1. Hiến xác có phải Bố thí Ba-la-mật? Có người nói hiến như vậy khi chết rồi tâm thức thấy thân mình bị mổ xẻ sinh ra đau khổ, sợ hãi, có đúng không?
- Cứ bố thí thì bố thí, đừng nghĩ là Ba-la-mật hay không Ba-la-mật gì cả. Mục đích bố thí là để vượt qua cái ngã xan tham ích kỷ, vượt qua bản ngã chính là Ba-la-mật. Vì xan tham ích kỷ chỉ củng cố cho cái ngã sở hữu nên càng tích luỹ nhiều càng đau khổ nhiều vì vậy bố thí để bớt xan tham ích kỷ chính là vượt qua chính mình. Nói chung có tâm hiến xác sau khi chết là tốt rồi. Thường người phát tâm hiến xác là người có trình độ nhận thức tốt về sự sống chết.
Ba-la-mật cũng có nhiều cấp độ, như việc hiến xác sau khi chết với tâm vị tha có thể được xem như Ba-la-mật cấp độ 1 tương đương với bố thí tài sản. Hiến tạng như cho thận, cho mắt, cho máu... khi đang còn sống với tâm vị tha có thể được xem như Ba-la mật cấp độ 2. Hiến cả sinh mạng của mình vì lòng vị tha là Ba-la-mật cấp độ cao nhất.
Đồng thời còn tuỳ người hiến xác có nguyện vọng như thế nào nữa: Có người hiến xác sau khi chết cho nghiên cứu khoa học với tâm nguyện làm lợi ích mọi người. Có người tình nguyện nếu còn mạnh khoẻ mà đột tử thì xin hiến các bộ phận cơ thể để cấy ghép cho người khác đang cần… Những người này sau khi chết sẽ không còn luyến tiếc vào thể xác nên đã được tái sinh làm người hoặc sinh thiên ngay làm sao còn sợ bị mổ xẻ hay thiêu đốt nữa, nếu đã sợ thì sau khi chôn thấy thân mình bị mục rã từ từ hoặc bị côn trùng đục khoét càng đau khổ sợ hãi lâu dài hơn nữa.
Cô Nguyên Hương góp ý: Có người lúc sống thì tình nguyện hiến tạng sau khi chết nhưng khi chết rồi lại luyến tiếc xác thân. Ở Hawai một người phụ nữ có tâm muốn hiến xác nhưng khi chết bất đắc kỳ tử trong tai nạn ô tô. Người ta lấy bộ phận trong cơ thể bà ghép cho người phụ nữ khác. Cô người Việt được nhận 1 bộ phận từ cơ thể bà và từ đó cô cứ thấy 1 người lãng vãng theo mình và đòi cái gì của họ. Cô này sợ quá bỏ đi tu, sau nhiêu năm tu hành tinh tấn mới không còn bị theo đòi nữa.
- Có hai trường hợp: Một là người được ghép tạng từ một xác chết nên bị ám ảnh sinh ra tự kỷ ám thị. Hai là người hiến xác mong rằng làm như vậy sẽ được chết bình an nên đó chỉ là một sự đánh đổi chứ không thực sự xả kỷ vị tha. Do đó khi chết bất đắc kỳ tử, quá bất ngờ, tâm người ấy còn bám víu vào thể xác mà sinh vào cõi Âm vì vẫn còn ảo tưởng mình chưa chết.
Cũng cần nói thêm rằng người thường quán niệm về sự chết và quán niệm về thân ô trượt sẽ không sợ chết và khi chết sẽ không luyến tiếc xác thân… còn người quá chăm chút xác thân thì rất dễ bị luyến tiếc thân xác.
2. Người hiến xác khi chết mạng căn và hơi ấm không còn, làm sao biết thức tánh của người ấy đã lìa khỏi xác chưa? Và khi đó phải xử lý với xác ấy thế nào cho đúng?
- Theo nguyên tắc thì ngay khi chết thức tái sinh liền đi đầu thai, chỉ khi còn luyến tiếc gì đó mới tạm thời sinh vào cõi Âm (Tây Tạng gọi là thân trung ấm) tức người chết tưởng mình vẫn còn sống thực ra lúc đó đã là một Asura hoặc Peta rồi chứ không phải là thức tánh, vong linh hay linh hồn vất vưởng như người ta thường nói. Do tâm còn bám víu nên người chết tưởng mình là ông A, bà B… như khi còn sống mà bám vào thân do tưởng sinh. Nếu như vậy người Âm ấy sẽ chấp vào xác thân, nếu chôn, thiêu hay hiến xác gì đi nữa thì cũng vẫn chấp. Còn người hiểu Pháp thường quán niệm về sự chết thì đâu còn sợ.
Khoa học mới chứng minh được rằng sau khi chết thần thức người đó vẫn còn. “Còn" ở đây có hai nghĩa: Một là thân mạng đã chết lâm sàng nhưng nghiệp mạng thì vẫn chưa dứt trong một thời gian ngắn, do đó thường sau khi chết phải để thêm một thời gian mới nên khâm liệm. Hai là “còn" theo nghĩa đã tái sinh vào cõi Âm. Đa phần người chết không hiểu đạo, còn dính mắc dương thế nên chưa được tái sinh vào cõi tốt liền mà vẫn giữ hình ảnh mình trong cõi âm. Đức Phật dạy người thân nên làm phước cúng dường để hồi hướng cho người mới chết để họ hoan hỷ với phước đó mà thoát được thân ảo ảnh trong cõi Âm.
3. Những người mất đi để lại xá lợi có phải Thánh không?
Tùy tâm nguyện. Có nhiều vị Thánh không để lại xá lợi, trong khi người Phàm lại thích để lại Xá Lợi. Xá Lợi không biểu hiện Thánh hay Phàm. Trong thời đức Phật có nhiều vị Thánh không để lại xá-lợi, như ngài Bakula sống đến 160 tuổi khi tịch bay lên giữa hư không và để cơ thể tan biến vào hư không chẳng để lại xá-lợi gì cả.
Trích ghi từ Trà Đạo Bửu Long ngày 18 tháng 8 năm 2016