ABHIDHAMMATTHASANGAHA - THẮNG PHÁP TẬP YẾU LUẬN - Tỳ kheo THÍCH MINH CHÂU dịch và giải

ABHIDHAMMATTHASANGAHA
THẮNG PHÁP TẬP YẾU LUẬNhay
MÔN TÂM LÝ HỌC CỦA ÐẠO PHẬT
Tỳ kheo THÍCH MINH CHÂU Viện Trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh
(dịch và giải)



MỤC LỤC
Lời nói đầu
[01]Chương một: Tâm Vương (Citta)
1) Bất thiện tâm (Akusalacitta)
2) Vô nhân tâm (Ahetukacitta)
3) Tịnh quang tâm (Sobhanacitta)
4) Sắc giới tâm (Rùpàvacaracitta)
5) Vô sắc giới tâm (Arùpàvacaracitta)
6) Siêu thế tâm (Lokuttaracitta)
[02]Chương hai:
PHẦN MỘT: Các loại Tâm sở (Cetasika)
1) 7 Biến hành tâm sở (Sabbacittasàdhàranà)
2) 6 Biệt cảnh tâm sở (Pakinnakacetasika)
3) 14 Bất thiện tâm sở (Akusalacetasika)
4) 25 Tịnh quang tâm sở (Sobhanacetasika)
PHẦN HAI: Những tâm sở nào đã hiện hành trong những tâm nào
1) 7 Biến hành tâm sở
2) 6 Biệt cảnh tâm sở
3) 14 Bất thiện tâm sở
4) 25 Tịnh quang tâm sở
PHẦN BA: Loại tâm nào có những loại tâm sở nào và bao nhiêu tâm sở
1) Với Siêu thế tâm
2) Với Ðại hành tâm
3) Với Dục giới Tịnh quang tâm
4) Với Bất thiện tâm
5) Với Vô nhân tâm
[03]Chương ba: Linh tinh (Pakinnaka)
1) Phân loại theo thọ
2) Phân loại theo nhân
3) Phân loại theo công tác
4) Phân loại theo căn môn
5) Phân loại theo đối tượng
6) Phân loại theo trú căn

[04]Chương bốn: Lộ trình của tâm (Cittavìthi)
1) Lộ trình của tâm qua 5 căn
2) Lộ trình qua ý môn
3) Lộ trình của An chỉ tốc hành tâm
4) Ðồng sở duyên tâm
5) Tốc hành tâm
6) Các loại chúng sanh
7) Các địa giới

[05]Chương năm: Ra ngoài loại hình (Vìthimutta)
1) Bốn địa
2) Các loại kiết sanh thức (Patisandhi)
3) Thọ mạng trên sắc giới thiên
4) Thọ mạng trên vô sắc giới thiên
5) Bốn loại nghiệp
6) Nguyên nhân của chết
7) Nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng
8) Lộ trình tâm của một người sắp chết.
9) Giòng tâm thức
[06]Chương sáu: Sắc (Rùpa)
1) Tóm lược (Samuddesa)
2) Phân loại các Sắc pháp (Rùpavibhàgo)
3) Sắc sinh khởi (Rùpasamutthàna)
4) Tổng hợp các Sắc (Kalàpa-Yojanà)
5) Diễn biến Sắc pháp (Rùpavattikàmo)
6) Niết Bàn (Nibbàna)
[07]Chương bảy: Tập yếu những danh từ Abhidhamma
(Samuccaya-Sangaha-Vibhàgo)

1) Tạp loại tập yếu (Missako sangaho)
2) Tổng quát tập yếu (Sabbasangaho)
[08]Chương tám: Duyên khởi và Duyên hệ
1) Trợ duyên tập yếu (Paccaya sangaho)
2) Duyên hệ duyên (Patthanapaccayo)
[09]Chương chín: Nghiệp Xứ hay Ðối tượng Tu hành
[10]Phụ lục:
Đối chiếu Pàli - Việt
Đối chiếu Việt - Pàli
-ooOoo-
LỜI NÓI ÐẦU (Tập Một)
Văn học Abhidhamma có thể xem là môn Tâm Lý Học của Phật giáo vì bốn vấn đề được đem ra giải thích cặn kẽ hoàn toàn thuộc về con người và đặc biệt là phần tâm thức. Bốn pháp được đề cập là Citta (tâm), Cetasika (tâm sở), Rùpa (Sắc) và Nibbàna (Niết bàn). Tâm, Tâm sở, Niết bàn dĩ nhiên thuộc về tâm thức, nhưng Sắc pháp ở đây nói nhiều về thân thể con người và sự liên lạc giữa thân thể ấy với tâm thức. Ðạo Phật không bao giờ tách rời Tâm và Sắc vì cả hai đều tương quan liên đới. Chia chẻ theo 2 pháp thời Nàma (danh) thuộc về Tâm pháp và Rùpa (Sắc) thuộc về Sắc pháp. Nói đến 5 Uẩn, thời Rùpakkhandha (Sắc uẩn) thuộc về Sắc pháp còn 4 Uẩn còn lại thuộc về Tâm pháp v.v...
Ðiểm nói bật nhất trong môn học Abhidharma là sự phân tích rất tinh tế và tỉ mỉ các tâm và tâm sở, và theo Pàli Abhidhamma, có đến 89 hay 121 tâm (Citta) và 52 tâm sở (Cetasika). Ðúng với truyền thống "phân tích tông" (Vibhajavàda, một tên khác của Thượng Tọa Bộ), Pàli Abhidhamma chia chẻ các loại tâm thành Dục giới tâm; Sắc giới tâm, Vô sắc giới tâm, Siêu thế tâm (theo cảnh giới), hoặc thành Bất thiện tâm, Vô nhân tâm, Tịnh quang tâm (theo khả năng hướng thiện hay không hướng thiện), hoặc theo Thiện tâm, Dị thục tâm, Duy tác tâm (theo khả năng tái sanh một đời sau hay không); hoặc theo Hữu nhân, Vô nhân tâm (nếu đứng về phương diện căn nhân chi phối các tâm ấy) v.v... Phần tâm sở lại tế nhị hơn, và chúng ta được biết khi nhãn thức khởi lên thời ít nhất có 7 Biến hành tâm sở cùng khởi một lần, tức là Xúc, thọ, trưởng, tư, mạng căn, nhứt tâm và tác ý. Còn tế nhị hơn là những băng thống kê tỉ mỉ tìm tòi số lượng các tâm sở hiện hành trong một tâm và những tâm sở nào được tìm thấy trong những loại tâm nào. Chúng ta không ngờ hỷ tâm sở có mặt trong 51 tâm, xả tâm sở khởi lên trong 70 tâm, và một tâm giản dị như tiếu sanh tâm cũng có đến 12 tâm sở cùng khởi lên một lần (xúc, thọ, tưởng, tư, nhứt tâm, tác ý, mạng cặn, tầm, tứ, hỷ, tinh tấn, thắng giải). Một sự cống hiến đặc biệt của Pàli Abhidhamma cho môn Tâm lý học là sự giải thích về Cittavìthi hay lộ trình của tâm. Mỗi khi có một sự kích thích ở ngoài ngang qua 5 căn thời cả một số tâm tiếp diễn liên tục, khởi lên, diệt xuống lâu cho đến 16 tâm sát-na.

1. Bhavangacalana: Hữu phần chuyển động.
2. Bhavangupaccheda: Hữu phần dừng nghỉ.
3. Pancadvàràvajjana: Ngũ môn hướng tâm.
4. Cakkhuvinnàna: (Nhãn thức hay một trong 4 thức khác).
5. Sampaticchana: Tiếp thọ tâm.
6. Santìrana: Suy đạc tâm.
7. Votthapana: Xác định tâm.
8-14. Javana: Tốc hành tâm.
15-16. Tadàlambana: Ðồng sở duyên tâm.
Như vậy từ khi Hữu phần rung động cho đến Ðồng sở duyên tâm có đến 16 tâm sát-na, và nếu chúng ta cộng thêm một tâm sát-na nữa, thời gian cần thiết để đối tượng ở ngoài tiếp xúc với nội căn, thời chúng ta thấy đời sống một lộ trình của tâm có đến tất cả 17 tâm sát-na và có 7 loại tâm khởi lên rồi diệt xuống trong một lộ trình (Từ Ngũ môn hướng tâm đến Ðồng sở duyên tâm). Thật là một sự khám phá hy hữu, và sự phân tích thật vô cùng tế nhị và khúc chiết.
Tập Abhidhamma không những giải thích sự diễn tiến của tâm thức khi bị kích thích bởi ngoại trần hay nội tâm, ngang qua 5 căn hay ngang qua ý căn (Pavattana), mà còn miêu tả Kiết sanh thức (Patisandhi) liên hệ từ đời này qua đời khác. Ở đây chúng ta thấy rõ cả sự cố gắng để giải thích trạng thái tái sanh của con người, những sức mạnh gì đã khiến con người sau khi chết phải đi đầu thai một đời nữa để thỏa mãn sự đòi hỏi, sự tham sống của kiếp người. Vẫn biết vấn đề này vượt ngoài sự nhận thức của con người vì chúng ta không nhớ đến khi chúng ta lâm chung hay đi đầu thai, nhưng sự cắt nghĩa ở đây có thể xem là hợp lý, khoa học nhất, dựa vào thực tế mà trình bày, và đây cũng là một sự cống hiến đặc biệt nữa của Abhidhamma cho vấn đề sống chết của con người, một vấn đề mà các nhà triết gia bao giờ cũng boăn khăn tìm hiểu.
Lama Govinda, một tu sĩ Phật giáo người Ðức trong quyển The Psychological Attitude of Early Buddhist Philosophy (Thái độ tâm lý của triết học đạo Phật nguyên thủy) đã xem văn học Abhidhamma như môn tâm lý học và triết học của đạo Phật. Còn ông Egerton C. Baptist trong quyển Abhidhamma for the Beginners (Abhidhamma cho những người sơ cơ) thì so sánh môn học Abhidhamma như môn siêu hình học của Phật giáo. Nếu siêu hình có nghĩa là vấn đề tìm hiểu Thượng đế và vấn đề tạo thiên lập địa thì môn học Abhidhamma không thể là môn siêu hình học, vì hai vấn đề này không được đề cập đến. Ðúng với truyền thống thực tiễn của Kinh tạng không muốn đề cập đến những vấn đề không liên hệ với đời sống thực tại, đối tượng của môn học Abhidhamma là vấn đề tâm linh và hoàn cảnh thực tại của con người đang sống. Nhưng nếu chúng ta định nghĩa siêu hình là những vấn đề vượt khỏi sự hiểu biết hiện tại cạn cợt và có giới hạn của chúng ta, thời Abhidhamma có thể xem là môn siêu hình vì Sắc giới tâm, Vô sắc giới tâm và Siêu thế tâm vượt ngoài sự hiểu biết hiện tại của con người. Muốn chứng được Sắc giới tâm, phải tu các pháp thiền ở Sắc giới, muốn hiểu Vô sắc giới tâm phải tu các pháp Thiền ở Vô Sắc giới, và muốn đạt đến các quả thánh, phải tu quán (vipassanà) về Ba pháp ấn. Ở đây chúng ta thấy rõ siêu hình không dựa trên lòng tin không bằng chứng vào tưởng tượng và dự đoán mà chỉ là trạng thái tâm thức chưa được phát giác ra, bởi vì kinh nghiệm cá nhân của con người chưa đạt tới, và khi đã đạt tới, thời siêu hình đã trở thành kinh nghiệm cá nhân. Nói một cách khác, đạo Phật không bác bỏ siêu hình, nếu phần siêu hình được phát giác trên con đường kinh nghiệm cá nhân. Phần này chỉ bị bác bỏ khi nào chỉ được hình thành trên con đường của tưởng tượng và dự đoán. Ở đây, theo tạng Abhidhamma, siêu hình là một khái niệm hoàn toàn tương đối mà ranh giới tùy thuộc ranh giới kinh nghiệm cá nhân của mình và tùy thuộc vào hình thức và tầm lực của nhận thức. Ðức Phật nhiếp phục siêu hình với những vấn đề nan giải của siêu hình, không phải chỉ không biết đến siêu hình, mà chính với thái độ tích cực và thiết thực, nghĩa là nhờ ở sự tu tập và tiềm lực của nhận thức, đức Phật thu nhỏ dần ranh giới của siêu hình, và như vậy siêu hình trở thành kinh nghiệm.
Nói đến đạo đức học tức là giới vức thứ ba của triết học, Abhidhamma cũng là môn luân lý học của đạo Phật, vì tất cả lời dạy trực tiếp hay gián tiếp của đức Phật đều hướng con người đến giải thoát và giác ngộ. Tiêu chuẩn đạo đức ở đây không phải là lời phán xét của đức Phật, cũng không phải dựa vào truyền thống hay tập tục của một thời đại nào. Tiêu chuẩn thiện ác ở đạo Phật tùy thuộc ở con người và 12 Bất thiện trong tâm Abhidhamma được định nghĩa là những tâm khiến con người đi xa đích giải thoát và giác ngộ, 18 Vô nhân tâm (ahetukacitta) là những tâm lưng chừng, không tới cũng không lui, và 59 Tịnh quang tâm (sobhanacitta) là những tâm khiến con người tiến dần đến mục tiêu giải thoát và giác ngộ. Ở đây, chúng ta cũng phải nhận rõ thái độ của nhà triết gia Ðông phương không những trình bày lý thuyết của mình mà còn phải sống theo lý thuyết ấy trên thực tế và kinh nghiệm. Tri hành hợp nhất, trí đức song tu là những tiêu chuẩn bất di bất dịch cho những triết gia Ðông phương và do vậy đạo đức học không bao giờ rời khỏi phần triết học trong tạng Abhidhamma. Tìm cho ra phần luận lý trong tạng Abhidhamma không phải dễ dàng vì văn học Abhidhamma tuy đã có sự cố gắng hệ thống hóa những tư tưởng chính của đức Phật, sự phát triển này về luận lý học chưa đến mực độ trở thành một hệ thống riêng biệt về luận lý như Nhơn minh học (Hetuvidyà) của Ðại thừa. Nhưng đạo Phật bao giờ cũng chú trọng đến lý trí, suy luận, thực tu thực chứng lẽ dĩ nhiên bao giờ cũng kính trọng những nguyên tắc căn bản của pháp suy luận và do vậy chúng ta có thể nói phần luận lý lúc nào cũng tiềm tàng trong tạng Abhidhamma.
Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng trong khi đề cập đến Abhidhamma là sự liên lạc giữa Kinh tạng và Luận tạng, và sự sai khác giữa hai tạng ấy. Dầu Kinh tạng là phần tử hấp dẫn nhất trong Ba tạng, và được xem là nguyên thủy nhất, Kinh tạng vẫn là sự sưu tầm những lời dạy của đức Phật cho từng trường hợp, từng hoàn cảnh, từng cá nhân lẻ tẻ, nhiều khi không có liên hệ tương quan. Abhidhamma tạng là cả một sự cố gắng hệ thống hóa những lý thuyết và phương pháp tiềm tàng và rải rác trong Kinh tạng, và đặc biệt đặt những hệ thống ấy trên một bối cảnh chung và nhờ vậy giúp chúng ta có một khái niệm tổng quát và quán xuyến về đạo Phật. Chúng ta không thể lấy những điều kiện lịch sử để phán đoán giá trị của Abhidhamma, vì rất có thể những phần tử quan trọng của Abhidhamma được hình thành một lần với Kinh tạng. Phần lớn các nhà học giả đều đồng ý rằng tạng Abhidhamma được tổ chức và phát triển từ các Matrikà, nghĩa là những công thức đã có sẵn trong kinh tạng, và như vậy tạng Abhidhamma vẫn có thể được xem là tạng có tánh cách nguyên thủy. Vả lại chính trong Kinh tạng, cũng có những loại kinh hoặc bộ kinh mang nặng đặc chất Abhidhamma hơn là Kinh tạng, như kinh Sangìtisutta trong bộ Dìghanikàya và tập Niddesa trong bộ Khuddakanikàya. Và như Lama Govinda đã nói, "chính trong thời đức Phật tại thế, vẫn không có một đạo Phật tuyệt đối, một hình thức giáo điều của sự thật, mà chỉ có một sự hướng dẫn về phương hướng và phương pháp có thể đưa đến sự tự chứng cá nhân. Khi nào Abhidhamma còn phụng sự được lý tưởng này bằng cách chỉ cho chúng ta rõ, một ít nét đại cương của tư tưởng Phật giáo, thì vấn đề tạng Abhidhamma được kiết tập sớm hay muộn không có gì quan trọng cả".
Về phương pháp diễn đạt, tạng Abhidhamma chú trọng đặc biệt về một hệ thống gọi là Patisambhidà (Vô ngại giải hay Pratisamvit, một hệ thống của luận lý phân tích). Hệ thống này được chia thành bốn ngành. 1) Phân tích về ý nghĩa (Nghĩa vô ngại giải, Attha) của các danh từ (hay vật, vì danh từ định nghĩa sự vật). 2) Phân tích về pháp (Dhamma, Pháp vô ngại giải). Chữ pháp được tập Vibhanga và ngài Buddhaghosa, định nghĩa là sự hiểu biết về những nguyên nhân của sự vật. 3) Phân tích về văn phạm (Từ vô ngại giải, Nirutti), 4) Phân tích về Patibhàna (Biện vô ngại giải). Nhưng trong bộ luận chữ Hán Tsa-tsi, Attha lại có nghĩa là sự hiểu biết về những danh từ riêng và chung, và Dhamma có nghĩa là các Ðồng nghĩa. Trong tập Niddesa, các danh từ được giải thích bằng một danh sách dài các chữ Ðồng nghĩa (Dhamma) và các chữ khác được dùng những định nghĩa thông thường (Attha). Còn địa phương ngữ và những hình thức đặc biệt cũng cần giải thích và đó chính là Nirutti. Ngoài ra, còn có sự giải thích về giáo lý và ở đây cần phải có sức biện tài (Patibhàna).
Một đặc tánh nữa của tạng Abhidhamma mà các luận sư cho là rất đặc biệt là sự cố gắng của tạng Abhidhamma giải thích sự vật theo đệ nhứt nghĩa đế (Paramatthasacca), chớ không theo tục đế (Sammutisacca) như trong Kinh tạng. Như khi nói đến cái bàn, là theo tục đế, nhưng khi nói đến những cơ năng, những đặc tánh tạo thành cái bàn là nói đến Ðệ nhứt nghĩa đế. Trong Kinh tạng, đức Phật thường dùng những danh từ đàn ông, đàn bà, hữu tình, tự ngã. Trái lại trong Abhidhamma, những danh từ như năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới được dùng. Nói đến người thời có sự sai khác giữa đàn ông đàn bà, con nít người lớn, người thông minh kẻ ngu dốt và như vậy nằm trong phạm vi Tục đế. Khi nói đến năm uẩn hay mười hai xứ, thời không có sự phân biệt trên và con người chỉ là sự tụ họp của năm uẩn hay năm pháp.
Khi chúng tôi bắt đầu dịch tập này, chúng tôi gặp một sự khó khăn lớn là có nhiều danh từ chưa bao giờ được dịch ra chữ Hán và như vậy chúng tôi phải tự dịch theo nghĩa, hoặc dịch theo ý. Với những danh từ như Pìti (Hỷ), Vitakka (Tầm), Vicàra (Tứ), thời không có gì khó khăn vì chữ Hán đã dùng nhiều lần. Nhưng Citavìthi (Tâm lộ hay lộ trình của tâm), Parikamma (chuẩn bị), Upacàra (cận hành), Anuloma (thuận thứ), Gotrabhù (chuyển tánh), Appanà (an chỉ) v.v... toàn là những danh từ mới mẻ, phải tự dịch ra. Ðể tiện tìm hiểu và khảo cứu, chúng tôi cho in hai tập ngữ vựng, Pàli - Việt và Việt - Pàli, toàn những danh từ chuyên môn. Khi gặp chữ Pàli, muốn tìm chữ dịch ra tiếng Việt thì tìm ngữ vựng Pàli - Việt. Khi gặp chữ Việt mà muốn tìm chữ Pàli tương đương thì tìm ngữ vựng Việt - Pàli. Vì đây không phải là tự điển, nên chúng tôi chỉ cho in những danh từ chuyên môn mà thôi.
Trong khi dịch và giải thích tập này, chúng tôi chia mỗi đoạn văn thành bốn phần:

I. Pàli văn, tức là bản văn chính.
II. Thích văn, là dịch những chữ Pàli khó ra Việt văn.
III. Việt văn, là bản dịch Pàli văn ra Việt văn.
IV. Thích nghĩa, là giải thích đoạn văn trên.
Sự trình bày này giúp nhiều cho những người mới biết riêng Pàli cũng như những ai muốn nghiên cứu sâu vào vấn đề. Riêng đối với những người chỉ muốn hiểu tiếng Việt cũng có thể học hỏi nghiên cứu không có gì khó khăn. Tập này cũng có dụng ý giúp cho sinh viên Vạn Hạnh học chứng chỉ Abhidhamma và sinh viên Văn khoa Sài Gòn học chứng chỉ Triết Ấn, vì khi nào có sách học thời rất dễ cho sự tìm hiểu và chính nhờ sự hiểu biết về căn bản của tập này, sinh viên mới có sự hiểu biết căn bản để nghiên cứu các tác phẩm khác.
Quyển Abhidhammatthasangaha này là quyển sách căn bản cho những ai muốn tham học tạng A-tỳ-đàm và trở thành quyển sách đầu giường cho chư Tăng Miến Ðiện, Tích Lan, Thái Lan v.v... Không những tập này cho chúng ta những hiểu biết căn bản về môn học Abhidhamma, tập này có thể xem là chìa khóa độc nhất mở cửa cho chúng ta vào tham cứu bảy tập Abhidhamma chính thống, mà sự trình bày, cùng những danh từ chuyên môn khó hiểu và khô khan đã làm chán ngán thất vọng những kẻ sơ cơ muốn tìm hiểu tạng này. Ngài Anurudha đã thành công khi ngài chẩn mạch được căn bệnh cổ truyền và khéo hệ thống hóa tư tưởng và triết học Abhidhamma một cách gọn ghẽ súc tích, khiến cho tập này trở thành một quyển sách đầu giường cho các Tăng ni Phật tử muốn nghiên cứu Luận tạng A-Tỳ-đàm. Tập này đã được dịch ra tiếng Miên, Thái, Tích Lan, Miến Ðiện, Ấn Ðộ, Anh, Pháp v.v... chỉ trừ có tiếng Việt và bản dịch này là để bổ khuyết sự thiếu sót ấy.
Về phần giải thích, chúng tôi y cứ vào hai bản Abhidhammatthasangaha của Ðại Ðức Narada, người Tích Lan và Ðại Ðức Kashyap, Viện Trưởng Viện Phật Học Nalanda người Ấn. Ngài Narada dịch rất sát nguyên văn và phần chú thích chú trọng nhiều về ngữ nguyên các danh từ cùng những giải thích truyền thống. Ngài Kashyap trái lại dịch rất thoát nguyên văn và thích nắm giữ những khái niệm chính của từng mục, từng đoạn. Dung hòa hai phương pháp và kết nạp và trích lựa tinh hoa của hai tập trên, tập "Thắng pháp Tập yếu" bằng tiếng Việt này là sự cố gắng để phụng sự Phật học nước nhà nói chung và Ban Tu Thư Viện Ðại Học Vạn Hạnh nói riêng. Chúng tôi cũng có hy vọng tập này sẽ mở đầu cho một sự so sánh giữa tập Pàli Abhidhamma và Tạng Sanskrit Abhidhamma, và tập Pàli Abhidhammatthasangaha và tập Sanskrit Abhidharmakosa, một sự so sánh rất hào hứng, đầy những khám phá mới lạ và thích thú.
Tập Abhidhammatthasangaha có đến 9 chương và chúng tôi dịch đến chương thứ V. Còn bốn chương sau, chúng tôi sẽ cho dịch tiếp.
Mùa Phật Ðản 2510
Tỳ kheo THÍCH MINH CHÂU
Viện Trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh
-ooOoo-
LỜI NÓI ÐẦU (Tập Hai)
Bản dịch quyển "Abhidhammasangaha" (Thắng Pháp Tập Yếu Luận) tập II nay mới được in xong, dầu chúng tôi dịch xong đã khá lâu, nguyên do chính vì vấn đề ấn loát khó khăn, nhất là in chữ Pàli, vật liệu khan hiếm đắt đỏ, và trách nhiệm của một vị Viện Trưởng khá đa đoan phiền toái.
Tập II này đề cập đến hai Thắng pháp còn lại là Rùpa (Sắc) và Nibbana (Niết Bàn) được phân chia như sau:

Chương VI: Sắc Pháp
Chương VII: Các danh từ Abhidhamma phân loại theo Bất thiện, Thiện và Bất thiện, liên hệ với Giác ngộ.
Chương VIII: Duyên khởi và Duyên hệ
Chương IX: Tu tập và đối tượng Tu tập,

Cũng như tập I, chúng tôi có in bản chính Pàli, tiếp theo là Thích văn, Dịch văn và Thích nghĩa, chúng tôi y cứ vào hai bản Abhidhammatthasangaha của Ðại Ðức Nàrada, Tích Lan và Ðại Ðức Kashyap, Viện Trưởng Viện Ðại học Nalandà, Ấn Ðộ.
Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về các danh từ Abhidhamma chuyên môn, những danh từ chuyên môn có chữ Hán tương đương thời chúng tôi dùng chữ Hán đã được Việt hóa, còn những danh từ không có chữ Hán tương đương, chúng tôi phải tạm thời dịch theo nghĩa để chờ đợi tìm được những danh từ chính xác hơn. Bao giờ cũng vậy, đi tiên phong trong vấn đề nào cũng có những khó khăn trong bước đầu, và ở đây tìm được những danh từ Việt hay Việt hóa sát nghĩa với nguyên văn là cả một vấn đề thiên nan vạn nan. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận những khó khăn ấy để mở đường cho những dịch phẩm về sau về Pàli Abhidhamma.
Sài Gòn, ngày 15 tháng 12 năm 1973
Tỳ kheo THÍCH MINH CHÂU
Viện Trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh


Ghi chú: Có thể tham chiếu thêm với:
1) Vi Diệu Pháp Toát Yếu, bản dịch Việt ngữ của Phạm Kim Khánh (với đầy đủ các ký tự Pàli).
2) A Manual of Abhidhamma, bản dịch Anh ngữ và chú thích của Hòa thượng Narada.

-ooOoo-
Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | Phụ lục



CHƯƠNG I
CITTA (TÂM VƯƠNG)
KỆ NHẬP ÐỀ
I. PÀLI VĂN.

- 1a) Sammàsambuddhamatulam Sasaddhammaganuttamam Abhivàdiya bhàsissam Abhidhammatthasanghan.
II. THÍCH VĂN.

- Sammàsambuddha: Chánh đẳng giác: Atula: Vô tỷ, không thể so sánh. Sasaddhamma: Với diệu pháp. Gana: Chúng. Uttamam: Vô thượng. Abhivàdiya: Sau khi đảnh lễ. Bhàsissam: Tôi sẽ nói. Abhidhammathasangaha: Tên quyển sách.
III. VIỆT VĂN.

- 1a) Sau khi đảnh lễ đấng Chánh đẳng giác vô tỷ, Diệu pháp và vô thượng Tăng chúng, tôi sẽ nói đến tập Abhidhammatthasangaha.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Abhidhamma nghĩa là Vô thượng pháp hay Thắng pháp. Attha nghĩa là vật. Sangaha nghĩa là tập yếu. Dhamma ở đây có nghĩa là giáo lý. Theo tập Atthasàlinì Abhi có nghĩa là Atireka, cao hơn, lớn hơn hay Visittha, đặc biệt, thù thắng. Abhidhamma nghĩa là thắng pháp vì pháp này giúp người tự giải thoát, hay vì pháp này thù thắng hơn Kinh tạng và Luật tạng. Trong Kinh tạng hay Luật tạng, đức Phật thường dùng những danh từ Tục đế như người, loài vật, hữu tình... Trong tạng Abhidhamma, mọi pháp đều được chia chẻ rất tỉ mỉ và các chữ trừu tượng như năm uẩn, mười hai xứ được dùng. Như vậy, vì giáo lý dạy rất đặc biệt, vì giáo lý này đưa đến tự giải thoát, vì phương pháp phân tích rất đặc biệt, nên gọi là Abhidhamma.
BỐN THẮNG PHÁP
I. PÀLI VĂN.

-1b) Tattha vuttàbhidhammatthà catudhà paramatthato, Cittam cetasikam rùpam nibbànamiti sabbathà.
II. THÍCH VĂN.

- Tattha: Ở đây. Vutta: Ðược nói đến. Abhidhammattha. Các vật, các pháp thuộc Abhidhamma. Catudhà: Có 4 loại. Paramatthato: Theo Ðệ nhứt nghĩa đế. Sabbathà: Tất cả.
III. VIỆT VĂN.

- 1b) Theo Ðệ nhứt nghĩa đế, các pháp thuộc Abhidhamma có bốn tất cả: Tâm, Tâm sở, Sắc và Niết bàn.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Có hai sự thật (đế): Tục đế và Ðệ nhứt nghĩa đế, Tục đế (Sammuti-sacca) là sự thật ngoài mặt, sự thật của thế tình. Còn Ðệ nhứt nghĩa đế (Paramattha-sacca) là sự thật tuyệt đối. Ví dụ cái bàn chúng ta thấy là tục đế. Theo đệ nhứt nghĩa đế, cái gọi là cái bàn, sự thật gồm nhiều cơ năng và đặc tánh.
Cũng vậy, trong kinh tạng, đức Phật thường dùng những danh từ thông thường như người đàn ông, đàn bà, hữu tình, tự ngã... nhưng trong Abhidhamma, đức Phật dùng những danh từ rất đặc biệt, như Khandha (uẩn), Dhàtu (giới), Àyatana (xứ)...
Chữ Paramattha có nhiều ý nghĩa trong Abhidhamma. Parama nghĩa là không thay đổi (aviparìta), trừu tượng (Nibbattita) Attha nghĩa là vật, pháp Paramattha nghĩa là những vật không thay đổi, hay trừu tượng. Tuy dùng chữ không thay đổi, nhưng đừng hiểu lầm là những vật này trường cữu, thường còn. Một chậu bằng đồng không phải là một Paramattha, vì nó luôn luôn thay đổi và có thể nấu chảy và biến thành cái bình. Cái chậu và cái bình có thể phân tích và chia chẻ thành những sức mạnh vật lý căn bản và những đặc tánh. Sức mạnh và những đặc tánh ấy được gọi là Rùpaparamattha trong Abhidhamma. Chúng cũng bị thay đổi, nhưng đặc tánh của những sắc pháp này là giống nhau và được tìm thấy trong cái chậu cũng như trong cái bình. Chúng gìn giữ đặc tánh của chúng trong mọi sự kết hợp của chúng và vì vậy trong sớ giải, Parama có nghĩa là không thay đổi hay thực có. Attha ở đây có nghĩa là vật chớ không phải là ý nghĩa.
Có 4 Paramattha hay thực thể trừu tượng, bao trùm mọi vật nhập thế và siêu thế. Như cái gọi là hữu tình thuộc về nhập thế. Còn Nibbàna thuộc siêu thế. Loài hữu tình gồm có Nàma (Danh) và Rùpa (Sắc). Theo Abhidhamma, Rùpa gồm cả những đơn vị căn bản của vật chất và những thay đổi vật chất. Abhidhamma kể đến 25 sắc pháp. Nàma gồm cả Tâm và Tâm sở.
Theo Abhidhamma, cái gọi là hữu tình gồm có năm uẩn (khandha): Rùpa (sắc), Vedanà (thọ), Sannà (tưởng), Sankhàrà (hành) và Vinnàna (thức).
Tâm, Tâm sở (trừ 8 Siêu thế tâm và những Tâm sở câu hữu) và Sắc thuộc nhập thế (Lokiya), và Nibbàna thuộc Siêu thế (Lokuttara). Niết bàn là thực thế cứu cánh, độc nhất. Ba pháp còn lại được gọi là thực thể vì chúng là những vật hiện hữu (Vijjamàna dhammà). Ngoài ra, chúng không thể chia nhỏ, không thay đổi và trừu tượng.
Paramattha thứ nhất là Citta, từ ngữ căn Cit là suy nghĩ. Theo sớ giải, Citta có nghĩa là nhận thức sự hiện hữu của đối tượng (cinteti: vijànàti). Ðây không có nghĩa có người nghĩ đến đối tượng. Theo nghĩa của Abhidhamma, Citta nên định nghĩa là sự nhận thức có mặt của một đối tượng, vì không có nghĩa có một linh hồn suy nghĩ.
Citta, Ceta, Cittuppàda, Nàma, Mana Vinnàna đều là những chữ đồng nghĩa theo Abhidhamma, không có sự phân biệt giữa Citta và Vinnàna (tâm và Thức). Khi cái gọi là vật hữu tình được chia thành hai phần, thời dùng chữ Nàma (Danh). Khi chia thành năm uẩn, thời chữ Vinnàna (Thức) được dùng.
BỐN LOẠI TÂM
I. - PÀLI VĂN.

- 2) Tattha cittam tàva catubbidham kàmàvacaram, rùpàvacaram, arùpàvacaram, lokuttaranceti.
II. THÍCH VĂN.

- Tattha: Ở đây. Catubbidham hoti: Có bốn loại. Kàmàvacaram: Dục giới. Rùpàvacaram: Sắc giới. Arùpàvacaram: Vô sắc giới. Lokuttaram: Siêu thế giới.
III. VIỆT VĂN.

- 2) Ở đây, có 4 loại tâm: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới và Siêu thế giới.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Kàmà: Dục, hoặc là ái dục hay là những đối tượng của ái dục như sắc, thanh, hương, vị, xúc. Avacara: nghĩa là lãnh vực địa giới hoạt động. Những tâm vương khởi lên hệ thuộc với các văn và đối tượng của chúng nên gọi là Dục giới tâm. Sắc giới tâm là những tâm từ đệ nhứt thiền đến đệ ngũ thiền ở cõi Sắc giới. Sở dĩ gọi là Sắc giới tâm vì tâm này khởi lên do dùng các sắc pháp để tu thiền định. Vô sắc giới tâm là những tâm từ đệ nhứt thiền đến đệ tứ thiền ở cõi Vô sắc giới. Sở dĩ gọi là Vô sắc giới vì tâm này khởi lên do dùng Vô sắc pháp để tu thiền định. Loka uttara: Lokuttara, nghĩa là Siêu thế, ra ngoài sự hạn cuộc của dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Do quán tưởng ba pháp ấn vô thường, khổ, vô ngã, chứng được các thánh vị, không còn là phàm phu nữa nên gọi là siêu thế, ra ngoài sự hạn cuộc của dục giới, sắc giới, và vô sắc giới.
Theo Pàli Abhidhamma, có tất cả là 89 Tâm vương, 54 Dục giới tâm, 15 Sắc giới tâm, 12 Vô sắc giới tâm và 8 Siêu thế tâm.
BẤT THIỆN TÂM
I. PÀLA VĂN.

- 3) Tattha katamam kàmàvacaram? Somanassasahagatam ditthigatasampayuttam asankhàrikamekam, sasankhàtikamekam. Somanassasahagatam ditthigatavippayuttam asankhàrikamekam sasankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam ditthigatasampayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam ditthigatavippayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam ti. Imàni attha pi lobhasahagatàni cittàni nàma.
II. THÍCH VĂN.

- Katamam: Có bao nhiêu. Somanassasahagatam: Câu hữu với hỷ. Ditthigatasampayuttam: Tương ưng với tà kiến. Sasankhàrikamekam: Không cần nhắc bảo: Sasankhàrikamekam: Cần được nhắc bảo. Ditthigatavippayuttam: Không tương ưng với tà kiến. Upekkhàsahagatam: Câu hữu với xả. Imàni: Những tâm này Attha: Tám Lobhasahagatàni cittàni nàma: Gọi là những tâm câu hữu với tham.
III. VIỆT VĂN.

- 3) Ở đây có bao nhiêu Dục giới tâm? Một tâm câu hữu với hỷ, tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với hỷ không tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với xả, tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Tám tâm này gọi là tâm câu hữu với tham.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Trong 89 Dục giới tâm, có 12 bất thiện tâm chia thành 8 tâm câu hữu với tham, hai tâm câu hữu với sân, hai tâm câu hữu với si. Trước hết là 8 tâm câu hữu với tham.
Tâm đầu là tâm câu hữu với hỷ, tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo. Khi một người làm một việc bất thiện một cách thích thú, thì tâm người ấy câu hữu với hỷ (somanassasahagatam), nếu làm một cách thản nhiên thời câu hữu với xả (Upekkhàsahagatam). Có người nghĩ rằng giết sanh vật để cúng tế, cướp bóc giết hại những người không đồng với tín ngưỡng của mình là những việc phải, việc thiện, thời tâm của người ấy tương ưng với tà kiến (ditthigatasampayattam). Trái lại, không có những tà kiến ấy gọi là Ditthigatavippayuttam. Có người làm việc ác một cách tự nhiên, mau lẹ không cần người khuyến khích xui giục, thời tâm ấy gọi là Asankhàrikam (không cần nhắc bảo). Nếu cần người xui giục khuyên bảo mới làm thì gọi là sasankhàrikam.
Trong chương trước, tâm chia thành bốn tùy theo cảnh giới, như Dục giới tâm, Sắc giới tâm, Vô sắc giới tâm và Siêu thế tâm. Tâm cũng có thể chia làm 4 loại tùy theo tánh cách của chúng, như Akusala (bất thiện), Kusala (thiện), Vipàka (dị thục) và Kiriyà (duy tác). Sở dĩ gọi là Bất thiện vì chúng phát sanh từ Lobha (tham) Dosa (sân) và Moha (si). Trái với bất thiện tâm là Thiên tâm (Kusala) vì chúng phát sanh từ Alobha (vô tham), Adosa (vô sân) và Amoha (vô si). Nhưng Bất thiện tâm và thiện tâm thuộc về Kamma (nghiệp) và kết quả Dị thục của những tâm này gọi là Vipàka (Dị thục tâm). Cả Kamma và Vipàka thuộc về ý. Còn tâm Kiriyà (Duy tác) là tâm của vị A la hán, tuy có hành động nhưng không có kết quả dị thục vì đã diệt trừ sanh tử.
HAI SÂN TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 4) Domanassasahagatam patighasampayuttam asankhàrikamekam, sasànkhàrikamekamekam ti imàni dvepi patighacittàni nàma.
II. THÍCH VĂN.

- Domanassasahagatam: Câu hữu với ưu Patighasampayuttam: Tương ưng với hận. Asankhàrikam: Không cần nhắc bảo: Sasankhàrikamekam: Một tâm cần được nhắc bảo. Dve: Hai. Patighacittàni: Những hận tâm.
III. VIỆT VĂN.

- 4) Một tâm câu hữu với ưu, tương ưng với hận, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Hai tâm này gọi là tâm cân hữu với hận.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Khi một vật khiến ta không ưa thích hoặc trở ngại sự thực hiện ý muốn của mình, chúng ta bắt đầu ghét vật ấy. Dần dần sự ghét ấy tăng lên một mức độ đến nỗi chỉ nghĩ đến vật ấy cũng khiến ta tức tối, chán ghét. Tâm trạng như vậy gọi là Domanassa. Domanassa thúc dục kích thích chúng ta muốn tiêu diệt, công phá vật ta chán bỏ, sự kích thích ấy gọi là Patigha hay hận. Tâm ấy là asankhàrika, nếu trong khi giận dữ, một người làm một tội ác không gì ngần ngại, không cần người xui giục khuyên bảo. Tâm ấy là sasankhàrika nếu có ngần ngại, cần có người xui giục sai bảo mới làm. Trong 2 tâm này, lẽ dĩ nhiên không có somanassa (hỷ), hay upekkhà (xả), cũng không tương ưng với tà kiến vì khi quá tức giận, không còn thì giờ mà suy nghĩ phải với trái nữa.
Lobha, dosa, và moha là ba bất thiện căn. Lobha từ ngữ căn Lubh nghĩa là nắm giữ, ôm ấp. Dosa từ ngữ căn Dus nghĩa là không bằng lòng. Patigha, Pati: nghĩa là đối, Gha (han) có nghĩa là đánh chạm nhau. Moha từ ngữ căn Muh nghĩa là mê lầm. Theo Abhidhamma, Moha có mặt trong tất cả bất thiện tâm. Lobha và Dosa không khởi ra một mình mà phải có Moha. Moha có thể khởi một mình và được gọi là Momùha.
Somanassa: Su là tốt, thiện. Mana: ý, nghĩa là thiện ý, hoan hỷ. Upekkhà: Upa là ngang, không thiên lệch; Ikkh: là thấy không thiên về hỷ và ưu, đứng ở giữa nên có nghĩa là xả. Ditthi từ ngữ căn dis nghĩa là thấy, nhận thức. Sankhàrika từ chữ san nghĩa là tốt và kar nghĩa là làm. Trong Abhidhamma, chữ Sankhàra có nhiều nghĩa, phải hiểu và phân biệt cho rõ ràng. Dùng với 5 uẩn, Sankhàra là hành uẩn, nghĩa là các tâm sở trừ thọ và tưởng. Dùng với mười hai nhân duyên, Sankhàra có nghĩa là mọi hành động cố ý, thiện hay ác. Sankhàra cũng có nghĩa là thay đổi, biến dịch và dùng chỉ cho các pháp hữu vi. Ở đây, Sankhàra có nghĩa là khuyến khích, sai bảo.
HAI SI TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 5) Upekkhàsahagatam vicikicchàsampayuttamekam, upekkhàsahagatam uddhaccasampayuttamekam ti dve pi momùhacittàni nàma. Iccevam sabbathà pi dvàdasàkusalacittàni samattàni.
II. THÍCH VĂN.

- Vicikicchàsampayuttam: Tương ưng với nghi. Ekam: Một. Uddhaccasampayuttam: Tương ưng với trạo cử. Momùhacittàni: Những si tâm. Iccevam: Iti + Evam: Là như vậy. Dvàdasa: 12. Sabbathà:Toàn mọi phương diện. Akusalacittàni: Những tâm bất thiện. Samattàni: Tất cả.
III. VIỆT VĂN.

- 5) Một tâm câu hữu với xả, tương ưng với nghi. Một tâm câu hữu với xả, tương ưng với trạo cử. Như vậy hai tâm này được gọi là si tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Moha: Si, là một điều kiện tất yếu đối với các bất thiện pháp. Lobha và Dosa (tham, sân) không thể khởi lên nếu không có Moha (si). Nhưng nếu chỉ có Moha thôi, thời khiến cho tâm trí bị mê mờ. Nên tâm ấy được gọi là "Momùhacitta. Một tâm trí như vậy khó mà hiểu sự vật rất rõ ràng, có nhiều nghi ngờ, nên gọi là vicikacchàsampayuttam. Một si tâm cũng không thể chuyên nhất trên một đối tượng nào. Tâm ấy xao động, nếu xao động mạnh thì gọi là Uddhaccasampayuttam: tương ưng với trạo cử. Hai tâm này không thể có Somanassa (hỷ) hay Domanassa (Ưu). Chúng tương ưng với Upekkhà (xả). Nghi và trạo cử khởi lên do mê mờ, không thể tự dụng ý tạo lên được, vì mê mờ và hiểu biết tương phản. Lại không thể có ai xui giục để nghi ngờ và trạo cử nên không có asankhàrika và sasankhàrika.
Vickicchà: theo luận sớ có 2 nghĩa: 1) Vici: Vicinanto là tìm hiểu, điều tra + Kiccchati nghĩa là mệt mỏi, phật ý. Phật ý do suy tư, phân vân. 2) Vi: Không có + Cikicchà: phương thuốc của trí tuệ. Vicikicchà nghĩa là không có phương thuốc của trí tuệ. Uddhacca: U nghĩa cùng khắp + Dhu nghĩa là rung động. Tâm trạng của con người bị xúc động quá mạnh.
Kusala có những nghĩa như sau:

1. Ku: bất thiện + Sa: làm cho rung động. Kusala là diệt trừ điều bất thiện.
2. Kusa: Ku: bất thiện + Sa: nói láo + La: cắt, chặt. Nghĩa là cắt diệt những gì nói láo một cách đê hèn.
3. Ku: bất thiện + Su: làm cho tiêu tan. Cái làm diệt trừ bất thiện là Kusa hay trí tuệ. La: cắt. Cái gì cắt đứt bất thiện với trí tuệ, được gọi là Kusala.
4. Kusa là một loại cỏ. Loại cỏ này cắt bàn tay với hai khía lá sắc bén. Cũng vậy Kusala cắt các phiền não.
TỔNG KẾT 12 BẤT THIỆN TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 6) Atthadhà lobhamùlàni, dosamùlàni ca dvidhà mohamùlàni ca dvéti, dvàdasàkusalà siyum.
II. THÍCH VĂN.

- Atthadhà: Có 8 loại. Lobhamùlàni: Tham căn. Dosamùlàni: Sân căn. Ca: Và. Dvidhà: Có hai loại. Akusalà: Bất thiện. Siyum: (từ động từ Asa): Chúng có thể có.

III. VIỆT VĂN.

- 6) Tham căn có tám, sân căn có hai và si căn cũng có hai. Như vậy Bất thiện tâm có 12.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Ðây là bài kệ tóm tắt đoạn trên, kê rõ có tất cả là tám tham tâm, hai sân tâm và hai si tâm, tổng cộng có 12 Bất thiện tâm.
18 VÔ NHÂN TÂM: 7 BẤT THIỆN DỊ THỤC TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 7) Upekkhàsahagatam cakkhuvinnànam, tathà sotavinnànam, ghànavinnànam, jivhàvinnànam, dukkhasahagatam kàyavinnànam, upekkhàsahagatam sampaticchanacittam, upekkhàsahagatam santìranacittanceti. Imàni satta pi akusalavipàkàhetukacittàni nàma.
II. THÍCH VĂN.

- Cakkhuvinnànam: Nhãn thức. Tathà: Cũng như vậy. Sotavinnànam: Nhĩ thức. Ghànavinnànam: Tỷ thức. Jivhàvinnànam: Thiệt thức. Dukkhasahagatam: Câu hữu với khổ. Kàyàvinnànam: Thân thức. Sampaticchanacittam: Tiếp thọ tâm. Santìranacitam: Suy đạc tâm. Imàni satta: Bảy (tâm) này. Akusalavipàka: Bất thiện dị thục. Ahetuka: Vô nhân.
III. VIỆT VĂN.

- 7) Nhãn thức câu hữu với xả, cũng vậy nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức câu hữu với khổ, tiếp thọ tâm câu hữu với xả, suy đạc tâm câu hữu với xả. Bảy tâm này gọi là Bất thiện dị thục vô nhân tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Một tâm yếu ớt không thể có một trong 6 nhân sau đây: Tham, Sân, si, vô tham, vô sân, vô si. Nên những tâm ấy gọi là Ahetukacitta (vô nhân tâm). Có tất cả là 18 vô nhân tâm: 15 dị thục tâm và 3 duy tác tâm. 15 dị thục tâm lại chia làm hai: 7 Bất thiện dị thục tâm và 8 Thiện dị thục tâm.
Nay nói đến 7 Bất thiện dị thục tâm. Khi chúng ta thọ lãnh một sự kích thích, một cảm giác sẽ khởi ra trong nội tâm. Nếu thuộc về sự thấy, thời giảm giác ấy là nhãn thức (cakkhuvinnàna). Nếu thuộc về sự nghe thì cảm giác ấy gọi là nhĩ thức (Sotavinnàna). Nếu thuộc về ngửi thì gọi là tỷ thức (Ghànavinnàna). Nếu thuộc về nếm thì gọi là thiệt thức (Jivhàvinnàna). Nếu thuộc về cảm xúc thì gọi là thân thức (Kàyavinnàna). Sau khi cảm giác khởi lên, tâm thọ lãnh vật kích thích ở ngoài như là một đối tượng. Tâm ấy gọi là Tiếp thọ tâm (Sampaticchana); sau khi lãnh thọ, tâm ấy bắt đầu tìm hiểu, điều tra đối tượng nên gọi là Suy đạc tâm (Santìrana). Những hành động thiện ác trong đời trước đem đến kết quả lạc khổ trong hiện tại, lạc khổ thuộc vô ký tánh nên biến dị mà thục gọi là dị thục (Vipàka). Lại nhơn và quả cách một đời, ở nơi dị thời mà thục nên gọi là dị thục. Do những nghiệp thiện ác đời trước, tùy theo sức mạnh và tánh chất của các nghiệp nên đời nay sinh ra đã có những tánh tình như thế nào. Bảy tâm kể trên không câu hữu với Somanassa (Hỷ) hay Domanassa (Ưu) vì chúng quá yếu ớt và muội lược, nên chỉ có thể câu hữu với Upekkhà (Xả). Tuy vậy, Kàyavinnàna (Thân thức) lại câu hữu với Dukkha (Khổ) vì thân thức cảm xúc mạnh hơn. Do tạo các ác nghiệp đời trước, nên thọ quả hiện tại là khổ.
5 Bất thiện dị thục thức với 5 Thiện dị thục thức này thường được dùng danh từ Dvipancavinnàna. Hai Sampaticchana và Pancadvàràvajjana được gọi là Manodhàtu (ý giới). Các tâm khác được gọi là Manovinnànadhàtu (y thức giới).
TÁM THIỆN DỊ THỤC TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 8) Upekkhà-sahagatam cakkhuvinnànam, tathà sotavinnànam, ghànavinnànam, jivhàvinnànam, sukhasahagatam kàyavinnànam, upekkhàsahagatam sampaticchanacittam, somanassasahagatam santìranacittam, upekkhàsahagatam santìranacittam citi imàni attha pi kusalavipàkàhetukacittàni nàma.
II. THÍCH VĂN.

- Sukhasahagatam: Câu hữu với lạc. Attha: Tám. Kusalavipàkàhetukacittàni: Những thiện dị thục vô nhân tâm.
III. VIỆT VĂN.

- 8) Nhãn thức câu hữu với xả, cũng vậy nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức câu hữu với lạc, tiếp thọ tâm câu hữu với xả, suy đạc tâm câu hữu với hỷ, suy đạc tâm câu hữu với xả. Tám tâm này gọi là Thiện dị thục vô nhân tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Ðoạn này giống với đoạn trên, số 7, chỉ khác là về thân thức, câu hữu với lạc, và có thêm một tâm là suy đạc tâm câu hữu với hỷ.
BA VÔ NHÂN DUY TÁC TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 9) Upekkhàsahagatam pancadvàràvajjanacittam,tathà manodvàràvajjanacittam, somanassasahagatam hasituppàdacittam ceti imàni tìni pi ahetukakriyàcittàni nàma. Iccevam sabbathà pi atthàrasàhetukacittàni samattàni.
II. THÍCH VĂN.

- Pancadvàràvajjanacittam: Ngũ môn hướng tâm. Manodvàràvajjanacittam: Ý môn hướng tâm. Hasituppàdacittam: Tiếu sanh tâm. Imàni: Những tâm này. Tìni: Ba. Ahetukakriyàcittàni: Vô nhân duy tác tâm. Nàma: Gọi là. Iccevam: Iti + evam: như vậy. Sabbathà pi: Tổng cộng tất cả. Attharasàhetukacittàni: 18 Vô nhân tâm. Samattàni: Tất cả.
III. VIỆT VĂN.

- 9) Câu hữu với xả, ngũ môn hướng tâm; cũng vậy, ý môn hướng tâm; câu hữu với hỷ, tiếu sanh tâm. Ba tâm này gọi là Vô nhân duy tác tâm. Như vậy, tổng cộng có tất cả là 18 Vô nhân tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Kriyà nghĩa là duy tác, chỉ có hành động chớ không có quả dị thục. Hai tâm pancadvàràvajjanacitta và Manodvàràvajjanacitta chỉ là những khuynh hướng máy móc của tâm, khi một kích thích được nhận lãnh ở ngoài hay một tư tưởng được thâu nhận từ bên trong. Chúng vừa là Ahetuka (vô nhân) vừa là Kriyà (duy tác), vì không thể gieo quả. Hasituppàda, nụ cười của vị A la hán cũng Ahetuka và Kriyà (vô nhân và Duy Tác).
Muốn hiểu các vô nhân tâm, cần phải hiểu lộ trình của tâm. Khi năm căn xúc chạm với 5 trần, thời lộ trình của tâm ngang qua 5 căn khởi lên. Khi ý căn xúc phạm với pháp trần thời lộ trình của tâm ngang qua ý căn khởi lên.
Lộ trình của tâm ngang qua năm căn có thể dùng ví dụ sau đây để diễn tả. Một người nằm ngủ dưới gốc cây xoài. Một trái xoài rơi xuống và lăn đến bên mình người ấy. Người ấy giựt mình ngồi dậy và tìm biết cái gì để làm mình giựt mình thức giấc. Người này thấy trái xoài, lượm lên, ngửi và xem xét trái xoài, khi được biết trái xoài đã chín, người ấy ăn trái xoài.
1. "Người ấy đang ngủ" chỉ cho trạng thái thụ động của tâm thức, trôi chảy không có gì làm xao động. Trạng thái này gọi là Bhavanga, hữu phần hay tiềm thức.
2. "Ngồi dậy và tìm biết cái gì đã làm mình thức giấc" chỉ cho trạng thái muội lược của tâm thức khi tâm thức đang tìm xem ngoại trần kích thích mình thuộc về mắt, tai, mũi, lưỡi hay thân. Tâm này gọi là Pancadvàràvajjana hay ngũ môn hướng tâm.
3. "Thấy trái xoài" chỉ cho sự sanh khởi của thức, hoặc thuộc con mắt, hoặc 4 căn khác. Thức này hoàn toàn thuần túy, không có một suy tư gì. Nếu thuộc con mắt thì gọi là Cakkhuvinnàna (nhãn thức), nếu thuộc tai thì gọi là Sotavinnàna (nhĩ thức), nếu thuộc mũi thì gọi là Ghànavinnàna (tỷ thức), nếu thuộc lưỡi thì gọi là Jivhàvinnàna (thiệt thức), nếu thuộc thân thì gọi là Kàyavinnàna (thân thức).
4. "Lượm trái xoài" chỉ cho trạng thái của tâm thức, lãnh thọ sự kích thích của một ngoại vật. Tâm này gọi là Sampaticchana (tiếp thọ tâm).
"Ngửi và tìm xem trái xoài" chỉ cho trạng thái của tâm thức suy nghĩ đối tượng và tìm hiểu đối tượng với những kinh nghiệm quá khứ của mình. Tâm này gọi là Santìrana hay Suy đạc tâm.
6. "Xác định trái xoài đã chín và tốt" chỉ cho tâm thức xác định vị trí của đối tượng theo sự hiểu biết của mình. Tâm này gọi là Votthapana hay Xác định tâm.
7. "Ăn trái xoài" chỉ cho tâm thức xử sự với đối tượng. Ðây là trạng thái tâm thức quan trọng nhứt và được gọi là Javana hay tốc hành tâm.
Nếu là lộ trình của tâm ngang qua ý thức (Manodvàravìthi), thời đối tượng không phải từ ngoài mà chính tự nội tâm. Lộ trình này bắt đầu từ Manodvàràvajjana (ý môn hướng tâm) tương đương với Votthapana (xác định tâm).
Với ví dụ này, chúng ta thấy rõ ý nghĩa và vị trí các tâm như nhãn thức, tiếp thọ tâm, suy đạc tâm, ngũ môn hướng tâm và ý môn hướng tâm.
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 10) Sattàkusalapàkàni punnàpàkàni atthadhà, kriyàcittàni tìnìti attharasa ahetukà.
II. THÍCH VĂN.

- Satta: Bảy. Akusala: Bất thiện. Pàkàni: Dị thục. Punna: Thiện. Atthadhà: Có tám. Tìni: Ba. Attharasa: 18.
III. VIỆT VĂN.

- 10) Bất thiện dị thục có bảy; thiện dị thục có tám; duy tác tâm có ba; như vậy có 18 vô nhân tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Câu kệ này tóm tắt 18 loại vô nhân tâm. Bảy bất thiện dị thục tâm, 8 thiện dị thục tâm, 3 duy tác tâm, tổng cộng là 18 vô nhân tâm.
CÁC TỊNH QUAN TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 11) Pàpàhetukamuttàni sobhanànì ti vuccare. Ekùnasatthi cittàni athekanavuti pi và.
II. THÍCH VĂN.

- Pàpa: Bất thiện tâm. Ahetuka: Vô nhân tâm. Muttàni: Trừ. Sobhanàni: Tịnh quang. Vuccare: Gọi là. Ekùnasatthi: 9. Ekanavuti: 91. Và: Hay là. Atha: Chữ đệm.

III. VIỆT VĂN.

- 11) Trừ bất thiện tâm và vô nhân tâm, các tâm còn lại gọi là tịnh quang tâm. Có tất cả là 59 tịnh quang tâm hay 91 tịnh quang tâm.
VI. THÍCH NGHĨA.
- 12) Bất thiện tâm là thối hóa. 18 vô nhân tâm là lưng chừng. Chỉ có tác Tịnh quang tâm (Sobhana) là tấn hóa, nên gọi tâm này là Sobhana. Có hai cách tính. 24 Tịnh quang tâm thuộc Dục giới, 15 tâm thuộc Sắc giới, 12 tâm thuộc Vô sắc giới và 8 tâm thuộc Siêu thế giới, cộng là 59 Tịnh Quang tâm. Nếu lấy 8 tâm thuộc Siêu thế giới nhân với 5 cõi thiền thành 40 tâm thuộc Siêu thế giới (lokuttara). 24 tâm thuộc Dục giới cộng với 15 tâm thuộc Sắc giới, 12 tâm thuộc Vô sắc giới với 40 tâm thuộc Siêu thế giới thành có tất cả là 91 Tịnh Quang tâm (Sobhana).
TÁM DỤC GIỚI TỊNH QUANG THIỆN TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 12) Somanassasahagatam nànasampayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam. Somanassasahagatam nànavippayuttam asankhàrikamekam sasankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam nànasampayuttam asankhàrikamekam sasankhàrikamekam. Upekkhàsahgagatam nànavippayuttam asankhàrikamekam sasankhàrikamekam ti imàni attha pi kàmàvacarakusalacittàni nàma.
II. THÍCH VĂN.

- Nànasampayuttam: Tương ứng với trí. Nànavippayuttam: Không tương ứng với trí.
III. VIỆT VĂN.

- 12) Một tâm câu hữu với hỷ, tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với hỷ, không tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với xả, tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với xả, không tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Tám tâm này gọi là Dục giới thiện tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Các Sobhanacitta về Dục giới có tất cả là 24: 8 Kusalacittàni (Thiện tâm), 8 Vipàkacittàni (Dị thục tâm), 8 Kriyàcittàni (Duy tác tâm). Các Sobhanacitta này gọi là sahetuka, có nhân, trái với các ahetuka (Vô nhân) trong chương trước. Trong 24 kàmàvàcara sobhanacittas, 12 tâm tương ứng với vô tham, vô sân, và vô si, 12 tâm tương ứng với vô tham và vô sân. Những hành động thiện thông thường là do 8 tâm kusalacitta này tạo ra. Nếu làm điều thiện với tâm hoan hỷ thời câu hữu với hỷ. Nếu làm không hoan hỷ thời câu hữu với xả. Nếu làm với sự hiểu biết là điều phải thời tương ứng với trí. Nếu làm điều thiện mà không biết việc thiện ấy là phải thời không tương ứng với trí.
Nếu làm điều thiện không cần ai nhắc bảo là asankhàrikam, nếu cần nhắc bảo là sasankhàrikam.
Tâm đầu là tâm của một người bố thí cho một người nghèo một cách hiểu biết, không cần ai nhắc bảo. Nếu cần có ai khuyến khích hay sau một thời gian suy nghĩ, đó là tâm thứ hai. Một đứa con nít thấy một vị sư và vái chào liền, không hiểu biết gì, đó là tâm thứ ba. Nếu làm theo lời khuyên của bà mẹ là tâm thứ tư. 4 tâm còn lại cũng tương tự nhưng không có hoan hỷ nên câu hữu với xả.
TÁM DỤC GIỚI TỊNH QUANG DỊ THỤC TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 13) Somanassasahagatam nànasampayuttam asankhàrikamekam sasankhàrikamekam. Somanassasahagatam nànavippayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam nànasampayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam nànavippayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam ti imàni attha pi kàmàvacaravipàkacittàni nàma.
II. THÍCH VĂN.

- Sahekuta: Hữu nhân.
III. VIỆT VĂN.

- 13) Một tâm câu hữu với hỷ, tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với hỷ, không tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với xả, tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với xả, không tương ứng với trí, không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Tám tâm này gọi là Hữu nhân dục giới dị thục tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- 8 tâm này là kết quả dị thục của 8 tâm ở trên. 8 vô nhân thiện dị thục tâm (ahetuka kusalavipàkacitta) cũng là kết quả dị thục của 8 tâm ở trên. Như vậy 8 thiện tâm (kusalacitta) làm nhơn tạo ra 16 Dị thục tâm (vipàkacittas), còn 12 bất thiện tâm (akusalacittas) chỉ có 7 Vô nhân bất thiện dị thục tâm (Ahetukavipàka) mà thôi.
TÁM DỤC GIỚI TỊNH QUANG DUY TÁC TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 14) Somanassasahagatam nanasampayuttam asankhàrikamekam, asankhàrikamekam. Somanassasahagatam nanavippayuttam asankhàrikamekam, asankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam nànasampayuttam asankhàrikamekam, sasankhàrikamekam. Upekkhàsahagatam nanavippayuttamasankhàrikamekam, sasankhàrikamekam ti imàni attha pi sahetukakàmàvacarakriyàcittàni nàma. Iccevam sabbathà pi catuvìsati sahetukakàmàvacara-kusalavipàkakriyàcittàni samattàni.
II. THÍCH VĂN.

- Kriyàcittàni: Duy tác tâm Catuvìsati: 24, Samattàni: Tất cả.
III. VIỆT VĂN.

- 14) Một tâm câu hữu với hỷ, tương ứng với trí không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với hỷ, không tương ứng với trí không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Một tâm câu hữu với xả, tương ứng với trí không cần nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo, một tâm cần được nhắc bảo. Tám tâm này gọi là Hữu nhân dục giới duy tác tâm. Như vậy có tất cả là 24 Hữu nhân Dục giới Thiện, Dị thục, Duy tác tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Các đức Phật, các vị A la hán có thâu nhận tất cả 23 dị thục tâm, vì các vị này vẫn phải gặt kết quả thiện và ác của những hành động trong thời quá khứ cho đến khi mệnh chung. Nhưng các vị này không có 8 Thiện tâm (Kusalacitta) vì không có chất chứa những mầm giống cho một đời sau, vì đã diệt trừ mọi phiền trược đưa đến một đời sống khác. Khi các vị này làm một việc thiện, thì chỉ là Duy tác mà thôi.
TÓM TẮT 24 DỤC GIỚI TỊNH QUANG TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 15) Vedanànànasankhàrabhedena catuvìsati, sahetukàkàmàvacara-punnapàkakriyà matà.
II. THÍCH VĂN.

- Vedanà: Thọ, chỉ cho Somanassa Upekkhà (Hỷ và Xã). Nàna: Trí. Sankhàra: Nhắc bảo. Bhedena: Chia chẻ, phân loại. Sahetu: Có nhân. Kàmàvacara: Dục giới. Punna: Thiện. Pàka: Vipàka: Dị thục. Kriyà: Duy tác. Matà: Ðược biết là.
III. VIỆT VĂN.

- 15) 24 loại Dục giới thiện, dị thục, duy tác có nhân để chia chẻ theo thọ (hỷ hay xả), trí (có hay không có trí) và được nhắc bảo (hay không nhắc bảo).

IV. THÍCH NGHĨA.
- Câu kệ này tóm tắt 24 loại Sobhanacitta (Tịnh Quang tâm) được biết là có nhân, Dục giới, Thiện, Dị thục hay Duy tác.
TỔNG QUÁT 54 DỤC GIỚI TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 16) Kàme tevìsa pàkàni, punnàpunnàni vìsati; Ekàdasa Kriyà ceti, catupannàsa Sabbathà.
II. THÍCH VĂN.

- Kàme: Ở Dục giới. Tevìsa: 23 Pàkàni: Vipàkàni: Dị thục. Punna: Thiện Apunnàni: Bất thiện. Vìsa: 20. Ekàdasa: 11. Kriyà: Duy tác. Catupannàsa: 54. Sabbathà: Tất cả.
III. VIỆT VĂN.

- 16) Ở Dục giới có 23 dị thục tâm, 20 thiện và bất thiện tâm, 11 duy tác tâm. Như vậy có tất cả là 54 tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- 23 Dị thục tâm: 15 Vô nhân + 8 Tịnh Quang. 20 Thiện và bất thiện: 12 Bất thiện + 8 thiện. II Duy tác tâm: 3 Vô nhân +8 Dị thục (Tịnh Quang). Tổng cộng là 54 Tâm.
SẮC GIỚI TÂM: 5 SẮC GIỚI THIỆN TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 17) Vitakka-vicàra - pìtisukhekaggatàsahitam pathamajjhànakusalacittam. Vicàrapìtisukhekaggatàsahitam dutiyajjhàna-kusalacittam. Pìtisukhekaggatàsahitam tatiyajjhànakusalacittam. Sukhekaggatàsahitam catutthajjhànakusalacittam. Upekkhekaggatàsahitam pancamajjhànakusalacittam ceti imàni pancapi rùpàvacarakusalacittàni nàma.
II. THÍCH VĂN.

- Vitakha: Tầm. Vicàra: Tứ. Pìti: Hỷ. Sukha: Lạc. Ekaggatà: Nhứt tâm. Sahitom: Câu hữu. Pathama: Ðệ nhất Jhàna: Thiền. Kusalacittam: Thiện tâm. Dutiya: Ðệ nhị. Tatiya: Ðệ tam. Catuttha: Ðệ tứ. Upekkhà: Xả. Pancama: Ðệ ngũ. Panca: Năm. Rùpàvacara: Sắc giới.
III. VIỆT VĂN.

- 17) Ðệ nhứt thiền thiện tâm câu hữu với tầm, tứ, hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ nhị thiền thiện tâm câu hữu với tứ, hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tam thiền thiện tâm câu hữu với hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tứ thiền thiện tâm câu hữu với lạc và nhứt tâm Ðệ ngũ thiền thiện tâm câu hữu với xả và nhất tâm. Như vậy năm tâm này được gọi là Sắc giới thiện tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Tâm ở Dục giới luôn luôn dao động, bị chi phối bởi dục lạc nên không thể định tỉnh. Vì vậy có người tu hành muốn chứng được định tâm. Vị ấy lấy một hình tròn độ hơn một gang tay và dùng đất màu hồng trét bằng. Vật ấy gọi là Parikamma Nimitta, hay Sơ tướng. Người tu hành ngồi và nhìn đối tượng ấy hết sức chăm chú cho đến khi nhắm mắt mà vẫn có thể thấy một hình tròn sáng hiện ra. Ðó tức là Uggaha Nimitta (thô tướng). Uggaha Nimitta này còn thô sơ và còn những dấu vết dọc ngang của đối tượng trét đất trước. Với đối tượng này, người tu hành lại chuyên chú định tâm quán sát cho đến khi trở thành Pàtibhàga Nimitta (quang tướng). Quang tướng này thành một vòng trong sáng không một tì vết nào cả, mà chỉ do tưởng tượng hình thành mà thôi. Người tu hành vẫn tiếp tục định tâm trên Pàtibhàga Nimitta này cho đến khi chứng được đệ nhất thiền (Pathamajjhàna).
Khi chứng được Ðệ nhứt thiền, thời 5 Nìvarana (Triền cái): Kàmacchando: Dục cái, Vyàpàda: Sân, Thìnamiddha: Hôn trầm, Uddhacca-kukkucca: Trạo cử và Vicikicchà: Nghi) được diệt trừ và 5 Thiền chi sau đây được hiện ra: Vitakka (tầm), Vicàra (tứ), Pìti (hỷ), Sukka (lạc) và Ekaggatà (nhứt tâm). Khi người ấy tu đến định thứ hai, thì không có Vitakka; khi chứng đến thiền thứ ba thời không có Vicàra. Khi đến thiền thứ tư thời Pìti không còn. Khi đến thiền thứ năm thì Sukha không còn và được thế vào bởi Upekkhà (Xả). Như vậy dần dần tâm của người tu thiền định chỉ còn Upekkhà và Ekaggatà mà thôi.
Vitakka xuất xứ từ vi + takk nghĩa là suy nghĩ. Ở đây có nghĩa là đưa đến và quy tụ trên đối tượng. Do vitakka sanh ra mà thìna-middha (hôn trầm) được diệt trừ.
Vicàra xuất từ vi + car nghĩa là di chuyển, đây có nghĩa là tìm tòi, tức là để tâm trên đối tượng. Khi có vicàra thời diệt trừ được vicikichà (nghi). Vitakka ví như con ong bay đến bông hoa. Vicàra ví như con ong bay xung quanh cái bông ấy.
Pìti nghĩa là hỷ, từ chữ Pì nghĩa là hoan hỷ, sung sướng. Khi có Pìti thời diệt trừ được Vyàpàda (sân).
Sukha nghĩa là lạc. Khi có Sukha thời không có Uddhacca và Kukkucca (trạo cử). Pìti khiến ta thích ý đối với một đối tượng còn Sukha giúp ta hưởng thọ đối tượng ấy.
Upekkhà có nghĩa là thấy (Jkkhati) một cách vô tư (upa: yuttito) nghĩa là thấy một đối tượng với một tâm trí bình tĩnh. Nghĩa này chỉ dùng với Sobhana citta mà thôi.
Ekaggatà (eka + aggatà) nghĩa là nhứt tâm. Khi đã có định thì phải có Ekaggatà. Khi có Ekaggatà thời trừ diệt được Kàmacchanda (tham dục).
Thiền định Bhàvanà có hai loại: Samatha (chỉ) và Vipassanà (quán). Samatha, chỉ, nghĩa là tịch tỉnh nhờ tu 5 thiền mà chứng được. Chính nhờ tu Samatha mà chứng được Abhìnnà (thắng trí thần thông). Còn Vipassanà là thấy sự vật đúng với sự thật. Chính nhờ Vipassanà mà chứng được thánh quả.
Do 3 nghĩa nên gọi là Sắc giới. Vì dùng sắc pháp làm đối tượng tu hành mà chứng được thiền tâm. Vì ở sắc giới, vẫn còn có tế sắc. Và vì do chứng các thiền tâm này nên sau khi chết, có thể được sanh ở cõi Sắc giới thiên.
Jhàna từ ngữ căn Jhe (suy tư). Ngài Buddhaghosa định nghĩa: Àramman’upanijjhànato paccanìkajhàpanato và jhànam. Jhàna được gọi vậy là vì suy tư chín chắn trên đối tượng hay vì đốt cháy những vật chướng ngại (Nìvarana: Triền cái).
Lộ trình của thiền tâm được diễn tiến như sau:
- Khi Bhavanga (Hữu phần) được dừng lại, thời ý môn hướng tâm khởi lên với đối tượng là quang tướng (Patibhàganimitta). Tiếp đến là Tốc hành tâm (Javana), Tốc hành này bắt đầu với Parikamma (chuẩn bị) hay Upacàra (Cận định) tùy theo trường hợp. Tiếp đến là Anuloma (thuận thứ). Chính ở giai đoạn này mà tâm mới chắc chắn chứng được Appanà (An chỉ). Tiếp đến là Gotrabhù (chuyển tánh) Gotra chỉ cho Dục giới tánh; Bhù là chinh phục. Mọi tâm sát na đến đây thuộc về Dục giới. Sau Gotrabhù sẽ đến Appanà (An chỉ) và thuộc về Sắc giới. Ở đây, Appanà (An chỉ), cả 5 thiền chi đều có mặt ở Sơ thiền. Như vậy sự diễn tiến lộ trình của thiền tâm như sau: Bhavanga, manodvàràvajjana, Parikamma, Upacàra, Anuloma, Gotrabhù, Appanà (Hữu phần, ý môn hướng tâm, chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tánh, an chỉ).
SẮC GIỚI DỊ THỤC TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 18) Vitakkavicàrapìtisukhekaggatàsahitam pathamajjhànavipàkacittam. Vicàrapìtisukhekaggatàsahitam dutiyajjhànavipàkacittam. Pìtisukhekaggatàsahitam tatiyajjhànavipàkacittam. Sukhekaggatàsahitam catutthajjhànavipàkacittam. Upekkhekaggatàsahitam pancamajjhànavipàkacitam ceti imàni panca pi rùpàvacaravipàkacittàni nàma.
II. VIỆT VĂN.

- 18) Ðệ nhứt thiền dị thục tâm câu hữu với tầm, tứ, hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ nhị thiền dị thục tâm câu hữu với tứ, hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tam thiền dị thục tâm câu hữu với hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tứ thiền dị thục tâm câu hữu với lạc và nhứt tâm. Ðệ ngũ thiền dị thục tâm câu hữu với xả và nhứt tâm. Như vậy năm tâm này gọi là Sắc giới dị thục tâm.
III. THÍCH VĂN.

- 3 thiện nhân (kusalahetu) alobha, adosa, amoha (vô tham, vô sân, vô si) rất mạnh trong các tâm rùpàvacarakusalacitta cho nên đem lại các kết quả dị thục giống như các tâm này đến đời sau.
SẮC GIỚI DUY TÁC TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 19) Vitakkavicàrapìtisukhekaggatàsahitam pathamajjhànakriyàcittam. Vicàrapìtisukhekaggatàsahitam dutiyajjhànakriyàcittam. Pìtisukhekaggatasahitam tatiyajjhànakriyàcittam. Sukhekaggatàsahitam catutthajjhànakriyàcittam. Upekkhekaggatàsahitam pancamajjhànakriyàcittam ceti imàni panca pi rùpàvacarakriyàcittàni nàma. Iccevam sabbathà pi pannarasa rùpàvacarakusalavipàkakriyàcittàni samattàni.
II. THÍCH VĂN.

- Pannarasa: 15. Samattàni: Có tất cả là.
III. VIỆT VĂN.

- 19) Ðệ nhứt thiền duy tác tâm câu hữu với tầm, tứ, hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ nhị thiền duy tác tâm câu hữu với tứ, hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tam thiền duy tác tâm câu hữu với hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tứ thiền duy tác tâm câu hữu với lạc và nhứt tâm. Ðệ ngũ thiền duy tác tâm câu hữu với xả và nhứt tâm. Như vậy 5 tâm này gọi là Sắc giới duy tác tâm.
Như vậy có tất cả là 15 Sắc giới Thiện, Dị thục và Duy tác tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Các vị La hán cũng tu 5 thiền này. Nhưng không có kết quả Dị thục, chỉ có duy tác mà thôi nên gọi là kriyàcitta.
TÓM TẮT 15 SẮC GIỚI TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 20) Pancadhà jhànabhedena rùpàvacaramànasam Punnapàkakriyàbhedà tam pancadasadhà bhave.
II. THÍCH VĂN.

- Pancadhà: Có 5 loại. Jhànabhedena: Phân loại thiền. Rùpàvacaramànasam: Sắc giới về ý. Punna: Thiện. Pàka: Dị thục. Kriyà: Duy tác. Bhedà: Phân loại chia chẻ. Tam: Tâm ấy. Pancadasadhà: Có 15 loại. Bhave: Có.
III. VIỆT VĂN.

- 20) Sắc giới tâm có 5 loại phân theo các thiền. Theo thiện, dị thục và duy tác, có tất cả là 15 thiền tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Câu kệ này tóm tắt các tâm ở Sắc giới. Theo thiền thời Sắc giới tâm có 5 loại. Theo thiện, dị thục và duy tác thời có đến 15 thiền tâm.
VÔ SẮC GIỚI TÂM: 5 VÔ SẮC GIỚI THIỆN TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 21) Àkàsànancàyatanakusalacittam. Vinnànancàyatanakusalacittam. Àkincannàyatanakusalacittam. Nevasannànàsannàyatanakusalacittam ceti imàni cattàri pi arùpàvacarakusalacittàni nàma.
II. THÍCH VĂN.

- Àkàsànancàyatana: Không vô biên xứ. Vinnànancàyatana: Thức vô biên xứ. Àkincannàyatana: Vô sở hữu xứ. Nevasannànàsannàyatana: Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
III. VIỆT VĂN.

- 21) Không vô biên xứ thiện tâm. Thức vô biên xứ thiện tâm. Vô sở hữu xứ thiện tâm. Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện tâm. Bốn tâm này gọi là vô sắc giới thiện tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Người tu hành sau khi chứng các tâm thiền ở cõi sắc giới muốn tu lên các cõi thiền ở vô sắc giới. Vị này định tâm trên Patibhàganimitta (Quang tướng) như đã nói trong chương trước. Khi vị này chú tâm, thời một ánh sáng yếu ớt, như con đom đóm, phát xuất từ đối tượng ấy. Vị tu hành muốn cho ánh sáng ấy tràn lan khắp cả hư không, và nay chỉ thấy ánh sáng ấy chiếu khắp tất cả mọi chỗ. Cái hư không vô biên ấy không phải là một hiện thực mà chỉ là một tưởng tượng gọi là Kasinagghatimàkàsa (hư không phát sanh từ Kasina). Trên đối tượng ấy, người tu hành chú tâm và nghĩ "Àkàsa ananto" (Hư không là vô biên) cho đến khi chứng được đệ nhứt thiền. Rồi vị này chú tâm trên đệ nhứt Arùpajhàna và suy tưởng: "Vinnànam anantam" (Thức là vô biên) cho đến khi chứng được đệ nhị thiền (Vinnànancàyatanam). Muốn chứng đệ tam thiền, người tu hành lấy đệ nhứt thiền làm đối tượng tu hành và suy nghĩ "Natthi kinci" (không có vật gì tất cả). Muốn chứng đệ tứ thiền, người tu hành lấy đệ tam thiền làm đối tượng tu hành, và vì đệ tứ thiền quá tế nhị nên không thể nói là có tưởng hay không có tưởng.
Năm thiền tâm ở sắc giới khác ở các thiền chi, còn bốn thiền ở vô sắc giới sai khác nhau ở đối tượng tu hành. Ðệ nhứt thiền và đệ tam thiền có hai Pannatti (khái niệm) làm đối tượng tu hành, tức là khái niệm về hư không vô biên và khái niệm về vô sở hữu. Ðệ nhị và đệ tứ thiền lấy đệ nhứt thiền và đệ tam thiền làm đối tượng tu hành. Trong 12 vô sắc thiền tâm, chỉ có hai thiền chi là xả và nhứt tâm.
Lộ trình của vô sắc giới thiền tâm được tiến diễn như sau: Manodvàràvajjàna, Parikamma, Upacàra, Anuloma, Gotrabhù, Àkàsànancàyatana (ý môn hướng tâm, chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tánh, hư không vô biên xứ). Parikamma có thể có hay không, tùy theo trường hợp.
VÔ SẮC GIỚI DỊ THỤC TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 22) Àkàsànancàyatanavipàkacittam. Vinnànancàyatanavipàkacittam. Àkincannàyatanavipàkacittam. Nevasannanàsannàyatanavipàkacittam ceti imàni cattàri pi arùpàvacaravipàkacittàni nàma.
II. VIỆT VĂN.

- 22) Không vô biên xứ dị thục tâm. Thức vô biên xứ dị thục tâm. Vô sở hữu xứ dị thục tâm, Phi tưởng phi phi tưởng xứ dị thục tâm. Bốn tâm này gọi là vô sắc giới dị thục tâm.
III. THÍCH NGHĨA.
- 4 Tâm này là quả dị thục của bốn thiện tâm vừa kể trên.
VÔ SẮC GIỚI DUY TÁC TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 23) Àkàsànancàyatanakriyàcittam, Vinnànancàyatanakroyàcittam, Àkincannàyatanakriyàcittam, Nevasannànàsannàyatanakriyàcittam ceti imàni pi arùpàvacarakriyàcittàni nàma. Iccevam sabbathà pi dvàdasa arùpàvacarakusalavipàkakriyàcittàni.
II. VIỆT VĂN.

- 23) Không vô biên xứ duy tác tâm. Thức vô biên xứ duy tác tâm. Vô sở hữu xứ duy tác tâm. Phi tưởng phi phi tưởng xứ duy tác tâm. Bốn tâm này gọi là Vô sắc giới duy tác tâm. Như vậy, có tất cả 12 Vô sắc giới thiện, dị thục và duy tác tâm.
III. THÍCH NGHĨA.
- Bốn tâm này do các vị A La Hán tu 4 thiền định vô sắc giới mà có, nhưng không có kết quả dị thục chỉ có duy tác mà thôi. Cả 12 thiền tâm này chỉ có hai thiền chi, tức là Upekkhà (Xả) và Ekaggatà (Nhứt tâm).
TÓM TẮT 12 VÔ SẮC GIỚI TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 24) Àlambanappabhedena catudhàruppamànasam, Punnapàkakriyàbhedà puna dvàdasadhà thitam.
II. THÍCH VĂN.

- 24 Àlambana: Ðối tượng tu hành. Bhedena: Chia chẻ, phân loại. Catudhà: Bốn loại. Aruppà: Vô sắc. Mànasam: Ý. Puna: Lại nữa. Dvàdasadhà: 12 loại. Thitam: Ðứng như vậy.
III. VIỆT VĂN.

- 24) Theo đối tượng tu hành, thời có bốn loại tâm thuộc về sắc giới. Lại nữa, nếu phân loại theo thiện, dị thục và duy tác thì có 12 tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Ðây là bài kệ tóm tắt 12 vô sắc giới tâm. Nếu chia theo thiện, dị thục và duy tác thời có đến 12 tâm.
SIÊU THẾ TÂM, SIÊU THẾ ÐẠO TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 25) Sotàpattimaggacittam, Sakadàgàmimaggacittam, Anàgàmimaggacittam, Arahattamaggacittam ceti imàni cattàri pi lokuttarakusalacittàni nàma.
II. THÍCH VĂN.

- Sotàpattimaggacittam: Dự lưu đạo tâm. Sakadàgàmimaggacitam: Nhứt lai đạo tâm. Anàgàmimaggacittam: Bất lai đạo tâm. Arahattamaggacittam: A-la-hán đạo tâm. Cattàri: Bốn. Lokuttara kusalacittàni: Siêu thế thiện tâm.
III. VIỆT VĂN.

- 25) Dự lưu đạo tâm, Nhứt lai đạo tâm, Bất lai đạo tâm, A-la-hán đạo tâm, bốn tâm này gọi là siêu thế thiện tâm.
IV. THÍCH NGHĨA:
- Một loài hữu tình ở cõi sắc giới hay vô sắc giới có thể do vô minh lầm tưởng đời sống ở hai cõi ấy là vĩnh viễn và hoàn toàn hạnh phúc. Do vậy lòng tham ái được sống phát sanh và do vậy phải tái sanh sau khi chết. Vị này có thể bị chi phối bởi 10 phiền não sau này:

1. Sakàyaditthi (thân kiến),
2) Vicikicchà (nghi),
3) Sìlabbataparàmàsa (giới cấm thủ),
4) Kàmàràga (Dục ái),
5) Patigha (Sân),
6) Rùparàga (sắc ái),
7) Arùparàga (Vô sắc ái),
8) Màna (mạn)
9) Uddhacca (trạo cử),
10) Avijjà (Vô minh).

Người tu hành, muốn diệt trừ các phiền não trên, quán tưởng về Anicca (vô thường), Dukkha (khổ) và Anata (vô ngã) và chứng được cõi thiền về Niết Bàn.
Khi người ấy diệt trừ được 3 phiền não thứ nhứt, vị ấy chứng được quả vị thứ nhứt được gọi là Sotàpanna tức là Tu đà-hoàn hay Dự Lưu. Vị này đã dự nhập vào dòng đưa đến Niết bàn. Vị này nhất định sẽ thành A-la-hán sau bảy đời.
Khi vị này làm cho yếu ớt, muội lược hai phiền não kế tiếp, tức là kàmaràga (dục ái) và Patigha (sân), vị này chứng được quả vị thứ hai và được gọi là Sakadàgàmi, tức là Tư-đà-hàm hay nhứt-lai. Vị này phải tái sanh một lần nữa, trước khi chứng quả A-la-hán.
Khi vị này diệt trừ được hai món phiền não dục ái và sân, vị này chứng được quả vị thứ ba và được gọi là Anàgàmi, tức là A-na-hàm hay Bất-Lai. Vị này sẽ, hoặc chứng được quả A-la-hán ngay trong đời này, hay sẽ tái sinh đến một cõi cao hơn và từ nơi đó chứng quả Niết bàn.
Khi vị này diệt trừ cà 5 phiền não còn lại, vị này chứng được quả vị thứ tư và được gọi là Arahan tức là A-la-hán.
Khi vị này chứng được các quả vị trên thời gọi là maggacittam hay đạo tâm. Khi vị này nhận thức rằng mình đã chứng được các quả vị trên, thời được gọi là Phalacitta hay quả tâm.
Sự chứng ngộ Niết bàn:
Hành giả muốn chứng Niết bàn phải cố gắng tìm hiểu sự vật đúng với thực tướng. Với nhất tâm, vị ấy quan sát tự ngã và tìm thấy cái gọi là tự ngã chỉ gồm có danh và sắc. Khi đã hiểu tự ngã chỉ gồm có danh và sắc, vị ấy lại tìm hiểu những nguyên nhân tạo ra tự ngã, và nhận thấy là đời sống hiện tại là do 5 nguyên nhân vô minh ở quá khứ, ái thủ, kamma (nghiệp) và đoàn thực của đời hiện tại. Vì 5 nguyên nhân này, tự ngã sanh khởi, và vì hành vi quá khứ chỉ định hiện tại, hiện tại sẽ chi phối tương lai. Suy tư như vậy, vị này vượt khỏi các nghi ngờ về quá khứ, hiện tại và tương lai (Kankhàvitaranavisuddhi - Ðoạn nghi tịnh). Rồi vị này quán mọi pháp hữu vi là vô thường, khổ và vô ngã. Chỗ nào đưa mắt đến, vị này cũng chỉ thấy ba tánh này chi phối tất cả. Vị này nhận rằng cuộc đời là một dòng sông trôi chảy mãi mãi, không có hạnh phúc nào là chân thật, vì mọi hạnh phúc đưa đến khổ đau, vì vô thường là đau khổ, và chỗ nào có vô thường và đau khổ, dĩ nhiên không thể có tự ngã.
Trong khi vị này chú tâm tu thiền tưởng, một ngày kia thình lình tự thân phát ra hào quang. Vị này cảm thấy hoan lạc vô biên, thân tâm an lạc nhẹ nhàng, lòng tin nhiệt thành tinh tấn. Tưởng lầm là đã chứng được thánh quả vì sự hiện hữu của hào quang, vị này tha thiết với trạng thái tâm tư ấy. Nhưng rồi vị này nhận chân được những sự cám dỗ ấy chỉ là những phiền não và cố gắng phân biệt giữa tà đạo và chánh đạo (Maggàmagganànadassana visuddhi - Ðạo phi đạo tri kiến tịnh).
Nhận định được chánh đạo, vị này quán tưởng sự sanh khởi (Udayanàna - Sanh trí) và sự diệt trừ (Vayanàna Diệt trí) của các pháp hữu vi. Ðối với lý sinh diệt, sự diệt trừ để lại một ấn tượng sâu đậm hơn và vị này hướng tâm quán tưởng đến sự tiêu diệt các pháp (Bhanganàna - Ðoạn trí). Vị này nhận chân rằng cả tâm pháp và sắc pháp của mình đều luôn luôn chuyển biến, không một phút dừng nghỉ. Vị ấy hiểu biết rằng mọi vật chuyển biến đều đáng ghê sợ (Bhayanàna - Kinh hãi trí). Cả thế giới hiện ra như một hầm lửa, đầy nguy hiểm. Tiếp theo, vị ấy suy nghĩ đến sự đau khổ và nguy hiểm (Àdìnavanàna - Hiểm nguy trí) của thế giới hiện tại và tự cảm thấy chán ghét (Nibbidànàna) và muốn thoát ly khỏi thế giới này (Muncitukamyatànàna - Dục giải thoát trí).
Với mục đích trên, vị này lại quán tưởng đến ba pháp ấn (Patisankhà nàna - Suy tư trí) và tự cảm thấy thản nhiên đối với mọi pháp hữu vi, không tham ái, không chán ghét đời và mọi pháp ở thế gian (Upekkhà nàna - Xả trí). Khi đến trình độ này, vị này lấy một trong ba pháp ấn, pháp ấn nào đối với mình rất thích hợp, rồi quán tưởng suy tư cho đến một ngày kia vị này chứng được Niết bàn.
Lộ trình Javana như sau:
1
2
3
4
5
6+7
Parikamma
Upacàra
Anuloma
Gotrabhù
Magga
Phala
Chuẩn bị
Cận hành
Thuận thứ
Chuyển tánh
Ðạo
Quả
Khi không có Parikamma đối với một vị rất thông minh và sáng suốt, thời quả tâm có đến ba sát-na.
Tám trí này: Udaya, Vaya, Bhanga, Bhaya, Àdìnava, Nibbidà, Patisankhà và Upekkhà được gọi chung là Patipadà Nànadassana Visuddhi. (Ðạo tri kiến tịnh). Khi vị này chứng ngộ Niết bàn lần đầu tiên, vị ấy được gọi là Sotàpanna (Dự Lưu). Rồi vị này tiếp tục diệt trừ các phiền não khác cho đến khi chứng được quả A-la-hán. Cần để ý là các phiền não được tuần - tự diệt trừ trong bốn giai đoạn. Ðạo tâm chỉ khởi lên có một sát na rồi tiếp là quả tâm. Ở Siêu thế giới, thiện quả tâm đến ngay lập tức nên được gọi là Akàliko.
Ở Dục giới, kamma hay nghiệp chi phối, còn sở Siêu thế giới, thời Pannà (Trí tuệ) chi phối.
SIÊU THẾ TÂM: 4 QUẢ TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 26) Sotàpattiphalacittam. Sakadàgàmiphalacittam, Anàgàmiphalacittam, Arahattaphalacittam, ceti imàni cattàri pi lokuttaravipàkacittàni nàma.
Iccevam sabbathà pi attha lokuttarakusalavipàkacittàni samattàni.

II. VIỆT VĂN.

- 26) Dự lưu quả tâm, nhứt lai quả tâm, bất lai quả tâm, A-la-hán quả tâm. Bốn tâm này gọi là siêu thế dị thục tâm.
Như vậy có tất cả là tám siêu thế thiện dị thục tâm.

III. THÍCH NGHĨA.
- Ðây cộng thêm bốn dị thục tâm nữa, thành có tất cả là tám siêu thế tâm: Bốn tâm gọi là siêu thế thiện tâm và bốn tâm gọi là siêu thế dị thục tâm.
TÓM TẮT CÁC SIÊU THẾ TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 27) Catummaggappabhedena, catudhà kusalam tathà,
Pàkam tassa phalattà ti atthadhànuttarammatam.

II. THÍCH VĂN.

- Catu: Bốn. Magga: Con đường. Pabhedena: Do sự phân biệt. Catudhà: Có bốn. Tathà: Như vậy. Pàkam: Dị thục. Phalattà: Quả tánh. Atthadhà: Có tám. Anuttaram: Vô thượng. Matam: Ðược biết là.
III. VIỆT VĂN.

- 27) Phân biệt về bốn đạo thì có bốn thiện tâm. Cũng vậy, các tâm dị thục là quả của các tâm trên. Như vậy được biết là có tám siêu thế tâm tất cả.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Ðây là bài kệ tóm tắt các siêu thế tâm. Có bốn thiện tâm là bốn con đường và bốn dị thục tâm là kết quả của bốn con đường trên.
TỔNG PHÂN LOẠI 89 DỤC GIỚI TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 28) Dvàdasàkusalànevam Kusalànekavìsati, Chattimseva vipàkàni kriyàcittàni vìsati.
II. THÍCH VĂN.

- Dvàdasa: 12. Akusalàni: Bất thiện. Ẹvam: Như vậy. Kusalàni: Thiện. Ekavìsati: 21. Chattimsa: 36. Vipàkàni: Dị thục. Kriyàcittàni: Duy tác tâm. Vìsati: 20.
III. VIỆT VĂN.

- 28) Có 12 Bất thiện tâm, có 21 Thiện tâm, có 36 Dị thục tâm và có 20 Duy tác tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Bài kệ này tóm tắt các tâm đã nói đến từ trước. Có 12 Bất thiện tâm, có 21 Thiện tâm (8 Tịnh Quang tâm ở Dục giới, 5 ở Sắc giới, 4 ở Vô sắc giới và 4 Siêu thế đạo tâm). Có 36 Dị thục tâm (15 Vô nhân tâm + 8 Tịnh Quang tâm + 5 Sắc giới tâm + 4 Vô sắc giới tâm + 4 Siêu thế tâm) và 20 Duy tác tâm (3 Vô nhân tâm + 8 Tịnh Quang tâm + 5 Sắc giới tâm + 4 Vô sắc giới tâm).
TỔNG PHÂN LOẠI 89 TÂM VÀ 121 TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 29) Catupannàsadhà kàme rùpe pannarasìraye. Cittàni dvàdasàruppe attha-dhànuttara tathà.
Itthamekùnanavutippabhedam pana mànasam,
Ekavìsasatam vàtha vibhajanti vicakkhanà.

II. THÍCH VĂN.

- Catupannàsadhà: 54 loại. Kàme: Ở dục giới. Rùpe: Ở sắc giới. Pannarasa: 15. Iraye: Ireti, nói đến. Dvàdasa: 12. Àruppe: Ở Vô sắc giới. Atthadhà: Có 8 loại. Anuttare: Ở cõi Siêu thế giới. Tathà: Như vậy. Ittham: Như vậy. Ekùnanavuti: 89. Pabhedam: Chia chẻ. Mànasam: Ý. Ekavìsasatam: 121. Và: Hay là. Atha: Ở đây. Vibhajanti: Phân loại, chia chẻ. Vicakkhanà: Người trí huệ.
III. VIỆT VĂN.

- 29) Ở Dục giới có 54 tâm, ở Sắc giới có 15 tâm, ở Vô sắc giới có 12 tâm, ở Siêu thế giới có 8 tâm. Như vậy 89 tâm này, các nhà có trí lại chia có 121 tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Bài kệ này tóm tắt tất cả tâm ở Dục giới (54), ở Sắc giới (15), ở Vô sắc giới (12) và ở Siêu thế giới (8). 89 tâm này lại được các nhà có trí chia thành 121 tâm.
PHÂN LOẠI 121 TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 30) Katham ekùnanavutividham cittam ekavìsasatam hoti? Vitakkavicàrapìtisukhekaggatàsahitam pathamajjhànasotàpattimaggacittam. Vicàrapìtisukhekaggatàsahitam dutiyajjhànasotàpattimaggacittam.
Pìtisukhekaggatàsahitam tatiyajjhànasotàpattimaggacittam.
Sukhekaggatàsahitam catutthajjhànasotàpattimaggacittam.
Upekkhekaggatàsahitam pancamajjhànasotàpattimaggacittam ceti imàni panca pi sotàpattimaggacittàni nàma.
Tathà sakadàgàmimagga-anàgàmimagga-arahattamaggacittam ceti samavìsati maggacittàni.
Tathà phalacitàni ceti samacattàlìsa lokuttaracittàni bhavantìti.

II. THÍCH VĂN.

- Katham: Sao. Ekùnanavutividham: 89 loại. Ekavìsasatam: 121. Samavìsati: Có vừa 20. Samacattàlìsa: Có vừa 40. Bhavanti: Có.
III. VIỆT VĂN.

- 30) Vì sao 89 tâm lại thành ra 121 tâm? Ðệ nhứt thiền dự lưu đạo tâm, câu hữu với tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm. Ðệ nhị thiền Dự lưu đạo tâm, câu hữu với tứ, hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tam thiền Dự lưu đạo tâm, câu hữu với hỷ, lạc và nhứt tâm. Ðệ tứ thiền Dự lưu đạo tâm, câu hữu với lạc và nhứt tâm. Ðệ ngũ thiền Dự lưu đạo tâm, câu hữu với xả và nhứt tâm. Như vậy 5 tâm này gọi là Dự lưu đạo tâm. Cũng như vậy Nhứt lai đạo tâm, Bất lai đạo tâm, A la hán đạo tâm, có tất cả là 20 đạo tâm. Cũng như vậy, các quả tâm. Cộng tất cả là 40 Siêu thế tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Ðoạn này giải thích vì sao 89 tâm trở thành 121 tâm. Dự lưu đạo tâm (Sotàpatti-magga) có thể chia thành 5 loại, tương ứng với đệ nhứt thiền, đệ nhị thiền, đệ tam thiền, đệ tứ thiền, đệ ngũ thiền. Các tâm Nhứt lai, Bất lai, A la hán cũng tương ưng như vậy nên có tất cả là 20 đạo tâm. Các quả tâm cũng tương ưng tương tự và có 20 quả tâm. Như vậy là có tất cả 40 Siêu thế tâm. Theo sự phân loại sau, có thặng hơn sự phân loại trước là 32 Siêu thế tâm, chớ không phải 89 tâm như trước đã nói.
PHÂN LOẠI CÁC SIÊU THẾ TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 31a) Jhànangayogabhedena katvekekam tu pancadhà,
Vuccatànuttaram cittam cattàlisa vidham ti ca.

II. THÍCH VĂN.

- Jhànanga: Các phần tử của thiền. Katvà: Khi đã làm. Ekekam: Mỗi một. Pancadhà: 5 loại Vuccati: Gọi là. Anuttaram cittam: Siêu thế tâm. Cattàlisavidham: Có 40. Ca: Và.
III. VIỆT VĂN.

- 31a) Tương ưng với các phần tử của Thiền, mỗi tâm Siêu thế nhân với 5 cõi thiền thành có 40 Siêu thế tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Bài kệ này giải thích vì sao 8 Siêu thế tâm trở thành 40 Siêu thế tâm, tức là lấy tám tâm ấy nhơn với 5 cõi thiền ở Sắc giới.
PHÂN LOẠI CÁC THIỀN TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 31b) Yathà ca rùpàvacaram gayhànuttaram tathà, Pathamàdijjhànabhede àruppam càpi pancame,
Ekàdasacidham tasmà pathamàdikamìritam,
Jhànamekekamante tu tevìsatividham bhave.
Sattatimsavidham punnam dvipannàsavidham tathà.
Pàkamiccàhu cittàni ekavìsasatam budhà.

II. THÍCH VĂN.

- Yathà tathà: Giống như, cũng như. Rùpàvacaram: Sắc giới. Gayha: Quá khứ phân từ của Ganhàti, được lấy. Anuttaram: Vô thượng, đây chỉ cho Siêu thế tâm Pathamàdijjhànabhede: Theo sự chia chẻ của các thiền từ đệ nhứt thiền trở đi. Àruppam: Vô sắc giới tâm. Pancame: Thứ năm Ekàdasavidham: 11 loại. Tasmà: Do vậy. Pathamàdikam: Ðệ nhứt thiền v.v... Iritam: Quá khứ phân từ của Ireti: nói, thuyết. Jhànamekekam: Mỗi thiền. Antam: Thiền cuối cùng. Tevìsatividham: 23 loại. Bhave: Có. Sattatimsavidham: 37. Dvipannàsavidham: 52 Pàkam: Dị thục. Àhu: Ðã nói: Ekàvìsasatam: 121. Budhà: Vị sáng suốt.
III. VIỆT VĂN.

- 31b) Cũng như các tâm ở sắc giới, tâm ở siêu thế giới cũng chia chẻ như vậy (nghĩa là chia thành 5 cõi thiền). Về thứ tự các cõi thiền, từ đệ nhứt thiền v.v... Vô sắc giới tâm được xem là thiền thứ năm. Do vậy, từ thiền thứ nhất đến thiền thứ tư, mỗi thiền có 11 tâm. Còn thiền cuối cùng tức là thiền thứ năm, có đến 23 tâm.
Có 37 thiện tâm, 52 dị thục tâm. Như vậy vị sáng suốt nói rằng có 121 tâm.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Kể thiền tâm, cả sắc giới, vô sắc giới và siêu thế giới, xem vô sắc giới thiền tâm như Thiền thứ năm, xem Ðạo tâm và Quả tâm là 40 tâm, thời sự phân chia theo 5 Thiền kể như sau:

- Thiền thứ nhất: 11 tâm
- Thiền thứ hai: 11 tâm
- Thiền thứ ba: 11 tâm
- Thiền thứ tư: 11 tâm
- Thiền thứ năm: 23 tâm


Bản đồ sau đây sẽ nêu rõ:
Các cõi ThiềnSắc giớiVô sắc giớiSiêu thế giớiTổng cộng
ThiệnDị thụcDuy thứcThiệnDị thụcDuy thứcÐạoQuả
Sơ thiền
1
1
1
4
4
11
Nhị thiền
1
1
1
4
4
11
Tam thiền
1
1
1
4
4
11
Tứ thiền
1
1
1
4
4
11
Ngũ thiền
1
1
1
4
4
4
4
4
23

Ghi chú: Có thể tham chiếu thêm với:
1) Vi Diệu Pháp Toát Yếu, bản dịch Việt ngữ của Phạm Kim Khánh (với đầy đủ các ký tự Pàli).
2) A Manual of Abhidhamma, bản dịch Anh ngữ và chú thích của Hòa Thượng Narada.
-ooOoo-
CHƯƠNG II
CÁC CETASIKA HAY TÂM SỞ
PHẦN MỘT: CÁC LOẠI TÂM SỞ
Một tâm thức không phải là một đơn vị giản dị. Tâm thức là một sự tổng hợp phức tạp của những tâm sở hay Cetasika. Những phần tử ấy tạo thành tâm thức và sống trong và với tâm thức ấy.
Ví dụ trong 89 tâm đã bàn trong chương trước, những tâm giản dị nhất là Cakkhuvinnàna (nhãn thức), Sotavinnàna (nhĩ thức)..., những tâm này là những cảm giác thuần túy, không bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ trên đối tượng. Nhưng nếu chúng ta tìm xét kỹ, chúng ta sẽ thấy những tâm ấy gồm có đến 7 tâm sở:
1) Phassa (Xúc chạm của chủ thể đối với đối tượng),
2) Vedànà (Thọ: cảm giác của chủ thể, chịu ảnh hưởng của đối tượng),
3) Sannà (Tưởng: Ðể ý đến đối tượng),
4) Cetanà (Tư: thiên ý đến đối tượng),
5) Ekaggatà (Nhứt tâm: chú tâm đến đối tượng),
6) Jìvitindriya (Mạng căn) và
7) Manasikàra (Tác ý đến đối tượng).
Bảy tâm sở cùng khởi một lần, không phải trước sau. Chúng cùng một đối tượng với thức và phát ra từ một căn với thức. Khi thức diệt thì các tâm sở này cũng diệt theo.
Có 52 tâm sở tất cả, được phân loại như sau: 13 Annasamàna (Ðồng bất đồng tâm sở) chia thành 2 loại: 7 Biến hành tâm sở (Sabbacittasàdhàrana) và 6 Biệt cảnh tâm sở (Pàkinnaka), 14 Bất thiện tâm sở và 25 Tịnh quang tâm sở (Sobhana). 52 tâm sở này phối hợp và thay chỗ cho nhau để hợp thành các tâm sai khác, phân biệt.
52 TÂM SỞ
I. PÀLI VĂN.

- 1) Ekuppàdanirodhà ca ekàlambanavatthukà, Cetoyuttà dvipannàsa dhammà cetasikà matà.
II. THÍCH VĂN.

- Ekuppàda: Ðồng sanh. Ekanirodhà: Ðồng diệt. Ekàlambana: Ðồng một đối tượng. Ekavatthukà: Ðồng một căn. Cetoyuttà: Tương ưng với tâm. Dvipannàsa: 52. Dhammà: Pháp. Cetasikà: Tâm sở. Matà: Quá khứ phân từ của Mannàti: Ðược biết là.
III. VIỆT VĂN.

- 1) Tương ưng với tâm có 52 tâm sở, chúng đồng khởi với tâm, đồng diệt với tâm, đồng một đối tượng và một căn với tâm.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Ðoạn này nói đến các tâm sở và hành tướng của chúng. Có 52 tâm sở tất cả và chúng đồng sanh, đồng diệt một lần với tâm và đồng một đối tượng, một căn với tâm. Không một tâm nào có thể tồn tại mà không có tâm sở. Cả tâm và tâm sở của tâm ấy sanh và diệt đồng thời. Như vậy một tâm sở phải có đầy đủ bốn đặc tánh trên mới được gọi là tâm sở. Có một loại sắc gọi là Vinnàttirùpa (phát biểu sắc) cũng sanh diệt đồng thời với tâm, nhưng không thể gọi là tâm sở vì thiếu 2 điều kiện sau. Theo Abhidhamma, có 52 tâm sở tất cả. Trừ thọ tâm sở (Vedanà) và tưởng tâm sở (Sannà), 50 tâm sở còn lại thuộc về Sankhàra (hành uẩn).
7 BIẾN HÀNH TÂM SỞ
I. PÀLI VĂN.

- 2) Katham, Phasso, vedanà, Sannà, Cetanà, Ekaggatà, Jìvitindriyam, Manasikàro, ceti sattime cetasikà sabbacittasàdhàranà nàma.
II. THÍCH VĂN.

- Katham? Vì sao? Phasso: Xúc. Vedanà: Thọ. Sannà: Tưởng. Cetanà: Tư. Ekaggatà: Nhứt tâm. Jìvitindriyam: Mạng căn. Manasikàra: Tác ý. Sattime: Satta + ime = Bảy (tâm sở) này. Sabbacittasàdhàranà: Nhứt thế tâm biến hành (tâm sở). Nàma: Gọi là.
III. VIỆT VĂN.

- 2) Vì sao? Xúc, thọ, tưởng, tư, nhứt tâm, mạng căn, tác ý. Bảy tâm sở này gọi là nhứt thế tâm biến hành tâm sở.
IV. THÍCH NGHĨA.
1) Phassa: Từ ngữ căn Phas: Xúc chạm. Phassa là sự xúc chạm của chủ thể đối với đối tượng vật chất hay tinh thần. Xúc được nói đến đầu tiên, vì đến trước các tâm khác. Theo lý 12 nhân duyên, xúc có trước rồi mới đến thọ. Sự thật, các tâm sở đều khởi lên một lần, không trước không sau, nhưng nói xúc trước cho tiện việc trình bày.
2) Vedanà là thọ, từ ngữ căn Vid nghĩa là kinh nghiệm, thọ lãnh. Thọ có thể là lạc thọ (sukha) khổ thọ (dukkha) và không lạc không khổ (adukkhamsukha). Chính Vedanà cảm thọ đối tượng, khi đối tượng xúc chạm với các giác quan.

3) Sannà, từ ngữ căn Sam + nà nghĩa là biết. Ðây là nhận thức đối tượng như một tướng có màu xanh v.v... Chính Sannà giúp ta nhận biết một đối tượng mà một lần trước ta đã nhận biếtđược qua giác quan. Cũng giống như một người thợ mộc đã biết đến các loại gỗ nhờ những dấu đã ghi trước trên các tấm gỗ.
4) Cetanà từ ngữ căn cit nghĩa là suy nghĩ, phối hợp và chất chứa các tâm sở câu hữu với mình trên đối tượng. Cetanà chi phối và định đoạt mọi hoạt động. Ðối với các Dục giới tâm, Cetanà đóng vai chủ động. Ðối với Siêu thế tâm, Pannà tri tuệ đóng vai chủ động. Dục giới tâm đưa đến sự chất chứa các nghiệp còn Siêu thế tâm hướng đến sự diệt trừ các nghiệp. Như vậy Cetanà ở Siêu thế giới không tác thành nghiệp (Kamma). Dầu Cetanà có tìm thấy trong các Dị thục tâm (Vipàka), cũng không có giá trị luân lý vì thiếu sức mạnh chất chứa.
5) Ekaggatà (nhứt tâm): Eka + agga + tà, tức là chú tâm trên một đối tượng, như một ngọn lửa tại một chỗ không có gió, như một cột trụ không bị gió lay động. Nhứt tâm này là một phần tử của Thiền. Khi Nhứt tâm được phát triển và trau giồi, sẽ trở thành Samàdhi (Ðịnh).
6) Jìvitindriya: mạng căn: Jìvita là mạng, Indriya là căn. Sở dĩ gọi là mạng vì nuôi dưỡng các tâm sở câu hữu, và gọi là căn vì điều hành các tâm sở câu hữu. Nếu Cetanà định đoạt các nghiệp, chính mạng căn này nuôi dưỡng sự sống cho Cetanà và các tâm sở khác. Có hai loại Jìvitindriya. Một là Nàma-Jìvitindriya (danh mạng căn), hai là Rùpa-jìvitindirya. (sắc mạng căn). Danh mạng căn nuôi dưỡng các tâm, tâm sở, sắc mạng căn nuôi dưỡng sắc pháp. Như hoa sen được nuôi dưỡng bởi nước, như đứa con nít được người vú nuôi dưỡng, các tâm pháp và sắc pháp được Jìvitindriya nuôi dưỡng. Cả Danh mạng căn và Sắc mạng căn được sanh khởi khi bào thai mới thành, và sẽ bị tiêu diệt khi mạng chung. Vậy sự chết có thể xem là sự diệt trừ của Jìvitindriya.
7) Manasikàra (tác ý) nghĩa là đưa tâm đến đối tượng, cũng như bánh lái đưa con thuyền đến đích. Một tâm không có tác ý cũng như con thuyền không bánh lái. Manasikàra khác với Vitakka (Tầm). Tác ý hướng các tâm sở trên đối tượng, tầm quăng các tâm sở trên đối tượng. 7 tâm sở vừa kể trên khi nào cũng hiện khởi với tất cả các tâm nêu được gọi là Sabbacittasàdhàranà (Biến hành tâm sở).
6 BIỆT CẢNH TÂM SỞ
I. PÀLI VĂN.

- 3) Vitakko, Vicàro, Adhimokkho, Viriyam, Pìti, Chando càti cha ime cetasikà pakinnakà nàma.
II. THÍCH VĂN.

- Vitakka: Tầm. Vicàra: Tứ. Adhimokkho: Thắng giải. Viriyam: Tinh tấn. Pìti: Hỷ. Chando: Dục. Càti: Ca + iti: Và. Cha: Sáu. Ime cetasikà: Những tâm sở này. Pakinnakà: Biệt cảnh. Nàma: Gọi là.
III. VIỆT VĂN.

- 3) Tầm, tứ, thắng giải, tinh tấn, hỷ, dục, sáu tâm sở này gọi là biệt cảnh tâm sở.
IV. THÍCH NGHĨA.
6 Tâm sở kể trên có thể hiện khởi trong tất cả các loại tâm, nhưng không phải trong tất cả tâm.
1) Vitakka, ngữ căn Vi + takk (suy nghĩ). Chữ này có nhiều nghĩa sai khác giữa Kinh tạng và Abhidhamma tạng. Trong Kinh Tạng, Vitakka có nghĩa là quan điểm tư tưởng. Trong Abhidhamma tạng, Vitakka có nghĩa đặc biệt là dán áp các tâm sở trên đối tượng. Như một biệt cảnh tâm sở, Vitakka chỉ có nghĩa là tâm sở thông thường, nhưng trong thiền định, Vitakka trở thành một tâm sở quan trọng trong đệ nhứt thiền và được gọi là Appanàvitakka. Khi Vitakka hiện khởi trong Lokuttara maggacitta (Siêu thế đạo tâm), thì được gọi là Sammà Sankappa (chánh tư duy), vì nó diệt trừ tà tư duy và dán áp tâm trên Niết bàn.
2) Vicàra: Tứ; Vi + car (đi chỗ này chỗ kia). Vicàra là sự tiếp tục dán áp tâm trên đối tượng. Như con ong đến đậu trên cái bông là Vitakka, bay tròn hay đi vòng quanh cái hoa là Vicàra. Như con chim đập cánh sắp sửa bay là Vitakka, khi bay liệng trên hư không là Vicàra. Như đánh trống hay đánh chuông là Vitakka, tiếng dội, tiếng ngân của chuông trống là Vicàra. Vicàra cũng là một phần tử của thiền, Vicàra trừ diệt Vicikicchà (nghi).
3) Adhimokkha (thắng giải) Adhi + mục, giải thoát. Adhimokkha thả tâm ra trên đối tượng. Ðặc tánh của Adhimokkha là quyết định, lựa chọn, cũng như một quan tòa tuyên án đối với một vụ kiện.

4) Viriya từ ngữ căn Vaj, đi và ir. Vì thay cho Aj. Vira là một người tinh tấn, cương quyết làm việc không dừng nghỉ. Như ngôi nhà cũ được các cột trụ mới chống đỡ, cũng vậy các tâm sở câu hữu được Viriya chống đỡ. Viriya được thành một trong 5 pháp ngũ căn (indriya) vì diệt trừ biếng nhác. Viriya cũng là một trong ngũ lực (bala) Vì không thể bị biếng nhác lay động. Viriya này thành 4 Chánh cần (Sammappadhàna), thành một trong 7 Giác chi (Sattabojjahanga) và cuối cùng được thành một trong Bát Chánh đạo (Atthangikamagga) là Sammàvàyàmo (chánh tinh tấn).
5) Pìti: hỷ, từ, ngữ căn Pì: hoan hỷ, thích thú. Không phải là một cảm thọ như Sukha (lạc) nhưng đến trước Sukha. Pìti được tìm thấy ở thiện và bất thiện tâm. Ðặc tánh là khiến tâm thích thú đối tượng. Có 5 loại Pìti:

1. Khuddaka pìti, sự hoan hỉ khiến da nổi lên như rỡn tóc gáy;
2. Khanika pìti, sát na hỷ, chỉ khởi ra trong một giây phút như chớp;
3. Okhantika pìti, hải triều hỷ, dâng lên như nước hải triều;
4. Ubbega pìti, thượng thăng hỷ, khiến có thể bay lên hư không như một cục bông được gió cuốn đi;
5. Pharana pìti, sung mãn hỷ, thấm thuần toàn thân như nước lụt tràn qua hồ.

6) Chanda (dục), từ ngữ căn chad: ao ước, muốn, đặc tánh của Chanda là muốn làm (kattukamyatà), giống như đưa tay để nắm đối tượng. Có 3 loại chanda:

1. Kàmacchanda nghĩa là tham dục, hoàn toàn bất thiện;
2. Kattukamyatà chanda chỉ là sự ao ước muốn làm, không thiện không ác;
3. Dhammachanda, pháp dục, tức là ham muốn chơn chánh. Chính Dhammachanda này đã khiến Thái tử Tất Đạt Ta xuất gia.

14 BẤT THIỆN TÂM SỞ
I. PÀLI VĂN.

- 4) Moho, ahirikam, anottappam, uddhaccam, lobho, ditthi, màno, doso, issà, macchariyam, kukkuccam, thìnam, middham, vicikicchà ceti cuddasime cetasikà akusalà nàma.
II. THÍCH VĂN.

- Moho: Si, Ahirikam: Vô tàm. Anottappam: Vô quý. Uddhacca: Trạo cử. Lobho: Tham. Ditthi: Tà kiến. Màno: Mạn. Doso: Sân. Issà: Tật. Macchariyam: Xan. Kukkuccam: Hồi. Thìna: Hôn trầm. Middha: Thụy miên. Vicikicchà: Nghi. Cuddasa: 14.
III. VIỆT VĂN.

- 4) Si, vô tàm, vô quý, trạo cử, tham, tà kiến, mạn, sân, tật, xan, hối, hôn trầm, thụy miên, nghi, 14 tâm sở này gọi là bất thiện tâm sở.
IV. THÍCH NGHĨA.
- 1) Moha, từ ngữ căn Muh, bị sửng sốt, bị mê mờ. Moha là một trong ba căn bản phiền não và hiện hạnh trong tất cả bất thiện tâm. Chính Moha trở ngại sự hiểu biết lý nghiệp báo và lý Tứ Ðế.
2) Ahirika: Vô tàm là không biết hổ thẹn khi làm các điều ác. Một người có lòng tàm sẽ thối lui không làm điều ác như lông con gà trống thối lui trước lửa đỏ. Một người không có Hiri có thể làm tất cả các pháp mà không do dự.
3) Anottappa: Vô quý. Na + ava + tapp: bị đau khổ, bứt rứt. Ottappa: Là sự sợ hãi làm điều ác, sợ kết quả các điều ác. Anottappa được ví như một con bướm, cánh bị cháy xém nên rất sợ lửa. Một người không có tàm quý có thể làm tất cả điều ác. Tàm và quý thường đi đôi với nhau. Tàm là sự hổ thẹn đối với lương tâm của mình, còn quý là sự sợ hãi người ngoài chê cười và kết quả của việc ác mình làm. Tàm dựa trên lòng hổ thẹn, Quý dựa trên lòng sợ hãi. Khi có lòng Tàm, người ta suy ghĩ đến danh giá địa vị đời sống của mình, của thầy giáo mình, của bạn bè mình. Khi có lòng Quý, người ta thấy sợ hãi vì tự hối, vì chỉ trích của người, vì hình phạt, vì hậu quả đến đời sau v.v... Tàm và Quý được xem là hai yếu tố căn bản cho một xã hội văn minh.

4) Uddhacca: Trạo cử từ ngữ căn U (trên) + Dhu, dao động nổi lên, được ví như trạng thái của một đống tro bị hòn đá ném phải. Chính là trạng thái dao động của tâm trí. Trạo cử thuộc về một trong ngũ cái (nìvarana) và được Sukha (lạc) thay thế trong đệ nhứt thiền. Trong một vài trường hợp đặc biệt, Uddhacca được dùng với nghĩa kiêu mạn, 4 tâm sở Si, vô tàm, vô quý và trạo cử bao giờ cũng hiện hành với 12 bất thiện tâm nên gọi là Bất thiện biến hành tâm sở.
5) Lobha (tham) từ ngữ căn Ludh nghĩa là ôm ấp, bíu lấy. Khi nào có vật gì tốt đẹp thời tham tâm khởi lên.
6) Ditthi: Tà kiến, từ ngữ căn Dis nghĩa là thấy, nhận thức. Moha (si) và Ditthi (tà kiến) khác nhau. Si che phủ đối tượng, còn Ditthi là quan điểm, ý kiến của mình, đây là sự thật, đây là thiện v.v... Ditthi tương phản với Nàna (trí). Trí thấy sự vật đúng với thể tánh của nó, còn Ditthi thời bác bỏ thể tánh và có những ý kiến sai lạc, lầm lẫn.
7) Màna (mạn) từ ngữ căn man nghĩa là suy nghĩ, kiêu ngạo, tự đắc tự tại.

8) Dosa (sân) từ ngữ căn dus nghĩa là phật ý, không bằng lòng.
9) Issà: (Tật) từ ngữ căn i + su, nghĩa là ganh ghét. Thấy người khác giàu sang và thành công sanh lòng đố kỵ.

10) Macchariyam nghĩa là xen lẫn, dầu kín sự giàu sang của mình.
11) Kukkucca: Hối tiếc kukatassa bhàvo, trạng thái khi đã làm một sự gì sai lầm. Hối quá việc ác đã làm và tiếc nuối việc thiện không làm.
12) Thìna: Hôn trầm, từ ngữ căn the nghĩa là co lại, rút lại, trạng thái của tâm co rút lại như lông con gà trước ngọn lửa.
13) Middha từ ngữ căn Middha nghĩa là không hoạt động, không có khả năng. Middha là trạng thái muội lược hèn yếu của các tâm sở. Thìna và Middha thường đi đôi với nhau và là một trong ngũ cái và được tâm sở Vitakka (tầm) trừ diệt. Thìna được xem là sự đau yếu của tâm thức (citta) và Middha được xem là sự đau yếu của thân thế (Kàya-gelannà), nhưng chữ Kàya đây không có nghĩa là thân thể mà là sự tổng hợp của các tâm sở (Vedanà, sannà và sankhàrà: Thọ, tưởng và Hành).
14) Vicikicchà. Vici nghĩa là tìm hiểu. Kicchati là chán nản, mệt mỏi, chán nản vì tìm hiểu không có kết quả. Lại có nghĩa Vi là không có, Cikicchà: thuốc đối trị, thiếu thuốc đối trị của hiểu biết.
25 TỊNH QUANG TÂM SỞ
I. PÀLI VĂN.

-5) Saddhà, Sati, Hiri, Ottappam, Alobho, Adoso, Tatramajjhattatà, Kàyapassaddhi, Cittapassaddhi, Kàyalahutà, Cittalahutà, Kàyamudutà, Cittamudutà, Kàyakammannatà, Cittakammannatà, Kàyapàgunnatà, Cittapàgunnatà, Kàyujjukatà, Cittujjukatà, ceti ekùnavìsatime cetasikà sobhanasàdhàranà nàma.
II. THÍCH VĂN.

- Saddhà: Tín. Sati: Niệm. Hiri: Tàm. Ottappam: Quý. Alobho: Vô tham. Adoso: Vô sân. Tatramajjhattatà: Trung tánh hay xả. Kàyapassaddhi: Tâm sở thư thái. Cittapassaddhi: Tâm thư thái. Kàyalahutà: Tâm sở khinh an. Cittalahutà: Tâm khinh an. Kàyamudutà: Tâm sở nhu nhuyến. Cittamudutà: Tâm nhu nhuyến. Kàyakammannatà: Tâm sở thích ứng. Cittakammannatà: Tâm thích ứng. Kàyapàgunnatà: Tâm sở tinh luyện. Cittapàgunnatà: Tâm tinh luyện. Kàyujjukatà: Tâm sở chánh trực. Cittujjukatà: Tâm chánh trực. Ekùnavìsati: 19. Sobhanasàdhàranà: Biến hành tịnh quang tâm sở.
III. VIỆT VĂN.

- 5) Tín, niệm, tàm, quý, vô tham, vô sân, trung tánh, tâm sở thư thái, tâm thư thái, tâm sở khinh an, tâm khinh an, tâm sở nhu nhuyến, tâm nhu nhuyến, tâm sở thích ứng, tâm thích ứng, tâm sở tinh luyện, tâm tinh luyện, tâm sở chánh trực, tâm chánh trực. Như vậy 19 tâm sở này gọi là Biến hành tịnh quang tâm sở.
IV. THÍCH NGHĨA.
- 19 tâm sở này hiện hành trong tất cả tịnh quang tâm nên gọi là biến hành tịnh quang tâm sở. Lobha, Dosa, Moha có một ảnh hưởng mù quáng và dao động trên con người và vì vậy con người mất tự chủ, mất suy đoán, trở thành thô cứng. Trái lại, trong một tâm tịnh quang, con người luôn luôn được giác tỉnh. Passaddhi, Luhatà, Mudutà, Kammannatà, Pàgunnatà và Ujjukatà của tâm và tâm sở chứng tỏ rằng người làm thiện bao giờ cũng nhẹ nhàng, an tịnh và thanh thoát.
1) Saddhà: (Tín) từ ngữ căn Sam, tốt, khéo + dah: đặt xuống, để xuống nghĩa là đặt lòng tin tưởng hoàn toàn đối với Tam Bảo. Ðặc tánh của tin là khiến các tâm sở câu hữu trong sạch và hướng dẫn kích thích chúng đến một địa vị cao hơn. Khi có lòng tin thì các phiền não nghi ngờ tiêu sạch, như hòn ngọc làm nước trong. Khi có lòng tin thì có sự kích thích muốn tiến tới các quả đích cao hơn, như người lội qua một khúc sông khó lội khiến người khác tin vào lội theo. Tín ở đây không phải là cuồng tín.
2) Sati: (niệm) từ ngữ căn sar tức là nhớ đến. Ðây không phải là trí nhớ mà chỉ là sự giác tỉnh, nhận thức rõ ràng những hành vi động niệm của mình. Sati nếu khéo luyện tập có thể đưa đến túc mạng minh. Ðặc tánh của Sati là gìn giữ không cho thiện pháp bị bỏ quên và để các thiện pháp luôn luôn có mặt. Nên nhớ là Sati này không hiện hành với tất cả loại tâm.
3 và 4) Hiri và Ottappa (xem ahiri và anottappa ở đoạn trước).

5) Alobha vô tham, đối chống với Lobha (tham). Alobha có hàm nghĩa dàna (bố thí), một tháiđộ vị tha tích cực. Như một giọt nước rơi trên lá sen và chạy tuột luôn, đặc tánh của Alobha là không lưu dính đối tượng.

6) Adosa, trái với Dosa. Ðây không những không sân mà thôi, mà chính là một đức tánh tích cực. Adosa đồng nghĩa với Mettà, nghĩa là lòng từ. Ðặc tánh của Adosa là sự vắng mặt của hờn giận bất bình.
7) Tatramajjhattatà: Tatra ở đây, nghĩa là đối với các đối tượng. Majjhattatà: nghĩa là trung tánh, tương đẳng. Ðặc tánh của tâm sở này là xem đối tượng một cách vô tư như người đánh xe xem một cách đồng đẳng một cặp ngựa khéo điều khiển. Nhiều khi, Tatramajjhattata là đồng nghĩa với Upekkhà (xả) như trong bốn vô lượng tâm. Tâm sở này có thể thành một trong 7 Giác chi. Tatramajjhattatà này khác với Upekkhà trong các tâm ahetuka (vô nhân tâm) nhưng có thể đồng khởi với Upekkhà trong các kusala citta (Thiện tâm).
8 và 9) Kàyapassaddhi và Cittapassaddhi từ ngữ căn Pa + Sambh nghĩa là sự an tịnh. Ðặc tính của tâm sở này là diệt trừ hay làm dịu xuống sự nóng hổi của vật dục phiền não (Kilesadaratha - vùpasam), cũng như bóng mát của cây đối với người bị ánh mặt trời chiếu nóng. Passaddhi trái nghĩa với Uddhacca (trạo cử). Chữ Kàya ở đây chỉ cho tâm sở, còn citta chỉ cho tâm,
10 và 11) Kàyalahutà và Cittalahutà, từ chữ Laghu nghĩa là nhẹ, mau. Ðặc tánh là sự diệt trừ sự nặng trệ của tâm và tâm sở giống như đặt một gánh nặng xuống. Lahutà đối trị Thìna và middha (thụy miên).
12 và 13) Kàyamudutà và Cittamudutà. Ðặc tánh của tâm sở này là diệt trừ sự thô cứng và và chống đối tâm sở này được ví dụ như một miếng da thô cứng nhưng trở thành nhu nhuyến vì có thoa dầu và ngâm nước. Tâm sở này đối trị với tà kiến và mạn.
14 và 15) Kàya-kammannatà và Citta-kammannatà. Kamma + Aya + tà nghĩa là thích ứng có thể ứng dụng vào bất cứ việc gì. Tâm sở này giống như cục sắt bị nung đỏ có thể làm thành bất cứ việc gì.
16 và 17) Kàyapàgunnatà và Cittapàgunnatà nghĩa là tinh luyện thông thạo. Ðặc tánh chính là sự diệt trừ bệnh của tâm và tâm sở.
18 và 19) Kàyujjukatà và Cittujjukatà - nghĩa là sự chánh trực của tâm sở và tâm đối trị với quanh co tà vạy.

BA TIẾT CHẾ, HAI VÔ LƯỢNG VÀ HUỆ CĂN TÂM SỞ

I. PÀLI VĂN.

-6) Sammàvàcà, sammà-kammanto, sammà-àfìvo ceti tisso viratiyo nàma.
-7) Karunà Mudità pana appamannàyo nàmà ti sabbathà pi pannindriyena saddhim pancavìsatime cetasikà sobhanàti veditabbà.

II. THÍCH VĂN.

- Sammàvàcà: Chánh ngữ. Sammàkammanto: Chánh nghiệp. Sammà àjìvo: Chánh mạng. Tisso: Ba. Viratiyo: Tiết chế. Karunà: Bi. Mudità: Hỷ. Appamannàyo: Vô lượng. Sabbathà: Tất cả. Pannindriya: Huệ căn. Saddhim: Với. Pancavìsati: 25. Ime cetasikà: Những tâm sở này: Sobhana: Tịnh quang. Veditabbà: Cần phải biết như vậy.
III. VIỆT VĂN.

- 6, 7) Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, ba tâm sở này gọi là Tiết chế tâm sở. Bi và hỷ gọi là vô lượng tâm sở. Như vậy cộng với huệ căn, cần phải hiểu rằng có tất cả là 25 tịnh quang tâm sở.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Cùng với 6 tâm sở này và 19 Biến hành tịnh quang tâm sở trên, có tất cả là 25 Tịnh quang tâm sở. Virati từ ngữ căn Vi (không) + rạm (lạc hưởng), nghĩa là không lạc hưởng. Rốt ráo mà nói, ba tâm sở này cùng khởi với nhau trong các Siêu thế tâm mà thôi. Ở trường hợp khác, chúng khởi riêng vì có đến ba Cetanà (Tư). Ba tâm sở này khi hiện khởi ở Siêu thế tâm thì thành những phần tử của Maggacitta (đạo tâm) và họp thành giới (Sìla).
Chánh ngữ tức là không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác và không nói ỷ ngữ. Chánh nghiệp là không sát sinh, trộm cắp và tà dâm. Chánh mạng là không bán thuốc độc, rượu, võ khí, nô lệ và loài vật để sát sanh.

Appamannà: Vô lượng tâm sở. Vì đối tượng của hai tâm sở này là vô lượng chúng sanh nên dùng danh từ Appamanno (vô lượng). 4 vô lượng tâm là Mettà, karunà, mudità, upekkhà (Từ bi hỷ xả). Vì adosa (vô sân) chỉ cho Mettà, và Tatramajjhattatà chỉ cho Upekkhà (xả) nên chỉ nói Karunà và mudità thôi.
Mettà từ ngữ căn mida, làm cho dịu, thương yêu. Chính là sự mong ước khẩn guyện cho hạnh phúc tất cả chúng sanh. Mettà không phải là tình thương vật chất, cũng không phải là cảm tình. Mettà bao trùm toàn thể chúng sanh không trừ một ai. Cùng tột của Mettà là sự thể nhập bản ngã với tất cả chúng sanh. (Sabbatthatà).
Karunà (bi), từ ngữ căn Kar (làm) + unà, cái làm cho tâm của người thiện rung động trước sự đau khổ của chúng sanh gọi là karunà (bi), cái làm tiêu tan sự đau khổ của người khác và karunà. Ðặc tánh của karunà là sự cầu mong diệt trừ sự đau khổ của mọi người.

Mudità (Hỷ) từ ngữ căn Mud (hoan hỷ). Không phải chỉ cảm tình suông mà cả sự hoan hỷ đi đôi với cảm tình ấy. Ðặc tánh của Mudità là sự hoan hỷ đối với sự giàu sang thành đạt của người khác. Mudità bao trùm tất cả chúng sanh giàu có hạnh phúc.
Upekkhà (xả): Upa (vô tư, chánh xác) + ikkh (thấy), tức là thấy sự vật một cách vô tư, không thương không ghét. Chính là trạng thái thăng bằng của tâm trí. Ðặc tánh của Upekkhà là một thái độ không thiên vị, vô tư.
Pannindriya: Pa (đứng đắn) + nà (biết), biết một cách đứng đắn. Ðặc tánh của Huệ căn là hiểu như thật. Vì Pannà chế ngự vô minh và chiếm địa vị ưu thắng trong sự hiểu biết nên gọi là huệ căn. Theo Abhidhamma, Nàna (trí), Pannà (Huệ) và Amoha (vô si) đồng nghĩa với nhau. Trong các tâm tương ưng với trí (nànasampayutta), Trí tức chỉ cho Pannà. Là một trong bốn phương tiện để chứng iddhipàda (thần túc thông), Pannà được đặt tên là vìmamsà nghĩa là suy tìm. Khi được Samàdhi làm cho trong sạch, Pannà được gọi là Abhinnà (Thượng trí). Pannà cũng trở thành một trong Thất giác chi (Sattabojjhanga), với danh hiệu Dhammavicaya (Trạch pháp) và thành Sammàditthi (chánh kiến) trong Magganga. Sự tột cùng của Pannà là sự giác ngộ của đức Phật. Pannà theo nghĩa tuyệt đối là như thật hiểu biết sự vật theo đúng lý vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta).
TÓM TẮT CÁC TÂM SỞ
I. PÀLI VĂN.

- 8) Ettàvatà ca,
Terasannasamànà ca cuddasàkusalà tathà,
Sobhanà pancavìsati dvipannàsa pavuccare.

II. THÍCH VĂN.

- Ettàvatà: Cho đến nay, chỉ đoạn nói về tâm sở khi bắt đầu cho đến nay. Terasa: 13. Annàsamanà: Ðồng bất đồng tâm sở. Cuddasa: 14. Akusalà: Bất thiện. Tathà: Cũng vậy. Sobhana: Tịnh quang. Pancavìsati: 25. Dvipannàsa: 52. Pavuccare: Ðược gọi là.
III. VIỆT VĂN.

- 8) Và cho đến đây đã nói 13 Ðồng bất đồng tâm sở (Annasamànà), 14 bất thiện tâm sở, 25 tịnh quang tâm sở, gọi là 52 tâm sở.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Ðây là bài kệ tóm tắt số lượng và các loại tâm sở. Có tất cả là 52 tâm sở, 13 Annasamànà (Ðồng bất đồng tâm sở). 14 Bất thiện tâm sở và 25 Tịnh quang tâm sở.
PHẦN HAI - NHỮNG TÂM SỞ NÀO ÐÃ HIỆN HÀNH TRONG NHỮNG TÂM NÀO
I. PÀLI VĂN.

-9) Tesam cittàviyuttànam yathàyogamito param,
Cittuppàdesu paccekam sampayogo pavuccati.
Satta sabbattha yujjanti yathàyogam pakinnakà,
Cuddasàkusalesveva sobhanesveva sobhanà.

II. THÍCH VĂN.

- Tesam: Chúng nó. Cittàviyuttànam: Không rời khỏi tâm tức là tâm sở. Yathàyogam: Tùy theo sự kết hợp. Ito param: Từ nay đến sau. Cittuppàdesu: Trong sự sinh khởi của tâm. Paccekam: Mỗi một. Sampayogo: Sự tương ưng, sự kết hợp. Pavuccati: Ðược nói đến. Satta: Bảy. Sabbattha: Tất cả chỗ. Yujjanti: Sự kết hợp. Pakinnakà: Biệt cảnh tâm sở. Cuddasa: 14 Akusalesu: Những bất thiện tâm: Sobhanesu: Trong những tịnh quang tâm. Sobhanà; Các tịnh quang tâm sở.
III. VIỆT VĂN.

- 9) Sự kết hợp của mỗi tâm sở này trong sự sanh khởi của những tâm sẽ được nói đến bắt đầu từ nay, tùy theo sự kết hợp của chúng. 7 Biến hành tâm sở được kết hợp với tất cả loại tâm. 6 Biệt cảnh tâm sở sẽ kết hợp với những tâm nào tương ưng. 14 Bất thiện tâm sở chỉ khởi trong những tâm bất thiện. 25 Tịnh quang tâm sở chỉ khởi trong các Tịnh quang tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Ðoạn này nói đến sự hiện hành của mỗi mỗi tâm sở trong những tâm được khởi lên. 7 Biến hành tâm sở là xúc, thọ, tưởng, tư, nhất tâm, mạng căn và tác ý có mặt trong tất cả tâm. 6 Biệt cảnh tấm ở Tầm, tứ, thắng giải, tinh tấn, hỷ, dục có mặt trong những tâm chúng tương ưng. 14 Bất thiện tâm sở có mặt trong 12 Bất thiện tâm, và 25 Tịnh quang tâm sở có mặt trong tất cả 59 hay 91 Tịnh quang tâm.
7 BIẾN HÀNH TÂM SỞ
I. PÀLI VĂN.

- 10) Katham? Sabba-cittasàdhàranà tàva satta cetasikà sabbesu pi ekùnanavuti cittuppàdesu labbhanti.
II. THÍCH VĂN.

- Katham: Như thế nào. Sabbacittasàdhàranà: Biến hành trong tất cả tâm. Tàva: Trước hết, cho đến đây. Sattacetasikà: 7 tâm sở. Sabbesu: Trong tất cả. Ekùnanavuti: 89. Cittuppàdesu: Trong những tâm khởi lên. Labbhanti: Ðược tìm thấy.
III. VIỆT VĂN.

- 10) Như thế nào? Trước hết bảy biến hành tâm sở được tìm thấy trong tất cả 89 tầm khởi lên.TẦM TÂM SỞ
I. PÀLI VĂN

- 11a) Pakinnakesu pana vitakko tàva dvipancavinnànavajjitakàmàvacaracittesu ceva ekàdasasu patthamajjhànacittesu ceti panca pannàsacittesu uppajjati.
II. THÍCH VĂN.

- Pakinnakesu: Trong những biệt cảnh tâm sở. Vitakkho: Tầm. Tàva: Trước hết. Dvipancavinnàna: 10 thức. Vajjita Ngoại trừ. Kàmàvacaracittesu: Trong các dục giới tâm. Ekàdasasu: Trong 11 tâm. Pathamajjhànacittesu: Trong những đệ nhứt thiền tâm. Pancapannàsacittesu: Trong 55 tâm. Uppajjati: Khởi lên.
III. VIỆT VĂN.

- 11a) Trong những biệt cảnh tâm sở, trước hết là Tầm tâm sở. Tâm sở này khởi lên trong 55 tâm tất cả, tức là trong tất cả Dục giới tâm trừ 10 thức và trong 11 đệ nhứt thiền tâm.

IV. THÍCH VĂN.

- Vitakka (tầm) có mặt trong tất cả Dục giới tâm trừ 10 thức trong ahetukacitta (vô nhân tâm). Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức là những tâm dị thục, những cảm giác thô sơ không có suy tư nên không có Vitakka. Kể cả thiện dị thục và bất thiện dị thục nên có 10 thức tất cả. Như vậy, trừ 10 thức ra, Vitakka có mặt trong những Dục giới tâm như sau:
Bất thiện tâm:12
Vô nhân tâm (18 - 10):8
Tịnh quang tâm:24
Tổng cộng:44 Dục giới tâm.
Vitakka cũng có mặt trong 11 Ðệ nhứt thiền tâm:
Sắc giới Thiện + Dị thục + Duy tác:3
Siêu thế giới:8
Tổng cộng:11
Vì Vitakka không có ở đệ nhị thiền và thiền cao hơn nên chỉ có 11 đệ nhứt thiền tâm mà thôi. Như vậy Vitakka có mặt trong 55 tâm tất cả.
TỨ, THẲNG GIẢI, TINH TẤN, HỶ VÀ DỤC
I. PÀLI VĂN.

- 11b) Vicàro pana tesu ceva ekàdasasu dutiyajjhànacittesu ceti chasatthicittesu jàyati.
c) Adhimokkho dvipancavinnànacicikicchàvajjitacittesu.
d) Viriyam pancadvàràvajjana-dvipancavinnànasampaticchana-santìranavajjitacittesu.
e) Pìti domanassupekkhàsahagata-kàyavinnàna-catutthajjhànavajjitacittesu.
f) Chando ahetukam-momùhavajjitacittesu labbhati.

II. THÍCH VĂN.

- Vicàra: Tứ, Chasatthicittesu: Trong 66 tâm. Jàyati: Sanh ra, khởi lên. Adhimokkho: Thắng giải. Dvipancavinnànavicikicchàvajjita: Trừ 10 thức và nghi tâm. Viriyam: Tinh tấn. Pancadvàràvạjjàna: Ngũ môn hướng tâm. Sampaticchana: Tiếp thọ tâm. Santìrana: Suy đạc tâm. Pìti. Hỷ. Domanassa: Ưu, Sahagata: Câu hữu. Catutthajjhàna: Ðệ tứ thiền. Chando: Dục. Ahetuka: Vô nhân tâm. Momùha: Si tâm. Labbhati: Ðược.
III. VIỆT VĂN.

- 11b) Tâm sở Vicàra (tứ) sanh khởi trong 66 tâm tất cả, tức là thêm 11 đệ nhị thiền tâm. Tâm sở Adhimokkha (thắng giải) được tìm thấy trong tất cả tâm, trừ 10 thức và nghi tâm. Tâm sở Viriyam (tinh tấn) được tìm thấy trong tất cả tâm, trừ ngũ môn hướng tâm, 10 thức, lãnh thọ tâm và suy đạc tâm. Tâm sở Pìti (hỷ) được tìm thấy trong tất cả tâm, trừ các tâm câu hữu với ưu, câu hữu với xả, thân thức và đệ tứ thiền tâm. Tâm sở Chanda (dục) được tìm thấy trong tất cả tâm trừ các vô nhân tâm và si tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Vicàra có mặt trong 55 tâm kể trên và cộng với 11 Ðệ nhị thiền tâm, thành cả thảy là 66 tâm, vì Vicàra chỉ có đến đệ nhị thiền nên không có trong các thiền tâm cao hơn. Adhimokkha không thể có mặt trong tâm nghi ngờ (Vicikicchà), lại không có trong 10 thức, vì 10 tâm này chỉ là cảm giác suông. Như vậy trừ 11 tâm trên. Adhimokkha có mặt trong 89 - 11: 78 tâm. Viriya không thể có mặt trong Pancadvàràvajjàna (ngũ môn hướng tâm), 10 thức tâm, tiếp thọ tâm, suy đạc tâm, vì chúng quá yếu ớt để có thể có Viriya. Như vậy Viriya chỉ có mặt trong 89 - 16: 73 tâm. Pìti (hỷ) không thể có mặt trong những tâm sau đây:

1)Domanassa-sahagata (tương ưng với với ưu):2
2)Upekkhàsahagata (tương ưng với xả) Lobha (tham):4
Moha (si):2
Ahetuka-akusala-vipàka (vô nhân bất thiện dị thục):6
Ahetuka-kusala-vipàka (vô nhân thiện dị thục):6
Ahetuka-kiriyà (vô nhân duy tác):2
Kàmàvacarasobhana (Dục giới tịnh quang tâm):12
Ðệ ngũ thiền (sắc + vô sắc + siêu thế):23
3)Kàya-vinnàna (Thân thức, khổ và lạc):2
4)Ðệ tứ thiền (sắc + siêu thế):11
Tổng cộng:70
Như vậy Pìti chỉ có mặt trong 121 - 70: 51 tâm. Pìti là 1 phần tử của thiền nên dùng phân loại 121 tâm. Chanda (dục) không thể có mặt trong 18 ahetuka (vô nhân tâm) và 2 si tâm (momùha). Như vậy Chanda chỉ có mặt trong 89 - 20: 69 tâm.
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 12) Te pana cittuppàdà yathàkkamam.
Chasatthi pancapannàsa ekàdasa ca solasa,
Sattati vìsati ceva pakinnakavivajjità.
Pancapannàsa chasatthitthasattati tisattati,
Ekapannàsa cekùnasattati sapakinnakà.

II. THÍCH VĂN.

- Te cittuppàdà: Những tâm ấy. Yathàkkamam: Theo thứ tự. Chasatthi: 66. Pancapannàsa: 55. Ekàdasa: 11. Solasa: 16. Sattati: Vìsati: 20. Pakinnakavivajjità: Không có những biệt cảnh tâm sở. Atthasattati: 78 Tisattati: 73. Ekapannàsa: 51. Ekùnasattati: 69. Sapakinnakà: Có biệt cảnh tâm sở.
III. VIỆT VĂN.

- 12) Những tâm ấy theo thứ tự như sau:

Những tâm này không có những biệt cảnh tâm sở: 66 tâm (không có Vitakka), 55 tâm (không có Vicàra), 11 tâm (không có Adhimokkha), 16 tâm (không có Viriyam), 70 tâm (không có Pìti) và 20 tâm (không có Chanda).
Những tâm sau này có những biệt cảnh tâm sở. 55 tâm (có Vitakka), 66 tâm (có Vicàra), 78 tâm (có Adhimokkha), 73 tâm (có Viriyam) 51 tâm (có Pìti) và 69 tâm (có Chanda).

IV. THÍCH NGHĨA.
- Ðây là hai bài kệ nêu rõ số lượng những tâm không có biệt cảnh tâm sở và số lượng những tâm có biệt cảnh tâm sở. 66 tâm không có Vitakka, 55 tâm không có Vicàra, 11 tâm không có Adhimokkha, 16 tâm không có Viriyam, 70 tâm không có Pìti và 20 tâm không có Chanda.
55 tâm có Vitakka, 66 tâm có Vicàra, 78 tâm có Adhimokkha, 73 tâm có Viriyam, 51 tâm có Pìti và 69 tâm có Chanda.
14 BIẾN HÀNH BẤT THIỆN TÂM SỞ
I. PÀLI VĂN.

- 13 (a) Akusalesu pana moho, ahirikam, anottappam, uddhaccam ceti cattàrome cetasikà sabbàkusalasàdhàranà nàma. Sabbesu pi dvàdasàkusalesu labbhanti.
II. THÍCH VĂN.

- Akusalesu: Trong những bất thiện tâm sở. Moho: Si. Ahirikam: Vô tàm. Anottappam: Vô quý. Uddhaccam: Trạo cử. Cattàri: Bốn. Ime + cetasikà: Những tâm sở này. Sabba-akusalasàdhàranà: Nhứt thể bất thiện tâm biến hành tâm sở. Sabbesu dvàdasàkusalesu: Trong tất cả 12 bất thiện tâm. Labbhanti: Ðược tìm thấy.
III. VIỆT VĂN.

- 13a) Si, vô tàm, vô quý, trạo cử, bốn tâm sở này gọi là nhứt thế bất thiện biến hành tâm sở. Những tâm sở này được tìm thấy trong tất cả 12 bất thiện tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Do si (moha), con người sanh tham và sân, làm tất cả những điều ác. Vì vậy, Si là nguồn gốc của tất cả việc bất thiện có mặt trong tất cả 12 bất thiện tâm. Con người không có tàm, không có quý nên làm tất cả những điều ác, vì vậy vô tàm, vô quý được tìm thấy trong 12 bất thiện tâm. Con người không làm điều ác trong khi thân tâm an tịnh và điều hòa. Chỉ khi nào tâm trí loạn động, con người làm điều bất thiện. Vì vậy Uddhacca (trạo cử) có mặt trong 12 bất thiện tâm.
THAM, TÀ KIẾN VÀ MẠN TÂM SỞ
I. PÀLI VĂN.

- 13b) Lobho atthasu lobhasahagatacittasveva labbhati. Ditthi catusu ditthigatasampayuttesu. Màno catusu ditthigatavippayuttesu.
II. THÍCH VĂN.

- Lobho: Tham Ditthi: Tà kiến. Màno: Mạn.
III. VIỆT VĂN.

- 13b) Tham được tìm thấy trong tám tâm câu hữu với tham. Tà kiến được tìm thấy trong 4 tâm tương ưng với tà kiến. Mạn được tìm thấy trong 4 tâm không tương ưng với tà kiến.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Tham tâm tương ưng với Ditthi (tà kiến) hay đôi lúc với Màno (mạn). Khi tâm ấy chịu ảnh hưởng của một sự hiểu lắm, tâm ấy tương ưng với tà kiến. Ðôi khi không chịu ảnh hưởng của tà kiến, nhưng do sự tự kiêu mạn của mình và như vậy là tương ứng với mạn.
SÂN, TẬT, XAN, HỐI, HÔN TRẦM, THỤY MIÊN TÂM SỞ
I. PÀLI VĂN.

- 13c) Doso, issà macchariyam, kukkuccam ca dvìsu patighacittesu. Thìnam middham pancasu sasankhàrikacittesu. Vicikicchà vicikicchàahagatacitte yeva labbhatìti.
II. THÍCH VĂN.

- Doso. Sân, Issà: Tật. Macchariyam: Xan, keo kiết. Kukkuccam: Hối Dvìsu patighacittesu: Trong hai sân tâm.
III. VIỆT VĂN.

- 13c) Sân, tật, keo kiết và hối được tìm thấy trong hai tâm tương ưng với sân. Hôn trầm và thụy miên được tìm thấy trong năm tâm cần được nhắc bảo. Nghi được tìm thấy trong tâm tương ưng với nghi.
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 14) Sabbàpunnesu cattàro lobhamùle tayo gatà,
Dosamùlesu cattàro sasankhàre dvayam tathà.
Vicikicchà vicikicchàcitte ceti cuddasa,
Dvàdasàkusalesveva sampayujjanti pancadhà.

II. THÍCH VĂN.

- Sabba: Tất cả. Apunnesu: Trong các bất thiện tâm. Cattàro: Bốn (moha, ahirika, anottappa và uddhacca). Tayo: Ba tâm sở. (Lobha, ditthi và màna). Gatà: Ði, có. Lobhamùle: Tâm có căn bản tham. Dosamùlesu: Trong những tâm có căn bản sân. Cattàro: Bốn tâm sở Dosa, Issà, macchariyam và kukkucca. Sasankhàre: Tâm cần được nhắc bảo. Dvayam: Hai tâm sở Thìna và Middha. Vicikicchà: Nghi. Cuddasa: 14. Dvàdasàkusalesu: Trong 12 bất thiện tâm. Sampayujjanti: Tương ưng. Pancadhà: 5 loại.
III. VIỆT VĂN.

- 14) Bốn tâm sở (si, vô tàm, vô quý, trạo cử) có mặt trong tất cả 12 bất thiện tâm. Ba tâm sở (tham, tà kiến và mạn) có mặt trong các tâm có căn bản tham. Bố tâm sở (sân, tật, xan và hối) có mặt trong những sân căn. Hai tâm sở (hôn trầm và thụy miên) có mặt trong những căn cần được nhắc bảo. Tâm sở nghi có mặt trong những tâm tương ưng với nghi. Như vậy 14 tâm sở hợp khởi trong 12 bất thiện tâm theo năm loại.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Câu kệ bài này tóm tắt sự có mặt của 14 bất thiện tâm sở trong 12 bất thiện tâm.
BIẾN HÀNH THIỆN TÂM SỞ VÀ TIẾT CHẾ TÂM SỞ
I. PÀLI VĂN.

- 15a) Sobhanesu pana sobhanasàdhàranà tàva ekùnavìsaticetasikà sabbesu pi ekùnasatthi sobhanacittesu samvijjanti. Viratiyo pana tisso pi lokuttaracittesu sabbathà pi niyatà ekato va labbhanti. Lokiyesu pana kànàvacarakusalesveva kadàci sandissanti visum visum.
II. THÍCH VĂN.

- Sobhanesu: Trong những tịnh quang tâm. Sobhana Sàdhàranà: Biến hành tịnh quang tâm sở. Ekùnavìsati: 19. Ekùnasatthisobhanacittesu: Trong 59 tịnh quang tâm. Samvijjanti: Có mặt. Tisso viratiyo: 3 tiết chế tâm sở. Sabbathà: Trong tất cả chỗ. Niyatà: Chắc chắn, luôn luôn. Ekato: Một lần với nhau. Labbhanti: Ðược tìm thấy. Lokiyesu: Trong dục giới. Kàmàvacarakusalesu: Trong những Dục giới thiện tâm. Kadàci: Tùy lúc, đôi khi. Sandissanti: Ðược thấy, có Visum visum: Riêng biệt.
III. VIỆT VĂN.

- 15a) Trước hết 19 Biến hành Tịnh quang tâm sở có mặt trong 59 Tịnh quang tâm. Ba tiết chế tâm sở (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng) có mặt luôn luôn và cùng một lần trong các Siêu thế tâm. Còn ở Dục giới, chúng khởi trong các Dục giới thiện tâm tùy lúc và riêng biệt.
IV. THÍCH NGHĨA.
- 19 Biến hành Tịnh quang tâm sở được tìm thấy trong 59 Tịnh quang tâm (24 Dục giới tâm + 15 Sắc giới tâm + 12 Vô sắc giới tâm + 8 Siêu thế tâm). 3 tiết chế tâm sở chỉ có trong 8 Dục giới thiện tâm và trong 8 Siêu thế tâm, như vậy có trong 16 tâm tất cả. Trong Siêu thế tâm, ba tâm sở này hiện khởi một lần và luôn luôn có mặt, còn trong Dục giới thiện tâm, chúng khởi riêng biệt và tùy lúc.
VÔ LƯỢNG TÂM SỞ
I. PÀLI VĂN.

- 15b) Appamannàyo pana dvàdasasu pancamajjhànavajjitamahaggatacittesu ceva kàmàvacarakusalesu ca Sahetukakàmàvacarakriyàcittesu ceti atthavìsaticittesveva kadàci nànà hutvà jàyanti. Upekkhàsahagatesu panettha karunà mudità na santi ti keci vadanti.
II. THÍCH VĂN.

- Appamannàyo Vô lượng tâm sở. Dvàdasasu Mahaggatacittesu: Trong 12 Ðại hành tâm. Pancamajjhànavajjita: Trừ các đệ ngũ thiền tâm. Kàmàvacarakusalesu: Trong các Dục giới thiện tâm. Sahetukakàmàcavarakriyàcittesu: Trong các Hữu nhân Dục giới Duy tác tâm. Atthavìsaticittesu: Trong 28 tâm. Kadàci: Tùy lúc. Nànà: Khác, sai khác. Jàyanti: Sanh ra. Upekkhàsahagatesu: Trong những tâm câu hữu với xả. Karunà: Bi. Mudità: Hỷ. Na santi: Không có. Keci: Một vài người. Vadanti: nói, thuyết.
III. VIỆT VĂN.

- 15b) Các vô lượng tâm sở khởi lên tùy lúc và riêng biệt trong 28 tâm sau đây: Ðại hành tâm từ 15 đệ ngũ thiền tâm, 8 Dục giới thiện tâm, 8 Hữu nhân Dục giới duy tác tâm. Có vài vị có ý kiến rằng Bi và Hỷ không thể khởi trong những tâm câu hữu và xả.
IV. THÍCH NGHĨA.

- Karumà (bi) là lòng thương xót trước sự đau khổ của người khác; và Mudità (hỷ) là sự hoan hỷ đối với sự hưng thịnh của người khác. Chúng được gọi là vô lượng vì chúng bao trùm vô lượng chúng sanh trên thế giới. Chúng khởi lên tùy lúc và riêng biệt, vì cả hai không thể đồng khởi một lần. Các tâm Mahaggata (Ðại hành) có tất cả là 27 (Sắc giới 15 và Vô sắc giới 12). Trừ 15 Ðệ ngũ thiền tâm, nên chỉ còn 12 tâm.
HUỆ CĂN TÂM SỞ

I. PÀLI VĂN.

- 15c) Pannà pana dvàdasasu nànasampayuttakàmàvacaracittesu ceva sabbesu pancatimsamahaggatà lokuttaracittesu ceti sattacattàlìsacittesu sampayogam gacchatìti.
II. THÍCH VĂN.

- Pannà: Huệ Dvàdasasu: Trong 12. Nànasampayutta-kàmàvacaracittesu: Trong những Dục giới tâm tương ưng với trí. Sabbesu: Trong tất cả. Pancatimsamahaggatalokuttaracittesu: Trong 35 Ðại Hành và Siêu thế tâm. Sattacattàlìsacittesu: Trong 47 tâm. Sampayogam gacchanti: Ðồng khởi lên với.
III. VIỆT VĂN.

- 15c) Huệ căn khởi lên trong 47 căn như sau: 12 Dục giới tâm tương ưng với trí, và tất cả 35 Ðại hành tâm và Siêu thế tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Huệ căn (Pannindriya) được khởi lên trong 47 căn như sau:

Nànasampayuttakàmàvacara (kusula + vipàka + kriyà):12
Mahaggata + Lokuttara (15 + 12 + 8):35
Tổng cộng:47
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 16) Ekùnavìsati dhammà jàyantekùnasatthisu.
Tayo solasacittesu atthavìsatiyam dvayam
Pannà pakàsità sattacattàlìsavidhesu pi,
Sampayuttà catuddhevam Sobhaneseva Sobhanà.

II. THÍCH VĂN.

- Ẹkùnavìsati: 19 Dhammà: Pháp Jàyanti: Sanh ra. Ekùnasatthisu: Trong 59 tâm. Tayo: Ba. Solasacittesu: Trong 16 tâm. Atthavìsatiyam: Trong 28 tâm. Dvayam: Hai. Pannà: Trí. Pakàsità: Ðược giải thích. Sattacattàlìsavidhesu: Trong 47 tâm. Sampayuttà: Tương ưng. Catuddhevam: 4 phần. Sobhanesu: Trong Tịnh quang tâm. Sobhanà: Các Tịnh quang tâm sở.
III. VIỆT VĂN.

- 16) 19 pháp sanh ra trong 59 tâm. Ba pháp sanh ra trong 16 tâm, 2 pháp sanh ra trong 28 tâm. Huệ được tìm thấy trong 47 tâm. Như vậy các Tịnh quang tâm sở tương ưng với các Tịnh quang tâm theo 4 phân loại.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Bài kệ này tóm tắt sự sanh khởi các tịnh quang tâm sở trong các tịnh quang tâm.
Các Tịnh quang tâm sở chỉ hiện khởi trong các Tịnh quang tâm (Sobhana) như sau:

1) 19 Biến hành (Sobhana sàdhàranà) trong tất cả 59 Tịnh quang tâm.
2) 3 tâm sở chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng trong 16 Thiện tâm (8 Dục giới thiện tâm + 8 Siêu thế thiện tâm).
3) Hai tâm sở Bi và Hỷ (Karunà + mudità) có mặt trong 28 tâm (Mahaggata, (trừ đệ ngũ thiền) 12 + Kàmàvacarakusala 8 + Sahetukakàmàvacarakriyà 8).
4) Huệ tâm sở có mặt trong 47 tâm (Nànasampayuttakàmàvacara 12 + Mahaggata 27 + Lokuttara 8).
PHẦN BA - LOẠI TÂM NÀO CÓ NHỮNG LOẠI TÂM SỞ NÀO VÀ BAO NHIÊU TÂM SỞ
I. PÀLI VĂN.

- 17) Issà-macchera-kukkucca-Virati-karunàdayo.
Nànà kadàci màno ca thìna-middham tathà saha.
Yathàvuttànusàrena sesà niyatayogino,
Sangaham ca pavakkhàmi tesan dàni yathàraham.

II. THÍCH VĂN.

- Tật. Macchera: Xan tham. Kukkucca: Hối. Virati: Tiết chế tâm. Karunàdayo: Bi v.v... Nànà: Riêng biệt. Kàdàci: Tùy lúc. Màno: Mạn. Thìnamiddham: Hôn trầm thụy miên. Tathà: Như vậy. Saha: Với. Yathàvuttànusàrena: Theo như đã nói trước. Sesà: Còn lại. Niyatayogino: Chỗ đã định sẵn. Sangaham: Sự phối hợp. Pavakkhàmi: Tôi nói đến. Tesan: Của chúng, chỉ cho các tâm sở. Dàni. Nay Yathàraham: Tùy theo thích hợp.
III. VIỆT VĂN.

- 17) Tật, xan tham, hối (3) Tiết chế tâm sở, (2) vô lượng tâm sở và mạn khởi lên riêng biệt và tùy lúc. Hôn trầm và thụy miên cùng khởi với nhau một lần. Còn những tâm sở còn lại khởi lên tại những chỗ đã định sẵn như đã nói đến trước. Nay tôi nói đến sự phối hợp của chúng.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Các Tâm sở còn lại tức là 52 - 11 = 41 tâm sở, những tâm sở này khởi lên trong những tâm định sẵn, như đã nói trong chương trước.
SỰ PHỐI HỢP CHUNG CỦA CÁC LOẠI TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 18) Chattimsànuttare dhammà pancatimsa mahaggate.
Atthatimsàpi labbhanti kàmàvacarasobhane.
Sattavìsatyapunnamhi dvàdasàhetuke ti ca,
Yathàsambhavayogena pancadhà tattha sangaho.

II. THÍCH VĂN.

- Chattimsa: 36. Anuttare: Trong siêu thế tâm. Pancatimsa: 35 Mahaggate: Trong Ðại hành tâm. Atthatimsa: 38 Labbhanti: Ðược tìm thấy. Kàmàvacarasobhane: Trong những tâm tịnh quang ở Dục giới. Sattavìsati: 27. Apunnamhi: Trong những bất thiện tâm. Dvàdasa: 12 tâm sở. Ahetuke: Trong vô nhân tâm. Yathàsambhavayogena: Tùy theo sự sanh khởi. Pancadhà: Có năm phần. Tattha: Ở đây. Sangaho: Sự phối hiệp.

III. VIỆT VĂN.

- 18) Ở đây sự phối hiệp các tâm sở tùy theo sự sanh khởi của chúng có năm phần như sau: 36 tâm sở phối hợp với Siêu thế tâm, 35 tâm sở phối hiệp với Ðại hành tâm, 38 tâm sở phối hiệp ở các Dục giới tịnh quang tâm, 27 tâm sở phối hiệp với 12 bất thiện tâm, và 12 tâm sở phối hiệp với vô nhân tâm.VỚI SIÊU THẾ TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 19) Katham? Lokuttaresu tàva atthasu pathamajjhànikacittesu annasamànà terasa cetasikà, appamannàvajjità tevìsati sobhanacetasikà ceti chattimsa dhammà sangaham gacchanti. Tathà dutiyajjhànikacittesu vitakkavajjà. Tatiyajjhànikacittesu vitakkavicàravajjà. Catutthajjhànikacittesu vitakkavicàrapìtivajjà. Pancamajjhànikacittesu upekkhàsahagatà te eva sangayhantìti. Sabbathà pi atthasu lokuttaracittesu pancakajjhànavasena pancadhà va sangaho hotìti.
II. THÍCH VĂN.

- Katham: Sao. Lokuttaresu: Trong những siêu thế tâm. Tàva: Trước hết. Atthasu Patthamajjhànikacittesu: Trong 8 đệ nhứt thiền tâm. Annasamànà cetasikà: Ðồng bất đồng tâm sở. Terasa: 13 Appamannàvajjità: Trừ vô lượng tâm sở. Tevìsati: 23 Sobhanacetasikà: Tịnh quang tâm sở. Chattimsa: 36. Sangaham gacchanti: Phối hợp. Dutiyajjhànikacittesu: Trong đệ nhị thiền tâm. Vitakkavajjà: Trừ tầm. Tatiyajjhànikacittesu: Trong đệ tam thiền tâm. Vitakkavicàravajjà: Trừ tầm, tứ. Catutthajjhànikacittesu: Trong đệ tứ thiền tâm. Vitakkavicàra-pìtivajjà: Trừ tầm, tứ và hỷ. Pancamajjhànikacittesu: Trong đệ ngũ thiền tâm. Upekkhàsahagatà: Tương ưng với xả. Te: Chúng nó. Sangayhanti: Ðược phối hợp.
III. VIỆT VĂN.

- 19) Sao? Trong những Siêu thế đệ nhứt thiền tâm, 13 đồng tâm sở, 23 tịnh quang tâm sở trừ 2 vô lượng tâm sở, như vậy có tất cả 36 tâm sở. Cũng vậy trong những Siêu thếđệ nhị thiền tâm, trừ Tầm tâm sở, trong những siêu thế đệ tam thiền tâm, trừ tầm, tứ và hỷ tâm sở, trong những siêu thế đệ ngũ thiền tâm, thêm vào xả tâm sở. Như vậy, trong 8 siêu thế tâm sự phối hợp các tâm sở chia thành 5 loại, tùy theo 5 thiền.
IV. THÍCH NGHĨA.
- 36 Tâm sở phối hợp với 8 siêu thế đệ nhứt thiền tâm như sau:

Ðồng bất đồng tâm sở (Annasamànà):13
Tịnh quang tâm sở trừ 2 vô lượng tâm:23
Tổng cộng:36
Bi và Hỷ lấy chúng sanh làm đối tượng, nên không khởi trong các siêu thế tâm vì những tâm này lấy Niết bàn làm đối tượng. 35 tâm sở phối hợp với 8 Siêu thế nhị thiền tâm, chỉ trừ có Tầm tâm sở không có trong đệ nhị thiền. 34 tâm sở phối hợp với 8 Siêu thế đệ tam thiền, trừ tứ tâm sở không có mặt trong đệ tam thiền. 33 tâm sở phối hợp với 8 Siêu thế đệ tứ thiên, trừ tầm, tứ, hỷ tâm sở không có mặt trong đệ tứ thiền. 33 tâm sở phối hợp với 8 Siêu thế ngũ thiền, với xả tâm sở thay thế lạc tâm sở.
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 20) Chattimsa pancatimsàtha catuttimsa yathàkkamam.
Tettimsa-dvayamiccevam pancadhànuttare thità.

II. THÍCH VĂN.

- Chattimsa: 36 Pancatimsa: 35. Catuttimsa: 34. Yathàkkamam: Theo thứ lớp. Tettimsa: 33. Dvayam: 2. Iccevam: (iti + evam): Như vậy. Pancadhà: Có 5 loại. Anuttare: Siêu thế tâm. Thità: Thiết lập.
III. VIỆT VĂN.

- 20) Tùy theo thứ tự, 36 tâm sở, 35 tâm sở, 34 tâm sở, 33 tâm sở trong hai thiền tâm được phối hợp trong các siêu thế tâm theo 5 loại thiền tâm.VỚI ÐẠI HÀNH TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 21) Mahaggatesu pana tìsu pathamajjhànikacittesu tàva annasamànà terasa cetasikà viratittaya-vajjità dvàvìsati sobhanacetasikà ceti pancatimsa dhammà sangaham gacchanti. Karunàmudità panettha paccekameva yojetabbà.
Tathà dutiyajjhànikacittesu vitakkavajjà.
Tatiyajjhànikacittesu vitakka-vicàravajjà.
Catutthajjhànikacittesu vitakka-vicàrapìtivajjà.
Pancamajjhànikacittesu pana pannarasasu appamannàyo na labbhantìti...
Sabbathà pi sattavìsatimahaggatacittesu pancakajjhànavasena pancadhà va sangaho hotìti.

II. THÍCH VĂN.

- Mahaggattesu: Trong những đại hành tâm. Tìsu pathama-jjhànikacittesu tàva: Trước hết trong 3 đệ nhất thiền tâm. Annasamànà terasa cetasikà: 13 Ðồng bất đồng tâm sở. Viratittayavajjità: Trừ ba tiết chế tâm sở. Dvàvìsati Sobhanacetasikà: 22 tịnh quang tâm sở. Pancatimsa dhammà sangaham gacchanti: 35 pháp phối hợp nhau. Karunàmudità: Bi và hỷ. Panettha (Pana ettha): Ở nơi đây. Paccekameva yojetbbà: Phải phối hợp riêng. Pannarasasu: Trong 15. Appamannàyo: 2 vô lượng tâm sở. Na labbhanti: Không được tìm thấy. Sattavìsati: 27. Pancakajjhànavasena: Chia theo 5 thiền. Pancadhà: Có 5 phần. Sangaho: Sự phối hợp.
III. VIỆT VĂN.

- 21) Tóm lại, trong 27 Ðại hành tâm, các tâm sở phối hợp với 5 Thiền theo 5 phân loại như sau:
Trong 3 đệ nhất thiền tâm, có 35 tâm sở phối hợp: 13 đồng bất đồng tâm sở, cộng với 22 tịnh quang tâm sở, trừ ba tiết chế tâm sở. Bi và Hỷ phối hợp riêng nhau.
Cũng vậy, trong đệ nhị thiền tâm, trừ tầm.
Trong đệ tam thiền tâm, trừ tầm và tứ.
Trong đệ tam thiền tâm, trừ tầm, tứ và hỷ.
Trong 15 đệ ngũ thiền tâm, không có hai vô lượng tâm sở.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Trong Ðại hành tâm, 35 tâm sở sau đây phối hợp trong ba đệ nhất thiền tâm (Kusala + Vipàka + Kriyà Thiện + Dị thục + Duy Tác).
Ðồng bất đồng tâm sở (7 nhất thế biến hành tâm + 6 biệt cảnh):13
Tịnh quang tâm sở (trừ ba tiết chế tâm):22
Tổng cộng:35
Bi và Hỷ đến riêng nhau. 3 Tiết chế tâm sở không có trong các thiền tâm, vì quá chú tâm trên các đối tượng tu hành. Trong ba đệ nhị thiền tâm, trừ tầm, chỉ có 34 tâm sở. Trong đệ tam thiền tâm, trừ tầm và tứ, chỉ có 33 tâm sở. Trong đệ tứ thiền tâm, trừ tầm, tứ và hỷ, chỉ có 32 tâm sở. Trong 15 đệ ngũ thiền tâm không có hỷ và lạc, vì những tâm này câu hữu với xả nên chỉ có 32 - 2 = 30 tâm sở. Như vậy, các tâm sở, phối hợp với 27 Ðại hành tâm, theo 5 thiền, dưới 5 phân loại.
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 22) Panca-timsa catuttimsa tettimsa ca yathàkkamam.
Battimsa ceva timseti pancadhà va mahaggate.

II. THÍCH VĂN.

- Pancatimsa: 35 Catuttimsa: 34 Tettimsa: 33. Yathàkkaman: Tùy theo thứ tự. Battimsa: 32 Timsati: 30. Pancadhà: 5 phân loại. Mahaggate: Trong Ðại hành tâm.
III. VIỆT VĂN.

- 22) Trong các Ðại hành tâm, theo 5 phân loại, 35, 34, 33, 32, và 30 tâm sở, tùy theo thứ tự phối hợp với các tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Câu kệ này tổng kết sự phối hợp các tâm sở trong các Ðại hành tâm.

1) 35 tâm sở được tìm thấy trong 3 đệ nhất thiền tâm.
2) 34 tâm sở được tìm thấy trong 3 đệ nhị thiền tâm.
3) 33 tâm sở được tìm thấy trong 3 đệ tam thiền tâm.
4) 32 tâm sở được tìm thấy trong 3 đệ tứ thiền tâm.
5) 30 tâm sở được tìm thấy trong 15 đệ ngũ thiền tâm.
VỚI DỤC GIỚI TỊNH QUANG TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 23) Kàmàvacarasobhanesu pana kusalesu tàva pathamadvaye annasamànà terasa cetasikà, pancavìsati sobhanacetasikà ceti atthatimsa dhammà sangaham gacchanti. Appamannàviratiyo panettha panca pi paccekameva yojetabbà.
Tathà dutiyadvaye nànavajjità
Tatiyadvaye nànasampayuttà pìtivajjità.
Cattutthadvaye nànapìtivajjità te eva sangayhanti.
Kriyàcittesu pi virativajjità tatheva catusu pi dukesu catudhà va sangayhantì.
Tathà vipàkesu ca appamannàvirativajjità te eva sangayhantì ti sabbathà pi catuvìsatikàmàvacarasobhanacittesu dukavasena dvàdasadhà va sangaho hotìti.

II. THÍCH VĂN.

- Kàmàvacara-sobhanesu kusalesu: Trong Dục giới tịnh quang thiện tâm. Pathamadvaye: Trong cặp thứ nhất. Sangaham gacchanti: Phối hợp vào. Appamannàviratiyo: Vô lượng tâm sở và tiết chế tâm sở. Paccekameva yojetabbà: Phối hợp riêng rẽ. Dutiyadvaye: Trong cặp thứ hai. Nànavajjità: Trừ trí. Sangayhanti: Bị phối hợp. Catusu dukesu: Trong bốn cặp. Dukavasena: Theo từng cặp. Dvàdasadhà: 12 trường hợp. Sangaho: Sự phối hợp.
III. VIỆT VĂN.

- 23) Trong Dục giới tịnh quang thiện tâm trong cặp đầu, 38 tâm sở phối hợp như sau: 13 Ðồng bất đồng tâm sở và 25 Tịnh quang tâm sở. Vô lượng tâm sở và tiết chế tâm sở phối hợp riêng biệt. Trong cặp thứ hai, cũng một số tâm sở tương tự, trừ trí. Trong cặp thứ ba, tương ưng với trí nhưng không có hỷ. Trong cặp thứ tư, không có trí và hỷ. Trong Duy tác tâm sự phối hợp chia thành bốn cặp, trong 4 trường hợp và trong những tâm này không có tiết chế tâm sở. Cũng vậy trong các dị thục tâm, không có vô lượng tâm sở và tiết chế tâm sở. Như vậy các tâm sở trong Dục giới Tịnh quang tâm được phối hợp theo 12 cặp.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Trong 24 Dục giới Tịnh quang thiện tâm, một số tương tự các tâm sở phối hợp trong các tâm không cần nhắc bảo và cần được nhắc bảo. Sự phối hợp chia thành 12 cặp:

4 cặp trong thiện tâm,
4 cặp trong Dị thục tâm và
4 cặp trong Duy tác tâm.

TRONG 8 THIỆN TÂM:
38 tâm sở phối hợp trong cặp đầu (Somanassasahagatanànasampayutta asankhàrika, sasankhàrika: Câu hữu với Hỷ, tương ưng với trí, không cần nhắc bảo, cần được nhắc bảo).

Ðồng bất đồng tâm sở:13
Tịnh quang tâm sở:25
Tổng cộng:38
Bi, hỷ, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng khởi lên riêng biệt, không phải hai tâm sở một lần. Như vậy, thật chỉ có 34 tâm sở khởi lên trong một tâm.
Trong cặp thứ hai câu hữu hỷ, không tương ưng với trí, không cần nhắc bảo, cần được nhắc bảo (Somanassasahagata, nànavippayutta, asankhàrika, sasankhàrika), không có trí, nên chỉ có: 38 - 1 = 37 tâm sở.
Trong cặp thứ ba, câu hữu với xả, tương ưng với trí, không cần nhắc bảo, cần được nhắc bảo (Upekkhà-sahagata, nànasampayutta asankhàrika, sasankhàrikà) (Trí: nàna) có mặt nhưng (Hỷ: Pìti) không có. Như vậy chỉ có 37 tâm sở.
Trong cặp thứ tư câu hữu với xả, không tương ưng với trí, không cần nhắc bảo, cần được nhắc bảo (Upekkhàsahagata, nànavippayutta, asankhàrika, sasankhàrikà) nàna và Pìti đều không có mặt. Như vậy chỉ có 38 - 2 = 36 tâm sở.

TRONG 8 DUY TÁC TÂM:
3 Virati (Tiết chế tâm sở) không có trong tâm của vị A la hán. Như vậy, các tâm sở ở 8 Duy tác tâm cũng đồng với 8 thiện tâm, trừ 3 tiết chế tâm sở. Các vị A la hán đã diệt trừ (Tanhà (ái) và chứng Niết bàn, nên 3 Tiết chế không có ảnh hưởng.

Cặp thứ nhất: 38 - 3 = 35
Cặp thứ hai: 37 - 3 = 34
Cặp thứ ba: 37 - 3 = 34
Cặp thứ tư: 36 - 3 = 33

TRONG 8 DỊ THỤC TÂM:
2 Vô lượng tâm sở và 3 Tiết chế tâm sở không có mặt trong các Dị thục tâm. Như vậy cũng đồng một số tâm sở như trong Thiện tâm, trừ 5 tâm sở.

Cặp thứ nhất: 38 - 5 = 33
Cặp thứ hai: 37 - 5 = 32
Cặp thứ ba: 37 - 5 = 32
Cặp thứ tư: 36 - 5 = 31
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 24) Atthatimsa sattatimsa-dvayam chattimsakam subhe,
Pancatimsa catuttimsa-dvayam tettimsakam kriye.
Tettimsa pàke battimsa-dvayekatimsakam bhave,
Sahetuka-kàmàvacara-punnapàkakriyàmane.
Na vijjantettha viratì kriyàsu ca mahaggate,
Anuttare appamannà kàmapàke dvayam tathà.
Anuttare jhànadhammà appamannà ca majjhime,
Viratì nànapìti ca parittesu visesakà.

II. THÍCH VĂN.

- Atthatimsa: 38. Sattatimsa: 37. Dvayam: Hai. Chattimsakam: 36. Subhe: Trong thiện tâm. Pancatimsa: 35. Catuttimsa: 34. Tettimsakam: 33. Kriye: Trong Duy tác tâm. Tettimsa: 33. Pàke: Trong Dị thục tâm. Battimsa: 32. Ekatimsaka: 31. Bhave: Có. Sahetukakàmàvacara-pùnnapàka-kriyàmane: Trong hữu nhơn dục giới thiện, Dị thục và Duy tác tâm. Na vijjanti: Không có. Viratì: Tiết chế tâm. Kriyàsu: Trong các Duy tác tâm. Mahaggate: Trong Ðại hành tâm. Anuttare: Trong Siêu thế tâm. Kàma pàke: Trong dị thục tâm ở Dục giới. Dvayam tathà: Cũng vậy, cả hai tiết chế và vô lượng tâm sở. Jhàna-dhammà: Các pháp về thiền. Majjhime: Các tâm ở giữa tức là Ðại hành tâm. Parittesu: Trong các Dục giới tầm. Visesakà: Sự sai khác nhau.
III. VIỆT VĂN.

- 24) Trong (24) Hữu nhân Dục giới, thiện, dị thục và Duy tác tâm, có 38, 37, 37 và 36 tâm sở phối hợp (trong 4 cặp thiện tâm).
Trong (4 cặp của) Duy tác tâm, có 35, 34, 34, và 33 tâm sở.
Trong (4 cặp của) Dị thục tâm có 33, 32, 32, và 31 tâm sở.
3 Tiết chế tâm sở không khởi lên trong các Duy tác tâm và Ðại hành tâm. 2 vô lượng tâm sở không khởi lên trong các Siêu thế tâm. Trong các Dục giới Dị thục, không có 2 vô lượng tâm sở và 3 Tiết chế tâm sở. Các siêu thế tâm sai khác nhau trong các tâm sở về thiền. Các Ðại hành tâm sai khác nhau trong các tâm sở về thiền hay trong các vô lượng tâm sở.
Các Dục giới thiện tâm sở có thể phối hợp với một trong 3 tiết chế tâm trong một thời, có thể tương ưng với Trí (nàna) hay không, có thể câu hữu với hỷ (Somanassa) hay không.
VỚI BẤT THIỆN TÂM - 4 BẤT THIỆN TÂM ÐẦU TIÊN
I. PÀLI VĂN.

- 25) Akusalesu pana lobhamùlesu tàva pathame asankhàrike annasamànà terasa cetasikà, akusalasàdhàranà cattàro càti sattarasa lobhaditthìhi saddhim ekùnavìsatì dhammà sangaham gacchanti.
Tatheva dutiye asankhàrike lobhamànena. Tatiye tatheva pìtivajjità lobhaditthìhi saha atthàrasa. Catutthe tatheva lobhamànena.

II. THÍCH VĂN.

- Akusalesu lobhamùlesu: Trong những bất tham thiện tâm Pathame asankhàrike: Trong tâm thứ nhất không cần được nhắc bảo. Akusalasàdhàranà cattàro càti: Và 4 Bất thiện biến hành tâm sở. Lobhaditthìhi saddhim: Cùng với tham và tà kiến. Ekùnavìsati: 19, Sangaham gacchanti: Phối hợp với nhau. Dutiye asankhàrikà: Trong đệ nhị tâm không cần được nhắc bảo. Lobhamànena: Tham với mạn.
III. VIỆT VĂN.

- 25) Trong đệ nhất tâm không cần được nhắc bảo của các tham tâm bất thiện, có 19 tâm sở phối hợp như sau: 13 đồng bất đồng tâm sở, 4 bất thiện biến hành tâm sở và tham cùng tà kiến tâm sở.
Cũng vậy, trong đệ nhị tâm không cần nhắc bảo, có tham và mạn tâm sở. Cũng vậy trong đệ tam tâm không cần nhắc bảo có 18 tâm sở, trừ hỷ, có tham và tà kiến. Trong đệ tứ tâm không cần nhắc bảo, cũng (một số tâm sở), có tham và mạn.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Trong tâm không cần nhắc bảo thứ nhất, vì tương ứng với tà kiến và thuộc tham tâm nên có tâm sở tham và tà kiến. Trong tâm thứ hai không cần nhắc bảo, vì không tương ưng với tà kiến nên tà kiến được mạn tâm sở thay thế. Trong tâm thứ ba không cần nhắc bảo chỉ có 19 tâm sở, có tà kiến nhưng không có hỷ. Trong tâm thứ tư không cần nhắc bảo, cũng chỉ có 18 tâm sở mà thôi.
VỚI TÂM THỨ 5 VÀ 5 TÂM CẦN ÐƯỢC NHẮC BẢO
I. PÀLI VĂN.

- 26) Pancame pana patighasampayutte asankhàrike doso, issà, macchariyam, kukkuccam ceti catùhi saddhim pìtivajjtà te eva vìsati dhammà sangayhanti. Issàmaccherakukkuccàni panettha paccekam eva yojetabbàni. Sasankhàrikapancake pi tath’eva athìnamiddhena visesetvà yojetabbà.
II. THÍCH VĂN.

- Pancame patighasampayutte asankhàrike: Trong tâm thứ 5 không cần nhắc bảo, tương ưng với sân. Doso, issà, macchariyam, kukhuccam: Sân, tật, xan tham, hối. Paccekam: Mỗi một, riêng biệt. Yojetabbàni: Ðược phối hợp. Sasankhàrika pancake: Trong 5 tâm cần được nhắc bảo. Thìnamiddhena: Có thụy miên và hôn trầm. Visesetvà: Sau khi phân biệt.
III. VIỆT VĂN.

- 26) Trong tâm thứ năm không cần nhắc bảo tương ưng với sân có 20 tâm sở phối hợp, tức là trừ hỷ và có 4 tâm sở: sân, tật, xan tham và hối. Tật, xan tham, hối phối hợp riêng biệt. Trong 5 tâm cần được nhắc bảo, cũng có một số tâm sở tương tự, chỉ thêm vào thụy miên và hôn trầm.
VI. THÍCH NGHĨA.
- 20 tâm sở phối hợp với tâm thứ năm không cần nhắc bảo như sau:

Ðồng bất đồng tâm sở trừ hỷ:12
Bất thiện biến hành tâm sở:4
Sân, tật, xan tham, hối:4
Tổng cộng:20 tâm sở
Trong 5 tâm cần được nhắc bảo, số tâm sở giống nhau với các tâm không cần nhắc bảo, chỉ khác vì cần được nhắc bảo nên phải thêm hai tâm sở hôn trầm và thụy miên vào. Như vậy số tâm sở như sau:

1) 19 + 2 = 21 (với tham và tà kiến)
2) 19 + 2 = 21 (với tham và mạn)
3) 18 + 2 = 20 (với tham và tà kiến)
4) 18 + 2 = 20 (với tham và mạn)
5) 20 + 2 = 22 (với sân, tật, xan tham và hối)

Trong các đồng bất đồng tâm sở, không có Pìti (hỷ) trong ba tâm cuối.
VỚI HAI SI TÂM VÀ TỔNG KẾT
I. PÀLI VĂN.

- 27) Chandapìtivajjità pana annasamànà ekàdasa, akusalasadhàranà cattàro cà ti pannarasa dhammà uddhaccasahagate sampayujjanti. Vicikicchàsahagatacitte ca adhimokkha-virahità vicikicchàsahagatà tatheva pannarasa-dhammà samupalabbhantì ti. Sabbathà pi dvàdasàkusalacittuppàdesu paccekam yojiyamànà pi gananavasena sattadhà va sangahità bhavantì ti.
II. THÍCH VĂN.

- Chandapìtivajjità: Trừ dục và hỷ. Sampayujjanti: Phối hợp. Adhimokkha-virahità: Trừ thắng giải. Samupalabbhanti: Ðược tìm thấy. Sabbathà: Tổng kết. Paccekam yojiyamànà: Sự phối hợp mỗi mỗi tâm. Gananavasena: Tùy theo số lượng. Sattadhà: Có 7 phần. Sangahità: Ðược phối hợp.
III. VIỆT VĂN.

- 27) Trong tâm tương ưng với trạo cử, 15 tâm sở phối hợp tất cả; 11 đồng bất đồng tâm sở trừ dục và hỷ, cộng với 4 Tâm thiện biến hành tâm sở. Trong tâm tương ưng với nghi, trừ thắng giải tâm sở, nhưng câu hữu với nghi, có 15 tâm sở phối hợp. Tổng kết, trong 12 bất thiện tâm, tùy theo số lượng của các tâm sở phối hợp với mỗi tâm, sự phối hợp được hình thành theo 7 phân loại.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Trong tâm tương ưng với trạo cử, không thể có Chanda (Dục) vì tâm này muội lược và không hoạt động. Tâm này không có hỷ vì câu hữu với xả. Trong tâm tương ưng với nghi, không có thắng giải nhưng có nghi nên có 15 tâm sở. 7 phân loại được chia như sau:

19 tâm sở (không cần nhắc bảo, Tham, thứ nhất, thứ ba)
18 tâm sở (không cần nhắc bảo, Tham, thứ năm, thứ bảy)
20 tâm sở (không cần nhắc bảo, Sân, thứ nhất)
21 tâm sở (cần được nhắc bảo, Tham, thứ hai và thứ tư)
20 tâm sở (cần được nhắc bảo, Tham, thứ sáu và thứ tám)
22 tâm sở (cần được nhắc bảo, Sân, thứ hai)
15 tâm sở (Si tâm, thứ nhất và thứ hai)
NHỮNG TÂM SỞ PHỐI HỢP VỚI TẤT CẢ BẤT THIỆN TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 28) Ekùnavìsatthàrasa vìsekavìsa vìsati.
Dvàvìsa pannaraseti sattadhàkusale thità.
Sàdhàranà ca cattàro samànà ca dasàpare,
Cuddasete pavuccanti sabbàkusalayogino.

II. THÍCH VĂN.

- Ekùnavìsa: 19. Atthàrasa: 18. Vìsa: 20. Ekavìsa: 21. Vìsati: 20. Dvàvìsa: 22. Pannarasa: 15. Sattadhà: 7 phần. Akusale thità: Ðược tìm thấy trong các tâm bất thiện. Sàdhàranà Cattàro: 4 Bất thiện - bến hành. Samànà dasàpare: Thêm 10 đồng bất đồng tâm sở: Cuddasa: 14. Ete: Những tâm sở ấy. Sabbàkusalayogino: Phối hợp với tất cả bất thiện tâm.
III. VIỆT VĂN.

- 28) 19, 18, 20, 21, 22, 15 tâm sở phối hợp theo bảy loại với các tâm bất thiện. 4 bất thiện biến hành tâm sở cộng với 10 đồng bất đồng tâm sở, như vậy 14 tâm sở phối hợp với tất cả bất thiện tâm.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Câu kệ đầu tóm tắt số lượng các tâm sở phối hợp với 12 bất thiện tâm theo 7 loại: Câu kệ thứ hai nói đến 14 tâm sở có mặt trong tất cả 12 bất thiện tâm. 14 tâm sở ấy là 4 Bất thiện biến hành tâm sở, cộng với 10 Ðồng bất đồng tâm sở trừ Dục, hỷ và thắng giải.
VỚI VÔ NHÂN TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 29) Ahetukesu pana hasanacitte tàva chandavajjità annasamànà dvàdasa dhammà sangaham gacchanti.
Tathà votthapane chandapìtivajjità.
Sukkhasantìrane chandaviriyavajjità -
Manodhàtuttikàhetukapatisandhiyugale chandapìtiviriyavajjità.
Dvipancavinnàne pakinnakavajjità te yeva sangayhantìti.
Sabbathà pi atthàrasasu ahetukesu gananavasena catudhà va sangaho hotì tì.

II. THÍCH VĂN.

- Ahetukesu: Trong các vô nhân tâm. Hasanacite: Tiếu sanh tâm. Chandavajjità: Trừ dục. Votthapane: Xác định tâm. Sukkhasantìrane: Suy đạc tâm câu hữu với lạc. Manodhàtuttika: 3 ý gới tâm. Ahetukapatisandhiyugale: Một cặp vô nhân kiết sanh thức tâm. Dvipancavinnàne: 10 thức tâm. Pakinnakavajjità: Trừ biệt cảnh tâm sở. Gananavasena: Theo số lượng.
III. VIỆT VĂN.

- 29) Trong những vô nhân tâm, ở tiếu sanh tâm, 12 Ðồng bất đồng tâm sở trừ dục phối hợp. Cũng vậy trong xác định tâm, trừ Dục và Hỷ. Trong suy đạc tâm câu hữu với hỷ, trừ Dục và Tinh tấn. Trong ba ý giới tâm được gọi là một cặp vô nhân kiết sanh thức, không có Dục, Hỷ và tinh Tấn.
Trong 10 thức tâm, trừ biệt cảnh tâm sở, các tâm sở khác được phối hợp. Tóm lại, trong 18 vô nhân tâm, sự phối hợp chia thành 4 loại, theo số lượng của các tâm sở.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Theo số lượng các tâm sở phối hợp, 18 vô nhân tâm được chia như sau:

1) Hasituppàda: Tiếu sanh tâm chỉ có 12 tâm sở tức là 12 Ðồng bất đồng tâm sở, (trừ dục).

2) Trong xác định tâm (Votthapana), chỉ có 11 Ðồng bất đồng tâm sở, trừ Dục và Hỷ. Votthapana (Xác định tâm) tức là ý môn hướng tâm (manodvàràvajjanacitta).
3) Somanassasahagata-santìrana (Suy đạc tâm câu hữu với Hỷ) không có Dục và Tinh tấn, nên chỉ có 11 Ðồng bất đồng tâm sở trừ Dục và Tinh tấn.
4) Pancadvàràvajjana (ngũ môn hướng tâm), Sampaticchana (Tiếp thọ tâm), Santìrana (Suy đạc tâm).

Ngũ môn hướng tâm và hai tiếp thọ tâm được gọi là manodhàtuttika hay Ba ý giới tâm. Thiện và bất thiện Suy đạc tâm câu hữu với xả sanh ra Ahetuka Patisandhi (vô nhân kết sanh thức). Hai tâm này được gọi là Ahetuka-patisandhi yugala hay một cặp vô nhân kiết sanh thức. Dục, Hỷ và Tinh tấn không có trong 5 tâm sau này: Ngũ môn hướng tâm, vô nhân bất thiện dị thục tiếp thọ tâm, vô nhân thiện dị thục tiếp thọ tâm, vô nhân bất thiện dị thục suy đạc tâm câu hữu với xả và vô nhân thiện dị thục suy đạc tâm câu hữu với xả.

Như vậy các tâm này chỉ có 10 Ðồng bất đồng tâm sở trừ Dục, Hỷ và Tinh tấn.
5) Dvipancavinnàna (10 thức tâm) không có các biệt cảnh tâm sở. Như vậy các tâm này chỉ có bảy Sabbacitasàdhàranà (Nhứt thế biến hành tâm sở), vì các tâm này chỉ thuần cảm giác.
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 30) Dvàdasekàdasa dana satta cà ti catubbidho
Atthàrasàhetukesu cituppàdesu sangaho.
Ahetukesu sabbattha satta sesà yathàraham.
Itivitthàrato vutto tettimsavidhasangaho.
Itthan cittàviyuttànam sampayogam ca sangaham,
Natvà bhedam yathàyogam cittena samamuddise.

II. THÍCH VĂN.

- Dvàdasa: 12 Ekàdasa: 11. Dasa: 10. Satta: 7. Catubbiho: Có 4 loại. Atthàrasàhetukesu: Trong 18 vô nhân tâm. Cittuppàdesu: Trong những tâm sanh khởi lên. Sangaho: Sự phối hợp. Sesà: Các tâm còn lại. Yathàraham: Tùy theo sự thích ứng. Vitthàrato vutto: Nói rộng ra. Tettimsavidhasangaho: Sự phối hợp có 33. Ittham: Như vậy. Cittàviyuttànam: Các tâm sở phối hợp với tâm. Sampayogam: Sự phối hợp. Sangaham: Sự phân loại. Nàtvà: Sau khi biết. Bhedam: Sự phân biệt. Yathàyogam: Tùy theo sự phối hợp: Samamuddise: Giải thích.
III. VIỆT VĂN.

- 30) 12, 11, 10, 7, chia thành 4 loại. Ðó là sự phối hợp với các tâm sở trong 18 vô nhân tâm.
Trong các vô nhân tâm, 7 Biến hành tâm sở có mặt trong tất cả, còn các Biệt cảnh tâm sở, thì có mặt trong những tâm thích hợp. Như vậy nói cho rộng ra, là sự phối hợp của các tâm sở trong 33 phân loại.
Sau khi đã biết sự phối hợp và phân loại của các tâm sở, cần phải giải thích sự phối hợp của tâm sở với các tâm.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Bản đồ sau này giải thích số lượng của các tâm sở khi phối hợp với 18 vô nhân tâm.
CÁC TÂM SỞSỐ TÂM SỞ
1)Hasituppàda (Annasamàna, trừ Chanda)12I
2)Votthapana (Annasamàna, trừ Chanda, Pìti)11II
3)Somanassasahagata-santìrana (trừ Chanda và Viriya)11
4)Pancadvàràvajjana, Sampaticchana (2),
Santìrana (2), trừ Chanda, Pìti, Viriya.
10III
5)Dvipancavinnàna (10)7IV
33 phân loại của sự phối hợp các tâm sở trong các tâm được chia như sau:

Lokuttara (Siêu thế tâm):5
Mahaggata (Ðại hành tâm):5
Kàmàvacara (Dục giới):12
Akusala (Bất thiện):7
Ahetuka (Vô nhân):4
Tổng cộng:33

Ghi chú: Có thể tham chiếu thêm với:

1) Vi Diệu Pháp Toát Yếu, bản dịch Việt ngữ của Phạm Kim Khánh (với đầy đủ các ký tự Pàli).
2) A Manual of Abhidhamma, bản dịch Anh ngữ và chú thích của Hòa Thượng Narada.

CHƯƠNG THỨ BA
PAKINNAKA: LINH TINH

I. PÀLI VĂN.

- 1) Sampayuttà yathàyogam tepanààsa sabhàvato
Cittacetasikà dhammà tesam dàni yathàraham,
Vedanàhetuto kiccadvàràrammanavatthuto,
Cittuppàdavaseneva sangaho nàma nìyate.

II. THÍCH VĂN.

- Sampayuttà: Tương ưng. Yathàyogam: Theo sự phối hợp. Tepannàsa: 53. Sabhàvato: Ðúng với sự thật. Yathàraham: Theo sự thích hợp. Vedanà: Thọ. Hetuto: Theo nhân. Kicca: Công tác. Dvàra: Môn. Àrammana: Ðối tượng. Vatthuto: Theo căn xứ. Cittuppàdavasena: Theo tâm. Sangaho: Sự phối hợp, phân loại. Nìyate: Ðược đề cập đến, bàn đến.

III. VIỆT VĂN.

- 1) Các tâm và tâm sở phối hợp nhau sự thật có 53 pháp. Nay sự phối hợp các tâm và tâm sở, xem tâm như một đơn vị được đề cập đến, theo sự thích hợp về phương diện thọ, nhân, công tác, môn, đối tượng và căn xứ.

IV. THÍCH NGHĨA.
- 89 tâm được xem như là một đơn vị + với 52 tâm sở thành 53 pháp.
PHÂN LOẠI THEO THỌ
I. PÀLI VĂN.

- 2) Tatthà vedanàsangahe tàva tividhà vedanà: Sukham, dukkham, adukkhamasukham ceti. Sukham, dukkham, somanassam, domanassam, upekkhàti ca bhedena pana pancadhà hoti.
II. THÍCH VĂN.

- Vedanàsangahe: Trong phân loại về thọ. Adukkhamasukham: Vô lạc vô khổ thọ. Bhedena: Theo sự phân loại. Pancadhà: Có 5 loại.
III. VIỆT VĂN.

- 2) Ở đây không theo phân loại về thọ có 3: lạc, khổ, vô lạc vô khổ. Và cũng chia thành 5: Lạc, khổ, hỷ, ưu , xả.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Thọ là một tâm sở có mặt trong tất cả tâm. Thọ có ba: lạc, khổ, và xả. Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức câu hữu với xả, nhưng thân thức vì tinh nhuệ hơn nên câu hữu với Lạc hay với Khổ.
Các tốc hành tâm (Javana) có thể câu hữu với hỷ (Somanassa) nếu đối tượng khả ái, và câu hữu với ưu (Domanassa) nếu đối tượng không khả ái, nhưng nếu đối tượng quá khả ái, thời hỷ (Somanassa) có thể khởi lên với Santìranacitta (Suy đạc tâm).
LẠC, KHỔ, HỶ, ƯU VÀ XẢ
I. PÀLI VĂN.

- 3) Tattha sukhasahagatam kusalavipàkam kàyavinnànam ekameva. Tathà dukkhasahagatam akusalavipàkam kàyavinnànam. Somanassasahagatacittàni pana lobhamùlàni cattàri. Dvàdasakàmàvacarasobhanàni. Sukhasantìrana-hasanàni ca dve ti atthàrasa kàmàvacaracittàni ceva pathamadutiya-tatiya-catuttha-jjhànasankhàtàni catucattàlìsa mahaggatta-lokuttaracittàni ceti dvàsatthividhàni bhavanti. Domanassasahagatacittàni pana dve patighacittàneva. Sesàni sabbàni pi pancapannàsa upekkhàsahagatacittànevà ti.
II. THÍCH VĂN.

- Sukhasantìrana-hasanàni: Suy đạc tâm câu hữu với lạc và tiểu sanh tâm. Sankhàtàni: Ðược gọi là. Dvàsatthi Vidhàni: Có 62 loại. Pancapannàsa: 55.
III. VIỆT VĂN.

- 3) Ở đây, có một thiện dị thục thân thức câu hữu với lạc. Cũng vậy có một bất thiện dị thục thân thức câu hữu với khổ. Về tâm câu hữu với hỷ, có bốn tham tâm, 12 Dục giới Tịnh quang tâm, hai Suy đạc tâm và Tiếu sanh tâm câu hữu với hỷ. Như vậy có 18 Dục giới tâm. Lại có 44 Ðại hành và Siêu thế tâm được gọi là đệ nhất, đệ nhị, đệ tam và đệ tứ thiền. Tổng cộng có 62 tâm. Có hai sân tâm câu hữu với ưu. Còn lại có tất cả 55 tâm câu hữu với xả.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Chỉ có một tâm câu hữu với Lạc, tức là thiện dị thục thân thức. Chỉ có một tâm câu hữu với khổ tức là bất thiện dị thục thân thức. Có 62 tâm câu hữu với Hỷ như sau:
Tương ưng với tham:418 Dục giới tâm
Dục giới Tịnh quang (Thiện + Di thục + Duy tác):12
Suy đạc tâm câu hữu với Hỷ (Vô nhân, Thiện, Dị thục):1
Tiểu sanh tâm:1Đại hành và
Siêu thế tâm
Các đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiền tâm:44
Tổng cộng:62 tâm
Chỉ có hai tâm câu hữu với ưu tức là hai Sân tâm.
Còn lại có 55 tâm câu hữu với xả như sau:
Tham tâm:4
Si tâm:2
Vô nhân bất thiện dị thục trừ thân thức:6
Vô nhân thiện dị thục trừ thân thức và Suy đạc tâm câu hữu với Hỷ:6
Vô nhân Duy tác trừ Tiểu sanh tâm:2
Dục giới Tịnh quang tâm (Thiện + Dị thục + Duy tác):12
Các ngũ thiền tâm:23
Cộng chung:55
TÓM TẮT
I. PÀLI VĂN.

- 4) Sukham dukkham upekkhàti tividhà tattha vedanà.
Somanassam domanassamiti bhedena pancadhà.
Sukhamekattha dukkham ca domanassam dvaye thitam,
Dvàsatthisu somanassam pancapannàsaketarà.

II. THÍCH VĂN.

- Tividhà: Có 3 loại. Bhedena: Phân loại. Pancadhà: Có 5 phần. Sukham: Lạc Ekattha: Chỉ một. Dvaye: Hai. Dvàsatthisu: Trong 62 tâm. Pancapannàsa: Có 55 tâm. Itarà: Thọ khác tức là Upekkhà (xả)
III. VIỆT VĂN.

- 4) Thọ có ba: Lạc, khổ, xả. Hoặc có 5, cộng với hỷ và ưu. Lạc có một, khổ có một. Ưu có hai. Hỷ có trong 62 tâm và Xả có trong 55 tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Ðây là bài kệ tóm tắt các loại thọ (có 3, hay 5) và số lượng các tâm câu hữu với lạc, khổ, ưu, hỷ và xả.
PHÂN LOẠI THEO NHÂN - 6 NHÂN
I. PÀLI VĂN.

- 5) Hetusangahe hetavo nàma lobho, doso, moho, alobho, adoso, amoho, càti chaddhà bhavanti.
II. THÍCH VĂN.

- Hetusangahe: Phân loại về nhân, Hetavo: Các nhân. Chaddhà: Có 6 loại.
III. VIỆT VĂN.

- 5) Phân loại về nhân có 6 loại, tức là tham, sân, si, vô tham, vô sân và vô si.VÔ NHÂN VÀ HỮU NHÂN TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 6) Tattha pancadvàràvajjana-dvipancavinnànasampaticchanasantìrana-votthapana - hasanavasena atthàrasa ahetukacittàni nàma. Sesàni sabbàni pi ekasattati cittàni sahetukàneva.
II. THÍCH VĂN.

- Sesàni: Các tâm còn lại. Ekasattati: 71. Sahetukàni: Có nhân.
III. VIỆT VĂN.

- 6) Ở đây, ngũ môn hướng tâm, 10 thức tâm, tiếp thọ tâm, suy đạc tâm, xác định tâm, tiếu sanh tâm, 18 tâm này gọi là vô nhân tâm. Tất cả những tâm còn lại là 71 hữu nhân tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Sở dĩ gọi là hetu (nhân) vì chúng là nguồn gốc cho tất cả thiện và bất thiện tâm. Xác định tâm tức là ý môn hướng tâm.
MỘT NHÂN, HAI NHÂN VÀ BA NHÂN TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 7) Tatthàpi dve momùhacittàni ekahetukàni. Sesàni dasa akusalacittàni ceva nànavippayuttàni dvàdasa kàmàvacarasobhanàni ceti dvàvìsati duhetukacittàni. Dvàdasanànasampayuttakàmàvacarasobhanàni ceva pancatimsa mahaggata-lokuttaracittàni ceti sattacattàlìsa tihetukacittànìti.
II. THÍCH VĂN.

- Pancatimsa: 35. Mahaggatalokuttaracittàni: Ðại hành siêu thế tâm. Sattacattàlìsa: 47. Tihetukacittàni: Tam nhân tâm. Duhetukavittàni: Nhị nhân tâm.
III. VIỆT VĂN.

- 7) Ở đây, hai si tâm là nhứt nhân tâm. 10 bất thiện tâm còn lại cộng với 12 Dục giới tịnh quang tâm không tương ưng với trí, như vậy có 22 nhị nhân tâm. 12 Dục giới tịnh quang tâm tương ưng với trí, 35 Ðại hành, siêu thế tâm, như vậy có 47 tam nhân tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Hai si tâm chỉ có si tâm sở nên gọi là nhứt nhân tâm; 10 bất thiện tâm còn lại và 12 Dục giới tịnh quang tâm không tương ưng với trí chỉ có hai nhân. 8 tham tâm chỉ có tham và si, 2 sân tâm chỉ có sân và si. 12 tịnh quang tâm không tương ưng với trí chỉ có vô tham và vô sân. Nên có tất cả là 22 nhị nhân tâm. 12 Dục giới tịnh quang tâm tương ưng với trí, 27 Ðại hành và 8 Siêu thế tâm có ba nhân, tức là vô tham, vô sân và vô si.
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 8) Lobho doso ca moho ca hetù akusalà tayo.
Alobhàdosàmohà ca kusalàbyàkatà tathà.
Ahetukatthàrasekahetukà dve duvìsati,
Duhetukà matà sattacattàlisa tihetukà.

II. THÍCH VĂN.

- Tayo: Ba. Kusala: Thiện. Abyàkatà: Vô ký. Duvìsati: 22. Ekahetukà: Một nhân tâm. Matà: Ðược xem là. Sattacattàlisa: 47.
III. VIỆT VĂN.

- 8) Tham, sân và si gọi là ba tất thiện nhân. Vô tham, vô sân, vô si là thiện và vô ký nhân. 18 tâm không có nhân nào hết. Có hai tâm và nhứt nhân tâm. Có 22 tâm là nhị nhân tâm. Và có 47 tâm được xem là tam nhân tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Tham sân và si tức là ba bất thiện nhân. Vô tham, vô sân, vô si là ba thiện nhân trong các thiện tâm nhưng là vô ký nhân trong các Dị thục và Duy tác tâm.
PHÂN LOẠI THEO CÔNG TÁC
I. PÀLI VĂN.

- 9) Kiccasangahe kiccàni nàma patisandhibhavangàvajjana-dassana-savana-ghàyana-sàyana-phusana - sampaticchanasantìrana-votthapana-javana-tadàlambana-cutivasena cuddasavidhàni bhavanti. Patisandhi-bhavangàvajjana-pancavinnànatthànàdivasena pana tesam dasadhà thànabhedo veditabbo.
II. THÍCH VĂN.

- Kiccasangahe: Tổng hợp về tác dụng. Patisandhi: Kiết sanh thức. Bhavanga: Hữu phần. Àvajjana: Hướng tâm. Dassana: Sự thấy. Savana: Sự nghe. Ghàyana: Sự ngửi. Sàyama: Sự nếm. Phusana: Cảm xúc. Sampaticchana: Tiếp thọ. Santìrana: Suy đạc. Votthapana: Xác định. Javana: Tốc hành. Tadàlambana: Ðồng sở duyên. Cuti: Tử. Cuddasavidhàni: Có 14 loại. Dasadhà: Có 10 loại. Thànabhedo: Theo sự chia chẻ về. Vị trí. Veditabbo: Cần phải hiểu.
III. VIỆT VĂN.

- 9) Tổng hợp các tác dụng có tất cả là 14 tác dụng, tức là kiết sanh thức, hữu phần, hướng tâm, thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, tiếp thọ, suy đạc, xác định, tốc hành, đồng sở duyên, chết. Nếu chia chẻ về vị trí thời chỉ có 10 loại: Kiết sanh thức, hữu phần, hướng tâm, 5 thức v.v...
IV. THÍCH NGHĨA.
- Mỗi một tâm có một tác dụng đặc biệt và nhiều tâm có nhiều tác dụng sai khác. Có 14 loại tác dụng tất cả.
Patisandhi, Kiết sanh thức, nghĩa là móc nối đời này sang đời khác. Khi con người mới sanh, tâm này hiện khởi ra trước nhất, chỉ sống có một Sát-na rồi được Bhavanga thay thế. Patisandhi xem là bị chi phối bởi tâm cuti khi lâm chung và là nguồn gốc của đời sống hiện tại.

Bhavanga, Hữu phần, là tiềm thức luôn luôn ảnh hưởng đến cá tính của chúng ta, là một phần cá tính chúng ta nên được gọi là Bhava + anga (bhavanga). Khi tâm thức không bị kích thích bởi ngoại cảnh, tức là có Bhavanga. Sau mỗi diễn tiến của tâm thức lại có bhavanga.
Àvajjana: Hướng tâm, tức là hướng tâm về phía đối tượng. Khi một đối tượng vào trong dòng tâm thức của Bhavanga, dòng tâm thức liền bị giao động Bhavanga calana, tiếp đến bị dừng lại (Bhavanga-upaccheda). Khi Bhavanga dừng lại, nếu đối tượng là ngoại cảnh, ngũ môn hướng tâm khởi lên (pancadvàràvajjana). Nếu đối tượng là một tâm pháp, ý môn hướng tâm khởi lên (manodvàràvajjana).
Votthapana: Xác định, tức là xác định đối tượng và mở đầu cho mọi hành vi thiện ác. Không có một tâm đặc biệt làm tác dụng này. Chính ý môn hướng tâm nhận nhiệm vụ này.
Javana: tốc hành tâm. Từ ngữ căn ju nghĩa là chạy mau. Sở dĩ gọi như vậy vì tâm này chạy đến 7 Sát-na hay 5 Sát-na đối với một đối tượng. Chính trong giai đoạn này, các hành vi thiện ác được tạo tác.

Tadàlambana: Ðồng sở duyên nghĩa là cũng đồng một sở duyên với Javana. Tác dụng của Tadàlambana là ghi nhận kinh nghiệm của đối tượng. Cuti: tử tâm là tâm cuối cùng của đời sống.

I. PÀLI VĂN.

- 10) Tatha dve upekkhàsahagatasantìranàni ceva attha mahàvipàkàni ca nava rùpàrùpavipàkàni ceti ekùnavìsati cittàni patisandhi-bhavanga-cutikiccàni nàma. Àvajjanakiccàni pana dve. Tathà dassana-savana-ghàyana-sàyana-phusana-sampaticchanakiccàni ca.
Tìni santìrana-kiccàni. Manodvàràvajjanameva pancadvàce votthapanakiccam sàdheti. Àvajjanadvayavajjitàni kusalàkusala-phala-kriyà-cittàni pancapannàsa javanakiccàni. Mahàvipàkàni ceva santìranattayam ceti ekàdasa tadàlambanakiccàni.

II. THÍCH VĂN.

- Sàdheti: Tác động, hành động.

III. VIỆT VĂN.

- 10) Ở đây 19 tâm (hai suy đạc tâm câu hữu với xả, tám đại dị thục tâm và 9 sắc vô sắc dị thục tâm) làm các tác dụng patisandhi, bhavanga và cuti. Hai tâm làm tác dụng àvajjana. Hai tâm làm các tác dụng dassana-savana-ghàyana-sàyana-phusana và sampaticchana. Ba tâm làm tác dụng santìrana. Trong sự diễn tiến của tâm thức qua năm môn, tác dụng votthapana do ý môn hướng tâm làm. Tác dụng Javana do 55 tâm làm là thiện, bất thiện, quả tâm, duy tác tâm trừ hai àvajjana tâm. 11 tâm (8 đại dị thục và 3 suy đạc) làm tác dụng Tadàlambana.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Ba tác dụng Bhavanga, patisandhi và cuti do 10 tâm sau đây thi hành:
Suy đạc tâm câu hữu với xả:2
Ðại Dị thục tâm:8
Sắc giới + vô sắc giới dị thục tâm:9
Tổng cộng:19
Hai tâm là tác dụng Àvajjana tức là ngũ môn hướng tâm và ý môn hướng tâm. Dassana (sự thấy) do thiện dị thục nhãn thức và bất thiện dị thục nhãn thức tác động. Cũng vậy Savana, ghàyana, sàyana, phusana và Sampaticchana đều do hai tâm thiện dị thục và bất thiện dị thục. Santìrana (suy đạc) do ba suy đạc tâm tác động: Bất thiện dị thục suy đạc tâm câu hữu với xả, thiện dị thục suy đạc tâm câu hữu với xả và thiện dị thục suy đạc tâm câu hữu với hỷ. Votthapana (xác định) và manodvàràvajjana (ý môn hướng tâm) tương tợ giống nhau vì cả hai đều làm sống lại những kinh nghiệm quá khứ và do ý môn hướng tâm câu hữu với xả tác động. Javana (tốc hành) do 55 tâm tác động:

Thiện (Dục giới 8 + Ðại hành 9 + Siêu thế 4) :21
Bất thiện (Tham 8 + Sân 2 + Si 2) :12
Quả (Dự lưu, nhứt lai, bất lai, A-la-hán) :4
Duy tác (trừ ngũ môn hướng tâm và ý môn hướng tâm)
(Dục giới 8 + Ðại Hành 9 + Tiếu sanh tâm 1) :
18
Tổng cộng:55
Tadàlambana (Ðồng sở duyên) do 11 tâm tác dụng: Ðại dị thục 8 và Suy đạc tâm 3. Ở đây chỉ có Dục giới tâm tác động chớ Ðại Dị thục không có tác dụng vì những tâm này giải thoát khỏi ảnh hưởng của tham dục.
CÁC CÔNG TÁC DO ÐỒNG MỘT LOẠI TÂM TÁC DỤNG
I. PÀLI VĂN.

- 11) Tesu pana upekkhàsahagatasantìranacittàni patisandhi-bhavanga-cuti-tadàrammana-santìranavasena pancakiccàni nàma. Mahàvipàkàni attha patisandhi-bhavanga-cuti-tadàrammanavasena catukiccàni. Mahaggatavipàkàni nava patisandhi-bhavanga-cutivasena tikiccàni. Somanassasahagatam santìranam santìrana-tadàrammanavasena dukiccam. Tathà votthapanam ca votthapanàvajjanavasena. Sesàni pana sabbàni pi javanamanodhàtuttika-dvipancavinnànàni yathàsambhavamekakiccàni ti.
II. VIỆT VĂN.

- 11)

1. Hai suy đạc tâm, câu hữu với xả làm 5 tác dụng là kiết sanh thức, hữu phần, tử tâm, đồng sở duyên và suy đạc.
2. Tám loại Ðại Dị thục làm 4 tác dụng là kiết sanh thức, hữu phần, tử tâm và đồng sở duyên.
3. Chín Ðại Hành Dị thục tâm có 3 tác dụng là kiết sanh thức, hữu phần và tử tâm.
4. Một Suy đạc tâm câu hữu với hỷ có hai tác dụng là suy đạc và đồng sở duyên.
5. Một Ý môn hướng tâm có hai tác dụng là xác định và hướng tâm.
6. 55 Tốc hành tâm còn lại chỉ có một tác dụng tốc hành.
7. Một Ngũ môn hướng tâm làm một tác dụng Àvajjana (hướng tâm)
8. Hai tiếp thọ tâm có tác dụng tiếp thọ.
9. Mười Thức tâm làm các tác dụng thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm.
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 12) Patisandhàdayo nàma kiccabhedena cuddasa, Dasadhà thànabhedena cittuppàdà pakàsità.
Atthasatthi tathà dve ca navatha dve yathàkkamam,
Eka-dvi-ti-catu-pancakiccatthànàni niddise.

II. THÍCH VĂN.

- Kiccabhedena: Theo tác dụng. Cuddasa: 14. Dasadhà: 10. Thànabhedena: Theo vị trí. Cittuppàdà: Sự sinh khởi các tâm. Pakàsità: Ðược trình bày. Atthasatthi: 68. Navattha: 9 và 8. Niddise: Giải thích, trình bày.
III. VIỆT VĂN.

- 12) Các tâm như kiết sanh thức v.v... là 14 theo tác dụng và 10 theo vị trí của chúng.
68 tâm chỉ có một tác dụng và một vị trí
2 tâm có hai tác dụng và hai vị trí
9 tâm có ba tác dụng và ba vị trí
8 tâm có bốn tác dụng và bốn vị trí
2 tâm có năm tác dụng và năm vị trí.


IV. THÍCH VĂN.

1. Tốc hành tâm 55 + ngũ môn hướng tâm 1 + tiếp thọ tâm 2 + thức tâm 10 = 68
2. Ý môn hướng tâm 1 + Suy đạc tâm câu hữu với hỷ 1 = 2
3. Ðại Hành dị thục tâm (Sắc giới 5 + Vô sắc giới 4) = 9
4. Ðại dị thục: 8
5. Suy đạc tâm câu hữu với xả: 2.
PHÂN LOẠI THEO CĂN MÔN
I. PÀLI VĂN.

13) Dvàrasangahe dvàràni nàma, cakkhudvàram, sotadvàram, ghànadvàram, jivhàdvàram, kàyadvàram, manodvàram, ceti chabbidhàni bhavanti.
14) Tattha cakkhumeva cakkhudvàram. Tathà sotàdayo sotadvàràdìni. Manodvàram pana bhavangàti pavuccati.

II. THÍCH VĂN.

- Dvàrasangahe: Tổng hợp về môn.
III. VIỆT VĂN.

- 13) Nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn và ý môn, như vậy có sáu môn tất cả. 14) Ở đây mắt gọi là nhãn môn, lỗ tai gọi là nhĩ môn v.v... còn ý môn tức là Hữu phần.
IV. TRHÍCH NGHĨA.
- Dvàra (cửa) du là hai và ar nghĩa là đi ra, đi vào. Cửa này dùng vừa cả lối ra lối vào nên gọi là dvàra. Khi một đối tượng đến với tâm, bhavanga được rung động và dừng lại. Rồi àvajjana (Hướng tâm) khởi lên. Nếu là đối tượng ở ngoài ngang qua 5 căn thì ngũ môn hướng tâm khởi lên. Nếu là đối tượng nội tâm, thì ý môn hướng tâm khởi lên, Bhavangupaccheda (Hữu phần dừng nghỉ) khởi lên trước ý môn hướng tâm và gọi là ý môn (manodvàra).
CÁC TÂM KHỞI QUA NĂM CĂN MÔN
I. PÀLI VĂN.

- 15) Tattha pancadvàràvajjana-cakkhuvinnàna-sampaticchana-santìrana-votthapana - kàmàvacarajavana-tadàrammanavasena chacattàlìsa-cittàni cakkhudvàre yathàraham uppajjanti. Tathà pancadvàràvajjana-sotavinnànàdivasena sotadvàràdisu pi chacattàlìseva bhavantì ti sabbathà pi pancadvàre catupannàsa cittàni kàmàvacarànevàti veditabbàni.
II. THÍCH VĂN.

- Uppajjanti: Khởi lên. Chacattàlìsa: 46. Sabbathà: Tất cả. Veditabbàni: Cần phải hiểu.
III. VIỆT VĂN.

- 15) Ở đây 46 tâm có thể khởi ngang qua nhãn môn, tức là ngũ môn hướng tâm, nhãn thức, tiếp thọ tâm, suy đạc tâm, xác định tâm, dục giới tốc hành tâm, đồng sở duyên tâm. Cũng vậy 46 tâm có thể khởi qua nhĩ môn v.v... Như vậy, tất cả có 54 Dục giới tâm khởi lên, ngang qua năm môn.

IV. THÍCH NGHĨA.
- 46 tâm khởi lên ngang qua nhãn môn như sau:
Ngũ môn hướng tâm (vô nhân, duy tác):1
Nhãn thức (Dị thục, thiện và bất thiện):2
Tiếp thọ tâm (Dị thục, thiện và bất thiện):2
Suy đạc tâm (Dị thục, thiện và bất thiện):3
Ý môn hướng tâm:1
Tốc hành tâm (Bất thiện 12 + Thiện 16 + Tiếu sanh tâm 1):29
Ðồng sở duyên tâm (Ðại Dị thục. Không kể 3 Suy đạc tâm vì đã kể trước rồi):8
Tổng cộng:46
Cộng với 2 nhĩ thức, 2 tỷ thức, 2 thiệt thức, 2 thân thức, nên có tất cả là 54 tâm khởi lên ngang qua 5 môn.
CÁC TÂM KHỞI QUA Ý MÔN
CÁC TÂM KHÔNG KHỞI QUA CĂN MÔN

I. PÀLI VĂN.

- 16) Manodvàre pana manodvàràvajjana-pancapannàsa-javana-tadàrammanavasena sattasatthi cittàni bhavanti. Ekùnavìsati patisandhi-bhavanga-cutivasena dvàravimuttàni.
II. THÍCH VĂN.

- Sattasatthi: 67 Ekùnavìsati: 19 Dvàravimuttàni: Không khởi qua cửa nào.
III. VIỆT VĂN.

- 16) 67 tâm khởi lên ngang qua ý môn tức là ý môn hướng tâm, 55 tốc hành tâm và đồng sở duyên. 19 tâm làm các công tác kiết sanh thức, hữu phần và tử tâm không khởi qua cửa nào cả.
IV. THÍCH NGHĨA.
- 67 tâm sau này khởi lên qua ý môn:

Ý môn hướng tâm: 1
Tốc hành tâm (Bất thiện 12 + Tiếu sanh tâm 1 + Dục giới Tịnh quang Thiện và Duy tác 16 + Sắc giới thiện và Duy tác 10 + Vô sắc giới thiện và Duy tác 8 + Siêu thế 8) = 55.
Các tâm làm công tác Ðồng sở duyên (Ðại Dị thục 8 + Suy đạc tâm 3) = 11

- 19 tâm không khởi qua môn nào cả: 2 Suy đạc tâm câu hữu với xả + 8 Ðại Dị thục tâm + 9 Ðại hành Dị thục tâm.
Chúng là Dị thục của các hành động quá khứ. Vibhàvinìtìkà giải thích rằng chúng được gọi là Dvàravimuti vì:

(1) không khởi ngang qua căn nào như mắt v.v...
(2) Bhavanga chính là ý môn,
(3) chúng tồn tại không cần một đối tượng mới nào.

Trường hợp đầu thuộc về Cuti và patisandhi. Trường hợp thứ hai về Bhavangupaccheda và trường hợp thứ ba về bhavanga và cuti.
NHỨT MÔN, NGŨ MÔN, LỤC MÔN VÀ VÔ MÔN TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 17) Tesu pana dvipancavinnànàni ceva mahaggatalokuttara - javanàni ceti chattimsa yathàraham ekadvàrikacittàni nàma. Manodhàtuttikam pana pancadvàrikam. Sukhasantìrana-votthapana-kàmàvacarajavanàni chadvàrikacittàni. Upekkhàsahagatasantìrana-mahàvipàkàni chadvàrikàni ceva dvàravimuttàni ca. Mahaggatavipàkàni dvàràvimuttànevà tì.
II. THÍCH VĂN.

- Ekadvàrika: Một môn. Manodhàtuttikam: 3 ý giới tâm.
III. VIỆT VĂN.

- 17) 36 tâm khởi lên chỉ ngang qua một cửa tức là 10 thức tâm, các tốc hành gồm có đại hành và siêu thế tâm. 3 ý giới tâm khởi lên ngang qua 5 cửa. Suy đạc tâm câu hữu với hỷ, xác định tâm, dục giới tốc hành tâm khởi lên ngang qua 6 cửa. Suy đạc tâm câu hữu với xả, Ðại Dị thục tâm khởi lên ngang qua 6 môn và không qua cửa nào cả. Ðại hành dị thục tâm không khởi qua cửa nào cả.
IV. THÍCH NGHĨA.
- 36 tâm tức là 10 thức tâm, 10 sắc giới thiệu và duy tác tâm, 8 vô sắc giới thiệu và duy tác tâm, 8 siêu thế đạo và quả tâm.
- Trong mười thức tâm, 2 tâm khởi ngang qua nhãn môn, 2 tâm qua nhĩ môn, 2 tâm qua tỷ môn, 2 tâm qua thiệt môn và 2 tâm qua thân môn.
- 18 đại hành tốc hành tâm và 8 Siêu thế tâm chỉ khởi qua ý môn.
- 3 ý giới tâm tức là một ngũ môn hướng tâm và 2 tiếp thọ tâm.
- 31 tâm khởi lên ngang qua 6 cửa. Suy đạc tâm câu hữu với hỷ 1 + ý môn hướng tâm (hay xác định tâm) 1 và Dục giới tốc hành tâm 29.
- 10 tâm khởi ngang qua 6 cửa hay không ngang qua cửa nào, tức là hai suy đạc tâm câu hữu với xả và 8 Ðại dị thục tâm. Khi chúng làm công tác Ðồng sở duyên, chúng khởi lên ngang qua 6 cửa. Khi chúng làm công tác Kiết sanh thức, Hữu phần và Tử tâm, chúng khởi lên nhưng không qua cửa nào.
- 9 đại dị thục tâm là dị thục của các thiền tâm. Chúng không khởi lên trong một diễn tiến của tâm thức ở Dục giới. Vì vậy chúng không khởi qua cửa nào cả. Chúng chỉ hoạt động theo Bhavanga, Patisandhi và Cuti (Hữu phần, kiết sanh thức và tử tâm).
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 18) Ekadvàrikacittàni pancachadvàrikàni ca.
Chadvàrikavimuttàni vimuttàni ca sabbathà.
Chattimsati tachà tìni ekatimsa yathàkkaman,
Dasadhà navadhà ceti pancadhà paridìpaye.

II. THÍCH VĂN.

- Paridìpaye: Làm cho rõ, giải thích.
III. VIỆT VĂN.

- 18) 36 tâm khởi qua một cửa. Ba tâm khởi qua 5 cửa. 31 tâm khởi qua 6 cửa. 10 tâm khởi qua 6 cửa và không khởi qua cửa nào. 9 tâm hoàn toàn không khởi qua cửa nào hết. Như vậy có 5 loại tâm được giải thích.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Ðây là bài kệ tóm tắt các loại tâm đứng về phương diện các cửa.

- 36 tâm tức là 10 thức tâm + 26 Ðại Hành và Siêu thế tốc hành tâm.
- 3 tâm tức là một ngũ môn hướng tâm + 2 Suy đạc tâm.

- 31 tâm tức là 1 suy đạc câu hữu với hỷ + 1 xác định tâm + 29 Dục giới tốc hành.
- 10 tâm tức là 2 Suy đạc câu hữu với xả + 8 Ðại Dị thục.
- 9 tâm tức là Dị thục Sắc giới 5 + Vô sắc 4.
PHÂN LOẠI THEO ÐỐI TƯỢNG
I. PÀLI VĂN.

- 19) Àrammanasangahe àrammanàni nàma, rùpàrammanam, saddàrammanam gandhàrammanam, rasàrammanam, photthabbàrammanam dhammàrammanam ceti chabbihàni bhavanti.
II. THÍCH VĂN.

- Àrammana: Ðối tượng. Photthabba: Xúc.
III. VIỆT VĂN.

- 19) Về đối tượng, có 6 đối tượng của tâm, tức là Sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Àrammanam, từ ngữ căn à + ram, nghĩa là luyến ái, dính, thích thú. Àlambana, từ ngữ căn à + lamb đeo vào. Vật mà chủ thể đeo vào, dính vào, nghĩa là đối tượng.

- Photthabbàrammana: Xúc, đây chỉ cho địa đại, hỏa đại và phong đại. Tánh cứng, tánh nóng và tánh động có thể cảm nhận nơi thân, trừ thủy đại có tánh nhiếp nên thân không cảm thọ được. Khi ba đại này xúc chạm với thân, thời lạc thọ, khổ thọ hay không lạc không khổ thọ khởi lên tùy theo đối tượng.
6 ÐỐI TƯỢNG
I. PÀLI VĂN.

- 20) Tattha rùpameva rùpàrammanam. Tathà saddàdayo saddàrammanàdìni. Dhammàrammanam pana pasàda-sukhu-marùpa-citta-cetasika-nibbàna-pannattivasena chaddhà sangayhanti.
II. THÍCH VĂN.

- Tattha: Ở nơi đây. Tathà: Cũng vậy. Sadda: Tiếng. Pasàda: Tịnh sắc căn. Sukhumarùpam: Tế sắc. Pannatti: Khái niệm. Sangayhanti: Họp lại với nhau.
III. VIỆT VĂN.

- 20) Ở đây có 6 đối tượng của tâm, tức là: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Pháp, đối tượng của ý căn cũng có sáu tức là tịnh sắc căn, tế sắc, tâm, tâm sở, niết bàn và khái niệm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Pasàda: Tịnh sắc căn, tức là bề mặt cảm thọ của các căn. Ðối với mắt, tai, mũi, lưỡi, tịnh sắc căn ở vào một vị trí đặc biệt còn tịnh sắc của thân căn ở cùng khắp cả thân.
Tế sắc: Trong 28 sắc pháp, 16 sắc gọi là tế, 12 gọi là thô. Sắc, thanh, hương, vị, xúc (gồm cả địa, hỏa và phong đại) và 5 tịnh sắc căn thuộc về thô sắc. 16 sắc còn lại gọi là tế sắc.
Tâm: chỉ cho 89 tâm. Tâm sở: chỉ cho 52 tâm sở. Niết bàn là đối tượng siêu thế đối với 8 siêu thế tâm. Pannatti: Khái niệm. Có hai: danh khái niệm (nàmapannatti) và nghĩa khái niệm (atthapannatti). Tên của các đồ vật tức là danh khái niệm. Nghĩa khái niệm là đối tượng hay ý nghĩa gợi ra bởi danh đối tượng.
SỰ HIỆN KHỞI CÁC ÐỐI TƯỢNG
I. PÀLI VĂN.

- 21) Tattha cakkhudvàrikacittànam sabbesampi rùpameva àrammanam. Tanca paccupannameva. Tathà sotadvàrikacittàdìnam pi saddàdìni. Tàni ca paccuppannàni yeva. Mano-dvãrikacittãnam pana chabbidhampu paccuppannamatĩtam anàgatam kàlavimuttam ca yathãraham àrammanam hoti. Dvàravimuttànanca patisandhibhavanga-cutisankhàtànam chabbidhampi yathàsambhavam yebhuyyena bhavantare cha-dvàragahitam paccuppannamatìtam pannattibhũtam vã kamma-kammanimitta-gatinimittasammatam àrammanam hoti.
II. THÍCH VĂN.

- Paccuppannam: Hiện tại. Atìtam: Quá khứ. Anàgatam: Tương lai. Kàlavimuttam: Thoát khỏi thời gian tánh. Yathàraham: Theo sự thích hợp. Kamma: Nghiệp. Kammanimittam: Nghiệp tướng. Gatinimittam: Thú tướng.
III. VIỆT VĂN.

- 21) Ở đây, chỉ có sắc là đối tượng độc nhất cho tất cả tâm khởi lên ngang qua nhãn môn. Ðối tượng ấy phải là hiện tại. Cũng vậy thanh v.v... là đối tượng độc nhất cho tất cả tâm khởi lên ngang qua nhĩ môn v.v... Ðối tượng này cũng phải là hiện tại. Nhưng đối với tâm khởi ngang qua ý môn, sáu đối tượng kể trên tùy theo thích hợp có thể thuộc hiện tại, quá khứ hay vị lai hay thoát ly ra ngoài thời gian. Các tâm làm các công tác Patisandhi, Bhavanga và cuti gọi là Dvàra-vimutta (thoát ly khỏi căn môn). Những đối tượng của những tâm này có thể là những gì đã kinh nghiệm trong đời trước, cả quá khứ và hiện tại. Trong khi lâm chung, đối tượng của những tâm ấy có thể là một khái niệm hoặc 1) một hành động thường hay làm trong đời trước, hay 2) một vật thường liên hệ với hành động ấy, hay 3) một hình ảnh của cõi đang chờ đợi (người chết để thác sanh).

IV. THÍCH NGHĨA.
- Ðối tượng của 5 căn phải là hiện tại. Ðối tượng của tâm khởi ngang qua ý môn tùy theo trường hợp có thể hiện tại, quá khứ, vị lai hay thoát ngoài thời gian. Tùy theo trường hợp nghĩa là đối với Dục giới tốc hành tâm (Kàmajavana), Thượng trí (Abhinna) và Siêu thế tốc hành tâm.
Sáu đối tượng của Dục giới tốc hành tâm trừ tiếu sanh tâm là thuộc hiện tại, quá khứ, vị lai và thoát ly thời gian.
Ðối tượng của tiếu sanh tâm là quá khứ, hiện tại và vị lai.
Ðối tượng của tốc hành tâm, khiến cho Thượng trí như thiên nhãn khởi lên thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai và thoát ly khỏi thời gian.
Ðối tượng của Ðại hành tốc hành tâm có thể thoát ly thời gian hay quá khứ. Vì Niết bàn thường tại, nên không thuộc quá khứ, hiện tại và vị lai. Pannatti (khái niệm) cũng thoát ly thời gian.
Trong khi lâm chung, khi sắp sửa từ giã cuộc đời, một người có thể thấy mình đang làm một hành động mà khi còn sống người này thường làm. Như kẻ giết người sẽ thấy mình đáng giết người. Một Phật tử tín thành có thể thấy đang lạy Phật. Như vậy gọi là Kamma. Người ấy có thể thấy một vật có liên hệ đến hành động của mình thường làm. Như kẻ giết người có thể thấy con dao; người Phật tử thuần thành có thể thấy hình ảnh đức Phật. Như vậy gọi là Kammanimitta (nghiệp tướng). Người ấy có thể thấy hình ảnh địa ngục, ngã quỷ nếu là người độc ác; hay thấy hình ảnh các cõi trời, nếu là người chí thiện. Như vậy gọi là gatinimitta (thú tướng).
ÐỐI TƯỢNG CỦA VÔ NHÂN VÀ BẤT THIỆN TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 22a) Tesu cakkhuvinnànàdìni yathàkkamam rùpàdi ekekàrammanàneva.
Manodhàtuttikam pana rùpàdipancãrammanam. Sesàni kàmàvacaravipàkàni hasanacittan ceti sabbathà pi kàmàvacaràrammanàneva. Akusalàni ceva nànavippayuttakàmàvacara-javanàni ceti lokuttara-vajjitasabbàrammanàni.

II. THÍCH VĂN.

- Yathàkkamam: Tùy theo trường hợp. Ekeka: Mỗi một.
III. VIỆT VĂN.

- 22a) Trong những tâm ấy, sắc là đối tượng độc nhất của nhãn thức. Cũng vậy, tiếng, hương, vị, xúc là đối tượng độc nhất của nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức. Còn ngũ môn hướng tâm và tiếp thọ tâm có cả 5 đối tượng tức là sắc, tiếng, hương, vị và xúc. Những Dục giới dị thục tâm còn lại và tiếu sanh tâm chỉ có những đối tượng ở Dục giới. Còn Dục giới tốc hành bất thiện tâm và các tâm không tương ưng với trí có tất cả loại đối tượng, trừ những đối tượng thuộc siêu thế giới.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Những Dục giới dị thục tâm còn lại là Suy đạc tâm 3 + Ðại Dị thục tâm 8. 11 tâm này làm những công tác Suy đạc, hay đồng sở duyên, hay Kiết sanh thức, hữu phần và tử tâm. Những công tác Suy đạc và Ðồng sở duyên không có công tác ở các cảnh giới cao hơn. Một người có thể tự cao khi làm việc thiện hoặc chứng cảnh giới thiền, vì vậy khởi một bất thiện tâm với một đối tượng thiện. Nhưng các bất thiện tâm không thể khởi ở Siêu thế giới, vì tại đây không thể còn là tham, sân, si. Tám tốc hành không tương ưng với trí có thể khởi đối với những đối tượng thuộc Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, nhưng không khởi đối với đối tượng Siêu thế. Dự lưu, Nhứt lai và Bất lai đã thấu triệt những cảnh giới siêu thế, nhưng khi tâm của các vị ấy là Dục giới không tương ưng với trí, các vị ấy không nhận thức các cảnh giới siêu thế. Chỉ khi nào tâm tương ưng với trí, các vị ấy mới nhận thức được những cảnh giới siêu thế. Cũng vậy đối với Dục giới Duy tác tâm không tương ưng với trí. Vị A la hán không nhận thức được các cảnh giới siêu thế, dầu các vị ấy biết những cảnh giới siêu thế một cách rõ ràng.
ÐỐI TƯỢNG CỦA DỤC GIỚI, SẮC GIỚI, VÔ SẮC GIỚI,
VÀ SIÊU THẾ TỊNH QUANG TÂM

I. PÀLI VĂN.

- 22b) Nanasampayuttakãmãvacarakusalãni ceva pancamajjhànasankhãtam abhinnàkusalan ceti arahattamaggaphalavajjitasabbàrammanàni.
Nànasampayuttakàmàvacarakriyàni ceva kriyàbhinnàvotthapanan cetiz sabbathà pi sabbàrammanàni.
Àruppesu dutiyacatutthàni mahaggatàrammanàni. Sesàni mahaggatacittàni sabbàni pi pannattàrammanàni. Lokuttaracittàni nibbànàrammanànìti.

II. THÍCH VĂN.

- Pancamajjhànasankkàtam: Gọi là đệ ngũ thiền. Abhinnàkusalam: Thiện thắng trí.
III. VIỆT VĂN.

- 22b) Dục giới Tịnh quang thiện tâm tương ưng với trí và thiện thắng trí của đệ ngũ thiền khởi lên với cả đối tượng trừ A la hán đạo và quả. Dục giới tịnh quang duy tác tâm và duy tác thắng trí của vị A la hán với xác định tâm có thể khởi lên với tất cả đối tượng.
Vô sắc giới đệ nhị và đệ tứ thiền lấy vô biên làm đối tượng. Ðối tượng của các Ðại hành tâm khác đều là những khái niệm. Niết bàn là đối tượng của các siêu thế tâm.

IV. THÍCH NGHĨA.

- Ðối tượng của Dục giới Tịnh quang thiện tâm tương ưng với trí của bậc Bất lai có thể thuộc Dục giới, sắc giới, vô sắc giới hay một cảnh giới của Siêu thế giới tự mình đã chứng được, chớ không vượt trên cảnh giới. Ðối tượng của Dục giới Duy tác tịnh quang tâm tương ưng với trí của vị A la hán có thể ở trong cảnh giới nào cũng được. Trong một thắng trí thuộc đệ ngũ thiền, một vị A la hán có thể biết được mọi sự vật ở bất cứ cảnh giới nào, hoặc quá khứ, hiện tại, vị lai hay ở rất xa. Còn ý môn hướng tâm hay xác định tâm có thể khởi lên với những đối tượng thuộc mọi cảnh giới, vì tâm này làm công tác suy tư, và tư tưởng nào cũng phải đề cập đến.
Anantàkàsa (không vô biên) và Àkincanna (vô sở hữu) lấy vô hữu làm đối tượng, còn Ðại hành tâm khác chỉ lấy Khái niệm làm đối tượng. Chúng chỉ là khái niệm của tư tưởng.
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 23) Panca vìsa parittamhi, cha cittàni mahaggate.
Ekavisati vohàre attha nibbàna-gocare.
Vìsànuttaramuttamhi, aggamagga-phalujjhite.
Panca, sabbattha chacceti sattadhà tattha sangaho.

II. THÍCH VĂN.

- Pancavìsa: 25 Parittamhi: Dục giới đối tượng. Vohàre: Khái niệm. Gocare: Ðối tượng. Vìsànuttaramuttamhi: 20 đối tượng siêu thế. Aggamaggaphala: A la hán đạo và quả. Ujjhite; Ngoại trừ.
III. VIỆT VĂN.

- 23) 25 tâm khởi lên với những đối tượng ở Dục giới. Sáu tâm lấy vô biên làm đối tượng, 21 tâm lấy khái niệm làm đối tượng. 8 tâm lấy Niết bàn làm đối tượng. 20 tâm lấy tất cả đối tượng trừ các đối tượng siêu thế. 5 tâm khởi lên với tất cả đối tượng trừ đối tượng siêu thế. 6 tâm khởi lên với tất cả đối tượng. Như vậy đối tượng các tâm được bàn đến dưới bảy mục.

IV. THÍCH VĂN.

- 25 tâm: Dục giới Dị thục 23 + ngũ môn hướng tâm 1 + Tiểu sanh tâm 1.
- 6 tâm: Thức vô biên xứ 3 + phi tưởng phi phi tưởng 3.
- 21 tâm: Sắc giới 15 + không vô biên xứ 3 + vô sở hữu xứ 3.
- 8 tâm: Ðạo tâm 4 + quả tâm 4.
- 20 tâm: Bất thiện 12 + Dục giới không tương ưng với trí, thiện 4 + Duy tác 4.
- 5 tâm: Dục giới thiện dị thục tương ư ng với trí 4 + Thiện thắng trí 1.
- 6 tâm: Dục giới Duy tác tương ưng với trí 4 + Duy tác thắng trí 1 + xác định tâm 1.

Ðối tượng của vô sắc giới đệ nhất và đệ tam thiền kiết sanh thức (patisandhi) cũng là một khái niệm quá khứ như ananto àkàso (hư không là vô biên) và natthi kinci (không có sở hữu gì). Hai khái niệm được xem như là Kammanimitta (nghiệp tướng) thâu lãnh ngang qua ý môn đối tượng của đệ nhị và đệ tứ thiền. Kiết sanh thức là một đối tượng quá khứ tức là Kammanimitta (nghiệp tướng) khởi lên ngang qua ý môn. Vô sắc giới, đệ nhị thiền lấy đệ nhứt thiền làm đối tượng và đệ tứ thiền lấy đệ tam thiền làm đối tượng.
PHÂN LOẠI THEO TRÚ CĂN
I. PÀLI VĂN.

- 24) Vatthu-sangahe vatthùni nàma, cakkhusota-ghàna-jivhà-kàya-hadayavatthu càti chabbidhàni bhavanti. Tàni kàma-loke sabbàni pi labbhanti. Rùpa-loke pana ghànàdittayam natthi. Arùpa-loke pana sabbàni pi na samvijjanti.
II. THÍCH VĂN.

- Vatthu: Trú căn. Hadayavatthu: Ðoàn tâm. Samvijjanti: Có.
III. VIỆT VĂN.

- 24) Về trú căn có sáu tất cả: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và đoàn tâm. Tại Dục giới, toàn thể trú căn đều có mặt. Tại sắc giới, không có ba trú căn (mũi, lưỡi và da). Ở vô sắc giới, không có trú căn nào cả.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Vatthu: từ ngữ căn Vas, nghĩa là ở, trú ngụ. Ðấy có nghĩa là trú sở của các căn.
TRÚ CĂN CỦA CÁC TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 25 a) Tattha panca - vinnàna - dhàtuyo yathàkkamam ekantena panca pasàda-vatthùni nissàyeva pavaitanti.
b) Panca-dvàràvajjana-sampaticchanasankhàtà pana manodhàtù ca hadayam nissità yeva pavattanti.
c) Avasesà pana mano-vinnana-dhàtu-sankhàtà ca santìrana-mahàvipàka- patighavaya - pathamamagga - hasanarùpàvacara - vasena hadayam nissàyeva pavattanti.
d) Avasevà kusalàkusala-krìyànuttara-vasena pana nissàya và anissàya và.
e) Àruppa-vipàka-vasena hadayam anissàyevà ti.

II. THÍCH VĂN.

- Yathàkkamam. Tùy theo trường hợp. Ekantena: Bởi mỗi môn. Pasàda: Tịnh sắc căn. Nissàya: Tùy theo, y theo. Pavattanti: Hiện khởi diễn tiến. Avasesà: Còn lại.
III. VIỆT VĂN.

- 25 a) Ở đây 5 thức khởi lên, mỗi thức y cứ trên tịnh sắc trú căn của mình.
b) Còn ý giới tức là ngũ môn hướng tâm và tiếp thọ tâm khởi lên, y cứ trên đoàn tâm.
c) Các tâm còn lại thuộc ý thức tức là Suy đạc tâm, Ðại Dị thục tâm, hai Hận tâm, Dự lưu đạo tâm, Tiếu sanh tâm, và Sắc giới tâm khởi lên, cũng ý cứ trên đoàn tâm.
d) Các tâm còn lại như Thiện, Bất thiện, Duy tác và Siêu thế tâm khởi lên vừa y cứ trên đoàn tâm, vừa không y cứ trên đoàn tâm.
e) Các Vô sắc dị thục tâm khởi lên không y cứ đoàn tâm.

VI. THÍCH NGHĨA.
- Theo các nhà sớ giải, Hadayavatthu (đoàn tâm) là trú căn của tâm thức. Theo truyền thuyết, trong trái tim có một số máu, và ý cứ trên những máu ấy là trú căn của tâm thức. Ðó là quan điểm về trái tim đương thời. Có lẽ đức Phật không bác bỏ cũng như không công nhận lý thuyết này. Trong quyển Dhammasangani, danh từ Hadayavatthu bị bỏ quên. Trong tập Patthàna đáng lẽ dùng chữ Hadaya là trú căn của tâm thức, tập này dùng chữ yam rùpamnissàya (y cứ trên sắc pháp này). Ở đây có ba danh từ đặc biệt được dùng đến. Panca vinnànadhàtu chỉ cho 5 thức. Manodhàtu chỉ cho ngũ môn hướng tâm và hai tiếp thọ tâm. Manovinnànadhàtu chỉ cho tất cả tâm còn lại.
3 Suy đạc tâm với 8 Ðại Dị thục tâm không khởi ở vô sắc giới vì không có căn môn và công tác nào ở cảnh giới ấy. Vì Sân đã được trừ diệt nên hai hận tâm không khởi ở sắc giới và vô sắc giới.
Muốn chứng Dự Lưu Ðạo Tâm, cần phải nghe tiếng của người khác (paratoghosappaccaya), nên phân loại Dự lưu tâm trong các tâm y cứ nơi đoàn tâm. Tiểu sanh tâm không thể khởi nếu không có một thân thể. Ðức Phật và các Ðộc giác Phật có tâm này không thể sanh ra ngoài loài người.
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 26) Cha-vatthum nisstà kàme satta rùpe catubbidhà.
Tivatthum nissitàrùpe dhàtvekànissità matà.
Tecattàlìsa nissàya dvecattàlìsa jàyare.
Nissàya ca anissàya pàkàruppà anissità.

II. THÍCH VĂN.

- Dhàtveka: Một ý giới. Matà: Cần phải hiểu. Tecattàlìsa: 43. Jàyare: Sinh ra. Pàkàruppà: Vô sắc giới dị thục tâm.
III. VIỆT VĂN.

- 26) Ở giới, 7 thức khởi lên, y cứ trên 6 trú căn. Ở sắc giới 4 tâm khởi lên, y cứ trên ba trú căn tức là mắt, tai và đoàn tâm. Ở vô sắc giới, sự nhận thức tự mình không y cứ vào chỗ nào cả. 43 tâm khởi lên y cứ vào sáu trú căn. 42 tâm khởi lên y cứ vào 6 trú căn và cũng không y cứ vào chỗ nào cả. 4 Vô sắc giới Dị thục tâm khởi lên không y cứ vào trú căn nào cả.
IV. THÍCH NGHĨA.
- 7 thức tâm tức là Manodhàtu (ý giới), Manovinnànadhàtu (ý thức giới) và vinnàna (thức như nhãn thức v.v...). 4 tâm là nhãn thức giới + nhĩ thức giới + ý giới + ý thức giới.
43 tâm sau này khởi lên, y cứ trên 6 trú căn:

Kàmavipàka (Dục giới Dị thục):23
Panca dvàràvajjana (Ngũ môn hướng tâm):1
Hasituppàda (Tiếu sanh tâm):1
Patigha (Hận):2
Rùpàvacara (Sắc giới tâm):15
Sotàpattimagga (Dực lưu đạo tâm):1
Tổng cộng:43
42 tâm sau đây khởi lên, y cứ trên 6 căn và cũng không y cứ trên căn nào khác.
Akusala (Bất thiện trừ hai hận tâm):10
Manodvàràvajjana (ý môn hướng tâm):1
Kàma, kusala + kiriyà (Dục giới, thiện + Duy tác):16
Arùpa, kusala + kiriyà (Vô sắc giới, thiện + Duy tác):8
Lokuttara (Siêu thế trừ Dự Lưu đạo tâm):7
Tổng cộng:42



Ghi chú: Có thể tham chiếu thêm với:

1) Vi Diệu Pháp Toát Yếu, bản dịch Việt ngữ của Phạm Kim Khánh (với đầy đủ các ký tự Pàli).
2) A Manual of Abhidhamma, bản dịch Anh ngữ và chú thích của Hòa Thượng Narada.

-ooOoo-
CHƯƠNG BỐN
LỘ TRÌNH CỦA TÂM (CITTA-VÌTHI)
PHẦN MỘT: LỘ TRÌNH CỦA TÂM QUA 5 CĂN
BÀI KỆ GIỚI THIỆU
I. PÀLI VĂN.

- Cittuppàdànamiccevam katvà sangahamuttaram,
Bhùmi-puggala-bhedena pubbàpara-niyàmitam.
Pavatti-sangaham nàma patisandhi-pavattiyam.
Pavakkhàmi samàsena yathàsambhavatokatham.

II. THÍCH VĂN.

- Cittupàdànam: Những tâm sở cùng khởi với tâm. Sangahamuttaram: Sự tổng hợp vô thượng của các tâm, tâm sở. Bhùmi-puggala-bhedena: Theo sự phân chia các cảnh giới và loài người. Pubbàparaniyàmitam: Như đã quyết định bởi những gì xảy ra ở trước và ở sau. Pavattisangaham: Tổng hợp sự diễn tiến (của tâm thức). Patisandhipavattiyam: Sự tiếp tục của kiết sanh thức Pavakhàmi: Tôi sẽ nói. Samàsena: Tóm tắt. Yathàsambhavam: Tùy theo sự hiện hữu. Katham: Lời nói.
III. VIỆT VĂN.

- 1) Sau khi tổng hợp các tâm và tâm sở, tôi sẽ nói một cách vắn tắt, theo thứ tự, sự tổng hợp của tâm khi thọ sanh và khi sống, theo các cảnh giới và theo loại người như đãđược định đoạt bởi những tâm nào trước những tâm nào sau.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Chương trước đã giải thích các tâm và tâm sở, tổng hợp theo thọ, môn v.v... Chương này bànđến sự diễn tiến của tâm thức khi thọ sanh và khi sinh hoạt thường ngày tùy theo loại người và các cảnh giới. Chữ "định đoạt bởi những tâm nào trước những tâm nào sau" nghĩa là một tâm này khởi lên,theo sau một số tâm và đi trước một số tâm.
6 LOẠI, 6 THỨ
I. PÀLI VĂN.

- 2) Cha vatthùni, cha dvàràni, cha àrammanàni, cha vinnànàni, cha vìthiyo, chadhà visayappavatti ceti vìthi-sangahe cha chakkàni veditabbàni.
3) Vithì-muttànam pana kamma-kammanimitta-gatinimittavasena tividhà hoti visayappavatti.
4) Tattha vatthu-dvàràrammanàni puble vuttana-yàneva.
5) Cakkhu-vinnànam, sota-vinnànam, ghàna-vinnànam, jivhà-vinnànam, kàya-vinnànam, mano-vinnànam ceti cha vinnànàni.

II. THÍCH VĂN.

- Vatthùni: Trú căn. Dvàràni: Môn. Àrammanàni: Sở duyên, đối tượng. Vìthiyo: Con đường diễn tiến của tâm thức. Visayappavatti: Sự trình bày của đối tượng. Vìthimuttànam: Thoát ly lộ trình.
III. VIỆT VĂN.

- 2) Về sự tổng hợp lộ trình của tâm, 6 loại mỗi loại 6 thứ cần phải biết: 6 trú căn, 6 căn môn, 6 sở duyên, 6 thức, 6 lộ trình, 6 sự trình bày của đối tượng.
3) Ðối với tâm thoát ly ngoài lộ trình, đối tượng hiện khởi có ba: nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng.
4) Ở đây, các trú căn, căn môn và sở duyên đã nói trước rồi.
5) 6 thức tức là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Các tâm có những tác động Patisandhi, Bhavanga và Cuti không phải là tâm sát-na trong lộ trình của tâm thức, cho nên các tâm ấy được gọi là thoát ly lộ trình của tâm.
CÁC LOẠI LỘ TRÌNH
I. PÀLI VĂN.

- 6) Cha vìthiyo pana cakkhu-dvàra-vìthi, sota-dvàra-vìthi, ghàna-dvàra-vìthi, jivhà-dvàra-vìthi, kàya-dvàra-vithì, mano dvàra-vithì, ceti dvàravasena và. Cakkhu-vinnàna-vìthi, sota-vinnàna-vìthi, ghàna-vinnàna-vìthi, jihvà-vinnàna-vìthi, kàya-vinnàna-vìthi, mano-vinnàna-vìthi, ceti vinnàna-vasena và dvàrappavattà cittappavattiyo yojetabbà.
II. THÍCH VĂN.

- Cakkhudvàravìthi: Lộ trình của tâm ngang qua nhãn môn. Dvàrappavattà: Diễn khởi ngang qua căn môn. Cittappavattiyo: Sự diễn tiến của tâm. Yojetabbà: Cần phải liên quan như vậy.
III. VIỆT VĂN.

- 6) Theo các môn, lộ trình của tâm có 6: Lộ trình qua nhãn môn, lộ trình qua nhĩ môn, lộ trình qua tỷ môn, lộ trình qua thiệt môn, lộ trình qua thân môn, lộ trình qua ý môn.
Hay theo thức cũng có sáu. Lộ trình của nhãn thức, lộ trình của nhĩ thức, lộ trình của tỷ thức, lộ trình của thiệt thức, lộ trình của thân thức, lộ trình của ý thức. Như vậy sự diễn tiến của tâm đối với các môn cần phải tương quan như vậy.
TÂM SÁT NA - LỘ TRÌNH CỦA TÂM
Tâm trạng thụ động của tâm, khi được trôi chảy không bị một kích thích nào, được gọi là Bhavanga hay hữu phần. Các tâm khởi lên trên mặt Bhavanga rồi chìm xuống vào Bhavanga. Thông thường, chúng ta không thể giữ mãi một tâm, không cho chìm xuống Bhavanga. Một tâm có thể sánh như một làn sóng nổi lên trên mặt biển, tồn tại trong một thời gian rồi chìm xuống để làm nổi dậy một làn sóng khác rồi đến một làn sóng khác. Cũng như vậy, một tâm khởi lên trên mặt Bahavanga, được nhận thức rồi tâm ấy chìm xuống để làm khởi dậy một tâm khác và một tâm khác nữa. Như vậy một tâm có ba giai đoạn: 1) Uppàda (2) (Sanh) Thiti (trú) và Bhanga (diệt). Ðời sống của một tâm, từ khi khởi cho đến khi chìm xuống gọi là Cittakhana (Tâm sát-na).
Khi một kích thích ở ngoài được thọ lãnh ngang qua 5 căn,
1. Sự trôi chảy yên tịnh của Bhavanga bị rung động trong một tâm sát-na và được gọi là Bhavangacalana (sự rung động của hữu phần).
2. Rồi dòng Bhavanga đứng dừng lại trong một tâm sát-na và gọi là Bhavangupaccheda (sự dừng đứng của Bhavanga).
Rồi cùng trên một đối tượng ấy, những tâm sát-na sau này khởi lên, tiếp nối nhau một cách mau lẹ, khởi lên rồi chìm xuống.
3. Pancadvàravajjana (ngũ môn hướng tâm)
4. Cakkhuvinnàna (nhãn thức hay một trong 4 thức khác).
5. Sampaticchana (Tiếp thọ tâm).
6. Santìrana (Suy đạc tâm).
7. Votthapana (Xác định tâm).
8 - 14) Javana (Tốc hành tâm). Tâm này mạnh đến 7 sát-na.
15 - 16) Tadàlambana (Ðồng sở duyên). Tâm này gìn giữ và ghi nhận vào trong tiềm thức và lập đi lập lại đến hai sát-na.
Như vậy, từ Bhavanga calana đến Tadàlambana có đến 16 tâm sát-na tất cả và hoàn tất sự diễn tiến của tâm ngang qua 5 môn gọi là Pancadvàravìthi (Lộ trình của tâm qua 5 môn). Khi chúng ta nghe tiếng, ngửi hương, nếm vị, chúng ta có đến hàng ngàn Vithì (Lộ trình). Khi chúng ta tiếp tục phân biệt các pháp, mỗi lần chúng ta ghi nhận kinh nghiệm vào trong tiềm thức.
Sự tương quan giữa tâm và vật chất.
Vật ở đời hình như ở yên, những sự thật những vật ấy luôn luôn chuyển dịch thay đổi. Chúng có thể ví dụ như lửa một ngọn đèn, ngọn lửa hình như bất dịch nhưng sự thật luôn luôn đổi mới từng sát-na một. Ðó là định lý Anicca của đạo Phật.
Nhưng nếu sự vật thay đổi biến dịch mau chóng như vậy, vì sao một lộ trình của tâm có thể diễn tiến trên một sự vật làm đối tượng, vì một lộ trình dài cho đến 16 tâm sát-na. Abhidhamma giải thích rằng sự biến dịch của sự vật chậm hơn sự biến dịch của tâm đến 16 lần.
Một vật hay đối tượng cần một tâm sát-na để khởi lên rồi đến sát-na thứ hai được tâm nhận lãnh. Như vậy tuổi thọ đời sống của một đối tượng có tất cả là 17 tâm sát-na. Ðến cuối sát-na thứ 17, lộ trình của tâm được trọn đủ và đời sống của vật đối tượng được tiêu diệt.
PHÂN LOẠI CÁC ÐỐI TƯỢNG
I. PÀLI VĂN.

- 7) Ati-mahantam, mahantam, parittam, atiparittam, ceti pancadvàre. Mano-dvàre vibhùtamavibhùtam ceti chadhà visayappavatti veditabbà.
II. THÍCH VĂN.

- Atimahantam: Rất lớn. Mahantam: Lớn. Paritta: Nhỏ. Atiparitta: Rất nhỏ. Vibhùta: Rõ ràng. Avibhùta: Không rõ ràng. Visayappavatti: Sự trình bày của đối tượng.

III. VIỆT VĂN.

- 7) Ðối tượng được trình bày theo sáu hình thức như sau:
Ngang qua 5 môn: Rất lớn, lớn, nhỏ và rất nhỏ.
Ngang qua ý môn: Rõ ràng và không rõ ràng.

IV. THÍCH NGHĨA.
- 1) Khi sự kích thích của đối tượng quá rõ ràng, sự kích thích ấy được lãnh thọ chỉ một sát-na sau khi khởi lên rồi lộ trình của tâm tiếp theo, kéo dài đến 16 sát-na, và đời sống của đối tượng được chấm dứt. Một đối tượng như vậy được gọi là Atimahanta hay Rất lớn.
2) Khi sự kích thích của đối tượng không quá rõ ràng như trên, sự kích thích ấy được lãnh thọ có thể chậm trễ hơn sau khi khởi lên và bị chấm dứt giữa chừng trước khi lộ trình của tâm được hoàn thành. Lộ trình ấy chỉ tồn tại cho đến cuối giai đoạn Javana (tốc hành). Do vậy các tâm sát-na của Ðồng sỏ duyên (Tadàlambana) không khởi lên. Ðối tượng như vậy được gọi là Mahanta hay lớn.
3) Khi sự kích thích của đối tượng còn yếu ớt hơn, sự kích thích ấy được lãnh thọ còn chậm trễ hơn nữa sau khi khởi lên và bị chấm dứt trước khi giai đoạn Javana được bắt đầu. Trong trường hợp này, tâm sát-na của Votthapana (xác định tâm) được lập lại hai hay ba lần rồi chìm vào trong Bhavanga. Ðối tượng như vậy được gọi là Paritta hay nhỏ.
4) Khi sự kích thích quá muội lược, sự kích thích này lại quá chậm và chấm dứt sau khi khiến Bhavanga rung động, trước khi một tâm sát-na nào có thể khởi lên. Một đối tượng như vậy gọi là Atiparitta hay rất nhỏ.
5) Khi sự kích thích qua ý môn được rõ ràng, thời một lộ trình của tâm được diễn ra đầy đủ cho đến cả hai tâm sát-na của Tadàlambana (Ðồng sở duyên). Ðối tượng này được gọi là vibhùta hay quá rõ ràng.
6) Khi sự kích thích không được rõ ràng, thời lộ trình của tâm chỉ diễn tiến đến Javana rồi chìm xuống Bhavanga. Như vậy hai sát na của Tadàlambana không khởi. Ðối tượng như vậy gọi là không rõ ràng.
LỘ TRÌNH CỦA TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 8) Katham? Uppàdatthitibhangavasena khanattayam ekacittakkhanam nàma. Tàni pana sattarasacittakkhanàni rùpadhammànamàyu. Ekacittakkhanàtìtàni và bahucittakkhanàtìtàni và thitippattàneva pancàrammanàni pancadvàre àpàthamàgacchanti.
Tasmà, yadi ekacittakkhanàtìtakam rùpàrammanam cakkhussa àpàthamàgacchanti, tato param dvikkhattum bhavange calite bhavangasotam vocchinditvà tameva rùpàrammanam àvajjantam pancadvàràvajjanacittam uppajjitvà nirujjhati. Tato tassànantaram tameva rùpam passantam cakkhuvinnànam. Sampaticchantam sampaticchanacittam. Santìrayamànam santìranacittam. Vavatthapentam votthapanacittam ceti yathàkkamam uppajjitvà niruj’hanti.
Tato param ekùnatimsa-kàmàvacarajavanesu yam kinci laddhappaccayam yebbhuyyena sattakkhattum javati. Javanànubandhàni ca dve tadàrammanapàkàni yathàraham pavattanti. Tato param bhavangapàto.

II. THÍCH VĂN.

- Katham: Sao. Uppàda: Sinh. Thiti: Trú. Bhanga: Diệt. Khanattayam: 3 sát-na. Ekacittakkhanam: Một tâm sát-na. Sattarasacittakkhanàni: 17 tâm sát-na. Rùpadhammànamàyu: Tuổi thọ của các sắc pháp. Ekacittakkhanàtìtàni: Một sát-na tâm về quá khứ. Bahucittakkhanàtìtàni: Nhiều sát-na tâm về quá khứ. Thitippattàni: Tại giaiđoạn trú. Àpàthamàgacchanti. Ðến trong phạm vi nhận thức của 5 căn. Tato param: Rồi tiếp đến. Dvikkhattum: Hai lần. Bhavangasotam: Giòng hữu phần. Vocchinditvà: Bị gián đoạn. Nirujjhati: Diệt. Tato tassànantaram: Từ đó, tiếp liền theo tâm ấy. Ekùnatimsa: 29. Laddhappaccayam: Nhận lãnh bởi nhân duyên. Yebhuyyena: Phần lớn. Bhavangapàto: Rơi vào hữu phần.
III. VIỆT VĂN.

- 8) Như thể nào? Một sát-na tâm gồm có ba giai đoạn sanh, trú và diệt. 17 sát-na tâm như vậy là tuổi thọ của các sắc pháp. 5 đối tượng của giác quan được vào trong phạm vi tiếp nhận của 5 căn hoặc một tâm sát-na chậm hơn hoặc nhiều tâm sát-na chậm hơn.
Do vậy, khi sắc pháp được vào trong phạm vi tiếp nhận của mắt một tâm sát-na chậm hơn, tiếp theo hữu phần rung động hai lần và giòng hữu phần dừng nghỉ, rồi ngũ môn hướng tâm khởi lên và diệt mất, làm phận sự hướng tâm đến sắc đối tượng ấy. Tiếp theo tâm ấy, các tâm sau đây tuần tự khởi lên rồi diệt mất: nhãn thức thấy sắc, tiếp thọ tâm lãnh thọ (sắc), suy đạc tâm suy đạc (sắc), xác định tâm xác định (sắc).
Tiếp theo, một trong 29 Dục giới tốc hành tâm do nhân duyên chi phối, phần lớn tồn tại đến 7 sát-na. Theo sau Javanà là hai Ðồng sở duyên tâm tùy theo mà khởi lên. Tiếp đến, lộ trình chìm trong Bhavanga.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Theo thông lệ, khi một đối tượng vào trong phạm vi nhận thức của thức, qua một trong 5 cửa, một sát na của Bhavanga được trôi qua. Sát na ấy gọi là quá khứ hữu phần (atìtabhavanga). Rồi lộ trình của các tâm tiếp tục tiếp diễn cho đến 16 sát-na. Một đối tượng như vậy gọi là rất lớn.
- 29 Dục giới tốc hành tâm là: Bất thiện 12 + Thiện 16 + Tiếu sanh tâm 1.
- Một đối tượng tồn tại cho đến 17 tâm sát-na như sau:

* Pancadvàràvajjana 1 + cakkhuvinnànam 1 + sampaticchana 1 + santìrana 1 + votthapana 1 + Javana 7 + Tadàlambana 2 = 14.
* Bhavannga rung động 2 + quá khứ hữu phần 1 = 3.
CÁC ÐỐI TƯỢNG RẤT LỚN, LỚN, NHỎ, RẤT NHỎ
I. PÀLI VĂN.

- 9) a) Ettàvatà cuddasa vìthicittuppàdà, dve bhavangacalanàni, pubbevàtìtakamekacittakkhananti katvà sattarasacittakkhanàni paripùrenti, tato param nirujjhati. Àrammanametam atimahantam nàma gocaram.
b) Yàva tadàrammanuppadà pana appahontàtìtakamàpàthamàgatam àrammanam mahantam nàma. Tattha javanàvasàne bhavangapàto va hoti, natthi tadàrammanuppàdo.
c) Yava javanuppàdà pi appahontàtìtakamàpàthamàgatam àrammanam parittam nàma. Tattha javanampi anuppajjitvà dvittikkhattum votthapanameva pavattati, tato param bhavangapàto va hoti.
d) Yàva votthapanuppàdà ca pana appahontàtìtakamàpàthamàgatam nirodhàsannamàrammanam atiparittam nàma. Tattha bhavanga-calanameva hoti, natthi vìthicittuppàdo.
e) Iccevam cakkhudvàre tathà sotadvàràdisu ceti sabbathàpi pancadvàre tadàrammana-javana-votthapana-moghavàrasankhàtànam catunnam vàrànam yathàkkamam àrammabhùtà visayappavatti-catudhà veditabbà.

II. THÍCH VĂN.

- Cuddasa vìthicittuppàdà: 14 sự sinh khởi các tâm ở trong lộ trình. Patipùrenti: Làm cho đầy đủ. Gocaram: Cảnh, đối tượng. Appahontàtìtakam: Trải qua một thời gian ngắn. Dvittikkhattun: 2 hay 3 lần. Nirodhàsannamàrammanam: Ðối tượng sắp sửa diệt. Mogha: Trống rổng, vô ích. Vàra: Sự trình bày.
III. VIỆT VĂN.

- 9) a) Như vậy một đối tượng sống đầy đủ cho đến 17 tâm sát-na sau khi được thâu nhận chậm đến một tâm sát-na, tức là 14 tâm sanh ra ở trên lộ trình, hai sự rung động của hữu phần. Sau đó tâm ấy diệt. Một đối tượng như vậy gọi là rất lớn.
b) Một đối tượng được gọi là lớn nếu được thâu nhận chậm hơn và không thể tồn tại cho đến khi đồng sở duyên khởi lên. Ðến cuối Tốc hành tâm, đối tượng ấy chìm vào hữu phần và đồng sở duyên tâm không khởi lên.
c) Một đối tượng được gọi là nhỏ nếu được thâu nhận chậm hơn và không thể tồn tại cho đến khi Tốc hành tâm khởi lên, ở đây Tốc hành tâm không khởi lên, xác định tâm phải tồn tại hai hay ba tâm sát-na. Xong lại chìm vào hữu phần.
d) Một đối tượng sắp sửa diệt được gọi là rất nhỏ nếu được thâu nhận rất chậm và không thể tồn tại cho đến khi xác định tâm khởi lên. Ở đây Hữu phần chỉ rung động, lộ trình tâm không khởi lên.
e) Như vậy đối với nhãn môn. Cũng vậy đối với nhĩ môn v.v... tổng cộng tất cả 5 môn, có 4 sự trình bày của đối tượng, tùy theo thứ tự, theo 4 cách, được biết là Tadàlambana-vàra, tồn tại cho đến Tốc hành tâm, Votthapanavàra, tồn tại cho đến xác định tâm và moghavàra, chỉ khiến cho Hữu phần rung động.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Vìthicitta: Những tâm khởi ra trên lộ trình có 14: Ngũ môn hướng tâm 1 + Nhãn thức + Tiếp thọ tâm 1 + Suy đạc tâm 1 + Votthapana 1 + Javana 7 + Tadàlambana 2.
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 10) Vìthicittàni satteva cittuppàdà catuddasa, Catupannàsa vitthaàrà pancadvàre yathàraham.
II. THÍCH VĂN.

- Vìthicittàni: Những tâm trên lộ trình. Catupannàsa: 54. Vitthàrà: Nói rộng ra.
III. VIỆT VĂN.

- 10) Tại 5 môn khởi lên, tùy theo thứ tự:
1. Chỉ có 7 giai đoạn Tâm sát-na trên lộ trình của tâm.
2. 14 sát-na tâm
3. Và rộng hơn có 54 tâm.

IV. THÍCH NGHĨA.
- 7 giai đoạn của tâm sát-na là ngũ môn hướng tâm, một trong năm thức, tiếp thọ tâm, suy đạc tâm, xác định tâm, Tốc hành tâm và Ðồng sở duyên.
- 14 Tâm sát-na là ngũ môn hướng tâm 1 + một trong 5 thức 1 + Tiếp thọ tâm 1 + Suy đạc tâm 1 + Xác định tâm 1 + Tốc hành tâm 7 + Ðồng sở duyên 2: 14.
- 54 tâm là 54 Dục giới tâm (12 bất thiện + 18 vô nhân tâm + 24 Tịnh quang tâm).
PHẦN HAI - LỘ TRÌNH QUA Ý MÔN
I. PÀLI VĂN.

- 11) Mano-dvàre pana yadi vibhùtamàlambanam àpàthamàgacchati, tato param bhavangacalana-manodvàràvajjana-javanàvasàne tadàlambana-pàkàni pavattanti, tato param bhavanga-pàto.
Avibhùte àlambane javanàvasàne bhavangapàtova hoti, natthi ta-dàlambanuppàdo.

II. THÍCH VĂN.

- Yadi: Nếu. Vibhùtamàlambanam: Ðối tượng rõ ràng. Avibhùte: Không rõ ràng.
III. VIỆT VĂN.

- 11) Nếu một đối tượng rõ ràng vào trong phạm vi nhận thức ngang qua ý môn, tiếp theo đó Ðồng sở duyên dị thục tâm khởi lên sau Hữu phần rung động, Ý môn hướng tâm, Tốc hành tâm. Tiếp theo lại chìm vào Hữu phần. Nếu một đối tượng không rõ ràng, thời sau Tốc hành tâm, rơi vào Hữu phần, Ðồng sở duyên tâm không sanh khởi.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Những đối tượng của sự nhận thức ngang qua ý môn thuộc về Dục giới, như khi tưởng nhớ, suy nghĩ hay nội quán. Hay thuộc về Ðại hành, như là quang tướng của đối tượng tu thiền; Hay là những khái niệm của vô sắc giới, hay của siêu thế giới, tức là Niết bàn.
Ðối tượng ở Dục giới có thể rõ ràng hay không rõ ràng. Khi đối tượng rõ ràng, lộ trình của tâm tồn tại cho đến 2 sát-na của Ðồng sở duyên tâm. Nhưng nếu đối tượng không rõ ràng, thời chỉ đến giai đoạn Tốc hành tâm rồi chìm xuống Hữu phần.
Khi một người tu hành quán tưởng trên một đối tượng của Ðại hành hay của Siêu thế, vị này chứng được nhiều lộ trình trên đối tượng này và chìm xuống Bhavanga (Hữu phần) nhiều lần. Sau một thời gian tu tập, vị ấy có thể tùy theo ý muốn gìn giữ Tốc hành tâm (Javana) không cho chìm xuống Bhavanga (hữu phần). Ðó gọi là Thiền tâm được tên là Appanà (An-chỉ). Lộ trình Dục giới tâm này rất quan trọng và được gọi là Appanà-Javana-vàra hay lộ trình của tâm đến Appanà-Javana. Lộ trình này rất quan trọng, vì chính ở lộ trình này mà Dục giới tâm chấm dứt và Ðại Hành hay Siêu thế tâm bắt đầu.
Dục giới Tốc hành tâm này phải là một trong 8 Tịnh quang tâm tương ứng với Trí (4 Thiện + 4 Duy tác), không thể là bất thiện hay không tương ứng với Trí. Ba hay bốn Sát-na tâm đầu của Dục giới Tốc hành tâm này thuộc về Dục giới. Ðại hành hay Siêu thế Tốc hành bắt đầu từ thứ tư hay thứ năm. Nhưng Dục giới Tốc hành tâm này rất mạnh và được gọi: 1) Parikamma (Chuẩn bị), 2) Upacàra (Cận hành), 3) Anuloma (Thuận thứ) và 4) Gotrabhù (Chuyển tánh). Sau Appanà Javana, sẽ không có Tadàlambana (Ðồng sở duyên), vì ở đây đối tượng không phải thuộc Dục giới.
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 12) Vìthi - cìttàni tineva cittuppàdà daserità Vitthàrena panethekacattàlìsa vibhàvaye.
II. THÍCH VĂN.

- Daserità: Ðược trình bày. Vibhàvaye: Sẽ làm cho rõ ràng, sẽ giải thích.
III. VIỆT VĂN.

- 12) 3 loại và 10 loại (tâm) trên lộ trình của tâm được trình bày. Sẽ được giải thích với các chi tiết, là có tất cả 41 loại tâm.
IV. THÍCH NGHĨA.
- 3 loại tức là 3 tâm: Ý môn hướng tâm, Tốc hành tâm và Ðồng sở duyên.
- Mười tâm sát-na là Ý môn hướng tâm 1 + Tốc hành tâm 7 + Ðồng sở duyên 2.
- 41 tâm thuộc Dục giới được khởi lên, trừ 13 tâm sau này: 10 Thức tâm + 1 Ngũ môn hướng tâm + 2 Tiếp thọ tâm. Nên để ý rằng 3 Suy đạc tâm và 8 Ðại Dị thục khởi lên trên lộ trình qua ý môn, dưới danh nghĩa Ðồng sở duyên.
LỘ TRÌNH CỦA AN-CHỈ TỐC HÀNH TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 13) Appanàjavanavàre pana vibhùtàvibhùtabhedo natthi. Tathà tadàrammanuppàdo ca. Tattha hi nànasampayut-takàmàvacarajavanànamatthannam annatarasmim parikammopacàrànulo-magotrabhùnàmena catukkhattum tikkhattumeva và yàthàkkamam up-pajjitvà niruddhànantarameva yathàraham catuttham pancamam và chabbìsati mahaggata-lokuttara-javanesu yathàbhinìhàravasena yam kinci javanam appanàvìthimotarati, tato param appanà-javanàvasàne bhavangapàto va hoti.
II. THÍCH VĂN.

- Parikamma: Chuẩn bị. Upacàra: Cận hành. Anuloma: Thuận thứ. Gotrabhù: Chuyển tánh. Chabbìsati: 26. Yathàbhinìhàravasena: Tùy theo sự nỗ lực thích hợp. Appanàvìthimotarati: Ði xuống lộ trình của Appanà (An chỉ).
III. VIỆT VĂN.

- 13) Trong sự diễn hành của An-chỉ tốc hành, không có phân biệt đối tượng rõ ràng và không rõ ràng. Cũng không có sự sanh khởi của Ðồng sở duyên. Ở đây, một trong 8 Dục giới Tốc hành tâm, tương ứng với trí, tùy theo thứ tự khởi lên, 4 lần hay 3 lần, dưới danh nghĩa Parikamma (chuẩn bị), Upacàra (cận hành) Anuloma (thuận thứ) và Gotrabhù (chuyển tánh). Liền sau khi chúng diệt, trong sát-na thứ tư hay thứ năm tùy theo trường hợp, một Tốc hành tâm trong 26 Ðại hành và Siêu thế tâm đi vào trong lộ trình của An chỉ chỉ tùy theo sự cố gắng thích hợp.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Appanà nghĩa là hướng dẫn và y chỉ nhứt tâm trên đối tượng (Ekaggam cittam àrammane appenti), như vậy là một hình thức của vitakka (tầm) nhưng sắc sảo và mãnh liệt hơn. Vị muốn tu thiền lựa chọn một đối tượng thích hợp, tùy theo tánh tình của mình rồi chuyên chú quán tưởng cho đến khi chứng được sơ thiền. Ở đây lộ trình của tâm sẽ như sau: Manodvàràvajjana (Ý môn hướng tâm), Parikamma (Chuẩn bị tâm), Upacàra (Cận hành tâm), Anuloma (Thuận thứ tâm), Gotrabhù (Chuyển tánh), Appanà (An chỉ). Tâm đầu là Ý môn hướng tâm, đến trước Tốc hành tâm, và tùy thuộc với đối tượng được nhận thức.
Thứ đến Parikamma (Chuẩn bị tâm), sở dĩ được gọi vậy vì tâm này sửa soạn chuẩn bị cho một tâm cao hơn, hoặc là Ðại-hành tâm, hoặc là Siêu thế tâm. Xong đến Upacàra hay Cận hành tâm, vì tâm này khởi lên rất gần với thiền tâm hay Siêu thế tâm sắp chứng được. Thông thường hai sát-na tâm này khởi lên, bắt đầu cho lộ trình của Appanà (An chỉ). Nhưng đối với vị tu hành đã thuần thục, chỉ có Upacàra tâm khởi lên, không có Parikamma tâm. Tâm sát-na thứ ba được gọi là Anuloma (Thuận thức) vì tâm này vừa thuận với tâm trước và thuận với tâm tiếp (gotrabhù). Gotrabhù nghĩa là tâm đã diệt trừ Dục giới tánh, phát triển đại hành tánh hoặc siêu thế tánh. Tiếp theo tâm này là tâm Appanà. Ðến đấy định tâm đã đạt được mức độ rất cao.
Một Jhàna chưa phát triển đến mực độ tối đa được gọi là Upacàrasamàdhi. Ðối với người phàm phu hay người hữu học (Sekha), một trong 4 Dục giới Tốc hành thiện tâm, tương ứng với trí khởi lên. Ðối với vị vô học (asekha), thời một trong 4 Dục giới Tốc hành Duy tác tâm, tương ứng với trí khởi lên. Lộ trình của Siêu thế appanà-javana được diễn tiến như sau:

1) Parikamma, 2) Upacàra, 3) Anuloma, 4) Gotrabhù, 5) Magga, 6) Phala, Phala,
(Chuẩn-bị, Cận-hành, Thuận-thứ, Chuyển-tánh, Ðạo tâm, Quả tâm, Quả tâm).

Trong lộ trình này, Parikamma có thể khởi hay không tùy theo trình độ tu hành. Ở đây Gotrabhù nghĩa là tâm đã diệt trừ dục giới tánh và phát triển siêu thế tánh.
Một trong 4 Dục giới Tốc hành thiện tâm, tương ứng với trí khởi lên trong 4 giai đoạn sơ khởi này. Ðối tượng của ba tâm sát-na đầu tiên thuộc về Dục giới, nhưng đối tượng của tâm sát-na thứ tư là Niết-bàn. Tuy vậy tâm sát-na Gotrabhù (Chuyển tánh) này chưa có thể diệt trừ các phiền não. Chỉ có Ðạo tâm (magga) tiếp theo mới làm cả hai phận sự thể nhập Niết-bàn và diệt trừ phiền não. Magga hay đạo tâm chỉ khởi có một lần, tiếp theo là 2 quả tâm, nếu có Parikamma, hoặc 3 Quả tâm nếu không có Parikamma.
Trong trường hợp đệ nhị, đệ tam, đệ tứ thiền, tâm sát-na thứ tư được gọi là Vodàna (thanh tịnh), thế cho Gotrabhù. Nếu có tâm Parikamma, thì Vodàna khởi lên vào sát-na thứ tư, nếu không thì vào sát-na thứ ba.
Một trong 4 Ðạo tâm (Magga) chỉ khởi lên một lần trong đời người. Nhưng Quả tâm thì có thể chứng được cả ngày liên tục. Ba Quả tâm trước, Dự lưu, Nhứt lai, Bất lai khởi lên sau một Tốc hành thiện tâm.
Khi hưởng quả A la hán, thì Tốc hành tâm khởi trước phải là Duy-tác, vì một vị A la hán không có Tốc hành thiện tâm.
- 26 Tốc hành tâm tức là Ðại hành 18 + Siêu thế 8.
SỰ LIÊN LẠC GIỮA TỐC HÀNH VÀ AN CHỈ-TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 14) Tattha somanassasahagatajavanànantaram appanà pi somanassasahagatà va pàtikankhitabbà. Upekkhàsahagatajavanànantaram upekkhàsahagatà va. Tatthàpi kusalajavanànantaram kusalajavanam ceva hetthimam ca phalattayamappeti. Kriyàjavanànantaram kriyàjavanam arahattaphalan cà ti.
II. THÍCH VĂN.

- Pàtikankhitabbà: Cần được mong đợi. Hetthimam: Thấp hơn.

III. VIỆT VĂN.

- 14) Ở đây, tiếp theo Tốc hành tâm tương ứng với hỷ, thời Appanà tâm sẽ tương ứng với hỷ. Appanà tâm sẽ tương ứng với xả, nếu Tốc hành tâm đi trước tương ứng với xả. Ở đây, nếu Tốc hành tâm đi trước là thiện, thì Appanà-javana cũng thiện hay, nếu là ba Quả chứng, thời ba Quả tâm thấp hơn khởi lên. Một Tốc hành Duy-tác sẽ được một Tốc hành Duy-tác tiếp theo hay A la hán quả tiếp theo.TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 15) Dvattimsasukhapunnamhà dvàdasopekkhakà param.
Sukhitakriyato attha cha sambhonti upekkhakà.
Puthujjanàna sekkhànam kàmapunna-tihetuto.
Tihetukàmakriyato vìtaràgànamappanà.

II. THÍCH VĂN.

- Dvattimsa: 32. Sambhonti: Có. Tihetuto: Từ ba nhân. Vìtaràgànam: Các vị đã diệt trừ tham, tức là các vị A la Hán.
III. VIỆT VĂN.

- 15) Sau Thiện tâm câu hữu với hỷ, 32 tâm khởi lên; Sau thiện tâm câu hữu với xả, 12 tâm khởi lên; sau Duy tác tâm câu hữu với hỷ, 8 tâm khởi lên; sau Duy-tác tâm câu hữu với xả, 6 tâm khởi lên.
Ðối với phàm phu và các hạng Hữu-học, quả Appanà (An-chỉ) khởi lên tiếp theo Dục giới thiện tâm có ba nhân; Ðối với các vị A la Hán, thời quả Appanà (An-chỉ tâm) khởi lên tiếp theo Dục giới Duy-tác tâm có ba nhân.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Thiện tâm câu hữu với hỷ là 2 Dục giới tâm câu hữu với hỷ và tương ứng với trí.
- Có 32 An-chỉ thiện tâm câu hữu với Hỷ:

Sắc giới (4 thiền câu hữu với lạc): 4
Ðạo (4 Ðạo x 4 thiền): 16
Quả (3 quả trước x 4 Thiền): 12

- Có 8 An-chỉ Duy tác tâm câu hữu với Hỷ:

Sắc giới (4 thiền đầu): 4
Siêu thế giới (A la hán quả x 4 thiền): 4

- 12 An-chỉ thiện tâm câu hữu với xả:
Sắc giới (Thiền thứ 5): 1
Vô sắc giới: 4
Siêu thế (Trừ A la Hán quả): 7

- Có 6 An-chỉ Duy-tác tâm câu hữu với xả:

Sắc giới (Thiền thứ 5): 1
Vô sắc giới: 4
Siêu thế, A la Hán quả: 1
PHẦN BA - ÐỒNG SỞ DUYÊN TÂM (Tadàlambana)
I. PÀLI VĂN.

- 16) Sabbathà pi panettha anitthe àrammane akusalavipàkàneva pancavinnàna-sampaticchana-santìrana-tadàrammanàni. Itthe kusala-vipàkàni. Atiitthe pana somanassa-sahagatàneva santìranata-dàrammanàni.
Tatthàpi somanassasahagatakriyàjavanàvasàne somanassasahagatàneva tadàrammanàni bhavanti. Upekkhàsahagatakriyàjavanàvasàne ca upekkhà-sahagatàni honti.

II. THÍCH VĂN.

- Anitthe àrammane: Ðối tượng không khả ái. Itthe: Khải ái. Atiitthe: Hết sức khả ái.
III. VIỆT VĂN.

- 16) Trong tất cả trường hợp, nếu là một đối tượng không khả ái, thời 5 Thức tâm, Tiếp thọ tâm, Suy đạc tâm, và Ðồng sở duyên là Bất thiện Dị thục. Nếu là một đối tượng khả ái, thì các tâm trên thuộc Thiện dị-thục. Nếu đối tượng rất khả ái, thời Suy đạc tâm và Ðồng sở duyên tâm câu hữu với hỷ.
Nếu Tốc hành tâm của vị A la hán câu hữu với hỷ, Ðồng sở duyên của vị này cũng sẽ câu hữu với hỷ. Nếu Tốc hành tâm câu hữu với xả, Ðồng sở duyên của vị này sẽ câu hữu với xả.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Một kinh nghiệm hiện tại ở Dục giới được tâm thức ghi nhận tùy theo thái độ của chúng ta đối với đối tượng, thái độ này tùy thuộc kết quả của nghiệp chúng ta ở quá khứ. Do vậy, những tâm làm công tác Tadàlambana là 11 Dị thục tâm tức là 3 Suy đạc tâm và 8 Ðại Dị thục.
Nếu Suy đạc tâm câu hữu với hỷ, đối với một đối tượng rất khả ái, thời Tadàlambana cũng câu hữu với hỷ. Tadàlambana vì quá muội lược nên không có thể tương ứng với sân. Tadàlambana là kết quả của những kinh nghiệm quá khứ của chúng ta. Một người có thể quán một vật khả ái đầy những nguy hiểm, nhưng Tadàlambana có thể câu hữu với hỷ. Cũng vậy một người có thể quán Từ bi đối với con rắn, nhưng tại Tadàlambana, người ấy chỉ có xả, không có hỷ. Chỉ có A la hán có thể chế ngự Tadàlambana, và trong trường hợp này, Tadàlambana với Javana đồng tánh với nhau.
ÐỒNG SỞ DUYÊN VÀ ÐỐI TƯỢNG Ở DỤC GIỚI
I. PÀLI VĂN.

- 17) Domanassasahagatajavanàvasàne pana tadàrammanàni ceva bhavangàni ca upekkhàsahagatàni eva bhavanti. Tasmà yadi somanassapatisandhikassa domanassa-sahagatajavanàvasàne tadà-rammanasambhavo natthi, tadà yam kinci paricitapubbam parittàramma-namàrabbha upekkhàsahagatasantìranam uppajjati. Tamanantaritvà bhavangapàto va hotìti vadanti àcariyà.
Tathà kàmàvacarajavanàvasàne kàmàvacarasattànam kàmàvacaradhammesveva àrammnabhùtesu tadàrammanam icchantìti.

II. THÍCH VĂN.

- 17) Domanassa: Ưu. Avasàne: Cuối cùng. Paricitapubbam: Quen thuộc ở quá khứ. Parittàrammanàrabbha: Y cứ trên dục giới đối tượng. Anantaritvà: Tiếp theo, sau khi đó. Àcariyà: Pháp sư.
III. VIỆT VĂN.

- 17) Tiếp theo Tốc hành tâm câu hữu với ưu, cả hai Ðồng sở duyên và Hữu phần đều tương ứng với xả. Do vậy, đối với một người mà Kiết sanh thức tương ứng với hỷ, thời sau Tốc hành tâm tương ứng với ưu, sẽ không có Ðồng sở duyên, khi ấy một Suy đạc tâm tương ứng với xả khởi lên, từ một đối tượng thuộc Dục giới mà người ấy quen thuộc trong quá khứ. Liền sau đó, theo ý kiến một vài Pháp-sư, sẽ chìm xuống trong Hữu phần. Ðồng sở duyên chỉ có thể khởi, cuối cùng một Dục giới Tốc-hành tâm, với những chúng sanh ở Dục giới và chỉ đối với một đối tượng thuộc Dục giới.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Ðồng sở duyên tiếp theo một Dục giới Tốc hành tâm câu hữu với hỷ sẽ câu hữu với hỷ. Cũng vậy, những Tốc hành tâm câu hữu với xả. Theo thông lệ, Tốc hành tâm đi trước và Ðồng sở duyên tâm đi sau đều cùng chung một cảm thọ. Nhưng nếu Tốc hành tâm câu hữu với ưu, thời Ðồng sở duyên sẽ tương ứng với xả. Nếu Kiết sanh thức (Patisandhi) của một người câu hữu với hỷ thời sẽ không có Ðồng sở duyên vì Bhavanga tiếp theo cũng câu hữu với Hỷ. Trong trường hợp này Suy đạc tâm câu hữu với xả khởi lên trong một sát-na và được gọi là àganutukabhavanga. Thông thường, đối tượng của Tốc hành tâm và của Ðồng sở duyên tâm giống nhau. Trong trường hợp này, đối tượng lại khác nhau. Ðối tượng của Santìrana (Suy đạc tâm) là một Dục giới đối tượng mà người này đã quen thuộc trong đời trước của người này. Ðối tượng này được gọi là Paritta (nhỏ) so sánh với sắc giới, vô sắc giới, siêu thế giới đối tượng. Nếu Kiết sanh thức (Patisandhi) không câu hữu với hỷ, thời Ðồng sở duyên sẽ trở thành Upekkhà (xả) cũng như Bhavanga tiếp theo...
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 18) Kàme javanasattàrammanànam niyame sati Vibhùtetimahante ca tadàrammanam ìritam.
II. THÍCH VĂN.

- Satta: Chúng sanh. Niyame: Chắc chắn. Sati: Có. Vibhùta: Rõ rệt. Iritam: Ðược nói đến.

III. VIỆT VĂN.

- 18) (Các vị) nói rằng Ðồng sở duyên khởi lên, đối với những đối tượng rõ rệt và rất lớn, khi nào có sự chắc chắn đối Dục-giới tốc hành tâm, chúng sanh và đối tượng.

IV. THÍCH NGHĨA.
- Tadàlammbana chỉ khởi ra sau những Dục giới Tốc hành tâm, chỉ với những chúng sanh ở Dục giới, với những đối tượng ở Dục giới, những đối tượng này hoặc rất lớn hoặc rất rõ ràng.
CÁC TỐC HÀNH TÂM: THỜI GIAN TÁNH DỤC GIỚI VÀ ÐẠI HÀNH TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 19a) Javanesu ca parittajavanavìthiyam kàmà-vacarajavannàni sattakkhattum chakkhattumeva và javanti. Mandappavat-tiyam pana maranakàlàdisu pancavàrameva. Bhagavato pana yamakapà-tihàriya-kàlàdisu lahukappavattiyam cattàri panca và paccavekkhanacit-tàni bhavantìti pi vadanti. Àikammikassa pana pathâkappanàyam mahaggatajavanàni abhinnàjavanàni ca sabbathàpi ekavàrameva javanti, tato param bhavangapàto va.
II. THÍCH VĂN.

- Sattakkhattum: 7 lần. Chakkhattumeva: 6 lần. Mandapavattiyam: Khi bị bất tỉnh. Maranakàla: Khi sắp chết. Pacavàram: 5 lần. Yamakapàtihàriyakàlà: Trong khi hiện thần thông Song hành. Kahukappavattiyam: Khi sự diễn tiến quá mau lẹ. Àdikammika: Người mới tập sự. Pathamakappanàyam: Trong khi tu sơ thiền. Abhinnàjavanàni: Những thắng trí tốc hành tâm. Ekavàrameva: Chỉ có một lần.
III. VIỆT VĂN.

- 19a) Trong những Tốc hành tâm, khi lộ trình thuộc về Dục giới, thời những Dục giới tốc hành tâm sẽ khởi lên 7 lần hay sáu lần. Trong trường hợp bị bất tỉnh hay khi gần chết v.v..., tốc hành tâm được lặp đi lặp lại 5 lần. Khi đức Thế-Tôn làm các thần thông gọi là song hành v.v..., khi sự diễn tiến rất mau lẹ, nên tâm suy quán khởi lên 5 hay 6 lần (các vị Pháp sư) nói như vậy.
Ðối với kẻ tu hành mới chứng lần đầu tiên, trong thiền thứ nhất, những Ðại-hành tốc hành tâm và Thắng trí tốc hành tâm khởi lên chỉ có một lần trong mọi trường hợp, rồi bị chìm xuống Bhavanga (Hữu phần).

IV. THÍCH NGHĨA.
- Cả về phương diện tâm lý và đạo đức, Javana tâm rất quan trọng vì thiện hay ác được định đoạt trong giai đoạn này. Thông thường Dục giới Tốc hành tâm tồn tại 6 hay 7 sát-na. Khi con người bị bất tỉnh hay sắp chết, tốc hành tâm tồn tại chỉ có 5 sát-na. Khi đức Phật hiện thần thông, phun lửa lẫn nước từ thân của Ngài, chỉ có 4 hay 5 Tốc hành tâm khởi lên để suy quán những tâm sở thiền, một điều kiện tiên quyết để hiện thần thông song hành. Khi người tu thiền lần đầu tiên, chứng được sơ thiền Tốc hành tâm chỉ tồn tại có một sát-na. Cũng vậy khi chứng được 5 Thắng trí (Abhinnà) tức là: 1) Iddhividha (Thần túc thông), 2) Dibbasota (Thiên nhĩ thông), 3) Dibbacakkhu (Thiên Nhãn thông), 4) Paracittavijànana (Tha tâm-thông), 5) Pubbe nivàsànussatinànna (Túc mạng thông).
SIÊU THẾ TỐC HÀNH TÂM
I. PÀLI VĂN.

- 19b) Cattàro pana magguppàdà ekacittakkhanikà. Tato param dve tìni phalacittàni yathàraham uppajjanti. Tato param param bhavangapàto. Nirodhasamàpattikàle dvikkhattum catutthàruppajavanam javati. Tato param nirodham phusati. Vutthànakàle ca anàgàmiphalam và arahattaphalam và yathàrahamekavàram uppajjitvà niruddhe bhavangapàto va hoti.
Sabbathà pi samàpattivìthiyam bhavangasote viya vìthiniyamo natthìti katvà bahùni pi labbhantìti.
20. Sattakkhattum parittàni maggàbhinnà sakim matà.
Avasesàni labbhanti javanàni bahùni pi.

II. THÍCH VĂN.

- Magguppàdà: Khi đạo tâm sanh khởi. Ekacittakkhanikà: Nhứt tâm sát-na. Nirodhasamàpattikàle: Khi chứng diệt tận định. Phusati: Cảm xúc. Catutthàruppajavanam: Vô sắc đệ tứ thiền tốc hành tâm. Vutthànakàle: Khi từ định khởi dậy. Ekavàram: Một lần. Bhavangasote: Trên dòng của Hữu phần. Vìthiniyamo: Sự quyết định của lộ trình. Sakim: Một lần. Matà: Cần phải hiểu. Avasesàni: Những trường hợp khác.
III. VIỆT VĂN.

- 19b. 4 Ðạo khởi lên chỉ tồn tại có một sát-na. Rồi đến hai hay ba Quả tâm tùy thuộc khởi lên. Rồi chìm xuống Hữu-phần. Khi chứng Diệt tận định, Ðệ tứ thiền Tốc hành tâm cõi vô sắc chạy đến hai lần, rồi chứng Diệt tận định. Khi từ định ấy khởi dậy, hoặc A-na-hàm quả hay A la hán quả tùy thuộc khởi lên một lần. Khi quả tâm này diệt, thời chìm xuống Hữu phần.
Trong mọi trường hợp, trên lộ trình của sự quả chứng này, lộ trình diễn tiến như dòng sông của Hữu phần, không có sự dừng nghi lộ trình của tâm, Tốc hành tâm có thể tồn tại lâu dài.
20. Cần phải biết, Tốc hành tâm ở Dục giới khởi lên 7 lần, Ðạo tâm và Thắng trí tâm chỉ có một lần. Các trường hợp khác, các Tốc-hành tâm khởi lên nhiều lần.

IV. THÍCH NGHĨA.
- 4 Tốc hành Ðạo tâm cũng chỉ có một tâm sát-na. Chính ở đây mà Niết-bàn được trực nhận lần đầu tiên. Một vị A na hàm hay A la hán đã tu sắc giới và vô sắc giới thiền có thể, với sức mạnh của ý chí, tạm dừng sự trôi chảy của tâm thức cho đến 7 ngày không dừng nghỉ. Khi một người chứng đến quả này, mọi hoạt động tâm linh đều dừng nghỉ, cho đến hơi thở cũng không, nhưng vẫn còn mạng căn và sức nóng. Sự sai khác giữa một thây chết và một vị vào Diệt tận định là vị này vẫn sống như thường. Ðịnh này được đặt tên là Nirodhasamàpatti, nirodha là diệt. Samàpatti là chứng đến. Sách nói rằng thân của vị đang nhập định này không thể bị ai làm hại.
Liền trước khi chứng định này, vị này chứng trong hai sát-na, vô sắc đệ tứ thiền (phi tưởng phi phi tưởng xứ). Rồi dòng tâm thức dừng lại cho đến khi vị này muốn xuất khỏi Diệt tận định. Thường lệ, vị này nhập định khoảng một tuần lễ. Khi vị này từ định khởi dậy, sát-na tâm đầu tiên là A na Hàm quả tâm nếu vị này là vị A na Hàm; hay là A la hán quả tâm nếu vị này là A la hán. Sau đó dòng tâm thức chìm lại trong Bhavanga.
PUGGALA-BHEDA: CÁC LOẠI CHÚNG SANH - VÔ NHÂN VÀ NHỊ NHÂN CHÚNG SANH
I. PÀLI VĂN.

- 21) Duhetukànamahetukànan ca panettha kriyàjavanàni ceva appanàjavanàni ca na labbhanti. Tathà nànasampayutta-vipàkàni ca sugatiyam. Duggatiyam pana nànavippayuttàni ca mahàvipàkàni na labbhanti.
II. THÍCH VĂN.

- Duhetukànam: Những chúng sanh có hai nhân. Ahetukànam: Những chúng sanh vô nhân. Kriyàjavanàni: Duy tác tốc hành tâm. Appanàjavanàni: An chỉ tốc hành tâm. Na labbhanti: Không có được. Sugatiyam: Ở Thiện thú. Duggatiyam: Ở Ác thú.

III. VIỆT VĂN.

- 21) Ở đây, đối với chúng sanh có dị thục hai nhân và không nhân, không có Duy-tác Tốc hành tâm và An chỉ Tốc hành tâm. Cũng vậy chúng sanh ở thiện thú cũng không có Dị thục tâm tương ứng với trí. Còn chúng sanh sinh ở ác thú thời Ðại Dị-thục không tương ứng với trí cũng không có.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Vì sự sai khác của tâm tánh nên chúng sanh chia làm ba loại.
a) Chúng sanh hạ tánh: Tâm của chúng thuộc bản năng và hành động của chúng bị tham, sân, si chi phối trong đời trước. Tâm của chúng yếu ớt như Suy-đạc tâm câu hữu với xả, tức là Dị-thục bất thiện tâm. Những hạng này không thể chứng thiền tâm.
b) Những kẻ ngu si, điếc và sinh ra mù. Tâm của chúng cũng thuộc về bản năng như tâm của hạng trước, rất yếu ớt vì hành động quá khứ của chúng được thiện nhân (kusala hetu) rất yếu chi phối, yếu như Suy-đạc tâm câu hữu với xả, tức là Di-thục của thiện tâm không tương ứng với trí. Hai hạng chúng sanh này được gọi là Ahetuka (vô nhân chúng sanh) vì Dị thục của chúng không có nhân nào. Chúng cũng không có thể chứng thiền tâm.
c) Những chúng sanh có vô tham và vô sân nhưng không có vô si được gọi là Duhekuta (nhị nhân chúng sanh), vì hành động của chúng được vô tham, vô sân chi phối mạnh ở quá khứ, nhưng không có vô si. Chúng không có vô si trong Di thục tâm của chúng. Hạng chúng sanh này không có Jhàna (Thiền)
TAM NHÂN CHÚNG SANH
I. PÀLI VĂN.

- 22) Tihetukesu ca khìnàsavànam kusalàkusalajavanàni ca na labbhanti, tathà sekkha-puthujjanànam kriyàjavanàni. Ditthigatasampayuttavicikicchàjavanàni ca sekkhànam. Anàgàmipuggalànam pana patighajavanàni ca na labbhanti. Lokuttarajavanàni ca yathàraham ariyànameva samuppajjantì ti.
II. THÍCH VĂN.

- Tihetukesu: Với chúng sanh có ba nhân. Khìnàsavànam: Ðã diệt trừ các lậu hoặc. Sekkha: Hạng hữu học. Anàgàmipuggalànam: Các chứng sanh chứng quả Bất lai. Patigha: Sân.
III. VIỆT VĂN.

- 22) Ðối với các vị đã diệt trừ lậu hoặc các hạng ba nhân chúng sanh, thiện và bất thiện Tốc hành tâm không khởi lên. Cũng vậy, đối với chúng sanh phàm phu và hàng hữu học, Duy tác tốc hành tâm không khởi lên. Ðối với các hàng hữu học, tâm tương ưng với tà kiến hay tâm tương ưng với nghi không khởi lên. Ðối với chúng sanh đã chứng A-na-hàm, hai tâm tương ưng với sân không khởi lên. Và những Siêu thế Tốc hành tâm sẽ tùy thuộc sự thích ứng, khởi lên với các vị Thánh.
IV. THÍCH NGHĨA.
- Những chúng sanh nào có tâm mạnh mẽ và sáng suốt vì hành động của chúng ở quá khứ được vô tham, vô sân và vô si chi phối, được gọi là ba nhân chúng sanh. Sở dĩ được gọi như vậy vì tâm dị thục này câu hữu với ba thiện nhân. Các vị này có thể tu thiền và chứng được Siêu thế tâm.
Các vị có nhị nhân tâm và vô nhân tâm không có được Duy tác hay An-chỉ tâm. Dầu chúng sinh ra làm người, chúng không có Tịnh quang Dị thục tâm tương ưng với trí (vì chúng không có Tịnh quang Thiện tâm tương ưng với trí trong đời trước). Nếu sinh ra làm thú vật hay hạng chúng sanh thấp kém hơn, chúng cũng không có Tịnh quang Dị thục tâm không tương ưng với trí.
TOÁT YẾU
I. PÀLI VĂN.

- 23) Asekkhànam catucattàlìsa sekkhànamuddise, Chapannàsàvasesànam catupannàsa sambhavà.
II. THÍCH VĂN.

- Uddise: Ðược nói đến. Catucattàlìsa: 44. Chapannàsa: 56. Avasesànam: Các chúng sanh còn lại. Catupannàsa: 54. Sambhavà: Có.
III. VIỆT VĂN.

- 23) Ðối với hạng vô học, có 44 tâm khởi lên. Ðối với hạng hữu học, có 56 tâm khởi lên. Còn đối với chúng sanh còn lại, có 54 tâm khởi lên.
IV. THÍCH NGHĨA.
a) Vị A la hán không có 45 tâm sau đây:

Bất thiện 12 + Dục giới thiện 8 + Sắc giới thiện 5 + Vô sắc giới thiện 4 + Ðạo tâm 4 + Ðại hành Dị thục 9 và ba quả đầu 3.
Trừ 45 tâm này, các vị A la hán có thể có 89 - 54: 44 tâm.

b) Các vị hữu học không có 33 tâm sau đây:

* Duy tác tốc hành tâm (Tiếu sanh tâm 1 + Dục giới hữu nhân tâm 8 + Ðại hành tâm 9): 18.
* Bất thiện tâm tương ưng với Tà kiến 4 + Bất thiện tâm tương ưng với nghi 1 + A la hán quả 1 + Ðại hành Dị thục 9: 15

Trừ 33 tâm này, các vị hữu học có 89 - 33: 56 tâm.
c) Các vị phàm phu không có 35 tâm sau đây:

Duy tác tốc hành 18 + Siêu thế tâm 8 + Ðại hành Dị thục 9.
Trừ 35 tâm này, các vị phàm phu có 89 - 35: 54 tâm.
CÁC ÐỊA GIỚI: BHÙMI
I. PÀLI VĂN.

- 24) Kàmàvacarabhùmiyam panetàni sabbàni vìthicittàni yathàrahamupalabbhanti, rùpàvacarabhùmiyam patighajavanatadàrammanavajjitàni. Arùpàvacarabhùmiyam pathamamaggarùpàvacarahasanahethimàruppavajjitàni ca labbhanti. Sabbatthàpi ca tạm-tạm-pasàdarahitànam tam-tam-dvàrikavìthicittàni na labbhanteva. Asannasattànam pana sabbathà pi cittappavatti natthevà ti.
II. THÍCH VĂN.

- Upalabbhanti: Có được. Hetthhimà: Các tâm ở dưới. Pasàdarahitànam: Những chúng sanh không có tịnh sắc căn. Asannasattànam: Các chúng sanh vô tưởng. Cittappavatti: Sự diễn tiến của tâm.
III. VIỆT VĂN.

- 24) Ở trên Dục giới địa, tất cả tâm diễn tiến trên những lộ trình đã nói đến trước đều được khởi lên, tùy theo trường hợp. Trên Sắc giới địa, trừ tốc hành tâm tương ưng với sân và tất cả tâm làm phận sự Ðồng sở duyên.
Trên vô sắc giới địa, đạo tâm thứ nhất, tất cả tâm ở sắc giới, Tiếu sanh tâm và tâm của một sô sắc giới địa thấp hơn không có thể khởi lên.
Trong mọi trường hợp, khi nào thiếu một căn môn nào, thì những tâm của lộ trình khởi qua căn môn ấy không thể khởi lên. Ðối với chúng sanh vô tưởng, trong mọi trường hợp, không có sự diễn tiến của tâm.
TÓM TẮT
I. PÀLI VĂN.

- 25) Asìti vìthicittàni kàme rùpe yathàraham, Catusatthi tathà-rùpe dvecattàlìsa labbhare.
26) Iccevam chadvàrikacittappavatti yathàsambhavam bhavangantarità yàvatàyukamabbocchinnam pavattatìti.

II. THÍCH VĂN.

- Asìti: 8. Catusatthi:64. Dvecattàlìsa: 42. Labbhare: Khởi lên, chứng được. Iccevam: Như vậy. Yathàsambhavam: Tùy theo sự có mặt. Bhavangantarità: Sau khi chìm vào trong hữu phần: Yàvatàyukam: Cho đến mạng chung. Abbocchinnam: Không gián đoạn. Pavattati: Diễn tiến.

III. VIỆT VĂN.

- 25) Ở Dục giới, 8 tâm có thể khởi trên lộ trình. Ở sắc giới 64, và ở vô sắc giới 42 tâm có thể khởi lên tùy theo trường hợp.
26) Như vậy, sự diễn tiến của tâm ngang qua 6 căn môn tùy theo chúng khởi lên, sau khi chìm trong hữu phần, được diễn tiến không có gián đoạn cho đến lúc chết.

IV. THÍCH NGHĨA.
- 1) Trừ 9 Ðại hành Dị thục, tất cả 8 tâm còn lại có thể khởi lên trong sự diễn tiến của tâm ở Dục giới.
2) Trừ 16 tâm (Sân tâm 2 + Ðại Dục thục Ðồng sở duyên 8 + Tỷ, thiệt, thân thức 6), 64 tâm còn lại (8 - 16) khởi lên ở sắc giới.
3) 42 tâm sau đây khởi lên ở vô sắc giới:

Bất thiện tâm (trừ 2 sâm tâm) 10 + Ý môn hướng tâm 1 + Dục giới thiện duy tác tâm 16 + Vô sắc giới tâm 8 + Siêu thế tâm (trừ Ðạo tâm thứ nhất) 7 tâm.TÓM TẮT CÁC LOẠI LỘ TRÌNH
I. Qua 5 căn môn: Ðối tượng rất lớn.
1. Atìta Bhavanga, 2) Bhavanga calana, 3) Bhavangupaccheda, 4) Pancadvàràvajjana, 5) Cakkhuvinnàna, 6) Sampaticchana, 7) Santìrana, 8) Votthapana, 9 - 15) Javana, 16 - 17) Tadàlambana.
(Hữu phần quá khứ, Hữu phần rung động, Hữu phần ngưng lại, 5 môn hướng tâm, Nhãn thức, Tiếp thọ tâm, Suy đạc tâm, Xác định tâm, Tốc hành tâm, Ðồng sở duyên).
II. - Qua ý môn: Ðối tượng rất rõ ràng
1) Manodvàràvajjana, 2 - 8) Javana. 9 - 10) Tadàlambana.
(Ý môn hướng tâm, Tốc hành tâm, Ðồng sở duyên tâm).
III. Các Sắc giới Thiền tâm
1) Manodvàràvajjana, 2) Parikamma, 3) Upacàra, 4) Anuloma, 5) Gotrabhù, 6) Appanà
(Ý môn hướng tâm, chuẩn bị, cận hành, thuận thứ, chuyển tánh, an chỉ).
IV. - Các vô sắc giới Thiền tâm
1) Manodvàràvajjana, 2) Parikamma, 3) Upacàra, 4) Anuloma, 5) Gotrabhù, 6) Àkàsanancàyatana.
(Ý môn hướng tâm, Chuẩn bị, Cận hành, Thuận thứ, Chuyển tánh, Không vô biên xứ).
V. - Siêu thế tâm
1) Parikamma, 2) Upacàra, 3) Anuloma, 4) Gotrabhù, 5) Magga, 6 - 7) Phala.
(Chuẩn bị, Cận hành, Thuận thứ, Chuyển tánh, Ðạc tâm, Quả tâm).

Ghi chú: Có thể tham chiếu thêm với:
1) Vi Diệu Pháp Toát Yếu, bản dịch Việt ngữ của Phạm Kim Khánh (với đầy đủ các ký tự Pàli).
2) A Manual of Abhidhamma, bản dịch Anh ngữ và chú thích của Hòa Thượng Narada.
-ooOoo-