, do nhân gì, duyên gì, sau khi Như Lai (Tathāgata) diệt độ, thiện pháp không kéo dài lâu? Và lại nữa, bạch Ðức Gotama, do nhân gì, duyên gì, sau khi Như Lai diệt độ, thiện pháp lại kéo dài lâu?"
"Này Bà la môn, chính do không trau dồi, không tinh tấn thực hành Tứ Niệm Xứ mà thiện pháp không kéo dài lâu sau khi Như Lai diệt độ vậy." (Samyutta Nikāya -- Mahā Vagga)
I. TỔNG KẾT
Việc thực hành Vipassanā (minh sát) bao gồm Thất Tịnh, mười sáu Tuệ minh sát, Tam giải thoát (Vimokkhā), Tứ Niệm Xứ (Sātipaṭṭhāna), v.v... Tuy nhiên, tất cả những pháp này thực ra cũng chỉ tập trung vào Thân Quán Niệm Xứ (Kāyanupassanā Sātipaṭṭhāna), đặc biệt là niệm bốn oai nghi (đi, đứng, ngồi, nằm). Ðối với các niệm xứ khác như Thọ Quán Niệm Xứ, Tâm Quán Niệm Xứ và Pháp Quán Niệm Xứ, việc thực hành cũng như nhau, các Tuệ minh sát và Thất Tịnh cũng giống nhau. Những lợi ích (quả báo) phát sanh đều hoàn toàn giống nhau, duy chỉ có các đối tượng là thay đổi.
Tuy thế, Thọ, Tâm và Pháp vẫn là những đối tượng nhiêu khê hơn. Có chín thọ cần phải quán sát: thọ khổ (dukkhavedanā), thọ lạc (sukkhavedanā), thọ xả (upekkhavedanā) v.v... Về tâm có mười sáu loại: tâm có tham, tâm không tham, tâm có sân, tâm không sân, v.v... Về niệm pháp có: năm uẩn, mười hai xứ, năm triền cái, v.v... Vì thế, người hành thiền cần phải thận trọng với các đối tượng thọ, tâm và pháp. Chẳng hạn, nếu một cảm thọ phát sanh, như thương yêu một đối tượng nào đó, hành giả phải ý thức được cảm thọ đó. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, hành giả bị dính mắc vào cảm thọ ấy hơn là ý thức trọn vẹn nó. Ðiều này sẽ ngăn không cho hành giả thực hành niệm xứ, bởi vì việc thực hành Tứ Niệm Xứ phải bằng Trung đạo. Nếu hành giả có tham hay sân (thích - ghét), hành giả không thể duy trì Trung đạo được. Do đó, người muốn thực hành Tứ Niệm Xứ phải hiểu rõ điều này. Nếu không có sự hiểu biết rõ ràng thì việc thực hành không thể nào đúng được.
Xả (upekkhā) không phải là Trung đạo. Một số hành giả cố gắng làm sao cho tâm của họ không thương cũng không ghét. Làm vậy là sai, vì như thế là đang cố gắng buộc xả phải phát sanh. Tất cả các pháp (dhamma) là vô ngã (anatta) nên không thể làm vậy được.
Một số truyền thống tu tập khác nói tâm vốn là không và dùng cái "không" ấy làm đối tượng. Nhưng cần phải hiểu rằng mỗi tâm đều có một đối tượng. Ðối tượng là trợ duyên (paccaya) cho tâm (citta). Ngay cả tâm siêu thế (lokuttara) vẫn có Niết bàn là đối tượng.
Có rất nhiều tâm và nhiều đối tượng có thể đưa tới cảm giác ưa - ghét hay thích và không thích... Ðối tượng trong niệm xứ có thể diệt trừ ưa - ghét, nhưng cũng có thể dẫn đến phiền não. Chẳng hạn, nếu hành giả muốn tâm trú vào sắc ngồi, điều đó dẫn đến thích hay tham (abhijja). Nếu hành giả không thể trú vào sắc ngồi (mà điều này không thể có được, bởi vì hầu hết các tâm đều vô thường), điều này có thể dẫn đến không thích hay sân (domanassa).
Ðối với pháp hành Tứ Niệm Xứ, điều quan trọng là phải có chánh niệm -- tỉnh giác trong sát-na hiện tại. Chỉ có sát-na hiện tại mới có thể hủy diệt tham và sân, hay ưa và ghét này. Khi tiếp xúc một đối tượng, hành giả phải quán sát đối tượng đó cho đến khi nhận ra thực tánh (sabhāva) của đối tượng, hay là Danh-Sắc ấy. Lúc đó, hành giả sẽ thấy rằng Danh-Sắc này là vô thường, khổ, vô ngã, không có "ta", không có "tự ngã" nào ở đó cả.
Hành giả cần ghi nhớ những điểm quan trọng này:
1) Con đường thực hành Tứ Niệm Xứ và đạt đến Niết bàn, theo lời dạy của Ðức Phật, tùy thuộc vào việc có được khuynh hướng tự nhiên hay khả năng đặc biệt đối với pháp hành vipassanā, hữu duyên hỗ trợ từ kiếp trước (pubbekata puññatā), nhẫn nại, tinh tấn và hết lòng với việc đoạn tận khổ này.
2) Việc thực hành minh sát là phận sự của tâm, nghĩa là tâm phải luôn luôn làm công việc quán sát sắc ngồi, sắc đi, v.v... để thay đổi tà kiến "ta ngồi", "ta đi",... và để loại trừ phiền não. Cách thức để loại trừ phiền não là làm sao hành đúng, chứ không phải bằng tư duy hay lý luận. Khi hành giả hành đúng thì sẽ được kết quả đúng cùng với trí tuệ chân chánh. Khi trí tuệ phát sanh, hành giả sẽ thấy bản thể hay thực tánh của Danh-Sắc không phải là "ta", và sau đó hành giả sẽ nhận ra tam tướng của Danh-Sắc. Các đối tượng (Danh-Sắc) rất quan trọng. Nếu đối tượng được quán sát đúng pháp, nó sẽ đưa tri kiến và trí tuệ vào ba Danh làm việc quán sát (tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác) để thấy được rằng Danh và Sắc là thực tánh pháp (sabhāva), không phải ta, không phải tự ngã, là vô thường và khổ. Sau đó hành giả sẽ nhận ra Danh-Sắc là nguy hại, cần phải từ bỏ, tức là phải làm sao có được trí tuệ để chấm dứt tử sanh.
3) Trong khi thực hành, hành giả phải có Sikkhāti (quán sát pháp hành), nhờ đó hành giả mới có thể biết khi nào tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác vuột khỏi sát-na hiện tại. Chính Sikkhāti này sẽ đưa hành giả trở lại với sát-na hiện tại sau mỗi lần phóng tâm như vậy. Bản chất của tâm rất bất thường -- có khi nó có phóng tâm, đôi lúc nó có tham dục, lắm khi nó lại hoài nghi về pháp hành, có lúc buồn ngủ, có lúc bực bội, lúc thì chánh niệm tỉnh giác lơi lỏng. Hành giả phải cố gắng quán sát Danh-Sắc thường xuyên trong sát-na hiện tại và không nên bực bội mỗi khi vuột khỏi sát-na hiện tại, bởi vì tâm nằm ngoài sự kiểm soát (vô ngã). Phận sự của người hành thiền là phải luôn luôn cố gắng sống trong sát-na hiện tại của việc thực hành -- và rồi thực tánh pháp sẽ theo sau (tức sát-na hiện tại minh sát sẽ theo sau). Ðiều này đòi hỏi nhiệt tâm tinh tấn của hành giả.
4) Nếu hành giả chỉ sử dụng tư duy để hiểu vô thường, khổ, vô ngã, như thế sẽ không loại trừ được phiền não. Bởi vì hành giả không thực sự đang thấy tam tướng bằng tuệ minh sát. Thấy thực tánh là thấy tam tướng khi chúng phát sanh trong Danh-Sắc ở bất kỳ thời điểm nào (sát-na hiện tại). Thực tánh này phát xuất từ việc thực hành, trong đó hành giả tự mình chứng nghiệm nó, chứ không phải do nghiên cứu hay nghe Giáo Pháp.
5) Một vấn đề khác có thể phát sanh là đôi khi hành giả hành sai phương pháp nhưng không biết mình sai, chẳng hạn, khi hành giả đi mà chỉ để ý đến bước chân chứ không phải toàn bộ sắc đang đi. Hành giả cần phải có vị thầy thông hiểu pháp hành sửa sai cho hành giả cho đến khi thực sự hiểu rõ lý thuyết.
6) Con đường chân chánh nhằm diệt trừ phiền não và đoạn tận khổ đau là thực hành Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna), bước đầu tiên trong 37 Pháp Trợ Giác Ngộ, dẫn đến sự chứng ngộ Tứ Thánh Ðế. Tiến trình thực hành này sẽ đưa đến sự xả ly hoàn toàn đối với Danh-Sắc (hay năm uẩn), và sự xả ly này được thực hiện qua việc chứng đắc Tứ Thánh Ðạo: Nhập lưu, Nhất lai, Bất lai và A-la-hán đạo.
7) Ðể việc thực hành Tứ Niệm Xứ có kết quả, hành giả cần phải quân bình Tín và Tuệ. Nếu hành giả có nhiều đức tin hơn trí tuệ, hành giả sẽ không thể phân biện được pháp hành mình đang theo là đúng hay sai. Còn nếu trí tuệ nhiều hơn đức tin thì sự ngã mạn thái quá sẽ phát sanh và hành giả không thể đạt đến Niết Bàn, đoạn tận khổ đau được.
8) Người quan tâm đến việc thực hành Minh sát (vipassanā), hoặc ngay cả với việc thực hành thiền định, cần phải nắm vững những nguyên tắc thực hành, cũng như phải hiểu rõ phương pháp hành đúng đắn. Nếu hành giả muốn thấu đạt đạo Phật chân thực, điều ấy cần phải được hoàn thành với đức tin và trí tuệ -- như đã nói rõ trong phần mô tả về 16 Tuệ minh sát. Nếu pháp hành không đúng, khó có thể thay đổi những quan niệm cố chấp của hành giả. Cũng giống như con voi đã sa vào vũng lầy, thực khó có thể thoát ra khỏi đó vậy.
Này các tỳ kheo, Như Lai khuyên các con: "Các pháp hữu vi vốn vô thường, hãy tinh tấn chớ có phóng dật". (Di huấn tối hậu của Ðức Phật - Dighā Nikāya)

III. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ THIỀN SƯ ACHAAN NAEB MAHÀNIRANONDA
Achaan Naeb Mahānaranonda sinh ngày 31 tháng Giêng năm 1897 (PL 2440). Cha bà là Phya Suttayanugun, lúc ấy làm tỉnh trưởng tỉnh Kanchanaburi. Mẹ bà là Khunying Plag. Năm 1931 (PL 2474), lúc ấy bà được 34 tuổi, một kinh nghiệm xảy ra làm thay đổi cuộc đời của bà. Khi đang nhìn vào một vật, bỗng nhiên bà trực nhận bản chất thực (sabhāva: thực tánh) của cái thấy. Trong khoảnh khắc hiện tại, bà nhận chân rằng cái thấy đó không phải là bà thấy - hoàn toàn vô ngã. Sự kiện này làm cho bà tin chắc rằng con đường duy nhất để loại trừ phiền não (kilesa) và đoạn tận khổ đau là sống trong sát-na hiện tại (present moment).
Vào lúc sự chứng nghiệm này xảy ra, bà chưa hề học pháp (giáo lý nhà Phật), cũng chưa có kinh nghiệm gì về Thiền Minh Sát (vipassanā). Sau đó bà mới tầm thầy học Ðạo. Bà gặp một vị sư người Miến, Pháp danh Pathunta U Vilasa, ngụ ở chùa Prog tại Bangkok - Thái Lan. Vị này đã dạy cho bà một đề tài thiền quán (vipassanā kammathaṇa), và từ đó bà bắt đầu thực hành miên mật. Sau bốn tháng thì bà thành công.
Kể từ ngày ấy bà để tâm nghiên cứu Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) và trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về bộ môn triết học Phật Giáo này. Bà là người đầu tiên đem giáo lý Vi Diệu Pháp dạy ở Thái Lan. Trong bốn mươi năm, bà đã dạy pháp hành thiền minh sát ở nhiều trung tâm, kể cả tại Boonkanjanaram [*], ở tỉnh nhà của bà.
Thiền sư Achaan Naeb mất ngày 6 tháng Chạp năm 1983 ở tuổi 86. Thi hài bà được hỏa táng theo nghi lễ truyền thống tại chùa Mongkut - Bangkok , Thái lan.
[*] "Boonkanjanaram" là tu viện (arama) xây dựng trên thửa đất do ông "Boon" Charoenchai và bà Kanjana hiến tặng năm 1963, khoảng 5 km phía nam thành phố Pataya, tỉnh Chonburi.