Kính bạch thầy,
Giờ này
Con là Phật tử tu
Cho tới một ngày, sự thật phũ phàng được vỡ òa ra, thái độ đạo đức của vị thầy đó không phải như con từng tôn kính, dù trước đó con đã thấy rất nhiều nhưng không phải với con, vì thế con luôn che chở và bảo vệ, chỉ tới khi đến lượt con, con mới thật sự tin và chấp nhận. Ngoài sự ngụy trang về hình tướng, vị thầy đó không khác một người bình thường, lúc đó con bất mãn buông hết ra không tu hành gì nữa, “từ nay mình sẽ là một người tốt, chấp nhận nhơn thừa”, nhưng từ đáy lòng con luôn thích học Phật.
Cho tới một hôm, con đi tìm một thầy khác để học. Thời gian học pháp của thầy ấy, con luôn đạt được định, thấy ánh sáng và những trạng thái hỉ lạc, khinh an. Nhiều lúc con thấy thỏa mãn và tự hào vì mình gặp thầy giỏi có chứng đắc thật nên mình cũng đi đúng đường, đôi khi có chút nghi ngờ về cái hiểu của mình nên con luôn ước mong sớm gặp được nhiều người thầy chứng đắc thiệt, con sẽ cầu học tiếp.
Thưa thầy, rồi một hôm nhân duyên con được một người bạn giới thiệu trang web của thầy, thế là con vào đọc sách “Sống trong thực tại”. Có nhiều bài con đọc hiểu và thích lắm, nhưng khi đọc tới đoạn thầy phân tích về định, bỗng dưng con sanh tâm không bằng lòng nhưng vẫn ráng đọc hết rồi mở pháp thoại của thầy để
Thưa thầy vừa qua do một duyên khiến con đau khổ, lúc này những lời của thầy cứ trôi về trong trí óc con khiến con an trú trọn vẹn ngay nơi tâm phiền não, con dần dần phát hiện bản ngã thật đáng sợ. Trạng thái hỉ lạc khinh an đã ẩn rồi, hiện tại bây giờ là khổ đau, vậy mà cứ ôm sở đắc, thấy mình đạt được thiền này chứng đắc pháp kia. Khi tánh biết thấy ra con vẫn trọn vẹn với đang là, thì hoắt nhiên trong một sát-na con hòa trong biển rực sáng, đau khổ phiền não liền biến mất chứng minh lời thầy. Đây là thực tánh pháp, là cõi Phật, cõi của 10 phương chư Phật, cũng là thực tánh của vũ trụ. Thực tánh của đất, nước, gió, lửa, hư không… và con kịp nhận ra rằng trong kinh các bậc tiền bối có chứng đắc thật đã miêu tả cảnh định đó không gì so sánh được, nên mượn tạm những thứ đẹp quý báu hữu vi mà ví như lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não, san hô, hổ phách, trân châu… tất cả chỉ là danh ngôn chứa những ẩn ý của nội tâm sâu thẳm, chứ không có cõi Phật riêng lẻ toàn là những thứ báu như vậy, lúc đó hiển hiện trong con thầy dạy đúng quá những văn tự ngôn thuyết rỗng tuếch. Đọc thơ cầu ý, đọc sách cầu minh, chứ không có đức Phật A-di-đà thân tướng cao lớn, trang nghiêm, phóng quang tiếp dẫn như mọi người đã tưởng tượng.
Tìm Phật bên ngoài không thể biết Phật là gì, cảnh định đó chỉ là trạng thái của tâm. Khi thanh tịnh, thực tánh hiển bày cũng không gọi là được; lúc vọng niệm, thực tánh ẩn cũng không gọi là mất, vì không có ai được cái gì bao giờ nên không có mất, các pháp vốn hoàn hảo muôn đời như nó vẫn là. Rời cảnh định đó ra con hoan hỉ vô cùng, mở lại bài giảng của thầy về các cảnh định để nghe lại, nước mắt con cứ tuôn ra sám hối thầy, vì lúc trước nghe con không chịu suy ngẫm, nên mới có thái độ không bằng lòng như vậy. Giờ con đã hiểu ôm sở đắc là đại ngã mạn, vĩnh viễn cắt đứt con đường giác ngộ giải thoát.
Thưa thầy, những gì con nhận thức sai, thầy dạy thêm cho con. Người ngộ lý phải buông lý ra, lý sự phải dung thông, sự sự vô ngại mới là người tùy duyên thuận pháp, sự ghét, muốn, mừng, giận… chỉ là hoa đốm giữa hư không không thật có, nhưng nếu không biết thì cũng chính ghét muốn mừng giận đó cũng có thể đưa con người tới cùng cực của sự đau khổ. Người gọi là người vậy thôi, đó chỉ là một tổ hợp ảo hóa gá nương do nhiều duyên mà hình thành, sự tạm mượn của những tánh và chất của địa, thủy, hỏa, phong, hư không và tánh biết. Cuộc đời chỉ là những tương tục ảo. Người gọi là vào chánh định thể nhập chơn như là người phát hiện ra từ trước tới nay do mình đã hiểu sai về các pháp.
Thưa thầy, từ nhỏ tới giờ biết bao nhiêu lần pháp đã nhắc con rằng, đây chỉ là những tác duyên do nhân quá khứ đã tạo nay hình thành ra quả, và cũng là những tác duyên để cho con thấy các pháp là chơn như. Xúc như thực, thọ như thực và thấy như thực, giờ biết rồi thì nhẹ nhàng, pháp đến rồi pháp đi không buồn không trách ai, không bàn luận đúng sai, không phê phán không phân biệt, những gì đã qua không níu giữ, cái gì chưa tới không mong cầu, không đắm chìm hiện tại, trở về trọn vẹn pháp như nó đang là. Nghiêng về không hoặc về có đều là sự chấp mắc, như thầy dạy khúc gỗ kia mà tấp vào một bên bờ thì khúc gỗ đó không ra được biển khơi. Tinh tấn chánh niệm tỉnh giác, thận trọng chú tâm quan sát, định tĩnh trong lành sáng suốt để không thọc gậy bánh xe pháp, từng giây phút con chiêm nghiệm thầy dạy không hư dối.
Thưa thầy, thầy đã lớn tuổi rồi phải đọc thư con dài thế này, con muốn viết ngắn và thật tóm tắt nhưng không sao ngắn được, con phải lau nước mắt nhiều lần mới viết xong trang thư, giọt nước mắt vừa sung sướng ngậm ngùi, vừa sám hối thầy, cuộc sống con giờ chỉ còn tính được ngày chứ không tính được tháng, nhưng con vẫn đủ sáng suốt để nghe thầy dạy thêm.
Xin thầy hãy chứng minh cho con, tận đáy lòng sâu thẳm, con thành tâm sám hối, đảnh lễ tri ân thầy.
Con, Diệu An Bình Phước
Diệu An con,
Khi trở về tự tánh
Mới biết không còn “ta”
Cũng không còn sinh diệt
Chỉ thấy pháp đang là…
Khi hành giả hướng ngoại tìm cầu thế giới siêu huyền hay hướng nội rèn luyện sở đắc trong thiền định thần thông thì đức Phật đều gọi là đặt tâm sai hướng. Hướng đúng mà đức Phật chỉ rõ là “xả ly, ly tham, đoạn diệt” cái thế giới tương đối do duyên sinh hoặc tưởng sinh ấy để trở về với tánh biết thanh tịnh trong sáng thì mới có thể “an tịnh, chánh trí, giác ngộ Niết-bàn”. An tịnh, chánh trí là đức tính thanh tịnh và trong sáng vốn có trong tâm mỗi người mà Đức Phật gọi là Tâm Sáng Chói (Pabhassara Citta), nhưng người mê theo vô minh ái dục không biết được tâm ấy, chỉ lo hướng ngoại tìm cầu nên đã để cho ô nhiễm bởi những cấu uế từ ngoài vào. Khi hướng ngoại tìm cầu thì gặp toàn khổ đau trong thế giới tương đối do duyên hoặc tưởng sinh nên họ lại hướng nội để tìm kiếm những sở đắc an lạc trong thiền định thần thông. Họ không biết rằng đó chỉ là loại vô minh ái dục cao cấp và tinh vi hơn nên cuối cùng vẫn chỉ loay hoay trong tam giới mà thôi. Sau bao năm tu niệm con nhận ra mình đã rơi vào hai hướng sai lầm ấy. Đó là điều vô cùng hy hữu!
Về niệm Phật, để giúp tâm trở về với tự tánh thanh tịnh trong sáng, đức Phật đã dạy 10 đề mục thiền Tùy Niệm (Anussati) tùy theo căn tính của mỗi người, như niệm ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên, niệm sự chết, niệm thân hành (32 thể trược), niệm sự thở và niệm tịch tịnh của Niết-bàn, đó là niệm trong thời chánh pháp. Về sau Phật Giáo Phát Triển y cứ vào pháp niệm Phật này để lập ra hẳn một Tông môn chuyên niệm Phật cho người căn cơ đức tin, tuy biểu tượng hóa đức tính thanh tịnh của tâm thành cảnh Tịnh Độ, và đức tính sáng suốt của tâm thành đức Phật A-di-đà (Tự tánh Di-đà, duy tâm tịnh độ) nhưng chủ yếu vẫn có mục đích giúp hành giả trở về với bản tâm thanh tịnh trong sáng (Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật Độ tịnh), đó là niệm trong thời tượng pháp. Đến khi chuyển qua niệm trong thời mạt pháp thì nhiều người không còn hiểu ý chỉ của Tổ khai tông nên đã biến Tông môn này thành tín ngưỡng và thay vì niệm Phật để trở về tự tánh thanh tịnh sáng suốt thì đã hướng ngoại tìm cầu cảnh giới Tây phương Cực Lạc bên ngoài; thay vì chết đi cái ngã ảo tưởng để hiển lộ Tánh Giác Sáng Chói Vô Lượng đã bị hiểu thành khi lâm chung được Phật Vô Lượng Quang tiếp dẫn; thay vì hành theo giới định tuệ, thất giác chi, bát chánh đạo… thì hiểu thành hàng hàng lớp lớp vàng ngọc, trân châu, bảy báu; thay vì 4 Đạo, 4 Quả và Niết-bàn thì hiểu thành Chín Đài Hoa Sen v.v… vì vậy mà sinh tâm hướng ngoại cầu huyền, quên mất tự tánh vốn thanh tịnh trong sáng, không sinh không diệt.
Về thiền định, ngay từ khi mới xuất gia, Bồ-tát Siddhattha đã chứng đắc tứ thiền bát định cao nhất của ngoại đạo nhưng Ngài thấy đó chỉ là an lạc trong Sắc giới, Vô sắc giới nên đã từ bỏ ra đi không hề luyến tiếc. Về sau Ngài thấy đó là 2 trong 10 kiết sử trở ngại cho sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn: Sắc ái và Vô sắc ái. Mặc dù tứ thiền bát định vẫn được đức Phật chấp nhận như là phương tiện tĩnh dưỡng (hiện tại lạc trú) nếu ai đã chứng đắc mà không chấp thủ hay chìm đắm thì cũng không sao, nhưng đó hoàn toàn không phải là chánh định trong Bát Chánh Đạo. Khi định mà tâm không trụ, khi động mà tâm không loạn, tùy duyên mà ứng nhưng vẫn rỗng lặng trong sáng, tự tại hồn nhiên mới thực là chánh định. Chánh định là bản chất tịch tịnh (santo), vi diệu (panito), tĩnh lặng (patipassaddha), nhất tánh (ekodibhāva), không lệ thuộc (na sasankhāra), không đối kháng (niggaha), không trở ngại (vāritavato) vốn có sẵn trong tâm, không phải do nỗ lực tác thành. Vì không thấy được định trong tự tánh giới định tuệ nên không ít người đã đánh đồng chánh định với định Sắc giới, Vô sắc giới. Tóm lại, pháp môn Niệm Phật cũng như Thiền Định nếu đặt đúng hướng thì thành chính nếu đặt sai hướng thì thành tà như đức Phật đã dạy trong Kinh Bộ Tăng Chi.
Thầy rất hoan hỷ khi thấy con thân bệnh mà tâm không bệnh, biết buông xả mọi sở đắc tương đối, xem sống chết là chuyện bình thường, không lo âu sợ hãi, để trở về bản tâm rỗng lặng trong sáng, tự tại an nhiên, đó mới xứng đáng là một hành giả biết trở về trọn vẹn tỉnh thức trong thực tại, biết sống tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha. Thầy tán dương sự thấy biết chân chính ấy và chúc con tràn ngập trong biển từ vô lượng.
Thầy Viên Minh
|
[ Ðầu trang ]